Bộ môn Tôn giáo học

https://frs.ussh.vnu.edu.vn


Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch

[TƯ LIỆU - THĂNG LONG LIBRARY] Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2021), mục tư liệu của Thư viện Thăng Long trên Website Bộ môn Tôn giáo học xin trân trọng trích đăng "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" của tác giả Trần Dân Tiên:
       



       "Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình.
      Ngày 2-9-1945, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ Chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ Chủ tịch trang nghiêm đọc bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.
       Ngày thứ hai tôi viết thư xin phép được gặp Hồ Chủ tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôi rất sung sướng tiếp được thư trả lời của Hồ Chủ tịch viết như thế này:
                                     "Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến"
                                               
ký tên: HỒ CHÍ MINH
       Thư trả lời chóng, nội dung thư giản đơn và giờ hẹn gặp sớm khiến cho tôi rất băn khoăn.
      Sáng 4-9, 7 giờ 25, tôi đến dinh Chủ tịch. Đúng 7 giờ 30, một người thanh niên đến phòng khách, lễ phép nói với tôi: "Hồ Chủ tịch đang đợi anh ở phòng làm việc". Phòng làm việc của Chủ tịch là một gian phòng rất rộng, một bên có nhiều cửa sổ lớn.
       Trong phòng có một cái bàn làm việc, một chiếc giường, một tủ sách nhỏ kê sát vào tường, và hai bàn nhỏ của hai thư ký. Phía trên lò sưởi, có một lọ hoa. Đây là tất cả những đồ trong phòng làm việc, không có một thứ trang trí gì khác.
      Hồ Chủ tịch thường mặc bộ quần áo ka-ki, đi giày vải đen. Tóc người đã hoa râm, trán rộng và cao, đôi mắt sáng ngời, mũi thẳng, râu che nửa miệng, mặt gầy, da ngăm ngăm đen, khiến ta nghĩ đến sương gió dãi dầu trong rừng sâu và những nỗi gian khổ của chiến tranh du kích.
       Lần mới gặp, tôi có cảm giác Người giống một thầy giáo ở nông thôn.
     Tôi bước vào phòng kính cẩn chào. Chủ tịch đứng dậy bắt tay tôi và mời ngồi trước bàn làm việc. Trước hết, Người hỏi thăm sức khỏe của thầy mẹ tôi và sau mới nói: "Tôi có thể giúp chú việc gì nào?". Tôi nói rõ mục đích của tôi. Chủ tịch chú ý nghe. Sau khi tôi nói xong, Người cười và đáp:
       "Tiểu sử. Đấy là một ý kiến hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau tám mươi năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi... thong thả sẽ nói đến! ".
        Tôi như chạm phải một bức tường. Nhưng tôi không thất vọng.
        Về sau, tôi đặt kế hoạch khác:
        Phương pháp trực tiếp, nghĩa là nói chuyện thẳng với Hồ Chủ tịch để có tài liệu, điều ấy đã không thành. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, tôi mới hiểu là phương pháp ấy không thể không thất bại. Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người được?
        Hiện nay, chỉ còn phương pháp gián tiếp, nghĩa là hỏi những người trước kia, trong một thời gian nào đó, đã trực tiếp hoặc gián tiếp biết Hồ Chủ tịch, không cứ người đó là người Việt-nam hay ngoại quốc, để lấy tài liệu viết tiểu sử. Phương pháp này rất khó khăn và cần nhiều thì giờ, nhưng may ra thì thành công. Cuối cùng kết quả chứng tỏ rằng cách ấy là đúng. Tôi theo phương pháp ấy, sau hai năm làm việc, cuối cùng có khá tài liệu để viết một ít chuyện về Hồ Chủ tịch.
      Tôi cũng nhận rằng trong quyển này còn thiếu nhiều đoạn. Trong đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Những đoạn ấy phải chăng là rất quan trọng? Tôi không thể biết, đồng thời tôi cũng nghĩ rằng: ngoài Hồ Chủ tịch, thì không ai có thể trả lời được câu hỏi đó.
    

     Hồ Chủ tịch sinh năm 1890. Quê Người ở làng Kim-liên, huyện Nam-đàn, tỉnh Nghệ-an (Trung-bộ). Phụ thân Người là một cụ Phó bảng, nhưng gia đình Người là một gia đình nông dân. Trong thời kỳ ấy, Pháp mới xâm chiếm Việt-nam. Nhân dân Việt-nam đều oán ghét bọn chủ mới. Các chiến sĩ du kích già thường nhắc đến các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, hai vị lãnh tụ đã lãnh đạo chiến tranh du kích chống Pháp.
    Cụ Phan Đình Phùng là một học giả nổi tiếng và một vị quan to. Ở Trung-bộ, Cụ là người chí sĩ yêu nước đầu tiên đứng lên chống lại bọn đế quốc Pháp xâm lược. Cụ tổ chức những phần tử trí thức và nông dân Trung-bộ, lãnh đạo họ đấu tranh gian khổ chống bọn xâm lược, trải qua ba, bốn năm. Tuy Cụ đã mất nhưng tên Cụ trở thành tượng trưng cho lòng yêu nước.
     Cụ Hoàng Hoa Thám là một nông dân ở Bắc-bộ. Trong mấy năm, Cụ lãnh đạo một số chiến sĩ du kích đấu tranh anh dũng. Năm 1912, trong khi sơ suất, Cụ bị tay sai của Pháp ám sát.
     Đầu thế kỷ XX, để đắp con đường Cửa-rào, bọn Pháp bắt nông dân từ mười tám đến năm mươi tuổi phải đi phu. Vì bọn đốc công Pháp tàn bạo, nước độc và lương thực thiếu nên nhiều người đi phu bị chết, những người sống thì đều đau ốm. Điều đó khơi sâu thêm lòng căm thù của nhân dân ta đối với thực dân.
     Kinh tế thuộc địa xâm nhập, đảo lộn kinh tế trong nước. Giai cấp tư sản dân tộc không ngóc đầu lên được. Giai cấp tiểu tư sản bắt đầu phá sản. Để củng cố thế lực còn yếu, thực dân Pháp ra sức giúp đỡ thế lực phong kiến và bọn tay sai của chúng. Hối lộ công khai. Nhân dân khốn khổ.
    Thuế má nặng nề, sưu dịch phiền phức, bắt buộc phải uống rượu của Pháp nấu, khuyến khích hút thuốc phiện... Tất cả những điều đó đã biến Việt-nam thành một địa ngục.
      Cũng trong thời kỳ ấy, cuộc vận động cải lương phát triển ở Trung-quốc, trước thì có Lương Khải Siêu, sau thì có bác sĩ Tôn Dật Tiên. Đồng thời chiến tranh Nga - Nhật kết thúc. Đế quốc Nhật thắng Nga hoàng.
      Cụ Phan Chu Trinh mở trường học, bí mật truyền bá chủ nghĩa yêu nước và công kích bọn cầm quyền Pháp. Vì vậy, cụ bị kết án tử hình, nhưng được Hội Nhân quyền Pa-ri cứu.
      Cụ Phan Bội Châu sang Nhật, sau sang Trung-quốc. Ở nước ngoài. Cụ kêu gọi nhân dân Việt-nam làm cách mạng. Những bài thơ của Cụ được bí mật truyền tụng trong nhân dân Việt-nam.
      Năm 1907, lần đầu tiên nông dân các tỉnh Trung-bộ nổi dậy chống thuế. Họ đi tay không, không có khí giới. Họ chỉ yêu cầu giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là "đồng bào".
      Bọn Pháp dùng khủng bố đại quy mô để trả lời họ. Chúng giết hơn một nghìn người cầm đầu và những người bị nghi là có dính dáng đến việc đó. Nhà tù chật ních người. Những người cất giấu báo chí Trung-quốc hoặc báo chí gì khác, nếu giặc tìm ra, đều bị trừng phạt nặng. 
       Hầu hết những phần tử trí thức yêu nước đều bị bắt bỏ tù. Những học giả nổi tiếng được nhân dân kính mến, cũng bị chém đầu. 
       Bọn Pháp gọi phong trào ấy là "án đồng bào cắt tóc" vì nông dân dùng hai tiếng "đồng bào" để gọi nhau.
        Đó là tình trạng trong nước và ngoài nước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên mười lăm tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một vị nào. Vì:
         Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
        Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau".
        Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến.
        Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Cụ Phan Bội Châu vào bậc chú bác của anh. Cụ Phan Bội Châu muốn đưa Anh và một số thanh niên sang Nhật.
        Nhưng Anh không đi. Anh muốn làm gì?
        Một vị trí thức ở Sài-gòn kể lại cho tôi:
       "Trong khi còn học ở trường Chasseloup-Laubat, tôi gặp một người thanh niên ở Trung-bộ vào Sài-gòn ở nhà một người bạn. Vì cùng một lứa tuổi, cho nên chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân. Tôi đưa anh đến trước tiệm cà-phê của Pháp xem đèn điện, xem chiếu bóng và máy nước. Những cái đó trước kia anh chưa hề thấy. 
       Một hôm tôi mời anh ăn kem. Anh rất lạ. Lần đầu tiên anh mới nếm mùi kem.
       Sau ít hôm, anh đột nhiên hỏi tôi: "Anh Lê, anh có yêu nước không? ".
       Tôi ngạc nhiên và đáp: "Tất nhiên là có chứ! ".
      - Anh có thể giữ bí mật không?
      - Có.
      - Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không?
      - Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?
      - Đây, tiền đây. - Anh bạn của tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay. - Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?
      Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh, tôi đồng ý.
      Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu, tôi không có đủ can đảm để giữ lời hứa.
      Vài ngày sau, tôi không gặp lại anh bạn nữa. Tôi đoán là anh ta đã đi ngoại quốc. Anh ta đi bằng cách nào? Tôi không biết. Về sau, tôi chỉ biết người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ tịch của chúng ta ngày nay".
      Chính ông Mai ở Hải-phòng, nhân viên cũ trên một chiếc tàu Pháp của hãng "Vận tải hợp nhất" đã cho chúng tôi biết những điều mà ông Lê không rõ.
      Ông Mai kể lại.
     "Vào khoảng cuối năm 1911 hay 1912 - tôi không nhớ đúng nữa - tôi làm việc ở phòng ăn của các sĩ quan trên tàu. Tàu chúng tôi cập bến Sài-gòn để lấy hàng và đón khách.
      Một buổi trưa, một người trai trẻ lên tàu. Sau một phút ngập ngừng, anh ta hỏi xin việc.
      Chúng tôi trả lời là không có việc và có chăng nữa, chúng tôi cũng không có quyền nhận anh ta. 
     Chúng tôi cười vì chàng trai có vẻ một anh học trò, không phải là người lao động như chúng tôi. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: "Một người như thế có thể làm được công việc gì trên tàu?".
     Tôi không hiểu tại sao tôi thấy thương hại anh ta và tôi nói: "Đi theo tôi, tôi sẽ dẫn anh đến gặp chủ tàu. Có lẽ ông ta sẽ có việc cho anh làm".
     Chủ tàu hỏi: "Anh có thể làm việc gì?".
     - Tôi có thể làm bất cứ việc gì! Chàng trai trả lời.
     - Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp. Sáng mai anh đến đây nhận việc.
     Chàng trai ấy xưng tên là Ba. Vì tôi đã giúp anh việc nhỏ ấy, cho nên anh ta rất thân với tôi, và cũng vì anh ta rất dễ yêu nên tôi cũng rất thân với anh ấy. Việc gì tôi làm được là tôi cố làm để giúp anh ta, vì anh ta chưa biết làm gì cả. Vả lại, anh ấy có can đảm và nhẫn nại. Phụ bếp trên tàu, mỗi ngày anh ta phải làm: từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá, v.v... Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất rét. Nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành.  
 
      Xong công việc ấy, phải dọn cho bọn chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa chảo nồi và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày.
      Nhà bếp lo ăn cho bảy, tám trăm người cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Và những cái nồi cao quá, anh phải leo lên ghế để chùi nồi. Luôn luôn nghe tiếng:
   - Ba, đem nước đây!
   - Ba, dọn chảo đi!
   - Ba, thêm than chỗ này, thêm than chỗ kia!
     Suốt ngày, anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than. Người ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong công việc. Và hơn nữa, vì chưa quen việc, anh phải gọt xong đống củ cải và khoai tây. Anh không biết làm thế nào. Tôi dạy cho anh. Tôi còn nhớ một lần phải gọt măng tây. Đây là lần đầu tiên anh Ba thấy măng tây. Anh ta bắt đầu gọt trơ trụi, thì vừa lúc tôi đến. Tôi hối hả quẳng xuống bể tất cả măng đã gọt và tôi bày cho anh ta phải làm như thế nào. Nhờ thế không xảy ra việc gì.
     Mỗi ngày, chín giờ tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm. Về thứ bậc, anh Ba là người dưới chúng tôi, chúng tôi là những người có chức vị, còn anh Ba chỉ là người phụ bếp. Nhưng vì anh Ba hiểu biết - anh giúp những người bạn mù chữ của tôi viết thư về cho gia đình họ và anh không bao giờ nói tục - vì vậy anh Ba được tất cả chúng tôi yêu mến.
     Một lần, dọc đường, anh Ba xuýt chết đuối. Bể nổi sóng. Làn sóng to như những quả núi chồm lên đổ xuống. Hầu hết mọi người say sóng. Như mọi ngày, anh Ba đi lên đi xuống từ bếp đến hầm. Không thể vác những rổ rau lên vai vì tàu tròng trành, anh phải buộc rổ rau vào dây sắt để kéo đi, chuyến thứ hai một ngọn sóng lớn thình lình phủ lên sàn tàu và cuốn xuống bể mọi vật trên sàn tàu. Cả những rổ rau và anh Ba nữa. Anh bị đẩy vào giữa cột buồm và dây xích, nhờ vậy mà thoát chết.
      Cái gì đối với anh Ba cũng mới, anh phải học tất cả. Ví dụ mới đầu anh không ăn được bánh mì và bơ. Ăn xúp thì anh dùng nĩa.
      Vài ngày sau tàu rời bến, có hai hành khách - hai người lính trẻ tuổi giải ngũ trở về Pháp. Tôi không hiểu tại sao hai anh này đã trở nên bạn thân của anh Ba. Họ giúp anh nhặt rau và buổi tối họ cho anh mượn những quyển sách nhỏ, dạy cho anh đọc và viết. Và anh Ba lại dạy họ học quốc ngữ và thỉnh thoảng dấm dúi cho họ một cốc cà-phê. Anh nói với tôi với một vẻ ngạc nhiên: "Anh Mai, cũng có những người Pháp tốt, anh ạ".
       Hồi ấy, Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông vào làng Tây, đi tàu hạng nhất cùng với gia đình. Ông ta đưa con sang Pháp học. Trông thấy Ba, ông ta gọi anh lại và thân mật bảo:
       "Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn...". Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu, nhưng không nói đồng ý hay không.
       Đến Mạc-xây, chúng tôi lĩnh lương; mỗi nhân viên Việt-nam được từ một trăm đến hai trăm quan thêm vào đấy tiền thưởng của hành khách. Anh Ba là phụ bếp, chỉ được mười quan.
       Anh ta được ít lương, nhưng anh học được nhiều chuyện mới lạ. Coi tôi là bạn thân thiết nhất, anh ta nói với tôi tất cả những điều anh trông thấy và suy nghĩ.
      "Ơ! ở Pháp cũng có người nghèo như bên ta!". Trông thấy những gái điếm đến làm tiền trên tàu, Ba nói với tôi:
      "Tại sao người Pháp không "khai hóa" đồng bào của họ trước khi đi "khai hóa" chúng ta, sao thế anh Mai?".
      Tàu điện đối với anh Ba là một chuyện kỳ lạ. Lần đầu tiên anh ta trông thấy những "cái nhà biết chạy" ấy. Cái gì cũng làm anh ta chú ý, vì cái gì đối với anh ta cũng mới cả. Luôn luôn anh ta nói:
       "Lần đầu tiên, tôi mới thấy cái này...".
      Công việc trong ngày xong, tôi cho anh ta mượn bộ áo quần, và chúng tôi đi đến tiệm cà-phê ở đường Ca-nơ-bia. Không cần phải nói, đây là lần đầu tiên anh ta vào tiệm cà-phê và cũng là lần đầu tiên người Pháp gọi anh bằng "ông".
       Sau những ngày đầu tiên ở Mạc-xây. anh Ba tóm tắt cảm tưởng của mình bằng mấy chữ:
     - Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông-dương.
       Chúng tôi đi theo tàu lên Ha-vơ-rơ (Havre) để sửa chữa. Chúng tôi được đưa sang làm việc ở một chiếc tàu khác, trở về Đông-dương. Anh Ba không muốn trở về. Ông chủ tàu đem anh về nhà. Từ đấy, tôi không được tin tức gì của anh Ba nữa...
        Không bao giờ tôi đoán rằng người bạn nhỏ của tôi, người phụ bếp, anh Ba ngây thơ, siêng năng và ngoan ngoãn ấy, lại trở thành Chủ tịch Chính phủ ta, người xây dựng nên nước Cộng hòa chúng ta".


 



 





























 

Tác giả: Bách Diệp Hồng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây