1. Trần Nhân Tông và hoàn cảnh ra đời tác phẩm
Trần Nhân Tông (1258 - 1308), có tên là Khâm, sinh năm Mậu Ngọ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 8 (1258). Ông là con trưởng của Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Thái hậu Nguyên Thánh Chiêu Cảm. Trần Nhân Tông, bản tính thông minh, học rộng, đa tài, về Phật học cũng rất tinh tường, thường cùng với các vị thiền gia đàm đạo, giảng cứu thiền học, đặc biệt là ngài được Tuệ Trung Thượng Sỹ giáo huấn nên ngoài Nho - Đạo ông còn tinh thông Phật pháp một cách uyên áo. Năm ngoài 21 tuổi, được Thượng hoàng Trần Thánh Tông truyền ngôi và lấy niên hiệu Thiệu Bảo Nguyên Niên (1279). Tuy ở ngôi vua chí tôn, nhưng vẫn giữ mình thanh tịnh tâm hướng về Phật đạo, ngày làm việc triều chính, đêm về nghỉ ở chùa Tư Phúc trong nội thành. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua giáng sinh có được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thần khí tươi sáng”[1]. Niên hiệu Trùng Hưng thứ 9 (1293), Trần Nhân Tông ngài truyền ngôi cho con là thái tử Thuyên (vua Trần Anh Tông) rồi lui về Thiên Trường làm Thái thượng hoàng, trong 6 năm để dạy con triều chính. Sau 15 năm cầm quyền, sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, ổn định nội trị, niên hiệu Hưng Long 7, ngài cho lập thảo am ở núi Yên Tử, lấy pháp danh là Hương Vân Đại Đầu Đà, khai sáng thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam, được tôn vinh là Điều ngự giác hoàng Trúc lâm đệ nhất tổ.
Trở lại lý giải về các điều kiện, tiền đề khách quan và chủ quan cho sự ra đời tác phẩm Cư trần lạc đạo phú trong các công trình đi trước đã có giải thích tường tận. Trong bài viết này chúng tôi đặc biệt quan tâm các sự kiện lịch sử riêng trong năm Mậu Ngọ (1258) với quốc gia Đại Việt nói chung diễn ra ít nhất bốn sự kiện quan trọng ở tầm chi phối trực tiếp đến việc định tính bản chất của triều đại, vận mệnh của quốc gia dân tộc và những điều đó góp vào tạo bối cảnh sự hình thành tư tưởng về đạo đức trong tác phẩm này. Thứ nhất là, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất kết thúc thắng lợi, quốc gia Đại Việt bắt tay khôi phục, xây dựng đất nước sau chiến tranh. Thứ hai là, vua khai nghiệp vương triều Trần Thái Tông nhường ngôi cho con lui về làm Thái thượng hoàng. Thứ ba là, Thái tử Trần Thánh Tông lên ngôi vua tiếp tục thực thi đường lối cai trị quân chủ thân dân theo định hướng mang tính chất Phật giáo đã được Trần Thái Tông minh định. Thứ tư là, vào ngày mùng 01 tháng 11 năm 1258 ấy, Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông ra đời sẽ tiếp nối lên ngôi thực thi đường hướng cai trị nhân từ, phục hưng đất nước, làm thành hệ tư tưởng dựa vào cốt lõi là Phật giáo trên nền tảng đó dung thông tam giáo. Đúng như Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua Trần Nhân Tông quả là một nhân cách lịch sử lỗi lạc, võ công thì oanh liệt, cai trị xã hội thì theo đường lỗi khoan, giản, an, lạc, trên dưới một lòng”[2]. Ngay sau khi lãnh đạo quân dân cả nước đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1293 vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trân Anh Tông lên làm Thái thượng hoàng. Năm 1295, Trần Nhân Tông chính thức xuất gia, vào hành cung Vũ Lâm tu hành. Năm 1299 ngài vào núi Yên Tử tu Hạnh đầu đà và xây dựng hệ chùa tháp, thực thi tư tưởng và tổ chức của một thiền phái tiêu biểu thống nhất cho Phật giáo Đại Việt, làm nền tảng tư tưởng cho vương triều Trần, ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân 1308 ngài viên tịch. Tư liệu về Trần Nhân Tông chủ yếu được ghi trong sách Tam tổ thực lục. Viện Văn Học chọn lọc nhiều nguồn khác nhau biên soạn bộ sách Thơ văn Lý - Trần trong đó có những sáng tác nổi bật thơ văn của Trần Nhân Tông. Lê Mạnh Thát đã dày công sưu tầm, nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, thơ văn của ông, in thành sách Trần Nhân Tông Toàn tập, trong đó bài phú Cư trần lạc đạo chuyền tải tập trung nhiều vấn đề tư tưởng triết học, đã được nhiều người trong giới nghiên cứu phân tích sâu sắc. Trong bài viết này, chúng tôi quan tâm phân tích về phương diện chủ đề tư tưởng đạo đức, có ý nghĩa với việc xây nền đạo đức Đại Việt khi đó. Hơn nữa từ đó chúng tôi phân tích chỉ rõ thêm một số nội dung mới đặc sắc nhất trong tư tưởng đạo đức của Trần Nhân Tông nhìn từ khía cạnh đạo đức sinh thái, mang tính hiện đại cập nhật còn có giá trị góp phần vào việc xây dựng nền đạo đức Việt Nam hiện nay.
2. Nội dung tư tưởng đạo đức trong tác phẩm Cư Trần lạc đạo phú và ý nghĩa của nó
Kết cấu của bài phú có mười “hội” và kết thúc bằng một bài “kệ” trong đó Trần Nhân Tông đã dày công tiếp nhận, tổng kết hệ thống hóa từ các nguồn tư tưởng truyền thống dân tộc, nội ngoại điển, lập nên một đường hướng tu dưỡng theo tinh thần Thiền Phật nhằm xây dựng nền đạo đức tinh thần Cư trần lạc đạo cho Đại Việt lúc đó. Nó có nhiều tác động ảnh hưởng lâu dài về sau trong các thời kỳ lịch sử cho đến tận ngày nay vẫn còn có nhiều giá trị thời sự cấp bách. Cơ sở nền tảng cho đường hướng đấy chính là dựa trên nhiều quan điểm Phật học về thế giới quan, nhân sinh quan, với các khái niệm Phật học như Chân Như, Chân Phật, Chân Kinh, Nhất Như, Tâm Phật, Tâm Bụt, Lòng Bụt, Phật tại lòng, Ngài còn sử dụng nhiều tích truyện của các thiền sư Trung Hoa, Ấn Độ, Việt Nam kết hợp với các giá trị đạo đức của Nho giáo, đạo Lão Trang, rất phong phú, hoàn thiện nội dung nền tảng về thế giới quan và nhân sinh quan cho tư tưởng đạo đức trong tác phẩm này. Trần Nhân Tông đã kế thừa quan niệm của Thiền phái Huệ Năng “Phật tại Tâm” đã được lan truyền trong ba dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi, Vô ngôn thông, Thảo đường, quan điểm “hòa quang đồng trần” gắn bó giữa đạo và đời đã được ông nội là Trần Thái tông, người bác và người thầy khai tâm cho ông là Tuệ Trung thượng sĩ, truyền thừa. Ông với tư cách là Đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm đã hệ thống hóa, phát triển bổ sung thêm và truyền thừa cho đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ là Huyền Quang. Rằng, con người muốn có an lạc chỉ cần, tu dưỡng, tu tâm, chính tâm là đủ để truy cầu cực lạc, cần có sự hóa giải sự ngăn cách phân biệt nhị nguyên trong nhận thức và hành xử tách rời đạo với trần, thì dù cư trần vẫn đắc đạo. Ổng thể hiện tư tưởng này trong các "hội”, như ở Hội thứ ba, ngài giải thích “chỉn Bụt là lòng”, “Tâm tức Phật” chỉ cần chuyên tâm tu đạo thì dù ở trong thế tục vẫn có thể giác ngộ đắc đạo; Hội thứ tư, ngài diễn giải cụ thể con đường tu tâm, chuyển tam độc, trừ lục tặc, tức đạt đạo biết Chân như, ngỏ Vô vi... Đây là tư tưởng nhất thừa, vượt lên mọi phân biệt nhị nguyên tông phái… Sau đây chúng ta sẽ lập lại con đường xây dựng nền đạo đức nhất thống cho Đại Việt đã được Trần Nhân Tông khổ công để tổng kết trong Cư trần lạc đạo phú, Ngài đã dốc lòng nhiệt tâm truyền bá, hoằng đạo.
Để có thể giải thích về cội nguồn tư tưởng và thực tiễn cho việc hình thành và phát triển tư tưởng đạo đức của Trần Nhân Tông chúng ta trong tác phẩm này phải đặt trong bối cảnh hình thành và phát triển của vương triều Trần. Điều này chúng tôi kế thừa kết quả từ trong các công trình nghiên cứu về tư tưởng Trần Nhân Tông họ đã chú ý đi sâu làm rõ các tiền đề, điều kiện lịch sử từ các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa tư tưởng, tôn giáo. Đó chính là sự lý giải thuyết phục về cơ sở khách quan và chủ quan cho sự ra đời tư tưởng về đạo đức trong tác phẩm này mà chúng ta sẽ lần lượt tái lập qua từng “hội”:
-
- Hội thứ nhất: [3]
Mình ngồi thành thị:
nết dụng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng.
chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý;
Thị phi tiếng lặng,
được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh,
nhân gian có nhiều người đắc ý:
Biết đào hồng, hay liễu lục.
thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh.
soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Liễu mềm hoa lốt,
ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Lo hoán cốt, ước phi thăng,
đan thần mới phục;
Nhắm trường sinh, về thượng giới,
thuốc thỏ còn đam.
Sách Dịch xem chơi,
yêu tính sáng yêu hơn châu báu;
Kinh nhàn đọc dấu
trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.
Trong hội thứ nhất đó Trần Nhân Tông đưa ra đường hướng Cư trần lạc đạo sau khi Ngài trải qua nhiều học tập, tìm tòi, thực nghiệm, thực chứng hết sức gian lao vất vả, khó khăn. Ngài ra thông điệp đã ngộ đạo, đắc đạo truy tìm được đúng con đường cần thiết để giải thoát cho chính mình và mọi người, ngay mọi nơi và mọi lúc Ngài tuyên bố nay Ngài đã vượt được mọi thứ giả tướng thấu triệt chân như ở đâu cũng an lạc, có thể đắc đạo trong mọi hoàn cảnh: “Mình ngồi thành thị”, “Nết dụng sơn lâm”. Khi con người đã giác ngộ trước lẽ vô thường, vô ngã, lẽ biến dịch, miên viễn, sự chuyển hóa luân hồi, đã ngộ được” đạo” hồi, quy, tiêu, trưởng, không lụy chạy theo các chuỗi tương quan có tính hiện tượng. Con người tước bỏ được sự phân biệt chấp tướng, vượt qua được những giới hạn giữa “hữu” và “vô”, “thực” và “ hư”,… thì lúc đó tự mỗi người sẽ chứng nghiệm được sự an lạc tức là chứng ngộ được “Niết bàn”. Khi đã xác lập được tâm sáng con người luôn thanh lọc tinh thần tự giác, tự tại thân tâm, dứt trừ được “vọng niệm”, “vô minh” khi xác lập được “thể tính trong trẻo”, “tấm lòng trong sáng”, “như nguyệt bạc, rừng xanh soi mọi chỗ đều thiền hà lai láng”, chính lúc đó “mình” (bao hàm cả chính Trần Nhân Tông và đồng bào, tất thảy mọi người) sẽ luôn lạc đạo, đắc đạo. Không phụ thuộc vào dịa vị, tư thế hay nơi chốn ở thành thị hay sơn lâm, bất kể, đều có thể “Cư trần lạc đạo”. Ngài Trần Nhân Tông khái quát chỉ dẫn những bước cần tuân thủ để đạt tới lý tưởng đạo đức “an nhàn thể tính” đó là mỗi người luôn hướng đến việc tu dưỡng, bảo vệ nết sống đạo đức chân sơ thuở chưa bị nhiễm thói biện biệt thị phi – “nết sơn lâm”. Để có sự an lạc con người phải biết vứt bỏ tam độc: tham, sân si; Cắt bỏ “vô minh, nghiệp chướng”. Yêu cầu nữa là con người biết sống hài hòa thuận theo các nhu cầu tự nhiên của con người, không tự mình cực đoan giả tạo trước nhu cầu tự nhiên sinh học. Chỉ có điều họ cần phải hướng thượng tin theo các chuẩn mực chân, thiện, mỹ của các bậc thánh nhân trong tam giáo Nho-Phật-Đạo đã răn dạy. Phàm con người phải thanh lọc bản ngã để tiết chế tham dục, làm tròn bổn phận, trách nhiệm trong đời. Trần Nhân Tông đã khẳng định con đường trung đạo lý tưởng cư trần lạc đạo vừa là phù hợp với các giáo lý Phật giáo, vừa đáp ứng với thực tiễn Đại Việt trong khi tiếp thu học thuyết đạo đức, bản thể chân như của Phật giáo vừa đưa ra cách lối khế lý, khế cơ mềm dẻo, linh hoạt với yếu tố đạo đức Nho, Đạo, bản địa. Qua tìm hiểu nội dung tư tưởng đạo đức Trần Nhân Tông trong các áng văn thơ trong Trần Nhân Tông Toàn tập ta thấy định hướng này là nhất quán và tâm huyết trọn đời của Ngài. Trong các tác phẩm này Trần Nhân Tông nhiều lần khẳng định Phật tính chính là tâm của mình, Phật tính chính là lòng trong sáng, là tâm Bồ đề, là “sự trong trẻo của lòng”, con người phải luôn trân quý tâm Phật, lòng Phật, “lòng sáng”, “tính sáng” đó là “báu vật”, “nó cũng chính là Như Lai tính”. Kết thúc hội thứ nhất đường hướng đạo đức này Ngài nhấn mạnh: “tính sáng”, chân như của báu là vô cùng quý giá hơn cả châu báu ngọc ngà. Kinh điển Phật giáo, nhất là học thuyết về bản thể chân như về đạo đức “tính sáng” còn hơn cả vàng, bạc. Khẳng định này có giá trị to lớn cho việc xây dựng nền đạo đức định hướng theo Phật giáo của Đại Việt lúc bấy giờ và còn có giá trị gợi ý cho việc xây dựng nền đạo đức Việt Nam hiện nay. Nhất là ở phương diện nội dung đạo đức môi trường, ý thức trân trọng tự nhiên, xác lập mối quan hệ hài hòa giữa con người cá nhân với xã hội, môi trường tự nhiên ngày nay đang mang tính thời sự hiện nay. Tư tưởng này đã được Trần Nhân Tông nhấn mạnh cách đây hơn 700 năm là vô cùng quý báu.
-
- Hội thứ hai: [4]
Biết vậy!
Miễn được lòng rồi;
Chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng tính mới hầu an;
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương;
Dừng hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch,
chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi,
mựa nhải nhọc tìm về Cực lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức,
há rằng mong quả báo phô khoe;
Cầm giới hạnh, địch vô thường,
nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái,
nghiệp miệng chẳng hiềm thuở đắng cay;
Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức.
nửa gian lều quý nữa thiên cung;
Dầu hay mến thuở nhân nghì,
ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
Trong hội này Trần Nhân Tông chú trọng đưa ra nhận định về giữ gìn tính sáng, lòng sáng. Mình phải vượt lên các chướng ngại giữ ngũ giới hành thập thiện, để được “lòng sáng”, “tâm sáng”. Nó vừa là cơ sở, vừa là động lực, vừa là mục tiêu, vừa là chuẩn mực của đường hướng tu dưỡng đạo đức “Cư trần lạc đạo”. “Đạo” không phải là ở đâu xa vời mà chính là tính vô tư, vô vị lợi, là mệnh lệnh tối cao con người phải thực tâm trong sáng, nó nằm ngay trong “lòng” mình. Lòng mình là “ báu vật” quý hơn cả vàng, bạc, nó là thứ bảo bối diệu kỳ đem lại giá trị “an lạc” cho cuộc sống. Đánh mất “tính sáng” đó là con người sẽ không còn an lạc, hạnh phúc. “Mình” cần tự mài dũa tâm tính, rèn luyện để đạt tới sự sáng suốt của “tâm”, “lòng” và tự ý thức giữ gìn sự trong sáng, sáng suốt của “tâm”, “lòng”, coi đó là vấn đề hệ trọng quyết định sự an lạc của cuộc đời. Nếu giữ được tính sáng mình phải nén, dừng vứt bỏ nhiều dục vọng, đam mê, không được thoái thác, chùn nhụt ý chí, tự vượt tham sân si. vượt qua chính mình tinh thần tự nhiệm tuyệt đối. Đạt được tính sáng cũng chính là giác ngộ, giải thoát, đắc đạo, đạt Niết bàn, đạt tịnh thổ Tây phương cực lạc… Trần Nhân Tông đã thể hiện sự tổng hợp Thiền-Tịnh-Mật với những yếu tố Nho, Đạo để chỉ rõ con đường tu đạo độc đáo của Thiền phái Trúc Lâm.
Trần Nhân Tông dẫn dắt: Theo con đường tu dưỡng “đắc đạo”, “lòng sáng” thì điều trước tiên phải quay về nội tỉnh, soi xét thân, tâm của chính mình, rèn luyện tâm, thức để đạt tới nhận thức sáng suốt “tâm sáng” thoát khỏi sự mê lầm của “vô minh”, nhằm nắm chắc giáo lý “nhân”, “quả”, “duyên khởi” để thực hành tu tập, trải nghiệm minh triết, mà không dừng ở nhận thức bề ngoài. Tránh dừng lại ở việc tu học có tính hình thức cầu danh, cầu lợi. Theo tư tưởng Trần Nhân Tông đã có “tâm hướng” mình phải tự khép mình, tự giác thực hành giới luật, phẩm hạnh nghiêm cẩn không tự tạo thêm nghiệp xấu, cải tạo thân, khẩu, ý theo đà tịnh tiến. Trần Nhân Tông giải thích rõ, thực hành đạo hạnh, đạo đức mình sẽ có những lạc thú từ giá trị nội tỉnh, có an lạc, hạnh lành..., không thể so sánh chúng với mọi giá trị vật chất tầm thường: “nhược chỉnh vui bề đạo đức, nửa gian lều quý nữa thiên cung. Dầu hay mến thủa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.”
Rõ ràng, Trần Nhân Tông đã chuyển tải thông điệp vô cùng quan trọng cho triều Trần, dân chúng và cả chúng ta hôm nay là phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề trau dồi nền đạo đức như là cơ sở nền tảng bảo đảm cho cá nhân, xã hội an lạc tồn tại bền vững và hạnh phúc dài lâu.
-
- Hội thứ ba: [5]
Nếu mà cốc,
Tội ắt đã không.
Phép học lại thông.
Gìn tính sáng, mựa lạc tà đạo;
Thửa mình học, cho phải chính tông.
Chỉn bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ.
Vong tài đốn sắc, ắt tìm cho phải thói bang công.
Áng tư tài tính sáng chắng tham,
há vì ở Cánh Diều Yên Tử ;
Rèn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển,
lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Trần tục mà nên. phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc. họa kia thực cả đồ công
Nguyền mong thân cận minh sư,
quả bồ đề một đêm mà chín;
Phúc gặp tình cờ tri thức,
hoa ưu đàm mây kiếp đơm bông.
Tư tưởng Trần Nhân Tông ở đây tập trung nhấn mạnh và làm rõ thêm vai trò quan trọng việc giữ đúng đường hướng chính tông, cơ sở đảm bảo không chệch mục tiêu “Cư trần lạc đạo” hướng tới hoàn thiện con người và đất nước Đại Việt trong hiện thế, hiện thực chứ không chờ sau khi qua đời. Trần Nhân Tông còn chỉ rõ, nếu biết, hiểu được vị trí cốt lõi, vai trò định hướng, đặt ra chuẩn mực đạo đức dựa trên cốt tủy Phật giáo hấp thu thêm các giá trị Nho, Đạo, bản địa là vô cùng thiết yếu. Khi bảo đảm thực thi đường lối tu dưỡng “Cư trần lạc đạo” toàn quân dân sẽ tự giác trau dồi đạo đức, phẩm hạnh, không còn lạc tà đạo, phạm tội, đất nước sẽ thái bình thịnh trị, sự nghiệp nhà Trần nói riêng, nền văn minh Đại Việt nói chung sẽ ngàn thủa vững âu vàng. Trần Nhân Tông không cứng nhắc rập khuôn theo bất kỳ một tôn giáo hay học thuyết duy nhất nào. Ngài đã tinh tế “tuyển chọn”, và “tổng hợp” dựa trên nhu cầu thực tiễn và kế thừa các giá trị tinh thần truyền thống của Đại Việt và đưa ra một đường hướng xây dụng nền tảng đạo đức cơ bản với cốt tủy, tinh thần là thiền Phật giáo Trúc Lâm nhập thế vị đời, vị người, vị tương lai hiệu dụng thực tế. Trần Nhân Tông đã mạnh dạn cho rằng, đường hướng xây dựng nền đạo đức cho Đại Việt hưng thịnh, nhân dân an lạc này là “Chính tông” đưa ra nguyên lý “ý của dân là ý của Phật”, “Phật là lòng”, "lòng dân là lòng Phật”, hay “dân là gốc nước”. Tư tưởng đạo đức của Trần Nhân Tông trong “Cư trần lạc đạo phú” rất giản dị, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, thuận với ý dân nên nhanh chóng chuyển hóa tạo ra động lực mạnh mẽ cho đất nước phục hưng. Thêm nữa tính “thiêng” của đạo đức tôn giáo Nho, Phật, Đạo đã được Trần Nhân Tông hệ thống, tổng hợp vào thành chỉnh thể bài phú trở nên nguồn lực mềm góp vào sự hưng thịnh của đầu Trần triều. Tư tưởng Trần Nhân Tông không chỉ dừng ở đó. Ngài đã nhìn thấu hạn hẹp quan, dân ông phê phán những biểu hiện của “mặt trái” trong thực trạng đời sống đạo đức lúc đó. Tồn tại trong triều chính, quý tộc, những hiện tượng tham, sân, si, lười biếng, cậy quyền, không quý trọng tài năng, đức hạnh, chạy theo danh sắc, lợi lộc không chịu trau dồi, tri thức, rèn luyện đạo đức. Chúng làm nên những mối họa, phí phạm công sức tiền bối hy sinh, xây dựng trước đó. Ông nhận ra hạn chế từ tư tưởng mọi người đều bình đẳng về “Phật tính” sẽ góp phần tạo ra môi trường thiếu động lực nên đã khéo kết hợp với tư tưởng trung nghĩa, nhân nghĩa để kích thích trách nhiệm hiện thế của quan quân, để nhiều người trong lớp dưới vươn lên khẳng định vai trò, vị trí, họ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và xây dựng cho vương triều vững mạnh. Trần Nhân Tông đã đánh giá cao những người đó, họ “trần tục” (nhưng biết lạc đạo) mà nên. Ngài yêu quý trân trọng hết mức coi họ là điều phúc của đất nước. Ngài mong mỏi cầu chúc cho tất cả mọi người có được tinh thần tinh tiến, cầu đạo thành tâm, để mau chóng giác ngộ. Ngài tin tưởng đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng của Đại Việt nhắn nhủ mọi người chủ động đồng lòng, tạo nhân tốt đẹp, gặp duyên lành may mắn, gặp cơ hội đủ phúc tình cờ, sẽ chuyển hóa thành đất nước hùng mạnh, hạnh phúc.
-
- Hội thứ bốn: [6]
Tin xem:
Miễn cốc một lòng;
Thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn, nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt.
chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi phép chân không.
hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin bát nhã,
chớ còn tìm Phật tổ Tây Đông;
Chứng thực tướng, ngõ vô vi,
nào nhọc hỏi kinh Thiền Nam Bắc
Xem Tam tạng giáo,
ắt học đòi Thiền uyển thanh quy;
Đốt ngũ phận hương,
Tích nhân nghì, tu đạo đức
ai hay này chẳng Thích Ca;
Cầm giới hạnh, đoạn xan tham,
chỉn thực ấy là Di Lặc.
Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông không chỉ động viên, khuyến khích mà còn đưa ra chương trình hành động xây dựng nền đạo học cho đất nước Đại Việt an lạc. Ngài khẳng định điều kiện tiên quyết đó là toàn quân đoàn Đại Việt nhất thể đồng tâm đi theo “chính tông” - con đường “Cư trần lạc đạo”, cần dẹp bỏ mọi phân tâm nghi hoặc, trực diện với nội tâm chính mình để thay đổi nhận thức, thay đổi hành động: Dứt bỏ lục căn, loại trừ lục tặc. Đồng thời Ngài nhắc nhở không quên phải học tập sử dụng nhuần nhuyễn các yếu tố đạo đức từ các Nho, Đạo, bản địa khác. Nền tảng chính là quan niệm về chân như, Phật tính, các chuẩn mực là từ bi, hỷ xả, vô ngã vị tha. Ngài đưa ra mẫu số chung đồng quy các tông phái Phật giáo và cả tam giáo đây là đóng góp mới xuất sắc lấy làm cơ sở lý luận cho thiền phái Trúc Lâm – Cột trụ tinh thần của nền đạo đức Đại Việt thời Trần. Trong hội này chúng ta quan tâm đến những khía cạnh nội dung đạo đức môi trường trong thời hiện đại, ta còn thấy qua đây lấp lánh những tư tưởng có giá trị thời sự nóng hổi. Chẳng hạn tư tưởng về sự hài hòa đồng điệu giữa giá trị nhân bản chung với toàn bộ thế giới bên ngoài và bên trong mỗi cá nhân. Sự đồng điệu, hài hòa cần có tương quan giữa cá nhân, xã hội, tạo môi trường sinh thái xã hội qua bài phú này ẩn chứa trong cách Trần Nhân Tông chỉ giáo cho mọi người bằng hình tượng dễ tiếp nhận.
-
- Hội thứ năm: [7]
Vậy mới hay!
Bụt ở trong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuấy bổn: nên ta tìm bụt;
Đến cốc hay chỉn bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà hữu
Kinh xem ba biến, ngồi ngơi mái quốc Tân la.
Trong đạo nghĩa, khoáng cơ quan,
đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc.
ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức bụt từ bi,
mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
ơn Nghiêu khoáng cả.
lọt loàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa,
hoặc chằm hoặc xể
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội;
Lầy tam huyền, nong tam yếu, một cất một ma.
Cầm vốn thiếu huyền,
xá đàn dấu xoang vô sinh khúc;
Địch chăng có lỗ,
cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
Lẩy cội tìm cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão;
Khuấy đầu chấp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa.
Lọt quyền Kim cương, há mặc hầu thông nên nóng
Nuốt bồng lật cức. nào tay phải xước tượng da.
Trong hội này Trần Nhân Tông chỉ rõ cốt lõi bản chất của nền đạo đức Đại Việt theo đường hường “Cư trần lạc đạo” là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Điều căn bản mỗi người phải xác lập tính sáng của nội tâm đặt trong tính hiện thực, hiện thế của bổn phận với đời sống, không phả chạy theo những giá trị huyễn hoặc xa vời, mục tiêu của sự tu Thiền theo tông phái Trúc Lâm là thực hành đạo đức, là phải hướng theo “chính tông” đặt trên căn bản thiền Phật giáo Trúc Lâm khế hợp Nho, Đạo, bản địa. Con đường tu tập có đích tới là giải khổ cho con người an lạc ngay trong hiện thế bằng phương pháp tu thiền đạt tới tính bụt tính sáng ngay tron tại đây nhờ bản thể chân tâm chính mình. Cần sự thống nhất giữa tình cảm đạo đức trân trọng yêu quý tính sáng đó với ý chí và hành vi giữ gìn “giới hạnh”, thực thi “ thập thiện”, luôn luôn quán tưởng phát triển tâm từ bi, buông xả vô minh, vượt bỏ chấp trước. Hơn thế Ngài nhìn sâu vào thực trạng đạo đức đưa ra tư tưởng phê phán biểu hiện xa rời chính tông những hiện tượng trong triều chính và ngoài dân chúng lười biếng, cậy quyền khinh rẻ tài năng đức hạnh chạy theo danh sách, tham lợi Ngài nhắc nhở cần phải rèn luyện đạo đức, trau dồi tri thức, làm nên nền văn hóa Đại Việt an lạc hùng mạnh nếu không sẽ là mối họa phí phạm công sức các đời bồi đắp xây dựng. Nội dung mới mẻ dựa trên nền tảng quan niệm sự hỗn dung Phật tính với các phẩm hạnh tốt đẹp, triệt để phá chấp đã góp phần tạo ra môi trường dân chủ làng xã, phát huy các nguồn lực ở mức cao nhất, tạo ra cơ hội cho những người ở tầng lớp dưới vươn lên, đóng góp cho vương triều và đất nước. Trong hội này Ngài đã biểu dương, thể hiện sự yêu quý trân trọng đối với họ coi đó là điều phúc cho vương triều, đất nước Ngài thiết tha cầu chúc tất thảy quan dân học theo tinh thần tinh tiến để mau chóng giác ngộ, giải thoát, hạnh phúc. Ông đặt niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của Đại Việt. Khi trên dưới một lòng cả nước chung sức gặp được duyên lành học thuyết thiền Phật giáo Trúc Lâm sẽ tạo ra nhân lành quả đẹp hội đủ “phúc tình cờ” sẽ chuyển hóa mạnh mẽ đất nước vào cõi an lạc “hoa ưu đàm mấy thủa đơm bông”.
Đặc điểm tư tưởng đạo đức của đệ nhất tổ Trúc Lâm trong “Cư trần lạc đạo phú” là kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc như: cần cù, chất phác, giản dị, lạc quan, yêu đời, khoan dung, thương người với nền tảng tư tưởng đạo đức thiêng Phật giáo đồng thời khéo léo dung thông Nho, Đạo. Vì vậy, nó có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thời Trần và các giai đoạn về sau. Ngày nay gạn đục khơi trong vẫn bộc lộ những khía cạnh đạo đức môi trường độc đáo có ý nghĩa thời sự cấp thiết.
-
- Hội thứ sáu: [8]
Thật thế!
Hãy xá võ lâm;
Tự nhiên hợp đạo.
Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm;
Đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Nhận văn giải nghĩa, rạc rãi nên Thiền khách bơ vơ;
Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu, han vô lậu,
bảo cho hay: the lọt duộc thưng;
Hỏi Đại thừa, hỏi Tiều thừa,
thưa thẳng tắt: lòi tiền, tơ gáo.
Nhận biết làu làu lòng vốn,
chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên;
Dồi cho vặc vặc tính gương,
nào có nhuốm căn trần huyên náo,
Vàng chửa hết quặng,
xá tua chín phen đúc chín phen rèn;
Lộc chẳng còn tham,
miễn được một thì chay một thì cháo.
Sạch giới lòng, dồi giới tướng,
nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,
đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Học đạo thờ thầy,
lọt xương óc chưa thông của báo.
Là đấng vua thông tuệ thấu tình đạt lý nên Trần Nhân Tông thông hiểu những vướng mắc băn khoăn trong tâm tư của đại chúng đương thời nên Ngài xác lập tính “chính tông”, chính đáng của đường hướng “Cư trần lạc đạo” do Ngài sáng lập nên. Ngài khẳng định chắc chắn đường hướng này đúng là như vậy không thể lầm lẫn. Khi con người khoáng đạt vượt thoát lên những vướng mắc, biện biệt phân tâm, đạt được sự vô tâm thì tự nhiên hòa hợp được mọi con đường tu đạo lúc bấy giờ. Trần Nhân Tông chỉ dẫn cần tuân thủ theo con đường chánh đạo, chánh pháp: “dừng tăng nghiệp mới lặng thân tâm; đạt một lòng thì thông tổ giáo”. Ngài thức tỉnh sự giác ngộ tự giải thoát khỏi những khuôn mẫu giáo điều cố chấp, tăng cường “độ mở” của nhận thức vượt thoát các rào cản của ngôn từ vươn tới sự khoan dung tiến sát đến bản chất con đường tu dưỡng đạo đức là để xả bỏ chướng ngại, nghiệp báo. Sự học hỏi từ nhiều nguồn là một yêu cầu để tư duy đạt đến vô tâm tính sáng thích ứng được các hoàn cảnh. ở hội này Trần Nhân Tông tìm rất nhiều phương tiện để mở rộng nội hàm tư tưởng “Vô tâm thị đạo” của Hoàng Bá Huy Vận, tiếp tục đường hướng phá chấp của tiền bối, phát huy phương châm “chứng lý, tri cơ”, “tùy duyên, bất biến”. Ông cho rằng, phải xuất phát từ trong cuộc sống để tu rèn đạo đức nhân cách chứ không thể máy móc giáo điều, bị ràng buộc trông các khuôn mẫu giáo lý siêu hình. Dựa trên ý thức trách nhiệm, bổn phận mọi người phải nâng cao ý chí phá vỡ trở lực tinh tiến hoàn thiện bản thân cả về phẩm hạnh, đạo đức, năng lực và trí tuệ mới có thể thực thi đường hướng “Cư trần lạc đạo”.
-
- Hội thứ bảy:[9]
Vậy mới hay:
Phép bụt trọng thay;
Rèn mới cốc hay.
Vô minh hết bồ đề thêm sáng;
Phiền não rồi đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời bụt thốt dễ cho thấy dấu;
Học đòi cơ tổ,
xá thiền không khôn chút biết nay (nơi).
Cùng căn bản, rửa trần duyên,
mựa để mấy hào ly đương mặt;
Ngã thắng chàng, viên tri kiến,
chớ cho còn họa giữa cong tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;
Cầm kiếm trí tuệ,
quét cho không tính thức thuở nay.
Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo;
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo;
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi,
vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.
Trong hội này một lần nữa Ngài khẳng định phép tu thiền Phật giáo Trúc Lâm theo các trình tự giới, định, tuệ ngay trong đời sống, không có sự tách rời đạo với đời, là vô cùng quan trọng nhằm đạt tới mục tiêu lý tưởng đạo đức “Cư trần lạc đạo”. Tiến trình đấy phải thường xuyên quán chiếu những phương pháp quan yếu của phép tu thiền nhằm vượt bỏ vô minh, rũ bỏ hết ràng buộc phiền não tăng thêm nghị lực quyết tâm giữ vững ý chí hướng về chân như. Ngài nhấn mạnh thực thi theo con đường sáng con người sẽ giác ngộ đắc đạo ngay trong hiện thế. Ngài khẩn thiết nhấn mạnh yêu cầu bức thiết của xã hội Đại Việt cần phải có những con người quyết tâm giã từ vọng niệm tham, sân, si, tinh tiến tới cõi minh triết: “Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay”. Nghiêm túc tiếp nhận các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc mở mang tầm tri kiến từ các tông phái chính là đáp lại ân đức cứu độ to lớn của Phật, Thánh. Đó là điều kiện để con người Việt Nam vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại lúc bấy giờ. Tư tưởng đạo đức Cư trần lạc đạo này Trần Nhân Tông đặt trong điều kiện Việt Nam hiện nay đang mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế thị trường đang có những cơ hội đồng thời cũng gặp phải những vấn nạn về đạo đức, nếu biết khai thác, sáng tạo phát huy chắc chắn sẽ mang lại nhiều giá trị hữu ích, nhất là khía cạnh nâng cao nội hàm đạo đức, cập nhật với yêu cầu hiện đại nhìn từ phương diện đạo đức môi trường hiện nay. Trần Nhân Tông đã nhấn mạnh chuẩn mực đạo đức hài hòa từ nội tâm đến ngoại cảnh, có sự sáng suốt hài hòa thân, tâm, ý. Ngài còn nhắc nhở thiết lập mối quan hệ thiện hảo từ gia đình ra xã hội, bao quát cả vũ trụ, tự nhiên thống nhất giữa hiện thế với siêu việt.
-
- Hội thứ tám: [10]
Chưng ấy:
Chỉn xá tua rèn:
Chớ nên tuyệt học.
Lay ý thức chớ chấp chằng chằng;
Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc.
Công danh mảng đắm.
ấy toàn là những đứa ngây thơ;
Phúc tuệ gồm no. chỉn mới khá nên người thực cốc.
Dựng cầu đò, dồi chiền tháp.
ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi.
nội tự tại kinh Lòng hằng đọc.
Rèn lòng làm bụt. chỉn xá tua một sức dồi mài;
Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
Xem kinh đọc lục.
làm cho bằng thửa thấy thửa hay;
Trọng bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo;
Rát thửa cơ quan, mựa còn để tăm hơi lọt lọc.
Trong hội này Trần Nhân Tông quán triệt tinh yếu phép tu thiền Trúc Lâm là phải có sự thống nhất thân, khẩu, ý, thống nhất tâm hành. Ngài nhấn mạnh sự đồng điệu giữa tình cảm, ý chí, nhận thức và hành động , hướng theo con đường tu đạo không có sự tách biệt giữa tri thức với thực hành, thực chứng, thực nghiệm. Trần Nhân Tông hướng dẫn mọi người và chính mình không được tách rời giữa việc học tập với việc thực hành con đường “tâm sáng” đáp ứng yêu cầu thực tiễn đất nước đắc đạo. Hãy thường xuyên tự tu dưỡng học tập rèn luyện đạo đức theo tinh thần tinh tiến. Khi nỗ lực vượt lên những lề thói định kiến tầm thường kiên định sẽ có ngày chuyển hóa thân tâm. Khi dứt bỏ những vọng tưởng, vô minh, rũ bỏ tham sân, lợi danh, lúc đó tâm sáng sẽ bừng nở con người đắc đạo là kết quả tất yếu. Việc thường xuyên làm điều thiện: “Xây cầu đò, dồi chiền tháp”, “ngoại tranh nghiêm sự tướng hãy tu” là một chỉ dẫn hữu ích về tính thiết thực cụ thể của hành vi đạo đức, đó là một bắt buộc trong quá trình tu chứng. gắn liền giữa tu học và thực hành, gắn liền giữa đạo với đời hữu cơ. Ngài giải thích thêm ngay khi tu tập cần bắt buộc liên hệ với thực tế chớ có huyễn hoặc, giáo điều. Nội dung đạo đức “Cư trần lạc đạo” đã được kiểm định, kiểm chứng trong suốt các hoạt động vì dân vì nước của chính Ngài nên có uy lực lan tỏa nhanh chóng trong hội này Ngài trở lại với yêu cầu luôn luôn xuất phát từ tâm từ bi nội tại phóng chiếu thể hiện ra hành trạnghiệu dụng, hữu ích cho cộng đồng, xã hội. Ngài đã nhìn ra tiên đoán trước về nguy cơ hậu thế bị sai lạc vào tà đạo rời xa chính tông nên rất cẩn trọng đưa ra yêu cầu thường xuyên thanh lọc củng cố tính nhất thể, trung thành với tôn chỉ mục tiêu của tổ chức tăng đoàn thiền phái Trúc Lâm. Đồng thời kêu gọi sự tự giác soi chiếu tu chỉnh “nội tâm, ngoại trạng" của từng người. Những tư tưởng đạo đức trên đây đến hôm nay vẫn vô cùng sống động mang tính thời sự nóng hổi.
-
- Hội thứ chín: [11]
Vậy cho hay:
Cơ quan tổ giáo;
Tuy khác nhiều đàng,
Chẳng cách mấy gang.
Chỉn xá nói từ sau Mã tổ:
Ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng.
Công đức toàn vô. tính chấp si càng thêm lỗi
Khuếch nhiên bất thức, tai ngu mảng ắt còn vang.
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm,
chôn dối chân non Hùng Nhĩ;
Thân bồ đề. lòng minh kính,
bài giơ mặt vách hành lang.
Vương lão chém mèo
rạt thảy lòng ngừa thủ tọa;
Thầy hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.
Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư, chẳng cho mà cả;
Sở thạch đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Phá Táo cất cờ. đạp xuống dấu thiêng thần miếu;
Câu Chi dời ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma.
nước nạp tăng no dầu tự tại;
Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu,
răn đàn việt hượm xá nghênh ngang.
Giơ phiến tử, cât trúc bề,
nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn;
Xô hòn cầu, cầm mộc thược,
bạn thiên hòa chước móc khoe khoang.
Thuyền Tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịnh tẩy;
Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Rồng Yểm Lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ ;
Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt dang.
Cây bách là lòng.
thác ra trước phải phương Thái Bạch;
Bính đinh thuộc hỏa,
lại trở sau lỗi hướng Thiên cang.
Trà Triệu Lão, bánh Thiều Dương,
bầy thiền tử hãy còn đói khát;
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất,
chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết;
Lộc đào hoa. nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.
Nội dung tư tưởng đạo đức thể hiện trong hội này tập trung biện luận cho tính nhất thể, hợp nhất, “tính chính tông” của đường lối “Cư trần lạc đạo”. Dù trong thực tế của tiến trình Phật giáo cho đến thời Trần có nhiều môn phái, hình thức, phương pháp tu tập truyền giảng khác nhau song qua chỉ giáo của Trần Nhân Tông cho thấy rốt ráo lại cùng nhằm một mục đích là giải thoát, đưa lại an lạc cho con người. Ngài đã dẫn dụ nhiều sử liệu phức tạp của lịch sử Phật giáo, Nho giáo, tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Bằng sự thuyết phục, nhắn nhủ tinh thần khoan dung trong nhận thức vượt qua mọi phân biệt, kỳ thị, cố chấp, câu nệ về hình thức Trần Nhân Tông đã đi đến kết luận: “Tượng chúng ấy. Cốc một chân không” nghĩa là thảy đều quy về học thuyết tính không để giác ngộ, giải thoát chúng sinh. Ngài khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy chủ động tích cực bồi bổ thêm ý chí, nghị lực, sự minh triết, quyết tâm tu dưỡng đạo đức, nâng cao trí huệ, hoàn thiện nhân cách, trở nên những nhân cách siêu việt, an lạc giữa cuộc đời đầy thách thức. Ngài tin tưởng vào khả năng chuyển hóa thân, tâm, ý của tất thẩy mọi người dẫu thực trạng lúc đó còn có nhiều cách biệt trong xã hội. Đường hướng Cư trần lạc đạo của Ngài cũng nhằm mục tiêu san phẳng những hố sâu chia cắt ấy.
Ở đây chúng ta cần nhìn nhận sức mạnh lan tỏa mang tính thiêng liêng từ những nội dung tư tưởng đạo đức Phật giáo của đệ nhất tổ Thiền phái Trúc lâm Ngài Trần Nhân Tông, nó còn có sứcmạnh chuyển hóa nội tâm, của con người hiện đại. Đặc biệt trong đó khía cạnh đạo đức môi trường xuyên suốt được chuyển tải trong các giá trị đạo đức “tam giáo”, nổi bật nhất trong đó chủ đạo là Phật giáo, ngày nay càng tỏa sáng qua tìm hiểu tác phẩm này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, các nội dung tư tưởng đạo đức tôn giáo phương Đông dù rất thâm sâu vẫn luôn có những giới hạn thời đại, do bị quy định bởi tính “huyền bí” của đời sống tâm linh nội tỉnh. Nó rất cần được đặt trong một tương quan chặt chẽ với các hình thức ý thức xã hội khác như ý thức chính trị, ý thức pháp luật, và không nên tách khỏi bối cảnh lịch sử đương thời Đại Việt.
-
- Hội thứ mười: [12]
Tượng chúng ấy.
Cốc một chân không;
Dùng đòi căn khí.
Nhân lòng ta vướng châp khôn thông;
Há cơ tổ nay còn thửa bí.
Chúng Tiểu thừa cốc hay chửa đến,
Bụt xá ngăn Bảo sở hóa thành;
Đấng Thượng sĩ chứng thực mà nên
ai ghẻ có sơn lâm thành thị.
Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao;
Chiền vắng am thanh,
chỉn thực cảnh đạo nhân du hý.
Ngựa cao tán cả.
Diêm vương nào kể đứa nghênh ngang;
Gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý.
Chuộng công danh, lồng nhân ngã,
thực ây phàm phu;
Say đạo đức, dời thân tâm,
định nên thánh trí.
Mày ngang mũi dọc,
tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau;
Mắt thánh lòng phàm,
thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý.
Hội này có nội dung tiếp tục khẳng định tuy có nhiều cách thức tu tập khác nhau tùy theo căn tính con người, tùy theo thời thế nhưng con đường chính tông cần phải quy tập tất cả thường cùng chung một mục đích là nhằm cứu khổ giải thoát con người. Tất cả mọi người đều bình đẳng về Phật tính, vốn bản tính Phật nằm sẵn trong tâm của họ. Cần có ứng xử khoan dung chấp nhận sự khác biệt đa dạng của thế giới hiện tượng, sự khác biệt của cá nhân, tính cách, số phận, địa vị, hành xử, để hướng chung vào mục tiêu quy tụ tâm Phật, tâm sáng để xây dựng đất nước Đại Việt an lạc, người dân hạnh phúc. Ngài ngầm ý đưa ra thông điệp để có thể hiện thực hóa đất nước an lạc không thể không nỗ lực giáo hóa dân chúng và tự giáo hóa bản thân thường xuyên, san phẳng mọi rào cản, sự cách biệt tạo ra sự đồng tâm nhất trí hòa hợp trong triều ngoài nội. Đó cũng chính là giá trị phật học và thực tiễn của tư tưởng đạo đức trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo”.
-
- Bài kệ kết thúc
Kệ rằng:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
(nghĩa là: Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên,
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền,
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền.)
Cốt lõi nội dung tư tưởng đạo đức của bài kệ chính là chủ đề xuyên suốt qua mười hội đã phân tích ở trên. Trần Nhân Tông khẳng định Thiền phái Trúc lâm chính tông do Ngài sáng lập là hoàn toàn có thể hiện thực hóa trên đất nước Đại Việt. Thiền giả an nhiên vui sống giữa đời trần tục nhờ biết tu dưỡng đạo đức cầu tiến mọi người đều có thể hướng thượng vươn tới chân, thiện, mỹ, đạt đượt niềm vui siêu việt của lý tưởng đạo đức. Con đường hiện thực lý tưởng đó yêu cầu mọi người phải tuân thủ giới, định, tuệ, theo phép tu thiền Trúc Lâm, vừa rất nghiêm nhặt lại tùy duyên thuận theo lẽ tự nhiên. Con người cần giữ gìn tâm Phật, tâm sáng ung dung tự tại, trung thực với chính bản thân và cuộc đời sống hòa hợp thân, khẩu, ý, thống nhất giữa bên trong với bên ngoài, chăm làm điều thiện. Trần Nhân Tông đã kế thừa và tổng hợp sáng tạo nâng cao những chuẩn mực đạo đức truyền thống nhờ tiếp biến các yếu tố nội dung đạo đức Tam giáo, trong đó cốt tủy là Thiền Phật giáo đưa ra đường hướng “Cư trần lạc đạo” hết sức cô đúc, sâu sắc, thiết thực và có giá trị bền vững. Chúng tôi rất tâm đắc khía cạnh đạo đức môi trường là một nội dung sáng giá trong quan niệm đạo đức của bài phú này, đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại càng phát lộ vẻ đẹp đặc biệt của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thay lời kết
Qua phân tích trên cho chúng ta thấy nội dung tư tưởng đạo đức cơ bản của Trần Nhân Tông được chuyển tải dưới vỏ ngôn từ chữ Hán nôm cổ trong hình thức thể loại phú với những hình tượng, điển tích phong phú, cách thức diễn đạt đặc biệt nhưng cũng hết sức lôgic, khúc chiết. Tư tưởng đó tuy được tiếp biến từ Tam giáo trong đó cốt tủy là thiền Phật giáo song được hướng dẫn chỉ đạo bởi tinh thần dân tộc và nhân văn, nhân đạo, trong hào khí Đông A. Nó được xây dựng một cách có cơ sở, cơ sở lý luận thiền học và tam giáo, và nền tảng thực tiễn chắc chắn. Trần Nhân Tông cho rằng, để giữ vững vương triều và phát triển đất nước cần có hệ tư tưởng chỉ dẫn chính thống, chính tông. Ngài đã dầy công học hỏi trau dồi, rèn luyện, tu tập, chứng nghiệm suy tư chỉ ra con đường sáng “Cư trần lạc đạo”. Ngài chỉ dẫn mọi người cần phải không ngừng trau dồi tu tập, rèn rũa theo phép tu thiền Trúc Lâm cư trần lạc đạo nhằm đáp ứng các yêu cầu về lý tưởng, chuẩn mực, nhân cách đạo đức và yêu cầu thực tiễn. Phương pháp đó đòi hỏi sự đồng tâm nhất trí của cá nhân, xã hội từ nội tâm đến ngoại trạng. Tuân thủ tiến trình tu dưỡng con người phải nhất tâm duy trì tính sáng tính thiện, tính Phật trong đời sống, đồng thời thực hành các trách nhiệm, bổn phận trong hiện thế, coi đó là bản thể, động lực, mục tiêu của quá tình tu dưỡng. Ngài còn chỉ dẫn cách khắc phục các sai lạc, vướng trở, nhắc nhở về các khả năng chệch hướng xa rời chính tông. Ngài còn phá bỏ những rào cản trong nhận thức và hành vi, chỉ dẫn điểm tương đồng mục tiêu chung của các sai biệt về căn tính, tông phái. Ngài khẳng định về điều kiện cần thiết phải xây dựng thiền phái Trúc Lâm, cơ quan tổ chức, hướng dẫn, “quản lý” sự nghiệp xây nền đạo đức theo đường hướng “Cư trần lạc đạo” cho Đại Việt thời Trần và có vai trò ảnh hưởng dài lâu trong lịch sử. Ngày nay dưới ánh sáng tư duy hiện đại gạn đục khơi trong nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội hiện đại đã hình thành nội dung đạo đức môi trường, chính là cơ sở lý luận giúp chúng ta phát hiện “trở lại” các hạt nhân hợp lý ẩn chứa dưới lớp vỏ đạo đức tôn giáo trong tác phẩm này. Đặc biệt giá trị nội dung đạo đức của Trần Nhân Tông có được uy vọng của Đấng quân vương - vị Phật hoàng - Đệ nhất Tổ nên có sức lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ phục hưng Đại Việt.
Nội dung đạo đức môi trường trong tác phẩm tuy ảnh hưởng từ Phật, Nho, Đạo song nó hiện đại ở chỗ nó đặt nền móng ở lòng tin về sự bình đẳng mang tính thiêng liêng của phẩm giá mỗi người hài hòa với thiên nhiên, vạn vật. Nó đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết bảo vệ, tôn trọng sự sống, sự độc đáo thiêng liêng của các cá nhân, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh phải bảo vệ mối quan hệ hài hòa hữu cơ giữa cá nhân với cả loài người, với toàn thể tự nhiên rộng lớn. Trần Nhân Tông đặc biệt nhấn mạnh bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tương quan với người khác, thế hệ mai sau, với chỉnh thể vũ trụ, bảo vệ môi trường rộng lớn. Những nội dung này đặt trong bối cảnh hiện nay càng khẳng định, ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng, tầm vóc của trí tuệ siêu việt, nhân cách vĩ đại, tâm hồn từ bi rộng mở của Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông./.
Tài liệu tham khảo
- Đại Việt sử ký toàn thư (1993), Tập II, NXBKHXH, Hà Nội.
- Thơ văn Lý-Trần (1989), Tập II, quyển thượng, NXBKHXH, Hà Nội.
- Tam tổ thực lục (1995), Thích Phước Sơn dịch và chú giải. Viện nghiên cứu Phật học, Thành Phố Hồ Chí Minh.
- Lê Mạnh Thát (2000), Trần Nhân Tông toàn tập. NXB. Thành Phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận tập I, NXBKHXH, Hà Nội.
[1] ĐVSKTT, tập II NXBKHXH 1993, trang. 43.
[2] ĐVSKTT, tập II NXBKHXH 1993, trang. 44.
[3] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr. 401.
[4] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr.401 - tr.402.
[5] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr.401 - tr.402.
[6] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr.403 - tr.405.
[7] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr.405 - tr.406.
[8] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr.407 - tr.408.
[9] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr.409 - tr. 410.
[10] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr. 410.
[11]Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr. 411 - tr. 412.
[12] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập. NXB TPHCM, HN 2000, tr. 413.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền