CÁC HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI Ở VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TÂY NGUYÊN HIỆN NAY 294

Thứ ba - 28/12/2021 00:25

CÁC HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI Ở VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TÂY NGUYÊN HIỆN NAY 294

PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Viện Dân tộc học, VASS. Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 3, tập 100, năm 2016, tr. 69-79. Bài in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr. 595-610.
 
Tóm tắt: 
        Trong những năm gần đây, hiện tượng tôn giáo mới (HTTGM) ở Việt Nam đã được một số ngành và nhà khoa học chú ý nghiên cứu. Mặc dù các công trình công bố còn hạn chế, nhưng các nghiên cứu bước đầu đã đánh giá khái quát về các HTTGM. Bài viết tập trung phân tích một số đặc điểm và ảnh hưởng chủ yếu đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định chính trị và trật tự xã hội của các HTTHM ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên hiện nay. Đây là địa bàn có nhiều HTTGM nhất của nước ta, đặc biệt là những tổ chức xuất hiện và phát triển trong các dân tộc thiểu số tại chỗ (DTTSTC), một số tổ chức có những đặc điểm riêng, phạm vi hoạt động tương đối rộng và mức độ ảnh hưởng khá sâu sắc, nhưng vẫn còn ít được nghiên cứu.
        Từ khóa: Hiện tượng tôn giáo mới; tôn giáo; tín ngưỡng; Tây Nguyên.

     
 1. Mở đầu
     
 Từ năm 1986 đến nay ở Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều các HTTGM, nhất là ở các DTTSTC. Năm 2015 ở Tây Nguyên có trên 20 HTTGM với nguồn gốc xuất xứ, phạm vi và nội dung hoạt động, mức độ ảnh hưởng cũng như xu hướng phát triển rất khác nhau. Các tổ chức này đã thu hút được một số lượng người tin theo khá lớn, trong đó có HTTGM vào thời kỳ cao điểm lôi kéo được hàng nghìn người tham gia, sinh hoạt tại nhiều địa phương, như "Tin Lành Đề ga" và "Hà Mòn". Việc tuyên truyền, phát triển các HTTGM đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng nhân dân và tín đồ các tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, phần lớn các HTTGM này không được chính quyền địa phương công nhận, các cơ quan chức năng sở tại thường tiến hành công tác quản lý và đấu tranh với những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật.

      2. Đặc điểm cơ bản của các HTTGM ở Tây Nguyên
     
Trong số các HTTGM hoạt động ở Tây Nguyên hiện nay, những tổ chức phát triển nhất đều chủ yếu hình thành và phát triển ở một số DTTSTC và hầu hết có nguồn gốc từ Tin Lành hay Công giáo. Trong đó, phân chia theo địa bàn xuất hiện, nguồn gốc xuất xứ và bản chất gắn với nội dung hoạt động thì chủ yếu có 3 nhóm chính:
      - Nhóm hình thành tại Tây Nguyên gồm các tổ chức: "Tin Lành Đề ga", "Hà Mòn", "Amí Sara", "Pờ Khắp Brâu", "Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam", "Giáo hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ", "Cây Thập giá Chúa Jesu Krits", "Ban Cầu nguyện Phong trào Phục Hưng Tin Lành"... Đây là nhóm các HTTGM có nguồn gốc và nội dung hoạt động chủ yếu liên quan đến Tin Lành, chỉ có "Hà Mòn" là thuộc Công giáo; số lượng người tin theo đông nhất và hầu hết là các DTTSTC, chỉ có một số rất ít người Kinh là đối tượng cầm đầu, cốt cán trong hai tổ chức "Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam" và "Giáo hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ". Nội dung hoạt động phần lớn mang yếu tố chính trị như "Tin Lành Đề ga",  "Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam", "Giáo hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ", "Cây Thập giá Chúa Jesu Krits", "Ban Cầu nguyện Phong trào Phục Hưng Tin Lành"; hoặc ban đầu chỉ sinh hoạt tín ngưỡng thuần túy nặng về mê tín dị đoan như ""Amí Sara", "Pờ Khắp Brâu", "Hà Mòn", nhưng dần về sau trong quá trình hoạt động đã bị các thế lực thù địch bên ngoài, nhất là tổ chức Fulro lưu vong lôi kéo, lợi dụng, mà rõ nét nhất là tổ chức "Hà Mòn".
      - Nhóm từ những vùng khác trong nước truyền vào gồm các tổ chức: "Tâm Linh Hồ Chí Minh", "Ngọc Phật Hồ Chí Minh", "Việt Nam Thánh Mẫu", "Tâm Linh Đạo", "Đạo Trời Thái Bình", "Đạo Tràng Hương Quảng", "Pháp Môn Di Lặc", "Bửu Tòa Tam Giáo", "Tổ Tiên Chính Giáo Đại Đạo", "Trường Sinh Học"... Đây là nhóm các HTTGM có nguồn gốc và bản chất gắn với Phật giáo, Đạo giáo hoặc tín ngưỡng truyền thống, nhưng cũng có tổ chức do chịu ảnh hưởng của cả Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng truyền thống nên mang tính "tạp giáo"; người tin theo chủ yếu là dân tộc Kinh, nhưng số lượng trong mỗi tổ chức không nhiều, có HTTGM chỉ vài chục người tham gia; các nội dung hoạt động phần lớn lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng mang tính mê tín, dị đoan gắn với những vấn đề cá nhân và xã hội.
     - Nhóm từ nước ngoài truyền vào Việt Nam và sau đó đến Tây Nguyên gồm các tổ chức: "Thanh Hải Vô Thượng Sư", "Pháp Môn Diệu Âm", "Nhất Quán Đạo", "Pháp môn Di Lặc", "Thiên Đạo", "Vô Vi", "Canh Tân Đặc Sủng"... Trong đó, một số tổ chức có cả người Kinh và người DTTS mới di cư đến tin theo, như: "Thanh Hải Vô Thượng Sư", "Pháp Môn Diệu Âm", "Nhất Quán Đạo"...; nhưng cũng có tổ chức chỉ có người Kinh tin theo là "Canh Tân Đặc Sủng", "Pháp môn Di Lặc", "Thiên Đạo", "Vô Vi"... Điểm chung cho cả hai loại này là số lượng người tin theo đều không đáng kể, các nội dung và hoạt động của những HTTGM này phần lớn mang tính "tạp giáo" giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian của địa phương trước khi truyền vào Việt Nam, chỉ riêng ""Canh Tân Đặc Sủng" có nguồn gốc Công giáo. Nội dung hoạt động ban đầu chủ yếu mang tính mê tín dị đoan, nhưng dần về sau một số HTTGM đã có yếu tố chính trị rõ rệt, nhất là "Thanh Hải Vô Thượng Sư" truyền từ Đài Loan vào.
       Người tin theo các HTTGM ở Tây Nguyên thuộc nhiều thành phần, như: trí thức, cán bộ, viên chức và công nhân đã nghỉ hưu, văn nghệ sĩ, buôn bán nhỏ, quan chức trong chế độ cũ... nhưng đông nhất vẫn là những người nông dân thuộc các DTTDTC, trong đó một số có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn, bệnh tật, hoạn nạn. Đa số người tin theo không liên quan đến yếu tố chính trị mà bị số đối tượng cầm đầu ở trong nước và các tổ chức phản động, chống đối ở nước ngoài lợi dụng, lôi kéo. Số người tin theo thuộc các DTTSTC đa phần đã từng là tín đồ của Tin Lành hay Công giáo, còn một bộ phận nhỏ người Kinh và các DTTS mới di cư đến là từ Phật giáo hay những tín ngưỡng truyền thống của dân tộc nhưng vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo.
       Các đối tượng sáng lập, cầm đầu và cốt cán có người từng là những chức sắc, chức việc và tín đồ có uy tín của Công giáo hoặc Tin Lành, người có uy tín trong cộng đồng, thậm chí có cả viên chức đang công tác hay chiến sĩ đã bị kỷ luật... Những người này thường có xu hướng bảo thủ, cố kết chặt chẽ với nhau để bảo vệ tổ chức và những hoạt động của mình, vì sự tồn tại của HTTGM mà họ lập ra hay giữ vai trò quan trọng gắn liền với vị trí của họ trong cộng đồng những người tin theo, đồng thời là lợi ích cá nhân thông qua sự giúp đỡ, đóng góp tiền của, công sức của những người tin theo cho tổ chức và gia đình những đối tượng cầm đầu, cốt cán.
        Những HTTGM thường tồn tại và hoạt động bí mật, bán công khai, khi bị các cơ quan chức năng địa phương tiến hành quản lý, đấu tranh với những hoạt động vi phạm pháp luật thì âm thầm sinh hoạt hay chuyển sang địa bàn khác để che dấu, đối phó. Do đó, sự biến động về số lượng tổ chức và người tin theo diễn biến khá nhanh chóng, rất khó xác định và thống kê chính xác. Bởi những người tin theo đều không tự nhận mình tham gia trong các HTTGM này, nhất là số cầm đầu, cốt cán.
         Các HTTGM không chỉ hình thành khung tổ chức và số cầm đầu, cốt cán để hoạt động, mà còn thành lập các hội, nhóm, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, phụ lão tại địa bàn cư trú, để tuyên truyền và sinh hoạt chung theo từng nhóm. Đáng chú ý là các nhóm, hội, đoàn thể này hoạt động rất tích cực và khá hiệu quả trên một số lĩnh vực chung của cộng đồng so với các đoàn thể của ta ở cơ sở và buôn làng, nên thu hút được những người tin theo quan tâm.
         Nội dung tuyên truyền và hoạt động của các HTTGM thường vay mượn nhiều yếu tố của các tôn giáo chính thống, tín ngưỡng truyền thống, nhưng có xu hướng chủ yếu là giải thích các giáo lý, giáo luật, nội dung sinh hoạt của những tôn giáo, tín ngưỡng này mang đậm nét thần quyền, đề cao khả năng huyền bí siêu linh cá nhân người cầm đầu và hồng ân của các đấng siêu linh mà tổ chức đó tin theo (như ai có việc gì cần cầu xin phù hộ thì viết nội dung ra giấy và cầu nguyện sau đó đốt lấy tro hòa với nước để uống sẽ linh nghiệm...). Các HTTGM thường có nội dung và hoạt động gắn với những vấn đề cụ thể nảy sinh trong cuộc sống con người và địa phương nơi cư trú, nhất là những vấn đề bức xúc, khó khăn người dân không tự giải quyết được để tuyên truyền, lôi kéo họ dựa vào niềm tin tâm linh nhằm giải thoát những vướng mắc về tâm lý và tư tưởng đang nảy sinh, nhất là những lĩnh vực liên quan đến cầu may mắn, hạn chế rủi ro trong cuộc sống.

       3. Ảnh hưởng chủ yếu của các HTTGM ở Tây Nguyên
       3.1. Ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội 
       
Việc hình thành các HTTGM ở Tây Nguyên là yếu tố góp phần hình thành những cộng đồng dân cư cùng niềm tin, tồn tại song song với các cộng đồng cố kết theo dòng họ, theo dân tộc và theo tôn giáo tại một vùng cư trú trước đây. Các cộng đồng theo HTTGM do liên kết giữa những người cùng tộc hay khác tộc, sinh sống cùng hay khác địa bàn nên đã cố kết cùng nhau tổ chức sinh hoạt, bảo vệ và phát triển tổ chức của mình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Điều này một mặt làm cho mối quan hệ của những người cùng tổ chức được mở rộng và gắn kết chặt chẽ hơn; các HTTGM cũng thường yêu cầu người tin theo phải bỏ những tật xấu trong cuộc sống, như uống rượu, hút thuốc, đánh chửi nhau... Đây là những yếu tố thuận lợi trong việc xây dựng kinh tế, đảm bảo các mối quan hệ trong gia đình và cộng đồng được tốt đẹp hơn.
         Tuy vậy, hầu hết các HTTGM ở vùng DTTS Tây Nguyên đều tuyên truyền cách thức thực hành tín ngưỡng phản khoa học, phi đạo đức và văn hóa nhằm thu lợi bất chính, như: yêu cầu người đi theo phải đóng góp tiền của, công sức xây dựng mới hay tu sửa nơi thờ tự (thực chất là nhà riêng của những người cầm đầu, cốt cán), phục vụ những hoạt động nhằm duy trì và phát triển tổ chức của những đối tượng cầm đầu, cốt cán; tuyên truyền về ngày tận thế sắp xảy ra, ai trung thành đi theo tổ chức và thành tâm hiến dâng của cải, tài sản, siêng năng cầu nguyện sẽ được các thế lực siêu linh mà tổ chức tôn thờ đón đến nơi ở mới tốt đẹp hơn... Vì vậy, người tin theo không cần tài sản và tiền bạc mà nên hiến dâng cho các đối tượng sáng lập, cầm đầu để xây dựng, tu bổ các cơ sở thờ tự, mua sắp lễ vật cùng nhau cầu nguyện và tổ chức các sinh hoạt chung của nhóm, nhằm nhận được hồng ân của các thế lực siêu linh mà họ tôn thờ. Ai càng dâng hiến nhiều thì sẽ càng nhận được nhiều ân sủng.
         Các HTTGM còn tuyên truyền người tin theo không cần làm cũng có ăn, siêng năng cầu nguyện và trung thành với tổ chức sẽ được ban cho cuộc sống tốt đẹp, mọi nợ nần kể cả vay tiền ngân hàng hay cá nhân đều được xóa bỏ, không bị ốm đau bệnh tật và bất hạnh trong cuộc sống. Để giữ niềm tin cho những người tham gia, đồng thời ép những người khác trong gia đình phải đi theo, những người cầm đầu, cốt cán của các HTTGM thường yêu cầu và buộc số người tin theo không được tiếp xúc và quan hệ với người khác niềm tin, tự tổ chức làm riêng và đổi công cho nhau trong nhóm, ăn riêng và sinh hoạt riêng, kể cả trong gia đình nếu vợ chồng, con cái có người theo và không theo cũng phải tách ra để làm ăn và sinh hoạt riêng, thậm chí li dị và phân chia tài sản, con cái. Đồng thời không tham gia các cuộc họp chung của cộng đồng, các chương trình, dự án, chính sách phát triển, hỗ trợ của chính quyền và tổ chức xã hội... Do vậy, sự hiểu biết về xã hội cũng như đời sống kinh tế của những gia đình này đã thấp kém lại gặp nhiều khó khăn hơn.
          Phần lớn các HTTGM đều tuyên truyền và thực hành những hoạt động liên quan đến mê tín dị đoan, như: xem tướng số, bói toán về số phận con người; không tham gia các lễ hội và sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng; không thực hiện phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, đồng thời phủ nhận các tôn giáo chính thống, kể cả tôn giáo đó là nguồn gốc của mình để chỉ tin và trung thành với tổ chức... Do đó, đời sống văn hóa của những người tin theo HTTGM thường bị bó hẹp và góp phần làm mất đi các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong bộ phận dân cư này.
       Tuyên truyền và thực hành chữa bệnh không cần dùng thuốc và thăm khám chữa trị ở các cơ sở y tế, mà chỉ cần tin vào đấng siêu linh được tôn thờ và thực tâm siêng năng cầu nguyện để nhận được hồng ân, thì dù bôi phân động vật vào vết thương cũng sẽ khỏi. Đồng thời thực hành những phương pháp chữa bệnh mang tính ma thuật, phản khoa học, như: viết lời cầu nguyện ra giấy để đọc sau đó đốt lấy tro hòa nước uống sẽ khỏi bệnh hay tập trung quanh người bệnh để cầu nguyện với niềm tin hết ốm đau. Cùng với đó là tuyên truyền không ăn thịt cá hay kiêng vào một số ngày nhất định trong tuần để thân thể được trong sạch, đã gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe những người tin theo, nhất là trẻ nhỏ và người già yếu.
       Do tồn tại bất hợp pháp nên các buổi sinh hoạt chung của nhóm hay riêng trong nội bộ gia đình thường tổ chức lén lút vào lúc nửa đêm về sáng, ở những nơi hoang vắng để tránh bị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quản lý, đã ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, sản xuất, học tập và sức khỏe của những người tin theo, nhất là trẻ em và người già cũng như gây mất an ninh trật tự cộng đồng. Đa số các HTTGM còn gây ra tình trạng học sinh trong những gia đình tin theo bỏ học, trốn học, không tiếp tục học lên cao, nhất là con em những gia đình theo "Tin Lành Đề ga" và "Hà Mòn" trong những thời điểm nhạy cảm ở Tây Nguyên thời gian qua. Thậm trí con trai của Y Nguyên - bác sĩ và cũng là một trong những đối tượng cầm đầu của tổ chức "Amí Sara" đậu hai trường đại học ở Tp. Hồ Chí Minh, nhưng bố mẹ không cho đi để tránh tiếp xúc với người lạ, ở nhà cùng gia đình thực hành "tín ngưỡng" và kết hôn với con gái của người sáng lập ra tổ chức này.

       3.2. Ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc và ý thức quốc gia 
       
Một trong những vấn đề nhạy cảm ở vùng Tây Nguyên hiện nay ảnh hưởng đến quan hệ trong nội bộ từng dân tộc, giữa các tộc người với nhau và với quốc gia là sự gắn kết của hai vấn đề dân tộc và tôn giáo. Trong đó, việc chuyển đổi từ những tôn giáo chính thống hay tín ngưỡng truyền thống sang các HTTGM, nhất là những tổ chức liên quan đến "Tin Lành Đề ga", "Hà Mòn" "Amí Sara", "Pơ Khăp Brâu", "Cây Thập Giá Chúa Jesu Krits", "Ban Cầu Nguyện Phong Trào Phục Hưng Tin Lành", "Thanh Hải Vô Thượng Sư"... đã có nhiều ảnh hưởng đa chiều, phức tạp đến xã hội, nhưng quan trọng nhất vẫn là góp phần hình thành các cộng đồng dân cư cùng theo một HTTGM. Tính cố kết của những cộng đồng này không chỉ chủ yếu diễn ra trong số những người tin theo trong một dân tộc và cùng cư trú trên địa bàn, mà một số tổ chức còn phát triển rộng hơn giữa các dân tộc, giữa những người ở Tây Nguyên với một số vùng trong nước và các quốc gia khác, như "Tin Lành Đề ga". Những người theo một HTTGM này đều có điểm chung là cùng đức tin, hầu như họ chỉ cố kết giữa những người trong tổ chức với nhau nên tạo ra xu hướng quan hệ bó hẹp trong nội bộ nhóm. Các HTTGM do muốn giữ những người đi theo nên luôn yêu cầu họ phải sống tách biệt với cộng đồng và gia đình, như: không được chào hỏi, tiếp xúc, đi cùng đường với người không cùng niềm tin, kể cả đó là bố mẹ, vợ chồng, con cái, nhất là đối với cán bộ và đoàn công tác địa phương đến tuyên truyền, vận động từ bỏ tổ chức; không được phép kết hôn, làm cùng, ăn cùng, ở cùng những người khác niềm tin; không được phép tham gia các cuộc hội họp và hoạt động chung của cộng đồng, nếu có mặt cũng phải tách thành nhóm riêng và không thể hiện thái độ, chính kiến; không thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương;... Do không tham gia những hoạt động chung của cộng đồng và hưởng lợi từ các chính sách phát triển của Nhà nước, nên các mối quan hệ của họ chỉ diễn ra trong số những người cùng tin theo một HTTGM, tính cố kết cộng đồng truyền thống theo dân tộc và tôn giáo tại địa bàn cư trú trước đây bị phá vỡ, đời sống gia đình tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn trước,...
      Đáng chú ý là hình thức cố kết này ở một vài địa phương của một số HTTGM phát triển có biểu hiện lấn át các hình thức cố kết cộng đồng truyền thống theo dòng họ, theo cộng đồng cùng dân tộc trong địa bàn cư trú và trong nội bộ tôn giáo. Thậm chí tại một vài địa phương có đông người tin theo HTTGM thì vào những thời điểm tổ chức này phát triển, những người cầm đầu, cốt cán đôi khi còn có ảnh hưởng lớn hơn một số người có uy tín trong xã hội truyền thống, cán bộ cơ sở và buôn làng trên một số lĩnh vực chung của cộng đồng. Hiện tượng này dẫn đến hệ quả là một số ít chính sách phát triển KT-XH, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo ở vùng có các HTTGM hoạt động mạnh bị tác động trực tiếp hay gián tiếp bởi những tổ chức này.
       Tuy nhiên, sự biến đổi tôn giáo và tính cố kết cộng đồng này ở một số HTTGM, nhất là các tổ chức có tư tưởng cực đoan, không phải hoàn toàn từ nhu cầu của người dân, mà còn do tác động có chú ý của việc tuyên truyền và lôi kéo quần chúng trái pháp luật, khiến đời sống tín ngưỡng của một bộ phận người dân thuộc các DTTS ở Tây Nguyên có những biến động to lớn, sâu sắc và gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội. Trong đó, đáng chú ý là các thế lực thù địch lợi dụng những đặc điểm về lịch sử và tâm lý dân tộc, bất cập trong thực hiện chính sách và thực trạng phát triển KT-XH chưa đồng đều giữa các vùng, các tộc người để tuyên truyền kích động, lôi kéo người dân theo HTTGM. Mục đích là tập hợp những người cùng đức tin trong nội bộ tộc người hay giữa các tộc người ở trong và ngoài nước để hình thành những cộng đồng liên kết theo tâm linh nhằm xây dựng lực lượng, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động liên quan tới những tổ chức chính trị phản động, như: "Tin lành Đề ga", "Hà Mòn" gắn với "Nhà nước Đề ga". Đồng thời kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, phân biệt, chia rẽ người Kinh với người DTTS, người DTTSTC với người DTTS mới di cư đến, giữa tín đồ các tôn giáo là người DTTS, nhất là DTTDTC với tín đồ người Kinh... để thực hiện mưu đồ ly khai, tự trị ở Tây Nguyên, gây mâu thuẫn cục bộ trong nội bộ dân tộc và giữa các dân tộc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên.
        Một số đối tượng cầm đầu cực đoan, quá khích còn lôi kéo, kích động người tin theo tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, gây rối trật tự và tạo ra mâu thuẫn xã hội, như: biểu tình, bạo loạn những năm 2001, 2004 và 2008 do "Tin Lành Đề ga" tổ chức; khiếu kiện đòi khôi phục các tổ chức tôn giáo cũ và công nhận những tổ chức tôn giáo mới thành lập trái phép; đòi lại đất đai của tổ tiên và các cơ sở thờ tự cũ; kích động người dân vượt biên trái phép để gây rối nhằm quốc tế hóa và chính trị hóa vấn đề tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên; tuyên truyền và phát tán các tài liệu tôn giáo trái phép, tài liệu phản động; tìm cách khống chế, làm mất uy tín cán bộ, đảng viên cốt cán ở địa phương; lợi dụng những biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng đối với những hoạt động vi phạm pháp luật của một số HTTGM và người tin theo, nhất là người DTTSTC để xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời vu cáo, bôi nhọ chế độ mà trực tiếp là hệ thống chính trị cơ sở (HTCTCS) và cán bộ địa phương vi phạm nhân quyền, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng nhằm gây nghi kỵ, mất đoàn kết và suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ ta.
      Như vậy, sự phát triển và hoạt động của các HTTGM đã và đang góp phần làm gia tăng thêm các mối quan hệ chặt chẽ giữa những người cùng chung niềm tin với nhau, nhưng cũng là nhân tố gây ra các tác động phức tạp đối với vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc hiện nay ở Tây Nguyên, nhất là ở những vùng đa dân tộc, đa tôn giáo và vùng biên giới; ảnh hưởng tiêu cực đến tính cố kết nội bộ từng dân tộc, khối đại đoàn kết dân tộc, mà trên hết là ý thức quốc gia Việt Nam của một bộ phận người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, các vấn đề nảy sinh của HTTGM, nhất là xu hướng cố kết cộng đồng theo từng tổ chức có thể tiếp tục phát triển và bị các thế lực thù địch lợi dụng vào những mục tiêu chính trị, gây thêm nhiều tác động tiêu cực, nhất là làm biến đổi những quan hệ xã hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và các tôn giáo ở Tây Nguyên, dẫn đến mầm mống ly khai, tư tưởng chia rẽ rất dễ bị kích động, lợi dụng để đòi độc lập, tự trị và hình thành "quốc giáo" cho "Nhà nước Đề ga" do tổ chức phản động Fulro lưu vong cầm đầu.

       3.3. Ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ
      Các HTTGM ngoài thành lập Ban lãnh đạo của tổ chức các cấp, còn hình thành những nhóm, hội, đoàn thể (như: phụ lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên...) để tuyên truyền, sinh hoạt, liên kết, hỗ trợ nhau trong làm ăn, sinh sống cũng như tập hợp, chỉ đạo quần chúng đi theo phù hợp với từng nhóm; đứng ra hoặc tìm cách tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cộng đồng liên quan đến những đối tượng nói trên... Do đó, đã hình thành một hệ thống tổ chức của các HTTGM ở buôn làng, nhất là tại một số nơi vào những thời điểm phát triển, các nhóm, hội, đoàn thể này hoạt động khá hiệu quả so với các đoàn thể của HTCTCS và buôn làng trên một số lĩnh vực chung của cộng đồng. Điều đó đã tác động đến nhận thức của người dân về vai trò của HTCTCS và đội ngũ cán bộ ở những địa phương có các HTTGM phát triển và nhiều người tin theo. Do đó, tại một số ít nơi đã nảy sinh hiện tượng vai trò và uy tín của gia làng, trưởng thôn buôn, đoàn thể trong HTCTCS và buôn làng có sự suy giảm nhất định trong quần chúng ở những nơi HTTGM phát triển; trong khi vai trò, uy tín và ảnh hưởng của các tổ chức và số đối tượng cầm đầu, cốt cán một số HTTGM lại tăng lên.
       Trong quá trình hình thành và phát triển, các HTTGM cực đoan và những đối tượng cầm đầu thường tìm mọi cách làm suy yếu vai trò của HTCTCS và buôn làng bằng cách lôi kéo cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng họ theo tổ chức, đồng thời tạo dựng ảnh hưởng của HTTGM và số đối tượng cầm đầu, cốt cán tại địa phương đối với cộng đồng. Một số đối tượng cầm đầu còn có những hành động mang tính chính trị, gây mâu thuẫn xã hội, như: tuyên truyền các thành quả phát triển KT-XH ở địa phương cũng như những quyền lợi người dân đang được hưởng là do tổ chức của họ đem lại; thành lập các tổ chức hoạt động bất hợp pháp chống đối chính quyền; tổ chức cho người đi theo tập bắn vào bia tượng trưng là cán bộ, đảng viên chủ chốt của địa phương và ngấm ngầm đe dọa tính mạng, phá hoại tài sản gia đình họ... Những hoạt động này đã gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận quần chúng và số ít cán bộ, đảng viên ở địa phương tại thời điểm "Tin Lành Đề ga" tổ chức các cuộc biểu tình, bạo loạn tại một số địa phương những năm 2001, 2004 và 2008.
      Ở một số nơi, người đứng đầu các HTTGM cực đoan còn vu cáo cán bộ và chính quyền địa phương vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tìm cách khoét sâu, phóng đại một số hạn chế của chính quyền và cán bộ địa phương trong thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo; vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, ức hiếp, kỳ thị người DTTS, người có đạo; làm giảm lòng tin của quần chúng đối với chế độ ta, mà trước hết là HTCTCS; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, gây mâu thuẫn, xung đột cục bộ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo; kích động tư tưởng bất mãn của người DTTSTC với người Kinh và DTTS mới di cư đến, của người dân với hệ thống chính trị (HTCT) và đội ngũ cán bộ; tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo, can thiệp chống phá Nhà nước ta; gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở địa phương.
       
      3.4. Ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội 
     
Các HTTGM thường có xu hướng chống đối và bất hợp tác với chính quyền, nhất là những đối tượng cầm đầu, cốt cán luôn tránh mặt không tiếp xúc với cán bộ, các đoàn công tác; không tham gia và thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Một số HTTGM còn thần thánh hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vị anh hùng có công với đất nước để thể hiện tư tưởng bất mãn với xã hội hiện đại, lợi dụng công tác chống tham nhũng, thói quan liêu, cửa quyền, hách dịch của Đảng và nhà nước về việc một số cán bộ, đảng viên cũng như các tệ nạn xã hội đang diễn ra để kích động, phê phán chế độ, bài bác chính quyền...
      Các tổ chức phản động lưu vong nói chung và của người DTTS nói riêng luôn lợi dụng, núp bóng một số HTTGM do họ lập ra hoặc nảy sinh ở trong nước để hoạt động chống phá nước ta, nhất là gây mâu thuẫn, xung đột cục bộ để hình thành các điểm nóng về dân tộc và tôn giáo, làm mất ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tổ chức phản động ở nước ngoài luôn tìm cách móc nối với những HTTGM của người DTTSTC Tây Nguyên để chống phá đất nước ta, nhất là "Tin Lành Đề ga", "Hà Mòn" và một số tổ chức khác liên quan đến tổ chức phản động "Nhà nước Đề ga".
      Những hoạt động trái phép của các HTTGM nói chung, đặc biệt là của những tổ chức cực đoan ở Tây Nguyên hiện nay vẫn diễn ra thường xuyên và phức tạp, nhất là ở vùng DTTSTC. Những hoạt động này được chủ động tăng cường nhằm mở rộng địa bàn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ địa cách mạng; phát triển sang nhiều tộc người và đối tượng khác nhau, nhất là phụ nữ và thanh thiếu niên. Một số đối tượng cốt cán của "Tin Lành Đề ga", "Hà Mòn" và các HTTGM cực đoan khác còn có hành động quá khích vi phạm pháp luật và quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, như: lôi kéo, ép buộc người trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đi theo, thậm chí chỉ cần ghi tên để họ thống kê số lượng người đăng ký sinh hoạt nhằm lấy cơ tiến hành đấu tranh, gây sức ép, đưa ra yêu sách với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải công nhận tổ chức, cho phép hoạt động; ngấm ngầm phá hoại kinh tế gia đình, khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng những người dân và cán bộ trung kiên ở địa phương...
     Để lôi kéo được nhiều người tham gia, những đối tượng cầm đầu, cốt cán ở trong và ngoài nước đã dùng mọi thủ đoạn từ tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đến kích động người dân đấu tranh chống đối chính quyền (như: lợi dụng các buổi sinh hoạt chung để mở băng cát xét hay gọi điện thoại để người tin theo trực tiếp nghe đồng tộc lưu vong ở nước ngoài kêu gọi tách ra thành lập các tổ chức tôn giáo riêng của người DTTSTC; tham gia biểu tình, bạo loạn thành lập "Nhà nước Đề ga"); đồng thời kích động, ép buộc người tin theo tẩy chay các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương (như: không đóng thuế, không thực hiện nghĩa vụ quân sự, không đồng ý cho xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh ở địa phương; không thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không cho trẻ em uống vác xin phòng bệnh, ốm đau không cần đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị mà chỉ cần tổ chức cầu nguyện và thực hiện các biện pháp ma thuật; không vay tiền ngân hàng, không nhận nhà tình nghĩa và kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở...).
     Trong những năm gần đây, ở Tây Nguyên còn diễn ra tình trạng người dân một số DTTSTC liên quan đến "Tin Lành Đề ga" bị lôi kéo tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn, gây rối chống phá chính quyền, sau khi thất bại lại tiếp tục bị kích động và tổ chức cho vượt biên sang Campuchia, tìm cách định cư ở quốc gia thứ 3 theo diện tỵ nạn chính trị nhằm quốc tế hóa, chính trị hóa vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên. Hiện tượng vượt biên vẫn diễn ra bằng các đường dây nhỏ lẻ nhưng được tổ chức chặt chẽ và đưa đón tại biên giới. Vấn đề này diễn ra phức tạp, không chỉ là một trong những yếu tố gây thêm mâu thuẫn trong nội bộ tộc người và giữa các tộc người, mà chính những người vượt biên không thành, số đi thoát hiện đã định cư ở nước ngoài hoặc đang bị giữ lại ở Campuchia hay được trả về nước còn có các mối quan hệ và hoạt động tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường về tư tưởng, tâm lý gắn với an ninh chính trị, kéo theo hàng loạt vấn đề nhạy cảm, phức tạp về dân tộc, tôn giáo cũng như công tác quản lý xã hội, quản lý biên giới ở trong và ngoài nước.
     Những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng trái phép của các HTTGM ở Tây Nguyên trong thời gian qua đã góp phần gây tâm lý hoang mang, nghi kỵ, mất đoàn kết cục bộ trong một bộ phận quần chúng nhân dân của một số dân tộc và giữa các dân tộc, giữa người dân với HTCT; hình thành và làm gia tăng các "điểm nóng" về an ninh chính trị, trật tự xã hội ở Tây Nguyên liên quan đến biểu tình, bạo loạn, vượt biên gắn với vấn đề ly khai, tự trị của một bộ phận người DTTSTC. Trong đó, việc lôi kéo, kích động người dân hình thành cộng đồng "Tin Lành Đề ga" riêng và tương tự là "Hà Môn" để phát triển thành "Công giáo Đề ga" sau này, được coi là cách thức quan trọng để tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị tại chỗ, tổ chức cho người dân vượt biên trái phép hay trốn vào rừng đấu tranh vũ trang đòi ly khai, tự trị, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự xã hội, làm suy yếu chính quyền cơ sở... đều nhằm phục vụ mưu đồ thành lập "Nhà nước Đề ga" ở Tây Nguyên.

       4. Kết luận và khuyến nghị   
       
Mặc dù không phải tất cả các HTTGM đều là "tà đạo" hay "tạp giáo", gây những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, nhưng về cơ bản hầu hết các HTTGM ở vùng DTTS Tây Nguyên xuất hiện trong thời kỳ đổi mới đều mang tính mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, trong đó một số tổ chức hoạt động có yếu tố chính trị, như "Tin Lành Đề ga". "Hà Mòn". "Thanh Hải Vô Thượng Sư"... Điều này đã gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, như: gây tâm lý hoang mang, dao động trong một số bộ phận quần chúng, chia rẽ mối đoàn kết trong dân cư, đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, từ đó làm tổn hại khối đại đoàn kết dân tộc; làm phức tạp tình hình chính trị tại địa phương; nảy sinh mâu thuẫn, bức xúc trong cộng đồng và khó khăn trong công tác quản lý an ninh trật tự xã hội; thay đổi nếp sống, tập quán truyền thống; xâm phạm về tài sản, tiền bạc, vật chất, thời gian lao động, thậm chí nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của con người; mang nặng yếu tố mê tín dị đoan làm mê hoặc con người, truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa và chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống...
       Do vậy, dư luận xã hội nói chung và các cơ quan chức năng địa phương trong thời gian qua thường coi các HTTGM ở Tây Nguyên đây là những "đạo lạ", "tạp giáo", "tà đạo" mê tín dị đoan phản khoa học trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân... Chúng ta chưa ứng xử với các HTTGM này như một hiện tượng xã hội - văn hóa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự xuất hiện ngày càng nhiều các HTTGM (nảy sinh tại chỗ hay du nhập từ các vùng khác trong nước và nước ngoài vào) cũng như những tác động xã hội không nhỏ của chúng, nên một số ngành và nhà khoa học bắt đầu chú ý nghiên cứu về HTTGM. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng ở địa phương trong thời gian qua cũng đã tiến hành những biện pháp kết hợp giữa quản lý hành chính nhà nước là chủ yếu gắn với tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân từ bỏ các HTTGM và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật; cung cấp thông tin rộng rãi để quần chúng biết và lựa chọn tín ngưỡng của mình cho phù hợp;... Những hoạt động này đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đó là: về cơ bản đã hạn chế hoặc giải tán được nhiều HTTGM có nội dung hoạt động trái pháp luật, xử lý hành chính các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, gây rối xã hội và kiếm lời bất chính; tịch thu nhiều tài liệu bất hợp pháp liên quan đến các HTTGM, góp phần hạn chế sự phát triển và tác động tiêu cực của chúng.
       Tuy vậy, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, trong quan niệm và triển khai các biện pháp quản lý, xử lý của chúng ta đối với các HTTGM thời gian qua còn bộc lộ một số bất cập, nên chưa thể giải quyết được tận gốc các vấn đề liên quan. Các HTTGM vẫn tiếp tục xuất hiện, một số tồn tại dai dẳng, hoặc chuyển sang những địa bàn khác rất khó đoán định. Vì vậy công tác quả lý, đấu tranh với các HTTGM trong thời gian tới cần chú ý đến một số vấn đề sau:
      - Chúng ta không thể phủ nhận được sự xuất hiện, tồn tại, phát triển và khả năng tác động đa chiều, phức tạp của các HTTGM trong xã hội nước ta hiện nay nói chung và Tây Nguyên nói riêng, mà nên chấp nhận chúng như một hiện tượng văn hóa - xã hội trong đời sống hiện đại để có cơ chế nghiên cứu toàn diện, đề xuất và triển khai những chính sách, biện pháp quản lý, đấu tranh phù hợp với từng tổ chức. Để làm được điều này, rất cần hình thành một cơ cấu tổ chức nghiên cứu và quản lý về tôn giáo, tín ngưỡng nói chung cũng như các HTTGM nói riêng chặt chẽ và hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
      - Không nên chính trị hóa tất cả các vấn đề liên quan đến HTTGM, đồng thời cần có sự đánh giá toàn diện, khách quan, nghiêm túc về kết quả và hệ quả của các chủ trương, biện pháp đối với các HTTGM từ trước đến nay, để rút ra những bài học kinh nghiệm đúng đắn nhằm hoàn thiện công tác xây dựng chiến lược và thực hiện chính sách mới đối với vấn đề này phù hợp, hiệu quả hơn.
      - Do vấn đề dân tộc và tôn giáo là hai lĩnh vực nhạy cảm luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, liên quan tới các yếu tố chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa của các tộc người cũng như quốc gia, nên trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách phát triển KT-XH, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo cần chú ý đến mối quan hệ cũng như sự tác động hữu cơ của hai vấn đề và các lĩnh vực này. Trong bối cảnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu cơ bản và hoàn thiện cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện các chính sách đảm bảo cho các tôn giáo phát triển bình đẳng, không để nảy sinh thêm và làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn cục bộ đã có giữa những người theo và không theo tôn giáo, có tín ngưỡng và không tín ngưỡng, giữa tín đồ DTTS và tín đồ người Kinh, giữa các tổ chức tôn giáo, HTTGM và người tin theo với chính quyền. Tăng cường quản lý và phát triển những mối quan hệ tôn giáo, tín ngưỡng tốt đẹp giữa các dân tộc ở trong nước và liên/xuyên biên giới; xây dựng các cộng đồng dân cư ổn định và phát triển ở vùng biên giới, đồng thời không để hình thành những cộng đồng liên kết theo các tổ chức tôn giáo quá tập trung và rộng lớn ở vùng biên giới, nhất là những nơi có nhiều đồng tộc và đồng đạo cư trú liền kề dọc đường biên. Củng cố lòng tin của các tín đồ, chức sắc tôn giáo đối với chế độ ta thông qua việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại để khắc phục những bất đồng, mâu thuẫn, đồng thời tranh thủ những nhân tố tích cực, thu hút các tôn giáo góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Tôn trọng, sử dụng đội ngũ trí thức, những người có uy tín của tôn giáo để họ lãnh đạo, tập hợp tín đồ ủng hộ, phối hợp với chính quyền thực hiện tốt các chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, đồng thời chống lại những tổ chức lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động trái pháp luật.

    Tài liệu tham khảo

[1]. Đỗ Quang Hưng (2001), "Hiện tượng tôn giáo mới: mấy vấn đề lí luận và thực tiễn", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5.
[2]. Phương Liên (2012), "Đạo Hà Mòn ở Tây Nguyên - Những vấn đề cần quan tâm", Tạp chí Công tác tôn giáo, Số 7.
[3]. Nguyễn Văn Minh (2014), "Một số vấn đề về hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới", Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9.
[4]. Nguyễn Văn Minh (2014), "Một số vấn đề về hiện tượng tôn giáo ở Việt Nam", Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11.
[5]. Hà Xuân Nguyên (2013), "Giải pháp nào đối với tà đạo Hà Mòn ở Tây Nguyên hiện nay", Tạp chí Công tác tôn giáo, số 2.



        

         










 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây