MẸ ĐỒNG QUAN VÀ NGHI LỄ THI ĐỒNG QUAN TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM - TỨ PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT

Thứ sáu - 10/06/2022 18:44
TS. Nguyễn Hữu Thụ, Lê Văn Hiếu, Bùi Trung Hiếu, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN. Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12 (216), 2021, tr. 104-119.
Ảnh. Mẹ Đồng quan
Ảnh. Mẹ Đồng quan


Tóm tắt:

 
      Đồng quan, Mẹ Đồng quan là thuật ngữ được nhắc đến nhiều bởi các ông đồng, bà đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu vùng đồng bằng Bắc bộ. Theo đó, Đồng quan (Mẹ Đồng quan) được hiểu là một sự tôn xưng mà tín đồ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ dành cho những ông đồng, bà đồng – người được coi là đã “kiều thỉnh” được Thánh Mẫu nhập vào mình trong nghi thức “thi” Đồng quan. Trong quá khứ, “Đồng quan” không phải chỉ là danh tiếng đơn thuần mà nó là “địa vị cao quý nhất của ghế đệm nhà Thánh”[1], các ông đồng, bà đồng là Đồng quan thường nhận được sự kính trọng, và trong một số trường hợp nhất định, những người tiếp xúc với Mẹ Đồng quan đều phải đứng để nói chuyện và sử dụng những lời lẽ cung kính như cung kính với Thánh Mẫu, hành động đều phải giữ đúng mực và cẩn thận như đang đối diện với Tiên, Thánh vậy. Thậm chí, đền thờ nào có người đỗ Đồng quan thì cũng vì vậy mà trở lên vẻ vang, oanh liệt. Hiện nay, Đồng quan và tục thi Đồng quan không còn xuất hiện trong đời sống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ nữa mà chủ yếu được truyền lại qua các câu chuyện kể của các ông đồng, bà đồng cũng như các di tích, đền thờ nơi đã từng có sự hiện diện của các Mẹ Đồng quan. Bài nghiên cứu này được thực hiện nhằm bước đầu tìm hiểu về Đồng quan và tục thi Đồng quan thông qua việc khảo cứu tại thực địa một số đền thờ có bia, mộ của Mẹ Đồng quan cũng như việc phỏng vấn sâu một số các Đồng cựu và những ghi chép còn lại về Mẹ Đồng quan và tục thi Đồng quan trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ khoá: Đồng quan, Mẹ Đồng quan, Tục thi Mẹ Đồng quan, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ.
--------------------------------------------

1. Khái lược về Đồng quan, Mẹ Đồng quan

      Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ là một loại hình tín ngưỡng dân gian phổ biến trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ. cùng với sự thay đổi của xã hội, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ đã không ngừng biến đổi cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Bên cạnh những nội dung, nghi lễ được bổ sung thì cũng có nhiều yếu tố đã dần không còn hiện hữu và phổ biến nữa. Đồng quan và nghi lễ thi Đồng quan là một trong những yếu tố đó.
      Mặc dù danh hiệu Đồng quan và nghi lễ thi Đồng quan không còn hiện hữu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ hiện nay, nhưng vẫn còn những dấu tích của Đồng quan ở một số đền thờ Mẫu trên địa bàn thành phố Hà Nội như: đền Mẫu Cửu thôn Bằng Sở, Ninh Sở, Thường Tín; đền Đại Lộ (thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín), đền Cây Quế (Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội),…
       Thuật ngữ “Đồng quan” trên bia đá Mẹ Đồng quan đền Nghĩa Lập (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được thể hiện bằng 2 chữ (Đồng) và (Quan). Trong đó, “Đồng” () được dùng để chỉ người con trai dưới 15 tuổi còn trong trắng, thanh tịnh, ngây thơ, hồn nhiên, không vấy bụi trần để làm lính, làm ghế cho Thần linh ngự. Chữ Quan () có nghĩa là chức sắc, là viên chức có quyền hành trong bộ máy nhà nước phong kiến. Đồng quan được hiểu là những ông đồng, bà đồng có thân thể trong sạch, sau khi trải qua một kì thi trở thành “quan chức của Thánh Mẫu, thay quyền Thánh Mẫu ở trần gian và được các ông đồng, bà đồng khác tôn kính. Điều này được biểu thị sắc nét trong cách ghi chép của Nhất Lang về cụ VT và cuộc hội thoại với các ông, bà đồng khác trong thiên phóng sự của mình.[2]
         Trong cách giải thích của một số cụ đồng cựu thì bất kỳ ông đồng hay bà đồng nào nếu thấy mình có đủ điều kiện thì đều có thể ứng thí thi Đồng quan, và sau khi “đỗ” trong “kì thi” này, họ sẽ được tín đồ gọi là ông Đồng quan hay bà Đồng quan. Tuy nhiên, trong thực tế thì cách gọi này rất hiếm khi xuất hiện. Thay vào đó, thuật ngữ Mẹ Đồng quan lại phổ biến hơn. Giải thích cho hiện tượng này, ông đồng H cho rằng: ngoài nghĩa là người sinh ra ai đó, mẹ, trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ còn được dùng để chỉ Đồng thầy – người đã mở phủ cho mình[3]. Theo đó, “Đồng thầy” chính là người đã “sinh ra” “đồng con”, vì vậy, đồng thầy thường được gọi là “mẹ” cho gần gũi, thân thiện. Ngoài ra, cũng có một số ông đồng, bà đồng giải thích rằng, trong thực tế, hầu như chỉ có các bà đồng ứng thí đỗ được Đồng quan nên tín đồ gọi là Mẹ Đồng quan, Bà Đồng quan. Cũng có cách giải thích khác về Mẹ Đồng quan tại đền Bằng Sở, Thường Tín, Hà Nội. Theo đó, trước đây, cuộc sống của người dân Bằng Sở rất khó khăn. Khi Mẹ  về sống cùng dân, lập đền lập điện, đã giúp dân có cái ăn trong những năm đói kém, tạo việc làm cho dân, dạy dân nhiều bề. Mẹ đồng lại hay xưng là “Mệ” theo giọng Huế nên người dân không gọi là bà  mà gọi là Mẹ, sau này thành quen, mà gọi là Mẹ  đến giờ.[4]
       Trong thực tế, có thể thấy rằng, khi các bà đồng đã được gọi là Đồng quan, tức là đã được Thánh Mẫu “khâm điểm”, thậm chí còn được coi là “Thánh sống” trong lòng các con nhang, đệ tử thì việc gọi tên thật của các bà trở nên “phạm huý”. Vì vậy, để vừa gần gũi, vừa thể hiện sự kính trọng cũng như biết được nơi các bà trụ trì, dân gian thường gắn địa danh bên cạnh danh hiệu Mẹ Đồng quan như: Mẹ Đồng quan đền Bằng Sở, Mẹ Đồng quan đền Cây Quế, Mẹ Đồng quan đền Nghĩa Lập… hay gọi gọn hơn là Mẹ đồng Bằng Sở (Mẹ Bằng Sở), Mẹ đồng Cây Quế (Mẹ Cây Quế), Mẹ đồng Nghĩa Lập (Mẹ Nghĩa Lập),…
      Tất nhiên, để có thể được gọi là Mẹ Đồng quan đòi hỏi các ông đồng, bà đồng phải trải qua rất nhiều thử thách, trong đó có nghi thức “thi” Đồng quan, như lời cụ đồng Đ: “Không phải như bây giờ lên đồng sang lên đồng đẹp là có thể tôn nhau lên làm , ngày xưa phải thi, bắt buộc phải đỗ thì mới được gọi là Đồng quan.[5]

2. Nghi lễ “thi” Đồng quan trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ

     Cũng giống với nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian khác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ không có sự ghi chép mang tính thống nhất về giáo lý, lễ nghi và tổ chức như những loại hình tôn giáo thế giới. Chính vì vậy, việc thực hành nghi lễ và giáo lý của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ không có sự nhất quán. Sự khác biệt này còn rõ nét hơn với những nghi lễ đã không còn được thực hiện trong thực tế như nghi lễ thi Đồng quan.
       Nghi lễ thi Đồng quan là một trong những nghi lễ quan trọng, phức tạp nhưng không phổ biến của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ Phủ. Căn cứ vào những tư liệu còn lại qua thực địa cũng như lời kể của các ông, bà đồng lớn tuổi, nhóm nghiên cứu tập trung làm rõ một số nội dung của nghi lễ thi Đồng quan như: Chủ thể của nghi lễ; địa điểm thực hiện nghi lễ; khách thể và một số tiến trình diễn ra trong nghi lễ thi Đồng quan.
      Chủ thể thực hiện nghi lễ thi đồng quan, tất nhiên, đó là các ông đồng, bà đồng. Tuy nhiên, những ông, bà đồng tham dự “kỳ thi” này phải đảm bảo những điều kiện nhất định về tuổi đời, tuổi đồng, đạo đức và khả năng…. Trong tác phẩm Đồng bóng, Nhất Lang viết: “Muốn thi Đồng quan thì phải là cụ đồng thượng hạng ngoại hạng, có căn chữa bệnh tức là công tác xã – hội chứ hạng “Cụ đồng bản mệnh” thì không được đầu đơn. (…). Một điều quan hệ nữa là cụ đồng phải phúc hậu, hiền từ, được uy tín mà ít nhất là phải ngoài 50 tuổi. Mà phải thực giàu có! Đây là mới nói điều kiện phù hợp chứ cốt nhất là phải được “Mẫu” chấm mới trúng tuyển”.[6]
 
         Khi hỏi một số ông đồng hầu Thánh lâu năm ở Hà Nội như cụ Đ, cụ Ch, đồng V, đồng H,… về tiêu chuẩn mà các ông, bà đồng phải có trước khi ra ứng thí nghi lễ thi Đồng quan, nhóm nghiên cứu nhận được các câu trả lời tương đối thống nhất và giống với những gì mà Nhất Lang đã viết trong Đồng bóng. Theo đó, các vị phải ra hầu Thánh lâu năm, có uy tín trong và ngoài bản hội, đồng thời cũng phải có khả năng chữa bệnh. Cụ đồng Đ nói: “Thường là các cụ đồng (những người đã ra hầu Thánh lâu năm) nữ thi Đồng quan. Phần lớn các cụ không có gia đình, có đời sống rất chay tịnh và trung thành hết mực với việc hầu Thánh”[7]. Có thể tìm thấy những điểm này trong lời kể về Mẹ Đồng quan được thờ ở Đền Cây Quế (Hà Nội). Theo đó, từ nhỏ, bà đã sống ở đền, không lập gia đình mà chỉ lo phụng thờ Tiên Thánh, trải qua nhiều biến động thời gian mà đưa đền chuyển từ gần đê sông Hồng về Hòa Mục (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) như hiện nay. Theo lời kể của cô V, Mẹ Đồng quan đền Nghĩa Lập cũng vậy, bà cũng gây dựng lên đền Nghĩa Lập, suốt đời không lập gia đình mà chỉ chuyên tâm phng thờ Tiên Thánh.[8]
      Bên cạnh tiêu chuẩn về “tuổi đồng” và đức hạnh của ông đồng, bà đồng thì khả năng chữa bệnh của ông, bà đồng trước khi ra ứng thí Đồng quan cũng được các đồng cựu khẳng định. Cô đồng P (cháu gọi Mẹ Đồng quan đền Bằng Sở là cụ cố) nói về khả năng chữa bệnh của bà Đồng quan đền Bằng Sở: “Bà đã cứu một cô bé đệ tử bị điên. Không biết bà làm cách nào, chẳng biết khoa giáo ra sao, chỉ biết bà lễ về đêm, chỉ cần một lần lễ là khỏi bệnh hoàn toàn”[9]. Cậu đồng Ph cũng khẳng định điều này: “Bà Đồng quan còn có khả năng đánh đồng thiếp ba ngày ba đêm để ra uy trị bệnh. Đánh đồng thiếp có nghĩa là bà xuất hồn về cõi âm, thể xác bà ở lại cõi trần nhưng chỉ là cái xác không hồn để làm việc âm, chữa bệnh âm cho người bị bệnh. Mỗi lần bà đánh đồng thiếp đều có rất nhiều quan chức như lý trưởng, chánh tổng và các con nhang đệ tử của bà chứng kiến[10]. Trong bia đá của bà Đồng quan đền Bằng Sở có ghi: “Quyền Thánh phép Tiên cho tôi chữa bệnh nào khỏi bệnh ấy”. Trong lời kể về bà Đồng quan đền Cây Quế cũng có nói đến khả năng chữa bệnh của bà. Thậm chí, dưới triều Minh Mệnh, bà đã chữa khỏi bệnh điên dại cho con gái của nhà Vua và được Vua ban sắc phong đề “Sắc Tứ Đồng Quan” (theo lời cụ Ch, bản sắc phong này đã bị mất)[11].
      Hầu hết các cụ đồng được hỏi về khả năng kinh tế của các ông đồng, bà đồng tham gia ứng thí Đồng quan đều trả lời giống với Nhất Lang đã kể, đó là “thực giàu có”[12]. Các cụ đồng này phải rất giàu thì mới có khả năng: xây dựng đền thờ rất bề thế (ví dụ Đền Bằng Sở, Đền Vũ Thạch, Đền Nghĩa Lập…..); chăm lo và hỗ trợ người dân quanh đền về kinh tế và tiến hành được nghi lễ thi Đồng quan.
      Địa điểm thực hiện nghi lễ thi Đồng quan. Về lý thì tất cả những địa điểm có hầu Thánh đều có thể sử dụng làm nơi tổ chức nghi lễ thi Đồng quan, nhưng trong thực tế, có bốn địa danh nổi tiếng hay được chọn để thực hiện nghi lễ này. ĐóĐền Dầm (Thường Tín, Hà Nội), Chùa Tè (Chùa Ninh Xá, Thường Tín, Hà Nội), Đền Đại Lộ (thôn Đại Lộ, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội), Đền Sở (Mẫu Bằng Sở, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) thường được gọi là Dầm, Tè, Lộ, Sở[13].
      Điểm chung nhất mà cả bốn địa điểm này đều có, đó là có cung cấm hoặc cung đệ nhất (tiền cung cấm) rộng, cung công đồng và sân lớn. Lý do nghi lễ thi Đồng quan được diễn ra ở những địa điểm có đặc điểm trên là vì “thi Đồng quan sẽ hoàn toàn được tiến hành trong cung cấm”[14]. Ông đồng, bà đồng đầu đơn thi Đồng quan và bốn vị phù giá sẽ thực hiện nghi thức bên trong cung cấm. Cung cấm cũng là nơi các vị giám khảo, các vị quan lại và tín đồ vào kêu, khấn lễ khi Thánh Mẫu giáng vào Đồng quan, vậy nên cung cấm phải rộng rãi để có thể thực hiện được các công việc trên. Cung đệ nhất là nơi đặt lễ vật dâng lên Thánh Mẫu nên cũng cần có diện tích rộng lớn để kê bàn, đặt đẳng, bày biện lễ nghi. Kế đến là cung công đồng cũng phải rộng rãi để các nghi thức cúng Thánh của đàn lễ Mẹ Đồng quan được diễn ra trước và sau nghi lễ trong cung cấm. Ngoài ra, cung công đồng còn cần bày biện nhang hoa, cờ quạt, phướn lọng, tàn vàng, tán tía, bát biểu,... huy hoàng trang nghiêm, cũng là nơi để các quan lại và Mẹ Đồng quan đã đỗ ở các khóa thi trước về dự lễ và minh chứng cho việc ông, bà đồng ấy thi đỗ hay không. Ngoài sân là nơi để lễ vật và vàng mã hoặc là nơi các đội múa, đội ca hát hò, diễn xướng mua vui, nghênh đón Thánh Mẫu về ngự đồng. Khoảng sân rộng tại các đền cũng được sử dụng làm nơi ăn giầu, uống nước, luận bàn việc Tiên của các ông, bà đồng trong khi chờ Thánh Mẫu giáng về.[15]
       Mặc dù không gian rộng lớn của đền thờ là yêu cầu rất quan trọng cho nghi lễ thi Đồng quan, nhưng yếu tố quyết định cho việc lựa chọn địa điểm thi lại là sự chỉ dẫn (linh ứng) của các vị Thánh Mẫu. Cụ đồng Ch giải thích: “Việc quan trọng nhất để kiều Thánh Mẫu ngự đồng đó là phải được nằm mộng thấy Mẫu, phải được Mẫu chỉ bảo rằng Ngài muốn thi ở đâu, Ngài muốn ngự ở đâu và Ngài muốn về đồng lúc nào. Tất cả sẽ được thông báo qua giấc mơ cho ông đồng, bà đồng”[16].
       Những người chứng kiến việc “thi” Đồng Quan: Đây là những người được ông đồng, bà đồng mời đến và chứng kiến việc thực hiện nghi lễ thi Đồng quan. Một số cụ đồng gọi họ là Ban giám khảo của cuộc thi Đồng quan, đó là các chức sắc của chính quyền như: lý trưởng, chánh tổng và các cụ Đồng quan đã thi đạt trước đó.[17]
        Theo sự giải thích của các ông đồng, bà đồng, việc chứng kiến của những cá nhân này mang tính bắt buộc. Các chức sắc của chính quyền được mời thường từ lý trưởng trở lên đến chánh tổng hoặc cao hơn. Nếu như bà đồng ở nơi khác đến thi, ngoài việc mời quan chức thuộc địa phận mình sống, nơi có đền mình trụ trì, thì còn phải mời cả những quan chức thuộc nơi có đền mà các ông, bà đồng chọn để thi. Bên cạnh các vị chức sắc của chính quyền, không thể thiếu sự xuất hiện của các Đồng quan đã đỗ trước đó. Nhiệm vụ của những vị này là viết dị hiệu của Mẫu bỏ vào nén vàng làm đề dự thi; chứng kiến và kiểm tra nén vàng mà ông, bà đồng dự thi bốc được; xác nhận kết quả thi. Nếu đúng là Thánh Mẫu giáng thì sẽ có trách nhiệm vào dâng hiến lễ vật cầu xin Thánh Mẫu che chở. Tất nhiên, trong trường hợp có sự tranh cãi về nghi thức, nghi lễ hay có những dấu hiệu không thoả đáng trong tiến trình ông, bà đồng thi thì các Mẹ Đồng quan khóa trước sẽ là người phân giải cuối cùng.
       Để có thể thực hiện được khoá lễ thi Đồng quan đòi hỏi ông đồng, bà đồng phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và cẩn trọng. Theo cụ Đ, “Trước khi thi, các ông đồng, bà đồng ứng thi phải ăn chay 100 ngày và tắm bằng nước thơm để cho người tinh sạch”[18]. Cụ đồng Ch giải thích: “ăn chay là thể hiện sự kiên định, trong sạch, giữ giới; tắm nước trầm để cho người thơm tho thì Thánh Mẫu mới giáng về”[19]. Bên cạnh đó, các ông đồng, bà đồng phải ngày đêm lên đền, xuống phủ hương đăng phụng sự Thánh Mẫu, trình cáo với thần linh để xin Tiên Thánh phù hộ cho linh đồng hiển bóng, giáng ứng bảo hộ cho ông bà đồng ấy đỗ được[20]. Trong tác phẩm Đồng bóng, Nhất Lang cũng viết: “Thí sinh phải ăn chay ít ra là bách nhật, tắm gội nước trầm, quần áo ướp hương hoa, mà mỗi ngày phải tắm gội thay quần áo một lần – vì đã sắp thành “mình thánh” rồi”[21]. Có nghiêm cẩn như vậy thì mới“thân tâm trong sạch”, mới nhận được sự linh ứng của Thánh Mẫu.
      Để chuẩn bị cho ngày thi, “bà đồng ứng thí cần phải báo danh với các đền, các phủ mình dự thi, xin cung, xin lễ đền phủ, kêu Thánh tại đền mình dự thi để xem Thánh có ưng hay không, nếu Thánh ưng ý thì mới chuẩn bị lễ nghi, giấy sớ, thỉnh các quan lại, báo với các Đồng đền, báo với các Mẹ đã đỗ khóa trước để về đền đúng ngày dự lễ”[22].
       Trong nghi thức thi, bên cạnh cờ hoa, võng lọng, kiệu vàng, tán tía, cung văn, pháp sự, trầm xạ, yến tiệc,... cũng có những lễ vật cố định, được coi là đặc trưng nhất để phục dùng: Ngai thờ, áo giấy, hài giấy, tiền xu âm dương, vải điều, tiền vàng đều phải được bà đồng chuẩn bị kĩ lưỡng.
        Theo giải thích của cụ Ch, ngai thờ được đặt phía bên trong cung cấm, bên trên ban thờ, lưng ngai quay vào ban, có lối đi lên xuống. Hai bên đặt tàn tán, bát biểu, hoa quả sao cho nguy nga lộng lẫy nhất. Phía trước ngai đặt một cái bàn, trên bàn có để một lư hương và đôi đèn. Những vật ấy để đến lúc Thánh về ngự dụng. Hai bên công đồng đặt hai cái đẳng* bày biện trầm xạ, đèn hương, hoa quả, sơn hào hải vị, gấm vóc, nhiễu điều, giấy sớ để dâng Thánh Mẫu. Bên ngoài công đồng, trên sập bày lễ nghi, đèn hương đốt cúng, hương, hoa, trà, quả phải thật trang nghiêm lộng lẫy, các thức đồ lễ đều phải trang nghiêm, tố hảo nhất có thể. Và đặc biệt, phải có một cái tráp sơn son thếp vàng, trong tráp đựng 7 hoặc 9 đồng tiền xu (tùy thuộc vào đồng nhân ứng thí là nam hay nữ) tượng trưng cho vía, cùng 3 miếng trầu cánh phượng tượng trưng cho Tam hồn[23]. Tráp này là nơi sẽ chứa đựng hồn, vía của ông, bà đồng sau khi đã cúng. Trong tiến trình thi, thể xác của ông bà đồng đi đến đâu thì phải có thầy pháp đem tráp này theo đến đấy (xác đi đâu hồn theo đến đó), tránh để hồn vía bị giữ lại hoặc thất lạc hồn phách.
      Áo và hài giấy được dùng cho ông, bà đồng khi lên ngai để kiều thỉnh Thánh Mẫu. Tấm vải điều thì được đặt ở trước cung công đồng, trên rải đầy tiền vàng, tiền xu, tiền giấy, tiền hành sai và các thức vật khác để sau khi thi cúng chuộc hồn cho ông, bà đồng.
      Có nhiều nghi thức được thực hiện trong nghi lễ thi Đồng quan, nhưng quan trọng nhất và được chờ đợi nhất vẫn là nghi thức kiều thỉnh Thánh Mẫu ngự đồng hay còn gọi là đại lễ Phụng Nghinh. Đây chính là nghi thức quyết định việc ông đồng, bà đồng có “đỗ” được Đồng quan hay không.
     Theo các cụ đồng kể lại thì có nhiều phương thức kiều thỉnh Thánh Mẫu, nhưng phương thức khó nhất và phổ biến nhất là bốc dị hiệu (trong 1000 thoi vàng, sẽ có 1 thoi có dị hiệu của Thánh Mẫu, còn lại 999 thoi vàng rỗng ruột. Nếu ông đồng, bà đồng bốc được thoi vàng có dị hiệu đó thì được coi là đỗ Đồng quan). Ngoài ra còn có phương thức khất đài, tức là ông, bà đồng dùng quạt ngà, để tiền đài âm dương lên đó và phất cho 2 đồng tiền rơi vào cái khay vuông để trước mặt. Nếu đồng tiền “nhất âm, nhất dương” (một mặt sấp, một mặt ngửa) thì bà đồng đã đỗ Đồng quan[24]. Cả hai phương thức này đều chỉ được truyền khẩu lại mà không được ghi chép một cách đầy đủ về nguyên tắc cũng như các nghi thức cụ thể được diễn ra như thế nào.
 
       Theo cụ đồng Ch, trước khi thực hiện nghi thức kiều thỉnh Thánh Mẫu thì bắt buộc các ông đồng, bà đồng sẽ phải thực hiện nghi thức cúng Bạt sinh hồn. Ông đồng, bà đồng sẽ mặc hạ y màu trắng, khoác áo Công đồng màu đỏ, chân đi hài giấy, mình mặc áo giấy, mặt phủ khăn điều (khăn phủ diện) và ngồi lên ngai để Pháp sư bắt đầu cúng bạt sinh hồn.[25] Lúc này, theo quan niệm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ, tất cả hồn vía của ông đồng, bà đồng sẽ thoát ra khỏi thể xác và được ẩn trú tạm thời trong 3 miếng trầu cánh phượng (tam hồn) và 7 hoặc 9 đồng xu (tương ứng với 7 hoặc 9 vía, nếu là ông đồng sẽ dùng 7 đồng xu tương ứng với 7 vía, bà đồng sẽ là 9 đồng xu tương ứng với 9 vía) đã được chuẩn bị trước ở trong tráp. Thể xác của ông, bà đồng hoàn toàn trong sạch, không có chút nhơ bẩn nào (vì đã chay tịnh 100 ngày, tắm trầm và xông hương…) sẽ là nơi mà Thánh Mẫu ngự về.
        Trong thời gian chờ đợi Thánh Mẫu ngự vào thân xác của ông đồng, bà đồng, trong cung cấm luôn được buông rèm và có sự túc trực của bốn bà hầu dâng. Trầm hương được đốt liên tục không ngừng. Hai bên tiền cung cấm được kê sẵn hai cái đẳng được bày biện đầy đủ yến, hương, hoa, quả, trà, giấy sớ… để khi Thánh Mẫu ngự về thì dâng cúng Mẫu. Bên ngoài, các cô đồng nữ hầu dâng túc trực cận kề để sẵn sàng dâng tiến lễ nghi khi Thánh Mẫu ngự về. Ngoài sân chánh tổng, lí trưởng, chức sắc quan viên vẫn tài bàn tổ tôm, bàn đèn, cỗ bàn chè chén. Dân làng và các khách thập phương chầu chực xung quanh chờ khoảnh khắc Thánh Mẫu ứng giáng[26].
          Tất nhiên, không phải cứ lên ngai kiều thỉnh là Mẫu sẽ ngự về. Cụ đồng Ch và Đ khẳng định: “Không phải giờ nào cũng có thể lên ngai ngồi, mà phải chọn được giờ tốt mới được lên. Nhưng lên ngai ngồi rồi cũng không phải Thánh Mẫu sẽ về ngay, mà ông đồng bà đồng còn phải ngồi, có lúc ngồi vài tiếng, ngồi từ chiều cho đến tối, thậm chí đến đêm. Quyền Thánh phép Tiên, ngài muốn về lúc nào thì về, ngài về muốn đảo thế nào, đảo đến bao giờ thì đảo, có khi ngồi đến 3-4 tiếng Ngài mới về” [27]. Thậm chí, có những trường hợp ngồi đến 12 giờ đêm mà không thấy Thánh Mẫu giáng về thì tất cả sẽ giải tán, buổi lễ kết thúc, ông, bà đồng ứng thí đã trượt và không đỗ Đồng quan.
thể thấy rằng, việc thỉnh được Thánh Mẫu giáng về trong nghi lễ Đồng quan đối với các ông, bà đồng là một điều không hề dễ dàng. Theo tương truyền, Thánh Mẫu hay giáng về đêm, dân gian coi đó là linh thiêng nhất khi có sự giao hòa âm – dương, trời đất, vạn vật và con người. Thế nên những người tham dự sẽ chờ đến canh ba (tức 12h) mà thấy Thanh đồng lắc lư ra dấu hiệu thì đồng đền phải ra báo với chức sắc lớn nhất bấy giờ vào cung khâm trực, vấn an, kêu cầu Thánh Mẫu.[28]
       Khi Mẫu giáng về, bốn bà phù giá trong cung Cấm đánh chuông, đánh kẻng báo hiệu. Bên ngoài, cung văn dồn trống, đánh phách kiều thỉnh Mẫu. Vị Quan có tước cao nhất sẽ đi vào cung Cấm, bê theo mâm vàng đã được niêm phong, phủ vải điều, dâng lên Mẫu và kêu Mẫu: “Con lậy Thánh Mẫu, Ngài hiển linh, con xin ngài Thánh hiệu”[29]. Bà đồng (lúc này đã là Mẫu giáng) lật tấm nhiễu điều ra, mở hộp niêm phong, lấy ra duy nhất một nén vàng trong số 1000 nén vàng được dâng lên, đặt riêng ra một chiếc đĩa sơn son. Dưới sự chứng kiến của các quan lớn, nếu nén vàng ấy mở ra có dị hiệu của Mẫu (đã được chuẩn bị trước) thì bà đồng ấy đã đỗ Đồng quan.
       Sau khi thấy dị hiệu của Thánh Mẫu, tất cả các chức sắc như tri phủ, tri huyện, tổng đốc phủ phục xuống, hô vang: “Ô Mẹ đã về, Mẹ đã về”[30]. Khi xác định được Thánh Mẫu giáng về, các quan lớn trong cung cấm quỳ xuống lễ, và xin Mẫu để dâng hoa quả, lễ nghi[31]. Các lễ nghi dâng vào, nếu là giấy sớ tiền vàng, phẩm lụa, nhang hoa thì Mẫu chạm nhẹ tay vào coi như đã chứng, nếu là trà, yến thì đưa lên ngang ngực để chứng theo hình thức khứu thọ* chứ không ăn, không uống. Tất cả những vật phẩm dâng lên Thánh Mẫu đã được Mẫu chứng rồi thì đều được mang ra ngoài, đặt lại vào hai chiếc đẳng hai bên. Riêng một chiếc tráp sơn son thếp vàng đã được chuẩn bị sẵn, bên trong có hoa, quả, trầu cau, tiền,... dâng Mẫu và đặt trực tiếp lên trên bàn ngự của Thánh Mẫu để Mẫu về phán truyền và ban lộc. Cuối cùng, sau khi đã hoàn tất các Nghi lễ thì Mẫu “ngả bóng”, ông, bà đồng hoàn tất nghi lễ thi Đồng quan, và được khiêng xuống từ cỗ ngai thi.
       Theo cụ Ch, trước khi khiêng vị Đồng quan xuống, ngoài công đồng đã phải rải sẵn lụa đỏ, giấy tiền, tiền xu, chuẩn bị đầy đủ các phẩm vật cho nghi lễ cúng chuộc hồn. Pháp sư là người bước vào đầu tiên, đem theo tráp son đựng 3 miếng trầu và 9 đồng tiền vía xuống, sau đó những người khác mới vào trong dìu bà đồng ra ngoài, đặt nằm chính giữa sập công đồng, nghi lễ cúng Chuộc hồn bắt đầu được diễn ra. Pháp sư cúng mở hộp tráp vía của bà đồng, lấy ra 3 miếng trầu và 9 đồng tiền xu âm dương, đặt lên người bà đồng, bó chặt người bà đồng lại cùng 3 miếng trầu và 9 đồng tiền vía ấy lại với nhau, giống như cách bó người chết, đặt bà đồng nằm giữa sập công đồng cho đến khi nào bà đồng cựa quậy, nhúc nhích người thì lúc ấy mới được mở ra. Khi đó, bà đồng đã hoàn hồn. Chiếc áo giấy và đôi hài giấy mà bà đồng đã mặc khi thỉnh Mẫu được cởi ra, xé làm nhiều mảnh khác nhau và chia phúc đều đặn cho người đến dự lễ như một lá bùa cầu may, một phần ân phúc Thánh Mẫu lưu lại tại nhân gian trước khi Mẫu ngả bóng về trời [32].
 
        Tất nhiên, nếu trường hợp ông đồng, bà đồng ứng thí bốc không đúng thỏi vàng ghi dị hiệu của Thánh Mẫu thì bị coi là trượt, không đỗ Đồng quan, mọi người sẽ lặng lẽ dìu đồng xuống khỏi ngai và không thỉnh Mẫu nữa. Buổi lễ kết thúc.
       Trong niềm tin của tín đồ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ, ông, bà đồng sau khi đỗ Đồng quan sẽ không chỉ đơn thuần là một người bình thường giống như các ông, bà đồng khác, mà còn được coi “là hiện thân của Mẫu”, thậm chí, cònmột vị “Thánh sống, là “địa vị cao quý nhất của ghế đệm nhà Thánh”[33], luôn nhận được sự kính trọng của tín đồ và của dân làng - nơi có đền mẹ Đồng quan trụ trì. Cụ Ch cũng khẳng định điều này khi kể về Mẹ Đồng quan đền Cây Quế, lúc còn sống, luôn nhận được sự trọng vọng của các ông đồng, bà đồng. Các con nhang đệ tử của cụ coi cụ như một vị “Thánh sống” thật sự.[34] Không những vậy, “đền nào nằm trong làng nào trong tổng nào mà có người thi đỗ thì ở đấy oanh liệt lắm”[35].
       Sự trọng vọng và tôn kính được dành cho Mẹ Đồng quan không chỉ có khi mẹ còn sống mà ngay cả khi mẹ mất. Các ngôi đền mà nhóm nghiên cứu tiến hành khảo cứu đều có điểm chung là có ban thờ Mẹ Đồng quan riêng tương tự như cách thờ đối với vị Thánh coi sóc bản đền. Một số ngôi đền còn thờ Mẹ như thờ Chầu Bà Thủ Đền tại nơi Mẹ Đồng quan trụ trì khi sống như đền Bằng Sở, Thường Tín, đền Cây Quế…
        Tại đền Cây Quế, Hòa Mục, Hà Nội, ngay bên cạnh tượng Chầu Bản Đền (Chầu Bà Lục Cung) là tượng thờ bà Đồng quan (biển tên là “Mẹ Đồng quan”). Việc đặt tượng như vậy có nghĩa là đền Cây Quế đang tôn thờ song song hai vị: một vị có ngôi thứ trong tín ngưỡng thờ Mẫu, được lập đền thờ rất nguy nga ở Lạng Sơn và vị kia là Mẹ Đồng quan bản đền. Lý giải về điều này, cụ Ch cho rằng: “vì bà Đồng quan đền Cây Quế có sắc Vua ban nên được phép ngồi ngang hành với Thánh”[36].
         Tại Đền Bằng S, Mẹ Đồng quan cũng được thờ “như” một vị Chầu Thủ đền. Cả hai ngôi đền (Đền Vua Ngọc Hoàng và Đền Mẫu Cửu Trùng) đều có tượng và cung thờ Mẹ Đồng quan riêng. Thậm chí, ban thờ Mẹ còn được đặt ngay trước cửa cung cấm ở đền Mẫu Cửu. Tại đây, vẫn còn cỗ ngai rồng, ghế, tượng thờ. Cỗ ngai rồng thờ Bà được đặt quay lưng vào cung cấm, được thờ trước và chính giữa cung cấm. Tương truyền, đây là cỗ ngai mà Bà đã sử dụng để làm ngai thi trong kì thi Đồng quan năm 1925. đền Vua Cha, mặc dù có nhiều lớp thờ nam thần, nhưng bà Đồng quan Bằng Sở và hai Mụ phù giá vẫn được được thờ một cung riêng trông nom coi sóc bản đền.
       Ngoài ra, tại một số nơi, Mẹ Đồng quan được thờ giống như vị Tổ khai sơn, lập phái khi mà Ban thờ Mẹ có sự phối thờ thêm các đời cố đồng đền (được gọi là Ban Cố đồng đền) n: đền Nghĩa Lập, đền Hàng Cân, đền Võ Thạch, đền Hội Thống đều có lối thờ như vậy. Việc thờ phụng Mẹ Đồng quan như vậy không chỉ thể hiện được ý nghĩa tôn sư trọng đạo mà còn thể hiện sự tưởng nhớ công ơn khai đền, lập phủ cũng như công đức của các Mẹ Đồng quan đối với tổ khai sơn đó.
       Bên cạnh việc Mẹ Đồng quan được phụng thờ sau khi chết thì cũng có hiện tượng thờ cỗ ngai được sử dụng khi thi Đồng quan như đền Đại Lộ, Chùa Tè, đền Dầm, đền Ghềnh. Tại đền Đại Lộ cũng là nơi lưu giữ cỗ ngai thi Đng quan lâu đời và nguyên vẹn hàng đầu của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ. Đền Lộ là nơi đã từng tổ chức kì thi Đồng quan, và chính bà Đồng quan húy Đan Thị Tư (Mẹ Đồng quan đền Cây Quế) đã tham gia kì thi, được Thánh Mẫu ứng nghiệm và đỗ Đồng quan tại đền Đại Lộ[37]. Cỗ ngai thi của bà hiện thời còn đang được lưu giữ tại tiền cung cấm. Theo lời truyền lại của các cụ đồng cổ Hà Thành như cụ Đ, cụ Ch thì đền Lộ cũng có người đỗ Đồng quan, và thậm chí cụ Ch còn nói rõ hơn là bản thân đền Lộ có thờ Đồng quan. Tuy nhiên, trong thực tế, ngoài một số bia đá, cỗ ngai thi Đồng quan còn lại ở đền Đại Lộ thì chỉ còn một ban thờ không có tên, không có hoành phi câu đối, và càng không rõ thân thế của vị “nữ thần” được phong áo trắng là ai. Ban quản lý đền cũng không nắm rõ về bản thân ngôi đền này đã từng có nghi lễ thi Đồng quan tồn tại.
        Cho dù có được phụng thờ như thế nào đi chăng nữa thì việc tối quan trọng đối với các Đồng quan và các đền có Đồng quan trụ trì chính là việc lập bia đá tưởng nhớ. Các văn bia về các Mẹ Đồng quan đều có niên đại khoảng trăm năm đổ lại. Có những văn bia lập năm 1911 (Đồng quan Trần Vũ Thực, lập tại đền Ghềnh), có văn bia lập năm 1935 (Đồng quan Phạm Thị Nhã, lập tại Nghĩa Lập Linh Từ), văn bia lập năm 1945 (Đồng quan Công Tôn Nữ Hương Quan, lập tại đền Bằng Sở) là những văn bia tiêu biểu. Tựu chung, các văn bia này đều có nội dung tương tự nhau, đều nói về công trạng của các vị, ngày giỗ, tên húy,... để lưu truyền lại cho hậu thế về bản thân ngôi đền này đã từng có người đỗ Đồng quan hoặc có trụ trì là Mẹ Đồng quan.

3. Tạm kết
        Mặc dù danh xưng Đồng quan, Mẹ Đồng quan cũng như nghi lễ thi Đồng quan không còn phổ biến trong đời sống của tín đồ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ hiện nay, bên cạnh đó, vẫn còn đâu đó những quan điểm khác biệt giải thích về những nội dung này (như bản chất vốn có của loại hình tín ngưỡng dân gian), nhưng việc nghiên cứu về nghi lễ này đã phần nào giúp chúng ta có cái nhìn nhiều chiều hơn về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ trong quá khứ, từ đó làm bật lên những giá trị văn hoá, tâm linh ở hiện tại. Đó cũng chính là những công nhận của UNESCO đối với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ tại thành phố Addis Ababa, Ethiopia trong Phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO năm 2016./.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Nhất Lang (1962), Đồng bóng, Nhà in Lê Cường, Hà Nội
  2. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội
  3. Ngô Đức Thịnh (2004), Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
  4. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
  5. Ngô Đức Thịnh (2010), Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Thế giới, Hà Nội
  6. https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tuc-thi-me-dong-quan-cua-nguoi-ha-noi-xua-d106309.html.
 
 
DANH SÁCH NHỮNG ĐỐI TƯỢNG TRẢ LỜI PHÒNG VẤN


 
TT Họ và tên Giới tính Tuổi Địa chỉ Ghi chú
  1.  
Lưu Ngọc Đ Nam 68 Hà Nội Thanh đồng
  1.  
Hồng T. Ch Nam 69 Hà Nội Thanh đồng
  1.  
Nguyễn T.M.Ph Nữ 62 Hà Nội Thanh đồng
  1.  
Nguyễn Văn Ph Nam 49 Hà Nội Thanh đồng
  1.  
Nguyễn Văn H Nam 49 Hà Nội Người dân Ninh Xá
  1.  
Hoàng Thế C Nam 36 Hưng Yên Thanh đồng
  1.  
Nguyễn Thị V Nữ 61 Hà Nội Thanh đồng
  1.  
Lê Văn S Nam 34 Thanh Hóa Thanh đồng
  1.  
Nguyễn Văn T Nam 91 Hà Nội Người chứng kiến Mẹ Đồng quan Bằng Sở
  1.  
Phạm Chí V Nam 25 Hà Nội Thanh đồng
  1.  
Lê Đình H Nam 31 Thanh Hóa Thanh đồng
  1.  
Đặng Văn T Nam 45 Hà Nội Người dân Bằng Sở
  1.  
Nguyễn Văn Tr Nam 61 Hà Nội Thanh đồng
  1.  
Nguyễn Thị D Nữ 61 Hà Nội Thanh đồng











 
 
[1] Nhất Lang (1962), Đồng bóng, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, tr 142
 
[2] Nhất Lang (1962), Đồng bóng, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, tr 142
 
[3] Tư liệu phỏng vấn đồng H ngày 1/3/2021
 
[4] Tư liệu phỏng vấn cụ T. cư dân Bằng Sở ngày 28/2/2021
 
[5] Tư liệu phỏng vấn đồng Đ ngày 3/3/2021
 
[6] Nhất Lang (1962), Đồng bóng, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, tr. 145
 
[7] liệu phỏng vấn cụ đồng Đ, ngày 03/03/3021
 
[8] liệu phỏng vấn cô V, ngày 25/12/2020
 
[9] liệu phỏng vấn cô Ph, ngày 28/02/2021
 
[10] liệu phỏng vấn cậu Ph, ngày 04/3/2021
 
[11] liệu phỏng vấn cụ Ch, ngày 02/3/2021
 
[12]   Nhất Lang (1962), Đồng bóng, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, tr. 145
 
[13] Tư liệu phỏng vấn ông đồng V, ngày 7/3/2021
 
[14] liệu phỏng vấn cụ Ch, ngày 02/3/2021
 
[15] Tư liệu phỏng vấn ông đồng Ch, ngày 2/3/2021
 
[16] liệu phỏng vấn cụ Ch, ngày 02/03/2021
 
[17] liệu phỏng vấn cụ Đ, ngày 03/03/2021
 
[18] Tư liệu phỏng vấn cụ Đ. ngày 3/3/2021
 
[19] Tư liệu phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
   
[21] Nhất Lang (1962), Đồng bóng, nhà in Lê Cường, Hà Nội, tr. 146
 
[22] Tư liệu phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
 
* bàn gỗ nhỏ, dài và cao
 
[23]Tư liệu phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
 
[24] Nhất Lang (1962), Đồng bóng, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, tr 147
 
[25] Tư liệu phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
 
[26] https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tuc-thi-me-dong-quan-cua-nguoi-ha-noi-xua-d106309.html
 
[27] Tư liệu phỏng vấn đồng Đ ngày 3/3/2021
 
[28] https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tuc-thi-me-dong-quan-cua-nguoi-ha-noi-xua-d106309.html
 
[29] Tư liệu phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
 
[30] Tư liệu phỏng vấn cậu Đ., ngày 3/3/2021
 
[31] Tư liệu phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
 
* ngửi mùi, hít lấy hơi
 
[32] Tư liệu phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
 
[33] Nhất Lang (1962), Đồng bóng, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, tr 142
 
[34] Tư liệu phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
 
[35] Tư liệu phỏng vấn cụ Đ. ngày 3/3/2021
 
[36] Trích cuộc phỏng vấn cụ Ch. ngày 2/3/2021
 
[37] Tài liệu phỏng vấn cụ Ch., ngày 2/3/2021

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay1,256
  • Tháng hiện tại59,854
  • Tổng lượt truy cập679,444
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây