PHẬT GIÁO ĐỒNG HÀNH CÙNG VỚI DÂN TỘC TRONG CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI

Thứ ba - 14/06/2022 05:50

PHẬT GIÁO ĐỒNG HÀNH CÙNG VỚI DÂN TỘC TRONG					     CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI

TS. Nguyễn Thúy Thơm (Thích Minh Thịnh), Ủy viên Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.


Dẫn Nhập
 
     Từ khi có mặt trên đất nước Việt Nam đến nay, đã hơn hai nghìn năm trôi qua, Phật giáo như người bạn thủy chung, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trên mọi nẻo đường, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc. Khi đất nước đứng trước mối nguy bị xâm lăng, đồng bào Phật giáo cùng với nhân dân đồng lòng đứng lên, đoàn kết sức mạnh đánh đuổi quân thù, mang lại bình yên cho tổ quốc; khi đất nước bình yên, Phật giáo lại cùng nhân dân xây dựng đất nước. Chính vì thế mà:
                             "Trang sử Phật
                             Đồng thời là trang sử Việt
                             Trải bao độ hưng suy
                             Có nguy mà chẳng mất"[1]
     Trải qua gần 2000 năm tồn tại và phát triển, với bản chất từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, yêu hòa bình, tôn trọng sự sống, chân lý sống đẹp, đề cao đạo đức, đề cao tính thiện, đạo Phật đã thực sự trở thành tôn giáo truyền thống của người Việt. Phật Giáo đang tiếp nối lịch sử, đoàn kết để làm tròn sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới. Cùng với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang hòa mình cùng với dòng chảy phát triển của đất nước ta về mọi mặt từ công cuộc xây dựng tổ quốc đến đời sống xã hội. Trong đó, từ thiện xã hội của Phật giáo là hoạt động thường xuyên, giàu ý nghĩa và đã đem lại những kết quả to lớn, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc ổn định đất nước, an sinh xã hội.
     Nội dung
     1. Từ thiện xã hội trong giáo lý Phật giáo
     Điểm chung của các tôn giáo là giá trị đạo đức, luôn hướng con người ta đến cái thiện, chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
                 “Chúa Giêsu dạy: đạo đức là bác ái
                 Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi
                 Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”[2]
Nghị quyết 24 - NQ/TW về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, cũng nhấn mạnh "Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới".
     Phật giáo lấy từ bi làm gốc, lòng yêu thương bao trùm cả muôn loài, luôn khuyên răn con người làm việc thiện, tránh việc ác, điều đó thể hiện rõ nét trong giáo lý Phật giáo, cụ thể như trong các phạm trù: Bố thí, từ bi, nguyên lý "phụng sự chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật"...:
     Bố thí: là một đức hạnh cao quí thường được đề cập đến trong cuộc sống tu tập của người con Phật, tu sĩ lẫn cư sĩ. Bố là chia bày ra, thí là trao tặng, “ bố thí” là đem năng lực vật chất như của cải tiền bạc của mình hiến dâng chia tặng cho người, bao gồm sự giúp đỡ những kẻ nghèo đói bệnh tật hoạn nạn, những người cần sự giúp đỡ về một phương diện nào đó, như hành động bố thí thức ăn, tiền bạc vật dụng phẩm vật …
     Từ bi: Theo Từ điển Phật học, Từ (Metta) là sự thương yêu chúng sinh và tạo cho chúng sinh sự an lạc; Bi (Karuna) là sự đồng cảm với nỗi khổ của chúng sinh.
Nguyên lý “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật” của Phật giáo: Giáo lý của đạo Phật hướng con người đến cái thiện, đưa con người soi sáng đời mình bằng một lối đi chung, là cho đi không hề suy tính. Nhờ sự cúng dường chân chính của Phật tử và nhân dân thúc đẩy Tăng ni đã cố gắng càng cố gắng hơn trong nhiệm vụ cao cả của mình. Tăng Ni và Phật tử phụng sự chúng sinh tốt chính là cúng dường chư Phật. Đạo Phật dạy cho con người mở lòng từ bi ở chỗ thể hiện lòng từ bi đó không giới hạn ở bất kỳ biên cương, bờ cõi, màu da, sắc tộc, giới tính, tuổi tác... Mọi người đều cần được chăm sóc, yêu thương lẫn nhau. Cách thức mở rộng tình thương yêu này làm tâm con người không bị giới hạn bởi bất kỳ hạn cuộc nào. “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật” là phương châm nhập thế cơ bản của đạo Phật. Dưới ánh hào quang của đức Phật, cùng tinh thần bác ái, “thương người như thể thương thân” của người dân Việt Nam, đạo Phật ngày nay càng đến gần hơn với những người nghèo khổ, người bất hạnh thông qua các hoạt động thực tiễn.

     2. Những thành tựu đạt được và khó khăn trong quá trình đồng hành của Phật Giáo với dân tộc trong công tác từ thiện xã hội
     2.1. Những thành tựu đạt được trong quá trình đồng hành của Phật Giáo với dân tộc trong công tác từ thiện xã hội
Kính thưa quý vị!
     Năm nay (2017), Giáo hội đang tiến tới “Đại Hội Phật Giáo toàn quốc lần thứ 8” vào tháng 11 được tổ chức tại Hà Nội. Một chặng đường dài 36 năm mà Giáo Hội đã đi qua cùng với bao thăng trầm của đất nước Việt Nam. Trong xu thế hội nhập và từng bước phát triển, hiện đại, chúng ta đang vui với niềm vui thắng lợi mới của đất nước, đất nước đang thay da đổi thịt, nhà tranh vách lá đã được thay thế bằng những tòa nhà hiện đại, đường xá, phương tiện giao thông mọi thứ đều phát triển…, đời sống nhân dân cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Bên cạnh đó chúng ta cũng không quên đi rằng đâu đó trên đất nước này cũng có biết bao con người bất hạnh, những mảnh đời khốn khổ không cơm ăn áo mặc. Họ đều sống dưới một ngôi nhà Việt chung. Nhờ đạo Phật, con người hiểu được giá trị của lòng yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ những” đồng bào” ấy. Đó chính là quả ngọt từ tấm lòng từ bi. “Phật giáo” với đạo “từ bi” gắn với nhau như hình với bóng. Trong kinh Đức Phật dạy rằng: “Nếu có chúng hữu tình nào bị đói khát hoành hành, đến nỗi vì tìm miếng ăn mà phải tạo các nghiệp dữ, hễ nghe danh hiệu ta rồi chuyên tâm trì niệm trước hết ta dùng các món ăn uống ngon lạ ban bố cho thân họ được no đủ và sau ta mới đem pháp vị  nhiệm màu kiến lập cho họ cảnh giới an lạc hoàn toàn”. Ngoài ra, Đức Phật còn cho rằng “Trong các sự bố thí, pháp thí có công năng lớn nhất không gì có thể sánh bằng”. Như vậy, đạo Phật xem hạnh bố thí, giúp đỡ con người, mọi loài chúng sinh  là chân lí chắc thật, quyết định con đường đi đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho nhân loại. Sống theo hạnh từ bi là cách chúng ta tạo nên giá trị của cuộc sống bản thân, cách để những người con của đức Phật tìm đến sự an lạc, niềm vui giữa cuộc đời từ việc quan tâm, giúp đỡ cho người khác. Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nhập thế hành đạo, thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện-xã hội, giúp đỡ những mảnh đời chẳng may gặp khốn khó và bất hạnh trong xã hội. Theo Báo Cáo tổng kết công tác Phật sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong những năm gần đây( từ năm 2013 đến năm 2016), hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo tại Việt Nam được nhiều người quan tâm đến và gặt hái không ít thành quả, thể hiện ở nhiều hoạt động cụ thể:
     Thứ nhất: Tuệ Tĩnh đường, phòng thuốc Đông Tây y
     Đạo Phật có câu: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ”. Kế thừa và phát huy tinh thần đó cùng với truyền thống  “lương y như từ mẫu” của người Việt Nam, Phật giáo hiện nay đã có trên 150 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 01 phòng khám Đa khoa và hàng trăm phòng thuốc nam, châm cứu được tăng ni và phật tử mở ra hoạt động có hiệu quả tại nhiều địa bàn tỉnh thành, khám và phát thuốc nam, thuốc tây, châm cứu, bấm huyệt cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân. Tổng chi phí điều trị ước tính hàng chục tỷ đồng.
     Thứ hai, trường nuôi dạy trẻ và lớp học tình thương
     Trên tinh thần trách nhiệm ưu đời mẫn thế của người con Phật,và phát huy tinh thần “ hiếu học”, “ thương người như thể thương thân” của người Việt Nam, các lớp học tình thương, trường mẫu giáo, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ bị nhiễm HIV, trung tâm dưỡng lão, trường dạy nghề…được Giáo Hội chú trọng mở ra trên khắp đất nước Việt Nam như Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Tây Ninh, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Đak Lak, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tính đến năm 2016, Gần 3000 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật; hơn 1500 cụ già neo đơn nhận được sự giúp đỡ và quan tâm, chăm sóc của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Nhìn chung các cơ sở nuôi dạy trẻ, lớp học tình thương của GHPGVN đều hoạt động ổn định, cơ sở khang trang, tiện ích, góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội, chi phí cho toàn bộ công tác này hàng ngàn tỷ đồng.
     Thứ ba, các công tác từ thiện tiêu biểu khác (tính từ năm 2013 đến hết năm 2016)
     Có thể nói công tác từ thiện xã hội không được cứng nhắc mà phải biến đổi cho phù hợp với thực tế khách quan và chính sách của Đảng, nhà nước. Đồng thời, Từ thiện xã hội nói chung và từ thiện xã hội của Phật Giáo nói riêng không chỉ hướng đến đồng bào trong nước mà còn cả những đồng bào gặp phải hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài. Dựa trên tinh thần đó. Hàng năm, bên cạnh việc xây dựng tuệ tĩnh đường, phòng khám đông, tây y hay xây dựng các lớp học tình thương, Giáo Hội còn tích cực trong nhều hoạt động từ thiện khác. Chẳng hạn như năm 2015 được xem là một mốc lịch sử đáng ghi nhớ và sót xa trong lịch sử của đất nước Nepal. Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra trưa ngày 25 tháng 4 năm 2015 tại Nepal đã  gây thiệt hại to lớn về người và tài sản đối với đất nước và nhân dân Nepal. Đây là một thảm họa thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, chấn động lòng người và nhân loại trên toàn thế giới. Trước cảnh thương tâm, với tinh thần từ bi của Đạo Phật và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, nhất là tình hữu nghị của hai quốc gia và Giáo hội hai nước Việt Nam – Nepal, chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các Tu viện và Phật tử đã phát tâm đóng góp tài chánh để chia sẻ một phần những mất mát và đau thương mà nhân dân Nepal đang phải gánh chịu. Theo báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2015 của GHPGVN, qua hơn hai tháng vận động, số tiền ủng hộ là 2.464.590.000đ, 2.700 USD, 100 đô la Úc và 4.700 Rupess. Số tiền này đã được chuyển đến nhân dân Nepal. Ngoài ra, từ ngày 18 – 21/6/2015, phái đoàn Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh do HT. Thích Thiện Tánh – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực làm Trưởng đoàn đã trực tiếp cứu trợ đồng bào Nepal với số tiền là 350.000 USD; Từ ngày 16 – 20/6/2015, phái đoàn Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ đã đến thăm và cứu trợ đồng bào Nepal với số tiền là 180.000 USD.
     Hay gần đây nhất là năm 2016, chúng ta có thể nhắc đến sự kiện cá chết hàng loạt ở Việt Nam tại các tỉnh ven biển Miền Trung làm ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào ngư dân. Phật tử gần xa đã tập trung quà cứu trợ và động viên bà con ngư dân trước thảm họa này.
     Nhìn vào những số liệu thống kê ở trên, chúng ta thấy, công tác từ thiện của Phật giáo đã đạt được những thành tựu nhất định không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Cụ thể:
     Thứ nhất: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bước đầu chú ý đến việc phát triển hoạt động theo chiều sâu, tức là hướng đến giải quyết "gốc rễ" vấn đề cho đối tượng từ thiện xã hội.
     Ngày nay, bên cạnh việc đem tặng cho người khó khăn những thùng mì, gạo, đường, hay vật gia dụng ….tạm thời trong lúc cấp bách, những người làm từ thiện còn hướng đến phương châm “giúp đỡ bền vững”. Chẳng hạn, đối những người nghèo khó, những thứ vật chất trợ cấp chỉ có giới hạn và tạm thời trong lúc khó khăn. Còn về lâu dài, khi sử dụng hết thì họ lại phải quay về với cuộc sống thiếu thốn. Trước nhu cầu thực tiễn đó, ngành từ thiện xã hội Phật Giáo đang thay đổi tư duy trong cách hoạt động. Đại Đức : Quách Thành SATTHA, đã phát biểu trong bài tham luận của mình: “đừng lo cho họ chỉ vật chất mà hãy lo cho họ biết nguyên nhân khổ và hãy mang lại cho họ hướng đi an lành nhất”. Những chiếc cầu bắc ngang sông nơi những vùng quê nghèo hẻo lánh vẫn còn hiện hữu đó, hay những con trâu, con bò được trao tặng cho người dân , giúp họ vươn lên, thoát nghèo bằng chính năng lực bản thân mình. Phật Giáo trong công tác từ thiện xã hội đang đứng dưới góc độ giúp tận tay, trao cho người dân “cái cày, con trâu” chứ không chỉ cho họ “lúa gạo”. Từ thiện xã hội Phật Giáo luôn đồng hành cùng với những người khó khăn, hướng họ tìm về nguồn sống và ánh sáng, chăm lo cho sức khỏe để họ quay về với chính bản thân và có sức khỏe để vươn lên. Hàng năm, chương trình “Ánh sáng từ tâm” nhằm phẫu thuật mắt cho bệnh nhân nghèo vẫn diễn ra nhiều nơi trên đất nước, hay cùng với sự phát triển của phương tiện khoa học kĩ thuật, các tăng ni, phật tử khắp nơi đã gom góp quỹ để thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật ghép thủy tinh thể nhân tạo”, “phẫu thuật tim cho người nghèo”….
     Thứ hai, Người làm từ thiện đã thực sự tìm thấy niềm vui trong hoạt động của mình.
     Phật giáo hướng con người ta đến cái đẹp, cái thiện và sự hoàn mỹ. Đạo Phật dạy con người ta biết mở rộng lòng mình để sẻ chia với người khác. Bởi “ sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”. Theo Cư sĩ Thiện Hải, một người thường xuyên gắn bó với công tác từ thiện xã hội: “ Với Phương Châm Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật, người cư sĩ dấn thân với tâm nguyện mang lại niềm vui cho người khác, lấy niềm vui của tha nhân làm niềm vui cho mình”. Đối với những phật tử, tăng ni đồng hành trong công tác từ thiện xã hội của đất nước món quà mà họ nhận lại chính là tiếng cười, niềm vui, niềm hạnh phúc của những đứa trẻ, hay những người nghèo, người bệnh. Chị N.T.T là Phật tử trong đoàn công tác từ thiện của chùa Bồ Đề, Hà Nội. Một lần, được nghe chị tâm sự về niềm vui khi được làm từ thiện cho các trẻ em nơi đây, chị vô cùng xúc động. Chị bảo: “ thật may mắn cho nhiều trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ được sống và sinh hoạt dưới một mái nhà chung như Chùa Bồ Đề- Hà Nội, nơi đây Ni Sư trụ trì cùng bao bàn tay nhân ái với tấm lòng hảo tâm đã đem đến cho các em rất nhiều điều kiện để được học tập và vui chơi, những người làm từ thiện như tôi không mong mỏi gì hơn là thấy các em được mau ăn, chóng lớn, mạnh khỏe và trở thành những người con ngoan, trò giỏi, có ích cho xã hội.”  Không chỉ có thành phố, mà đâu đó, nơi vùng quê hẻo lánh xa xôi vẫn có những người đang sống với lí tưởng cao đẹp.Trong chuyến đi công tác tại Sơn La, tôi có lần được gặp cụ Tr.T.P, đã ngoài 80 tuổi, là UVBTSPG tỉnh Sơn La. Bên cạnh tạo điều kiện cho những đồng bào dân tộc thiểu số có môi trường tụng kinh và học giáo lí Phật Giáo nhằm áp dụng vào đời sống, an sinh xã hội, cụ còn tổ chức sinh hoạt và hướng dẫn cho đồng bào trồng cây, tăng gia sản xuất ...để vươn lên thoát nghèo. Đó chỉ là những trường hợp điển hình, bức tranh thu nhỏ của bao người con đức Phật đang âm thầm cống hiến cho cho đất nước Việt Nam.

     2.2. Những khó khăn trong quá trình đồng hành của Phật Giáo với công tác từ thiện xã hội

     Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác từ thiện xã hội của Phật giáo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn:
     Thứ nhất: Công tác từ thiện xã hội tại Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp
     Công tác từ thiện xã hội được xem là một nghề, đòi hỏi người đứng ra thực hiện phải có chuyên môn và được đào tạo nghiệp vụ như những ngành nghề khác. Cho đến nay, công tác xã hội (CTXH) đã được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận như một ngành nghề mang tính chuyên môn. Ở Việt Nam, hiện nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn hoặc đồng nhất hoạt động từ thiện, nhân đạo, tình nguyện với công tác từ thiện xã hội. Từ thiện hiện nay muốn đạt được hiệu quả cao nhất và thiết thực nhất, bên cạnh nguồn nhân lực có “tâm”, họ phải được trang bị đủ trình độ chuyên môn, có chiến lược và sách lược cụ thể. Đồng thời, những cán bộ hay tăng ni làm công tác từ thiện cũng phải vạch ra kế hoạch ngắn hạn, trung và dài hạn một cách rõ ràng. Theo Hòa thượng Thích Như Niệm: “Đâu phải ai cũng có thể làm công tác Từ Thiện Xã Hội,, ngoài tiền của, cái tâm thương cảm với các hoàn cảnh đáng thương, khó khăn, người làm công tác từ thiện xã hội còn cần nhiều tố chất khác”. Công tác từ thiện xã hội tại Việt Nam chưa mang tính chuyên nghiệp cao thể hiện ở nhiều yếu tố, trong đó mạng lưới cán bộ, nhân viên CTXH ở nước ta chưa được thiết lập cơ bản và hệ thống là điều có thể thấy rõ nhất.
     Về Phật Giáo nói riêng, ngành từ thiện. Xã Hội Phật Giáo hoạt động đa phần là những người làm việc thiện nguyện, xuất phát từ tâm, với tấm lòng từ bi, vô ngại, trong số đó có rất ít người có chuyên môn ngành công tác xã hội. Giáo hội đã mở được một số lớp đào tạo lương y, y tá, giáo viên, mầm non, nhân viên ngành công tác xã hội… nhằm cung cấp nhân lực cho nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, rất ít người trong số họ làm việc đúng với chuyên ngành mình đã học. Hậu quả dẫn đến thiếu tính chuyên môn, nghiệp vụ cao và đôi khi còn xảy ra sai sót trong quá trình làm việc.
     Thứ hai, công tác từ thiện xã hội đôi khi còn mang tính tự phát, không có tính thống nhất cao
     Làm từ thiện xã hội bên cạnh việc công tâm, minh bạch, thì những người thực hiện công tác từ thiện xã hội trong Phật Giáo còn phải có tầm nhìn xa, trông rộng. Một điều khó hơn nữa là làm sao để tất cả công tác từ thiện xã hội của Phật Giáo đi vào một dòng chảy thống nhất, từ đó mới có thể phát huy sức mạnh tập thể. Ai trong chúng ta cũng có thể thấy, hoạt động từ thiện của Phật Giáo diễn ra khắp mọi nơi và đâu đâu cũng có thể bắt gặp. Từ những căn nhà, lớp học tình thương, từ những phòng khám lương y, hay những số tiền chắt góp cho người nghèo, người lâm vào hoàn cảnh khốn khó, thiên tai, bệnh dịch… Nhưng ít ai trong số chúng ta biết được rằng, tuy diễn ra nhiều như vậy, nhưng các hoạt động từ thiện xã hội của Phật Giáo ở nước ta còn mang tính tự phát cao, thiếu tính thống nhất. Các hoạt động từ thiện này chủ yếu xuất phát từ tấm lòng hảo tâm, hướng thiện của những người con đức Phật. Họ làm từ thiện theo kiểu riêng biệt, không có sự đồng thuận và tiếng nói chung, dẫn đến hiệu quả thấp và gây khó khăn trong việc thống kê cũng như công tác quản lí.

     3. Những kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay
     - Nhà nước tạo điều kiện tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn để tuyên truyền cho các Phật tử, tăng ni về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển CTXH như một nghề chuyên nghiệp.
     - Nhà nước và Giáo Hội cần phối hợp đề ra biện pháp nhằm tập hợp các cá nhân và tập thể vào một khuôn khổ chung của công tác từ thiện xã hội, hạn chế tới mức tối đa các hoạt động từ thiện tự phát , phát huy sức mạnh gắn kết và tập thể.
     - Giáo hội và Nhà nước cần có biện pháp xử phạt hành chính gắt gao hơn đối với các cá nhân, tập thể lợi dụng hoạt động từ thiện xã hội của Phật Giáo vì mục đích bản thân.
     - Giáo Hội và Nhà Nước cần phối hợp để tổ chức cho các tăng ni trẻ các chuyến đi điền dã, tạo cho họ có điều kiện gắn bó với địa phương và trong quá trình hòa nhập với đời sống người dân, họ sẽ tìm ra nhu cầu cần thiết và hướng đến giải quyết những vấn đề lâu dài, mang tính chiến lược, hệ thống và khoa học trong công tác từ thiện xã hội.
     Thời đại toàn cầu hóa đang mở ra cho Việt Nam cơ hội lớn để hội nhập và phát triển. Nó tạo điều kiện để chúng ta mở mang các mối quan hệ hợp tác quốc tế, kết nối với các quốc gia phát triển trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra không ít thách thức cho đất nước ta, tạo ra những biến động lớn về kinh tế, xã hội. Chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nước khác, đưa đến sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Vì vậy, công tác từ thiện xã hội, giúp ích cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là hết sức cần thiết và ngày càng cấp bách trong xã hội ngày nay.  Có thể thấy rõ, Phật Giáo luôn đồng hành cùng mọi khó khăn của đất nước, điều đó thể hiện rõ qua công tác từ thiện xã hội.  Càng có nhiều tăng ni, phật tử góp một phần nhỏ công sức của mình thì càng nhiều người sẽ nhận được giúp đỡ hơn. Theo tôi, đối với người giàu, ta có thể góp tiền bạc. Còn người nghèo, không có tiền của ,có thể góp công sức cho người nghèo hơn. Ta có thể đến chùa chấp tác để các sư có thời gian đi làm công tác từ thiện xã hội. Hay đi phát quà, đi tình nguyện trong các chuyến từ thiện xã hội của Phật Giáo. Người góp công, người góp của, ai có nhiều góp nhiều, không có thì góp công góp sức, như vậy mới giúp cho Công Tác xã hội của Phật Giáo trở nên hoàn thiện hơn và sôi nổi hơn. Phật Giáo là một thực thể của xã hội, mỗi người Tăng Ni, phật tử lại là một phần tử của Phật Giáo. Trong đó có thể nói thế hệ Tăng Ni trẻ có đầy đủ phạm hạnh, giới đức, năng lực, trí tuệ là một trong những mầm mống và hạt nhân quan trọng nhất. Họ cần được giáo dục và nâng tầm nhận thức để tiếp nối truyền thống của đạo Phật, đưa công tác từ thiện xã hội đến gần với người dân hơn.
     Đạo Phật ở Việt Nam trong công tác từ thiện xã hội mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc”. Phật Giáo đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực của cuộc sống và một trong những khía cạnh nổi bật nhất chính là công tác từ thiện xã hội.
Phật giáo chính là vòng tròn đồng tâm hội tụ những tấm lòng cao cả, đưa con người đến gần nhau hơn, đưa những mảnh đời bất hạnh vượt qua phần nào hoàn cảnh khốn khó. Có thể nói Phật Giáo Việt Nam với tư cách là một tôn giáo truyền thống, có bề dày lịch sử lâu đời với những giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn được kế thừa và ngày càng phát triển, đang đồng hành với dân tộc nhiều hơn trong công tác từ thiện xã hội./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo tổng kết công tác Phật Sự từ năm 2013 đến năm 2016 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
2. Hòa thượng Thích Như Niệm(2011) “Ngành từ thiện xã hội Phật Giáo - Cần thay đổi tư duy trong công tác và tập trung sức mạnh của tăng ni, phật tử”, Kỷ yếu Hội Thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập giáo hội Phật Giáo Việt Nam 1981- 2011, NXB Tôn Giáo.
3. Thượng Tọa Thích Quảng Tùng( 2011) , “Tình hình hoạt động nhân đạo của Phật Giáo Việt Nam 30 năm thuận lợi và khó khăn” , Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập giáo hội Phật Giáo Việt Nam 1981- 2011, NXB Tôn Giáo.
4. Đại Đức  Quách Thành SATTHA (2011) “Hoằng Pháp Với Công Tác Từ Thiện Xã Hội”, Kỷ yếu Hội Thảo: Hoằng Pháp toàn quốc 2011 tại Bình Dương, chủ đề Phật Giáo với Dân Tộc, NXB Tôn Giáo
5. Kinh Dược Sư, phầm thứ 11.
6. Tài liệu thu thập được qua quá trình phỏng vấn sâu.
 
 
[1] Hồ Dzếch
[2] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 225

Tác giả: Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.349-358

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây