Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam – quá trình hình thành và phát triển

Thứ năm - 22/04/2021 12:37
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, hiện nay số tín đồ các tôn giáo chiếm khoảng ¼ dân số. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách phù hợp với tình hình tôn giáo trong từng giai đoạn cụ thể. Sự ra đời ngành Tôn giáo học ở Việt Nam là một quá trình dài với những bước phát triển mang những nét đặc thù riêng. Sau khi thống nhất đất nước (1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu Tôn giáo ở Việt Nam từng bước được thành lập.

 
  1. Quá trình hình thành ngành Tôn giáo học ở Việt Nam
 
      Tại các nước phát triển trên thế giới, từ lâu Tôn giáo học đã là một ngành khoa học cơ bản được chú trọng nghiên cứu, giảng dạy. Ở Việt Nam thời gian gần đây, tôn giáo là vấn đề rất được quan tâm và là một ngành cũng bắt đầu được chú ý đào tạo, nghiên cứu ở bậc đại học, bên cạnh các trung tâm, các cơ sở nghiên cứu về tôn giáo đã có bề dày lịch sử.
       Sự ra đời ngành Tôn giáo học ở Việt Nam là một quá trình dài với những bước phát triển mang những nét đặc thù riêng. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, hiện nay số tín đồ các tôn giáo chiếm khoảng ¼ dân số. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách phù hợp với tình hình tôn giáo trong từng giai đoạn cụ thể. Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16 tháng 10 năm 1990 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng (khóa VI) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. trong đó có xác định: “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xã hội mới”. Chính vì vậy, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là: tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo nào để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước; nghiêm trị những hoạt động lợi dụng tôn giáo làm hại đến lợi ích của Tổ quốc, của chủ nghĩa xã hội. Các cấp bộ Đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các tôn giáo, động viên đồng bào có đạo tăng cường đoàn kết với các tầng lớp nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua sản xuất, học tập, làm tốt nghĩa vụ công dân, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng cuộc sống mới. Để làm được điều đó, rất cần một đội ngũ nhân lực được đào tạo hệ thống, trình độ cao trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và tổ chức tôn giáo, thực sự am hiểu về tôn giáo, ứng xử hài hòa với tôn giáo.

 
 

 
 
       Ở Việt Nam, Tôn giáo học theo truyền thống của Liên Xô đã xuất hiện từ giữa thế kỷ XX, thuộc một chuyên ngành nằm trong ngành Triết học. Sau khi thống nhất đất nước (1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu Tôn giáo ở Việt Nam từng bước được thành lập như: Bộ môn Tôn giáo học, Khoa Triết học, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nay là Bộ môn Tôn giáo học, trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Nghiên cứu Tôn giáo và tín ngưỡng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo Đương đại, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia HN; Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội…

      Sau mấy thập kỷ phát triển, với một đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu ngày càng đông, ngành Tôn giáo học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu, đào tạo (mỗi năm đào tạo hàng chục cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Tôn giáo học) và có những đóng góp quan trọng trong việc tư vấn cho công tác hoạch định và thực thi chính sách liên quan đến tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
      Ngành Tôn giáo học cung cấp những kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực tôn giáo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, quản lý hay làm việc trong các cơ quan hành chính của nhà nước, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về tôn giáo đặc biệt là các lĩnh vực báo chí truyền thông, du lịch, ngoại giao, văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu tâm linh…
      Là một ngành đặc thù nhưng được định hướng phát triển theo hướng khoa học liên ngành rộng, ngành Tôn giáo học của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự phân công chuyên ngành với ba khối kiến thức: Lý luận và Phương pháp Nghiên cứu Tôn giáo học; Các Tôn giáo Thế giới và Việt Nam; Tôn giáo, tín ngưỡng và đời sống xã hội.
 
  1. Lịch sử đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam
 
      Tôn giáo học (Religious Studies) là một ngành khoa học cơ bản đặc thù, quan trọng, có tính liên ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc Khoa học Xã hội và Nhân văn như: Xã hội học, Triết học, Nhân học, Văn hóa học, Du lịch học, Tâm lý học… Trên phạm vi quốc tế, tôn giáo học ra đời từ những năm 70 của thế kỷ XIX, có vị trí học thuật, ý nghĩa thực tiễn đặc biệt sâu sắc, đã và đang được triển khai đào tạo ở nhiều trường đại học trong khu vực và trên thế giới.
      Hầu như tất cả các nước có nền khoa học phát triển đã từ lâu tiến hành đào tạo chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo học trong các viện nghiên cứu hoặc trường đại học. Ngày nay, công việc này vẫn đang được tiếp tục mở rộng cả về quy mô, lẫn lĩnh vực theo hướng tăng cường sự hợp tác quốc tế.
     Trước đây, ở các nước XHCN cũ như Liên Xô và Đông Âu có đào tạo cán bộ ngành triết học ở trình độ đại học và sau đại học, các chuyên ngành triết học, trong đó có chuyên ngành “Chủ nghĩa vô thần khoa học”, nhưng từ khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị giải thể, thì ở các nước đó chuyên ngành này được chuyển đổi thành ngành Tôn giáo học.
     Hiện nay, nhiều trường đại học trong khu vực và trên thế giới đang triển khai đào tạo Tôn giáo học ở cả 3 trình độ: Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ, với quy mô khác nhau. Ở một số trường đại học lớn, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Tôn giáo học được nhà nước đầu tư để trở thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách có uy tín, chất lượng, có tầm ảnh hưởng quan trọng ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
    Với đối tượng nghiên cứu là tôn giáo, tín ngưỡng, Tôn giáo học bao quát nhiều chủ đề, từ khía cạnh lý luận đến thực tiễn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể thấy đó là: Những vấn đề lý luận chung về tín ngưỡng, tôn giáo; quan điểm đường lối chính sách và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới; mối quan hệ giữa tôn giáo đối với các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; du lịch tâm linh tôn giáo… Lĩnh vực nghiên cứu Tôn giáo học rất đa dạng nhưng điểm nổi bật và nhất quán của ngành học là cách tiếp cận tổng thể (holistic), tích hợp các kiến thức về tôn giáo với văn hóa, xã hội… để phân tích và giải thích về đời sống tâm linh, các hiện tượng, các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo của con người và xã hội loài người.
 
       
      
         

      Về phương pháp nghiên cứu, Tôn giáo học không chỉ quan tâm đến khung phân tích mang tính khách thể, mà còn rất chú ý sử dụng hệ thống phương pháp điều tra, điền dã, phỏng vấn xã hội học để định tính và định lượng trong nghiên cứu về đời sống tâm linh của chủ thể và khách thể nghiên cứu.

      Về lý thuyết, trong hơn một thế kỷ các nhà Tôn giáo học đã xây dựng một hệ thống các trường phái, quan điểm và lý thuyết phong phú, phân tích và giải thích về nhiều khía cạnh đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh của nhân loại như: các lý thuyết thực thể, lý thuyết hiện tượng học, lý thuyết triết học tôn giáo, triết học văn hóa, phê bình học tôn giáo… nghiên cứu trong không gian văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng xã hội, và của nhân loại. Tôn giáo học hiện đang được triển khai đào tạo như một ngành học độc lập ở các bậc: Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ tại một số cơ sở giáo dục ở Việt Nam.
       Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam được thành lập năm 1986, với nhiệm vụ nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng. Năm 2001, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước (Quyết định 29/2001 QĐ-TTg) đã bắt đầu tuyển sinh đào tạo Tiến sĩ ngành Tôn giáo học, với số lượng hàng chục nghiên cứu sinh/năm.
     Trung tâm Nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, được thành lập năm 1996, đào tạo trình độ đại học chính trị chuyên ngành Công tác Tôn giáo, theo quyết định số 778/QĐ-HVCTQG ngày 2 tháng 3 năm 1996 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2012 bắt đầu đào tạo Thạc sĩ Tôn giáo học.
     Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2002 đến nay đã đào tạo cử nhân Triết học chuyên ngành Tôn giáo với hàng chục cử nhân tốt nghiệp hàng năm.
    Ban Tôn giáo Chính phủ, từ năm 2001 đến nay, hằng năm mở nhiều lớp ngắn hạn đào tạo bồi dưỡng cán bộ về Công tác tôn giáo cho hàng trăm cán bộ thuộc khối quản lý Nhà nước về tôn giáo các cấp.
     Từ sự phân tích trên đây cho thấy, đào tạo Tôn giáo học là vấn đề được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới. Các nước phương Tây đã quan tâm đến việc đào tạo này từ rất lâu, ở Việt Nam một số cơ sở đào tạo uy tín như Trường Đại học Tổng hợp cũng đã có định hướng đào tạo từ rất sớm, đến nay Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (tiền thân là Đại học Tổng hợp) đã hoàn thiện đào tạo ở cả ba cấp: Đại học, Thạc sĩ, Tiến sỹ.
                                                              
                                                                                                                     

 

Tác giả: Bộ môn Tôn giáo học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây