CÁI ĐẸP BIỂU TƯỢNG CỦA NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC VÀ KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO NGƯỜI VIỆT (Qua một số ngôi chùa ở vùng Đồng bằng Bắc bộ)

Thứ ba - 21/12/2021 00:52
Đỗ Thị Minh Thảo - Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.Bài viết được tiếp cận từ góc độ Mỹ học.Bài đã in trong cuốn sách "Tương tác mở trong mỹ học Việt Nam đương đại" (Tủ sách Mỹ học Việt Nam đương đại), tr. 8-36.
Ảnh M.T, Tượng Tổ thứ 8, Tôn giả Phật Đà Nan Đề (Buddhanandi), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ảnh M.T, Tượng Tổ thứ 8, Tôn giả Phật Đà Nan Đề (Buddhanandi), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


 Tóm tắt
       Cái đẹp biểu tượng của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo thường được quan niệm về tính tổng thể và tính biện chứng của những cái đẹp có hình thái cụ thể như: Cái đẹp hình thức, cái đẹp nội dung, cái đẹp ý niệm, cái đẹp tinh thần, cái đẹp lý tưởng, cái đẹp cảm năng, cái đẹp của tính công năng...
      Với quan niệm “cái đẹp là hài hòa”, “hài hòa tổng thể là đẹp”, một tổng thể đẹp bao gồm nhiều vẻ đẹp cụ thể khác nhau, biểu hiện của cái đẹp biểu tượng trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với lý thuyết tổng thể - một nguyên lý sáng tạo điển hình phổ biến trong văn hóa văn nghệ.
      Bài viết phân tích những cơ sở biện chứng của cái đẹp biểu tượng trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ nguyên lý tính tổng thể trong sáng tạo biểu tượng cái đẹp của nghệ thuật Phật giáo. Bài viết cũng chỉ ra nhữn g hạn chế của việc nhận thức chỉ bó hẹp phạm vi của nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Phật giáo nói riêng vào duy cảm, duy hình thức, hoặc không nhìn thấy ở nghệ thuật Phật giáo tính biện chứng, và tính logic tổng thể. 
Từ khóa: Biểu hiện của cái đẹp, cái đẹp biểu tượng, nguyên lý tính Tổng thể, tiêu chí chung, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam.


 
1. Dẫn luận chung về lý thuyết sáng tạo và thưởng ngoạn cái đẹp biểu tượng trong lĩnh vực nghệ thuật
 
         Các lý thuyết sáng tạo và thưởng ngoạn cái đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật luôn gắn liền tính biểu tượng của cái đẹp lý tưởng với việc tìm tòi các quy luật phổ quát của mỹ học. Nói như vậy có nghĩa cái đẹp biểu tượng chính là tính biểu tượng của cái đẹp lý tưởng trong nghệ thuật [1].
         Trên cơ sở này, nhiều lý thuyết sáng tạo và thưởng ngoạn cái đẹp ra đời. Có thể kể đến các lý thuyết như: Thuyết ý niệm đẹp của Plato vào thời kỳ Hy Lạp cổ đại; thuyết tổng thể về tỷ lệ, về thước đo cơ thể con người (tỷ lệ vàng) trong nghệ thuật kiến trúc của Vitruvius. Vào thời kỳ Hy Lạp cổ đại và thời Phục Hưng, thuyết này là cơ sở cho thuyết nhân thể mỹ (cái đẹp của cơ thể người); thuyết giá trị (đẹp) của triết gia Đức Immanuel Kant vào nửa cuối thế kỷ XVIII; thuyết lý tưởng nghệ thuật, truy tìm khuôn khổ cái đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật của G.W.Ph. Hegel - triết gia cổ điển Đức; thuyết di tình sáng tạo của Lipps…
         Nổi bật nhất trong các lý thuyết từ cổ đại cho đến ngày nay, từ phương Tây cho đến phương Đông, lý thuyết tổng thể đã trở thành chìa khóa của mọi hoạt động nhận thức thẩm mỹ, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tôn giáo nói riêng. Phương pháp này mở đường cho những nhận thức đặc thù với đặc trưng tính tổng thể của lĩnh vực đời sống sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật tôn giáo. Cùng với văn hóa nghệ thuật folklore, bảy loại hình nghệ thuật bác học đều là các loại hình nghệ thuật tổng thể - cảm quan[2].
         Ngay từ thời cổ đại, Vitruvius - kiến trúc sư, nhà lý luận kiến trúc La Mã, thuộc triều đại Augusta thế kỷ I trước CN, đã trình bày lý thuyết tổng thể trong tác phẩm “Mười cuốn sách về kiến trúc”, thông qua việc luận bàn về con số 10 tương ứng với vũ trụ, cái tổng thể, và cái đẹp. Quan niệm về kiến trúc là một nghệ thuật tổng thể nên phụ thuộc vào nhiều thành tố, với một phương pháp nhận thức có tính chất tổng thể như: “Thức cột (Order), sự bố trí (Arrangement), nhịp điệu (Eurythmy), sự cân đối, đối xứng (Symmetry), sự đúng mực (Propriety), và kinh tế (Economy)”[3].   
         Tri thức tổng thể để định giá những giá trị tổng thể, vì nó căn cứ vào hình ảnh tổng quan. Ví dụ khi đưa ra nhận xét về một vai diễn, người nghệ sĩ sẽ nhận được sự đánh giá tổng thể từ ban giám khảo và khán giả ở nhiều mặt sau: Ca, diễn, thanh, sắc và thần. Năm tính quy định này trong nghệ thuật biểu diễn là năm yếu tố đảm bảo về một tính tổng thể của diễn xuất vai diễn. Tính tổng thể là tính quy định chung cho các yêu cầu về sự toàn vẹn, tính chỉnh thể, cái tổng hòa, sự hòa hợp, cái hoàn mỹ của mọi cái đẹp trong nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc Phật giáo nói riêng. Thiếu tư duy tổng thể, người ta chỉ có thể cảm biết được các biểu hiện bên ngoài, cảm quan, và hiện tượng của cái đẹp.
             Theo nhà nghiên cứu triết học Trung Quốc hiện đại Lý Chấn Anh thì triết học chú trọng vào: “Các phương pháp đa dạng với cái nhìn nhất thể”. Còn mỹ học và nghệ thuật học thì sao? Theo chúng tôi, mỹ học và nghệ thuật học quan tâm đến: “Cái nhìn tổng thể[4] với phương pháp của hình thái cấu trúc”.
           Do biểu hiện của cái đẹp trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam gắn liền với lý thuyết tổng thể - một nguyên lý sáng tạo điển hình phổ biến trong văn hóa văn nghệ, nên chúng ta có thể nắm bắt được toàn bộ bản chất sâu sắc nhất của cái đẹp, đặc biệt là với cái đẹp của nghệ thuật Phật giáo.
             Sự hoàn mỹ và sự hòa hợp của mọi cái đẹp trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam đó là lối kết hợp giữa hai hình thái vừa nương tựa vào nhau, vừa tương phản nhau như tĩnh và động, hình và ý, thân và tâm, hình thức và nội dung. Hoặc đặc biệt hơn sẽ là thế tam duy nhất giữa ba hình thái kết hợp nương tựa vững chãi, tương phản nhưng thống nhất giữa: Tinh thần – tỷ lệ vàng – vật chất. Bản chất sáng tạo cái đẹp trên của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Việt Nam nếu nhìn rộng ra sẽ thấy thống nhất với các đặc tính quy định chung của nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngư­ời Việt có thiên hướng về t­ư duy tổng hợp hơn phân tích; thiên về những mô hình xã hội hài hoà, ổn định; nghiêng mạnh về tính cộng đồng bao trùm lên các liên kết cá nhân. Sở dĩ nhiều kết quả nghiên cứu đều bàn về tính tổng thể, tính tổng hợp của nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn hóa biểu tượng Phật giáo nói riêng, là do chỗ: “Tổng hợp là một trong những đặc tính của lối tư duy nông nghiệp, chính vì thế tổng hợp là đặc tính nổi bật nhất của Phật giáo Việt Nam[5]. Điều này lý giải đặc trưng dung hòa, dung hợp cao trong tư duy người Việt, điển hình là sự dung hòa giữa tín ngưỡng bản địa và sự du nhập tôn giáo ngoại lai.

         2. Những biểu hiện phổ biến của cái đẹp biểu tượng trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam
           2.1. Sự kết hợp giữa tĩnhđộng

             Tư tưởng Phật giáo thường lấy tĩnh chế động phù hợp với chữ Muni trong tiếng Pàli được phiên âm là Mâu-ni, như cách người ta gọi Đức Phật Thích Ca Mâu-ni vì sự tĩnh mặc, tĩnh lặng của Người, có nghĩa là trí giả trầm mặc, yên lặng. Dùng cái tĩnh của tâm để đối diện với cái động của cuộc sống vô thường. Tuy nhiên, nghệ thuật Phật giáo lại biểu hiện cái động trong thế tĩnh. Việc biểu hiện động trong thế tĩnh ở nghệ thuật Phật giáo đem lại một hiệu quả mới mẻ trong sáng tạo so với nguyên tắc phản ánh điển hình của nghệ thuật nói chung đó là sự mô phỏng hành động.
           Qua so sánh cho thấy bản thân nghệ thuật có những nguyên tắc đặc thù phổ quát riêng, song khi kết hợp với tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo đã tuân thủ những quy tắc mà nó lấy làm nội dung cho sự biểu hiện. Ví dụ, nghệ thuật Phật giáo luôn hướng đến tính vĩnh hằng của giá trị cái đẹp. Nền nghệ thuật này dụng công trong tạo tác những biểu tượng thuộc hình thái tâm linh. Đặc trưng nổi bật của nghệ thuật Phật giáo là xây dựng một hệ thống quần thể các biểu tượng chú trọng tạo hình hướng tâm.
          Trong một tập hợp các tác phẩm điêu khắc Phật giáo luôn có sự kết hợp hài hòa, hòa điệu giữa cương và nhu (Hai bức tượng Khuyến Thiện và Trừng Ác, giữa tĩnh và động (Tượng Kim Cương động, tượng Tuyết Sơn thế tọa thiền tĩnh), giữa chi tiết và tổng thể, giữa thoát tục và thế tục (Tượng Phật Đà Nan Đề tôn giả chùa Tây Phương với tạo hình thế ngồi vui vẻ, hoan hỷ, tay phải đang ngoáy lỗ tai). Đặc biệt là bức tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương mô tả ngài Thích Ca giai đoạn tu khổ hạnh ở núi Tuyết với vẻ khắc khổ đang ngồi thiền định, tĩnh lặng và trầm mặc. Tượng tạc tư thế ngồi nên có bố cục hình tròn. Dạng bố cục theo hình tròn luôn kết nối với sự chuyển động, tuần hoàn, tính quy luật và sự chuyển động của dòng tâm tưởng. Quy tắc thống nhất giữa tĩnh và động trở thành quy tắc sáng tạo phổ biến đối với tác phẩm nghệ thuật Phật giáo. Biểu tượng tôn giáo trong văn hóa có giá trị từ hệ biểu trưng. Tính tổng thể của giá trị biểu trưng là toàn bộ ý nghĩa mà biểu tượng truyền tải đến người xem.
                Nhìn chung, cái đẹp biểu tượng tôn giáo đều tuân thủ các tiêu chí chung của mọi cái đẹp mang tính giá trị cao. Các nghệ thuật và biểu hiện cái đẹp của nó đều bắt nguồn từ tính hình thái, hay sắc thái đa dạng, phong phú của cuộc sống. Tính tổng thể của đời sống và khả năng tư duy về tính tổng thể đó chính là cơ sở biện chứng của sự nắm bắt cái đẹp của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam. 

2.2. Sự hài hòa giữa hìnhý   
                                           

                Cái đẹp của mọi biểu tượng tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng là ở sự kết hợp thống nhất, hài hòa giữa hìnhý. Yếu tố hình[6] trong cấu trúc ngũ bối[7] của văn hóa biểu tượng có tới mười cách biểu hiện, nên chỉ có thể hiểu từng biểu hiện cụ thể của hình dựa vào các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo cụ thể. Có khi hình biểu đạt mối quan hệ giữa hình thức với nội dung; khi lại biểu đạt mối quan hệ giữa hình tượng với tư tưởng; khi là hình thân với ý, hay một ý niệm siêu hình với hữu hình. Vì vậy, ở những cái đẹp có sự kết hợp hài hòa giữa hình ý cho thấy đặc trưng phản ánh có tính quy tắc nhằm khắc họa ý niệm tổng thể, và toàn vẹn về cái đẹp biểu tượng.
              Ý niệm cái đẹp không dễ nắm bắt vì nó được thể hiện qua các lý thuyết nghệ thuật, các nguyên tắc thụ cảm. Cái đẹp cảm quan bề mặt không phải là toàn thể cái đẹp biểu tượng Phật giáo. Sự khơi gợi về các thước đo hoàn hảo của tính cơ thể, hay một tính chuẩn mực của sự tạo tác, tạo nên tỷ lệ hay sự cân đối chỉ là chất liệu tạo tác. Cái đẹp của biểu tượng Phật giáo cần phải trở thành một chân lý chỉ dẫn hướng tâm, luôn bao gồm cả chân lý phương tiện (Hoa sen, cây Bồ-đề…).
           Chiều sâu của cái đẹp biểu tượng Phật giáo phải vượt lên trên cả mối quan hệ giữa hữu cực và vô cực, giữa có và không, để chứng ngộ bản thể vi diệu. Một cái đẹp cụ thể vừa được tạo tác theo quy tắc tỷ lệ, vừa đạt đến chiều sâu của việc chạm vào bản ngã như một biểu tượng của chân tâm thanh tịnh. Đó là tính lý tưởng của cái đẹp biểu tượng Phật giáo một cái đẹp toàn thể tính của một tinh thần nhân văn. Chỉ khi tạo tác được một biểu trưng như vậy về cái đẹp, thì trường hợp một biểu tượng như là một chân lý phương tiện mới có thể hợp nhất làm một với cái bản thể uyên nguyên, hoặc với cái tâm đại giác viên mãn trở thành cái hoàn mỹ, cái hoàn thiện.
           Có thể bắt gặp đỉnh giới của cái đẹp lý tưởng thống nhất, hài hòa giữa hình ý trong biểu tượng Phật giáo ở nhiều loại hình nghệ thuật Phật giáo, ví như hội họa, với “Thập mục ngưu đồ(Mười bức tranh chăn trâu). Các bức tranh được vẽ vào thời nhà Tống (960 - 1279) là những bức họa tiêu biểu, nổi tiếng trong Thiền tông Trung Hoa, trình bày cô đọng tinh hoa của Phật giáo Đại thừa. Có nhiều bộ tranh nhưng nổi danh nhất là của thiền sư Quách Am Sư Viễn (? ~ 1150). Bộ tranh cũng ngụ ý về quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt giác ngộ.
           Tư tưởng (Ý) của các bức tranh chỉ về đường lối tu tập, đó là việc bắt tâm. Làm sao làm chủ được cái tâm. Tâm ở trong tranh được biểu trưng là con trâu. Vì có tâm nên có cảnh, ví như vì có trâu nên có mục tử. Đại thừa hướng đến “điều tâm” ví như hình ảnh “cột trâu”. Tâm ví với hình ảnh con trâu hoang dã, phải dùng những biện pháp mạnh như dắt, kéo… Muốn trị tâm cũng giống vậy phải quy y, giữ giới, phải phát tâm Bồ-đề.
          Khi tâm đã trở nên thuần thục, điều hòa, tâm đã định thì không phải chăn giữ. Tâm định là hết ngã chấp, song vẫn còn pháp chấp. Đây là bước tu chứng của hàng Thanh văn và Duyên giác. Cần khai thác huệ giác đến chỗ tâm vô tâm: “Nhân vô tâm, ngưu diệc vô tâm”, thì mới phá được pháp chấp. Khi pháp cũng không, mà ngã cũng không, trâu cũng mất mà người cũng mất, cảnh cũng quên mà tâm cũng quên, từ đó đạt tới cảnh giới của Bồ Tát.
          Để đạt cảnh giới Như Lai, không nói nên lời chỉ có thể biểu trưng bằng một vòng tròn viên giác (Mượn thủ pháp siêu hình: bức Nhân ngưu câu vong – Người trâu đều quên). Đến đây khép lại quá trình tu chứng đi từ giới đến định và tuệ (huệ), từ Thanh văn, Duyên giác đến Bồ Tát, Phật, từ hữu tâm đến tâm và vô tâm, từ chỗ tất cả đều có, đến nhân pháp đều không… đó là vô dư niết bàn.
Đây là toàn bộ quá trình công phu học đạo, đi từ lấy đức năng tự thắng bản năng của chính mình, sau đạt đến tự tri và cuối cùng để tự tại: “Phản bản hoàn nguyên” (Trở về nguồn cội) và “Nhập triền thùy thủ” (Thõng tay vào chợ).
           Hội họa Đại thừa tĩnh và mười bức đã là dài. Về Lời thì kiệm hơn rất nhiều:
- “Mã Tổ hỏi đệ tử là Thạch Củng Huệ Tạng: “Làm việc gì?”, Thạch Củng thưa: “Chăn trâu”. Tổ hỏi: “Làm sao chăn?”, Thạch Củng đáp: “Một khi vào cỏ thì nắm mũi kéo lại”. Tổ nghe, bảo: “Con thật khéo chăn trâu”[8]. Qua phân tích tranh Đại thừa với ý tưởng chăn trâu thì quả là biểu tượng tôn giáo nói chung và biểu tượng Phật giáo nói riêng không dễ giải thích ở tầng bề mặt.
          Cái đẹp của các biểu tượng này cũng như vậy, không thể cảm tính là xong mà cần viện đến một hệ thống lý thuyết quán chiếu song hành. Đó là lý do vì sao cần làm rõ các cơ sở phương pháp, nguyên lý nền tảng, từ đó xây dựng các nguyên tắc và điều phối các quy tắc trong sáng tạo nghệ thuật tôn giáo.
           Hình thức của tạo hình đã phần nào bao hàm và thống nhất với nội dung khái quát của tạo hình. Các nhà triết học Trung Quốc gọi là “tượng”, trong Ý giả tượng dã. Ý được nêu lên bằng tượng. Tượng là một loại ngôn ngữ ẩn dụ đặc thù của nghệ thuật tạo hình. Tượng không bị giáo điều, không cứng nhắc, gò ép sự nhận thức như từ ngữ. Về điều này Goethe, đại thi hào người Đức thế kỷ XVIII, đã nhận định rằng nguyên tắc cao nhất của người xưa là ẩn ý, và thành tựu cao nhất của sự thành công trong xử lý nghệ thuật chính là cái đẹp.
          Trong ngôn ngữ tạo hình, bố cục đã bao hàm ý nghĩa tượng trưng của sự thống nhất giữa hình ý. Ví dụ với bố cục theo hình tròn, sẽ có ý nghĩa tượng trưng là nói lên con người đã tìm sự sống hài hòa với quy luật tự nhiên, với tỷ lệ cân xứng. Hình tròn tượng trưng cho quy luật tuần hoàn bất biến. Sống hợp với quy luật, đồng nghĩa với biểu đạt sự lạc quan, vui vẻ. Có thể thấy các bức tượng ở chùa Tây Phương[9] có bố cục hình tròn như: tượng tổ thứ 8 Phật đà nan đề (Buddhanandi), tượng tổ thứ 17 Tăng già nan đề (Samghanandi), tượng tổ thứ 19 Cưu ma la đa (Kumarata)… Ở bức tượng tổ thứ 9 Phục đà mật đa (Buddhamita), sự phối hợp giữa sắckhông trên một quỹ đạo tròn tạo liên tưởng thị giác của động tác soi chiếu vào nội tâm từ một chiếc gương tương phản.
         Với bố cục hình chữ nhật, hình tròn và hình elip, thì ý nghĩa tượng trưng là yếu tố vận động về chiều ngang, có ý nghĩa khái quát cho biết thêm sự biến thiên của quy luật tuần hoàn và xác suất. Điều này là quy tắc phổ quát ở cả phương Đông lẫn phương Tây:
“Nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Michenlange ở Ý đã có nhiều bố cục từ một người ngồi; ông đã xếp sắp đầu vai tay chân phối hợp quần áo đồ dùng để tạo thành một tổng thể được nội tiếp trong một hình tròn. Nó vừa mang lại một cảm giác đẹp về tạo hình, do nhịp tuần hoàn mang lại vừa phù hợp với ý nghĩa của nội dung tư tưởng”[10].
          Bố cục chia khối theo nội dung tư tưởng. Bố cục trong ngôn ngữ tạo hình thống nhất giữa sự rời rạc của các yếu tố kỹ thuật với nội dung tư tưởng, ý nghĩa tác phẩm và xúc cảm. Chính vì vậy, người ta không nói đến bố cục thông thường mà cần đề cập đến quy luật bố cục. Quan niệm của tác giả Đặng Quý Khoa cho thấy rõ sự gắn kết này trong bố cục, sự hài hòa giữa hình và ý:
       “Tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Bút Tháp Hà Bắc cũng được sáng tạo với một bố cục tuyệt vời, gắn bó chặt chẽ với lý thuyết, với tư tưởng, triết lý của đạo Phật. Con người được đặt trước vòng hào quang của mặt trời vừa là quy luật nghìn tay nghìn mắt (vô vi nhi vô bất vi) đâu cũng thấu đến, cũng vươn tới. Nhưng không can thiệp theo dục vọng con người mà theo quy luật vĩnh hằng của tuần hoàn.
         Phật là hình tượng con người cũng hòa đồng, giác ngộ, tịnh tiến theo quy luật của vũ trụ. Cũng nhìn bốn phương, tám hướng, theo tam thế - quá khứ, hiện tại, vị lai và các tay cũng nhịp nhàng hoạt động theo quy luật tuần hoàn nhưng là hành động của con người hòa đồng với vũ trụ. Nó có ý thức, trên dưới, phương vị, không gian, thời gian và sự thiên định để tiến đến đại đồng ở tuần hoàn. Cho nên bố cục vòng tròn là hợp lý. Ở chùa Tây Phương, một lần nữa ta lại thấy niềm lạc quan của tượng Di Lặc được sắp xếp theo hình tròn. Nó là quy luật chỉ có thể “an lạc” trong “hành đạo” niềm vui là nhận ra và hành động theo quy luật. Vậy thời bố cục theo hình tròn lại là một nội dung và cũng là hình thức cần có”[11].
           Nghệ thuật trở nên gần gũi với cuộc sống khi nó thống nhất được cả hai mặt vừa khái quát tính quy luật vừa biểu hiện được các hình thể cụ thể. Trong bố cục, nhạc tính của mầu và nhịp điệu của hình thể tạo nên cái đa dạng của một tính thống nhất.
          Nếu như vòng tròn mang tính vận động tuần hoàn của vũ trụ, của tự nhiên thì hình vuông mang tính xác định của con người trong cái hữu hạn tương đối của không gian thời gian. Cho nên phương Đông lấy tròn là thiên, vuông là địa.
           Các bố cục hình vuông trong nghệ thuật chạm khắc dân gian thường kết hợp được giữa mô phỏng sinh hoạt với khái quát tượng trưng trật tự vũ trụ, trời đất và trật tự xã hội của con người. Các bố cục hình tam giác thường thiên về lý trí dẫn dắt tình cảm, xúc cảm. Ngược lại, các bố cục hình vuông, hình chữ nhật của phù điêu gỗ dân gian Việt Nam nói chung lại có xu hướng biểu hiện xúc cảm phúc nhiên (hồn nhiên, tự nhiên, đôn hậu, mộc mạc) dẫn dắt lý trí.
           Sự tổng hợp những đường nét khái quát của bố cục vừa cụ thể về hình vừa mang ý nghĩa khái quát cho tạo hình. Sự hài hòa giữa hình và ý làm nên một thủ pháp quan trọng trong tạo hình. Ví dụ như bức tượng A Nan Vương chùa Tây Phương, về khuôn hình mô tả một vị La Hán với khuôn mặt đăm chiêu, mày chau, môi trễ xuống, mắt chăm chú nhìn vào một điểm chếch ngang đã hoàn toàn thống nhất với ý niệm về tính chất suy tư, dùng trí tuệ để thức nhận chân lý từ bên trong tâm thức của bức tượng này. 

2.3. Tính chỉnh thể, toàn vẹn giữa nội dunghình thức 

            Trong một cái nhìn toàn thể, vẻ đẹp của các biểu tượng điêu khắc và kiến trúc của chùa Tây Phương, chùa Thái Lạc[12] cũng như chùa Một cột[13] đều được sáng tạo dựa vào nguyên lý tính tổng thể của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, giữa ý niệm và hình tượng, giữa tư tưởng Phật giáo và phong cách chạm khắc thuộc về ngôn ngữ biểu hiện tạo hình của người Việt.

           Quy tắc sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi tính thống nhất giữa nội dunghình thức đã từng được nhiều nhà lý luận nghệ thuật phương Tây và phương Đông tổng kết, điển hình trong số đó là quan niệm của Lưu An, đời Hán, đề xuất trong tác phẩm “Hoài Nam Tử” với quan niệm “Cẩn mao thất mạo” (Quá chú trọng vào chi tiết nhỏ của đối tượng mà quên nắm bắt cái toàn thể, tổng thể về đối tượng). Lưu An lưu ý việc sáng tạo nghệ thuật không thể chỉ chú ý đến diện mạo bên ngoài đối tượng (DiệnMục) mà quên mất phản ánh tinh thần nội tại của đối tượng (Quân hình giả), quá lưu tâm đến khắc họa chi tiết nhỏ (Mao) của đối tượng mà quên phản ánh tính toàn thể (Mạo) về đối tượng. Lưu An phản đối việc quá đi sâu vào khắc họa chi tiết bên ngoài của hình tượng, mà yêu cầu phải từ toàn thể nắm lấy tinh thần nội tại của đối tượng:
          “Họa Tây Thi chi diện, mỹ nhi bất khả duyệt; họa Mạnh Bôn chi mục, đại nhi bất khả úy; quân hình giả vong yên; tầm thường chi ngoại; họa giả cẩn mao nhi thất mạo.
Dịch là:
         Vẽ mặt của Tây Thi; đẹp vui không xiết; vẽ mắt của Mạnh Bôn; lớn thấy sợ không xiết; đó là mất tinh thần nội tại vậy; ngoài cái tầm thường; người vẽ chỉ chú ý chi tiết mà để mất cái toàn thể”. (Hoài Nam Tử, thuyết Sơn huấn, thuyết Lâm huấn)[14].
          Kiến trúc và điêu khắc là những nghệ thuật tổng thể, việc quá chú trọng vào các chi tiết tỉ mỉ như con tiện, vì kèo, mộng vốn là những yếu tố thuộc về kỹ thuật vật chất thuần túy sẽ phá vỡ tính toàn vẹn của sự thụ cảm cái đẹp tinh thần. Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, sự thưởng ngoạn cái đẹp nghệ thuật lệ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật thường bị xếp vào thứ hạng thấp của sự thưởng ngoạn. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc vốn sử dụng nhiều chất liệu vật chất và liên quan đến kỹ thuật, song trong những lĩnh vực này, lý tưởng nghệ thuật đòi hỏi một sự hướng tới của giá trị vật chất phiêu lên các giá trị tinh thần, hoặc tinh thần biểu hiện một cách hài hòa, đầy mỹ cảm trong các chất liệu vật chất cụ thể.   
         Tính chất phức hệ giữa tinh thần nội tại và hình thức biểu hiện, chi tiết nhỏ và tính toàn thể, nhân tố bản địa (Việt) và yếu tố ngoại lai Ấn Độ, nghệ thuật chạm trổ dân gian và kỹ thuật kiến trúc, tính phổ biến của văn hóa Phật giáo Ấn Độ và tính đặc thù, đơn nhất của nhân hình Việt… là những thứ khó có thể hòa hợp, thậm chí bị coi là mâu thuẫn và xung đột khi đem logic khái niệm vào để phân tích. Tuy nhiên, phương thức sáng tạo dựa trên nguyên lý tính tổng thể thẩm mỹ của nghệ thuật lại có thể đem đến sự kết hợp hòa điệu bất ngờ giữa những thành tố có sự khác biệt lớn.
          Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo ở chùa Thái Lạc là bằng chứng cho thấy tinh thần Phật giáo của người Việt đã thấm đượm lên phong cách và quy định các nguyên tắc sáng tạo. Song tinh thần tự do của người nghệ sĩ dân gian đã nắm lấy nguyên lý sáng tạo tổng thể để có thể liên kết các thành tố, các sắc thái vào trong một tính tổng thể hài hòa duy nhất là công trình kiến trúc hoặc tính quần thể hình tượng của một công trình điêu khắc cụ thể.
         Các sắc thái về hình thân được chú trọng để chuyển hóa các tinh thần Phật giáo Ấn Độ thành thuần Việt, mang cơ thể Việt với các quy chuẩn về vẻ đẹp trên khuôn mặt, thân hình hay trang phục, màu sắc… Tính liên kết giữa các chân lý giá trị về Chân - Thiện - Mỹ là chặt chẽ. Tỷ lệ và độ chính xác cao, sự cấu kết về mối quan hệ giữa cái thiện và cái mỹ khiến cho các tác phẩm nghệ thuật trở nên trong sáng, mang vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của người Việt.
         Tính thống nhất giữa nội dung và hình thức là một quy tắc trọng yếu trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng. Sự không ăn khớp giữa nội dung và hình thức sẽ đem lại một vật phẩm lỗi, hoặc là hình thức quá trau chuốt truyền tải một nội dung hời hợt, hoặc là nội dung nhiều hàm ý được truyền tải dưới một hình thức thô sơ đều đem lại các hiệu quả kém tương tác về độ hoàn thiện tối cao trong biểu hiện nghệ thuật. Bức tượng Mã Minh Ba La ở chùa Tây Phương là một tuyệt tác về tính thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Tượng tạc với tư thế ngồi một tay chống, một tay đang chỉ ngang với cử chỉ, dáng điệu của người đang nói. Khuôn mặt nhô về phía trước, miệng mở to. Toàn bộ tư thế, dáng điệu toát lên vẻ thư thái, an nhiên, và hồ hởi. 

2.4. Tính biện chứng của ThânTâm   

         Trong triết học Phật giáo Việt Nam, thân và tâm là cặp phạm trù lưỡng đôi (hình ảnh kép) không quá phân chia như triết học Phật giáo Ấn Độ. Quan niệm hài hòa khoan dung giữa thân và tâm. Thân và Tâm đều cần tu dưỡng cho trong sạch. Tư tưởng này được tiếp thu dựa trên đường lối tu tập Trung đạo của Đức Phật Thích Ca, không quá nuông cảm giác cũng không quá ép xác khắc kỷ.
       Phật giáo khi vào nước Nam thì hợp nhất với “con người Việt”. Khái niệm Thân trong quan niệm Phật giáo Việt Nam thường là gắn liền với hình tượng “rũ bỏ bụi trần”, “Tấm thân trong sạch”… tức là gắn liền với con người thực tế, là bản thân con người trần thế tìm đường tu tâm dưỡng tính, thoát tục. Điều đó cho thấy một cái nhìn nhân bản, bác ái đối với thân thể con người.
        Thân trong quan niệm Phật giáo Việt Nam là một biểu tượng, biểu trưng có hai  ý nghĩa: Một là, nếu còn bụi trần thì loại bỏ cho sạch sẽ; hai là, sạch sẽ bụi trần rồi thì nâng lên thành biểu tượng sánh đôi với biểu tượng Tâm. Thân ví như cây Bồ-đề. Hệ biểu trưng về thân gồm: Hoa sen, bùn lầy, cây Bồ-đề, sơn cao, bụi trần. Với nghĩa siêu hình thì có thân tâm.
        Tâm luôn quan hệ mật thiết với Thân, qua quán thân (để biết về sự sống thực tại chân thực nhất). Thân là biểu tượng về sự sống. Thân là biểu tượng của thế giới vô thường, khổ. Đạo Phật quan niệm con người có thân nhưng không có ngã, tiểu ngã. Tâm trở thành biểu tượng cao nhất về sự biết hơn cả về sự sống hiện tại đang diễn ra, cái đã qua và cái sẽ đến. Tâm là nơi khơi gợi bản thể, dù là bản thể vũ trụ (đại ngã), hay bản thể con người. Cấu trúc lý tưởng của Tâm là nối kết với một thức nhận (trí tuệ) và một niềm tin (đức tin).
         Mối quan hệ thân và tâm đại diện cho hai thế giới: Vô thường (tâm lệ thuộc thân) và thế giới cực lạc (tâm tách khỏi sự lệ thuộc của thân, đạt đến chứng ngộ giải thoát). Điều này biểu thị một trong các phương diện quan hệ với thế giới của tâm. Sự lệ thuộc của tâm ban đầu vào thân làm nảy sinh ra một thế giới đầy bi kịch, thế giới khổ đau. Thông qua tu tập (Thiền: nuôi dưỡng, phát triển tâm) mà tâm tách khỏi thân (biểu tượng của thế giới vô thường, khổ).
         Mặc dù tư tưởng Phật giáo luôn xem xét tính cặp giữa Thân - Tâm song sự triển khai ý niệm luôn được hình thành sự chuyển giao giữa bộ ba Thân - Tâm - Ý. Ý (ý niệm, ý tưởng, khái niệm tổng thể, quan niệm…) thường là cái kết quả của mối quan hệ giữa thân và tâm, hoặc là hợp đề, hoặc là ý nghĩa rút ra.
        Ở đây, có sự tương đồng giữa tư tưởng phương Tây và quan niệm Phật giáo Việt Nam. Ở phương Tây tồn tại hai dạng ý niệm, khái niệm, đó là: Ý niệm tuyệt đối và ý niệm tương thích với vật (hình thức mang vác ý niệm). Plato là người đầu tiên đã tách ý niệm đẹp ra khỏi vật đẹp. Sau này đến nửa cuối thế kỷ XVIII, G.W.Ph. Hegel đã dùng phương pháp biện chứng để tái hợp ý niệm vào các hình thức cảm niệm. Và đây chính là cơ sở để xem xét ý niệm đẹp trong vật đẹp cụ thể là hoàn toàn gắn kết hài hòa, và tương thích với nhau. Vậy nên ta có lý tưởng cái đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù. Khái niệm của cái đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật trở thành cái cụ thể, từ sự thống nhất giữa hai cơ sở: Tư tưởng và hình tượng (có nguồn gốc hình ảnh). Sự thống nhất biện chứng mà G.W.Ph. Hegel gọi rõ danh tính là lý tưởng (tức là lý tưởng nghệ thuật).
         Ở Việt Nam, Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít, không tách rời giữa bản thểthế giới hiện tượng. Về điểm này, Thiền sư Đạo Huệ (thế hệ thứ 9) Thiền phái Vô Ngôn Thông từng quan niệm:
                  Sắc thân dữ diệu thể
                  Bất hợp bất phân ly
                  Nhược nhân yếu phân biệt
                  Lô trung hoa nhất chi
Dịch là:
                  Sắc thân và diệu thể
                  Chẳng hợp chẳng lìa xa
                  Kẻ nào toan tách biệt
                  Lò lửa, một cành hoa.
            Như vậy, ở đây “Bản thể (Diệu thể) và thế giới hiện tượng (sắc thân) liên hệ mật thiết khăng khít với nhau, không tách rời nhau. Chúng không hợp nhất làm một, nhưng cũng không (bất) phân ly làm hai, chúng không là một, không là hai… nếu ai có ý đồ, toan tính muốn phân biệt thì điều đó cũng vô lý như cành hoa trong lò lửa đỏ”[15].
          Sự thống nhất giữa thân và tâm có thể thấy ở bức tượng Thượng Na Hoa Tư chùa Tây Phương với nội tâm đăm chiêu, thể hiện về sự chú tâm với sự mô tả một hình thân khắc khổ, khổ hạnh. Với thân thể gày gò, nhỏ nhắn, bức tượng giống như là đang tạc về một ông già người Việt Nam nhưng lại đang đắm mình vào Định, Tuệ.

2.5. Tính lý tưởng của sự thống nhất giữa tinh thần, tỷ lệ vàngvật chất        

          Nhà lý luận kiến trúc nổi danh người Na Uy Noberg Schultz từng đúc kết rằng kiến trúc đầu tiên là chỗ che chở của tinh thần, sau đó mới là nơi che chở cho thân mình. Như vậy, có thể nói tính thực dụng trong kiến trúc luôn gắn liền với tính thẩm mỹ, còn tính tinh thần luôn hoàn thiện tính công năng của nghệ thuật kiến trúc.
          Còn nói như Blatu nhà phê bình người Anh, thì: “Đẹp, rất đẹp, tuyệt đẹp đều không phải ở phương diện vật chất (vật liệu) mà ở phương diện nghệ thuật và bản vẽ thiết kế (tức là một dạng đồ họa phẩm). Quyết không phải ở bản thân vật thể mà tại sức mạnh của hình thức hoặc hình thức giao cho”. Nghệ thuật kiến trúc đẹp thật sự, hình thức và bản vẽ kiến trúc đẹp đều không phải sinh ra không có cơ sở mà là kết quả của trí tuệ nhân loại cần mẫn tìm tòi mà có[16].
         Nếu vậy thì nghệ thuật Phật giáo đã thực sự bị chi phối bởi sức mạnh vật chất hay tinh thần, hay ở tỷ lệ vàng? Chúng ta có thể nhận thấy sức mạnh vật chất ở khắp nơi trong kiến trúc. Song đó không phải các chất liệu vật chất thô kệch, nghệ thuật đã xử lý chúng bằng các quy tắc ước lệ và tượng trưng. Nói như Alexandr Vladimirovich Pavlov (V. Pa-vơ-lốp, В. Павлов): “Từ thuở xa xưa, nghệ thuật đã mang tính chất ước lệ: những quy tắc chặt chẽ của tạo hình đã bắt đầu được đặt ra, và những quy tắc ấy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hơn thế nữa, từ thời đại này sang thời đại khác”[17]. Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo nói chung đều có chung một nền tảng với các quy tắc chặt chẽ của nghệ thuật tạo hình với tính chất ước lệ cao, nhưng với bộ tượng các vị La Hán chùa Tây Phương nói riêng lại có được khuynh hướng hiện thực trong phản ánh. 
         Chúng ta có thể nhận thấy sức mạnh tinh thần ở khắp nơi trong kiến trúc. Kiến trúc chùa Phật giáo là loại hình nghệ thuật tổng hợp các đặc tính lý tưởng của cái đẹp. Lý tưởng của hình thái kiến trúc là hướng đến một cái đẹp biểu tượng tính cho một số tư tưởng, quan niệm Phật giáo cụ thể.
         Chùa Một Cột đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam gợi hình tượng một bông hoa sen kiến trúc, biểu trưng mỹ cảm cao nhất của Phật giáo và tâm hồn dân tộc về sự thanh khiết của tâm ý, tính trang trọng của hình thể.
        Chúng ta có thể nhận thấy sức mạnh của tỷ lệ vàng, thước đo của con người ở khắp nơi trong kiến trúc. Nói như kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện: “Tượng ở các nơi, phần lớn được tạo theo ước lệ… Những tượng chùa Tây Phương lại không như vậy… được sáng tác hẳn hoi, theo mẫu người có thực và là người Việt Nam… Cái chung không sao có thể nhầm trên riêng biệt từng pho, cái chung chân chất chân phương cốt cách con người Việt Nam!...
       Nghệ sĩ bao giờ cũng gắng làm tượng thần linh đúng như mình quan niệm và hình dung. Gắng sao cho tượng được sinh động. Nghĩa là như người thật. Chọn được người gần với quan niệm của mình, nghệ sĩ mới dựa vào mẫu người hiện thực ấy mà sáng tác, chứ không làm theo ước lệ. Ở tượng thờ, như vậy là do hai phía góp thành. Phía người trần tục thì cụ thể, phía thần linh thì trừu tượng. Trừu tượng ở đây là thần linh, là niết bàn, là lý tưởng tôn giáo là tín đồ nhà Phật muốn vươn tới. Khi nói tượng đạt giá trị hiện thực thì vô hình trung chúng ta dùng đến một hiện thực khác: Mâu thuẫn giữa ý đồ và kết quả lao động nghệ thuật? Ý đồ của nghệ sĩ là muốn thần linh hóa con người. Song, rút cục, lại là người hóa thần linh.
         Chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật một lần nữa lại hiện diện ở đây, bất chấp tài nghệ hay từ tư duy triết lý của nghệ sĩ là như thế nào, trong những pho tượng thờ của chùa Tây Phương đẹp thì rất đẹp, mà phần người vẫn lẫn phần thần linh!”[18].
        Các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo dù với đề tài sinh hoạt tâm thức dân gian song vẫn thể hiện mạnh mẽ chất lý tưởng thẩm mỹ dân tộc với thước đo tỷ lệ con người Việt. Nghệ thuật Phật giáo hướng đến một vẻ đẹp hoàn mỹ nhưng dung dị như một cứu cánh của nghệ thuật tôn giáo.
         Chúng ta có thể nhận thấy sức mạnh tổng thể của các sức mạnh hội tụ: Vật chất, tỷ lệ vàng, tinh thần ở khắp nơi trong kiến trúc. Đặc điểm tư duy tổng thể này sẽ càng được làm sáng tỏ nếu chúng ta quay trở lại với phần nguyên lý chung, ta nhận thấy về mặt cấu trúc, hình tượng nghệ thuật nói chung và hình tượng nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc nói riêng là sự thống nhất tổng thể của cả ba cấp độ:
a. Cấp độ vật chất: Đó là ngôn từ, âm thanh, màu sắc, ánh sáng, hình khối, đường nét, động tác… và tất cả sự kết hợp các thành tố đó thành hình tượng nghệ thuật. Đây là cấp độ mà người cảm thụ có thể cảm thụ bằng thị giác, thính giác và xúc giác đơn thuần.
b. Cấp độ thước đo, tỷ lệ vàng cơ thể: Đây là cấp độ tiêu chuẩn của hình tượng nghệ thuật. Nó nối kết phạm vi vật chất với tính tạo hình cơ thể, tỷ lệ cơ thể, ngôn ngữ cơ thể nhằm biểu hiện cấp độ tinh thần, tư tưởng.
c. Cấp độ tinh thần, tư tưởng trừu tượng: Sự hình thành hình tượng nghệ thuật ở cấp độ này dựa trên những thao tác lý trí – tình cảm cao.
         Chính sự thống nhất biện chứng tất cả các cấp độ, các đặc trưng trên của hình tượng nghệ thuật làm cho nó có được tính toàn vẹn và tổng thể. Không ở nơi đâu các khái niệm và các phạm trù lại có được tính toàn vẹn như hình tượng nghệ thuật.
         Sự phản ánh toàn vẹn của nghệ thuật là do phương thức phản ánh bằng hình tượng là kiểu tư duy có gốc hình ảnh, tức là phản ánh cuộc sống bằng chính những hình thức cơ bản của cuộc sống (hình ảnh và hình tượng). hình tượng nghệ thuật đồng thời phản ánh các quan hệ vừa khách quan và chủ quan, vừa trực tiếp và gián tiếp, vừa là đối tượng bên ngoài và đối tượng bên trong, vừa bản chất và hiện tượng, vừa bản thể và thực thể… một cách có tính khuynh hướng, và có tính lý tưởng cao.
          Đối với một số triết gia, nguyên lý về cái tổng thể trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật được coi như đồng nghĩa với phạm trù lý tưởng nghệ thuật, ví như ở Hegel. Trong lĩnh vực của sự khám phá sáng tạo và thưởng ngoạn cái đẹp của nghệ thuật, các triết gia có thể bắt đầu bằng những hình thái khác nhau của cái đẹp, hoặc khách quan, hoặc chủ quan, song kết luận cuối cùng trong các tác phẩm của họ lại thống nhất với nhau ở đặc trưng toàn vẹn và chỉnh thể của cái đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây là đặc trưng tối cao nhất của mọi cái đẹp nghệ thuật.
           Tính tổng thể, toàn vẹn (Holos) là một nguyên lý sáng tạo và thưởng ngoạn tối cao của mọi loại hình nghệ thuật. Nguyên lý này tạo ra sức mạnh đặc thù và phổ biến về phương diện tạo hình bên trong và bên ngoài, thống nhất cái khách thể thẩm mỹ với chủ thể thẩm mỹ. Với nguyên lý này, lĩnh vực nghệ thuật là khác so với khoa học, triết học. Cũng nhờ có nguyên lý này, mà nghệ thuật có tư duy riêng, đó là tư duy tổng thể, có năng lực phán đoán riêng, đó là năng lực phán đoán cái tổng thể, có ngôn ngữ, có ý thức, có quan điểm và tư tưởng của mình. Nói về sự khác nhau này, K. Marx từng nhận định, người ta không thể đánh đồng giữa nghệ thuật và thần thoại, cho dù thần thoại có được truyền tải bằng hình thức nghệ thuật đi nữa.
          Cái đẹp biểu tượng của các công trình kiến trúc như kiến trúc chùa Một Cột hoàn toàn thống nhất với các tiêu chí chung của các vẻ đẹp biểu tượng tạo hình kiến trúc như:
- Sự thống nhất giữa cái đẹp kiến trúc đơn thể với cái đẹp tổng thể của kiến trúc. Cái đẹp kiến trúc đơn thể được hiểu là các đặc tính nghệ thuật và quy luật đơn lẻ của cái đẹp tạo hình kiến trúc. Ví dụ: Vẻ đẹp của thức cột, vẻ đẹp của vì kèo trang trí, vẻ đẹp của bộ mái cong… Cái đẹp tổng thể của kiến trúc được hiểu là tổng thể các quan hệ tương hỗ, tính hệ thống tổng thể của công trình kiến trúc với cảnh quan môi trường xung quanh.
- Sự thống nhất của quan điểm ba yếu tố của một cái đẹp toàn vẹn trong mọi kiến trúc: Bền vững, Thích dụng, và Mỹ quan (Vitruvius). Nhà kiến trúc sư người Mỹ Louis Sullivan vào những năm 60 của thế kỷ XX nhận định: “Bất luận là kiến trúc cổ đại hay kiến trúc hiện đại đều phải thỏa mãn ba điều kiện “kết cấu, công năng và đẹp”. Mỗi thời đại, mỗi thời kỳ, hoặc mỗi phong cách đều dùng phương thức khác nhau để thỏa mãn ba điều kiện đó”[19]. Còn nhà lý luận kiến trúc người Anh Peter Collins thì cho rằng: “Cách đặt vấn đề bền vững, thực dụng, mỹ quan rất toàn diện, không thể lược bỏ bất kỳ một điều nào trong đó. Tính cách mạng của kiến trúc được thể hiện ở thái độ đối với ba điểm đó”[20].
- Sự thống nhất của ba quan niệm truyền thống về cái đẹp kiến trúc: 1. Thuyết Ích mỹ; 2. Thuyết “Vui sướng”; 3. Thuyết Biểu hiện.
- Sự thống nhất của ba quan niệm hiện đại về kiến trúc đẹp: 1) Thuyết Công năng mới; 2) Thuyết Lưỡng tầng; 3) Thuyết Hệ thống.
- Sự thống nhất về các cặp đặc tính chung của cái đẹp biểu tượng tạo hình  kiến trúc: 1) Nương tựa và thuần túy; 2) Trừu tượng và tượng trưng; 3) Sự khác biệt và tính tương đồng.
          Cái đẹp dựa trên nguyên lý tính tổng thể rất phổ biến trong mọi tư duy sáng tạo văn hóa nghệ thuật, văn hóa tôn giáo. Tính tổng thể này không chỉ quy định các đặc điểm bên ngoài như quan điểm ba thành tố của cái đẹp toàn vẹn trong kiến trúc vừa phân tích ở trên, mà còn quy định các đặc tính bên trong của tư duy tổng thể, tổng hợp về văn hóa dân tộc.
          Có thể thấy khi đề cập đến sự tiếp xúc của Phật giáo với các tín ngưỡng truyền thống của dân tộc đã tổng hợp chặt chẽ với nhau để hình thành các đặc tính đặc sắc sau của văn hóa Phật giáo Việt Nam, tác giả Thuận Phước đã có những nhận định rất đúng về năm đặc tính cơ bản của sự dung hợp văn hóa Phật giáo vào Việt Nam như sau: 1) Tư tưởng từ bi; 2) Tính dân tộc; 3) Tính tổng hợp; 4) Tính hài hòa âm dương; 5) Tính linh hoạt và hiện thực.
           Đặc biệt khi bàn về đặc điểm tư duy tổng thể, tổng hợp của người Việt, tác giả Thuận Phước cho rằng:
“Tổng hợp là một trong những đặc tính của lối tư duy nông nghiệp, chính vì thế tổng hợp là đặc tính nổi bật nhất của Phật giáo Việt Nam.
+ Tổng hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống:
          Phật giáo thờ Phật trong chùa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là thờ Thần trong miếu và thờ Mẫu trong phủ. Bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp: Mây - Mưa - Sấm - Chớp. Tuy nhiên bốn vị thần này đã được Phật hóa. Các pho tượng này thường được gọi là tượng Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện. Trên thực tế, các tượng này hoàn toàn điêu khắc theo tiêu chuẩn của một pho tượng Phật, nghĩa là đầy đủ 32 tướng tốt cùng 80 vẻ đẹp, mà một trong những nét tiêu biểu chính là tướng nhục kế, những khế ấn và khuôn mặt đầy lòng từ mẫn. Các hệ thống thờ phụng này tổng hợp với nhau tạo nên các ngôi chùa “tiền Phật, hậu Thần” hay “tiền Phật, hậu Mẫu”. Người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng, thổ địa, anh hùng dân tộc… vào thờ chung trong chùa. Không ít các chùa còn để cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất.
+ Tổng hợp giữa các tông phái Phật giáo:
         Các tông phái Phật giáo Đại thừa sau khi du nhập vào Việt Nam trộn lẫn với nhau. Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi pha trộn Mật giáo. Nhiều vị thiền sư đời Lý như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không… đều giỏi pháp thuật và có tài thần thông biến hóa. Thiền tông còn kết hợp với Tịnh Độ tông như là trong việc tụng niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát.
         Các điện thờ ở chùa miền Bắc khá phong phú các loại tượng Phật, Bồ Tát, La Hán của các tông phái khác nhau. Các chùa miền Nam còn có xu hướng kết hợp Tiểu thừa và Đại thừa. Nhiều chùa mang hình thức Tiểu thừa (thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, sư mặc áo vàng) nhưng lại theo giáo lý Đại thừa (bên cạnh Phật Thích Ca Mâu Ni còn có các tượng Phật nhỏ khác; bên cạnh áo vàng còn có áo nâu, áo lam).
+ Tổng hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo khác:
        Tín ngưỡng truyền thống đã tiếp nhận Phật giáo ngay từ đầu Công nguyên. Sau đó, Phật giáo cùng tín ngưỡng truyền thống tiếp nhận Đạo giáo. Rồi tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo để làm nên “Tam giáo đồng nguyên” (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và “Tam giáo đồng quy” (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích). Ba tôn giáo trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo giáo lo thể xác con người, Phật giáo lo tâm linh, kiếp sau của con người. Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh “Tam giáo tổ sư” với Thích Ca Mâu Ni ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người dân Việt. Ngoài ra, Phật giáo Việt Nam còn được hòa trộn với tất cả các tôn giáo khác để hình thành Đạo Cao Đài vào thập niên 1920 với quan điểm là “Thiên nhân hợp nhất” và “Vạn giáo nhất lý”[21].
          Còn đối với K. Marx, ông cũng từng khẳng định một quan niệm về tính tổng thể của bản chất cái đẹp và con người trong xã hội. Theo đó, dạng thức tồn tại vật chất thuộc bản tính vật thể tự nhiên không phải là bản chất ứng cho toàn bộ cái đẹp. Cũng như vậy, sản xuất vật chất dù quyết định phương thức tồn tại của con người, nhưng những đặc điểm chất lượng vật chất lại không thể quyết định đối với toàn bộ bản chất của cái đẹp. Bản chất thứ hai do con người cấp cho thế giới đối tượng một hoạt động chức năng cũng không phải là bản chất ứng cho toàn bộ cái đẹp. Trong tính đặc thù của nó, bản chất của cái đẹp xã hội nằm ở vị trí hàng ba của đặc điểm chất lượng hệ thống, thống nhất với bản chất xã hội của con người, tức là bản chất tổng hòa, tổng hợp, tổng thể, hình thái, quan hệ và dưới dạng đời sống của xã hội.
         Như vậy, bản chất hàng ba trong tính đặc thù của cái đẹp có thể được xem xét một cách tổng thể bởi các quan hệ sống với bản chất hàng một và hàng hai, và được xem xét một cách tổng thể bởi dạng thức đời sống bao gồm cả dạng thức cấu trúc vật thể, cả dạng thức chức năng và dạng thức bản thể sống của con người trong lý tưởng thẩm mỹ về một bản chất hợp nhất giữa cái khách quan và cái chủ quan. Các dạng cấu trúc tổng thể phổ quát của cái đẹp xã hội đã được công nhận một cách rộng rãi như: “Chân - Thiện - Mỹ”, “Sự cần thiết - Cái có ích - Cái đẹp”, “Tính bền vững - Tính thích dụng - Tính mỹ quan”.

3. Giá trị của cái đẹp biểu tượng trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc chùa Việt

         Vì cái đẹp biểu tượng là một hình thái của cái đẹp lý tưởng trong nghệ thuật nên biểu tượng của cái đẹp trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam luôn bao trùm các sắc thái giá trị văn hóa, nhân sinh quan, qua đó truyền tải đạo lý của cha ông ta.
         Biểu tượng nói chung và cái đẹp biểu tượng nói riêng rất phong phú và đa dạng. Có biểu tượng của các khái niệm, có biểu tượng của hình tượng, và cũng có các biểu tượng của ký hiệu. Khác với các biểu tượng của khái niệm đã bị tách rời khỏi cơ sở thân thể, thước đo tỷ lệ của cơ thể con người trong văn hóa kể từ triết gia duy tâm khách quan cổ đại Hy Lạp là ông Plato. Ở đây chúng tôi đề cập đến loại hình biểu tượng của hình tượng tập trung ở điêu khắc tôn giáo và cái đẹp biểu tượng này nằm trong một thế giới giá trị và “trung đạo” (hiểu theo nghĩa tư duy tổng thể). Khả năng trung giới cho phép nhận diện sự tham gia trong sáng tạo thế giới của con người và cho phép sự phân biệt ranh giới giữa sáng tạo và tự tạo. Khi F.Engels đưa ra định nghĩa về tôn giáo trong tác phẩm “Chống Đuy-rinh”[22], cho rằng con người sáng tạo ra tôn giáo biểu hiện thông qua con đường nhận thức, thì cũng cho thấy rõ tính chất trung giới của tôn giáo xét từ góc độ giá trị văn hóa. Khả năng liên quan tới con người, hay được biểu hiện thông qua nhân hình của con người[23]. Do đó, lý tưởng của biểu tượng trong nghệ thuật thường là một khuôn mẫu lý tưởng được thể hiện thông qua điêu khắc.
            Xét trong lịch sử nhân loại, các cơ sở giá trị của biểu tượng điêu khắc tôn giáo đã ra đời từ tầm nhìn trung đạo (trung giới và tổng thể) về thế giới và con người. Ở phương Đông, trong tư tưởng của Phật Thích ca thể hiện một phương pháp, một con đường tu tập giác ngộ ở giữa chống lại cả hai cách tu tập cực đoan trong thiền. Thế giới giá trị được hình thành xung quanh con đường trung đạo thực chất là thế giới của các kiến tạo giá trị văn hóa với năng lực suy tư có tính tổng thể; thế giới của các biểu tượng làm cơ sở ngôn ngữ kiến tạo nên các chân lý phương tiện. Quan trọng hơn là với tầm nhìn trung đạo về thế giới thì các giá trị và thước đo con người luôn tạo ra các chuẩn mực cho thế giới đối tượng. Khác với cái nhìn lệch chuẩn trong xã hội hiện đại khi có nhiều người đã lấy vật chất làm thước đo chuẩn mực cho thế giới.
         Ở phương Tây, đến nửa sau thế kỷ XVIII các triết gia người Đức là Immanuel Kant rồi Sopenhoure đã khẳng định các giá trị trung giới. I.Kant với quan niệm về bản chất “Vật tự nó” của thế giới và sự tìm kiếm cái đẹp trong thế giới biểu tượng văn hóa. Còn Sopenhoure đưa ra tác phẩm  “Thế giới như là những biểu tượng”. I.Kant với sự tìm kiếm cái đẹp trong thế giới biểu tượng văn hóa đã xây dựng mới triết học bản thể. Triết học về con người, về bản thể của con người đã được kiến tạo từ đây.

4. Các biểu hiện giá trị của cái đẹp biểu tượng trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc chùa Việt
       4.1. Tính biểu tượng của giá trị cái đẹp trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc chùa Việt

        Biểu tượng giá trị của cái đẹp trong đời sống tâm linh của con người luôn giữ một vị trí quan trọng cho các nhu cầu tinh thần, tâm linh linh thiêng của con người. Đặc trưng phổ quát của biểu tượng của giá trị tâm linh trong cái đẹp của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc ngôi chùa Việt biểu hiện trước hết là sự hài hòa của cặp giá trị giữa hình và ý. Ở những cái đẹp có sự kết hợp hài hòa giữa hình và ý cho thấy đặc trưng phản ánh có tính quy tắc nhằm khắc họa ý niệm tổng thể, và toàn vẹn về cái đẹp biểu tượng.

      4.2. Tính biểu tượng của giá trị nhân sinh quan của dân tộc trong cái đẹp của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc chùa Việt
         Đặc trưng nổi bật của biểu tượng giá trị nhân sinh quan của dân tộc trong cái đẹp của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc chùa Việt biểu hiện đặc sắc thông qua khắc họa tính biện chứng của cặp giá trị của Thân và Tâm. Tư tưởng này được tiếp thu dựa trên đường lối tu tập trung đạo của Đức Phật Thích Ca, không quá nuông cảm giác cũng không quá ép xác khắc kỷ, tránh lối sống và thực hành tu tập cực đoan.

       4.3. Tính biểu tượng của giá trị nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc chùa Việt như đã phân tích ở phần trên bao gồm:
+ Sự kết hợp giữa tĩnh và động. Giá trị nghệ thuật với thủ pháp của nó biểu hiện đỉnh cao qua nguyên tắc thống nhất này.
+ Tính chỉnh thể, toàn vẹn giữa nội dung  và hình thức 
+ Tính lý tưởng của sự thống nhất giữa tinh thần, tỷ lệ vàng và vật chất .  

5. Kết luận    

         Biểu hiện giá trị của cái đẹp trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo là đa dạng, phong phú nhưng giàu tính biện chứng. Lý tưởng nghệ thuật Phật giáo của người Việt một cách biện chứng và trung giới luôn bảo tồn các thước đo nhân tính của con người trong tính biểu tượng và thế giới giá trị của cái đẹp tâm linh người Việt.

           Cái đẹp của nghệ thuật Phật giáo không chỉ tồn tại dưới hình thức như là một bộ phận “biểu hiện” cho tôn giáo hay triết học. Nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, cao cấp hơn so với các hoạt động thẩm mỹ thông thường. Ngoài tính hiện thực, nghệ thuật còn góp phần đưa các bộ phận ý niệm, khái niệm cao của tôn giáo và triết học vào trong những cảm nhận hình thể cảm quan. Nghệ thuật một cách cụ thể đã kiến tạo các phương tiện nghệ thuật tạo hình mang các giá trị tổng thể. Tính tổng thể này quy định sự hài hòa của cái đẹp trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc tôn giáo. Ý nghĩa tổng thể luận nhờ vậy mà đạt được ở ngay chính phương cách sáng tạo cái đẹp biểu tượng nhằm đạt được sự thống nhất giữa hình thức và nội dung, giữa ý niệm với hình tượng, nhằm hoàn tất lý tưởng nghệ thuật. Mà lý tưởng nghệ thuật, theo G.W.Ph. Hegel lại là một kiểu tư duy biện chứng về cái đẹp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật./.

Tài liệu tham khảo

1. Uông Chính Chương (2002), Mỹ học kiến trúc, Nxb Xây dựng, tr. 26, 46.
2. N.Đmi-tơ-ri-ê-va (1964), Tìm hiểu mỹ thuật Cổ đại – Trung cổ - Phục hưng, Bài Nghệ thuật nguyên thủy, Nxb Văn hóa – Nghệ thuật, Hà Nội, tr.14.
3. Gilles - Gaston Granger ( 2002), Khoa học và các khoa học. tr. 54.
4.Nguyễn Hùng Hậu (chủ biên) (2005), Đại cương triết học Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, tr.123-124.
5. Đặng Quý Khoa (1992), Giáo trình bố cục, Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tr. 19, 26.

 
 

[1] Bằng phương pháp hệ hình, ở đây chúng tôi phân biệt hai khái niệm thẩm mỹ nghệ thuật. Trong lịch sử mỹ học, hệ hình thẩm mỹ được xác lập bởi I. Kant, triết gia Đức của thế kỷ XVIII. Khái niệm thẩm mỹ được I. Kant xây dựng dựa trên phương thức quan hệ. Khái niệm nghệ thuật ở phương Tây được tiếp cận bằng hệ hình đời sống, bởi các triết gia thuộc đường hướng triết học về nghệ thuật. Tuy nhiên, ngay trong hệ hình đời sống nghệ thuật đã luôn bao hàm quan hệ thẩm mỹ. Như vậy, sự phân biệt giữa hai khái niệm thẩm mỹ và nghệ thuật là trên cơ sở phân biệt giữa hệ hình quan hệ của các lý thuyết về thẩm mỹ với hệ hình đời sống của nghệ thuật (Đời sống nghệ thuật, nghệ thuật phản ánh đời sống, nghệ thuật đời sống).
[2]Tổng thể - cảm quan hoặc cảm quan tổng thể, tức là cái cảm quan thống nhất với cái lý tính/ lý trí thành một biện chứng tổng thể, chứ không phải chỉ có cảm quan, cảm tính.
[3]Vitruvius (2004),“Mười cuốn sách về kiến trúc”, chương 2. Những nguyên tắc cơ bản của kiến trúc, Q.1, Nxb. Xây dựng, tr. 17.
[4]Theo chúng tôi, tổng thể luận là lý luận, lý thuyết về tính tổng thể. Việc luận bàn, nghiên cứu luôn nắm lấy tính tổng thể, tổng quan, tính toàn thể, hay tổng hòa, tổng hợp làm căn cốt, làm điều cốt tủy.
[5]Thuận Phước (2011), “Phong tục dân gian nghi lễ thờ Phật”, Nxb. Thời đại, tr. 20 - 21.
[6]Liên quan đến các ngôn ngữ thuộc tư duy hình ảnh và bán hình ảnh, xin lưu ý một số các hình thái về Hình như sau: Hình ảnh, hình vẽ, hình tượng, hình thân, hình ngôn, hình tướng, hình nhân, hình thái (sắc thái về hình), hình thức và siêu hình. Ví dụ, biểu hiện hình thân, như đã nói ở trên, có trong văn hóa biểu tượng của Nepal với biểu tượng Phật sống. Hình nhân thì có trong các sinh hoạt tín ngưỡng như lễ Cắt giải tiền duyên được tiến hành ở một số ngôi chùa. Hình ngôn là ngôn ngữ hình thể.
[7]Chúng tôi đưa ra lý thuyết Ngũ bối của văn hóa biểu tượng tôn giáo. Theo đó, biểu tượng tôn giáo thường bao gồm năm thành tố cơ bản cấu thành: 1) Hình (bao gồm các hình thái sau: Hình vẽ, hình tượng, hình thân, hình ngôn, hình tướng, hình nhân, hình thái, hình thức và siêu hình. Trong nhóm này có đặc trưng quan trọng của hình thân. Từ hình thân ta có hình ngôn là tính biểu hiện, biểu cảm ngôn ngữ qua hình dạng cơ thể); 2) Ngôn (ngôn ngữ, lời); 3) Bản (Bản thể, bản nguyên hoặc bản sắc, sắc thái); 4) Ý (Ý nghĩa, ý niệm, tư tưởng); và 5) Công hoặc Dụng (giá trị, công năng, công dụng).
 
[8]Daisetz Teitaro Suzuki (2015), “Thiền luận”, quyển Thượng, Nxb. Hồng Đức, tr. 423.
[9]Chùa Tây Phương (Tây Phương cổ tự), còn có tên gốc là Sùng Phúc tự và Hoàng Sơn Thiếu Lâm tự. Chùa Tây Phương tọa lạc trên ngọn núi Câu Lậu (nay gọi là núi Tây Phương) cao chừng 50 m, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (tỉnh Hà Tây cũ), nay thuộc thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội chừng 50 km về phía Tây.
[10]Đặng Quý Khoa (1992), “Giáo trình bố cục, Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tr. 19, 26.
[11]Đặng Quý Khoa (1992), “Giáo trình bố cục, Sđd, tr. 26.
[12]Chùa Thái Lạc tọa ở thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Chùa có tên chữ là Pháp Vân tự, vì ở đây thờ Phật và thần Pháp Vân, một vị thần trong hệ thống Tứ Pháp (Vân, Vũ, Lôi, Điện tức Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Kiến trúc của chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Chùa được khởi dựng từ thời Trần, thuộc nửa sau thế kỷ XIV.
[13]Chùa Một Cột ở phố cùng tên thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là bộ phận Tháp (Phật đài, Liên hoa đài) độc đáo của ngôi chùa cổ, tên là Diên Hựu. Vì vậy, chùa còn có tên là chùa Diên Hựu (Phật đài, Liên hoa đài), được xây dựng vào thời Lý.
[14]Nguyễn Tôn Nhan (2000), “Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc”, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr. 1011.
[15]Nguyễn Hùng Hậu (chủ biên) (2005), “Đại cương triết học Việt Nam”, Nxb. Thuận Hóa, tr. 123 - 124.
[16]Uông Chính Chương (2002), “Mỹ học kiến trúc”, Nxb. Xây dựng, tr. 26, 46.
[17]Nina Anatolievna Dmitrieva (N. Đmi-tơ-ri-ê-va, Н. Дмитриева) (1964), “Tìm hiểu mỹ thuật Cổ đại – Trung cổ - Phục hưng”, Bài “Nghệ thuật nguyên thủy”, Nxb. Văn hóa – Nghệ thuật, Hà Nội, tr. 14.
[18]Nguyễn Cao Luyện (1988), “Chùa Tây Phương một công trình kiến trúc cổ độc đáo”, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, tr. 38, 39.
[19]Uông Chính Chương (2002), “Mỹ học kiến trúc”, Sđd, tr. 46.
[20] Uông Chính Chương (2002), “Mỹ học kiến trúc”, Sđd, tr. 46.
[21]Thuận Phước (2011), “Phong tục dân gian nghi lễ thờ Phật, Nxb. Thời Đại, tr. 20 - 21.
[22]F. Engels: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”. K. Marx – F. Engels, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.20, tr.437.
[23] Cần phân biệt rõ ràng giữa phương pháp nhận thức đặc thù của triết học (cấp độ cao của siêu hình học xem xét bản thể tồn tại vật chất hay tinh thần) với cấp độ trung giới của văn hóa thuộc về thế giới của giá trị và biểu tượng nên thuộc về nhóm tư duy tổng thể trong đó tất yếu có nhóm hình thân.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,580
  • Tháng hiện tại45,168
  • Tổng lượt truy cập731,532
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây