PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thứ ba - 17/05/2022 14:38

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM  THAM GIA	BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

TS. Nguyễn Văn Thanh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. & Ths. Hà Thị Xuyên
       

      N
gày nay, sự sống của con người và các loài khác trên trái đất đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH). Các nghiên cứu quốc tế cho thấy tác động và các biểu hiện cực đoan của BĐKH trong mấy năm trở lại đây đã khiến khoảng 250 triệu người bị ảnh hưởng bởi những trận lũ lụt ở Nam Á, châu Phi và Mexico. Các nước Nam Âu đang đối mặt nguy cơ bị hạn hán nghiêm trọng dễ dẫn tới những trận cháy rừng, sa mạc hóa, còn các nước Tây Âu thì đang bị đe dọa xảy ra những trận lũ lụt lớn, do mực nước biển dâng cao cũng như những đợt băng giá mùa đông khốc liệt. Những trận bão lớn vừa xẩy ra tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... có nguyên nhân từ hiện tượng trái đất ấm lên trong nhiều thập kỷ qua. Theo các nghiên cứu khoa học, nguyên nhân chính yếu là do chính con người gây ra. Việc tăng phát thải quá mức của khí nhà kính đã làm mất sự ổn định của khí hậu, làm nóng lên toàn cầu, a xíd hóa đại dương... đặt con người và các sự sống khác trên trái  đất vào tình trạng nguy hiểm. Nếu không có hành động toàn cầu làm giảm sự phát thải khí nhà kính, không có các giải pháp tận gốc, liên quan đến nhận thức và hành động thì những tác động nặng nề do ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng về tấn suất và cường độ.

     Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất. Các nghiên cứu cho biết có tới 33/63 tỉnh, thành phố hoặc 5/8 vùng kinh tế đang bị đe dọa bởi ngập lụt nghiêm trọng. Trong số đó, bốn tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động của mực nước biển dâng sẽ dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn vào sâu đất liền.
    Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra đối với bảo vệ môi trường không chỉ là chống ô nhiễm đất đai, sông suối, bảo vệ đa dạng sinh học, mà còn phải làm cho môi trường sống phong phú, trả lại sự trong sạch của thiên nhiên. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là những giải pháp mang tính kỹ thuật hay kinh tế, mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, của cả thế giới liên quan mật thiết đến nền tảng đạo đức, yếu tố văn hóa và gốc rễ tinh thần mà các tôn giáo đóng vai trò quan trọng và trách nhiệm cao.
    Phật giáo cũng như các tôn giáo chân chính trên thế giới và ở Việt Nam đều lấy con người làm trung tâm, thông qua tôn chỉ hoạt động, giáo lý, giáo luật để giáo huấn tín đồ mở rộng tình thương yêu, sống vị tha, bác ái, bao dung, hoà hợp, đoàn kết và tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sự cân bằng, hài hòa sinh thái và vươn tới cái chân - thiện - mỹ.
    Giáo lý Phật giáo đã chỉ ra con đường thoát khỏi mọi nỗi khổ đau ở đời. Sự giải thoát này phải xây dựng dựa trên nền tảng giác ngộ: Biết đúng mới làm đúng. Vậy nỗi khổ đau ở đời là gì? Và nguyên nhân của nó như thế nào? Cần làm gì để thoát khỏi nỗi khổ đau đó? Phật giáo đã giải thích điều này bằng Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên (Duyên khởi), Bát chính đạo...  Và trong toàn bộ tư tưởng của Phật giáo về giác ngộ, giải thoát đã hàm chứa nhiều nội dung có liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nó lẩn khuất trong Duyên khởi, Bát chính đạo, nghiệp, nhân quả, ngũ giới, thập thiện, tam độc, tứ vô lượng...
     Lý Duyên khởi của Phật giáo khẳng định mối tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên, nhân sinh và vũ trụ: Cái này có thì cái kia có; cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia diệt. Các Pháp tùy thuộc vào nhau mà sinh khởi, hủy hoại thiên nhiên đồng nghĩa với với hủy hoại môi trường sống của con người. Như vậy, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ cộng sinh, cùng sinh tồn và phát triển. Do đó, con người không thể nào tách mình ra khỏi thiên nhiên mà vẫn có thể tồn tại được.
    Trong kinh A Hàm, phẩm Kinh Lâm đức Phật có dạy: Tỷ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ta nương vào khu rừng này để ở, chưa có chính niệm sẽ được chính niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niệt Bàn… Này các Tỷ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch”.
    Như vậy Đức Phật đã dạy các đệ tử ý thức bảo vệ thiên nhiên, nếu ai tác động tiêu cực đến môi trường là đồng nghĩa với việc hủy hoại nơi tu tập, cũng là điều kiện để chúng sinh tồn tại, thì toàn bộ quá trình chứng đắc sẽ không diễn tiến như mong đợi.”[1]
    Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có số chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ lớn nhất trong số 15 tôn giáo ở Việt Nam. Ngay từ buổi đầu mới được truyền vào nước ta, Phật giáo đã được các bậc Tổ sư tiền bối tiếp thu một cách có chọn lọc, dựa trên các điều kiện cụ thể của nước nhà để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh và tạo nên một đạo Phật rất Việt Nam gắn bó mật thiết không thể phân ly trong lòng dân tộc. Do sự tương đồng giữa giáo lý "Từ bi - Hỷ xả", "Cứu khổ cứu nạn" của đức Như Lai với tư tưởng, tình cảm và truyền thống nhân văn của người Việt nên đạo Phật đã luôn gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
     Hiện nay, tổng số Tăng Ni trong cả nước là: 53.941, gồm: 38.629 Bắc tông; 8.574 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 4.984 Khất sĩ. Số cơ sở Tự Viện (cơ sở thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng của GHPGVN) là 18.466 ngôi, gồm 15.846 Tự viện Bắc Tông; 454 chùa Nam Tông Khmer; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 NPĐ; 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa[2]. Hệ thống tổ chức của Giáo hội đã được thiết lập tại cả 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và ngày càng hoàn thiện với 3 cấp hành chính đạo và hệ thống các chùa, cơ sở hành đạo tại cơ sở. Nguyên tắc tổ chức thống nhất trong đa dạng, thống nhất về tổ chức, ý chí và hành động, nhưng đồng thời vẫn tôn trọng truyền thống tu hành theo các hệ phái... Đó là một sức mạnh, một nguồn lực quan trọng để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia đóng góp xứng đáng vào các công việc chung của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể phát động. Đặc biệt, trong công tác tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và thiết thực. Tiêu biểu là:
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phật tử nhận thức mối quan hệ mật thiết giữa con người với thế giới tự nhiên qua giáo lý duyên khởi và vô ngã, từ đó gây dựng niềm tin về một đạo đức ứng xử “thiện” với tự nhiên, với môi trường nhằm tiến tới một thế giới chung an bình, tốt đẹp.
2. Nhằm hưởng ứng chiến lược và chương trình hành động quốc gia về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy vai trò của các tôn giáo Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối Đại Đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hưởng ứng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tổ chức từ ngày 01/12 đến 03/12/2015 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông điệp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó “kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực của mình, cam kết với chính mình hãy bảo vệ môi trường bền vững và đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn”.
 
    Tại Hội nghị, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với người đứng đầu của 39 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Sau khi ký kết Chương trình phối hợp, Giáo hội đã cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cùng lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo.
4. Thực hiện Chương trình phối hợp đã ký kết, nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2016, PL. 2560, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Thông điệp với nội dung trọng tâm là bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH: “Với tinh thần nhập thế, nhân Mùa Phật đản PL.2560 – DL.2016, Tôi đặc biệt mong muốn toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân của những người con Phật, mỗi người bằng những hành động thiết thực nhất hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính chúng ta….. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn!”.
     Diễn văn Phật đản năm 2016 của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi các cấp Giáo hội và tăng ni, phật tử bằng những Kế hoạch và hành động cụ thể, tích cực tham gia thực hiện Chương trình phối hợp đã ký kết giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với 40 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam về việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Góp phần xây dựng thế giới hòa bình và tịnh lạc cho hành tinh của chúng ta.
5. Thực hiện Hướng dẫn triển khai Chương trình phối hợp của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ sau khi Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được ký kết, đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở 58 tỉnh, thành phố, trong đó có Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang… đã ký Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố về việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch và lộ trình đã thống nhất, trong tháng 8 và tháng 9 năm 2017, Giáo hội Phật giáo của 5 tỉnh, thành phố còn lại sẽ tiến hành ký kết Chương trình/Kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh, thành phố. Đó là cơ sở quan trọng để triển khai xây dựng mô hình và đẩy mạnh các hoạt động của Phật giáo cùng các tôn giáo khác tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước.
6. Căn cứ Kế hoạch năm 2016 của Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN khảo sát và xây dựng các mô hình điểm cấp quốc gia về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo (chùa Pháp Bảo, thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hải Đức (chùa Hải Đức, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) và mô hình điểm tại Chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
      Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa những nội dung của Chương trình phối hợp vào chương trình hoạt động Phật sự năm 2016 của các ban, ngành, viện Trung ương và hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo các địa phương; lồng ghép phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng ni sinh tại các trường đào tạo Phật học; tổ chức nhiều Hội thảo về chủ đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh việc tuyên truyền, thuyết giảng trong quần chúng nhân dân, phật tử về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để tăng ni phật tử chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, sống có trách nhiệm với xã hội, góp phần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác môi trường. Công tác từ thiện nhân đạo nhằm hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ... được Trung ương Giáo hội tích cực triển khai thực hiện. Hoạt động từ thiện, nhân đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp năm 2016 đạt hơn 2.000 tỷ đồng. GHPGVN Tp. Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức hội thảo về chủ đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng nhân dân, phật tử về tầm quan trọng, các giải pháp để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban Trị sự GHPGVN thành phố Đà Nẵng đã triển khai đến toàn thể tăng ni, phật tử thực hiện Chương trình như: Tiết kiệm nguồn nước, trồng cây xanh, tham gia quét dọn vệ sinh tại nơi cư trú và các khu dân cư. Tại các tự viện Phật giáo cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu cho Phật tử với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường cũng được các vị lãnh đạo Giáo hội, tăng ni thuyết giảng, tuyên truyền cho các phật tử như một nội dung quan trọng, thường xuyên trong hoằng pháp. Giáo hội các cấp đã biên tập những kiến thức về bảo vệ môi trường theo quan điểm của Phật giáo, để từ đó có những ứng dụng, thực hành ngay trong cuộc sống thường ngày và khuyến khích mọi người cùng chung tay hành động vì môi trường.
 
    Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của Phật giáo Việt Nam trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ kết quả và kinh nghiệm hoạt động thực tế năm 2016, chúng tôi đề xuất Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tiếp tục tập trung các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của mình vào các nội dung trọng tâm sau:
 
1- Giáo hội Phật giáo Việt Nam căn cứ Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã ký kết và Hướng dẫn số 46/HD-MTTW-TNMT, ngày 08/4/2016 của Ban Thường trực UBTWMTTQVN cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2017 và các năm tiếp theo phù hợp với giáo lý, đặc điểm Phật giáo và tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
 
     Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp phối hợp đưa nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động Phật sự hàng tháng, hàng năm, huy động sự tham gia của đông đảo tăng ni, phật tử vào những chương trình cụ thể hàng tháng, hàng năm về bảo vệ môi trường; tổ chức thêm nhiều khóa học hỏi gây ý thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
2- Phối hợp phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo trong công tác bảo vệ môi trường bằng các hành động thiết thực và cụ thể như ra Thông bạch, Thông điệp, Lời kêu gọi,... của Đức Pháp chủ, của Hội đồng Trị sự và các ban, ngành, viện của Giáo hội các cấp... nhằm hưởng ứng các chính sách, pháp luật và chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3- Phối hợp nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các cộng đồng Phật giáo, các ban, ngành, viện ở trung ương và địa phương; hỗ trợ Ban Trị sự Phật giáo các cấp và các cơ sở tự viện xây dựng mô hình điểm tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và nhân rộng các mô hình này ở cộng đồng phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, mỗi vùng miền.
     Khuyến khích các hoạt động từ bi, cứu khổ, từ thiện, giữ gìn và thân thiện với môi trường của tăng ni, phật tử và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khi gặp phải thiên tai, bão, lũ.
4- Phối hợp triển khai các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, phát triển cộng đồng cùng các tôn giáo khác, trong đó có nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể và sở trường của Phật giáo.
5- Vận động và huy động các nguồn lực đa dạng của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước, tham gia đóng góp cùng nhà nước và xã hội, góp phần xã hội hoá các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chùa có điều kiện nên có 1 hòm công đức để dành nguồn lực riêng cho các hoạt động BVMT, cứu trợ thiên tai và ứng phó với BĐKH.
6- Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động nhân dân, tăng ni, phật tử tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật về Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu.
     Đoàn kết, hòa hợp cùng phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu như Chương trình phối hợp của các tôn giáo đã ký kết, đó là đến năm 2020 trên 80% chư tôn đức, tăng ni và phật tử có hiểu biết và tích cực tham gia Chương trình phối hợp; mỗi xã, phường, thị trấn có cơ sở Phật giáo đều xây dựng được ít nhất một mô hình cộng đồng Phật giáo thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tài nguyên và Môi trường và Ban Trị sự Phật giáo cùng phối hợp xây dựng. Cứ 2 đến 3 năm một lần các cơ sở sản xuất tại cơ sở được giám sát về thực hiện Luật Bảo vệ môi trường do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức Phật giáo cùng cấp thực hiện./.
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kết luận số 02 KL/ĐCT, ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo.
2. Hướng dẫn Số: 41 /HD-MTTW-BTT, ngày 16/3/2016 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về triển khai Kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giá
3. Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
4.  Hướng dẫn số 46/HD-MTTW-TNMT, ngày 08/4/2016 của Ban Thường trực UBTWMTTQVN cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
5. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
6. Thông điệp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
7.  Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2016 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
 
 
 
 
 
[1] Thông điệp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
 
[2] Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2016 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.300-308.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây