Một số vấn đề về mối quan hệ giữa pháp luật và tôn giáo ở Việt nam hiện nay

Thứ tư - 29/12/2021 15:31

Một số vấn đề về mối quan hệ giữa pháp luật và tôn giáo ở Việt nam hiện nay

TS. Nguyễn Thị Tố Uyên, giảng viên luật trường Đại học Phương Đông. Bài đã in trên Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam số 1(86), tr 53 - 60.
        Bất cứ một sự vật, hiện tượng nào cũng có mối quan hệ qua lại, tác động, ảnh hưởng đến sự vật hiện tượng khác. Không có sự vật hiện tượng nào nằm ngoài mối liên hệ đó. Pháp luật cũng vậy. Muốn đánh giá tổng thể hệ thống về pháp luật thì phải đặt nó trong mối tương quan với các quy phạm xã hội khác như: đạo đức, phong tục, tập quán, các giáo lý tôn giáo hay thể chế của các tổ chức xã hội. Trong phạm vi bài viết tôi xin nêu một số ý kiến về mối quan hệ giữa pháp luật với tôn giáo trong hệ thống các quy phạm điều chỉnh xã hội ở nước ta hiện nay.
  1. Vị trí vai trò của pháp luật và tôn giáo trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội
Mọi xã hội muốn tồn tại và phát trển phải dựa trên cơ sở của trật tự, ổn định . Sự trật tự và ổn định chỉ có thể có được nhờ sự điều chỉnh của một  hệ thống các quy phạm xã hội phong phú. Hệ thống các quy phạm xã hội ở nước ta bao gồm: quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán hương ước của cộng đồng dân cư, những thể chế của các tổ chức xã hội và tổ chức tôn giáo. Trong hệ thống các quy phạm xã hội đó thì pháp luật chịu sự ảnh hưởng nhất định từ tôn giáo.
Theo Ph.Ăngghen thì tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội phản ánh một cách hư ảo về thế giới bên ngoài nhằm đền bù cho những bất lực của con người trong cuộc sống hàng ngày. Tôn giáo là hiện tượng thuộc đời sống tinh thần của xã hội, chịu sự quy định của đời sống vật chất. Ở đây không phải tinh thần, ý thức quyết định đời sống hiện thực mà ngược lại. Ý thức trong đó có ý thức tôn giáo, chỉ là ý thức của cá nhân, cộng đồng người trong xã hội, phản ánh tồn tại xã hội. Tôn giáo là một hiện tượng lịch sử, một sản phẩm của thời đại lịch sử nhất định. Tôn giáo không phải  là cái tự có mà là sản phẩm của con người xã hội, tức là phương thức tồn tại của con người. Tôn giáo là sự phản ánh xã hội vào trong ý thức của con người. Song sự phản ánh đó chỉ là sự phản ánh phi lý, hoang  đường, bóp méo hiện thực, để rồi sau đó lấy cái phi lý, hoang đường làm chuẩn mực để giải thích hoặc chi phối hiện thực của con người. Không phải con người cá nhân riêng lẻ mà là con người xã hội đã sản sinh ra tôn giáo, do đó tôn giáo là một hiện tượng xã hội. Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt phản ánh cái tồn tại xã hội đã sinh ra nó.
Còn pháp luật là những quy tắc ứng xử chung thể hiện ý chí của giai cấp thống trị do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước. Pháp luật có những thuộc tính cơ bản như: Tính bắt buộc chung, tính được xác định cht chẽ về mặt hình thức, tính được đảm bảo thực hiện cưỡng chế bằng nhà nước. Pháp luật khác với thể chế tôn giáo ở chính những thuộc tính này. Do vậy nếu một cá nhân nào vi phạm pháp luật thì phải chịu chế tài của pháp luật như phạt tù, phạt tiền. Tuy nhiên giữa pháp luật và thể chế tôn giáo gặp nhau ở một điểm chung: chúng đều là phương tiện, đều là những quy tắc điều chỉnh hành vi của con người với mục đích đảm bảo trật tự xã hội.
  Một xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì càng xuất hiện nhiều quan hệ xã hội cần điều chỉnh. Pháp luật là một yếu tố điều chỉnh hữu hiệu, không thể thiếu được trong một nhà nước. Tuy nhiên chúng ta không nên tuyệt đối hóa vai trò cùa pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, mà phải biết đánh giá đúng vai trò pháp luật và biết kết hợp sử dụng pháp luật với các quy phạm xã hội khác để điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, việc xác định và đánh giá đúng đắn mối quan hệ tương hỗ giữa pháp luật với các tín điều tôn giáo có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thức tiễn. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật không thể bỏ qua yếu tố truyền thống đó. Điều này có tầm đặc biệt quan trọng đối với nước ta – một quốc gia đa tôn giáo.
Ngay từ xa xưa, khi chưa có pháp luật, phương tiện điều chỉnh hữu hiệu nhất các quan hệ xã hội nhằm ổn định trật tự xã hội chính là phong tục, tập quán và các tín điều tôn giáo. Ngay cả khi pháp luật ra đời thì các phong tục, tập quán và các tín điều tôn giáo vẫn tồn tại và trở thành nguồn bổ sung cho pháp luật. Ở nước ta do điều kiện lịch sử mà nhân dân ta phải sống trong một nền pháp luật hà khắc, xa lạ vì nó không phục vụ lợi ích của người dân mà chủ yếu phục vụ lợi ích của giai cấp phong kiến thống trị. Điều này thể hiện rõ nét trong nhất trong các bộ luật của thời kỳ phong kiến Việt Nam, ngay cả khi điều chỉnh quan hệ dân sự vẫn kèm theo chế tài hình sự. Chính vì sống dưới ách đô hộ và nền pháp luật hà khắc như vậy mà người dân Việt nam đã đặt niềm tin vào đấng thiêng liêng, niềm tin này mang lại cho người dân một nghị lực và sức sống để họ vượt qua qua mọi áp lực, trong bối cảnh cuộc sống xã hội bị bế tắc, không lối thoát của ngày ấy. Thực tiễn trong các cuộc đấu tranh chống áp bức và cường quyền người Việt Nam thường sử dụng hình thức tín ngưỡng tôn giáo để bảo tồn sự sống và nền độc lập của dân tộc. Chính vì vậy những người có công với gia đình, làng xóm, đất nước đều được người Việt Nam tôn vinh, sùng kính và thần thánh hóa để cầu khẩn che chở, phù hộ cho bản thân và cộng đồng. Sự tôn sùng, thần thánh này đã trở thành thói quen và ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tác động đến việc điều chỉnh hành vi của người dân. Đây chính là đạo lý “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây” “ uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Đạo lý này đã trở thành cơ sở và nguyên tắc của hệ thống pháp luật Việt nam hiện nay.
        Trong điều kiện hiện nay khi đất nước đang trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, Đảng và nhà nước ta có quan điểm (văn kiện Đại hội IX): “ Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Thc hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo... Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm của công dân với Tổ quốc, sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy giá trị tt đẹp về văn hóa, đạo đức tôn giáo. Từng bước hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia r dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia”. Pháp luật của nhà nước ta trong thời gian qua đã cố gắng thể chế hóa quan điểm, đường lối này của Đảng vào quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực, cụ thể Điều 25 Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013; pháp lnh tín ngưỡng tôn giáo ban hành ngày 15/11/2004; Nghị định 22  của chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ngày 1/03/2005; điều 5 Bộ luật Dân sự; điều 2,  điều 6 luật Hôn nhân gia đình năm 2000; Nghị định 92 của chính Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 8/11/2012.  Những quy định trên đã thể hiện bước tiến quan trọng trong việc đổi mới chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về hoạt động tôn giáo, thể hiện sự tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân.
Trong đời sống thực tế, có những quan hệ xã hội mà pháp luật khó điều chỉnh, như quan hệ tình cảm trong gia đình, trong cộng đồng. Để điều chỉnh quan hệ xã hội này thì việc sử dụng các phong tục, tập quán và các tín điều tôn giáo lại tỏ ra ưu thế hơn pháp luật vì các cư dân vn có thói quen sống theo phong tục tập quán, tín điều tôn giáo. Pháp luật dù hoàn thiện đến đâu cũng không thể điều chỉnh hết các quan hệ xã hội đa dạng. Do vậy để bổ sung cho sự trống vắng đó của pháp luật, chúng ta không thể không sử dụng những phong tục tập quán và các tín điều tôn giáo tốt đẹp.
Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước trong hệ thống ASEAN, phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo cùng với pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. VD: ở Inđônnêsia, song song với pháp luật của nhà nước còn có các quy phạm xã hội (trong đó chủ yếu là các tín điều tôn giáo) cùng tham gia điều chỉnh quan hệ xã hội. Người ta chia chúng làm 3 hệ thống:
  • Pháp luật bản địa và các quy phạm xã hội bắt nguồn từ đời sống hàng ngày của một số cộng đồng (chủ yếu hình thành từ phong tục tập quán)
  • Pháo luật Hồi giáo (chủ yếu hình thành từ kính Coran) điều chỉnh các vấn đề tôn giáo và gia đình của người dân theo đạo Hồi.
  • Pháp luật phương Tây (cụ thể là pháp luật của Hà Lan) được du nhập vào.
      Pháp luật chỉ có hiệu lực thật sự khi người dân tiếp nhận và thi hành một cách tự giác. Yếu tố phong tục tập quán cùng với tín điều tôn giáo chính là điều kiện khách quan giúp cho pháp luật gần với đời sống của người dân. Vì vậy khi xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thì không thể bỏ qua các yếu tố tôn giáo.
  1. Mối quan hệ giữa pháp luật và tôn giáo.
Pháp luật và tôn giáo có mối quan hệ qua lại và tác động lại và ảnh hưởng lẫn nhau, cùng với các loại quy phạm xã hội khác như phong tục quán, đạo đức ..., chúng góp phần tạo nên sự ổn định và trật tự của xã hội.
Từ trước đến nay tôn giáo luôn tồn tại khách quan. Bản thân pháp luật không tạo ra tôn giáo. Tôn giáo thay đổi hay mất đi do nhiều yếu tố khách quan tác động, trong đó có pháp luật. Pháp luật, với sức mạnh vốn có mà các quy phạm xã hội khác không có được đã tác động  mạnh mẽ đến tôn giáo. Với nội dung tiến bộ pháp luật sẽ ảnh hưởng tích cực tới tôn giáo, cụ thể :
+ Pháp luật hướng tôn giáo theo con đường đúng đắn. Khi mt tôn giáo có các tư tưởng, quan niệm giáo điều không phù hợp với xã hội hiện tại, gây cản trở, kìm hãm sự phát triển, tác động xấu đến xã hội thì pháp luật sẽ bằng biện pháp của mình điều chỉnh hay loại bchúng.
+ Pháp luật tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển. Với những đặc điểm riêng của mình pháp luật có khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của nhà nước về tôn giáo một cách nhanh chóng, đồng bộ hiệu quả trên quy mô lớn.
Tôn giáo với ưu thế nhất định trong đời sống hàng ngày lại ảnh hưởng đến pháp luật theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực, có thể nói ảnh hưởng của tôn giáo đến pháp luật như là một hiện trượng có tính quy luật, cụ thể :
- Tôn  giáo giúp xây dựng pháp luật, thể hiện ở chỗ, khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định thì nhiều tín điều tôn giáo được “pháp luật hóa”, chúng trở thành những quy phạm pháp luật được nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện, VD: trong đạo thiên chúa giáo có quy định về kết hôn “một vợ, một chồng”, quy định này phù hợp với xã hội và được nâng lên thành luật ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hay trong đạo phật có điều răn phải kính trọng ông bà, cha mẹ … các điều răn này phù hợp với sự phát triển của xã hội nên cũng được nhiều nhà nước trên thế giới pháp điển hóa    
- Tôn giáo còn giúp cho pháp luật phát triển và hoàn thiện, thể hiện ở chỗ: Hầu hết các tôn giáo đều có các giáo lý, giáo điều luôn khuyên răn con người làm việc thiện, góp phần xây dựng tình đoàn kết nội bộ, giải quyết linh hoạt, kịp thời, có tình, có lý các mâu thuẫn trong cộng đồng, điều này hỗ trợ cho việc hoàn thiện pháp luật. Bởi vì xuất phát từ tình hình thực tế, pháp luật có thể dự báo trước được nguy cơ mà tôn giáo đem đến hay phát hiện ra những bất cập thiếu sót trong hệ thống pháp luật hiện hành từ đó pháp luật sẽ được nhà nước điều chỉnh để  hoàn thiện hơn. Ngoài ra tôn giáo với những tín điều, giáo lý hầu hết là khuyên con người hướng thiện và khi các tín đồ tôn giáo thực hiện theo những tín điều này thì phần nào giúp cho xã hội ổn định, phát triển. Bên cạnh đó có một số tín điều tôn giáo đã được nâng lên thành luật nên chỉ cần các tín đồ nghe theo các tín điều tôn giáo đó thì cũng như là họ đã thực hiện pháp luật. Như vậy có thể thấy nhờ tôn giáo mà công việc mà công việc quản lý, kiểm soát xã hội của pháp luật nhẹ đi phần nào.
 Bên cạnh những tác động tích cực thì tôn giáo còn có tác động tiêu cực  đến pháp luật, thể hiện ở chỗ: trong quá trình phát triển của mình đôi khi các tín điều, giáo lý, hoạt động  của các tôn giáo không phù hợp với đạo đức xã hội, xâm hại đến sức khỏe, danh dự, tính mạng của con người. Trong  một số trường hợp còn gây mất đoàn kết dân tộc, dẫn đến xung đột tôn giáo. Ở Việt Nam trong thời gian qua một số hoạt động tôn giáo đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, cụ thể như: vi phạm trong cách thức thành lập theo quy định của pháp luật, một số nghi lễ tôn giáo mang mầu sắc mê tín dị đoan…Ngoài ra một số cá nhân, tổ chức còn lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi riêng, gây mất đoàn kết trong nhân dân. VD: vụ vi phạm pháp luật của giáo xứ Mỹ Yên, Nghệ An năm 2013…
  1. Thực trạng mối quan hệ giữa tôn giáo và pháp luật ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo và quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng tôn giáo riêng của mình. Người kinh có hình thức tín ngưỡng dân gian như: thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ Thành Hoàng là thờ những người có công với cộng đồng, dân tộc… Còn đồng bào các dân tộc thiểu số với hình thức tôn tín ngưỡng nguyên thủy ( còn gọi là tín ngưỡng sơ khai) như Tô tem giáo, Bái vật giáo, Sa man giáo.
Ở Việt Nam có những tôn giáo có nguồn góc từ phương Đông như Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, có nguồn gốc từ phương Tây như Công giáo, Tin lành, có những giáo nội sinh như Cao Đài, phạt giáo Hòa Hảo, có tôn giáo hoàn chinh (có hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức giáo hội), có những hình thức tôn giáo sơ khai, có tôn giáo đã phát triển và hoạt động ổn định. Có tôn giáo chưa ổn định đang trong quá trình tìm kiếm hướng dẫn tới cho phù hợp. Theo thống kê, ở nước ta hiện nay có 13 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận cấp đăng ký hoạt động.  Các tôn giáo ở nước ta mặc dù độc lập về nghi lễ nhưng gắn bó với nhau trong khối đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bên cạnh đó, còn có nhiều tín ngưỡng dân gian với các nghi lễ đặc sắc, phong phú, được đông đảo người dân sùng kính, như tín ngưỡng thờ mẫu, thờ Vua Hùng, thờ Đức Thánh Trần…
Xuất phát từ tình hình thực tế tôn giáo ở Việt Nam nên quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như những quy định pháp luật về tôn giáo đã hình thành rất sớm ngay từ triều đại phong kiến và tác động tích cực đến tôn giáo. Điều này thể hiện trong Bộ Quốc Triều hình Luật (Luật Hồng Đức) thời Hậu Lê có 722 điều, trong đó 4 điều quy định về tội liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ Công hòa ra đời, Đảng và nhà nước đã quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển. Quyền tự do tôn giáo của Việt Nam được Hiến pháp và pháp luật quy định như: điều 24 Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013;  điều 129, khoản 1 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi 2009); pháp lnh tín ngưỡng tôn giáo ban hành ngày 15/11/2004; Nghị định 22 của chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ngày 1/03/2005; điều 5 Bộ luật Dân sự; điều 2, điều 6 luật Hôn nhân gia đình năm 2000; Nghị định 92 của chính Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 8/11/2012. Các quy định pháp luật trên đều nhằm thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng về tôn giáo, đó là “mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo quy định của pháp luật. Việc truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và phát luật; không lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép người dân theo đạo cũng như bỏ đạo.”;  điều 24 Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 cũng quy định “ Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, hoặc lợi dung tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quy định này góp phần tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì pháp luật của nhà nước ta còn có những quy định trừng trị những kẻ xâm hại đến lợi ích của tôn giáo, VD: tại điều 129, khoản 1 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi 2009) có quy định; “Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với ích của nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
 Đồng thời pháp luật nước ta còn loại bỏ, hạn chế các tư tưởng lạc hậu trong tôn giáo, như điều 247 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi năm 2009) có quy định :
“ 1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiên trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
         2.Phạm tội làm chết ngưòi hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
       3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”.
 Như vậy có thể thấy pháp luật chính là công cụ pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Với những quy định của mình, pháp luật đã tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển và hướng tôn giáo theo con đường đúng đắn phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam.
Ngược lại tôn giáo nước ta với những tìn điều mang tính chất hướng thiện, tiến bộ đã tác động tích cực đến pháp luật, giúp pháp luật quản lý xã hội trật tự ổn định, điều này thể hiện ở chỗ: hiện nay tôn giáo và tín ngưỡng ở nước ta về cơ bản là ổn định, các tôn giáo đều có xu hướng tuân thủ pháp luật, ban lãnh đạo các cấp của các tổ chức tôn giáo hầu hết đều đang hướng tôn giáo theo hoạt động “ đồng hành cùng dân tộc”, nhiều quy định tiến bộ của tôn giáo được pháp luật kế thừa và nâng lên thành luật, VD: như quy định kết hôn “một vợ một chồng” trong thiên chúa giáo, đã được nhà nước ta kế thừa và trở thành nguyên tắc trong Luật hôn nhân gia đình 2000. Hay trong đạo phật có điều răn phải kính trọng ông bà, cha mẹ … các điều răn này phù hợp với sự phát triển của xã hội nên cũng được nhà nước ta pháp điển hóa tại điều 2 khoản 4 luật hôn nhân và gia đình 2000 “ Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau” .
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực của tôn giáo thì trong thời gian qua tôn giáo cũng có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, hệ quả của nó là gây mất đoàn kết, mâu thuẫn ở tại một số địa phương, cụ thể :
Tình trạng chuyển nhượng, hiến tặng đất, mở rộng cơ sở thờ tự, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương. Việc dựng tượng thánh, tượng chúa, tương phật… trên đất công vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, cũng như các hoat động in ấn, xuất bản, lưu hành kinh sách, ấn phẩm tôn giáo trái phép vẫn diễn ra; hiện tượng giảng đạo, truyền đạo trái pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra ở một số vùng đồng bào thiểu số, vùng biên giới…
Ngoài ra do vấn đề lợi ích cá nhân hoặc không thống nhất được đường hướng hoạt động của một số hệ giáo phái nên dẫn đến mâu thuẫn nội bộ trong tổ chức tôn giáo, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Bên cạnh đó trong thời gian qua, ở các vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, hoạt động tôn giáo trong vùng đồng bào thiểu số có những tác động xấu đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tại đây các đối tượng phản động đã lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng thực hiện các hoạt động gây rối, bạo loạn đòi ly khai, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, như xưng vua lập và nhà nước Mông ở Tây Bắc, lập nhà nước Đê-ga ở Tây Nguyên, đòi tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam…Đồng thời với sự tiếp tay của các thế lực thù địch ở nước ngoài và nhóm     “Đảng Việt tân”, một số nhóm, cá nhân ở trong nước và nước ngoài tiến hành tuyên truyền, kích động nhân dân gây rối, chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước ta về tín ngưỡng tôn giáo.  Một số tổ chức phản động núp dưới danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, như “ Cây thập giá Chúa Giê-su Cờ-rit”, Hội đồng Công luật công án Bia Sơn”… với những hoạt động mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa của người dân.
Như vậy có thể thấy tôn giáo ở nước ta có ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội, chính vì vậy khi hoàn thiện chính sách, pháp luật của nhà nước thì cần phải tính đến yếu tố tác động của tôn giáo đối với đời sống xã hội.
  1. Một số giải pháp cần thiết khi hoàn thiện pháp luật về tôn giáo hiện nay
Chính vì pháp luật và tôn giáo có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau như đã trình bầy ở trên mà trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thì nhà nước ta cần phải nghiên cứu xây dựng pháp luật theo những hướng sau:
          + Pháp luật về tôn giáo phải quán triệt và cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về tôn giáo. Xuất phát từ quan điểm : “ tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng. Chống mọi hoạt động vi phạm tự do tín ngưỡng, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc, nhân dân”.  Trên cơ sở đó nhà nước sẽ ban hành những văn bản pháp luật để bảo vệ và tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
+  Pháp luật phải thừa nhận, khai thác, phát huy những tín điều, giáo lý tốt đẹp của tôn giáo. Phát huy đạo đức tôn trong cộng đồng giáo dân, nhất là trong tình hình hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường đạo đức xã hội đang xuống cấp thì việc phát huy tác dụng của đạo đức tôn giáo sẽ giúp pháp luật giảm bớt gánh nặng, góp phần ổn định trật tự xã hội.
+ Trong quá trình hoàn thiện pháp luật phải  đảm bảo quyền bình đảng giữa các tôn giáo. Xuất phát từ tình hình thực tế Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, có tôn giáo nội sinh (đạo Cao đài, đọa Hòa hảo), có tôn giáo ngoại nhập ( như Công giáo, Tôn giáo, đạo Tin lành, Phật giáo, Hồi giáo) cùng tồn tại và phát triển, nên việc đảm bảo quyền bình đẳng giữa các tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đoàn kết đồng bào theo đạo trong khối đại đàn kết toàn dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nếu pháp luật nước ta không đảm bảo bình đẳng giữa các tôn giáo thì chúng ta không thể tập hợp được quần chúng các tín đồ tôn giáo và sẽ tạo ra các kẽ hở để cho các thế lực thù định thực hiện âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá nhà nước CHXHCN Việt nam.
+ Pháp luật về tôn giáo vừa phải đảm bảo quyền tự do tin ngưỡng tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân; vừa phải là phương tiện đấu tranh với các hành vi lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, bài trừ mê tín, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, pháp luật về hoạt động tôn giáo phải được xây dựng trên tinh thần thực sự tôn trọng đức tin tôn giáo của các tín đồ. Đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, cần phải được nhà nước tôn trọng và bảo vệ, chống mọi tư tưởng đánh đồng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với hoạt động mê tín, dị đoan, với hoạt động lợi dụng nhằm gây khó khăn cho các hoạt động tôn giáo chính đáng, hợp pháp. Pháp luật phải giúp tôn giáo phát huy những mặt tích cực thể hiện trong giáo lý, giáo lễ của tôn giáo. Đồng thời pháp luật phải tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tham gia cùng với nhà nước và xã hội giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh như: chống các tệ nạn xã hội, cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo… Bên cạnh đó trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt động tôn giáo phải nghiêm cấm các hoạt động lợi dụng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc.
+ Pháp luật về tôn giáo phải đảm không can thiệp vào nội bộ của tôn giáo, đồng thời đảm bảo mọi hoạt động của tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.
Như vậy để nhà nước tôn trọng và không can thiệp vào nội bộ của mình thì các tôn giáo phải hoạt động tuân thủ pháp luật và đúng với giáo lý, giáo luật. không được núp bóng tôn giáo để làm những việc phi tôn giáo, vi phạm pháp luật. Ngược lại pháp luật không được quy định điều chỉnh những vấn đề thần túy thuộc nội bộ tôn giáo. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy phạm pháp luật với quy định của giáo luật, thì vì lợi ích chung của cả cộng đồng dân tộc và vì lợi ích quốc gia thì nhà nước yêu cầu và đòi hỏi các tôn giáo phải tuân thủ, chấp hành theo quy định pháp luật.
Có thể nói pháp luật và tôn giáo có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển và hoàn thiện. Ở một phương diện nào đó, chúng đều là những công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, có một số chức năng tương tự   như nhau để duy trì, quản lý đời sống xã hội phục vụ mục đích chung của cộng đồng xã hội. Chính vì vậy việc ghi nhận và bảo vệ các tín điều tôn giáo tốt đẹp là một tất yếu khách quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước hiện nay.


 Tài liệu tham khảo:
1. Ban tôn giáo chính phủ (2013), báo cáo tình hình tôn giáo ở nước ta năm 2013; dự báo tình hình năm 2014.
1. Ban tôn giáo chính phủ (1998), Các văn bản pháp luật về tôn giáo. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Ban tôn giáo Chính phủ (2003), Các văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
3. Ban Tôn giáo Chính phủ (2006): Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
4. Ban Tôn giáo Chính phủ (2009): Văn bản pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
5. Ban Tôn giáo Chính phủ (2000): Đường hướng hoạt động của cá tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
6. Đỗ Quang Hưng (2005): Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam: lý luận và thực tiễn. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
7. Đỗ Quang Hưng ( chủ biên - 2003): Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội. NXB Tôn giáo, Hà Nội.
8. Nguyễn Đức Lữ (2011), Tìm hiểu về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị - Hành chính
9. Hoàng Thị Kim Quế ( chủ biên – 2002), giáo trình lý luận chung Nhà nước và Pháp luật, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
10. Đặng Nghiêm Vạn (2007), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
11. Nguyễn Hữu Vui, Trương Hải Cường (2003), Tôn giáo học đại cương, Nxb Chính trị Quốc gia
12. Nguyễn Thị Tố Uyên (2003), Mối quan hệ giữ pháp luật và phong tục tập quán ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học 9 (148), tr34-37
 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay826
  • Tháng hiện tại48,631
  • Tổng lượt truy cập734,995
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây