MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THUẬT NGỮ “TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN” VÀ “TÍN NGƯỠNG”

Thứ tư - 20/07/2022 22:14

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THUẬT NGỮ “TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN” VÀ “TÍN NGƯỠNG”

ThS. Trần Anh Đào
Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc Gia Hà Nội.


Đặt vấn đề:
     Từ nửa sau Thế kỉ 19 trở đi, cùng với sự ra đời của ngành Khoa học về Tôn giáo (Science of Religion) ở Phương Tây và sự phát hiện ngày càng nhiều hình thức tôn giáo khác nhau ở hầu khắp các nền văn hoá trên thế giới, giới nghiên cứu tôn giáo  luôn đối diện với vấn đề hạn hẹp của định nghĩa tôn giáo, họ không ngừng tìm kiếm và đề xuất các định nghĩa mới cho thuật ngữ “religion” (tôn giáo) theo xu hướng ngày càng mở rộng. Mặc dù vậy, đối với các xã hội Đông Á thời kỳ Cận- Hiện đại, thuật ngữ “religion” và  tuy được du nhập và dịch thuật thành từ “tôn giáo” (宗教), “tín ngưỡng” (信仰)bởi người Nhật Bản nhưng vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm tôn giáo theo lối Phương Tây của các nhà truyền đạo Cơ Đốc, thách thức về định nghĩa tôn giáo càng lớn khi các học giả bản địa đối diện với nền văn hoá tôn giáo của chính mình. Ở mỗi nước, ngoài sự du nhập và ảnh hưởng của các tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ và Trung Quốc là Phật, Nho, Đạo hay các tôn giáo đến từ Phương Tây, chiếm vị trí nền tảng chính là các niềm tin và thực hành tôn giáo có tính đa thần, gắn liền với tập tục văn hoá và thiết chế tổ chức xã hội theo truyền thống[1] dân tộc bản địa mà các định nghĩa tôn giáo theo quan niệm Phương Tây cổ điển không bao hàm hết được. Thuật ngữ có gốc Hán tự “tín ngưỡng dân gian” (民间信仰) do đó cũng được các học giả người Nhật tạo ra nhằm phân biệt với phạm trù tôn giáo có thiết chế, chỉ những hiện tượng tôn giáo phổ biến trong xã hội dân gian vốn thường bị người Phương Tây quy vào các sự “mê tín” (superstitions). Trước thực tế ở nước ta hiện nay, cùng một thuật ngữ “tín ngưỡng” có hai cách hiểu: vừa là “niềm tin tôn giáo” vừa là “loại hình tôn giáo” thấp hơn các tôn giáo có thể chế (có giáo hội, giáo lý, kinh điển, v.v…) (trước đây gọi là “tín ngưỡng dân gian”; Và trước tình trạng dùng thuật ngữ “tín ngưỡng” (niềm tin tôn giáo) để giới thuyết về  niềm tin và thực hành tôn giáo trong dân gian/ đại chúng như hiện nay, chúng tôi đặt ra vấn đề nhận thức lại khái niệm “tín ngưỡng” và “tín ngưỡng dân gian”, chỉ ra nguồn gốc, hàm nghĩa của các thuật ngữ và những bất cập của nó trong bối cảnh nghiên cứu tôn giáo đương đại, từ đó nêu ra sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng các khái niệm công cụ vừa phù hợp quy chuẩn học thuật quốc tế, vừa đảm các hàm nghĩa có thể giới thuyết hoặc giải thích về chỉnh hợp niềm tin và thực hành tôn giáo vốn thuộc về số đông cư dân trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay.
 
  1. Sự hình thành thuật ngữ “Tín ngưỡng dân gian”
 
      Như cố GS. Hoàng Xuân Hãn trong công trình Danh từ khoa học (1942) đã chỉ ra, khi đặt ra và sử dụng các danh từ khoa học (thuật ngữ), ta cần quan tâm đến lịch sử sự đặt các danh từ tương ứng khác trong tiếng Việt. Việc khảo cứu lai lịch  thuật ngữ “Tín ngưỡng dân gian” được trình bày ở phần này thực ra là một công việc đặt trong tình thế “lội ngược dòng”, bởi lẽ trong lĩnh vực học thuật lẫn chính sách pháp luật hiện nay thuật ngữ này được thay thế bởi thuật ngữ “tín ngưỡng”, hoặc có thể hiểu là “tín ngưỡng dân gian” đã được lược bỏ từ “dân gian”. Một thời gian trước đây, nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất việc này, do sự liên tưởng “dân gian” là đối trọng với “bác học”, “tinh hoa”. Tuy nhiên, theo khảo cứu của chúng tôi như trên, “tín ngưỡng dân gian” là một thuật ngữ ngoại lai, hoàn toàn không phải là “sáng kiến của một số tác giả có ý muốn hạ thấp tôn giáo của dân tộc”.[2] Sự xuất hiện của thuật ngữ này trong bối cảnh văn hoá tôn giáo Á Đông thời kỳ Cận Hiện đại xuất phát từ những yêu cầu bức bách của giới nghiên cứu Đông Á (trong đó đi tiên phong là học giả Nhật Bản) đối với những bất cập của việc du nhập, chuyển ngữ  có nguồn gốc Phương Tây trước thực tiễn văn hoá tôn giáo bản địa.
      Như phần mở đầu đã nói, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả Trung Quốc, rất nhiều khái niệm thuộc lĩnh vực khoa học xã hội được chuyển ngữ và tái tạo nên bởi người Nhật Bản. Ví dụ như thuật ngữ “tôn giáo” (religion) mà chúng ta đã quen thuộc nhưng cũng đã gây không ít phiền toái cho cả nền Tôn giáo học Á Đông về sau này. Tương tự như vậy, “tín ngưỡng dân gian” cũng là một thuật ngữ được sáng tạo bởi nhà nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản Masaharu Anesaki (1873-1949) vào năm 1897, nội hàm của nó nhằm chỉ: trong dân gian Nhật Bản tồn tại những tập tục tín ngưỡng khác với các tôn giáo có tổ chức, đối tượng sùng bái cụ thể của nó bao gồm các hiện tượng tự nhiên và các tạo vật thiêng được truyền từ đời này qua đời khác, và cả các thần linh, giáo lí và tập tục của các tôn giáo có tổ chức (Iwayumi Suzuki, 1998: 20-27). Như vậy, nội hàm khái niệm “tín ngưỡng dân gian” không chỉ bao gồm các tàn dư của tôn giáo nguyên thủy, các tín ngưỡng gắn với tập tục truyền thống mà còn bao gồm các hiện tượng tôn giáo mang tính hỗn hợp, thu nhận nhiều nội dung hoặc hình thức từ các tôn giáo lớn, đặc biệt là Tam giáo Phật, Nho, Đạo. Định nghĩa khái niệm “tín ngưỡng dân gian” của Masaharu Anesaki mang ý nghĩa phân loại hình thức tôn giáo, đồng thời đã phản ánh một cách sâu sắc tính đặc thù và sự  đa dạng tôn giáo trong xã hội Nhật Bản nói riêng và Đông Á nói chung, những đặc điểm mà bản thân lĩnh vực tôn giáo học đương thời chưa bao quát hết được, do ảnh hưởng sâu sắc từ quan niệm tôn giáo theo mô hình tôn giáo nhất thần của Phương Tây. Khái niệm này sau đó có ảnh hưởng đến ngành Tôn giáo học ở Nhật Bản và dần dần du nhập sang Trung Quốc và một số quốc gia cùng sử dụng Hán tự thời bấy giờ, trong đó có Việt Nam, được vận dụng trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo và folklore (Tập tục dân gian)”.
       Đáng chú ý là, trong giới học thuật Trung Quốc giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, lĩnh vực tín ngưỡng dân gian chưa có thuật ngữ tương ứng, thay vào đó là từ “mê tín” (迷信). Mãi cho đến những năm 1930, thuật ngữ Tín ngưỡng dân gian 民间信仰) mới lần bắt đầu được sử dụng ở Trung Quốc và sau đó dần dân thay thế “mê tín”. Trong bài viết Tổng thuật về nghiên cứu tín ngưỡng, phong tục và tôn giáo dân gian Trung Quốc, tác giả Chung Quốc Phát (Trung Quốc) chỉ ra rằng chính trong một bài nghiên cứu của nhà dân tộc học Dương Thành Chí về đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam (lúc đó gọi là An Nam) vào những năm 1930,[3] đánh dấu lần đầu tiên khái niệm “tín ngưỡng dân gian” được sử dụng ở Trung Quốc.[4] Có lẽ không lâu sau đó, thuật ngữ này du nhập vào nước ta và được sử dụng trong lĩnh vực học thuật. Ví dụ, trong luận văn học vị tiến sĩ văn chương hoàn thành năm 1934 với đề tài Hát đối giữa con trai và con gái An Nam (Les chants alternes des garcons et des files en Annam) (2003: 140, 219) hoặc tác phẩm Văn minh Việt Nam (La Civilisation annamite) (1944) của Nguyễn Văn Huyên; Bài Tín ngưỡng dân gian An Nam (tiếng Nhật) của Nguyễn Văn Khoan đăng trên tạp chí Tình hình Phật giáo Hải ngoại (số tháng 8/1943) của Nhật Bản (Iwayumi Suzuki, 1998: 25). Những tư liệu đáng quý này còn cho thấy nửa đầu thế kỉ 20, giao lưu học thuật trong khu vực về lĩnh vực nghiên cứu tín ngưỡng dân gian nói riêng và tôn giáo nói chung giữa nước ta và Trung Quốc, Nhật Bản đã diễn ra tương đối sôi nổi và năng động.
      Trong suốt thế kỷ 20, Nhật Bản là đất nước tiếp nhận và ứng dụng nhanh chóng các tri thức Tôn giáo học, Nhân loại học hiện đại của Phương Tây trong nghiên cứu tôn giáo bản địa, theo đó các định nghĩa cũ về tôn giáo, tín ngưỡng dân gian thường được đưa ra phê phán và đổi mới. Lĩnh vực tín ngưỡng dân gian được nhìn nhận từ góc độ nghiên cứu so sánh và phân loại tôn giáo, gọi bằng các thuật ngữ tương ứng với tiếng Anh  “popular religion”, “folk religion” là “Tôn giáo dân gian”, “Tôn  giáo tập tục”. Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu tôn giáo Miyake Junn,  sau nhiều tranh luận về sự bất hợp lý của thuật ngữ “tín ngưỡng dân gian”, từ thập niên 1970 đến nay, giới nghiên cứu Nhật Bản sử dụng thuật ngữ “Tôn giáo tập tục” (民俗宗教) để chỉ loại hình tôn giáo này[5]. Học giả Iwayumi Suzuki thông qua nghiên cứu những biến đổi của thuật ngữ và các định nghĩa khác nhau về tín ngưỡng dân gian của Nhật Bản đã nhận xét rằng quan điểm của học giả Nhật Bản về tín ngưỡng dân gian (tức Tôn giáo tập tục) thường tập trung ở ba điểm:
  • Không coi về tín ngưỡng dân gian đối lập với các tôn giáo có tổ chức, mà là khảo sát nó trong tầng diện tín ngưỡng đối sánh với tín ngưỡng quan phương.
  • Không xuất phát từ quan điểm giai tầng xã hội mà xuất phát từ phương diện chức năng của tín ngưỡng để nắm bắt chất chuyển tải tín ngưỡng.
  • Coi “tín ngưỡng dân gian” là một khái niệm phổ biến có thể thuyết minh hiện tượng tín ngưỡng của các dân tộc. [6]    
 
      Trong giới học thuật quốc tế, tín ngưỡng dân gian đã từ lâu là đối tượng được nghiên cứu Tôn giáo học, Nhân học- Xã hội với hàm nghĩa “niềm tin và thực hành tôn giáo của dân gian/ đại chúng” (phi quan phương), tương đương các thuật ngữ Phương Tây Folk Belief, Folk/ popular religion, Popular Cult, v.v...[7] theo xu hướng ngày càng mở rộng của định nghĩa tôn giáo. Về mặt kết cấu lẫn nội dung, nó thuộc loại hình Tôn giáo hỗn hợp (syncretic religion). Nhưng ở nước ta trước thời kỳ Đổi mới, tín ngưỡng dân gian được phân loại thuộc lĩnh vực Văn hoá dân gian. Từ đầu thập niên 1990 trở đi, thuật ngữ này được giới nghiên cứu và quản lý nhà nước về văn hoá, tôn giáo lược bớt chữ “dân gian”, dùng lẫn với khái niệm “tín ngưỡng” vốn có từ xưa đến nay với hàm nghĩa niềm tin tôn giáo (Belief/ Faith) – một phạm trù thuộc hoạt động tinh thần nội tại của cá nhân con người. Việc sử dụng khái niệm “tín ngưỡng” như một danh từ phân loại, nhằm chỉ các niềm tin và thực hành tôn giáo ngoài các tôn giáo chính thức như ở nước ta thể hiện sự bất hợp lý khi ý nghĩa từ nguyên của nó (niềm tin tôn giáo) không bao hàm hết một lĩnh vực hoạt động của con người đối với cái thiêng, bao gồm niềm tin (belief) lẫn thực hành nghi lễ (ritual) gắn liền với những cộng đồng hoặc thiết chế xã hội tương ứng. Sự bất hợp lý này đã được một số nhà nghiên tôn giáo chỉ ra[8], tuy nhiên vấn đề khó khăn hơn ở chỗ, thuật ngữ  nào phù hợp cho việc định nghĩa, giới thuyết về các niềm tin và thực hành tôn giáo ngoài các tôn giáo có tổ chức giáo hội. Đây chính là vấn đề đang bỏ ngỏ trên cả hai phương diện nghiên cứu Tôn giáo học và Văn hoá học về tôn giáo ở nước ta hiện nay.

2. Những hàm nghĩa cơ bản của thuật ngữ “Tín ngưỡng dân gian”
- Tín ngưỡng với tư cách là niềm tin tôn giáo
      Về mặt ngôn ngữ học mà nói, một từ có hai hoặc nhiều nghĩa, nhiều cách hiếu khác nhau là chuyện bình thường. Nhưng ở trường hợp “tín ngưỡng” với tư cách là khái niệm nghiên cứu học thuật, đặc biệt, nó là một mệnh đề quan trọng trong Thần học, Triết học, Tôn giáo học thì quả là nên chú ý, bởi vì nó liên quan đến một số vấn đề mà chúng tôi sẽ nêu sau đây.
     “Tín ngưỡng” với tư cách một khái niệm khoa học (belief, croyance) được định nghĩa một cách chung nhất bởi nhiều nhà tôn giáo học nổi tiếng là chỉ trạng thái tinh thần hoặc tâm lí liên quan đến hiện tượng thiêng, một sức mạnh thiêng được cảm thụ chứ không không do thực chứng.
     Như trên đã nói, ở nước ta và các nước có sử dụng Hán tự, “Tín ngưỡng” (信仰) đều được hiểu là “niềm tin vào cái thiêng liêng/ Thần/ Thánh” (nghĩa rộng) hoặc “đức tin tôn giáo” (nghĩa hẹp) hoặc dùng dưới dạng động từ “tin theo điều gì đó, hoặc tôn giáo hay thần linh nào đó”, không nhằm chỉ tín ngưỡng dân gian hay tôn giáo dân gian, mặc dù có chung một vế “tín ngưỡng”. Ở những nước này, khái niệm “Tín ngưỡng dân gian” hay “Tôn giáo dân gian” dùng để chỉ các hiện tượng (hoặc hình thái) tín ngưỡng và thực hành tôn giáo ngoài các tôn giáo chính thức, giới nghiên cứu tùy theo từng trường hợp chuyển ngữ sang tiếng Anh như Folk Religion, Folk Belief, Popular Cult, Popular Religion. Bởi vậy, các định nghĩa về “Tín ngưỡng dân gian” hay “Tôn giáo dân gian” đều không bị lẫn lộn với định nghĩa về “tín ngưỡng”. Trong Hiến Pháp và văn bản pháp quy cao nhất về quản lí tôn giáo của Trung Quốc khẳng định quyền “tự do tín ngưỡng tôn giáo”,[9] có nghĩa là tự do trong niềm tin tôn giáo. [10] 
       Trong thực tế tiếng Việt, từ “tín ngưỡng” này với nghĩa rộng là “niềm tin tôn giáo” cũng được sử dụng phổ biến từ lâu, vì có gốc Hán tự nên cũng tương thông với cách hiểu của người Trung Quốc, Nhật Bản.. Đào Duy Anh trong từ điển Hán – Việt, từ điều “tín ngưỡng”, đã giải thích: “là lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa” (Đào Duy Anh, 1938), theo đó “tín ngưỡng” có nghĩa hẹp là “tín ngưỡng (niềm tin) tôn giáo” và nghĩa rộng “niềm tin vào chủ nghĩa nào đó, không tôn giáo”. Như vậy là cùng hàm nghĩa căn cơ nhất của “tín ngưỡng” trong ngôn ngữ Hán, cũng tương ứng với các thuật ngữ nước ngoài (bilief, bilieves (Anh), hay croyance (Pháp), một yếu tố cơ bản, quan trọng của một tôn giáo, không hề đại diện cho một dạng thấp hơn tôn giáo.[11] Trong trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh có sử dụng từ “tín ngưỡng” với ý nghĩa “thuộc phương diện tôn giáo, chỉ niềm tin tôn giáo. Bởi vậy, phần Tín ngưỡng và tế tự ngoài nói về lĩnh vực tín ngưỡng như: “tín ngưỡng quỷ thần; “tín ngưỡng Đạo giáo”; “tín ngưỡng Phật giáo” trong dân gian nước ta, còn về tế tự, nghĩa là các loại thực hành tôn giáo khác nhau, ở các cấp độ phạm vi và hình thức tiến hành khác nhau (Đào Duy Anh, 1938: 231-164).
      Với ý nghĩa “niềm tin tôn giáo”, từ “tín ngưỡng” được sử dụng phổ biến trong học thuật lẫn trong văn bản chính sách của nhà nước ta trước đây. Trên cơ sở nghiên cứu về thuật ngữ này trong của Hồ Chủ tịch về vấn đề tôn giáo ở nước ta thời kì đầu mới lập nước, Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã nói: “Về khái niệm tín ngưỡng: Khúc mắc ở Việt Nam là tín ngưỡng có hai nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các văn bản có tính hành pháp đã sử dụng thuật ngữ “tự do tín ngưỡng”, cũng có khi dùng thuật ngữ “tôn giáo”. Trong một văn bản công bố một ngày sau khi Tuyên ngôn độc lập ra đời (ngày 3-9-1945), trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ở vấn đề thứ 3, Người viết: “Tất cả các công dân, trai gái mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”. Trong vấn đề thứ 6, Người lại viết: “Thực dân, phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và Lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Ý của Người là tín ngưỡng bao trùm lên tất cả các tôn giáo, hoặc có thể coi tôn giáo nằm trong phạm trù tín ngưỡng”.[12] Hiến Pháp năm 1946, Mục Quyền lợi, Điều thứ 10 quy định: Công dân Việt Nam có quyền “Tự do tín ngưỡng” bên cạnh một số quyền khác. Điều thứ nhất trong Sắc lệnh về vấn đề tôn giáo do Hồ Chủ tịch kí ngày 14-6-1955 viết: “Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân.” Đó là quyền tự do trong đức tin tôn giáo và hành vi tôn giáo.
      Như vậy, với cách hiểu thứ nhất - “tín ngưỡng” là niềm tin, hoặc đức tin có tính chất tôn giáo có một cơ sở từ nguyên vững chắc, là thuật ngữ khoa học chung, thuận lợi trong dịch thuật và thảo luận khoa học; Khi được sử dụng trong văn bản chính sách của nhà nước về tôn giáo trước những năm 1990, “tín ngưỡng” được hiểu theo nghĩa vốn có là “niềm tin vào tôn giáo và chủ thuyết”, mà chưa có thêm ý nghĩa loại hình thấp hơn hoặc khác với “tôn giáo” có tổ chức.  

2. Tín ngưỡng với tư cách là “hình thái” phân biệt với tôn giáo

      Vấn đề trở nên phức tạp khi “tín ngưỡng” nhưng vừa được hiểu là “niềm tin tôn giáo” vừa được hiểu như một dạng, một trình độ thấp hơn tôn giáo (cụ thể là các tôn giáo có giáo hội, có tổ chức). Thậm chí việc hiểu “tín ngưỡng” như một dạng thức (hoặc trình độ) khác của tôn giáo, hoặc có thể nói là “hình thức hóa tín ngưỡng” ngày càng lấn lướt ý nghĩa “niềm tin tôn giáo” của nó. Qua khảo cứu tài liệu, chúng tôi thấy hiện tượng này phổ biến từ những năm 1990 trở đi. Mặc dù đây là giai đoạn phát triển của của lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo, nhưng vẫn có rất ít nhà nghiên cứu bàn về vấn đề thuật ngữ quan trọng này. Nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn nêu vấn đề trong một bài viết có tiêu đề Tôn giáo hay tín ngưỡng[13]. Ông dẫn ra số văn bản chính thức của nhà nước về tôn giáo tín ngưỡng trong một thời gian ngắn đã có hai cách sử dụng khái niệm hoàn toàn khác nhau: Trong Chỉ thị về công tác tôn giáo trong tình hình mới của Bộ Chính trị 1998, “tín ngưỡng tôn giáo” nghĩa là niềm tin tôn giáo, nhưng về sau, trong các văn bản, chính sách pháp luật của nhà nước và trong giới nghiên cứu đã tách hai từ Tôn giáo và Tín ngưỡng bằng dấu phẩy, thể hiện sự phân loại mà tiêu chí về tôn giáo được Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (2016) nêu nêu rõ là “niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”[14]. Trên phương diện luật pháp, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội thông qua tháng 11 năm 2016, phần giải thích từ ngữ, Tín ngưỡng được định nghĩa “là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”; Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.” [15]
       Không chỉ trên phương diện chính sách pháp luật của nhà nước về tôn giáo, giới nghiên cứu khoa học xã hội nước ta hiện nay cũng mặc nhiên sử dụng thuật ngữ “tín ngưỡng” để chỉ lĩnh vực tín ngưỡng dân gian, như cúng tổ tiên và thần, thánh truyền và các nghi lễ, lễ hội có liên quan. Nội hàm của từ “tín ngưỡng” không chỉ có nghĩa là “niềm tin” và còn bao gồm cả “thực hành”.  Hiểu theo cách hiểu của riêng người Việt (trong nước) hiện nay là vậy, nhưng đối với người nước ngoài, thậm chí là những học giả gốc Việt sống ở ngoài nước,  hoặc khi dịch ra thuật ngữ tương ứng bằng tiếng nước ngoài, cụ thể hơn là một số văn bản tiêu chuẩn quốc tế như khái niệm “tự do tín ngưỡng” trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người chẳng hạn, vấn đề trở nên khác biệt. Ví như có một cuộc bàn luận về chủ đề “tự do tín ngưỡng” với học giả quốc tế (kể cả người Trung Quốc) chẳng hạn, học giả Việt Nam khi nói đến “tín ngưỡng”, chuyển ngữ thành “faith” hay “belief”, nhằm chỉ các hình thái niềm tin và thực hành sự thờ cúng khác với tôn giáo, như thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên; thờ thần; thờ mẫu, thờ ma…”[16], nhưng đối với học giả nước ngoài, “belief”. đơn thuần là “niềm tin, niềm tin có tính tôn giáo”.
       Nếu như trong ngữ cảnh truyền thống, hoặc trong một số từ điển tiếng Việt có uy tín, “tín ngưỡng” hiểu theo nghĩa rộng “niềm tin” (hay có người diễn tả bằng từ Hán Việt “tín niệm”); hoặc theo nghĩa hẹp “niềm tin tôn giáo”, thì ở một mức độ nhất định nào đó chúng ta có thể tìm thấy “tiếng nói chung” trong giao lưu học thuật quốc tế và khu vực. Nhưng, khi đối diện với thực tế là khái niệm này phái sinh một chức năng khác, gần như là một dạng “phân loại” một lĩnh vực “tôn giáo” nhưng do chưa đủ các yếu tố cấu thành tôn giáo, nên gọi là tín ngưỡng và đứng ngay ngắn sau tôn giáo, thì vấn đề trở nên phức tạp, mang tính nước đôi. Trong khi khái niệm học thuật và chính sách thì cần có một sự nhất quán, đây là vấn đề thực đáng để suy nghĩ.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, “Tín ngưỡng” gần như một từ định danh cho các tập tục hoặc hình thái thờ cúng ngoài các tôn giáo chính thức, theo công thức “tín ngưỡng” + “thờ cúng” + đối tượng được thờ cúng (Tổ tiên, Thần thánh, Mẫu, Thành hoàng, v.v…), bất chấp sự bất hợp lí về mặt cú pháp tiếng Việt, khi dịch ra nội dung tương ứng với tiếng nước ngoài  thì sẽ bị “thừa” một trong hai từ. Cũng có người chủ trương thay “tín ngưỡng” bằng “Đạo” (Ngô Đức Thịnh đề xuất tên gọi “Đạo Mẫu”[17], Đặng Nghiêm Vạn đề xuất tên gọi “Đạo Tổ tiên”[18]). Với công thức gọi tên nói trên, các học giả nước ta khi định nghĩa về tín ngưỡng thường xoay quanh ý nghĩa “niềm tin vào một thực thể hay sức mạnh siêu nhiên”, một phần nội dung thuộc nội hạt tôn giáo, dưới đây là một vài định nghĩa tiêu biểu:
      Trong sách Tiếp cận tín ngưỡng dân dã, tác giả Nguyễn Minh San trong cho rằng: “Tín ngưỡng là một biểu hiện của ý thức về một hiện tượng thiêng, một sức mạnh thiêng do con người tưởng tượng ra hoặc do con người suy tôn, gán cho một hiện tượng, một sức mạnh chỉ cảm thụ được mà chưa nhận thức được.” (Nguyễn Minh San, 1998: 7)
     Trong sách Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ hiện nay, học giả Trần Đăng Sinh cho rằng: “Tín ngưỡng là một bộ phận của ý thức xã hội, là một lĩnh vực đời sống tinh thần, là hệ quả của các quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình lịch sử - văn hóa, là sự biểu hiện niềm tin dưới dạng tâm lí xã hội vào cái thiêng liêng thông qua hệ thống lễ nghi thờ cúng của con người và cộng đồng trong xã hội” (Trần Đăng Sinh, 2002: 33). Trong một bài viết khác đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (số 8/2008), ông cho rằng: “hình thức biểu hiện của tín ngưỡng rất phong phú, song có thể phân làm hai dạng cơ bản là tín ngưỡng tôn giáo tín ngưỡng dân gian. “Tín ngưỡng dân gian là sự tin tưởng ngưỡng mộ vào các đấng thiêng liêng như Thần, Thánh, Mẫu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán của các cộng đồng cư dân…[19] 
       Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Đức Thịnh trong các công trình Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (Chủ biên, 2001) và Về tín ngưỡng và lễ hội (Tác giả, 2007) chủ trương “sử dụng khái niệm tín ngưỡng với tư cách như một hình thức thể hiện niềm tin vào cái thiêng liêng của con người, của một cộng đồng người nào đó ở một trình độ phát triển xã hội cụ thể”. Tác giả giới thuyết kỹ lưỡng về “tôn giáo tín ngưỡng”. Ông căn cứ theo hình thức biểu hiện và trình độ tổ chức, khẳng định sự khác nhau giữa tín ngưỡng và tôn giáo:“Tín ngưỡng: Chưa có hệ thống giáo lí, chỉ mới có các huyền thoại, thần tích, truyền thuyết; Chưa thành hệ thống thần điện, đa thần; Còn hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người, chưa mang tính cứu thế; Gắn với cá nhân và cộng đồng làng xã, chưa thành giáo hội; Nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán và chưa thành quy ước chặt chẽ; Mang tính chất dân gian, sinh hoạt của dân gian, gắn với đời sống nông dân” (Ngô Đức Thịnh, 2001: 18; 2003:14).
Trở lên là một số định nghĩa về tín ngưỡng (tín ngưỡng dân gian) của một số nhà nghiên cứu có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá và tôn giáo. Từ góc độ Tôn giáo học, có thể thấy sự bất hơp lý khi sử dụng thuật ngữ  Tín ngưỡng và định nghĩa về nó như là “niềm tin”, thuộc “ý thức, tinh thần” nhằm chỉ các loại hình tôn giáo phi tổ chức, phi quan phương hoặc các thực hành thờ cúng mang tính tập tục truyền thống mà Tôn giáo học và các ngành Khoa học xã hội đương đại gọi là tôn giáo dân gian (Folk- religion), hoặc tôn giáo đại chúng (Popular religion), thuộc loại Tôn giáo hỗn hợp (syncretic religion). Do đó, thuật ngữ “tín ngưỡng” hiện nay trong lĩnh vực học thuật của nước ta dường như đã mất đi ý nghĩa vốn có của nó là “niềm tin có tính tôn giáo”, trong đó gồm cả “niềm tin vào chủ thuyết” mà Hán việt từ điển của Đào Duy Anh (1938) đã giải thích. “Tín ngưỡng” với tư cách là thuật ngữ khoa học, cụ thể là Tôn giáo học, cần được chuyển ngữ và giải thích sát nghiã với thuật ngữ quốc tế (Belief), tức là niềm tin, thái độ hay lập trường bên trong của người tin theo tôn giáo (Tôn giáo với nghĩa rộng nhất, không chỉ riêng các tôn giáo có tổ chức giáo hội), và đây là phạm trù thuộc “ý thức, của suy tư triết học hay là của tâm lý học”[20]. Do đó khi nói đến “tín ngưỡng” là nói đến “niềm tin tôn giáo”, trong đó vế sau mang nhiệm vụ giải thích cho vế trước. Còn như đứng trước tình trạng nước đôi như hiện nay, bắt buộc chúng ta phải giải quyết với vấn đề mà Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn từng đặt ra “tín ngưỡng hay niềm tin tôn giáo”, phải đi đến lựa chọn (có giải thích khoa học) một cách nghiêm túc và nhất quán, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa trong lĩnh vực tôn giáo học và luật pháp tôn giáo.   

1.2.4. Vấn đề “dân gian” trong tín ngưỡng

     Từ “dân gian” trong “tín ngưỡng dân gian”, về mặt ngữ pháp, nó hạn định tính chất của “tín ngưỡng”, thông thường được hiểu là tính dân gian của tín ngưỡng. Như chúng tôi đề cập ở phần đầu, nó lại là vấn đề làm nhiều người e ngại, sợ rằng như thế là hạ thấp (hoặc đem đối lập) “tín ngưỡng dân gian” với văn hóa bác học. Từ góc độ học thuật mà nói, đó là những nỗi e ngại hết sức “dân gian”, không đáng có. Đặng Nghiệm Vạn từng nêu ý kiến: “Đề nghị khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo nên dùng các khái niệm, như “tôn giáo dân gian”, “tôn giáo truyền thống”, “tôn giáo dân tộc”... như các nước phương Tây vẫn dùng để thay cho khái niệm “tín ngưỡng dân gian” vì thuật ngữ “dân gian” là dành cho folklore (văn hoá dân gian)”[21]. Nhưng chúng tôi cho rằng, thuật ngữ “dân gian” chỉ là folklore (văn hoá dân gian), và bản thân khái niệm folklore một thời được chuyển dịch thành “văn hoá dân gian”[22] thì nội hàm cũng không hoàn toàn đồng đẳng. Khác với Nhật Bản và Trung Quốc, cho đến nay, trong tiếng Việt chưa từng tìm được một thuật ngữ tương ứng “folklore”, mà sử dụng “văn hoá dân gian”[23].
      Một số nhà nghiên cứu nước ta cũng đã chủ trương thay thế từ “dân gian” bằng các từ “bình dân” hay “đại chúng” cho tương thông với các thuật ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh (populaire/popular) khi cắt nghĩa “dân gian” – hiểu như một “tính từ”, “để chỉ trạng thái tồn tại và lan truyền nhất định, hay là những ‘rơi rớt’ của dòng văn hóa được gọi là ‘bác học’ trong tình trạng đơn sơ thấp kém và và biến dạng của ‘dòng’ văn hóa được gọi là bác học ấy” (Nguyễn Quốc Tuấn, 2004:50). Thực tế trong từ vựng tiếng Việt, Hán Việt, từ “dân gian” có nguồn gốc từ từ ngôn ngữ Hán, được sử dụng phổ biến lâu đời trong tất cả các nước Á Đông dùng chữ Hán, có thể thấy từ này được dùng nhiều trong rất nhiều điển tịch Hán Nôm của nước ta, ví dụ như Đại Việt Sử Kí Toàn Thư có nhiều đoạn nói đến việc triều đình cấm các hoạt động đồng bóng (vu phong) trong dân gian, trong những ngữ cảnh đó, hàm nghĩa của nó rất đơn giản: “trong dân”, ngoài ra nó cũng là danh từ chung, đó là ý nghĩa chung nhất, cũng phổ biến nhất. Khi diễn tiến thêm chức năng tính từ, hạn định danh từ đứng trước đó, nó cũng không hề hạ thấp hoặc “tiêu cực hóa” danh từ đó, mà hoàn toàn trung tính, nhất là khi nó thuộc các khái niệm học thuật như văn hóa dân gian, tôn giáo dân gian, tín ngưỡng dân gian, v.v… khi đó, “dân gian” là mang ý nghĩa không gian (trong dân gian, của dân gian), “tín ngưỡng dân gian” đơn gản là “tín ngưỡng của dân gian”, cũng như khi nói tôn giáo của dân gian, tôn giáo của đại chúng vậy. Ai đó coi “dân gian” như một tính từ, đại diện cho “cái rơi rớt của ‘văn hóa bác học’” là do cách hiểu của cá nhân họ. Có thể là do ảnh hưởng của một thời kì lịch sử chúng ta đã lãng quên hoặc phê phán hoặc phủ nhận chính những gì thuộc về “dân gian” (trong dân), trong đó có phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động cúng tế. Nhưng sự phê phán đó là dành cho “hiện tượng”, chứ không phải khái niệm “dân gian”. Cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy một tác giả nào hoặc một công trình học thuật nào nêu lên hoặc chứng minh mệnh đề phàm cái gì thuộc về “dân gian” là thấp kém, tiêu cực. Với tư cách là khái niệm học thuật, khái niệm này không nói lên phán đoán giá trị của người sử dụng nó. Những lĩnh vực hoặc đối tượng nghiên cứu của dân gian hoặc mang thuộc tính dân gian ra sao thì người nghiên cứu phải có nhiệm vụ đi sâu phân tích diễn giải.   
      Người Nhật không vô cớ khi lựa chọn “dân gian” – một khái niệm vốn có của người Á Đông để biểu đạt một ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt không gian xã hội lẫn đời sống văn hóa của người dân. Khi ngành nghiên cứu khoa học xã hội Cận – Hiện đại trỗi dậy ở Đông Á, “dân gian” đàng hoàng trở thành một khái niệm khoa học xã hội và được sử dụng rộng rãi trong học thuật và đời sống, không chỉ riêng lĩnh vực folklore, tôn giáo học, mà còn chỉ các lĩnh vực phi quan phương khác (đối ứng với “quan phương”, “chính quyền”, “nhà nước”). Thậm chí, “về mặt xã hội học, “dân gian” so với “hoặc so với “thị dân”, “công dân”, “dân chúng”, “đại chúng” còn chỉ một không gian xã hội rộng lớn, có ý nghĩa tương cận, bản địa hơn cả khi biểu tả thuật ngữ phương Tây “civil society” trong bối cảnh Á Đông.[24]
      Trong truyền thống Á Đông, “dân gian” đó đôi khi không nằm trong sự kiểm soát nhà nước, mà có tính tự nhất định - “phép vua thua lệ làng”. Cộng đồng xã hội “trong dân” đó thực chất là xã hội nông thôn chiếm đến 80-90% dân số của một quốc gia, mang những đặc tính tập tục truyền thống, tự trị, nhưng đồng thời mang tính “ẩn dụ vương triều thần thánh” (có mối liên chặt chẽ với hệ thống quản lý của nhà nước trung ương), v.v… Đời sống tôn giáo trong các cộng đồng làng xã cổ truyền nước ta cũng vậy, không chỉ tồn tại những tín ngưỡng tôn giáo nguyên thuỷ, thứ cấp, mà còn tồn tại hệ thống tôn giáo chính thống Phật, Nho, Đạo, đặc biệt là thờ cúng Thành Hoàng thuộc hệ thống tế tự của các triều đại Phong kiến Việt Nam trước năm 1945.
      Chính vì những đặc điểm như trên, một số nhà Khoa học xã hội phương Tây khi quan sát thực tại đời sống tôn giáo các xã hội Á Đông đã đề xuất hai phạm trù có mối tương quan với nhau: “Truyền thống nhỏ” chỉ văn hóa, xã hội đại chúng, thôn quê (popular culture/ folk culture); “Truyền thống lớn”, chỉ thành phần văn hoá tinh hoa, quan phương (elite culture). Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo đương đại đã chỉ ra, đời sống tôn giáo (bào gồm các tín ngưỡng dân gian) trong một chỉnh thể văn hoá xã hội, không có sự độc lập rõ ràng giữa “dân gian” (hoặc đại chúng) và “quan phương” (hoặc giới tinh hoa), mà thẩm thấu lẫn nhau, xung đột nhau lẫn bổ sung nhau (Robert Redfield, 1956)[25]. Điều này tạo nên một một thức tôn giáo độc đáo phổ biến nhất ở Việt Nam nói riêng và Đông Á nói chung: Tôn giáo hỗn hợp (Đó cũng chính là chủ đề nghiên cứu ngày càng hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn hóa xã hội phương Á Đông đương đại, trong đó tiến sâu vào lĩnh vực tôn giáo dân gian, tôn giáo đại chúng hay các hình thái tôn giáo mang tính tập tục truyền thống của nhiều chủ thể cộng động dân tộc ở nước ta là một lối khám phá hữu hiệu. Chính từ lĩnh vực này, vấn đề  hệ thống lí thuyết tôn giáo học, nhân học, xã hội học, v.v… sẽ được đặt ra và có dịp kiểm chứng, từ đó không chịu nằm trong vòng ảnh hưởng của các quan niệm cũ, phân biệt một cách cứng nhắc về sự tồn tại độc lập hai lĩnh vực “tôn giáo” và “tín ngưỡng” như ở nước ta hiện nay.
      Tóm lại, đối với một với tư cách là một thuật ngữ, “tín ngưỡng” cần mang một hàm nghĩa duy nhất là “niềm tin tôn giáo” hoặc “niềm tin có tính tôn giáo”. Còn đối với thực tại các niềm tin và thực hành thờ cúng không thuộc phạm vị các tôn giáo chính thức, cần coi như đó là loại hình tôn giáo thuộc về đại chúng tương ứng với các thuật ngữ quốc tế như Folk Religion, Folk Belief, Popular Cult, Popular Religion. Thực tiễn đời sống tôn giáo của nước ta hiện nay cho thấy, những niềm tin và thực hành hướng đến thế giới thiêng (Thần linh, Phật, Mẫu, tổ tiên, vong hồn….) của đại đa số người dân Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua đã và đang trỗi dậy, năng động chưa từng thấy, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống tâm linh và đời sống xã hội của đại đa số người dân dân. Đặc biệt là các hình thức thờ cúng đều mang tính truyền thống, hỗn hợp như truyền thống tôn giáo vốn có của khu vực Đông Á (syncretic religion). Bởi vậy, với tư cách là một đối tượng nghiên cứu, nó cần được nhìn nhận và phân tích trong mối quan hệ với các tầng diện tôn giáo, văn hóa, xã hội quan phương và phi quan phương và với tôn giáo có tính tổ chức, nhằm góp phần làm sáng tỏ đặc trưng của tôn giáo theo phương thức của người Việt Nam./.

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương. Quan Hải tùng thư, Huế 1938.
  2. Ban Tôn giáo Chính phủ (2016), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
  3. Lưu Bành (TQ) (2007), Tôn giáo và Pháp trị. Trần Anh Đào dịch, Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
  4. Phan Kế Bính (1915), Việt Nam phong tục, Nxb Văn hóa thông tin, tái bản 2005.
  5. Vũ Ngọc Khánh chủ biên, Từ điển Văn hóa dân gian, Nxb Văn hóa thông tin, Hà nội, 2002
  6. Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1995.
  7. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, KHXH, H., 1996
  8. Nguyễn Quốc Tuấn, Nhận thức lại về các khái niện “tín ngưỡng” và “tôn giáo” từ góc độ nghiên cứu tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6/2013.
  9. Tạ Chí Đại Trường Thần, người và đất Việt. Nxb Văn nghệ, California (1989).
  10. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  11. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền. Bài Nửa thế kỉ nghiên cứu tín ngưỡng dân gian. Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội.
  12. Nhiều tác giả, Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008.
  13. Đỗ Trinh Huệ, Văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả Léopold Cadière. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.
  14. Kingsley, Shaun Malarney, Culture, Ritual and Revolution in Vietnam. 2002.
  15. Lương Trị Bình (TQ) (2008), Dân gian, xã hội dân gian và Civil Society – Tái kiểm thảo về thuật ngữ Civil Society.
  16. Dương Thành Chí (TQ) (1937). Tín ngưỡng của người An Nam. Tập san Dân tục. Quý 2, Trung Hoa Dân quốc năm thứ 26,1937.
  17. Ngô Chân (TQ) (2008). Nghiên cứu tín ngưỡng dân gian trong ba chục năm trở lại đây (民间信仰研究三十年) 本文原刊于《民俗研究》2008年第4
  18. Redfield, Robert (1956), Peasant Society and Culture, Chicago, University of Chicago press.
  19. Miyake Junn (2008), Tôn giáo dân gian của Nhật Bản (日本的民俗宗教), bản dịch tiếng Trung của Triệu Trọng Minh, Nxb Đại học Nam Kinh.
  20. Suzuki, Iwayumi (Nhật) (1998), Sự hình thành và diễn biến của  khái niệm “tín ngưỡng dân gian” ở Nhật Bản. Bản dịch tiếng Trung của Hà Yến Sinh dịch tiếng Trung,  Tạp chí Nghiên cứu Dân tục (民俗研究) (Trung Quốc) số 3 (47)/1998.
  21. Đặng Nghiêm Vạn, Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay. Nxb KHXH. Hà Nội 1996.
  22. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên), Những vấn đề lí luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1998.
  23. Encyclopedia of Religion,  Popular Religion, COPYRIGHT2005 Thomson Gale, https://www.encyclopedia.com/environment/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/popular-religion.
 
 
 

[1] Thiết chế xã hội truyền thống Á Đông thường là: nhà – làng - nước, là chủ thể của hệ thống vũ trụ quan, biểu trưng tôn giáo và nghi lễ thờ cúng tương ứng, như Tổ tiên/ thần bảo hộ gia đình (Táo quân, Thổ địa)- Thành Hoàng làng/ Thần làng- Thần linh phù trợ quốc gia, dân tộc, cộng đồng, v.v...
[2] Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên). Những vấn đề lí luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, H. 1998, tr. 35.
[3] Dương Thành Chí. Tín ngưỡng của người An Nam. Tập san Dân tục. Quý 2, Trung Hoa Dân quốc năm thứ 26 (1937) tr.153-170.
(楊成志:《安南人的信仰》,《民俗季刊》第二期。中華民國二十六年。)
[4] Chung Quốc Phát. Tổng thuật về nghiên cứu tín ngưỡng dân dã và tôn giáo dân gian người Hán ở Trung Quốc thế kỉ 20. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo thế giới (TQ), số1/1999.
[5] Miyake Junn (2008), Tôn giáo dân gian của Nhật Bản (日本的民俗宗教), bản dịch tiếng Trung của Triệu Trọng Minh, Nxb Đại học Nam Kinh, tr. 5-12.
[6] Iwayumi Suzuki (铃木岩弓) Hà Yến Sinh (何燕生). Sự hình thành và diễn biến của  khái niệm “tín ngưỡng dân gian” ở Nhật Bản, bản tiếng Trung, Tạp chí Nghiên cứu Dân tục (民俗研究) số 3/1998, tr.20-27.
[7] Trong bối cảnh học thuật tiếng Anh, tiếng Hán, tiếng Nhật, thuật ngữ “Tín ngưỡng dân gian” hay “Tôn giáo dân gian” dùng để chỉ các hiện tượng (hoặc hình thái)  tín ngưỡng và thực hành tôn giáo ngoài các tôn giáo chính thức, giới nghiên cứu tùy theo từng trường hợp chuyển ngữ sang tiếng Anh như Folk Religion, Folk Belief, Popular Cult, Popular Religion. Bởi vậy, “Tín ngưỡng dân gian” hay “Tôn giáo dân gian” với tư cách là hiện tượng/ hình thức biểu hiện của tôn giáo, về cơ bản không thể lẫn lộn “tín ngưỡng” (Belief/ Faith) một phạm trù thuộc hoạt động tinh thần nội tại của cá nhân, như Đào Duy Anh trong Giản ước Hán Việt Từ điển (1938), từ điều “tín ngưỡng” đã định nghĩa là niềm tin vào tôn giáo hoặc vào một chủ nghĩa nào đó.
[8] Nguyễn Quốc Tuấn, Mẫu Liễu Hạnh qua góc nhìn Tôn giáo học. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6/2004, tr.50-59
[9] Tham khảo: Điều lệ sự vụ tôn giáo (lệnh số 426) Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua tại Hội nghị thứ 57, thực thi từ ngày 1/3/2005.
[10] Nhà nghiên cứu luật pháp tôn giáo Trung Quốc Lưu Bành cho biết, “cho đến nay nhà nước Trung Quốc vẫn chưa định vị rõ ràng về mặt pháp luật cho tín ngưỡng dân gian”. Tham khảo Lưu Bành. Tôn giáo và Pháp trị. Tư liệu dịch, Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
[11] Đặng Nghiêm Vạn. Tín ngưỡng hay niềm tin tôn giáo. Nguồn: http://www.vae
[12] Đặng Nghiêm Vạn, Tôn giáo hay tín ngưỡng. Nguồn: http://www.vae
[13] Đặng Nghiêm Vạn, nt, nguồn đã dẫn.
[14] Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2016
 
[15] Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2016
[16] Xem thêm bài của Ngô Hữu Thảo, Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua các hiến pháp Việt Nam – sự thừa kế và phát triển. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số tháng 2 (32) 2005, tr3-8, trong tác giả - với tư cách là nhà nghiên của thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ và phất tích rất rõ quan điểm coi tín ngưỡng là “hiện tượng” phân biệt với “hiện tượng tôn giáo” và định nghĩa rằng “hiện tượng tín ngưỡng, về hành vi bao gồm những sự thờ cúng khác với tôn giáo, như thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên; thờ thần; thờ mẫu, thờ ma… Còn tôn giáo, đó là các đạo như đạo Phật, đạo Tin Lành, đạo Công Giáo, đạo Ixlam, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo”. Tác giả cho rằng: “Quyền tự do tín ngưỡng có nghĩa là công dân được quyền tin theo tín ngưỡng, tôn giáo nếu có nhu cầu”.
[17] Ngô Đức Thịnh cho rằng: Đạo theo nghĩa rộng có thể bao gồm một số hình thức tín ngưỡng và tôn giáo, còn theo nghĩa hẹp hơn là chỉ một số hình thức tín ngưỡng phát triển có xu hướng trở thành tôn giáo sơ khai hay là tôn giáo dân gian. Tham khảo Ngô Đức Thịnh. Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền. Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin. H, 2003, tr.16.
[18] Đặng Nghiêm Vạn chủ trương gọi Đạo tổ tiên và “ở người Việt Nam, thờ cúng Tổ tiên là một tôn giáo cơ bản”.
[19] Trần Đăng Sinh, Một số chính sách của các vua đầu triều Nguyễn đối với tín ngưỡng thờ thần ở làng xã Bắc Bộ. Nghiên cứu Tôn giáo, số 62 (tháng 8/2008), tr.20.
[20] Trần Văn Toàn, http://dir.groups.yahoo.com/group/HoiNghi/message/102961
[21] Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Văn Thanh, Tìm hiểu thêm về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng.
[22] Theo chúng tôi, bản thân việc các nhà nghiên cứu văn hóa nước ta sử dụng khái niệm “Văn hoá dân gian” để chuyển dịch khái niệm Folklore cũng chỉ có tín tương cận một cách tương đối. Bởi vì văn hóa dân gian khi dịch sang tiếng Anh thì đã là Folk Culture. 
[23] Ngay từ buổi đầu tiếp nhận thuật ngữ “Folklore” từ phương Tây, các học giả Nhật Bản và Trung Hoa chủ trương dịch thành chữ Hán là “Dân tục” 民俗 , hoặc “Dân tục học” và sử dụng phổ biến cho đến nay. Họ không dịch“Folklore” thành “Văn hóa dân gian như” ở Việt Nam. 
[24] Lương Trị Bình (Trung Quốc). Dân gian, xã hội dân gian và Civil Society – Tái kiểm thảo về thuật ngữ Civil Society
[25] Robert Redfield, Peasant Society and Culture. 1956, Chicago, University of Chicago press.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây