GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO - ĐÔI ĐIỀU CẦN BÀN

Chủ nhật - 26/12/2021 17:37

Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, điêu khắc TK XVII

Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, điêu khắc TK XVII
Đỗ Thị Minh Thảo - Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Bài in trên Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, Số 11(60)/2017, tr. 55-61.
     
Tóm tắt
          Nắm giữ một vai trò quan trọng góp phần vào xu hướng Phật giáo nhập thế, các chương trình giới thiệu về giáo dục nghệ thuật Phật giáo trên các phương tiện truyền thông đã đem lại một hiệu quả to lớn trong việc nâng cao kiến thức nghệ thuật Phật giáo cho mọi người.   
          Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng giáo dục nghệ thuật Phật giáo có hai hướng tiếp cận chính về phương pháp nghiên cứu và giáo dục: Một là, coi nghệ thuật là công cụ trực quan và kinh nghiệm thẩm mỹ; hai là, đặt nghệ thuật vào tầm kỹ năng của phương pháp hệ hình và hình thái cấu trúc trong nghiên cứu mỹ học và nghệ thuật tôn giáo học. Hiện nay, việc giới thiệu và giáo dục nghệ thuật Phật giáo trên các kênh truyền thông vẫn chỉ dừng lại ở cách tiếp cận thứ nhất coi nghệ thuật là công cụ trực quan và kinh nghiệm thẩm mỹ. Trong giới hạn hẹp của trình độ tri thức nghệ thuật của cá nhân, nghệ thuật nói chung thường bị coi là giáo cụ trực quan hay phương tiện biểu hiện của hệ giáo lý Phật giáo. Thành ra việc tiếp cận nghệ thuật sẽ không được nhất quán.
          Bài viết chỉ ra những đóng góp tích cực và hạn chế của hai cách giáo dục nghệ thuật Phật giáo nêu trên, góp phần giúp người đọc nhận diện các phương pháp nghiên cứu và giáo dục nghệ thuật Phật giáo đang hiện hành, nhằm hướng đến những giải pháp toàn diện hơn cho mảng tri thức giáo dục nghệ thuật Phật giáo.
Từ khóa: Giáo dục nghệ thuật, nghệ thuật Phật giáo, kinh nghiệm thẩm mỹ, phương pháp.


Mở đầu

       Nằm trong hệ thống giáo dục Phật giáo, vai trò và tầm ảnh hưởng của giáo dục nghệ thuật Phật giáo luôn có tính bền vững. Kho tàng nghệ thuật Phật giáo trở thành “truyền nhân” trực tiếp về đời sống Phật giáo đương đại với truyền thống nhiều màu sắc huyền ảo.
       Nghệ thuật từ nguyên tiếng Hy Lạp cổ là Technè, dùng để chỉ mọi kinh nghiệm hoạt động thực tiễn gắn kết được năng lực sáng tạo với tri thức. Aristotle (xét về phương diện mỹ học là triết gia mỹ học duy vật Hy Lạp cổ đại, về quan điểm triết học là dao động duy tâm) quan niệm nghệ thuật là tập quán sáng tạo đi theo lý trí chân thực.
         Ở phương Đông, từ nguồn gốc chữ Mỹ trong từ Mỹ thuật, chữ tượng hình viết, vẽ hình chính diện một người đầu đội mặt nạ sừng dê đang nhảy múa vu thuật, nhiều người đã đi đến kết luận rằng hoạt động thẩm mỹ là một loại nghi thức đơn thuần thuộc vu thuật/ ma thuật. Cho rằng nghệ thuật bắt nguồn từ tôn giáo là không bao quát được hết nội hàm tính tổng thể của chữ mỹ: “Nếu cho rằng toàn bộ nghệ thuật thời kỳ chế độ thị tộc đều đi theo con đường của nghệ thuật tôn giáo thì quả là không đúng… Bên cạnh xu hướng nghệ thuật dị đoan, một luồng nghệ thuật hiện thực vẫn tiếp tục phát triển trong những hình thức hơi khác hơn: chủ yếu là trong nghệ thuật thực dụng và thủ công”[1]. Cần thấy rằng hoạt động thẩm mỹ, nghệ thuật cũng có tính độc lập tương đối so với tôn giáo. Vào thời kỳ nguyên thủy, tôn giáo nguyên thủy là một nội dung của nghệ thuật. K.Marx từng nhấn mạnh việc không nên đồng nhất nghệ thuật với thần thoại, dù thần thoại được truyền tải dưới hình thức nghệ thuật. Mối quan hệ giữa tôn giáo và nghệ thuật là biểu tượng của mối quan hệ thống nhất giữa nội dung và hình thức. Nghệ thuật nắm công cụ ngôn ngữ hình tượng biểu đạt, còn tôn giáo trở thành một nội dung được biểu đạt. Nghệ thuật nói chung bắt nguồn từ cuộc sống, chỉ các nghệ thuật tôn giáo thì có thể đã trực tiếp bắt nguồn từ bản thân tôn giáo.
          Nghệ thuật và tôn giáo đều là các hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại. Tính độc lập của hình thái ý thức nghệ thuật đối với tôn giáo chính là tính tổng thể hình tượng phản ánh tính tổng thể của hiện thực cuộc sống mà nghệ thuật phản ánh. Cuộc sống là cội nguồn của mọi văn nghệ và nghệ thuật tôn giáo.
         Nghệ thuật tôn giáo là hình thái nghệ thuật phức hợp hay tổng hợp giữa các yếu tố hình thức, kỹ thuật và mỹ cảm (của nghệ thuật) với nội dung tư tưởng tôn giáo, hoặc một ý niệm tôn giáo cụ thể được bộc lộ dưới hình thức cảm niệm. G.W.F. Hegel, triết gia duy tâm Đức nửa sau thế kỷ XVIII, quan niệm thi ca là bước quá độ qua tôn giáo, trong đó ý niệm tự bộc lộ ra dưới hình thái cảm niệm.
          Nghệ thuật tôn giáo bao gồm các bức tranh mang nội dung tôn giáo, các tác phẩm điêu khắc tôn giáo, các phù điêu, hay những công trình kiến trúc tôn giáo, hay văn chương tôn giáo. Dù nghiêng về hình thái tinh thần, tâm linh song nghệ thuật tôn giáo vẫn phải dựa vào nguyên lý nền tảng chung của mọi nghệ thuật là tính tổng thể để biểu hiện các mỹ cảm tôn giáo.
          Nghệ thuật Phật giáo là nền nghệ thuật phong phú của chùa chiền, tháp, lăng mộ, nghệ thuật tạo hình và văn chương Phật giáo. Đây là loại hình nghệ thuật phổ biến và tồn tại hàng ngàn đời nay. Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo là một vẻ đẹp tuyệt mỹ với sự kết hợp giữa tự nhiên, ý niệm về thời gian với không gian sinh hoạt tâm linh cộng đồng. Mỹ cảm của nghệ thuật Phật giáo là một mỹ cảm thanh thoát, thăng hoa kết hợp với cảm giác tĩnh tại, thư thái đem lại cho con người.
         Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Phật giáo nói riêng một cách thông dụng, nhưng lại trong giới hạn hẹp của trình độ tri thức nghệ thuật của cá nhân, thường bị coi là giáo cụ trực quan hay phương tiện biểu hiện của hệ giáo lý Phật giáo. Do chỗ, nghệ thuật Phật giáo cung cấp hệ ngữ hình thứ hai sau hệ thống ngôn từ Phật học.
        Một cách hàn lâm, ở một trình độ tri thức nghệ thuật cao hơn của các cá nhân, nghệ thuật Phật giáo được nhìn nhận như là phương tiện cứu cánh tự thân, thông qua kinh nghiệm nghệ thuật nói chung hoặc nghệ thuật hướng thiền. Một cách bền vững, nghệ thuật Phật giáo là giải pháp biểu tượng hóa văn hóa đạo đức hoặc là truyền nhân giáo lý qua hình tượng nghệ thuật mà kết thành biểu tượng Phật giáo.
       Như vậy, những cách nhìn và tiếp cận nghệ thuật Phật giáo khác nhau sẽ cung cấp những hướng tri thức khác nhau về cùng một đối tượng.

1. Hướng tiếp cận coi nghệ thuật là công cụ trực quan và kinh nghiệm thẩm mỹ

      Kinh nghiệm nghệ thuật là có khác với kinh nghiệm thẩm mỹ. Nghệ thuật có thiên tính lý tưởng về cái đẹp. Vì vậy, nó được định hướng theo chuẩn mực tổng thể tính của con người về mỗi cá nhân và về thời đại.
       Nghệ thuật Phật giáo là hình thái nghệ thuật biểu tượng hóa hình tượng, do đó, hướng tiếp cận này không thể đáp ứng hết nội hàm do chỗ coi nghệ thuật là công cụ trực quan, song lại bỏ quên tính chất hàm ẩn của công cụ ngôn ngữ trực quan (ngôn ngữ hình tượng, ngôn ngữ biểu tượng). Hoặc là coi nghệ thuật là kinh nghiệm thẩm mỹ song lại bỏ quên phương pháp (nhận thức, sáng tác, thi pháp học) nghệ thuật.
      Tiếp cận nghệ thuật, do vậy, sẽ không được nhất quán và sự tùy tiện thấy rõ. Ví dụ như định nghĩa nghệ thuật như là một phạm vi sử dụng ngôn ngữ hình tượng, song khi bắt gặp một tính “biểu tượng hóa” trong nghệ thuật, thì vội vàng nhận định nghệ thuật đó là phi ngôn ngữ, hoặc thậm chí là “non art” (phi nghệ thuật). Chỗ này khẳng định ngôn ngữ hình tượng, chỗ khác khẳng định phi ngôn ngữ, vậy là có ngôn ngữ hay không có ngôn ngữ? Bởi vì phi ngôn[2] trong biểu cảm nghệ thuật cần được phân biệt với hoàn toàn không có ngôn ngữ. Lý do là các điểm chấm phá phi ngôn (ngôn từ không diễn đạt nổi, hoặc tới điểm giới hạn của ngôn từ) của nghệ thuật là sự kết thúc của ngôn từ nhưng lại là điểm mở đầu cho sự quay trở lại với tính tượng trưng hình ảnh hoặc tính biểu tượng như trong nghệ thuật hội họa Phật giáo, vậy vẫn là có ngôn ngữ hình tượng vậy.
       Phi ngôn và vô ngôn đều cần được hiểu là không nên chấp, câu nệ việc lấy dạng thức ngôn ngữ là văn tự, lời nói, khái niệm làm bằng chứng để cầu đạo. Coi văn tự, lời nói, khái niệm là toàn bộ ngôn ngữ là sai lầm và sẽ là không logic khi cũng gọi các lớp hình ảnh biểu tượng, hình tượng, thân thể, cử chỉ chỉ dẫn là ngôn ngữ (Ví dụ: ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ hình tượng, ngôn ngữ thân thể, ngôn ngữ cử chỉ chỉ dẫn). Trong Kinh Văn Thù, Phật có dạy: “Ta trú ở thế gian dạy chúng sinh 49 năm, chưa từng đặt ra một câu bằng văn tự để nói với ai bao giờ”. Vì theo chính đạo, nếu lấy văn tự làm bằng chứng để cầu đạo, ấy là nệ; lấy sự khổ hạnh để cầu Phật, ấy là mê; lìa tâm ra mà cầu Phật, ấy là ngoại đạo; mà cố chấp cái tâm ấy là Phật, cũng lại là ma vậy[3].
      Nghệ thuật là những ứng dụng của kinh nghiệm thẩm mỹ, vì vậy nếu không cao tay mọi kinh nghiệm thẩm mỹ thông thường đều có tiềm năng được nhận định là nghệ thuật, mặc dù nó không cần đến các nguyên tắc và phương pháp sáng tạo nghệ thuật tài tình. Giữa tác phẩm nghệ thuật đích thực với kinh nghiệm thẩm mỹ thông thường được coi là nghệ thuật sẽ có sự khác nhau một trời một vực về tư tưởng và phương pháp biểu hiện. So sánh hai tác phẩm, đằng sau vết mực hất dài trên giấy vẽ của một ai đó có thể là “no method” (không có phương pháp), còn đằng sau sự phá cách của danh họa Pablo Picasso (1881 – 1973) là bố cục và hình thể nền tảng của nghệ thuật cổ điển.
        Nhiều người cho rằng, có tồn tại tính phi logic của nghệ thuật. Song bên cạnh đó, tính logic nội tại của nó vẫn được nhiều người thừa nhận. Tư duy nghệ thuật dường như là điều mà logic khái niệm không thể bao quát được nếu nó cứ mãi đứng từ bên ngoài để soi xét nghệ thuật. Tính phi logic sẽ được giải trừ khi tiếp cận nghệ thuật ở các góc độ sau:
 - Phương pháp tổng thể luận
 - Logic của cái tổng thể
 - Điển hình hóa trong phương pháp xây dựng hình tượng nghệ thuật là một dạng tư duy biện chứng hình tượng.
 - Coi hình tượng nghệ thuật là một hệ hình ngôn ngữ có nguồn gốc hình ảnh tổng quan, tổng thể - cảm quan. Hình tượng nghệ thuật vì vậy đồng nguyên với văn tự, ký hiệu và biểu tượng.
       Khi lý giải hình tượng nghệ thuật là một dạng ngôn ngữ hay hệ thống ký hiệu gắn với ngôn ngữ biểu hiện, ngôn từ, văn tự… cho thấy sức nặng của nghệ thuật nghiêng về phía logic hình tượng và tư duy hình tượng. Hãy nhớ rằng thuật ngữ loại hình (trong cụm từ loại hình nghệ thuật) trong tiếng anh có cấu tạo đuôi là - logical (Typological). Hay như thuật ngữ thần thoại ở người Hy Lạp cổ đại Mythologia có sự kết hợp của Mythox (tưởng tượng, huyền ảo, hoang đường, ngôn ngữ văn xuôi) và Logox (trí tuệ, quy luật). Câu chuyện về các quy luật của tư duy hình tượng, logic hình tượng là một câu chuyện dài chưa thể bàn đến ở đây, tuy nhiên chúng ta vẫn cần một ý niệm về chúng theo như cách tiếp cận của nhiều triết gia như Aristotle, Hegel, Friedrich Engels…
          Nói tóm lại, muốn có được cách nhìn giải trừ cho cái gọi là phi logic của nghệ thuật cần có được các tri thức mỹ học, nghệ thuật tôn giáo học, không phải chỉ về phía các nhà mỹ học duy cảm, các nhà nghệ thuật học thị giác, mà cần phát triển đầy đủ các quan niệm, tư tưởng của mỹ học với tư cách là một khoa học và toàn cảnh lịch sử của nó về bản chất nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Phật giáo nói riêng.
        Hướng tiếp cận coi nghệ thuật là công cụ trực quan và kinh nghiệm thẩm mỹ đã trở nên phổ biến đến mức số đông nhận diện nghệ thuật qua kênh thông tin này. Mặt hạn chế của nó là đánh đồng hai hệ hình đời sống thẩm mỹ và quan hệ thẩm mỹ. Kinh nghiệm thẩm mỹ là cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật, song mọi người đều có kinh nghiệm thẩm mỹ, còn nghệ sĩ cần biến nó thành một dạng cao cấp hơn là kinh nghiệm nghệ thuật. Hệ hình đời sống cho thấy tính tổng thể của các nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật, luôn bao hàm các quan hệ thẩm mỹ. Nghệ thuật thuộc hệ hình đời sống, hay hệ hình bản thể đời sống, từ đó hình thành nên chiều sâu và bề dày của đời sống nghệ thuật. Câu nói trở thành một quyết định luận là: “Đời sống là cội nguồn của mọi văn nghệ”.
         Nhìn chung, cái đẹp biểu tượng tôn giáo đều tuân thủ các tiêu chí chung của mọi cái đẹp mang tính giá trị cao như bắt nguồn từ tính tổng thể của đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Các nghệ thuật và biểu hiện cái đẹp của nó đều bắt nguồn từ tính hình thái, hay sắc thái đa dạng, phong phú của cuộc sống. Tính tổng thể của đời sống và khả năng tư duy về tính tổng thể đó chính là cơ sở biện chứng của sự nắm bắt cái đẹp của nghệ thuật Phật giáo.
        Việc coi nghệ thuật là công cụ trực quan đã cho thấy một lịch sử lâu dài của quan niệm này trong phạm vi mỹ học văn chương như “Văn dĩ tải đạo”. Các tư tưởng mỹ học về văn chương không chỉ xem nghệ thuật là phạm vi tư tưởng hay hệ tư tưởng thuần túy, mà là tư tưởng về phương pháp và tư tưởng về công cụ tính (tính năng công cụ của các giải pháp của hình thức nghệ thuật).
        Hướng tiếp cận coi nghệ thuật là công cụ trực quan luôn cổ súy cho các quan niệm duy cảm tính, duy mỹ về cái mỹ hình thức của nghệ thuật.

2. Hướng tiếp cận đặt nghệ thuật Phật giáo vào tầm kỹ năng của “cặp bài trùng” về phương pháp trong nghiên cứu mỹ học và nghệ thuật tôn giáo [4]

      Công việc đầu tiên của hướng tiếp cận này là đặt nghệ thuật vào tầm kỹ năng của ngôn ngữ, phương pháp, các nguyên tắc nhận thức lý tính về nó và thuộc về bản thân nghệ thuật như là một kiểu tư duy biện chứng khá đặc thù (theo Hegel); hoặc là một kiểu hình thái có cấu trúc (theo I. Kant); một kiểu thi pháp học trong sáng tác nghệ thuật theo Aristotle; một kiểu tư duy tổng thể và một kiểu hình thái học ý thức xã hội (theo K. Marx); hoặc một kiểu hình thái học ý thức cá nhân (theo những người hiện sinh chủ nghĩa…)
        Phương pháp hệ hìnhphương pháp hình thái cấu trúc là cụm phương pháp quan trọng trong nghiên cứu mỹ học, nghệ thuật tôn giáo học trong thế kỷ XX, XXI. Hướng tiếp cận đặt nghệ thuật Phật giáo vào tầm kỹ năng của “cặp bài trùng” về phương pháp (hệ hình và hình thái cấu trúc) trong nghiên cứu mỹ học và nghệ thuật tôn giáo là xu hướng nghiên cứu nghệ thuật bằng công cụ duy lý, khoa học. Việc sử dụng các phương pháp này có nhiều ưu điểm, nổi bật nhất đó là chúng ta có thể phân biệt rõ rệt hệ hình đời sống thẩm mỹ, đời sống nghệ thuật với hệ hình quan hệ thẩm mỹ, tương quan thẩm mỹ.
        Nếu phương pháp hệ hình là phương pháp chú ý đến chính bản thân quá trình nhận thức, tư duy của con người với tư cách chủ thể nghiên cứu khoa học và bản thân tiến trình khoa học, thì phương pháp hình thái cấu trúc là phương pháp nghiên cứu các hình dạng có cấu trúc của thế giới đối tượng. Hệ hình cho thấy các góc độ tư duy, góc độ tiếp cận nghiên cứu; còn hình thái cho thấy tính cấu trúc của các sắc thái đối tượng nghệ thuật. Hai phương pháp này cần được kết hợp với nhau để có thể nghiên cứu toàn diện cả bản thân khoa học, tư duy chủ thể nhà nghiên cứu lý thuyết nghệ thuật, cả đối tượng lẫn chủ thể của cái đẹp và nghệ thuật.              
        Với phương pháp hệ hình, nghệ thuật trở nên “minh bạch” so với các quan hệ thẩm mỹ thông dụng. Hệ hình đời sống của nghệ thuật được xác lập về tính quy định tổng thể các phương pháp sáng tạo và thưởng ngoạn, biểu diễn nghệ thuật. Hệ hình đời sống của nghệ thuật được “xử lý” qua thủ pháp điển hình hóa đứng cao hơn hệ hình quan hệ thẩm mỹ. Quan hệ thẩm mỹ không thể bao quát hết độ thâm sâu và cao vời của đời sống nghệ thuật nói chung cũng như đời sống nghệ thuật Phật giáo nói riêng. Dựa trên nguyên tắc này thì đời sống nghệ thuật luôn bao gồm các quan hệ thẩm mỹ.
        Hình thái học nghệ thuật là môn khoa học cũng đồng thời là phương pháp quan trọng trong giáo dục các phương tiện truyền tải nghệ thuật, các khuynh hướng, trào lưu, tính đa sắc thái của các biểu hiện loại hình và loại thể của nghệ thuật. Hình thái học nghệ thuật không chỉ đặt người học vào tầm kỹ năng quan sát các biểu hiện bên ngoài mà chính là các hình thái cấu trúc bên trong của nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Phật giáo nói riêng.
         Mặt hạn chế của hướng tiếp cận thứ hai là tính chất khô khan nên cần phải được kết hợp với hướng tiếp cận thứ nhất mới có thể đảm bảo được hiệu quả cao trong giáo dục nghệ thuật Phật giáo.

3. Kết luận

         Qua so sánh ta nhận thấy:
- Góc tiếp cận 1, cho thấy một cách tiếp cận thiếu tổng thể về nghệ thuật, thiếu phương pháp và còn gắn nhiều với trực quan, kinh nghiệm thẩm mỹ.
- Góc tiếp cận 2, nhờ vận dụng cặp phương pháp quan trọng của mỹ học đương đại, nhà giáo dục nghệ thuật Phật giáo có thể cung cấp những nền tảng bản chất và căn bản của nghệ thuật. Họ cũng có thể đi sâu vào các chiều kích bên trong và bên ngoài qua cách tiếp cận cấu trúc học về nghệ thuật với phương pháp hình thái cấu trúc. Nhờ vậy họ có thể chỉ ra được các đặc điểm cao cấp của nghệ thuật so với các kinh nghiệm thẩm mỹ thông thường. Từ đó, họ sẽ tránh được các hiện tượng đồng nhất theo cách nói ví von kiểu như: "đưa biển báo giao thông vào trưng bày trong viện bảo tàng mỹ thuật".
        Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, song những kinh nghiệm, trải nghiệm của nó là cao cấp vì nó là kinh nghiệm của đời sống nghệ thuật. Các hiện tượng của đời sống muốn trở thành đối tượng của nghệ thuật đều cần phải thông qua “mỹ học tình huống hay trạng huống”(G.W.F Hegel). Tức là tính điển hình sáng tạo về số phận cá nhân trong nghệ thuật nói chung, hoặc là tính điển hình trong sáng tạo về biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo nói riêng. Điều này giúp nghệ thuật khác với khoa học và truyền thông. Đối tượng của khoa học và truyền thông chỉ đơn thuần là một tình trạng phổ biến chung của thế giới./.

 
 
Chú thích:
 
[1] Đặng Quý Khoa (1992), “Giáo trình bố cục”, Sđd, tr.35.
[2] Phi ngôn, vô ngôn ở đây cần được hiểu là nếu dùng ngôn từ lời nói, khái niệm thì sẽ không thể diễn đạt được, tức là đạt tới điểm giới hạn của ngôn từ. Phi ngôn, vô ngôn có thể không dùng đến ngôn từ lời nói nhưng vẫn sử dụng phần nào ngôn ngữ hình ảnh như biểu tượng, hình tượng, ngôn ngữ cử chỉ chỉ dẫn, nhằm liên kết hình ảnh với một năng lực phản tư của trí tuệ, một năng lực tự thức nhận, tự đốn ngộ.
[3] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa (1997), “Phật học phổ thông” Khóa V, Sđd, tr. 218.
[4] Cặp bài trùng về phương pháp đó là Phương pháp nghiên cứu hệ hình (Paradigm) và phương pháp hình thái cấu trúc:
- Phương pháp nghiên cứu hệ hình (Paradigm) của Thomas S. Kuhn đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ trong các khoa học của thế kỷ XX, XXI. Trở thành một phương pháp quan trọng trong việc chỉ ra các mẫu hình tư duy khoa học khác nhau qua các thời kỳ phát triển của khoa học. Phương pháp nghiên cứu hệ hình khi đi vào trong các lĩnh vực nghệ thuật, tôn giáo học, mỹ học thực chất là phương pháp nghiên cứu chuyên sâu vào các lý thuyết xác lập các cấu trúc tư duy. Phương pháp nghiên cứu hệ hình trong nghiên cứu mỹ học là rất quan trọng, bởi vì nhân loại không bàn đến cái đẹp ở bên ngoài các lý thuyết có tính hệ hình tư duy về cái đẹp và nghệ thuật.
- Phương pháp hình thái cấu trúc: Quan niệm hình thái của danh họa Leonardo da Vinci là quan niệm hình thái của đời sống. Hình thái học theo quan điểm của M. Cagan là hình thái học của nghệ thuật, hình thái cấu trúc nghệ thuật. Tư duy hình thái học ở K.Marx là hình thái học của một tính chỉnh thể, tính hệ thống, hình thái cấu trúc xã hội và cá nhân.
       Khác với Hegel mới chỉ sử dụng tư duy hình thái cấu trúc của phép biện chứng ở cách hiểu về các “hình thức” vận động phát triển của nghệ thuật qua ba giai đoạn, K.Marx đã sử dụng phương pháp hình thái như một ưu thế của phép biện chứng duy vật trong việc chỉ ra các lớp cấu tạo có tính hệ thống của xã hội (lao động, giá trị, kinh tế, cái đẹp). Như vậy, quan điểm hình thái cấu trúc trong quan niệm duy vật về lịch sử là quan điểm cho phép nghiên cứu, tiếp cận đối tượng từ nhiều lớp, nhiều dạng thức, biểu hiện dưới nhiều trạng thái hay sự biểu hiện của các mặt cấu tạo. “Hình thái” trước hết chính là các mặt “hình thức”. Tuy nhiên hình thái không đơn thuần chỉ là hình dạng, hình thức. Nó còn có nghĩa là sự cấu tạo trong một tính chỉnh thể, tính hệ thống xã hội (formation). Xem cách dùng trong cụm từ “die ökonomische Gesellschaftsformation” (hình thái kinh tế xã hội) hay formation socio - économique (hình thái kinh tế xã hội) (“Từ điển thuật ngữ triết học - chính trị Nga - Việt” (có chú thêm tiếng Pháp)(1970), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 87).
        Theo tiến sĩ V.P. Kuzmin (В.П. Кузьмин, V.P. Cu-dơ-min), K.Marx đã nghiên cứu xã hội là một loại hệ thống hữu cơ xác định, phát triển theo những quy luật của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Với ý nghĩa đó, hình thái là một kiểu hay một “loại” cơ chế xã hội có tính lịch sử (xin xem V.P. Kuzmin (1986), “Nguyên lý tính hệ thống trong lý luận và phương pháp luận của K.Marx”, Sđd, tr. 23).

 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây