PHÁT HUY VAI TRÒ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI QUA LĨNH VỰC GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO

Thứ hai - 13/06/2022 18:54

Thư viện Thăng Long

Thư viện Thăng Long
Hòa thượng Danh Lung
 
Kính thưa chủ tọa đoàn! Thưa quí học giả!

     Nhằm chia sẻ kết quả qua nghiên cứu thực tế, tiếp xúc trao đổi về vai trò và chức năng Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác an sinh xã hội, đồng thời góp phần làm sinh động báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 25, của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo. Cho phép tôi xin tham luận với chủ đề: “Phát huy vai trò Phật giáo Nam tông Khmer trong công tác an sinh xã hội qua lĩnh vực giáo dục-đào tạo”.

Nội Dung:

     Thưa quí liệt vị!

     Vai trò các vị sư, chức năng của các cơ sở thờ tự Phật giáo lâu nay đã được phát huy, phục vụ thiết thực trong xã hội. Tuy nhiên vẫn còn chưa được nghiên cứu sâu rộng và toàn diện, đánh giá một cách đầy đủ, để khắc phục những mặt hạn chế, khơi dậy những tiềm năng vốn có, phát huy những mặt mạnh vào công tác xã hội, đồng thời góp phần làm sáng tỏ thêm tác dụng của Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX. Qua đó có cơ sở để kiến nghị với Đảng, Nhà nước bổ sung thêm chính sách thiết thực, tạo hành lang pháp lý phù hợp với bối cảnh mới, giúp cho các cơ sở Phật giáo tiếp tục hoạt động tốt hơn, tích cực hơn trong công tác an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập toàn cầu, biến đối khí hậu đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, tác động không giới hạn, và trực tiếp đến đời sống tinh thần lẫn vật chất của nhân dân, trong đó có tín đồ các tôn giáo.
Riêng biến đổi khí hậu, theo báo cáo tại hội nghị IPU về ứng phó với biến đổi khí hậu, diễn ra tại TP. HCM từ ngày 11-13/5/2017, cho thấy Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó riêng đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nước ngập 40% diện tích đất. Người dễ bị tổn thương nhất là người lao động phổ thông, người nghèo và cận nghèo, người vùng nông thôn thiếu điều kiện phát triển, trình độ dân trí còn thấp và nhất là đối tượng trẻ.
     Đây là nhiệm vụ chung, không riêng của ngoài xã hội hay trong đạo, vấn đề đặt ra ở đây đối với Phật giáo, trong đó có Phật giáo Nam tông Khmer, sẽ thực hiện tinh thần Phật giáo nhập thế trong bối cảnh mới như thế nào, phải làm gì để chia sẻ với xã hội?
     Thưa quí liệt vị!
Vấn đề tinh thần Phật giáo nhập thế không phải là vấn đề mới, hay chờ tới bối cảnh mới: đất nước hội nhập, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp phát triển, thì Phật giáo mới quan tâm thực hiện, mà đúng hơn cách đây hơn 25 thế kỷ Đức Phật đã đưa thông điệp hết sức thiết thực: “Hãy ra đi, các Tỳ Khưu, đem sự tốt đẹp đến nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư thiên và nhân loại”[1]. Như vậy cho thấy: Đức Phật không chủ trương cho giới tu sỹ sống trong cuộc sống lợi dưỡng, chỉ hưởng thụ sự an lạc cá nhân, không biết chia sẻ, chỉ sống đời sống khép kín với thiền định, chuông trống sáng chiều, mà luôn đem sự tốt đẹp, hạnh phúc, và lợi ích cho nhiều người, phải xem nỗi khổ của nhiều người chính là nỗi khổ của chính mình. Và trong việc đem sự tốt đẹp/lợi ích/hạnh phúc đến nhiều người đó có nhiều hình thức, nhiều cách khác nhau: “Mỗi người hãy đi một ngã”, miễn sao: “Hoằng dương giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự[2]. Cho nên đã lâu rồi giới Phật giáo triển khai, thực hiện tốt điều này, và việc triển khai thực hiện đó luôn cần đến sự thuận duyên hiệu quả mới cao. Điều này Giáo hội Phật giáo luôn khuyến khích và ủng hộ.
Với xã hội, những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã tái khẳng định tôn giáo không chỉ hoạt động phục vụ nhu cầu tâm linh, mà còn tham gia công tác an sinh xã hội, góp phần với công cuộc xây dựng xã hội mới, được xã hội đánh giá rất cao: “…Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới[3], và còn mở rộng hơn về nhiệm vụ công tác tôn giáo, đó là: “Giải quyết việc tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục…của Nhà nước,…”. Đây là ánh sáng soi đường, là luồng gió mới đã và đang thổi vào làm mát vùng tôn giáo. Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vị sư, các cơ sở Phật giáo nói chung, và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, không chỉ thực hiện vai trò là một vị sư thuần túy tu học an lạc với thiền định, kinh điển hay vui với cồng, trống sáng chiều, hay chỉ là một vị truyền giáo lỗi lạc, chỉ tập trung dẫn dắt chúng sanh về an lạc thế giới bên kia trong hiện tại và tương lai. Hay cơ sở Phật giáo chỉ có chức năng: là nơi tu hành, thờ cúng ông bà tổ tiên, sinh hoạt văn hóa lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh, và rèn luyện đạo đức chung chung để gọi là “tốt đời đẹp đạo”, mà còn tham gia nhiều hoạt động trong công tác an sinh xã hội vốn là thế mạnh lâu nay của Phật giáo, và nhiều lĩnh vực khác phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Qua thực tế cho thấy, Phật giáo có nhiều hoạt động như một trung tâm đa năng, ngoài việc hoạt động đáp ứng nhu cầu tinh thần, còn có nhiều hoạt động góp phần thiết thực trong cuộc sống như: cứu trợ thiên tai lũ lụt, xây nhà tình nghĩa tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp phát học bổng, nuôi dạy trẻ mồ côi, dạy Phật học thế học, dạy nghề cho thanh thiếu niên con em trong cộng đồng, khám phát thuốc chữa bệnh từ thiện, xây cầu, làm đường...được xã hội đánh giá cao.
Trong phạm vi bài thàm luận này, chúng tôi chỉ muốn nêu lên cụ thể Phật giáo Nam tông Khmer về vai trò của các vị sư và chức năng của các chùa đóng góp trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nghề nghiệp cho con em Phật tử tại địa phương, góp phần cải thiện cuộc sống.
     Như đã nói ở phần trên, qua phần nghiên cứu, điền dã trao đổi thực tế từ không gian kiến trúc đến hiện tượng hoạt động cho thấy, điều đặc biệt của chùa Khmer là luôn có trường học. Trường học là một yếu tố, là một chức năng quan trọng không thể thiếu trong tổng thể không gian kiến trúc chùa Khmer, nhằm tu luyện đạo đức, đào tạo nhân cách, trao truyền kỹ năng sống, dạy Phật học, thế học, dạy nghề cho những con em Phật tử khi bước chân vào chùa,... Và đó chính là tâm tư, là nguyện vọng chung của người Khmer Nam Bộ khi lập ngôi chùa ở phum-sróc. Trường chùa đã đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
     Thực tế cho thấy, những năm đất nước còn bị chia cắt, nhiều nam nữ người Khmer tham gia các hoạt động trong công cuộc thống nhất đất nước, trở thành những người con ưu tú của dân tộc, như Kru Mahā Sơn Thông, Huỳnh Cương, Thạch Đông,…đều xuất thân qua đào tạo từ trường chùa, các vị để lại y vàng thanh bạch nơi thiền môn, rồi tham gia hoạt động cánh mạng. Hay từ những năm 1945 về sau, nhiều vị sư như các đại đức: Danh Chương (quê ở Kiên Giang), Sơn Oanh Na Ri (quê ở Sóc Trăng), Châu Ngọc Ánh và Trần Chí (quê ở Trà Vinh), Lý Sô (quê ở Bạc Liêu), là những vị đang là phó trụ trì chùa, là giảng sư qua đào tạo từ trường chùa rồi tập kết ra Bắc, được Bác Hồ và Trung ương Đảng quan tâm, động viên trong tu học để tiếp tục đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Những vị ở lại như: hòa thượng Sơn Vọng, hòa thượng Hữu Nhem, hòa thượng Tăng Phô, hòa thượng Tăng Hô, hòa thượng Tăng Nê,…và nhiều vị khác, đều là những vị qua đào tạo từ trường chùa, tham gia các hoạt động cho sự nghiệp trường tồn của đạo pháp và sự độc lập của dân tộc, sự bình yên của đất nước. Hoặc từ năm 1963 đến ngày thống nhất đất nước, nhiều vị sư qua đào tạo trường chùa, cũng để lại y vàng thanh bạch nơi thiền môn, tham gia các hoạt động cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt trong những năm đó, có nhiều cuộc biểu tình của giới Phật giáo diễn ra tại tỉnh thành, chống lại hành động bắn phá chùa chiền, phum-sróc, bắt bớ sư sãi và con em các dân tộc đi lính, làm bia đỡ đạn cho chúng. Trong các cuộc biểu tình đó, tại Kiên Giang với sự lãnh đạo của hòa thượng Danh Nhưỡng, nay là phó pháp chủ kiêm giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Đặc biệt có 4 vị sư hy sinh, đã được nhà nước truy phong liệt sỹ, đó là hòa thượng: Lâm Hùng, Danh Tấp, Danh Hoi, Danh Hom, và nhiều vị bị thương [4].
     Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, nhiều lớp thanh thiếu niên là con em Phật tử, tham gia học tập đầu tiên tại trường chùa, rồi sau đó tiếp tục học liên thông, nâng cao trình độ, nhiều vị đã trở thành cán bộ, trở thành nhà giáo, thành kiến trúc sư, kỹ sư, cử nhân trong các lĩnh vực, phục vụ cho quê hương. Và nhiều vị sư qua học tập ở trường chùa, hiện nay đang tham gia trong Giáo hội, phục vụ cho đạo pháp và dân tộc, nhiều vị hoàn tục đem kiến thức học được về phục vụ cho phum-sróc. Còn nhiều vị sư đang tiếp tục theo học nâng cao ở các trường đại học trong và ngoài nước. Theo thống kê năm 2013: có 41 vị học đại học luật, 41 vị học đại học Công nghệ Thông tin, 39 vị học Cao đẳng Văn hóa Khmer Nam Bộ,…
     Theo báo cáo tại hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer, lần thứ VII tại Hậu Giang, từ ngày 7-8/9/2016, hiện nay có trên 100 chư Tăng đang du học tại nước ngoài, với học vị Thạc sỹ, Tiến sỹ chuyên ngành Phật học tại các nước như: Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ,…và nhiều vị đang theo học tại các trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, trường Chính trị tỉnh Trà Vinh, trường Cao đẳng Anh văn, Cao đẳng Văn hóa Khmer Nam Bộ, đại học Luật, đại học Công nghệ Thông tin,…Tất cả các vị còn đang tham gia học tập trên đây đều qua đào tạo đầu tiên từ trường chùa.
Hiện nay, hằng năm trường chùa Khmer Nam Bộ đã đào tạo hàng ngàn tăng sinh, học sinh dân tộc Khmer, và các dân tộc anh em cộng đồng trong phum-sróc ở các lứa tuổi theo học, theo báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ của các tỉnh thành gởi về Trung ương Giáo hội thì:
Năm 2016 từ cơ sở đến trung cấp và Học viện có tổng số: 43.435 tăng sinh, học sinh theo học ở trường chùa. Các tỉnh thành đã phối hợp với sở giáo dục-đào tạo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các vị giảng sư, các vị Achar, riêng tỉnh Trà Vinh năm 2016 đã phối hợp với sở giáo dục-đào tạo, mở lớp tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho 1.256 vị Achar. Còn một số tỉnh thành chưa có báo cáo, như Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.
Như vậy nếu được báo cáo đầy đủ, thì con số theo học tại trường chùa hằng năm sẽ tăng lên rất nhiều, và nếu tổng kết đầy đủ 15 năm, qua đào tạo tại trường chùa thì con số tăng lên hàng chục lần. Điều này đã chứng tỏ cho thấy vai trò của các vị sư và chức năng của chùa trong giáo dục-đào tạo vô cùng quan trọng, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chung của giáo dục-đào tạo, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí cho xã hội cũng như cho Giáo hội.
Bên cạnh đó, ở các chùa thường tổ chức đào tạo nhiều nghề thông dụng trong cuộc sống xã hội, như những nghề: điêu khắc gỗ mỹ nghệ, hội họa, điêu khắc hoa văn, đắp tượng, làm gạch, may mặc, đào tạo thợ hồ, v.v.v. cụ thể như:
Ở Trà Vinh có 5 chùa: đó là chùa Hang ở thị trấn châu thành dạy điêu khắc, hội họa, viết chữ lá buông, dạy may mặc, thợ hồ, và làm gạch. Chùa Qui Nông, huyện châu thành, dạy nghề điêu khắc, đắp tượng…
Ở tỉnh Sóc Trăng: chùa Sa Lôn huyện Mỹ Xuyên dạy hội họa, chùa Xẻo Me huyện Vĩnh Châu, chùa Som Ron, phường 5, Tp. Sóc Trăng, chùa Peng Som Rách, xã An Hiệp, huyện Châu Thành dạy hội họa, điêu khắc,…
     Ở tỉnh Kiên Giang: Chùa Khlang Ông, huyện Châu Thành thường dạy hội họa, điêu khắc,…
     Ở tỉnh Bạc Liêu, chùa Cái Giá Giữa, huyện Vĩnh Lợi dạy điêu khắc gỗ; chùa Đìa Muồn huyện Phước Long dạy hội họa và chuyển giao công nghệ trồng cây kiểng, trồng nấm,…
Và rất nhiều chùa của các tỉnh thành, cũng thường xuyên tổ chức dạy nghề, dạy dàn nhạc Ngũ Âm, Chhay Dăm, khắc chữ Lá Buông, như một số chùa ở An Giang, hoặc như chùa Hạnh Phúc Tăng, chùa Gò Xoài, chùa Kỳ Son ở Vĩnh Long,…góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hoặc nhiều chùa của các tỉnh thành như chùa Sirīvasā, huyện An Biên, chùa Ngã Năm huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang…phối hợp với trường trung cấp nghề dân tộc nội trú mở lớp tập huấn trồng trọt, trồng cây kiểng, thợ hồ, thợ cắt uốn tóc,…góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho Phật tử.
      Tóm lại những học viên, qua đào tạo nghề trong trường chùa, có số còn ở lại tiếp tục tu học đóng góp cho chùa, có số thì hoàn tục trở về đời thường. Ngoài việc thỉnh thoảng vào giúp xây dựng, trùng tu chùa, khang trang như chúng ta được chứng kiến, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tiết kiệm kinh phí cho chùa, tiết kiệm sự đóng góp của cộng đồng, mà qua nghề học được từ trường chùa, họ còn đóng góp cho phum-sróc, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, có số người từ gia đình nghèo vươn lên khá giả.
     Như vậy có thể khẳng định, các vị sư đứng đầu là trụ trì chùa, có nhiều vai trò hết sức quan trọng, vừa là vị đứng đầu về mặt tinh thần, hướng dẫn sinh hoạt văn hóa lễ hội, nghi lễ tôn giáo, là một nhà tâm lý đối với mọi biến động tinh thần, là một nhà truyền giáo đối với xã hội đa phương diện, kết hợp lợi ích giữa đạo và đời, gắn kết hiện tại với tương lai, là một nhà mô phạm đối với cộng đồng đa chủng tộc, là nhịp cầu kết nối tình yêu thương trong cộng đồng, nhưng quan trọng hơn lại vừa là một nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo Phật học, thế học, rèn luyện đạo đức, trao truyền kỹ năng sống, rồi đến đào tạo nghề cho chư tăng và con em phật tử,... Đối với chùa không chỉ đơn thuần là nơi thực hiện chức năng hoạt động tôn giáo, tu học, thờ cúng ông bà tổ tiên, nơi hội tụ và lan tỏ tình yêu thương trong cộng đồng…mà còn có chức năng hoạt động là một trường học đa ngành, là một trung tâm đà tạo đa năng: rèn luyện đạo đức, giáo dục nhân cách, trao truyền kỹ năng sống, đào tạo Phật học thế học, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ-kỹ thuật, là nơi phổ biến giáo pháp và pháp luật, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện cuộc của nhân dân, ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội.
     Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực trạng cho thấy, những cơ sở giáo dục-đào tạo, và đào tạo nghề ở trường chùa, nhìn chung chỉ có một số nơi có cơ sở vật chất đầy đủ, đúng tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu dạy học tốt, và được đào tạo bài bản, đúng theo nghiệp vụ sư phạm. Còn chương trình, nội dung đào tạo chưa được thống nhất toàn bộ các tỉnh thành, đa số kết quả học tập chưa được ghi nhận như các môn học khác, dù đã có ý kiến kiến nghị từ lâu, và thời gian học tập chỉ đa số tập trung trong dịp hè, thời gian còn lại chỉ có chư tăng và một số con em phật tử theo học đúng 9 tháng. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động dạy học, hầu hết do chùa vận động tùy hỷ trong Phật tử. Riêng đào tạo nghề chưa có qui mô tập trung với số lượng đông, chưa đi vào chuyên môn, còn mang tính bắt tay chỉ việc, và chưa có hành lang pháp lý bảo hộ khi họ ra trường, hành nghề trong xã hội, mặt dù qua đào tạo tay nghề rất cao. Đây là rào cản rất lớn trong việc duy trì, phát huy tiếng nói chữ viết, khuyến khích con em Phật tử tham gia học tập, và cũng khó khăn cho việc biên soạn để thống nhất chương trình, nội dung đào tạo, cũng như việc hành nghề khi ra trường.
     Mặt khác, nhiều tỉnh thành gặp phải khó khăn trong việc tăng số lượng học sinh mỗi năm, bởi khi hè đến nhiều con em trẻ trong lứa tuổi học tập hiện nay, các em phải đi thăm cha mẹ lao động ở các khu công nghiệp xa nhà, đặc biệt có những em đi theo cha mẹ, bỏ học tại quê nhà, không được tham gia học tập cả chữ phổ thông nơi đang ở, vì không có hộ khẩu thường trú, cả chữ Khmer vì không có trường dạy học, kể cả sinh hoạt văn hóa lễ hội cũng gặp nhiều khó khăn, nguy cơ thất học ngày càng cao, nguy cơ ít hiểu biết phong tục tập quán, văn hóa lễ hội của mình ngày càng tăng.
     Theo ý kiến nhận định chung tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Chất lượng Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer: Thực trạng & Giải pháp” diễn ra tại chùa Candarasī, phường 7, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đồng tổ chức với Phân Ban Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer, với sự chứng minh và phát biểu chỉ đạo tối cao của hòa thượng Thích Thiện Nhơn, chủ tịch HĐTS GHPGVN, sự tham dự của chư vị phó chủ tịch HĐTS, U/v thường trực và ủy viên HĐTS, ông Trà Quang Thanh, vụ phó Vụ công tác Tôn giáo phía Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ. Ông Thạch Mu Ni, Vụ phó Vụ Tôn giáo-Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Và giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học trường Khoa học Xã hội & Nhân văn, cùng các vị hiệu trưởng, hiệu phó, các giảng sư của các trường dạy học tiếng Khmer ở Nam Bộ. Ý kiến nhận định chung là trường chùa có những đóng góp tích cực qua các thời kỳ, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Tuy nhiên còn một số hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu mới, số lượng và chất lượng giáo dục-đào tạo chưa cao, thiếu hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản trong dạy học và khi ra trường. Đồng thời thống nhất đúc kết 7 điểm cần thực hiện, xin tóm tắc như sau: (1). Cần thống nhất tên gọi cho từng hệ đào tạo; (2). Thống nhất hệ đào tạo sơ cấp 3 năm, trung cấp 3 năm, và đại học (Học viện) 4 năm; (3). Đối với các lớp cơ sở từ lớp 1-5 đào tạo xuyên suốt. Nghiên cứu mở lớp dạy tiếng Khmer, chữ Khmer tại nơi có người Khmer sinh sống, lao động, học tập; (4). Thống nhất thành lập Ban biên soạn chương trình, giáo trình và nội dung,…; (5). Thống nhất giao cho Phân ban Giáo dục liên hệ với các trường đại học để đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ sư phạm; (6). Thống nhất quản lý xuyên suốt hệ thống giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer; và (7). Điều chỉnh số tiết học cho hợp lý, dung hòa với chương trình phổ thông.
     Giải pháp và kiến nghị
Từ những thực trạng trên, theo cá nhân tôi trước hết trường chùa, cơ sở đào tạo nghề của chùa là một mô hình xã hội hóa giáo dục-đào tạo, được chư Tăng, Phật tử Khmer Nam Bộ thực hiện từ lâu, kết quả đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc. Tuy nhiên kết quả chưa cao, hoạt động chưa liên tục và bền vững, người xưa có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, vì đây là sự nghiệp chung, là lợi ích chung của xã hội, nên cần có sự chia sẻ, hỗ trợ của nhà nước, của các cấp chính quyền, cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội. Theo tôi để các cơ sở hoạt động hiệu có quả và bền vững thì:
1- Cần phổ biến sâu rộng trong hệ thống chính trị và trong toàn dân về Nghị quyết 25, và những chính sách khác có liên quan, bởi nhiều nơi vẫn chưa phát huy tác dụng. Cần có thêm những Qui chế phù hợp với nhu cầu mới, tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, phát huy vai trò các vị sư và chức năng các cơ sở giáo dục-đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề của chùa để hoạt động hiệu quả hơn.
2- Đối với chùa Khmer, cần thực hiện chính sách tôn giáo song song với chính sách dân tộc. Mới đây có một mô hình tốt trong giáo dục-đào tạo, đó là trường trung cấp Pali-Khmer tỉnh Trà Vinh, bởi có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cụ thể từ phía các cấp chánh quyền, đáp ứng điều kiện dạy học tốt hơn. Theo tôi mô hình này cần được học hỏi và phổ biến rộng rãi.
3- Cần hỗ trợ triển khai, thực hiện 7 nội dung đúc kết từ cuộc tọa đàm Giáo dục đã nêu ở trên. Cần phát huy hơn nữa vai trò của các vị sư, chức năng giáo dục trường chùa, tăng cường đào tạo nghề thiết thực trong cuộc sống, với qui mô tập trung hơn, chất lượng cao hơn.
4- Cần tạo điều kiện cho các vị quản lý, các vị giảng viên tiếp tục nâng cao nghiệp vụ, đưa công nghệ cao vào hổ trợ quản lý và dạy học; các cơ sở giáo dục-đào tạo không ngừng cải thiện, chuẩn hóa cơ sở vật chất và dạy học.
Cuối cùng kính chúc quí vị vô lượng an lạc, hội thảo thành công tốt đẹp./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1]. Đại đức Naranda Mahathera, Phạm Kim Khánh (dịch), Đức Phật và Phật pháp, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr 119.
[2]. Đại đức Naranda, Phạm Kim Khánh (dịch), Đức Phật và Phật pháp.
 [3]. Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Hà Nội ngày 12 tháng 3 năm 2003.
[4]. Thượng tọa ThS Danh Lung, Tinh thần ngày 10 tháng 6 năm 1974 bất diệt, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
[5]. Nghị Quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, về công tác tôn giáo.
 
[6].Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học“Chất lượng Giáo dục Phật giáo Nam Tông Khmer:Thực trạng & Giải pháp ”.
[7]. Kỷ yếu Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ VI-VII.
[8]. Tài liệu Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tp.HCM ngày 14,15 tháng 7 năm 2016.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.210-219.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây