Dẫn nhập: Tôn giáo đóng vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của con người, thực tiễn đã cho thấy sức sống kỳ lạ của tôn giáo, cũng như ảnh hưởng rất sâu rộng của nó với đời sống của con người và xã hội. Tôn giáo từ khi ra đời đã trở thành đối tượng mà con người luôn khao khát khám phá, tìm hiểu. Có nhiều cách tiếp cận nghiên cứu tôn giáo khác như: sử học, nhân học, xã hội học…Mỗi một cách tiếp cận sẽ cho những kết quả nghiên cứu có giá trị về tôn giáo. Nếu như tiếp cận tôn giáo từ gốc độ luật học thì các nhà khoa học cho rằng pháp luật tự nhiên tôn giáo được xem như là một trong những nguồn gốc của pháp luật thực tiễn.
1/Học thuyết về pháp luật tự nhiên
Hy Lạp – La Mã cổ đại là nơi khởi nguồn sản sinh ra tư tưởng về luật tự nhiên (lex natural law, jus naturale). Qua thần thoại Hy Lạp, người Hy Lạp cổ cho rằng có một thứ luật bất thành văn, thiêng liêng do thần linh tạo ra và được thần linh bảo trợ, luật này cao hơn so với luật do con người lập ra. Chính vì thế mà luật này tồn tại vĩnh hằng, độc lập và khách quan, nó chi phối và hướng dẫn hành vi của con người đi đến sự công bằng và đúng đắn. Đồng thời, con người có thể không cần tuân theo luật lệ của nhà cầm quyền và của trật tự chính trị đương thời nếu luật đó đi ngược lại với luật của thần linh.
Người đầu tiên có ý tưởng sơ khai về luật tự nhiên chính là Platon, ông cho rằng, luật đến từ thần linh hoặc đến từ sự thông minh xuất chúng của một người làm luật (chính là các nhà triết học). Ông công nhận có luật thần linh được áp dụng cho con người, nhưng ông cho rằng có “kẻ trung gian” ở giữa thần Dớt và con người và chỉ người này mới khám phá được luật của thần linh đó là “các nhà triết học chấp chính, những người này ở địa vị cao nhất vì họ là biểu tượng của tri thức, lý trí”. Do vậy, luật của con người trở thành kết tinh của lí trí, sự thông minh, đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của con người trên cơ sở luật của thần linh. Như vậy theo quan niệm của Platon luật tự nhiên đồng nhất với lí tính và tri thức đồng thời nó có nguồn gốc từ luật thần linh.
Nếu như Platon là người có ý tưởng sơ khai về pháp luật tự nhiên thì Aristotle được xem là cha đẻ của học thuyết pháp luật tự nhiên, theo ông pháp luật thể hiện rõ bản chất nhà nước và nhờ có pháp luật mà quyền của công dân được thể hiện và được củng cố. Ông phân biệt pháp luật thành 2 loại là Luật chung (luật tự nhiên) và Luật riêng, được xác định độc lập trong mỗi dân tộc. Pháp luật chung (luật tự nhiên) cao hơn pháp luật riêng. Theo ông, những quy luật, luật lệ và công lí có sẵn trong tự nhiên; bản thân các sự vật, hiện tượng cũng chứa sẵn tính luật. Thần linh là người ấn định bản tính tự nhiên của sự vật (ông cho đó là lí tính hay thần tính), những bản tính tự nhiên này tự sinh ra, tồn tại khách quan và độc lập với ý chí con người, có hiệu lực ở mọi lúc mọi nơi. Chính vì vậy mà theo ông con người chỉ có thể dùng lí trí để khám phá (tìm ra) luật pháp chứ không tạo ra luật pháp và dó đó cũng không thể thay đổi được luật tư nhiên. Theo đó việc soạn thảo luật pháp phải tuân theo những quy chuẩn của luật tự nhiên hay pháp luật phải là “sự suy diễn từ sự hài hòa của trật tự tự nhiên”. Trong tác phẩm “ chính thể Athens” ông đã bàn đến nguồn gốc tự nhiên của pháp luật : “ Một bộ phận của pháp luật áp dụng trong xã hội có tính chất tự nhiên, bộ phận còn lại dự trên nền tảng ban hành. Cái có tính chất tự nhiên là cái mà ở mọi nơi đều có cùng một hiệu lực và không tùy thuộc vào những ý kiến khác nhau của chúng ta …Cái gì xuất phát từ tự nhiên đều có tính cách bất di bất dịch ở khắp mọi nơi và đều có hiệu lực như nhau lửa cháy ở đây cũng giống như ở Ba tư…” Tư tưởng Aristotle đã coi pháp luật là “công lý”, theo ông “công lý” chính là “sự thật”, là nền tảng ban đầu, cơ bản của luật tự nhiên và từ đó vị trí trọng yếu trong luật tự nhiên chính là “công lý”.
Một trong những triết gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của trường phái Khắc kỉ và triết học Hy Lạp cổ Cicero, ông đã tiếp tục phát triển học thuyết pháp luật tự nhiên trên nền móng của người đi trước. Ông quan niệm: "cao hơn pháp luật do con người sáng tạo ra là luật bất biến và vĩnh cửu của tự nhiên. Chính những luật này đã chi phối luật pháp của con người" Trên cơ sở luận giải về công bằng, ông đưa ra quan điểm về pháp luật tự nhiên. Theo ông pháp luật tự nhiên tồn tại một cách hiển nhiên ở tất cả các nước, trong tất cả thời đại xuất phát từ bản chất tự nhiên của con người “có một luật pháp thật sự, đó là lý tính công bằng chính trực phù hợp với tự nhiên, phổ biến trong tất cả sinh vật, luôn luôn hòa hợp với bản thân nó, không diệt vong; nó kêu gọi chúng ta một cách khẩn thiết phải hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta, cấm chúng ta gian trá và khuyên ngăn chúng ta gian trá …”
Trong suốt cuộc đời mình, Cicero đã nghiên cứu các thể chế chính trị và luật pháp khác nhau trên thế giới. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông, như “Bàn về Cộng hòa” và “Bàn về luật pháp” đã được lưu hành rộng rãi, có thể thấy trí tuệ của ông được công nhận là vượt thời đại.
Kế thừa tư tưởng của các nhà hiền triết Hy Lạp, nổi bật là Aristotle, Cicero là người bàn về sự tồn tại của Luật tự nhiên (Luật của Chúa) khá chi tiết. Thời đại của Cicero là trước Công Nguyên, tại thời điểm đó, Chúa Giê-su còn chưa xuất hiện, tuy nhiên tư tưởng Cicero rất có tính tương đồng với tư tưởng của Kitô giáo sau này, ông cho rằng có một vị Chúa Sáng Thế đã sáng tạo ra thế gian, và luật của Ngài hiện hữu trong vạn vật. Quy luật này là hiển nhiên, là hợp với logic, và con người không thể thay đổi nó, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn như vậy.
Trong cuốn “Bàn về Cộng hòa”, ông viết: “Thật sự có một luật, là lý trí đúng đắn, hoàn toàn tuân theo tự nhiên; tồn tại trong tất cả, bất biến, và vĩnh cửu. Luật đó chỉ đạo cho chúng ta điều gì là tốt, cấm chúng ta làm điều xấu. Nó tràn ngập trong người tốt, nhưng người xấu thì sẽ không thấy sự hiện hữu của nó. Không có một luật lệ nào có thể thay thế nó, không có phần nào có thể bị lấy đi khỏi nó, và nó cũng không thể bị hủy bỏ. Không người dân hay nghị sĩ nào có thể thoát khỏi nó. Nó không thay đổi, không phải là một thứ này ở Rome, và một thứ khác ở Athens: không phải một thứ này ngày hôm nay và một thứ khác vào ngày mai. Nó là vĩnh cửu, không thay đổi đối với tất cả quốc gia và trong mọi thời điểm”
Như vậy Cicero không chỉ tiếp nhận những tư tưởng của những triết gia trước đó mà ông còn bổ sung một số đặc tính về luật tự nhiên khá đầy đủ như cách hiểu ngày nay. Trong tác phẩm bàn về pháp luật của ông đã viết: “ Luật pháp là lý trí tối thượng, được khắc ghi vào bản chất của mỗi chúng ta, quy định điều người ta phải làm và cấm đoán những điều người ta phải tránh”
Có thể thấy tư tưởng của Cicero có sự minh triết rất rõ ràng. Nếu như có một Luật tự nhiên phổ quát như vậy ở trong tất cả, thì con người cũng không nằm ngoài luật đó. Luật của tự nhiên mà Cicero nói tới ở đây không chỉ là những quy luật hiện hữu trong tự nhiên mà con người quan sát thấy, như ngày đêm, bốn mùa, mưa gió, thủy triều... Theo ông, luật tự nhiên còn bao hàm cả cách con người sinh sống và tồn tại. Chính vì vậy, Cicero cho rằng Luật tự nhiên quy định nên những giá trị đạo đức, chính tư tưởng này cũng lại phù hợp với tư tưởng của Kitô giáo, tức là nền tảng đạo đức của con người do Chúa Sáng Thế đặt định ra được thể hiện qua những điều răn của Chúa.
2/ Luật tự nhiên tôn giáo và giá trị của nó với luật thực định
Sau khi chế độ chiếm hữu nô lệ La mã bị sụp đổ vào thế kỷ thứ V –VI, ở Tây Âu nhà nước chế độ phong kiến dần hình thành, nhà thờ Cơ đốc giáo có vị trí đặc biệt. Với sức mạnh về kinh tế và chính trị nhà thờ đã trở thành một nhân tố thống soái trong hệ tư tưởng của xã hội phong kiến. Trong thời kỳ nay Giáo hội đã thống trị đời sống chính trị - xã hội phong kiến và công bố các đặc quyền đặc lợi của các lãnh chúa phong kiến, theo giáo hội thì sự áp bức bất công trong xã hội chính là sự an bài của Chúa. Qua đó giáo hội đã duy trì trật tự xã hội phong kiến thông lời kêu gọi “ phục tùng chính quyền”, “ nô lệ cam chịu khuất phục ông chủ của mình”. Để bảo vệ quyền lực thống trị của mình giáo hội tích cực tuyên truyền học thuyết “thần quyền” về nhà nước và pháp luật. Theo học thuyết này thì nhà nước là sản phẩm của của thượng đế và quyền lực chính trị là quyền lực mà thượng đế trao cho người đứng đầu nhà nước (nhà vua). Nhà vua kết hợp giữa vương quyền và thần quyền trong việc cai trị, tức là họ đại diện hay hiện thân của thượng đế thay mặt thượng đế cai quản xã hội và cai trị dân chúng. Hay nói cách khác quyền lực của nhà vua có được là do sự kết hợp giữa quyền lực chính trị và quyền lực tôn giáo, trật tự xã hội phải được thiết lập theo ý chí của nhà vua vì đó cũng chính là ý chí của thượng đế, việc chống lại nhà vua chính là chống lại thượng đế, nhà vua đứng trên cả luật pháp. Một số nhà nghiên cứu còn chia học thuyết thần quyền thành 3 phái khác nhau:
+ Phái quân quyền cho rằng: Thượng đế trao quyền cai trị xã hội trần thế cho nhà vua. Nhà vua có toàn quyền đối với vận mệnh của đất nước và người dân. Những gì vua yêu là hợp pháp, những gì vua ghét là bất hợp pháp (ý vua là ý trời). Vua chính là hiện thân của thượng đế ở trần gian.
+ Phái giáo quyền: Cốt lõi của học thuyết này quyền lực của nhà vua có được ở trần thế chính là thần linh mà thông qua giáo hội trao cho và do đó nhà vua cũng phải phục tùng giáo hội. Phái giáo quyền khẳng định thượng đế trao quyền cho giáo hội, giáo hội sẽ giữ quyền thống trị về mặt tinh thần và trao quyền quản lý xã hội (nhà nước) cho người đại diện (vua) quan điểm này thể hiện rõ trong học thuyết “hai thanh kiếm”. Theo đó thượng đế tạo ra 2 thanh kiếm làm biểu tượng: một tượng trưng cho uy quyền tôn giáo và một tượng trưng cho chính trị, theo đó Giáo hoàng phải nghe hoàng đế những vấn đề thuộc về chính trị, và ngược lại hoàng đế phải nghe theo giáo hoàng những vấn đề thuộc về tôn giáo. Đây chính là sự chia sẻ quyền lực trong việc cai quản xã hội trần thể giữa nhà vua và giáo hội.
+ Phái Dân quyền cho rằng: thượng đế trao quyền lực xã hội cho dân chúng và dân chúng ủy thác quyền lực này cho người đại diện (là vua). Trường hợp vua không thực hiện nguyện vọng mà dân chúng mong muốn thì dân có quyền lật đổ nhà vua để lập lên một vị vua mới.
Như vậy với học thuyết “thần quyền” dưới danh nghĩa của thượng đế thì quyền lực của nhà vua là không giới hạn. Học thuyết này thể hiện rõ nhất ở thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến.
Cùng với quan điểm nhà nước do thượng đế tạo ra, thì những quy tắc điều chỉnh hành vi trong cộng đồng xã hội cũng hình thành và thực hiện theo ý chí của thượng đế, đây chính là trọng tâm của thuyết pháp luật tự nhiên tôn giáo. Tư tưởng này chủ yếu bảo vệ, hợp thức hóa sự thao túng quyền lực tối cao của giáo hội thông qua việc tuyệt đối hóa quyền lực của thượng đế ở trần gian. Các giáo phụ Kitô giáo đã lấy tư tưởng luật tự nhiên của các triết gia Hy Lạp - La Mã nhưng được sử dụng trong khung cảnh mới của thời kỳ đó, cụ thể là mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Theo các nhà thần học Ki tô thì: Toàn bộ thế giới này do ý chí Thượng đế sáng tạo nên, kể cả bản tính của sự vật (có cả con người) và đó là cơ sở của luật tự nhiên. Con người cũng từng có bản tính nhưng do tội tổ tông (tội do Adam và Eva phạm phải) nên khi sinh ra đã xa rời bản tính và luật tự nhiên. Vì vậy, họ không thể tìm đến bản tính bằng lí trí mà phải trông cậy vào ân huệ và sự mặc khải của Chúa bằng lòng tin của mình. Luật tự nhiên là sự mặc khải tự nhiên (của Thượng đế) dành cho con người, khi con người dùng lí trí để tìm lại bản tính của mình và để khám phá trí tuệ của Thiên Chúa.
Điển hình của hệ tư tưởng này Thomas Aquinas (nhà thần học người Ý (1225 – 1274), ông tiếp tục khẳng định quan niệm luật tự nhiên có nguồn gốc từ tôn giáo và là sự biểu thị của đường lối Thiên Chúa đối với con người. Ông chia luật pháp thành bốn loại:
1) Luật vĩnh cửu, được ông gọi là: “Chính trí tuệ của Chúa điều hành thế giới” có giá trị cao nhất, quyết định sự tồn tại của vạn vật, là cơ sở tự nhiên và xã hội, của trật tự toàn thế giới.
2) Thần luật hay là “luật báo ứng” chính là Kinh Thánh.
3) Luật tự nhiên được coi là sự phản chiếu luật vĩnh cửu bằng lý trí con người, là phương tiện của loài người có lý tính để kết nối luật vĩnh cửu với luật thực định. Luật tự nhiên bao gồm mong muốn tự bảo tồn, kế tục dòng giống và quy luật chung sống của con người. Có thể thấy các nhà tư tưởng sau này đã lấy luật tự nhiên là một trong những nguồn gốc hình thành quyền tự nhiên và quyền pháp lý của con người ngày nay. Theo luật tự nhiên thì nguyên tắc đầu tiên và hiển nhiên chính là duy trì cái tốt, loại từ cái xấu dưới ánh sáng của lẽ phải và lí trí của con người. Thomas Aquinas cho rằng luật tự nhiên như là luật dựa trên bản tính của con người do Thiên Chúa tạo ra và chính nhờ lí trí mà con người có thể khám phá được bản tính ấy, biết được điều gì hợp với bản tính và điều gì trái với bản tính. Theo Thomas, luật tự nhiên không phải là những quy định chi tiết rõ ràng, bất biến mà nó bao gồm những giá trị mang tính phổ quát và sau đó nhờ lý trí của con người sẽ tìm ra cách ứng dụng vào những hoàn cảnh khác nhau.
4) Nhân luật (là luật thành văn hay gọi là luật thực định là pháp luật phong kiến hiện hành) là sự phản chiếu luật tự nhiên, không được trái luật tự nhiên. Nhân luật chính là luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh xã hội với mục đích phục vụ lợi ích chung và nó được ban hành dưới sự hỗ trợ bằng lí trí của con người. Lí trí và lẽ phải giúp con người chuyển hóa luật tự nhiên thành luật thực định. Điều này cũng có nghĩa là nhân luật phải phù hợp với luật tự nhiên, nếu không những quy tắc do con người đặt ra sẽ không phải là luật thực sự mà chỉ là sự bóp méo pháp luật. VD: như nhà cầm quyền không được cấm các thần dân được sống, hôn nhân và sinh đẻ …vì đây chính là quyền tự nhiên của con người. Pháp luật suy cho cùng chính là những mệnh lệnh của lý trí hợp lý vì mục đích tốt đẹp của cộng đồng. Luật thực định phải luôn luôn vươn tới luật tự nhiên với sự công bằng và đúng đắn nhất. Chính quyền nào ban hành đạo luật trái với luật tự nhiên (vô ý, bất công..) thì chính quyền đó đã tự mình đánh mất quyền lực đạo đức và bản thân các thần dân sẽ không phục tùng.
Như vậy theo Thomas thì luật thể hiện ý chí của Chúa và mang tính vĩnh cửu. Những gì trái với ý Chúa và trái với tự nhiên thì không phải là pháp luật và như vậy thì con người không cần thiết phải tuân theo. Kinh thánh cũng ghi nhận: “ Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có chính quyền nào mà không bởi Thiên chúa và những quyền bình hiện hữu là do thiên chúa thiết lập”
Có thể thấy các luật tôn giáo cổ đại như đạo luật Manu, đạo luật Hammurabi là những đạo luật về cơ bản đều cho rằng là do thần linh ban hành để cai quản xã hội trần gian. Mặc dù các đạo luật tôn giáo cổ mang yếu tố thần linh nhưng theo các nhà khoa học thì những đạo luật này có những giá trị nhất định, ở chỗ: đặc tính tôn giáo của các bộ luật tôn giáo biểu hiện qua các quy định mà trong đó các chuẩn mực tôn giáo và pháp luật hòa lẫn với nhau (đó chính là đạo đức), trong đó các hành vi không hợp pháp là tội lỗi. Chuẩn mực luật pháp được thể hiện như là có nguồn gốc từ thần thánh, quá trình tuân thủ những luật như vậy được bảo đảm không chỉ bằng biện pháp của pháp luật mà còn bằng các hình phạt tôn giáo. Chính từ đặc tính này mà luật tự nhiên tôn giáo trở thành một trong những nguồn của pháp luật thực tại.
Theo Luật cổ Manu (vào cuối thế kỷ thứ II TCN), là luật cổ của Ấn Độ quy định đạo đức con người trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Luật Manu là bộ luật do thần Manu được coi là tổ tiên của loài người soạn ra, bao gồm 12 chương với 2.385 điều, trong đó nêu ra những khái niệm cổ xưa về nguồn gốc vũ trụ và xã hội loài người, xác định vị trí xã hội của cá nhân, miêu tả các thờ cúng, thực thi luật pháp, giữ gìn mối quan hệ và đạo đức gia đình v.v…Bộ luật miêu tả trật tự xã hội là do thần Manu đã định và không thể thay đổi được. Mặc dù bộ luật Manu bảo vệ sự bất bình đẳng trong xã hội nhưng có thể thấy tư tưởng tiến bộ của luật Manu mà sau này các luật thực định đã kế thừa và phát triển, VD: luật Manu là dù khuyến khích hôn nhân trong nội bộ đẳng cấp nhưng lại không cho phép hôn nhân giữa những người họ hàng có chung dòng máu. Chính những quy định này đã được pháp luật thực định các nước trên thế giới hiện nay kế thừa. Ngay tại điều 364 chương 8 của bộ luật có quy định “kẻ làm mất danh tiết của người con gái trái với ý muốn của người con gái đó thì lập tức phải chịu nhục hình” ngay cả Brahman nếu ăn nằm với một phụ nữ Brahman được bảo vệ trái với ý muốn của người của người phụ nữa đó thì cũng bị phạt một ngàn pana (điều 378 chương 8) . Có thể thấy các điều khoản này của luật Manu đã được luật thực định sử dụng và phát triển thành tội hiếp dâm trong Bộ luật Hình sự của hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay. Có một điểm tiến bộ của luật Manu trong việc quy định về quyền tài sản đó là phụ nữ có quyền ngang với nam giới tuy có khác nhau về cách thức sở hữu, loại tài sản sở hữu và trường hợp được phép sở hữu. Tư tưởng này được thể hiện hầu hết trong luật Dân sự của các quốc trên thế giới hiện nay.
Tương tự như vậy Luật Hammurabi (khoảng những năm 1760 TCN) của vùng Lưỡng Hà ngay phần mở đầu của bộ luật đã khẳng định rằng các thần linh đã tạo ra vương quốc Babilon, và chính các thần linh này đã trao đất nước cho vua Hammurabi để thống trị, làm cho đất nước giàu có, nhân dân no đủ “vì hạnh phúc của loài người, thần Anu (thần Trời) và thần Enlin (thần Đất) đã ra lệnh cho trẫm, Hammurabi một vị vua quang minh và ngoan đạo, phát huy chính nghĩa ở đời, diệt trừ những kẻ gian ác không tuân theo pháp luật, làm cho kẻ mạnh không hà hiếp người yếu, làm cho trẫm giống như thần Samát (thần Mặt Trời, ánh sáng và xét xử), soi đến dân đen, tỏ ánh sáng khắp mặt đất”
Có thể thấy ngay phần mở đầu mặc dù khẳng định Luật Hammurabi được ban hành bởi ý chí của thần linh nhưng luật đã thể hiện tư tưởng tiến bộ là phát huy chính nghĩa, diệt trừ kẻ ác, làm cho kẻ mạnh không ức hiếp kẻ yếu. Đây cũng chính là mục đích mà các luật thực định của các quốc gia trên thế giới muốn hướng tới.
Nguyên tắc cơ bản được quán triệt trong toàn bộ Bộ luật Hammurabi chính là nguyên tắc công bằng, theo đó công bằng được hiểu là áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra. Đây chính là tư tưởng hợp với luật tự nhiên (luật nhân quả) và cũng là nguyên tắc cơ bản của các luật thực định sau này.
Theo các nhà nghiên cứu thì Bộ luật Hammurabi có nhiều quy định mang nội dung tiến bộ, thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ngay trong phần mở đầu, vua Hammurabi đã khẳng định lý do ban hành Bộ luật này là để cho “kẻ mạnh không còn ức hiếp được người yếu”. Trong từng điều luật cụ thể, giá trị nhân văn cũng được thể hiện qua những quy định về cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em, luật cũng bảo vệ quyền lợi của người tự do, của giai cấp chủ nô và cả quyền lợi của nô lệ. Theo đó, nô lệ được quyền kết hôn với người tự do, khi ốm được hưởng quyền chữa bệnh, người nào vì nợ nần mà phải làm nô lệ thì thời gian làm nô lệ cũng không quá ba năm…Tất cả những quy định này đã trở thành nguồn của hệ thống pháp luật thực định của các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Kết luận: Tôn giáo có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội vì vậy việc nghiên cứu tôn giáo học như là một môn học liên ngành, đa phương pháp tiếp cận là một đòi hỏi cần thiết. Tiếp cận tôn giáo dưới góc độ luật học sẽ cho ta thấy được giá trị vai trò của pháp luật tự nhiên tôn giáo, đồng thời có thể thấy pháp luật tự nhiên tôn giáo là một trong những cơ sở hình thành nên hệ thống pháp luật thực định của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay./.
Tài liệu tham khảo
- Giáo trình lịch sử các học thuyết chính trị (2009), khoa luật ĐHQGHN, Nxb ĐHQG
- Kinh thánh trọn bộ - Cựu ước và Tân ước (1998), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr21
- Lịch sử các tư tưởng chính trị, Nxb Chính trị quốc gia
- Quốc hội (2008) Khảo lược Bộ luật Hammurabi của nhà nước Lưỡng Hà cổ đại, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tr 15
- Rupert Woodfin và judy Groves (2006), nhập môn Aristotle, Nxb Trẻ.
Giáo trình lịch sử các học thuyết chính trị, khoa luật ĐHQGHN, nxb ĐHQG 2009, tr 242
Rupert Woodfin và judy Groves, nhập môn Aristotle, NXB Trẻ, 2006, tr 137
Lịch sử các tư tưởng chính trị sđd, tr150 .
Lịch sử các tư tưởng chính trị sđd, tr 153, tr 154
Lịch sử các tư tưởng chính trị sđd, tr 154
Lịch sử các tư tưởng chính trị sđd, tr 153
Kinh thánh trọn bộ - Cựu ước và Tân ước (1998), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr 21
Luật Manu M 1960 (Bản tiếng Nga)
Luật Manu M 1960 (Bản tiếng Nga)
Quốc hội (2008) Khảo lược Bộ luật Hammurabi của nhà nước Lưỡng Hà cổ đại, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tr 15