5 NĂM – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC LUẬN VỀ PHƯƠNG PHÁP VÀ KHOA HỌC VỀ BIỂU TƯỢNG TÔN GIÁO

Thứ tư - 29/12/2021 09:42

5 NĂM – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC LUẬN VỀ PHƯƠNG PHÁP VÀ KHOA HỌC VỀ BIỂU TƯỢNG TÔN GIÁO

Đỗ Thị Minh Thảo, Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài tham luận: “MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO NGÀNH TÔN GIÁO HỌC TẠI TRƯỜNG ĐHKHXH&NV, Ở VIỆT NAM VÀ TRÊN THẾ GIỚI”, tại Hội thảo khoa học Kỷ niệm 5 năm thành lập Bộ môn Tôn giáo học, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN, tháng 12/2021.
 
Tóm tắt
       Việc hệ thống hóa tri thức khoa học về phương pháp và phương pháp luận trong nghiên cứu tôn giáo học vẫn luôn là một nhiệm vụ lớn ở tầm khái quát vấn đề.
       Bài viết hướng đến hai nhiệm vụ nghiên cứu: một là, khái quát các dạng và cấu trúc của phương pháp và cách hiểu về “phương pháp luận” trong nghiên cứu tôn giáo học liên ngành. Hai là, vận dụng khoa học luận về phương pháp vào làm sáng tỏ một nhiệm vụ lý luận hoặc thực tiễn để chứng minh cho kết quả nghiên cứu. Trong bài viết này, tác giả vận dụng khoa học luận về phương pháp vào việc xây dựng khoa học về biểu tượng tôn giáo.
Từ khóa: Phương pháp, phương pháp luận, hệ thống hóa các phương pháp nghiên cứu tôn giáo học, biểu tượng tôn giáo, hệ đặc trưng văn hóa.
 
1. Mở đầu
 
     Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công tác đào tạo và nghiên cứu Tôn giáo học ở Việt Nam, ngày 26 tháng 7 năm 2016, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ký quyết định số 3252/QĐ/XHNV-TC thành lập Bộ môn Tôn giáo học trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với một định hướng nghiên cứu cốt lõi và được đồng thuận từ các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành là xây dựng lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo học của bộ môn như một hệ hình khoa học liên ngành, mang tính phương pháp luận.
 
         
1.1. Thế nào là khoa học mang tính phương pháp luận?
 
     Khoa học mang tính phương pháp luận phải đảm bảo các tiêu chí sau:
- Một là, khoa học có bộ phương pháp nghiên cứu và bộ công cụ tư duy (organon) rộng nhất, tức là khoa học triết học, hoặc các khoa học có sự liên kết chặt chẽ với các cơ sở triết học của nó. Ở đây là tôn giáo học.
- Hai là, khoa học có khả năng hệ thống hóa cao những vấn đề nguyên lý chung, những quy luật phổ biến và các quy luật phổ biến đặc thù, từ thực tiễn mà khái quát, và định hướng hành động, nhận thức của con người phù hợp với các hướng phát triển của thực tiễn.
- Ba là, phương pháp luận là lý luận, khoa học về hệ thống phương pháp nghiên cứu chặt chẽ: từ phương pháp chung đến phương pháp đặc thù, phương pháp liên ngành và phương pháp cụ thể.

- Bốn là, phương pháp luận thể hiện tính đặc thù của nó ở bộ ba phương pháp luận là sự gắn kết chặt chẽ của ba lĩnh vực chuyên ngành gần hoặc liên ngành gần như: triết học – tôn giáo học – biểu tượng tôn giáo. Tôn giáo học – mỹ học tôn giáo – nghệ thuật tôn giáo. Biểu tượng học tôn giáo – biểu tượng luận cấu trúc – biểu tượng học…
- Năm là, tôn giáo học muốn trở thành một khoa học mang tính phương pháp luận phải được liên kết chặt chẽ với các cơ sở lý luận và phương pháp luận của nó, từ cả ba phía: cơ sở lý luận triết học khoa học; cơ sở triết học tôn giáo, thần học và cơ sở lý luận tôn giáo học.


1.2. Phương pháp luận trong nghiên cứu tôn giáo học
 
   Phương pháp luận trong nghiên cứu tôn giáo học được hiểu ở bốn góc độ lớn:
1) Hệ thống các phương pháp
2) Bộ ba phương pháp luận: các bộ ba phương pháp rất phù hợp với các nhóm đối tượng liên kết. Đặc biệt là giữa các hình thái ý thức xã hội gần gũi như triết học-tôn giáo-nghệ thuật; tôn giáo-mỹ học-mỹ thuật...
3) Cái được rút ra từ các phương pháp trên và có cơ sở triết học của nó.
4) Tính cặp đôi giữa cơ sở lý luận và phương pháp luận, giữa chủ thể và đối tượng
        Tính cặp đôi giữa cơ sở lý luận nền tảng (hệ tư tưởng và triết học Mác-Lênin) và cơ sở lý luận trực tiếp (tôn giáo học) hầu như không thể phân tách với các hệ phương pháp tương ứng. Trong các đề tài nghiên cứu cần hiển thị tính cặp này, thay vì chỉ viết phương pháp, phương pháp luận mà không thấy hiển thị cơ sở lý luận tương ứng.
       Cũng như vậy đối với các bộ đôi phương pháp tác động cùng lúc lên chủ thể - đối tượng như: phương pháp logic – hình thái cấu trúc, phương pháp hệ hình – hình thái cấu trúc...
       Một hệ thống hóa phương pháp luận không thể thiếu đi một phân tầng “vừa nền vừa mái” của khoa học luận về phương pháp – đó là “khung logic” của bộ phận khoa học cơ sở (cơ bản). Ở đây là khoa học triết học và hệ tư tưởng, đường lối, pháp luật của Đảng CSVN và nhà nước CHXHCNVN. Do chỗ, F.Engels cho rằng triết học và tôn giáo là các hình thái ý thức xã hội bay cao và bay xa nhất trên thượng tầng kiến trúc xã hội. Tôn giáo học là một khoa học mang tính phương pháp luận, do đó cần được nghiên cứu ở các góc độ liên quan: hình thái ý thức xã hội của tôn giáo, triết học tôn giáo và hình thái ý thức khoa học của tôn giáo học.
         Có rất nhiều các khoa học cụ thể đã được hình thành từ cơ sở triết học khoa học như: Tâm lý học, xã hội học, khoa học quản lý, tôn giáo học, mỹ học triết học, biểu tượng học, nghệ thuật học...
        Phương pháp luận trong nghiên cứu tôn giáo học cho thấy rõ ràng một chỉnh thể hệ thống liên kết giữa các lớp cấu trúc của các khoa học: cơ sở, nền tảng, trực tiếp và
 ứng dụng.

 2. Các lớp phương pháp cấu thành nên phương pháp luận
    2.1. Một hệ thống các phương pháp
        Phương pháp luận trước tiên là một hệ thống các phương pháp, gắn liền chặt chẽ với phân tầng cơ sở lý luận của nó, sẽ bao gồm các lớp phương pháp sau:
- Cơ sở lý luận và phương pháp luận của các khoa học cơ sở, nền tảng và ý thức hệ.
    Ví dụ: Phương pháp luận duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội. “Với phương pháp này cho phép hiểu được nguồn gốc, bản chất của ý thức tôn giáo và tôn giáo nói chung. Qua đó, có thể thấy được vai trò của tôn giáo đối với sự phát triển của lịch sử xã hội” [Nguyễn Hữu Vui&cộng sự, 2003,16]. 
- Cơ sở lý luận ngành/chuyên ngành và phương pháp
      Ví dụ: Về cơ sở lý luận ngành/chuyên ngành, đề tài nghiên cứu tôn giáo cụ thể sẽ dựa trực tiếp trên cơ sở lý luận tôn giáo học. Cụ thể nếu là đề tài tìm hiểu ý nghĩa của Thánh lễ  trong Công giáo, thì dựa trên các cơ sở: Kinh Thánh, thần học và lịch sử. Triển khai cụ thể hướng nghiên cứu vào nghi thức Thánh lễ, từ đó khám phá ra ý nghĩa đích thật của Thánh lễ. 
- Về phương pháp liên ngành
     Có rất nhiều các phương pháp nghiên cứu liên ngành, do đó cần nêu tên cụ thể các phương pháp nghiên cứu liên ngành đó. Tránh tình trạng chỉ nêu chung chung là sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, nhưng trên thực tế là không thể hiện được rõ đó là phương pháp gì?
    Ví dụ: Đề tài sử dụng phương pháp liên ngành của tôn giáo học như: phương pháp hệ thống hóa logic – lịch sử, văn  hóa tôn giáo…
- Về các phương pháp cụ thể trong nghiên cứu: lịch sử - logic, phân tích - tổng hợp, cấu trúc chức năng, lịch sử cụ thể, so sánh, thống kê, điền dã, phỏng vấn...
         Tóm lại, phương pháp và phương pháp luận là một hệ thống bện chặt, phân tầng và liên kết với nhau để nghiên cứu vào các lớp phổ quát, đặc thù, liên ngành và các lớp tri thức cụ thể, ứng dụng của lĩnh vực tôn giáo học.
 
2.2. Các phương pháp đặc thù trong nghiên cứu tôn giáo học
     Có rất nhiều các phương pháp đặc thù trong nghiên cứu tôn giáo học như:
- Phương pháp tổng thể luận: một ví dụ như trong nghiên cứu khoa học biểu tượng, phương pháp tổng thể luận cho phép các bước phân tích bản chất tổng thể, tổng hợp của cả tư duy biểu tượng phương Đông và phương Tây. Với hành lang logic đi từ ý thức đồng nhất đến ý thức kép, ý thức đồng nguyên-ý thức nguyên hợp-ý thức tổng thể của biểu tượng tôn giáo.
- Ngoài ra, có một loạt các phương pháp nghiên cứu đặc thù như: Phương pháp lịch sử cụ thể, phương pháp cấu trúc chức năng, phương pháp xem xét tôn giáo xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, phương pháp xem xét sự thống nhất trong phân tích tôn giáo về mặt triết học và mặt xã hội học, phương pháp xã hội học tôn giáo, phương pháp phân tâm học tôn giáo, phương pháp nhân chủng học tôn giáo...
 
​​​2.3. Tính đặc thù của các phương pháp liên ngành trong nghiên cứu tôn giáo học   
     Một hệ thống các phương pháp nghiên cứu liên ngành tôn giáo học phải kể đến:
- Phương pháp tổng thể luận – đời sống và bản thể luận
    Trong nghiên cứu tôn giáo học, người ta thường trích dẫn nhận định sau của K.Marx: “Tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã lại để mất bản thân mình một lần nữa. Nhưng con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới. Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan lộn ngược, vì bản thân chúng là thế giới lộn ngược. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần, tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel,1962,9]. Luận điểm này chưa bao giờ lỗi thời đại như nhiều người nhận định, lý do vì đây là góc tiếp cận lý thuyết kép giữa “Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội” để xem xét “tôn giáo từ góc độ bản thể của con người” của K.Marx. Mà đã là bản thể của con người thì không bao giờ lại trở nên xa lạ đối với khoa học, tôn giáo, nghệ thuật dù ở trong thời đại nào.
       Lý thuyết bản thể đời sống với siêu hình học mới có thể được vận dụng xem xét trong các trào lưu nghệ thuật hiện đại với Salvador Dali qua họa phẩm “The temptations of Saint Anthony” (Ma quỷ cám dỗ thánh Anthony, năm 1946), với ngôn ngữ của những ám chỉ và biểu tượng của chủ nghĩa siêu thực: chủ đề Tâm linh & thế tục.
- Phương pháp sáng tạo luận & sáng thế luận trong tôn giáo: Nghiên cứu cần hệ thống hóa được các phương pháp sáng tạo như: 1) Nhân hình hóa (Anthropomorphisme); 2) Đồng hóa thần thoại; 3) Linh Thánh hóa; 4) Hóa thân: ví dụ, cái cày ở Ấn Độ chủ yếu là biểu hiện của hóa thân của thần Vishnu. 5) Nhập thể (avatara).v.v…
          Ở biện pháp Nhập thể (avatara), ví dụ, thần Vishnu (Hindu giáo) nhập thể 10 lần để cứu con người: Con cá, con rùa, con lợn lòi, người sư tử, người lùn, Parasu-Râma, Krisna, Bouddha, Kalkin, và con ngựa bạch.
- Về sáng tạo luận với vai trò của con người trong sáng tạo biểu tượng tôn giáo qua các hình tượng nghệ thuật, mỹ thuật và ký hiệu, còn cần được quy chiếu từ góc nhìn bản thể của con người của Marx. Khi bàn về bản thể của con người, K.Marx có các luận điểm sau: “Ý thức không bao giờ lại có thể là cái gì khác hơn là bản thể có ý thức cả (das bewusste Sein), mà bản thể của con người lại là quá trình sinh hoạt thực tế của họ” [K. Marx, F. Engels, V.I. Lenin,1977,10]. Trong phần phân tích này có thể thấy rõ K.Marx hiểu bản thể của con người là một bản thể có ý thức, có tư duy và phản ánh chính điều kiện sinh hoạt thực tế của con người. Như vậy, Cái đẹp (mỹ thuật) không chỉ là thước đo sự tiến hóa của loài người mà còn biểu trưng cho phẩm chất của con người, tố chất con người. Nó chính là Ontologie Người (Bản thể của con người).
- Ngoài ra còn có các phương pháp như: phương pháp cấu trúc-chức năng liên văn hóa tôn giáo. Phương pháp hệ thống hóa logic – lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Phương pháp phân loại loại hình. Phương pháp phê bình tôn giáo. Phương pháp so sánh tôn giáo. Phương pháp biểu tượng hóa cổ mẫu luân lý. Phương pháp nghiên cứu văn bản/ liên văn bản...
 
2.4. Các cặp phương pháp trong nghiên cứu đối tượng đặc thù của tôn giáo học
 - Phương pháp logic & hình thái kết cấu
       Cặp đôi phương pháp quyền lực trong các khoa học xã hội liên ngành của thế kỷ XX-XXI. Nghiên cứu cho thấy rõ các trước tác của K.Marx và F.Engels với việc sử dụng các thuật ngữ, khái niệm và các cụm thuật ngữ hình thái (formation) nhiều nhất trong lịch sử bằng tất cả các trước tác trước K.Marx và sau K.Marx gộp lại.
     Các cụm thuật ngữ khoa học thuộc khung logic khoa học phổ quát cho các lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội như: “Hình thái” trước hết chính là các mặt “hình thức”. Tuy nhiên hình thái không đơn thuần chỉ là hình dạng, hình thức. Nó còn có nghĩa là sự cấu tạo trong một tính chỉnh thể, tính hệ thống xã hội (formation). Xem cách dùng trong cụm từ “die ökonomische Gesellschaftsformation” (hình thái kinh tế - xã hội) hay formation socio - économique (hình thái kinh tế - xã hội) [Từ điển thuật ngữ triết học - chính trị Nga - Việt,1970,13].
      K.Marx đã sử dụng cặp phương pháp này để nghiên cứu tính cặp đôi về hình thái giữa kinh tế và bản thể cái đẹp của con người. Trước Marx, trong lịch sử triết học có rất nhiều triết gia, các nhà khoa học đã sử dụng cặp đôi phương pháp này như: Aristote, I.kant... Thậm chí là một số nghệ sĩ lớn như Leonado da Vanhxi đưa ra quan niệm về hình thái giữa khoa học (logic học) và nghệ thuật (hình thái học nghệ thuật). Và đến đầu thế kỷ XX, Seneccơ trong vở kịch Tê giác, màn “con mèo 4 chân” với cuộc đối thoại giữa nhà logic học và ông già (hình thái học).
- Phương pháp Paradigm (mẫu thức, mô thức, hệ hình) & hình thái cấu trúc
          Tính đặc thù ở đây là, nếu các khoa học khác sử dụng tách rời cặp đôi phương pháp này, thì trong lĩnh vực tôn giáo học lại sử dụng đồng thời (kép) cho cả hai vế của một cặp nghiên cứu giữa: chủ thể - đối tượng. Phương pháp Paradigm sử dụng cho hệ hình tư duy của chủ thể nghiên cứu và khoa học. Phương pháp hình thái cấu trúc sử dụng cho nghiên cứu đối tượng.
       Hệ hình (Paradigm), nguyên nghĩa Hy Lạp là Paradeigma, xuất phát từ động từ para-deiknumi tức là chỉ ra cái nằm bên trên, được dịch là mẫu hình, hay hệ hình khoa học, hệ hình tư duy, hay mẫu thức...
      Phương pháp hệ hình là phương pháp chú ý đến chính bản thân quá trình nhận thức, tư duy của con người với tư cách chủ thể nghiên cứu khoa học.
     Phương pháp nghiên cứu mẫu thức (Paradigm) của Thomas S. Kuhn đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ trong các khoa học của thế kỷ XX, XXI. Đây là một phương pháp chỉ ra các mẫu hình tư duy khoa học khác nhau trong lịch sử phát triển của nó.
       Thomas S. Kuhn cho rằng lịch sử phát triển của khoa học luôn nằm trong các khuôn mẫu hay mẫu thức tư duy khoa học nhất định. Điều này tạo ra “khung logic” cho các hình mẫu phát triển không đồng đều và có tính lịch sử điển hình của các giai đoạn phát triển khác nhau của khoa học. Các khung mẫu này là có tính định hình về mô thức tư duy và phương pháp khoa học trong từng giai đoạn phát triển nhất định. Phương pháp nghiên cứu hệ hình khi đi vào các lĩnh vực nghệ thuật học, tôn giáo học, mỹ học thực chất là phương pháp nghiên cứu chuyên sâu vào các lý thuyết xác lập các cấu trúc tư duy.
      Phương pháp hệ hình cần được kết hợp với phương pháp hình thái cấu trúc mới có thể nghiên cứu toàn diện cả chủ thể nghiên cứu, cả hệ hình khoa học và cả đối tượng nghiên cứu. Khác với phương pháp hệ hình, phương pháp hình thái cấu trúc nghiên cứu các hình dạng, các hình thức có cấu trúc (nội dung) của thế giới đối tượng.
       Nếu phương pháp hệ hình là phương pháp chú ý đến chính bản thân quá trình nhận thức, tư duy của con người với tư cách chủ thể nghiên cứu khoa học, thì phương pháp hình thái cấu trúc là phương pháp nghiên cứu các hình dạng, các hình thức có cấu trúc (nội dung) của thế giới đối tượng. Ưu điểm của phương pháp hình thái cấu trúc đó là sự phân loại tối ưu các đối tượng có tính cấu trúc. Ví dụ như mỹ thuật tôn giáo.
       Hình thái (form) là hình thức, hình dạng. Hình thái cấu trúc (formation) là hình dạng có cấu tạo, cấu trúc. Còn hình thái học là môn khoa học về các hình thái (hình thức biểu hiện) và các hình thái có tính cấu trúc. Ví dụ: Hình thái học nghệ thuật là khoa học về các hình thức biểu hiện và các hình thái có tính cấu trúc của các loại hình nghệ thuật.
Ngoài ra, còn có các cặp phương pháp logic –lịch sử và lịch sử - logic.
      Tóm lại, tính đặc thù của lĩnh vực tôn giáo học đòi hỏi một hệ thống liên kết các phương pháp nghiên cứu học thuật tương ứng. Do tính hệ thống và tính logic giữa chúng, ta có những vấn đề về hệ phương pháp luận và hệ lý thuyết tương ứng đối với các góc tiếp cận của thế giới đối tượng là các loại hình tín ngưỡng và tôn giáo.
       Việc nắm bắt và nhận thức đầy đủ về tính tổng thể của hệ thống phương pháp và phương pháp luận sẽ giúp cho việc hệ thống hóa tri thức nhanh hơn và phản ánh đúng bản chất phong phú, đa dạng của thế giới đối tượng trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo học.

3. Vai trò của phương pháp luận trong phát triển khoa học lý thuyết biểu tượng học tôn giáo
     3.1. Các lý thuyết nghiên cứu biểu tượng học tôn giáo từ góc độ phương pháp luận

      Trong tiến trình lịch sử phát triển, các phương pháp nghiên cứu tôn giáo luôn thể hiện tính cặp logic với các lý thuyết nhận thức tôn giáo.
      Từ góc độ phương pháp luận, các lý thuyết nghiên cứu biểu tượng tôn giáo dưới đây có thể tiếp cận sâu hơn trong tính tổng thể văn hóa và cấu trúc chức năng. Có thể kể đến:
  1. Lý thuyết cổ mẫu luân lý biểu tượng
Cho phép xây dựng các lý thuyết về mối quan hệ từng tồn tại giữa cổ mẫu và ngẫu tượng. Cổ mẫu-luân lý-biểu tượng.
  1. Lý thuyết nhận thức luận cho phép xây dựng các đặc điểm nhận thức tổng thể, tổng hợp, tư duy kép và ý thức đồng nhất của biểu tượng tôn giáo.
  2. Lý thuyết thực thể bản thể & lý thuyết bản thể luận của con người
      Chúa sáng tạo ra con người hay con người sáng tạo ra chúa? Hai hệ hình lý thuyết thực thể bản thể (sáng thế luận vũ trụ) và bản thể luận con người (Ontology) là khác nhau, thuộc về hai nhóm lý thuyết tôn giáo và khoa học.
  1. Lý thuyết xung đột
      Lý thuyết xung đột trong lĩnh vực tôn giáo học là một tổng thể xung đột tâm lý – biểu tượng –luân lý- vô thức – cộng đồng và cá thể. Lý thuyết xung đột liên quan đến hệ hình tư duy biểu tượng-cổ mẫu luân lý giai đoạn sớm. 5.  Lý thuyết ngôn ngữ và phi ngôn ngữ
       Trong nghiên cứu biểu tượng tôn giáo, lý thuyết ngôn ngữ được nghiên cứu ở tính cặp ba (hình tượng nghệ thuật-biểu tượng tôn giáo-khái niệm triết học). Phi ngôn ngữ để đạt đến các ý niệm và vô niệm.
         Ngoài ra còn có các lý thuyết như: Lý thuyết giá trị. Lý thuyết phản ánh. Lý thuyết hành động. Lý thuyết nhân chủng học nghệ thuật. Lý thuyết thần thoại, huyền thoại. Lý thuyết ý niệm...
           Các phân tầng lý thuyết và khoa học phương pháp và phương pháp luận cho thấy rõ tính đặc thù của một tổng phổ các góc độ và tính phong phú, phức tạp của thế giới đối tượng tín ngưỡng, tôn giáo. Nhờ có khoa học phương pháp luận, chúng ta có thể quan sát đầy đủ các dữ liệu, đặc tính, quy mô và các lớp cấu trúc của lĩnh vực nghiên cứu, tránh chủ quan duy ý chí trong nghiên cứu.

3.2. Những đặc trưng văn hóa của biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng
      Trong phần này, tác giả vận dụng các kết quả nghiên cứu của khoa học về biểu tượng tôn giáo, để giới thuyết một số các đặc trưng văn hóa của biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng.
   3.2.1. Các khái niệm
- Biểu tượng: Theo Từ điển Tiếng Việt, a) hình ảnh tượng trưng, vd:1. Chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình. b) hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt. [Hoàng  Phê, 2000, tr. 66,67]. Ngoài ra cũng được hiểu biểu trưng về hình ảnh. Biểu trưng tín ngưỡng, vd:2. Biểu tượng “An Nam tứ đại khí” xuất hiện thời Lý - Trần: Tháp Báo Thiên, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Chuông chùa Quy Điền, Vạc chùa Phổ Minh. c) Một bộ phận ngôn ngữ biểu tượng hiện đại sự lập trình hóa ngôn ngữ ở mức độ cao. Tất cả các ngôn ngữ lập trình hiện đại đều là ngôn ngữ biểu tượng.
   Theo Victor Turner, biểu tượng (symbol) là một “biểu trưng tập thể” (collective representation), là “đơn vị nhỏ nhất của nghi lễ, cái giữ lại những thuộc tính cụ thể của hành vi nghi lễ; nó là đơn vị cơ bản của một cấu trúc cụ thể trong một bối cảnh nghi lễ… theo từ điển Oxford, rằng một “biểu tượng” là một thứ được nhất trí chung xem như là điển hình hóa một cách tự nhiên, hoặc biểu trưng hay hồi tưởng về một cái gì đó bởi chúng sở hữu các tính chất giống nhau, hay bởi mối quan hệ trong thực tế hoặc tư duy” [Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2006, tr. 242]. Theo các nhà nghiên cứu phương Tây thì biểu tượng tôn giáo chính là sự thống nhất của những ý nghĩa căn bản khác nhau và biểu tượng chính là tính lưỡng cực về ý nghĩa của chúng từ đó bảo tồn, duy trì các đặc tính con người qua các tiến trình nhân hóa, hoặc đồng hóa thần thoại. Đây là cơ sở tầng nền cho mọi quá trình lưu trữ các dữ liệu luân lý, xúc cảm, các giá trị nhân văn, nhân đạo, nhân ái trong hệ thống biểu tượng tôn giáo.
- Định nghĩa: Biểu tượng tôn giáo các hệ thống phức hợp hình ảnh hoặc bản thể thực thể thượng đế, thần linh; hoặc là bản thân vật, bản thể của con người hoặc Phật sống; hoặc hệ ký hiệu và bán ký hiệu, dùng để biểu trưng (tượng trưng) cho ý niệm của một hệ giá trị tôn giáo, qua đó khai tâm các giá trị tâm linh tôn giáo. Hiện tượng ý thức đồng nhất, nhận thức kép là phổ biến trong biểu tượng tôn giáo, cùng một hệ thống các phương pháp sáng tạo luận trong văn hóa tôn giáo.
 
3.2.2. Các đặc trưng cơ bản và cốt lõi của biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo
      Biểu tượng tôn giáo tựu chung lại là một hệ thống gồm 27 đặc trưng cơ bản, với 5 đặc trưng cốt lõi (Ngũ bối) như sau: 1) Tính biểu trưng, tượng trưng; 2) Tính thiêng; 3) Tính sáng tạo đa chiều; 4) Hình (Figure), Hình ảnh (Effigie), Hình dạng, Hình thức-Hình thái (Forme and Formation), và siêu hình; 5) Ngôn; 6) Bản (Tính bản thể và thực thể); 7) Ý; 8) Công; 9) Tính bài trí thờ phụng; 10) Hài hòa (Harmonie), đối xứng; 11) Tính hình mẫu (Modèle) và luân lý; 12) Tính mỹ thuật (kỹ thuật, kỹ xảo nghệ thuật, thẩm mỹ và cái đẹp); 13) Tính lý tưởng (ý niệm, ý niệm đẹp, chân lý và nguyên mẫu); 14) Tính lưu trữ và mã hóa thông tin; 15) Tính cấu trúc; 16) Tính lưỡng cực về ý nghĩa (Tính cặp trong nhận thức, tư duy kép, ý thức đồng nhất, ý thức nguyên hợp, tư duy tổng thể); 17) Tính liên kết; 18) Tính đại diện văn hóa (Biểu tượng phổ quát); 19) Tính hướng tâm; 20) Tính trung gian (Médiation); 21) Tính hai mặt và tính đa diện; 22) Tính trừu tượng mà cụ thể; 23)Tính tổng thể và đảo chiều; 24) Tính đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; 25) Tính giá trị; 26) Tính phản ánh ngược, tư duy ngược; 27) Các đặc tính hình thân, thước đo tỷ lệ vàng là đặc trưng kép với cái Đẹp.
         Là một hình thái ngôn ngữ biểu hiện thế giới quan và nhân sinh quan của tôn giáo, biểu tượng tôn giáo một trong những hiện thân sống động của tôn giáo. Nghi lễ tôn giáo là sự thực hành biểu tượng. Biểu tượng Phật giáo một hình thái biểu tượng tiêu biểu với các kiến trúc chùa tháp, các tượng Phật cùng nhiều các ký hiệu biểu trưng có nội dung tư tưởng Phật giáo khác như biểu trưng bánh xe luân hồi. Ngôi chùa là một hệ thống biểu tượng và cho thấy lịch sử tiến trình biểu tượng hóa.

3.3. Các hệ hình biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo
- Hệ hình hành động (Các Thánh tử đạo, Phật sống, sinh hoạt đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo)
- Hệ hình ý niệm biểu tượng. Ví dụ trong tác phẩm “Thập mục ngưu đồ” (đời nhà Tống (960-1279)) của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn, hoặc tác phẩm “Đường lầy” trong Thạch sa tập của thiền sư Muju (Vô Trú) Nhật bản thế kỷ XIII là những đại diện tiêu biểu của biểu tượng ý niệm. Tức là ý nghĩa biểu tượng về phương diện ý niệm biểu tượng đã vượt lên trên các ý nghĩa hình tượng của nó.
- Hệ hình hình tượng và hình tượng nghệ thuật (Nghệ thuật điêu khắc, bán ký hiệu học). Hệ hình ảnh (ký hiệu học) chưa đáp ứng hết hệ hình tượng nghệ thuật.
- Hệ hình mỹ thuật: 1/ hình tượng chất thể 2/ Biểu tượng nhục thân. (điêu khắc)
- Hệ hình văn tự (Ký hiệu học), các biểu tượng ngôn ngữ khác với các biểu tượng ý niệm ở chính các rào cản của ngôn ngữ. Ví dụ: Ý niệm bản thể âm nhạc trong Matrâyana Upanisad không phải là biểu tượng ngôn ngữ, mà là một biểu tượng ý niệm triết lý bản thể Udghitha tức OM (UM), biểu hiện ý niệm về âm thiêng sáng tạo của vũ trụ.
- Lý thuyết ý thức hệ và các hệ hình ý thức tôn giáo cụ thể.
- Hệ hình luân lý và đạo đức tôn giáo. Các nguyên mẫu biểu tượng luân lý tôn giáo không được đồng nhất hoàn toàn với hành vi đạo đức của con người.
- Hệ hình đời sống phong tục luân lý: làm nên đặc trưng của những ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng đến biểu tượng tôn giáo.
 3.4. Chạc ba khung lý thuyết nghiên cứu biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo
      Khoa học biểu tượng tiếp cận các loại hình biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo trên một hệ thống các lý thuyết liên ngành và đặc thù. Trong khi đó, ký hiệu học biểu tượng tỏ ra không đáp ứng được với hệ hình ý niệm biểu tượng, do các rào cản về ngôn ngữ. Biểu tượng ký hiệu học dựa trên hình ảnh, hình ảnh hình tượng, hình ảnh hình tượng nghệ thuật mới chỉ đáp ứng với các biểu tượng ngẫu tượng, các biểu tượng do con người sáng tác. Trong khi đó các ý niệm biểu tượng có khả năng vượt qua các rào cản ngôn ngữ, các Icon, các “tượng” cụ thể để dẫn nhập trực tiếp các xúc cảm tâm linh hóa của tôn giáo. Những đặc trưng văn hóa của biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo phong phú và tổng thể. Các đặc trưng cốt lõi (Ngũ bối) của biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo trở thành căn cứ để đi sâu vào cấu trúc luận của biểu tượng. Hệ đặc trưng văn hóa của biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ làm sáng tỏ các đặc điểm cấu trúc của biểu tượng, mà còn làm sáng tỏ về hệ thống văn hóa biểu tượng, cũng như đặc điểm loại hình của biểu tượng tôn giáo.

          Trên một tổng phổ tri thức nghiên cứu biểu tượng học tôn giáo từ góc độ phương pháp luận cho thấy mối quan hệ giữa các hệ hình lý thuyết chuyên ngành gần và liên ngành như sau:
  • Ký hiệu học (Semiology) - nhân học biểu tượng - biểu tượng cấu trúc.
  •  Ký hiệu học - Chống lại ký hiệu học - Biểu tượng học tôn giáo.
  •  Ký hiệu học - hình tượng học - biểu tượng học.
  • Hình tượng học – biểu tượng học – logic học.
  • Hình tượng (nghệ thuật) - biểu tượng (tôn giáo) - khái niệm (triết học).
  •  Biểu tượng học tôn giáo (The Religious Symbolism & Iconography)
    – biểu tượng luận cấu trúc – biểu tượng học (
    Iconography).
 
     Tóm lại, bài viết giới thiệu các kết quả nghiên cứu sau về biểu tượng học tôn giáo từ tiếp cận phương pháp luận trong nghiên cứu tôn giáo học:
     Đưa ra được định nghĩa về biểu tượng tôn giáo. Hệ thống biểu tượng này được nghiên cứu từ góc độ tôn giáo học có tính phương pháp luận, và dựa trên các lý thuyết khoa học nào? Loại hình học (Typologycal) của chúng có đặc trưng cơ bản và cốt lõi ra sao? Làm sáng tỏ các vấn đề trên cơ sở khái quát các đặc trưng văn hóa lớn của biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo.

 
4. Những kết quả hiện hữu 
       Với khoa học luận về phương pháp, sinh viên tôn giáo học có khả năng tiến hành phê phán khoa học trên một loạt các vấn đề từ lý luận đến thực tiễn như:
- Phê phán luận điểm: “Thần thoại tôn giáo đã tiêu vong trong thời đại của chúng ta”.
- Ký hiệu học hay biểu tượng học tôn giáo?
- Mối quan hệ giữa luân lý học tôn giáo và đạo đức học tôn giáo.
- Hiểu thế nào về vấn đề: Nho giáo là học thuyết chính trị - đạo đức xã hội và Nho giáo tiếp cận từ góc độ tôn giáo.
- Người Việt tiếp thu hỗn dung hay dung hợp tam giáo?
- Hiểu tam giáo đồng nguyên phản ánh trong nghệ thuật mang đặc trưng gì?
- Người phương Tây và người phương Đông đều đạt đến tư duy tổng thể, tổng hợp về hình tượng nghệ thuật và biểu tượng tôn giáo. Phê phán kết luận thiếu căn cứ khoa học đầy đủ cho rằng phương Tây chỉ có, hoặc nghiêng về tư duy phân tích, còn phương Đông là tư duy tổng hợp, tổng thể.
- Phê phán sự đồng nhất đẹp, xấu của phán đoán sở thích cá nhân (thẩm mỹ) với cái đẹp, cái xấu của cấu trúc luận biểu tượng tôn giáo.
- Phê phán việc phân tích hình tượng nghệ thuật tôn giáo và biểu tượng tôn giáo thiếu đi đặc trưng cốt tử Ý niệm (lý tưởng/ biểu tượng/ khái niệm).
- Phê phán cách nghiên cứu lĩnh vực mỹ thuật tôn giáo không khái quát được các nguyên lý phổ quát đặc thù, hoặc cho rằng không có tư duy lý tính trong lĩnh vực hình tượng nghệ thuật và biểu tượng tôn giáo. 
- Triết học của chủ nghĩa Mác có phải và có cần phải là một cơ sở lý luận, khoa học nền tảng nhưng gián tiếp hơn đối với cơ sở lý luận trực tiếp của tôn giáo học khi nghiên cứu tôn giáo thực tiễn?

      Đối với các nghiên cứu tôn giáo học, cơ sở lý luận triết học khoa học là cơ sở lý luận có tính gián tiếp hơn so với lý luận tôn giáo học, nhưng vẫn là nền tảng của hệ hình khoa học. Trực tiếp hơn đối với các đề tài nghiên cứu đặc thù của tôn giáo học là cơ sở lý luận triết học tôn giáo, thần học và tôn giáo học.
 
 5. Kết luận
 
        Chặng đường 5 năm phát triển của bộ môn Tôn giáo học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là quãng thời gian đủ để bộc lộ diện mạo các tầng lớp khoa học đặc thù của ngành Tôn giáo học theo hướng nghiên cứu độc lập và liên ngành. Xin trân trọng cảm ơn ĐHQGHN, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để thầy và trò Bộ môn Tôn giáo học có thể đi sâu và phát triển các lĩnh vực học thuật phổ rộng và chuyên sâu, cụ thể; các phân tầng lý thuyết từ cơ sở, gián tiếp đến trực tiếp luôn gắn liền với một hệ thống phương pháp tương ứng; lý thuyết gắn liền với ứng dụng... do đó, đã có nhiều bộ môn khoa học mới đã ra đời tại Bộ môn Tôn giáo học trong vòng 5 năm qua. Có thể kể đến như: Biểu tượng học tôn giáo, Logic học của ngôn ngữ hình tượng và biểu tượng, Nghệ thuật học tôn giáo, Khoa học luận về phương pháp&phương pháp luận nghiên cứu tôn giáo học...
         Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!


Tài liệu tham khảo

 
  1. V.X.Biblerơ – B.X.Griaznốp – X.R.Miculinxki (chủ biên), Khái lược về lịch sử và lý luận phát triển khoa học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.
  2. Nguyễn Hồng Dương (2004), Tôn giáo trong mối quan hệ văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Nguyễn Hồng Dương (2012), Công giáo thế giới tri thức cơ bản, Nxb. Từ điển Bách khoa.
  4. Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên) (2018), Từ ký hiệu đến biểu tượng, Nxb. ĐHQGHN.
  5. Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
  6.  Angèle Kremer, Marietti (2004), Luân lý, NXB Thế giới, Hà Nội.
  7. Thomas Kuhn (2008), Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, NXB Tri Thức.
  8. Robert Layton (2013), Nhân chủng học của nghệ thuật, Đại học Cambridge.
  9. K.Marx (1962), Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (viết năm 1843), Nxb. Sự thật. Lời nói đầu.
  10. K. Marx, F. Engels, V.I. Lenin (1977), Về văn học và nghệ thuật (C.Mác và Ph.Ăngghen, “Hệ tư tưởng Đức”, Toàn tập, tiếng Nga, t.3, tr. 15-16), Nxb. Sự thật, tr. 43 – 44.
  11. Rô-den-tan (1959), Lịch sử và logic, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
  12. Claude Lévi-Strauss (2020), Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại, Nxb. Đà Nẵng.
  13. Từ điển thuật ngữ triết học - chính trị Nga - Việt” (có chú thêm tiếng Pháp) (1970), Nxb. Khoa học xã hội, tr.87.
  14. Đỗ Thị Minh Thảo (2018), Tương tác mở trong mỹ học Việt Nam đương đại, Nxb. Thông tin & truyền thông.
  15. Đỗ Thị Minh Thảo (2020), Tập bài giảng Biểu tượng học tôn giáo. Nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
  16. Nguyễn Hữu Vui, Trương Hải Cường (2003), Tập bài giảng Tôn giáo học (chương trình đại cương), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.13.
 




 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây