Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động; khoảng 95% dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Nét nổi bật rất tích cực tại Việt Nam là các tôn giáo đều gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; không có xung đột tôn giáo. Đường hướng của Công giáo tại Việt Nam là “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, của Phật giáo là “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội”…
Mỗi tín ngưỡng, tôn giáo tại nước ta tuy mang những nét văn hóa riêng biệt nhưng đều chịu ảnh hưởng của truyền thống dân tộc, góp phần tạo nên những nét đẹp trong nền văn hóa đa dạng, phong phú về bản sắc của dân tộc. Việc thực hành nghi lễ tôn giáo và thực hành niềm tin tôn giáo đã góp phần tạo lập và đoàn kết cộng đồng tín đồ; đưa mọi người đến gần nhau hơn. Bên cạnh đó, những tri thức về tôn giáo là một trong những nguồn nuôi dưỡng đời sống tinh thần và giúp mọi người hiểu hơn về bản sắc của cộng đồng và dân tộc. Đây là những yếu tố để người Việt Nam dễ hòa đồng với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Tôn giáo cũng là một trong những bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc; giá trị văn hóa của tôn giáo thể hiện ở niềm tin, thực hành các giới răn đạo đức, những di sản hữu hình và vô hình. Điển hình như giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý của Công giáo được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó bảy điều khuyên răn về đạo đức làm người đã góp phần bồi dưỡng đạo đức, văn hóa cá nhân và xã hội; Phật giáo với phương châm “Đạo pháp bất ly thế gian pháp” đã phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của mình vào đời sống xã hội Việt Nam qua các quan niệm về tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, về luật nhân quả; Đối với Phật giáo Hòa Hảo, tôn giáo này đã làm sâu sắc thêm truyền thống đạo hiếu của dân tộc qua việc giáo huấn con người thực hiện Tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại)… Giá trị văn hóa của các tôn giáo còn được thể hiện ở các công trình kiến trúc tôn giáo, hội họa; những dòng nhạc Phật giáo, Thánh ca Công giáo,…
Với những giá trị đạo đức, văn hóa, tinh thần và vật chất đó, tôn giáo đã được xác định là một trong những nguồn lực để phát triển đất nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã khẳng định: “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 171). Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước ta cũng chỉ rõ công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Trao Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đại học cho ngành Tôn giáo học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: An Luých
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực có trình độ đào tạo về Tôn giáo học lại đang ở mức khá khiêm tốn so với nhu cầu của xã hội. Cụ thể, trong hệ thống các trường đại học trên cả nước hiện nay có hai trường có ngành đào tạo bậc đại học về Tôn giáo học, đó là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đào tạo bậc cử nhân ngành Tôn giáo học nhưng đến nay mới có hai khóa tốt nghiệp, mỗi khóa từ 50- 60 sinh viên. Về chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo ngành Tôn giáo học của Trường này cũng vừa được cấp Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trình độ đại học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài bậc cử nhân, hiện Trường đang đào tạo bậc trên đại học ngành Tôn giáo học. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện hàn lâm Khoa học xã hội.. cũng đào tạo ngành Tôn giáo học ở cấp sau đại học, nhưng dành cho cán bộ, công chức đang công tác. Với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thì đến năm 2022 mới đào tạo cử nhân Tôn giáo học.
Nhìn vào những con số trên, nhiều chuyên gia, cán bộ đang công tác trong lĩnh vực tôn giáo, văn hóa nhận định, nguồn cung về nhân lực có trình độ Tôn giáo học chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và nhu cầu về công tác tôn giáo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến công chức, viên chức trong quá trình công tác tại các đơn vị làm công tác tôn giáo, hoặc liên quan đến tôn giáo phải đi bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực này tại các học viện chính trị. Hạn chế này cũng đã được TS.Vũ Chiến Thắng- nguyên Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ rõ: các cơ quan, đơn vị làm công tác tôn giáo đều phải tuyển và nhận người về làm việc từ các ngành gần với chuyên ngành Tôn giáo học (như triết học, sử học, văn hóa học...); sau đó họ phải vừa làm việc, vừa tự học và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, hoặc được cơ quan, đơn vị cử đi tiếp tục đào tạo. Tình trạng này là do chỉ có một số trường đại học, học viện đào tạo ngành Tôn giáo học. Để khắc phục những hạn chế đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ phê duyệt “Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo giai đoạn 2017 - 2020”.
Theo PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay có nhiều lĩnh vực cần kiến thức về tôn giáo như: kiến trúc, văn hóa, hội họa, âm nhạc, du lịch, các dự án chính phủ và phi chính phủ về phát triển văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt, với những vị trí việc làm liên quan đến công tác tôn giáo tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thì những người tốt nghiệp đại học, trên đại học ngành Tôn giáo học chính là nguồn nhân lực rất phù hợp cho yêu cầu công tác, bởi họ không chỉ được đào tạo chuyên sâu về Tôn giáo học mà còn được trang bị chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về lĩnh vực này. Từ những phân tích này, PGS. TS Đặng Thị Thu Hương khẳng định, việc đào tạo ngành Tôn giáo học ở bậc đại học và bậc trên đại học là hướng đi phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội và nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ của các cơ quan làm công tác tôn giáo; đồng thời góp phần khắc phục tình trạng vừa công tác vừa phải đi bồi dưỡng kiến thức như giai đoạn vừa qua./.
Tác giả: An Luých
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn