TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU - PHƯƠNG THỨC LƯU GIỮ VÀ TRUYỀN TẢI TRUYỀN THỐNG UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN CỦA NGƯỜI VIỆT

Thứ năm - 01/09/2022 21:39

TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU - PHƯƠNG THỨC LƯU GIỮ VÀ TRUYỀN TẢI TRUYỀN THỐNG UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN CỦA NGƯỜI VIỆT

TS. Nguyễn Hữu Thụ.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
 
1. Trong những năm gần đây, vấn đề về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hoá đã trở thành một đề tài được nhiều nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau quan tâm nghiên cứu. Mặc dù được nghiên cứu dưới nhiều góc độ cũng như mục đích khác nhau, nhưng đa phần các tác giả đều có chung nhận định rằng tôn giáo là một thành tố không thể tách rời của văn hoá và trong chừng mực nào đó, tôn giáo còn là hạt nhân, là yếu tố tạo nên bản sắc văn hoá của một cộng đồng, một dân tộc nào đó.
        Trong cuốn sách “Lý giải tôn giáo”, tác giả Trác Tân Bình, khi giải thích về văn hoá, đã cho rằng: mỗi nền văn hoá về cơ bản bao gồm hai nhân tố: nhân tố truyền thống dân tộc, bản địa và nhân tố tiên tiến kiểu mẫu có tính quốc tế, phổ quát. Trong đó, những nhân tố truyền thống được hình thành và quyết định bởi sự thích ứng của chính bản thân cộng đồng người đó trong những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội cụ thể, còn nhân tố mang tính phổ quát, quốc tế thì được hình thành trong quá trình giao lưu, tiếp xúc về văn hoá giữa cộng đồng người này với cộng đồng người khác.
        Và để có thể tìm hiểu một nền văn hoá cụ thể, chúng ta cần phải xem xét nền văn hoá đó trên 3 bình diện cơ bản gồm: bình diện vật chất, bình diện kết cấu và bình diện tinh thần. Trong đó, tín ngưỡng tôn giáo, chuẩn mực đạo đức, quan niệm giá trị, hứng thú thẩm mỹ, phương thức tư duy có thể quy vào bình diện tinh thần và tâm lý của văn hoá, nó là bình diện sâu sắc nhất của văn hoá, là hạt nhân, là linh hồn của văn hoá, nó quy định đặc tính và bản chất của văn hoá[1]. Mặc dù được xếp trong bình diện văn hoá tinh thần nhưng tôn giáo vẫn có thể biểu hiện dưới hai dạng là vật thể (cơ sở thờ tự như: nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo…) và phi vật thể (âm nhạc, diễn xướng, trò tích…)
Như vậy, với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, một hiện tượng xã hội ra đời từ rất sớm trong lịch sử xã hội loài người, tôn giáo luôn có mối quan hệ biện chứng với văn hoá. Giữa tôn giáo và văn hoá luôn có mối quan hệ đa chiều, nói đến tôn giáo và văn hoá là nói đến vai trò của tôn giáo trong việc tạo ra hình thái văn hoá của một tộc người, một quốc gia hay một châu lục, ngược lại, bất kỳ một tôn giáo nào cũng đều ra đời từ một nền văn hoá cụ thể.
       Các hình thức tín ngưỡng tôn giáo ra đời ở những cộng đồng, dân tộc khác nhau thì luôn mang những đặc tính, những bản sắc do chính nền văn hoá của họ quy định, hay nói cách khác, văn hoá đã sản sinh ra tôn giáo. Ngược lại, đến lượt mình, tôn giáo tín ngưỡng lại góp phần bổ sung và làm giàu cho nền văn hoá ấy. Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, các tôn giáo không ngừng được nền văn hoá sản sinh ra bồi trúc và hoàn thiện (bởi vì bản thân những nền văn hoá ấy cũng không ngừng biến đổi, tiếp xúc, thích nghi và hội nhập với các nền văn hoá khác). Nhưng cũng có những tôn giáo tiến hành truyền bá ra bên ngoài không gian văn hoá đã sản sinh ra nó, hội nhập vào một nền văn hoá khác. Chính thông qua quá trình thâm nhập vào nền văn hoá mới này mà tôn giáo, một mặt đã giúp cho nền văn hoá này sản sinh ra những giá trị văn hoá mới, một mặt nó lại được nền văn hoá mới đó làm phong phú lên qua việc thích ứng, chọn lọc, và hội nhập với nền văn hoá mà nó hiện diện. Không chỉ dừng lại ở đó, tôn giáo, tín ngưỡng trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, bằng cách này hay cách khác đã bảo tồn cũng như truyền tải những giá trị văn hoá của một dân tộc, một cộng đồng trong quá khứ vào xã hội hiện tại, và hướng đến xã hội tương lai.

2. Tín ng­ưỡng thờ Mẫu có thể đư­ợc hiểu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ng­ưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ - Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu - đấng sáng tạo, bảo trợ cho sự sinh thành, tồn tại và phát triển của tự nhiên, xã hội và con ngư­ời.
       Cũng giống như những loại hình tín ngưỡng dân gian khác, niềm tin tín ngưỡng trong các tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu luôn mang tính dụng và tính hỗn dung (đa thần). Ngoài hai đặc điểm đó, không thể không nói đến đặc điểm thứ ba, đó là tín đồ tìm đến niềm tin, nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu bên cạnh mục đích mong cho cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng được hạnh phúc, bình an và sung túc hơn, thì họ còn coi đây là một phương thức để họ thực hành và di dưỡng đạo đức luân lý, truyền thống văn hoá của dân tộc mình, cộng đồng, gia đình mình như: truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu nước, truyền thống trọng nữ….
 
Người Việt có câu:
“Con người có tổ có tông,
        Như cây có cội như sông có nguồn”.
Hay
        “Cây có gốc nở cành xanh ngọn,
                 Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Người ta nguồn gốc ở đâu?
          Có tổ tiên trước rồi sau có mình.”
 
      Đó là ý thức tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên, biết ơn những người có công với đất nước đã được hình thành, tồn tại và phát triển trở thành đạo lý, lẽ sống của mỗi người Việt Nam. Đạo lý này không chỉ được được thể hiện trong văn, thơ, hò, vè mà còn thông qua nghi thức và nội dung của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
     Có thể thấy truyền thống uống nước nhớ nguồn được truyền tải trong tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện ở hai nội dung:
     Thứ nhất, lai lịch các vị nữ thần, Thánh mẫu và hoá thân của các ngài đều được lịch sử hoá bởi những nhân vật có thật hoặc không có thật trong lịch sử - những nhân vật này đều là những phúc thần – là người có công với nước (giúp (hoặc phù) vua giết giặc bảo vệ đất nước), với dân (đem lại một nghề mới cho dân hoặc cứu giúp dân làng thoát khỏi một mối nguy hại nào đó, sau khi chết được dân tưởng nhớ mà tôn thờ) hoặc là những vị có thật trong lịch sử (như: Hai Bà Trưng, Nguyên Phi ỷ Lan, …).
 
     Thứ hai, thông qua hoạt động diễn xướng văn hoá dân gian là Hầu đồng, tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu được thưởng thức những lời ca, điệu múa, trang phục của những vị thần linh Tứ Phủ, mà những ca, điệu múa này thường là ca ngợi công lao, đức hạnh của các vị đối với nhân dân và với triều đình phong kiến.
     Trong tâm thức của người Việt, người Mẹ (Mẫu) đầu tiên, xa xưa của mình là Mẫu Âu Cơ với truyền thuyết mang tính Tô tem giáo (Bọc trăm trứng). Sau khi sinh con, bà đã dạy các con của mình cách thức trồng khoai lang, trồng sắn và các loại cây cỏ củ khác phục vụ cho cuộc sống của mình. Hiện nay ở Phú Thọ còn có nhiều địa phương vẫn thờ cúng Mẫu Âu Cơ và trong các dịp lễ hội thường diễn xướng lại động tác của Mẹ Âu Cơ dạy các con cách thức lao động sản xuất….
       Cùng với quá trình tiến hoá của ý thức dân tộc, các vị thần nói chung, các nữ thần nói riêng ngày càng được bổ sung và hoàn chỉnh. Rất nhiều các vị nữ thần đã ra đời bên cạnh Mẫu Âu Cơ. Có thể kể đến Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ lúa, các bà Mẹ dạy nghề,… và phần lớn các Mẹ đều gắn với những danh nhân văn hoá, anh hùng đánh giặc hay là mẹ của các anh hùng, là người hy sinh đầu tiên hoặc hy sinh lớn nhất cho cộng đồng. Man Nương (người dạy dân trồng dâu) trở thành vị thuỷ tổ của hệ thống Phật giáo dân gian thờ Tứ pháp (Bà Dâu – Pháp vân, Bà Tướng – Pháp Lôi, Bà Đậu – Pháp Vũ, Bà Dàn – Pháp Điện) ở vùng Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh hiện nay.
      Khi chế độ phong kiến được hình thành và ngày càng phát triển thì các nữ thần vốn là các danh tướng ngoài trận mạc, các vị nữ anh hùng dân tộc hoặc thậm chí là những người phụ nữ bình thường nhưng có công trạng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng được tôn vinh, chẳng hạn như Hai Bà Trưng, Nguyên Phi Ỷ Lan, Dương Vân Nga, Bùi Thị Xuân… Và thậm chí ngay gần đây, các Mẫu gắn với các nhân vật lịch sử thời cận đại cũng xuất hiện như bà vợ ba của anh hùng dân tộc Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) sau khi mất được thờ ở Yên Thế, Bắc Giang cũng được tôn là Mẫu[2].
      Việc tôn thờ các Mẫu và gắn các Mẫu với những nhân vật lịch sử có thật bên cạnh mục đích tâm linh tôn giáo ra (Người Việt cho rằng những người khi sống có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng thì khi chết cũng vẫn có sự chi phối tới cuộc sống của những người đang sống) còn là sự khẳng định những công lao, đóng góp của người phụ nữ trong tiến trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Và đó chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt.
 
     Nếu như nhiều nhân vật lịch sử khi sống là những người có công với dân với nước, khi chết được tôn vinh là thần linh thì Mẫu và các hoá thân của Người với các quyền năng siêu nhiên của mình đã giúp các triều đại phong kiến trong việc giữ gìn và bảo vệ Tổ Quốc đưới hình thức tâm linh. Theo truyền thuyết thì Mẫu Thượng Ngàn thường được giải thích là người trần (khác Mẫu Thượng Thiên là thiên thần hoặc tiên nữ) có công trong việc đem lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên cho dân làng, hay có công trong việc giúp triều đình phong kiến đánh thắng giặc ngoại xâm, sau khi chết hoặc hoá tiên được dân làng tưởng nhớ lập đền thờ và tôn vinh thành Mẫu Thượng Ngàn. Bà đã từng báo mộng giúp Lê Lợi tránh được hiểm nguy trong việc kháng chiến chống quân Minh. Cũng theo truyền thuyết, Quan Đệ Ngũ được đồng nhất với tướng Cao Lỗ, một võ tướng của An Dương Vương hay chính là con trai của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Tảng, hiện được thờ ở Cửa Ông (Quảng Ninh) và ở Lạng Sơn. Hay như ông Hoàng Đệ Nhất được đồng nhất với danh tướng của Lê Lợi, ông Hoàng Đôi (Đệ Nhị) là người Mán có công chống giặc bảo vệ dân lành; ông Hoàng Bơ (Ba) có công phò vua đánh giặc, ông Hoàng Lục là tướng Trần Lựu có công chống giặc Minh, ông Hoàng Bảy là viên quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai Yên Bái[3].
       Bên cạnh việc truyền bá những tư tưởng yêu nước thương dân, đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua hình tượng của các Mẫu, các vị Thánh Mẫu và hoá thân của các Ngài, tín ngưỡng Mẫu còn truyền tải thông điệp đó qua các hình thức diễn xướng dân gian mang tính tín ngưỡng tôn giáo của mình.
       Trong các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng Mẫu, có thể nói Hầu đồng là hình thức cơ bản nhất, đặc trưng nhất thể hiện được bản sắc của tín ngưỡng Mẫu. Hầu đồng hay hầu bóng là một hình thức biểu diễn mang tính phức hợp, nó là sự kết hợp giữa nghi lễ và sân khấu, âm nhạc và lời hát, trang phục và phong tục, nhảy múa và nhập thần.
       Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị Thánh vào thân xác  (cốt) của ông đồng, bà đồng. Tuỳ thuộc vào mục đích của buổi lễ, tuỳ thuộc vào căn số của từng ông đồng bà đồng mà vị thánh này hay vị thánh kia, nhiều vị hay ít vị giáng, nhập đồng.
       Giúp việc cho Ông đồng và Bà đồng trong buổi hầu là Hầu dâng và Cung văn. Người Hầu dâng thường cũng là những người đã từng hầu đồng. Họ giúp Ông đồng và Bà đồng trong việc hầu Thánh cũng như: thắp hương, dâng các loại vũ khí, dâng thuốc lá, rượu, trầu…Cung Văn là người giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong hầu đồng. Họ xướng nhạc và hát cho việc trình diễn của con đồng khi Thánh nhập. Nhạc cụ chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt, ngoài ra còn có trống bang, cảnh đông, phách, thanh la…trong cung văn có người gảy đàn, gõ trống, phách…nhưng cũng có thể họ vừa chơi nhạc, vừa hát và chỉ dừng lại khi Thánh nhập, Thánh xuất hay khi dâng hương. Đặc biệt trong khi múa đồng, ban phát lộc, thưởng thơ phú…thì cung văn phải vừa chơi nhạc, vừa hát. Lời hát của cung văn thường là những bài văn trầu kể lại sự tích, lai lịch và ca ngợi tài năng, sắc đẹp, công đức và sự màu nhiệm của các vị thánh đang giáng. Ví như văn chầu đệ nhị Thượng Ngàn:
“Khi chơi ngàn núi ngàn me
Ngàn giang ngàn nứa, trúc tre ngàn vầu”
Văn chầu ông Hoàng Bảy:
“Bao phen chiến lược tung hoành
Định an xã tắc đế binh cõi ngoài”
"Đất Lào Cai là nơi dụng võ
Quyết ra tay đội ngũ tiến công, v.v”.
Văn chầu ông Hoàng Mười:
“Trời Nam có đức Hoàng Mười
Phong  tư nhất mực tuyệt vời không hai
Nên chi bậc cũng anh tài
Văn thao võ lược tư trời thông minh”[12,153]
 
         Các vị thánh nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng đều là các vị phúc thần tức là những thần linh dù có gốc tích thiên thần hay nhân thần, lúc sinh thời đều là những “người” đã có công lao với dân, với nước, khi hoá thì hiển linh và phù hộ, bảo trợ cho sự bình yên, tốt lành cho cộng đồng, do vậy được người trần tôn vinh, thờ phụng. Mục đích của các buổi lên đồng rất đa dạng nhưng chủ yếu các tín đồ thông qua nghi lễ này để xin các Thánh Mẫu và hoá thân của người ban phát phúc lộc cho mọi người, chữa bệnh, trừ tà ma…
       Nói chung, trong hầu đồng, với những động tác và cách thức ăn mặc khác nhau, người ta đã diễn lại sự tích, công trạng của các vị thánh đang nhập hay giáng đồng. Việc đó không chỉ đơn thuần là việc diễn lại sự tích, công trạng để tín đồ có thể tiếp thu được sức mạnh vĩ đại, quyền năng to lớn từ phía các vị thánh thần mà hơn thế nữa, thông qua các hình thức diễn xướng trong một buổi hầu đồng, tín ngưỡng Mẫu muốn nhắc nhở tín đồ, nhắc nhở con cháu về những công trạng hào hùng của các vị thánh thần (có lý lịch cụ thể từ những nhân vật lịch sử có thật và không có thật) để từ đó nhằm tôn vinh những anh hùng lịch sử, danh nhân văn hoá; bồi dưỡng lòng yêu nước thương dân, tinh thần hướng đến cái chân, cái thiện trong mỗi tín đồ.
       Tất nhiên, mục đích chủ yếu trong mỗi buổi hầu đồng nói riêng và những buổi lễ trong tín ngưỡng Mẫu nói chung thường gẵn với những yêu cầu rất cụ thể của đời sống, gắn với những nguyện vọng rất thiết thực của người nông dân. Chính việc tin rằng các vị Thánh Mẫu và các hoá thân của người có một quyền năng vĩ đại có thể chi phối mọi mặt của đời sống con người và xã hội đã làm tăng thêm (mặc dù có tính chất huyễn hoặc) niềm tự tin của người dân về khả năng vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống hiện tại.
       Mặc dù nội dung giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây không phải là hoạt động chính của các loại hình tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, nhưng trong một không gian thiêng liêng, tín đồ được tiếp xúc với những vị thần linh là những người có công với nước, có công với dân… thì lòng yêu nước, nhớ ơn những người có công sẽ dần dần được bồi đắp trong tâm hồn của họ, nó cứ tích tụ lại và sẽ bộc lộ ra khi đất nước gặp phải những hoàn cảnh khó khăn như thiên tai, giặc giã…
 
     Như Giáo sư Đinh Gia Khánh đã viết: chính tôn giáo tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng đã “tăng cường sự gắn bó toàn thể các thành viên của cộng đồng, toàn thể dân làng với nhau trong một nhãn quan chung về thế giới, về xã hội, trong một niềm cộng cảm về những lo toan chung và những nguyện vọng chung, trong một niềm tự hào về quá khứ và niềm tin tưởng vào tương lai, trong lòng yêu quê hương, yêu đồng bào, yêu tổ quốc”[4]./.

 
[1] Trác Tân Bình, Lý giải tôn giáo, Nxb Hà Nội, 2007, tr 63
[2] Đinh Gia Khánh, Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hoá dân gian ở Việt Nam, Tạp chí Văn học số 5/1992, tr 10
[3] Ngô Đức Thịnh (1996), Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, tr48.
[4] Đinh Gia Khánh (1995), Văn hoá dân gian Việt Nam  với sự phát triển của xã hội Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 106

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Hội Thảo khoa học: Vai trò của tín ngưỡng Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại: lý luận và ứng dụng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây