HỒ CHÍ MINH VÀ CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM

Thứ tư - 19/05/2021 20:51
PGS.TS Trần Thị Kim Oanh - Chủ nhiệm Bộ môn Tôn giáo học. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài đã được đăng trên tạp chí "LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ", Số 5/2013, chuyên mục CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ THỜI ĐẠI.
 
 
                                                                                                  Nhà thờ chính tòa Köln ở Đức. Ảnh: ĐQD

 
 
        Công giáo là một trong những tôn giáo lớn ở nước ta luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm bởi: nhận thức và giải quyết đúng đắn vấn đề Công giáo là một việc có quan hệ tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc và làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng của các thế lực phản động. Nhận thức và giải quyết đúng đắn vấn đề này cũng góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa, vì trên cơ sở đó mà khẳng định được những giá trị và dấu ấn của văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa Việt Nam, qua đây tạo thêm một cầu nối để người Công giáo có ý thức hơn nữa về dân tộc “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Như nhận định của Hê-len-tuốc-mê-rô (Ba Lan): Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc - tất cả đều được hòa hợp trong một dáng dấp tự nhiên. Chính vì lẽ đó, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong giai đoạn đấy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo

         Xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trên tinh thần chân thành, tích cực, cởi mở, đoàn kết hữu ái lâu dài; đặc biệt không phân biệt đối xử đối với đồng bào theo Công giáo, chức sắc nhà tu hành cũng như các tôn giáo đang tồn tại và hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, nội dung đoàn kết tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng trong tư tưởng của Người vừa mang tính dân tộc vừa mang bản chất nhân văn và tinh thần nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc ở chỗ hướng vào việc giải quyết những tồn tại, bất công trong xã hội Việt Nam như: sự áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, áp bức con người.
        Hồ Chí Minh đã bắt gặp chủ nghĩa Mác- Lênin và tích cực học tập, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin về thế giới quan duy vật, phương pháp làm việc biện chứng và đã hiểu về tôn giáo như một hình thái ý thức xã hội, một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng, một hiện tượng của lịch sử xã hội, nhằm chỉ ra bản chất chức năng, vai trò của tôn giáo cũng như các hình thức vận động của nó. “Con người làm ra tôn giáo chứ tôn giáo không làm ra con người. Nói cách khác, tôn giáo là sự tự ý thức và tự cảm giác của con người vốn chưa tự tìm thấy bản thân mình, hoặc lại đánh mất mình một lần nữa”. “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”[1]. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã không những đưa ra nhận định về bản chất của tôn giáo mà còn chỉ rõ tôn giáo luôn có chức năng quan trọng, đó là chức năng bù đắp tinh thần cho con người, vì ở nước Đức trước C. Mác cũng có nhiều người nói những câu tương tự như vậy. Ví như Kan-tơ, Phơ-bách, Bau-ơ và đặc biệt là Hây đã nói: Tôn giáo đã rót vào cái chén đắng của nhân loại những giọt dịu ngọt và gây ngủ, một thứ thuốc phiện tinh thần. Cho nên tôn giáo có chức năng riêng của nó, nó làm con người say đắm trong thế giới hư ảo tưởng tượng, một ảo tưởng, tách con người ra khỏi thế giới hiện thực. Nhưng nó cũng giống như chất ma túy, tôn giáo nhìn bề ngoài có vẻ làm mất đi nỗi đau khổ thực tế của con người trong trạng thái tinh thần. Đồng thời, với tính chất thuốc phiện, tôn giáo không thúc đẩy con người đấu tranh mà chỉ khiến họ thở dài trước đau khổ. Tuy nhiên, thực chất của luận để này còn hàm chứa tôn giáo là chính trị, gắn liền với chính quyền vì sau này đã được Lênin phát triển ý kiến tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân như: quan niệm coi tôn giáo "là thuốc phiện của nhân dân, là hòn đá tảng của quan niệm mácxít về tôn giáo”. Nhưng khi hiểu tôn giáo với ý nghĩa này phải hết sức năng động, mềm dẻo bởi nếu cứng nhắc coi tôn giáo chỉ là phương tiện để giai cấp thống trị bảo vệ lợi ích của mình và suy ra cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản là lật đổ xã hội tư bản, xóa bỏ chế độ bóc lột là không thể tách rời vấn đề tôn giáo thì nhất định sẽ dẫn đến thành kiến trong tôn giáo. Giống như nước Nga sau năm 1917, họ đã hiểu tôn giáo nước họ như vậy nên họ đã đả phá nhà thờ, giết các tín đồ và tạo ra bạo lực với tôn giáo, “và như đã biết rõ qua lịch sử, gần đây của nước chúng tôi, những người tán thành học thuyết đó nắm chính quyền sau đảo chính năm 1917, đắc lực phá hoại tất cả liên quan đến tôn giáo. Làm nổ và xúc phạm nhà thờ và các công trình tôn giáo khác, giết gần như hết những nhà tu hành, kiên quyết loại trừ các tín ngưỡng, nghi lễ và quan niệm tôn giáo, thay thế có kết quả "bằng cấu trúc tư tưởng và hệ thống giá trị của “Chủ nghĩa Mác”. Trong nước ngày càng có ít chỗ hơn cho cái gọi là “thành kiến tôn giáo”. Và dù trong thời gian sau Xtalin sự khôi phục nào đó “thành kiến", vẫn tiếp tục thống trị tư tưởng cho rằng tôn giáo là thuốc phiện (opi) cho nhân dân, đặc biệt trong tuyên truyền chính thức cũng như trong khoa học về xã hội, kể cả các công trình nghiên cứu hàn lâm. Đó đã là sự bạo lực chưa từng có trong lịch sử đối với con người - nhưng cái đó đã có"[2]. Và nó cũng gần giống như ở Việt Nam dưới thời Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức cũng đã hiểu tôn giáo (Công giáo) đơn giản là gắn với chủ nghĩa thực dân nên cần xóa bỏ và kèm theo đó là những sắc chỉ cấm đạo gắt gao, đối xử không phải lệ với giáo dân Công giáo. Vì vậy đã tạo ra sự mâu thuẫn giữa giáo dân với chính quyền, và vô cớ tạo điều kiện thuận lợi để chủ nghĩa thực dân xâm lược núp dưới chiêu bài "bảo vệ Thiên Chúa, cưu mang Công giáo", và cũng từ đây tạo thành bi kịch của lịch sử đã “vô tình gắn lịch sử truyền giáo với Pháp xâm lược".
       Khi nghiên cứu những luận điểm của chủ nghĩa Mác nói về tôn giáo, Hồ Chí Minh không những đã hiểu đúng tinh thần của chủ nghĩa Mác- Lênin là đã rất nhạy bén, sáng suốt đối với những giá trị về cuộc sống mà tôn giáo mang lại có khả năng thỏa mãn phần nào nhu cầu tín ngưỡng của con người, đặc biệt là nhu cầu tâm linh. Cho nên, Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn của nước nhà thì Người rất mềm dẻo giải quyết vấn đề tôn giáo, đặc biệt là Công giáo, coi đó là quá trình lâu dài phức tạp và rất khó khăn gắn với việc xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Người nhận thấy mục tiêu mà các tôn giáo hướng tới hoàn toàn phù hợp với mục tiêu và công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam và nguyện vọng của số đông quần chúng nhân dân lao động. Nên Người đã chỉ ra “Mục tiêu cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều giống nhau: Thích Ca và Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn áo mặc, bình đẳng, tự do, thế giới đại đồng”[3] và “Mục đích của Chính phủ ta theo đuổi chiến đấu vì nền độc lập đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt đến hạnh phúc đó cho mọi người phải xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nếu Chúa Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước nỗi khổ đau của người đương thời, chắc sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm con đường cứu khổ loài người"[4], nguyện vọng của đồng bào Công giáo là "phần xác no ấm, phần hồn thong dong". Hồ Chí Minh luôn mong muốn và cố gắng hết sức cho nước nhà sớm được độc lập, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ai cũng được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc thực sự trên thế giới trần tục. Người chỉ rõ khi giải quyết những vấn đề tôn giáo cần phải dựa trên quan điểm lịch sử cụ thể để xem xét, đánh giá và ứng xử một cách chính xác và khoa học, đồng thời phải gắn việc giải quyết tôn giáo với Công cuộc cải tạo xây dựng hiện thực làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, không còn tình trạng áp bức bất công trong xã hội... Con người phải được tự do hạnh phúc ở ngay thế giới trần tục trước khi về thế giới bên kia. Hơn nữa, khi giải quyết vấn đề tôn giáo cần phân biệt được rõ hai mặt chính trị và tư tưởng trong tôn giáo, nhằm đấu tranh chống lại các thế lực phản động muốn lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị phản động làm ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng và lợi ích quần chúng nhân dân lao động. Người đã khẳng định:
      “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là tu dưỡng đạo đức cá nhân, Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái, Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng, Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó phù hợp với điều kiện ở nước ta. Khổng Tử, Giêsu, C. Mác chẳng có những ưu điểm đó sao? Họ là những người mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp nhau thành một khối, tôi tin rằng họ nhất định sẽ chung sống với nhau hòa bình như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy"[5]


          2. Thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo

       Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho toàn dân thấy những ưu điểm tương đồng, những giá trị đạo đức trong Công giáo gắn với cách mạng Việt Nam giữa đức tin Công giáo với tình yêu Tổ quốc, đồng thời biết tôn trọng và loại bỏ những cái dị biệt về thế giới quan, hệ tư tưởng, nhu cầu tín ngưỡng nhằm huy động tất cả các lực lượng yêu nước vào sự nghiệp “cứu nước, cứu dân”. Người luôn dành tình cảm cho đồng bào Công giáo, trong Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Noel năm 1951, Người viết: “ Tôi mong đồng bào đoàn kết thêm chặt chẽ trong công cuộc kháng chiến, để phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc, và để thực hiện lời Chúa dạy: “Hòa bình cho người lành dưới thế”[6]. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết Công giáo, tập hợp lực lượng cách mạng, Hồ Chí Minh cũng nói rõ: Công giáo có điểm chung giống với CNXH là mong muốn đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân loại “Đức Giêsu hy sinh cho loài người được tự do hạnh phúc”[7], nhưng trên thực tế do bất đồng về đức tin, đối tượng thờ cúng mà dẫn đến kẻ địch đã lợi dụng, khoét sâu gây chia rẽ giữa Công giáo và dân tộc. Chính vì vậy, Người đã chủ trương vận động đồng bào Công giáo, các chức sắc tích cực tham gia xây dựng khối đoàn kết toàn dân nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Người nói: “Hiện nay trên toàn quốc, đồng bào Công giáo và ngoài Công giáo, đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí, đồng tâm như con một nhà ra sức đấu tranh để giữ gìn độc lập Tổ quốc”[8].
         Hồ Chí Minh không những tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào Công giáo mà còn tỏ rõ tấm lòng tôn kính với những người sáng lập ra học thuyết Công giáo và các chức sắc tôn giáo, Người đã nhiều lần gửi thư và điện thăm hỏi các chức sắc tôn giáo với thái độ ân cần, tôn trọng và coi họ có cùng mục đích phấn đấu cho hạnh phúc của đồng bào, cho độc lập của dân tộc như trong thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những lời lẽ rất tôn trọng và thân mật để bày tỏ tình cảm và sự quan tâm của Người với Giám mục :
     “Cụ Giám mục Lê Hữu Từ!
       Thưa cụ,
       Đã lâu không được gặp cụ , tôi nhớ lắm ... "[9].
       Hay trong một lá thư khác ngày 8-12-1947, Người tiếp tục bày tỏ sự kính trọng với Giám mục Lê Hữu Từ, Người viết: “Nhân dịp lễ Noen, tôi kính chúc cụ mọi sự lành để phụng sự Đức Chúa và để lãnh đạo đồng bào Công giáo tham gia kháng chiến, đặng tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”[10]. Mặc dù sau này, Giám mục Lê Hữu Từ đã đi vào Nam, nhưng Hồ Chí Minh không có một sự phê phán hay công kích nào mà Người còn chủ động mềm mỏng thuyết phục tạm dẹp sang một bên cái chất “chống cộng sản” của Giám mục Lê Hữu Từ và khơi dậy ý thức tự chủ, ý thức dân tộc trong con người ông ta. Đồng thời, Người thuyết phục vị Giám mục hãy theo cách mạng vì dân tộc, vì dòng máu chung của giống nòi. Người viết: “Như Đức Cha đã nhấn mạnh trong thư, tôi tin rằng vị cố vấn nhân ái và đáng kính của tôi sẽ làm hết sức mình để tạo ra sự hợp nhất giữa mọi người, không phân biệt tôn giáo, nhằm chống lại bọn giặc ngoại xâm, xin Đức Cha cầu Chúa ban phúc lành cho đất nước ta để cuộc kháng chiến của chúng ta đại thắng lợi”[11]. Chính thái độ chân thành, thẳng thắn nhưng kiên quyết của Hồ Chí Minh, buộc vị Giám mục Lê Hữu Từ phải có thái độ và hành động tức thời nên trong Thư gửi cho Linh mục, Giám mục Lê Hữu Từ đã viết: “Hơn bao giờ hết, toàn dân phải có một lòng đoàn kết chiến đấu chống lại bọn xâm lược. Hãy để cho vấn đề các đảng phái sang một bên, đừng bận tâm tới ”[12]. Có thể khẳng định rằng, bằng đức tính chân thực, khôn khéo và kiên quyết của Người trong việc vận động chức sắc trong giáo hội Công giáo ủng hộ cách mạng là biểu hiện sâu sắc về tầm cao văn hóa chính trị và tấm lòng bao dung rộng mở để đồng bào Công giáo nếu chót lầm lỡ thì có cơ hội trở về dân tộc, tham gia sự nghiệp cứu nước, cứu dân.
        Người cũng luôn nhắc nhở đồng bào Công giáo hãy sống theo đúng tinh thần Kinh Thánh chứ không vì những lời giải thích bên ngoài của những kẻ lợi dụng Công giáo chia rẽ dân tộc: “Kinh Thánh có câu: “Ý dân là ý Chúa”. “Con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng. Tôi mong các cụ phụ lão, các vị giám mục và linh mục hăng hái khuyến khích tín đồ trong mọi công việc ích nước, lợi dân. Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng”[13]. Bên cạnh đó, Người đã nêu cao tinh thần nhân văn, đạo đức và những đức hy sinh cao cả của Đức Thiên Chúa để mọi giáo dân tích cực đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Người nói: “Chúa Cơ Đốc sinh ra làm gương mọi giống phúc đức như: hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần”[14] và “Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm”[15], noi theo tinh thần cao thượng của Chúa Giêsu, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cửa ải nô lệ, và cũng là để giữ gìn quyền tự do tôn giáo. Như vậy, có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về Công giáo là bước sáng tạo độc đáo, riêng biệt về thiên tài cách mạng. Đó là sự thể hiện tinh thần đoàn kết hữu ái, bao dung, độ lượng trong phong cách lãnh đạo của Người. Người luôn dành những tình cảm chân thành với đồng bào Công giáo. Tuy nhiên, Người cũng rất cứng rắn và kiên quyết đấu tranh đến cùng đối với tổ chức giả danh Công giáo, muốn lợi dụng Công giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc làm phương hại đến sự nghiệp cách mạng. Cho nên, ngay từ những năm 20 thế kỷ XX, Người đã có quan điểm rõ ràng đối với những tổ chức đội lốt Công giáo như: “nếu Chúa bất hạnh đã chịu đóng đinh trên cây Thánh giá trở về cõi thế này thì chắc Ngài sẽ vô cùng ngao ngán khi thấy “các môn đồ trung thành” của mình thực hiện đức khổ hạnh thế nào? Giáo hội Xiêm chiếm 1/3 diện tích ruộng đất canh tác trong xứ, Giáo hội Nam kỳ chiếm 1/5, Giáo hội Bắc kỳ, chỉ riêng Giáo phận Hà Nội đã chiếm 1/4 đất đai ”[16]. Người luôn trân trọng những người Công giáo yêu nước có tính thần dân tộc, đoàn kết hòa mình vào cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nên đối với kẻ đội lốt Công giáo là giả Chúa, phản quốc, cam tâm làm tay sai cho giặc, dân tộc, Người kiên quyết loại trừ .
       Vì thế, cần phải phân biệt giữa giáo dân chân chính với những kẻ giả danh Công giáo, Người luôn nhấn mạnh tới vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác Công giáo, công tác dân vận, yêu cầu phải bền bỉ, kiên trì mới có thể giúp dân phân biệt được chính-tà, bạn-thù rõ ràng, dứt khoát.
         Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh đã kiên trì đấu tranh những kẻ đội lốt Công giáo nhằm bảo vệ đoàn kết toàn dân, đồng thời “tẩy trừ những bọn phản chúa, phản quốc, hại dân”. Người nói: “những người công giáo Việt Nam theo Pháp và bù nhìn, làm hại đồng bào, chẳng những là Việt gian, mà cũng là giáo dan. Còn những đồng bào Công giáo kháng chiến mới là tín đồ chân chính của Đức Chúa, vì những đồng bào ấy thật thà Phụng sự Đức Chúa, Phụng sự Tổ quốc”[17]. “Cũng như Ngô Đình Diệm là người Công giáo, cũng giống như Giuđa là người Công giáo, Ngô Đình Diệm đã lợi dụng Chúa để làm ô danh Chúa, lợi dụng đồng bào để giết hại đồng bào”[18].
       Cùng với việc kiên quyết đấu tranh vạch mặt các tổ chức và cá nhân đội lốt Công giáo thì Hồ Chí Minh vị tha với những người lầm lỡ, lạc đường có cơ hội quay trở về với dân tộc. Bằng chứng là Người đã ra sức thuyết phục, động viên những người đó quay trở lại quê hương tham gia vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do cho nhân dân. Người luôn ý thức rằng nếu đã là người Việt Nam thì bất kỳ ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc, nhưng do kẻ địch lợi dụng về đức tin Công giáo đã làm cho họ lạc, nếu họ được giác ngộ cách mạng, chắc rằng họ sẽ về với quê hương, với Tổ quốc của mình, nên Người nói: Trừ bọn Việt gian, đồng bào ai cũng có lòng yêu nước, tuy có một số đồng bào lầm lạc, qua một thời gian những người ấy dần dần giác ngộ trở về với Tổ quốc hoặc mỗi người Việt Nam đều có sẵn lòng yêu nước thương nòi, có khi bộc lộ ra ngoài, có khi như Của Quý cất giấu trong rương, như Cục than hồng được phủ kín lớp tro. Nhiệm vụ của chúng ta là phải biết phát hiện, nuôi dưỡng và thổi bùng lên ngọn lửa cùng lòng yêu nước đó.
       Trong giai đoạn hiện nay, khi mà cả nước đang đồng tâm, đồng lòng, xây dựng đất nước tiến lên CNXH, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, mượn danh tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng là những chỉ dẫn quý báu cho chúng ta trong xây đựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến lên CNXH tương lai./.

---------------------------------------------
 (1) Mác - Ăngghen: Toàn tập, t.l . Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 569-570.
 (2) Л.С.Васильев «История религии Востока» Mосква 2001. Ст. 14.
(3), (6), (17) Hồ Chí Minh Toàn tập, L6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.225 , 359 , 443.
(4) Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr.79.
(5) (12) (18) Hồ Chí Minh về vấn đ tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996, tr. 52 75-76 , 236.
(7 ), ( 16 ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 50, 102.
(8 ) Sđd, L4, tr. 121.
( 9 ) , ( 10 ) Sđd, t5, tr. 28, 312.
(11 ) Thiên Chúa và Hoàng đế , tr. 71-72
(13 ) Sđd , t11 , tr. 314.
(14 ) ( 15 ) Sđd, t7, tr. 197 , 197.
 

 
 
 

Tác giả:   Tư liệu - Thư viện Thăng Long

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay721
  • Tháng hiện tại61,218
  • Tổng lượt truy cập680,808
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây