Chuẩn đầu ra
1. Về kiến thức và năng lực chuyên môn
1.1. Về kiến thức
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo; và có kiến thức cụ thể và năng lực chuyên môn như sau:
1.1.1. Kiến thức chung;
- Nắm vững các nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam;
- Có kiến thức và kĩ năng cơ bản để giao tiếp tốt bằng một trong bốn ngoại ngữ quan trọng được ĐHQGHN quy định và tổ chức giảng dạy (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung); đạt trình độ tối thiểu tương đương bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Nhận thức tốt về tầm quan trọng của các kiến thức quân sự, thể dục cũng như có các năng lực cơ bản theo yêu cầu huấn luyện của các lính vực này.
1.1.2. Kiến thức theo lĩnh vực
- Có kiến thức rộng về văn hoá đại cương, về lịch sử của các nền văn minh trên thế giới;
- Nắm vững các kiến thức về Nhà nước và pháp luật đại cương; Có hiểu biết cơ bản về tổ chức của Nhà nước Việt Nam hiện nay, về sự phân chia các ngành luật và một số vấn đề quan trọng nhất của Pháp luật;
- Nắm vững kiến thức về logic học, về các vấn đề môi trường hiện nay gắn với phát triển kinh tế - xã hội ;
- Nắm vững các phương pháp thống kê cơ bản, ứng dụng vào việc thu thập và xử lí các thông tin khoa học xã hội;
- Có kiến thức nhập môn về kinh tế học.
1.1.3. Kiến thức theo khối ngành
- Bước đầu nắm được kiến thức cơ bản liên ngành của các ngành gần như Nhân học đại cương, Dân số học, Tâm lí học xã hội đại cương, Xã hội học, Lịch sử văn hoá Việt Nam;
- Nắm vững các phương pháp nghiên cứu cơ bản của các khoa học thuộc khối ngành, ứng dụng vào việc thu thập và xử lí các thông tin thu thập được (định lượng và định tính) bằng các phần mềm máy tính thịnh hành nhất.
1.1.4. Kiến thức của nhóm ngành
- Nắm vững các kiến thức và phương pháp nghiên cứu cơ bản của các khoa học thuộc nhóm ngành (Xã hội học, Công tác xã hội, Nhân học, Tâm lí học);
- Có kiến thức cơ bản về khoa học phân tích hành vi của con người đặt trong môi trường xã hội;
- Nắm vững các kiến thức về truyền thông và dư luận xã hội;
- Có kiến thức cơ bản về tâm lí học phát triển và tôn giáo đại cương.
1.1.5. Kiến thức ngành
- Nắm vững lịch sử hình thành và các lí thuyết kinh điển trong Công tác xã hội: lí thuyết nhu cầu, lí thuyết nhận thức - hành vi, lí thuyết sinh thái, lí thuyết phân tâm…;
- Hiểu được tổng nhu cầu và đặc điểm về các nhóm nhu cầu chính trong Công tác xã hội trong bối cảnh Việt Nam hiện nay: số lượng người cần giúp đỡ, bảo trợ, bảo hiểm, an sinh, trợ cấp, trợ giúp, cứu trợ…;
- Nắm vững kiến thức cơ bản về các cấp độ can thiệp xã hội: cá nhân, nhóm, cộng đồng và chính sách;
- Nắm vững và ứng dụng các phương pháp định tính và định lượng trong nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu can thiệp của Công tác xã hội;
- Có kiến thức nền tảng về các lĩnh vực ứng dụng quan trọng nhất thuộc ngành Công tác xã hội: sức khoẻ tâm thần, người khuyết tật, phụ nữ yếu thế, trẻ em, thanh thiếu niên yếu thế, tiếp cận dịch vụ y tế, người có công, nạn nhân chiến tranh, cộng đồng nghèo, khu ổ chuột, tội phạm, ma tuý, hành vi lệch chuẩn, lệch lạc xã hội…
1.2. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
- Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.
2. Về kỹ năng
2.1 Kỹ năng chuyên môn
- Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;
2.1.1. Kĩ năng năng phát hiện, lập luận tư duy và giải quyết vấn đề từ phương diện Công tác xã hội
- Biết phát hiện và phân tích một vấn đề xã hội cụ thể cần can thiệp, nhận diện đa chiều một đối tượng xã hội yếu thế;
- Có khả năng giải thích một vấn đề xã hội cơ bản ở cấp độ vi mô: cá nhân, nhóm, cộng đồng và một chính sách xã hội cụ thể;
- Biết đề xuất một kế hoạch can thiệp mang tính khoa học và chuyên nghiệp nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng yếu thế (chữa trị, tham vấn, tư vấn,…);
- Vận dụng tốt kiến thức Công tác xã hội để tiếp cận các đối tượng xã hội yếu thế khác nhau;
- Biết khám phá và kết nối các nguồn lực (tài lực, vật lực và nhân lực) để góp phần can thiệp, giải quyết một vấn đề xã hội;
- Biết biện hộ để bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng xã hội;
- Biết vận động. đề xuất, tham gia xây dựng chính sách xã hội đối với các đối tượng yếu thế.
2.1.2. Khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức
- Biết phát hiện một vấn đề xã hội ở cấp độ cá nhân, nhóm, cộng đồng hay cấp độ chính sách cụ thể để từ đó thiết kế một đề cương nghiên cứu cơ bản hoặc ứng dụng (can thiệp) trong Công tác xã hội và tiến hành nghiên cứu trong phạm vi ấy;
- Biết viết tổng quan về vấn đề nghiên cứu ở tầm vi mô, xác định mục tiêu, lựa chọn đối tượng nghiên cứu hoặc can thiệp, biết đặt câu hỏi nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu can thiệp, biết trình bày khung nghiên cứu cơ bản hoặc khung nghiên cứu can thiệp;
- Biết kết nối các nguồn lực để thực hiện nghiên cứu;
- Biết thao tác hoá một số thuật ngữ, khái niệm, ứng dụng lí thuyết, phân tích, giải thích và biết sử dụng các phát hiện từ nghiên cứu trường hợp để viết báo cáo khoa học (báo cáo thực tập, niên luận và khoá luận). Đặc biệt, biết sử dụng thành thạo các kĩ năng nghiên cứu can thiệp, đặc thù của ngành CTXH;
- Biết trình bày kết quả nghiên cứu hay một kế hoạch can thiệp theo đúng các chuẩn mực quốc tế;
- Biết sử dụng các công nghệ thông tin hỗ trợ trong trình bày kết quả nghiên cứu;
- Biết tìm các nguồn tư liệu có chất lượng phục vụ nghiên cứu: tác giả, tác phẩm, nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản và địa điểm của tư liệu cần thiết cho nghiên cứu;
- Biết thiết kế các loại đề cương nghiên cứu chính trong Công tác xã hội: nghiên cứu khám phá, nghiên cứu mô tả, nghiên cứu giải thích và nghiên cứu can thiệp;
- Biết xây dựng mục tiêu nghiên cứu, đối tượng, lựa chọn khách thể, đặt câu hỏi nghiên cứu, biết trình bày các loại giả thuyết, xây dựng khung lí thuyết nghiên cứu cơ bản và xây dựng kế hoạch can thiệp;
- Biết sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính trong Công tác xã hội: xây dựng bộ công cụ để nghiên cứu thực nghiệm, phân tích tài liệu (sơ cấp, thứ cấp), phương pháp chọn mẫu, trưng cầu ý kiến, phỏng vấn với bảng hỏi cấu trúc, bảng hỏi bán cấu trúc, điều tra thử, phỏng vấn sâu, quan sát, lựa chọn địa bàn và biết viết lịch sử vấn đề nghiên cứu.
2.1.3. Khả năng tư duy theo hệ thống
- Nắm vững logic trình tự (các bước cơ bản nhất) của một nghiên cứu Công tác xã hội cấp độ cá nhân, nhóm và cộng đồng;
- Có năng lực tư duy và phân tích một vấn đề của cá nhân, nhóm, cộng đồng hay một chính sách xã hội cụ thể từ nhiều góc độ khác nhau theo phương pháp tiếp cận chuyên ngành và liên ngành;
- Nắm vững các phương pháp tiếp cận cơ bản như: phương pháp tiếp cận theo phát triển bền vững, phương pháp tiếp cận theo quan điểm lịch đại, phương pháp tiếp cận theo quan điểm đồng đại… trong quá trình phân tích và giải quyết vấn một vấn đề thuộc lĩnh vực CTXH.
2.1.4. Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn
- Biết vận dụng kiến thức và kĩ năng Công tác xã hội để chữa trị và phục hồi các chức năng xã hội cho các đối tượng yếu thế ở Việt Nam;
- Biết vận dụng kiến thức và kĩ năng Công tác xã hội để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ về tệ nạn xã hội, lệch lạc xã hội…;
- Biết vận dụng kiến thức và kĩ năng Công tác xã hội để kết nối và phát huy các nguồn lực nhằm phát triển con người, quản lí xã hội một cách hài hoà ở cấp độ cá nhân, tổ chức và xã hội;
- Biết vận dụng kiến thức và kĩ năng Công tác xã hội trong việc tư vấn và phản biện các chính sách xã hội;
- Có năng lực sáng tạo, phát triển và thích ứng cao với môi trường nghề nghiệp luôn luôn biến đổi;
- Những cử nhân tốt nghiệp Công tác xã hội từ loại giỏi trở lên có năng lực tạo dựng một số hoạt động mới trong điều kiện thay đổi nhanh chóng của môi trường việc làm, ví dụ tạo lập một tổ chức phi chính phủ, một doanh nghiệp xã hội…
2.2. Về kĩ năng bổ trợ
2.2.1. Kĩ năng làm việc theo nhóm
- Biết xây dựng và thực hiện tinh thần làm việc theo ê-kíp;
- Biết truyền thông trong nhóm, giữa nhóm thuộc tính và tổ chức;
- Biết xử lí một xung đột nhóm.
2.2.2. Quản lí và lãnh đạo
- Bước đầu biết xây dựng chiến lược cho một tổ chức nhỏ (10 – 25 người);
- Biết điều phối quyền lợi, phân công trách nhiệm và tổ chức công việc cho một tổ chức nhỏ;
- Biết nêu và giải quyết vấn đề của một tổ chức nhỏ.
2.2.3. Kĩ năng giao tiếp
- Biết lắng nghe;
- Biết diễn thuyết trước một đám đông;
- Biết đọc nhanh và tổng hợp được các loại hình văn bản;
- Biết viết báo cáo tổng hợp cho một tổ chức nhỏ;
- Thành thạo các hình thức giao tiếp (lời nói, văn bản, mạng internet…) với các đối tượng xã hội khác nhau.
2.2.4. Kĩ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ
- Có kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn.
2.2.5. Các kĩ năng khác
- Theo quy định về đào tạo kĩ năng mềm của ĐHQGHN;
- Biết sử dụng các phần mềm máy tính cơ bản: word, exel, spss;
- Biết làm chủ vị trí lao động của bản thân trong mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với các vị trí lao động khác;
- Biết nhiều cách để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Biết học tập từ đồng nghiệp và tự học thêm để hoàn thiện bản thân
3. Về phẩm chất đạo đức
3.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân
- Trách nhiệm, đoàn kết, trung thành, tận tuỵ, có ý thức tổ chức kỉ luật, tự giác trong công việc, trung thực, thẳng thắn, tôn trọng mọi người, phê bình và tự phê bình đúng lúc, đúng chỗ, không bè phái, không xu nịnh…
3.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
- Tuân thủ các quy điều đạo đức nghề nghiệp của một nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói chung, và nhà nghiên cứu và thực hành Công tác xã hội nói riêng.
3.3. Phẩm chất đạo đức xã hội
- Tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và Pháp luật của Nhà nước Việt Nam;
- Tôn trọng và phát huy hệ giá trị của xã hội Việt Nam cũng như các tinh hoa văn hoá của nhân loại.
4. Những vị trí công tác mà người học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
- Khu vực làm việc: Làm việc tại các cơ sở quản lí Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Viên nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các công ty;
- Cung ứng dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở và tổ chức xã hội (các cơ sở, cơ quan, tổ chức công và tư);
- Làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khoẻ, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, xã hội, văn hoá, môi trường ... Làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến công tác xã hội;
- Chức danh có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp (tùy thuộc vào vị trí công tác: giảng viên, nghiên cứu viên, Công chức, nhân viên xã hội, công tác xã hội viên).
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
- Học xong chương trình, sinh viên có thể học tiếp chương trình cao học, nghiên cứu sinh trong nước hoặc tham gia các chương trình du học sau đại học ở nước ngoài.
Tác giả bài viết: ussh