PHẬT GIÁO THỪA THIÊN HUẾ VỚI CÔNG TÁC BẢO TRỢ XÃ HỘI: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Thứ năm - 02/06/2022 01:28
Ảnh. https://www.phatgiaohue.vn
Ảnh. https://www.phatgiaohue.vn


 
     Nằm ở dải đất duyên hải miền Trung, Thừa Thiên Huế có thành phố Huế, 02 thị xã và 06 huyện, với 152 xã/phường/thị trấn; tổng diện tích 5.053 km²; dân số khoảng 1,150 triệu người. Trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 53.000 đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội tại cộng đồng và hơn 1.570 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; có 20.623 hộ nghèo, tỉ lệ 7,19%; 15.777 hộ cận nghèo, tỉ lệ 5,50% theo kết quả điều  tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

    Thừa Thiên Huế có bề dày văn hóa lâu đời, cảnh quan thiên nhiên đẹp và hữu tình cùng với quần thể di sản văn hóa thế giới. Thừa Thiên Huế cũng là một trong ba trung tâm tôn giáo của cả nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Phật giáo Thừa Thiên Huế vẫn còn giữ được những đặc trưng văn hóa Thiền môn, những thành tựu và các giá trị sống. Trên địa bàn tỉnh có 04 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài. Tín đồ tôn giáo chiếm 60% dân số toàn tỉnh với gần 70 vạn người, có 1.525 chức sắc, nhà tu hành; 594 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, 01 Học viện Phật giáo, 01 Trường Trung cấp Phật học, 01 Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán; 01 Trung tâm Du lịch tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm, là chiếc nôi của phong trào “Chấn hưng Phật giáo”.
     Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động xã hội của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của các Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp; trong thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; Phật giáo Thừa Thiên Huế ngoài phụng sự việc đạo, với phương châm hoạt động của Giáo hội "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", đã tích cực tham gia vào công tác bảo trợ xã hội trong lĩnh vực vực chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, hoạt động nhân đạo, từ thiện tại cộng đồng, khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, tiếp sức mùa thi, dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đạt nhiều thành quả, được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao.
* Các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc tổ chức Phật giáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2012 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Toàn tỉnh có 25 cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng hơn 1.750 đối tượng thì tổ chức Phật giáo có 4 cơ sở trợ giúp xã hội đã được UBND tỉnh có quyết định thành lập, với 290 đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng (197 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi; 68 trẻ em khuyết tật; 25 người cao tuổi). Trong số 04 cơ sở này có 02 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi (Nhà nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Chùa Đức Sơn, Nhà nuôi dạy trẻ em mồ côi Ưu Đàm); 01 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật  (Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Chùa Long Thọ); 01 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa (Nhà dưỡng lão chùa Tịnh Đức).
     Để công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng được đảm bảo, các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc tổ chức Phật giáo trong khả năng cho phép, đã quan tâm cải thiện điều kiện về môi trường, điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, cải tạo, nâng cấp phòng ở, trường lớp, công trình và bổ sung trang thiết bị; quan tâm công tác tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên; cử cán bộ nhân viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chính sách pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc đối tượng và quản lý cơ sở bảo trợ xã hội do Sở Lao động – TB&XH và các cơ quan liên quan tổ chức.
      Trong những năm qua mặc dù tình hình kinh tế xã hội nước ta nói chung, tỉnh nhà nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc tổ chức Phật giáo trên địa bàn đã có nhiều cố gắng khắc phục, vượt qua khó khăn, tích cực huy động nguồn lực từ các tổ chức, trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm, Tăng, Ni và tín đồ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, thực hiện chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng theo quy định. Bên cạnh đó có một số cơ sở như Nhà dưỡng lão Chùa Tịnh Đức, Nhà nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Chùa Đức Sơn đã tăng gia sản xuất, trồng rau sạch nhằm cải thiện bữa ăn sạch cho đối tượng. Tổng kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại 04 cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo trong giai đoạn 2012-2016 khoảng 27,15 tỷ đồng.
     Công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng được quan tâm, hàng năm thực hiện sự chỉ đạo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ sở thuộc tổ chức Phật giáo phối hợp, lập danh sách những người được nuôi dưỡng gửi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, đã giúp cho các cơ sở trợ giúp xã hội Phật giáo giảm bớt khó khăn, các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh kịp thời; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thăm khám sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật…
     Không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trẻ em sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội được đến trường học văn hóa học tập như bao trẻ em khác, điển hình là các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Để tạo điều kiện tốt cho đối tượng học tập, thư giãn, nhiều cơ sở đã xây dựng thư viện, tạo góc học tập cho các em như Nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi Ưu Đàm, Nhà nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Chùa Đức Sơn. Một số trẻ em học yếu được cơ sở mời gia sư đến bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Những cơ sở xa trường học đã tổ chức đưa đón bằng xe ô tô như Nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi Đức Sơn. Được tạo điều kiện, giúp đỡ, động viên trong học tập nhiều em nỗ lực học tập tốt đỗ vào cao đẳng, đại học, nhiều em khác học nghề. Đến nay đã có nhiều em có việc làm ổn định, trở thành công dân tốt, trở về với Trung tâm giúp đỡ cho các trẻ em khác có cùng hoàn cảnh.
* Giáo dục nghề nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, trong thời gian qua, cơ sở dạy nghề Chùa Tây Linh, Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Chùa Long Thọ Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Chùa Long Thọ đã tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, gia đình nghèo, mỗi năm nhận dạy nghề cho khoảng từ 240 học viên, gồm các nghề may mặc, thêu, đan, điện gia dụng, vi tính văn phòng, mộc mỹ nghệ…Sau khi tốt nghiệp, tùy theo nghề, các em được giới thiệu làm việc tại các công ty may ở thành phố Hồ Chí Minh, dệt Thủy Dương, xí nghiệp thêu ở Huế hoặc nhận hàng làm gia công tại nhà, hoặc phục vụ tại cơ sở dạy nghề.
      Ngoài việc học văn hóa, học nghề, các em còn được tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao Giải bóng đá FFAV (Do cộng đồng bóng đá Na uy tài trợ); tham gia trại hè Chí thiện (do Tổ chức CI tài trợ); tham gia vui chơi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức. Các trường hợp người khuyết tật (tâm thần kinh) ngoài thời gian điều trị phục hồi chức năng, đối tượng còn được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, liệu pháp trị liệu nâng cao sức khỏe cho đối tượng vào dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật 18/4 và ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10.
      Các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đã phối hợp với nhiều đoàn từ thiện, nhóm công tác xã hội của sinh viên các Trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, tổ chức vui chơi giải trí, tham quan giã ngoại vào dịp hè.
* Từ thiện xã hội là hoạt động mũi nhọn của Gíao hội, thể hiện sự báo đáp “Tứ trọng ân” của người con Phật, tạo sức sống yêu thương và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với người hảo tâm. Thể hiện tinh thần từ bi, nhập thế hành đạo “Thương người như thể thương thân”, được sự phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền, các ban ngành chức năng, các Tăng Ni, phật tử tỉnh đã tích cực tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo tại cộng đồng,chăm lo đời sống người dân nghèo, bị thiên tai bão lụt, bệnh tật nặng, người khuyết tật bằng nhiều việc làm cụ thể:
      Vận động tài chính, vật phẩm, quần áo cứu trợ kịp thời đồng bào bị lụt, bão. Thăm tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam dioxin, trợ cấp học bổng, tặng xe đạp cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, tặng xe lăng cho người khuyết tật; ủng hộ xây dựng nhà ở cho người nghèo và hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các đoàn thăm viếng và tặng quà cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các khoa của bệnh biện Trung ương Huế, tại cộng đồng, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Hội người mù, gia đình khó khăn, chăm sóc người già neo đơn, hoạn nạn, dịch bệnh, tang sự...không những trong tỉnh mà còn mở rộng đến các tỉnh khác như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng ngãi… Tổng kinh phí vận động để hỗ trợ trong 05 năm qua là 20,69 tỷ đồng.
      Ngoài ra, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế đã chia sẽ, ủng hộ “Tết vì người nghèo”, Qũy Vì người nghèo trong lễ phát động Ngày vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hưởng ứng các cuộc vận động từ thiện của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Đài truyền hình Việt Nam, Báo Khăn quàng đỏ tại Tp Hồ Chí Minh, Hội bảo trợ quyền trẻ em Thừa Thiên Huế… 
* Kế thừa và phát huy truyền thống của đại lương y Thiền sư Tuệ tĩnh, hệ thống Tuệ Tĩnh đường  gồm Hải Đức, Liên Hoa, Nam Phổ, An Phước , Pháp Lạc, Cự Lại, Thiện Sanh, Quang Đức họat động có hiệu quả. Thông qua hệ thống Tuệ Tĩnh Đường đã tổ chức khám, điều trị và phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật trên tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật. Ngoài khám, chữa bệnh  Đông - Tây y từ thiện tại cơ sở khám chữa bệnh, còn tổ chức nhiều đoàn khám, chữa bệnh đến vùng dân tộc, biên giới để khám, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc. Tham gia cùng các tổ chức xã hội về phòng chống đại dịch HIV/AIDS, thành lập phòng tư vấn sức khỏe, cơ sở chăm sóc người truyền nhiễm, tuyên truyền và tổ chức nhiều khóa tập huấn cho Tăng Ni, Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo và Trường Trung cấp Phật học, các đơn vị gia đình Phật tử về kiến thức phòng chống; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi tặng quà, phát học bổng, hỗ trợ kinh phí cho các em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ do HIV/AIDS; tổ chức khâm liệm, tụng kinh cầu nguyện siêu độ những người chết vì HIV/AIDS. Tổng bệnh nhân được khám và điều trị trong 05 năm qua là 268.700 bệnh nhân, với tổng chi phí cho khám, chữa bệnh là 11,93 tỷ đồng.
* Ngoài ra Ban Trị sự giáo hội phật giáo tỉnh còn tổ chức chương trình tiếp sức mùa thi phục vụ cơm chay cho các thí sinh và phụ huynh đến Huế dự thi tốt nghiệp THPT và Cao đẳng, Đại học hàng năm. Qua đó tạo niềm tin, sự thỏa mái cho thí sinh trong thời gian lứu trú thi cử, ấm lòng trước tình cảm mặn nồng của người dân xứ Huế.
       Hàng năm các trường mẫu giáo: Diệu Đế, Quảng Tế, Phước Vân, Diệu Viên, Hoa Nghiêm, Hồng Đức, Ngự Bình, Diệu Nghiêm và các trường ở huyện Phú Lộc, gần 1500 cháu học mỗi năm, với trên 200 giáo viên nhân viên phục vụ, đã góp phần giải quyết về số lượng cháu được đến trường mầm non, đáp ứng nhu cầu phụ huynh, tăng tỷ lệ cháu mầm non ra lớp.
      Với những hoạt động của Phật giáo Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực bảo trợ xã hội, từ thiện xã hội đạt kết quả nổi bật đã góp phần cùng với Nhà nước thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện kinh tế-xã hội tỉnh nhà còn nhiều khó khăn là việc làm có tính nhân văn sâu sắc, với ước muốn mang lại sự an lạc, hạnh phúc cho nhân dân, góp phần vào việc ổn định xã hội, được xã hội đồng tình hưởng ứng. Trong đó có sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp trong việc hướng dẫn, quản lý, tuyên truyền, động viên khích lệ, giúp đỡ, kết nối tham gia vào hoạt động từ thiện nhân đạo nhằm giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn, trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch trợ giúp xã hội giai đoạn năm năm và hàng năm, tổ chức phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động xã hội, công tác bảo trợ xã hội, mở các lớp tập huấn về chế độ, chính sách, kỹ năng công tác, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh nhà, trong đó có các cơ sở bảo trợ xã hội Phật giáo, tổ chức hội nghị giao ban các cơ sở bảo trợ xã hội, tổ chức thăm hỏi động viên nhân các dịp Tết.
      Hoạt động của các thành viên, nhân viên Tăng Ni Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế đều là tự nguyện với lòng nhiệt tình của người con Phật mong muốn đem lại hạnh phúc cho đồng bào, phật tử với Pháp ngữ “phục vụ chúng sanh tức cúng dường chư Phật”, vì vậy hầu hết đề đồng nguyện phụng sự sát cánh cùng nhân dân bằng tất cả tâm và lực vốn có của mình. Đó thật sự là một thế mạnh của Phật giáo trong việc tham gia công tác bảo trợ xã hội, từ thiện xã hội. 
     Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, các cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc tổ chức phật giáo còn gặp những khó khăn cùng với một số vấn đề đặt ra trong quá trình tham gia công tác bảo trợ xã hội như:
- Đã có chủ trương, chính sách xã hội hóa về hoạt động xã hội nói chung và công tác bảo trợ xã hội nói riêng, tuy nhiên trên một số lĩnh vực chính sách còn thiếu cụ thể hóa.
- Nhận thức về xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội có nơi có lúc chưa đầy đủ.
- Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi, có lúc còn thiếu đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở bảo trợ xã hội chưa thường xuyên.
- Trong điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, việc vận động, huy động nguồn lực của các cơ sở bảo trợ xã hội còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người khuyết tật, người cao tuổi tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc tôn giáo phần lớn phụ thuộc vào nguồn huy động các nhà hảo tâm nên tính bền vững chưa cao. Một số cơ sở như Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Ưu Đàm, Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Chùa Long Thọ thiếu đất đai để tổ chức sản xuất để cải thiện thêm bữa ăn cho đối tượng.
 - Nhu cầu tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng ngày càng tăng, cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng có hạn nên một số cơ sở nay đã quá tải, trong khi đó các Chùa thiếu kinh phí, đất đai để nâng cấp, mở rộng cơ sở dù các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa.
 - Nhiều cơ sở bảo trợ xã hội tham gia công tác chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng khuyết tật còn thiếu chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc cũng như các trang thiết bị phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Các Tăng Ni, đạo tràng tham gia Ban từ thiện, trợ giúp xã hội thiếu kỹ năng về công tác xã hội mà chủ yếu dựa vào tình thương và lòng thiện nguyện.
- Các em học đại học, cao đẳng ra trường  gặp khó khăn tìm kiếm việc làm, công việc phù hợp với chuyên ngành đã học.
- Công tác cập nhật thông tin về đối tượng, chế độ báo cáo theo định kỳ các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc tổ chức Phật giáo thực hiện đôi lúc còn thiếu kịp thời.
- Một số đối tượng là trẻ em khi đến tuổi hồi gia, nhưng mất liên lạc với gia đình, người thân nên rất khó khăn trong việc hồi gia.
      Trong thời gian tới, trước yêu cầu hội nhập phát triển kinh tế - xã hội, công tác trợ giúp xã hội nói riêng và thực hiện chính sách xã hội nói chung có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới. Khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, vấn đề già hóa dân số, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cùng những mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến đời sống xã hội. Bên cạnh đó, ở Thừa Thiên Huế trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước hậu quả để lại hết sức nặng nề. Trước tình hình đó đòi hỏi công tác trợ giúp xã hội phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ “Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững”.
       Đối với nhiệm vụ phát huy sức sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Báo cáo chính trị tại Đại hội XII cũng đã chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
      Từ thực trạng và trước yêu cầu trên, kiến nghị đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của Phật giáo tham gia công tác xã bảo trợ xã hội:

Một là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức
     Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong các ngành, các cấp, nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội gắn với việc tuyên truyền, thực hiện công tác tôn giáo theo Nghị quyết 25 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hai là: Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo nói chung và Phật giáoThừa Thiên Huế nói riêng về công tác bảo trợ xã hội
     Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo nói chung và Phật giáo Thừa Thiên Huế nói riêng tham gia công tác bảo trợ xã hội, góp phần cùng với Nhà nước bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác.

     Phật giáo Thừa Thiên Huế phụng sự việc đạo và thực hiện phương châm hoạt động "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", tập trung vận động tín đồ phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, tích cực tham gia công tác bảo trợ xã hội, cứu tế an sinh; hưởng ứng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Ba là: Về cơ chế, chính sách
     Tham mưu đề xuất Trung ương xây dựng, hoàn chỉnh các quy định về cơ chế, chính sách xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội, trong đó có các hoạt động nhân đạo, từ thiện, để các tổ chức xã hội và tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng có thể tham gia vào công tác bảo trợ xã hội, từ thiện ở mức độ ngày càng cao hơn, hiệu quả hơn. Có chính sách đất đai phù hợp giúp cho các cơ sở bảo trợ xã hội trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề, tổ chức phát triển sản xuất. Có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nhân viên phục vụ tại các cơ sở bảo trợ xã hội tôn giáo có thu nhập thấp.
    Chính sách trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện, trình độ  phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương trong từng thời kỳ.

Bốn là: Huy động, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực
    Đa dạng hóa các nguồn vận động, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp xã hội.
   Tăng cường kết nối các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong việc chăm lo trợ giúp xã hội, quan tâm định hướng, giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm cho người được nuôi dưỡng, đặc biệt đối với trẻ em, giúp cho trẻ em sau khi hồi gia có việc làm ổn định.

Năm là: Tăng cường quản lý Nhà nước về trợ giúp xã hội
    Các cơ quan, ban, ngành các cấp phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi các cơ sở bảo trợ xã hội của phật giáo hoạt động đạt kết quả tốt hơn nữa.
    Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ quan liên quan, cán bộ nhân viên tại cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội thuộc tổ chức Phật giáo.
    Thực hiện trợ giúp xã hội gắn liền với việc thực hiện cải cách hành chính.
    Định kỳ đánh giá biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác bảo trợ xã hội.

Sáu là: Rà soát thực hiện quy hoạch mạng lưới trợ giúp xã hội, từ thiện xã hội
     Tiếp rục rà soát, hướng dẫn thực hiện quy hoạch mạng lưới trợ giúp xã hội, củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, của Phật giáo vào triển khai phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật và các mô hình từ thiện xã hội của Phật giáo.
    Tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo. Phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2017-2020) tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế có đề ra:   
- Phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh Đường khám chữa bệnh miễn phí đến các huyện, thị xã, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc.
- Duy trì và phát triển các lớp học tình thương, nhà nuôi dạy trẻ, viện cô nhi, lớp dạy nghề cho người khuyết tật và học sinh nghèo; cấp học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học.
- Tiếp tục phát triển mô hình sáng kiến lãnh đạo Phật giáo trong phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, biến đổi khí hậu…

Bảy là: Phát huy vai trò của cộng đồng tham gia phối hợp trợ giúp xã hội, xây dựng ý thức gìn giữ, bảo vệ môi sinh, môi trường
     Phát huy vai trò của cộng đồng tích cực tham gia phối hợp với các tổ chức tôn giáo, Phật giáo, các cấp, các ngành trong công tác trợ giúp xã hội, xây dựng ý thức gìn giữ, bảo vệ môi sinh, môi trường. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh bền vững.

Tám là: Ứng dụng khoa học công nghệ, tin học trong công tác trợ giúp xã hội
    Từng bước ứng khoa học công nghệ, tin học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề, bảo vệ môi trường trên lĩnh vực trợ giúp xã hội đồng thời để theo kịp với hội nhập.
    Với sự tham gia tích cực và thành quả đạt được về công tác bảo trợ xã hội của Phật giáo Thừa Thiên Huế trên tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân; việc tham gia của Phật giáo về công tác bảo trợ xã hội thời gian tới sẽ đạt kết quả tốt hơn, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Kính chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, thành công.
Xin chân thành cảm ơn./.        

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.569-580.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây