LÝ THUYẾT NHẬN THỨC LUẬN VÀ CHỨC NĂNG LUẬN TRONG NGHIÊN CỨU HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI Ở VIỆT NAM

Thứ sáu - 10/06/2022 18:32

LÝ THUYẾT NHẬN THỨC LUẬN VÀ CHỨC NĂNG LUẬN TRONG NGHIÊN CỨU HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI Ở VIỆT NAM

TS. Vũ Văn Chung
Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
Bài đã đăng trên Tạp chí Công tác tôn giáo, số 11 năm 2020. Trang 41-44.

1. Đặt vấn đề
            Trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, đời sống tôn giáo nói chung và các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam nói riêng luôn là tâm điểm của các nghiên cứu trước những xu hướng biến động đầy phức tạp của chúng theo đời sống chính trị đương đại. Sự lúng túng về hành lang pháp lý, cách tiếp cận nghiên cứu, cũng như vấn đề phương pháp luận luôn được đặt ra. Không chỉ các nhà chính trị gia, người làm công tác quản lý và hoạch định chính sách tôn giáo, mà cả giới nghiên cứu tôn giáo trên thế giới và nước ta vẫn đang có nhiều cố gắng xây dựng những lý thuyết nghiên cứu gắn với thực tiễn xã hội. Sự trỗi dậy của hiện tượng tôn giáo mới theo đi cùng những làn sóng công nghệ hiện đại cho thấy một thế giới huyền bí với những đan xen, đảo lộn giữa “thực” và “ảo”, “truyền thống và hiện đại”, giữa những giá trị tích cực và tiêu cực… tạo ra xu hướng biến đổi của đời sống tâm linh tôn giáo rất khó có thể đoán định.
            Đặc biệt, nổi bật lên là các vấn đề pháp lý liên quan đến hiện tượng tôn giáo mới được truyền bá, xiển dương, phổ biến theo nhiều hình thức truyền thông như mạng Internet, Website, facebook, Vlog, Twitter, Youtube… thậm chí hình thành những “thị trường tâm linh”. Hiện tượng tôn giáo mới đã dạng, phong phú hơn trong bối cảnh văn hóa tâm linh với nhiều hình thức biến tướng, bị lợi dụng ngừng gia tăng như: hiện tượng xem bói online, livestream (phát sóng trực tiếp trên facebook, youtube…), các dịch vụ tâm linh, du lịch tâm linh,… Cá biệt, xuất hiện cả những trường hợp lợi dụng hiện tượng tôn giáo mới dưới nhiều mục đích như chiếm đoạt tài sản cá nhân, công ty, doanh nghiệp, lôi kéo trí thức, học sinh sinh viên tham gia bằng nhiều thủ đoạn, tuyên truyền trong trường học, công sở đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các nhà nghiên về hiện tượng tôn giáo mới là nhất thiết phải xây dựng cho mình một thế giới quan khoa học, phương pháp nghiên cứu, tiếp cận cụ thể từ nhiều góc độ lý thuyết khác nhau, đặc biết là các lý thuyết nhận thức luận và chức năng luận.
 

            2. Giải quyết vấn đề

            Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 50-60 của cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay không ngừng tăng lên cả về số lượng cũng như sự hoàn thiện cấu trúc tôn giáo, hình thức hoạt động tinh vi, khó có thể đoán định và nhận diện. Các hình thái tôn giáo mới đã và đang không ngừng tác động, thể hiện rõ tính hai mặt trên phương diện đời sống cộng đồng và cá thể. Cũng như các tôn giáo truyền thống, chúng ra sức phát huy vai trò, chức năng “bù đắp” để tranh thủ lôi kéo tín đồ, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tiến tới hoàn thiện kết cấu tôn giáo và tư cách pháp nhân. Xét từ góc độ chức năng luận cho thấy, ngày nay vai trò của các hiện tượng tôn giáo mới không hề giảm sút mà ngược lại đã có những chuyển hóa theo khuynh hướng và hình thức mới. Các lý thuyết chức năng luận có thể kể đến là: Lý thuyết chức năng diễn giải (Theory of Explanatory Functions) - giải thích về tính hợp lý hay không hợp lý của tôn giáo mới trước những nhu cầu tâm linh mang tính trải nghiệm cá nhân; Lý thuyết chức năng cảm xúc (Theory of Emotional Functions) - xác định các chức năng tâm lý xã hội phổ biến nhất của tôn giáo nói chung và tôn giáo mới có thể được cung cấp một quan niệm toàn diện trong một nền văn hoá đương đại mà sự khuyếch tán của bản sắc cá nhân đã làm cho nhiều người bối rối và sợ hãi; Lý thuyết chức năng xã hội (Theory of Social Functions) - duy trì, bảo vệ sự đoàn kết xã hội; Lý thuyết chức  năng thực chứng (Theory of Validating Functions) - chứng thực các giá trị văn hoá; Lý thuyết chức năng thích ứng (Theory of Adaptive Functions) - chức năng thích ứng của các tín ngưỡng và nghi lễ tôn giáo mới[i];
            Các hình thái tôn giáo mới xuất hiện không chỉ chú trọng và hướng đến những chức năng nắm bắt cảm tính về “cái thiêng” mà còn là sự phù hợp dựa trên những kiến giải lý tính hợp lý, đáp ứng nhu cầu thời đại và các giai đoạn của công nghệ 4.0 cũng như việc sử dụng phổ biến Smart phone, chip điện tử, hay trí tuệ nhân tạo để tạo ra những bộc phá có tính biến đổi nhân loại. Bởi tính tự do và được ra đời trong bối cảnh xã hội “cởi mở” về đức tin, “tò mò” về tâm linh, tri thức phổ biến và sự lệ thuộc vào công nghệ hiện đại thì vấn đề xem xét lý tính đối với các tôn giáo truyền thống nói chung và các hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới và Việt Nam không còn là “tấm màn” được “bưng bít” mà nó hướng đến đời sống tự do và chủ nghĩa cá nhân cũng như sự chứng nghiệm tâm linh (Sự dấn thân, từng trải trong thực hành tôn giáo hình thành kinh nghiệm, chứng đắc, chứng đạo).
            “Tôn giáo trước hết là sự chứng nghiệm cá thể, là cái kinh nghiệm vượt ra khỏi phạm vi nắm bắt của Lý tính, thậm chí còn là trạng thái siêu Lý tính, và bản nguyên của Lý tính. Lý tính không thể thấu đạt chính bản thân nó. Nó chỉ có năng lực hướng đến cái bên ngoài, hoặc giả có phản tư thì bản thân Lý tính vẫn bị tách ra thành cái nhận biết và cái được nhận biết. Tức là vẫn tồn tại như một thứ bản chất nhị nguyên. Bởi vậy, không phải lý tính nắm bắt tôn giáo mà trái lại, Lý tính tìm thấy ý nghĩa đích thực của nó chỉ khi được quan niệm như một hiện tượng trong lòng tôn giáo (Robert H.Lowie và Paul Radil). Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì chức năng bù đắp của tôn giáo vẫn được thừa nhận và bất chấp các kiến giải khác nhau về bản chất của nó[ii]
            Sự xuất hiện ngày càng nhiều các hình thái của hiện tượng tôn giáo mới có thể “trực diện”, cũng có thể “núp bóng”, “giả danh” hoặc đôi khi là “hội kín”, “công khai” ngày càng nhiều ở nước ta trong thời gian gần đây trong nhiều khu vực với những đặc trưng riêng, bao gồm cả nội sinh và ngoại nhập cũng cho thấy tính “quy chuẩn” và “nguyên tắc” truyền thống bị phá vỡ. Từ đó hình thành nên nhiều dạng thức:
            “Dạng thức thứ nhất, hiện tượng tôn giáo mới thứ nhất ảnh hưởng, hỗn dung, cải sửa từ Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và các hình thức thờ cúng truyền thống…
            Dạng thức thứ hai, hiện tượng tôn giáo mới thứ hai ảnh hưởng, hỗn dung, cải sửa từ Công giáo và Tin Lành..”[iii]
            Dạng thức thứ ba, các hiện tượng tôn giáo mới du nhập từ nước ngoài theo nhiều con đường như giao thương buôn bán, du lịch dịch vụ và người đi xuất khẩu lao động từ nước ngoài khi về nước mang theo các hiện tượng tôn giáo mới truyền bá….
            Trên cả ba miền ở nước ta các hình thái tôn giáo mới xuất hiện bên cạnh những nguồn gốc truyền thống của Phật giáo, Kitô giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Tín ngưỡng dân gian như thờ cúng anh hùng dân tộc, thờ Mẫu, thờ cúng Tổ tiên… thì còn xuất hiện không ít những hình thái tôn giáo mới gắn với đặc thù của vùng miền các dân tộc. Cụ thể, có thể thấy như khu vực miền núi các miền là đạo Vàng Chứ, Đạo Dương Văn Mình, Amísara, Pơ Khắp Rây, Đạo Chúa mặt trời mọc, Đạo Thánh Giá, Hiệp hội truyền giáo sâu rộng, Hà Mòn… Ngoài ra, còn phải kể đến các hình thái xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới giả khoa học hoặc bộc lộ rõ tính chất quái dị: Những thứ tà đạo quái gở như “đạo Ty”, “đạo Tiên Rồng”, “Pháp lý vô vi khoa học huyền bí phật pháp”, “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, Đạo nói tiếng lạ,….
            Tính đa dạng của các hình thái tôn giáo mới không thuần túy dưới “vỏ bỏ” tôn giáo mà chúng còn gắn kết với các yếu tố chính trị, kinh tế, rèn luyện sức khỏe, chữa bệnh, khoa học,… và những vấn đề nóng bỏng của thời đại thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Có thể thấy vấn đề này thông qua sự việc một số cá nhân trong xã hội cho rằng bản thân mình có khả năng thông linh mọi kiến thức nên tiếp xúc với mỗi người khác nhau thì nói chuyện bằng “ngôn ngữ” khác nhau. Họ thường có xu hướng xen xét một cách thiện cận rằng các mối quan hệ của tôn giáo, chính trị, kinh tế và tất cả khoa học tận chân, tận thiện đều gặp nhau hết. Bản thân con người chưa tới cái ngưỡng đó nên không hiểu được bản chất của chúng. Những tri thức giả định của con người về các lĩnh vực đó đều là tương đối. Chỉ khi nào tiến tới khoa học tuyệt đối thì con người mới chạm được cái ngưỡng cuối cùng là chân lý. Chân lý luôn chỉ có một thôi. Muốn làm được những chuyện như vậy thì phải có nhiều con người trong một con người. Hiểu một cách đúng đắn nhất trong con người chính trị  thường có con người tôn giáo, có như vậy mới chế ước được mọi thứ trong xã hội.
            Hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta xuất hiện theo những hình thái luôn gắn với những vấn đề về nhận thức luận và chức năng luận. Từ góc độ nhận thức luận cho phép chúng ta thấy được những vấn đề của toàn cầu và sự phá vỡ, đe dọa, xói mòn của nhà nước, dân tộc trong bối cảnh thời đại 4.0, các nguy cơ có thể mang lại là kết cấu xã hội và cộng đồng cũng có thể bị phá vỡ. Và bản thân tôn giáo truyền thống, cũng như các hiện tượng tôn giáo mới không ngừng được nảy sinh cũng như được nuôi dưỡng từ chính trong lòng của một xã hội như thế hay chính là từ sự “tha hóa” theo cách nhìn của các nhà tôn giáo học Mác xít “tôn giáo là khát vọng khắc phục tha hóa trên phương diện ý niệm[iv], đúng như nhận định của Jablokov I.N., như sau:
            “1. Sự tha hóa của sản phẩm lao động khỏi người lao động khỏi người sản xuất; 2. Sự tha hóa của lao động; 3. Sự tha hóa của nhà nước là cái đại diện cho các lợi ích chung - khỏi lợi ích riêng và lợi ích nhớm (tập đoàn), bởi quá trình quan liêu hóa; 4. Sự tha hóa của con người khỏi giới tự nhiên; 5. Sự tha hóa của mối quan hệ giữa con người với con người, do bị các quan hệ đồ vật ngăn cách; 6. Sự tha hóa khỏi các giá trị, quy phạm chuẩn - thể hiện thành sự giải thể các tổ chức xã hội và sự xung đột xã hội; 7. Sự tha hóa của con người khỏi con người - thể hiện ra như trạng thái cô đơn, lạc lõng, tự khép mình lại; 8. Sự tha hóa bên trong của mỗi cá nhân - đánh mất cái “tôi”, bàng quan, thấy sự tồn tại của mình là trống rỗng, vô nghĩa,….”[v]
            Như vậy, lý thuyết về sự tha hóa được xem như một trong những nguyên nhân nhận thức cho sự xuất hiện các hình thái tôn giáo mới, bởi dưới góc độ này cho thấy chức năng của tôn giáo chính là yếu tố làm dịu, làm nhẹ đi những hậu quả do sự gián cách giữa hành vi và kết quả của hành vi: “Bằng việc đem lại niềm tin, sự an ủi, hay cứu rỗi, và bằng việc đặt ra ý nghĩa của đời người trong một thế giới mà tại đó con người luôn đánh mất phương hướng, đánh mất bản thân - tôn giáo đang mang lại sự cân bằng cho các cá thể và cộng đồng về mặt tinh thần. Và ở một chừng mực nhất định, tôn giáo cũng giảm thiểu những tha hóa vật chất qua các hoạt động nhằm cổ vũ sự phân phối lại sản phẩm xã hội một cách từ thiện, công bằng và nhân ái hơn”[vi].
            Từ nhận thức luận và chức năng luận về tính đa dạng của các hình thái tôn giáo mới ở nước ta hiện nay cũng phần nào cho thấy được bối cảnh, tác nhân của chúng đều được hình thành trên cơ sở xã hội trong nước trước những vấn đề về mặt trái của tiến trình đổi mới thể chế kinh tế, sự hội nhập và giao lưu văn hóa thế giới và những chính sách, pháp lệnh tự do tôn giáo, luật tôn giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây.
            Về tiến trình đổi mới thể chế kinh tế có thể thấy, “quá trình đô thị hóa nhanh thì kinh tế thị trường và sự hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại những tác động không nhỏ với một bộ phận những người tổn thương nơi đô thị. Đó là tình cảnh thất nghiệp kéo dài, khủng hoảng niềm tin, lý tưởng sống hụt hẫng, gia đình tan vỡ… được cho là những hậu quả mặt trái của kinh tế thị trường dẫn đến việc tìm kiếm niềm tin” mới cũng như sự xuất hiện của các hình thái tôn giáo mới phù hợp[vii].
            Cách nhìn về sự hội nhập và giao lưu văn hóa thế giới của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy “một làn gió mới cho sự trỗi dậy của đời sống tôn giáo, trong đó có sự xuất hiện các hình thức tôn giáo mới”[viii]. Đặc biệt hơn nữa, đó là sự lan tràn của nhiều phương thức truyền bá, hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới, sự đan xem, tái cấu trúc và biến đổi của các tôn giáo mới khiến cho các hình thái tôn giáo mới đã phức tạp nay lại càng phức tạp hơn, rất khó có thể nhận diện và phân loại theo một hệ quy chiếu hoặc nguyên tắc, chuẩn mực nào.  “Về mặt tâm linh, mạng xã hội rất phù hợp, tương đồng về chất với tôn giáo mới. Mạng xã hội như một thế giới ảo, còn các hình thức tôn giáo mới cũng mơ hồ về mặt xã hội khi đang còn trăn trở tìm chỗ đứng của mình trong đời sống hiện đại, vì thế mạng xã hội là sân chơi, diễn đàn đầu tiên thu hút, tập hợp các tín đồ tôn giáo mới”[ix].
            Đứng trên phương diện chính sách, pháp luật Nhà nước về tôn giáo mà nói, nhờ sự đổi mới trong nhận thức, tư duy và cởi mở của Đảng và Nhà nước ta, những vấn đề về luật pháp và nhân quyền tôn giáo quốc tế về vấn đề này cũng tạo ra cơ sở, hành lang thông thoáng hơn cho sự hoạt động của các tôn giáo mới. Tôn giáo mới có nhiều hình thức, hiện tồn ở khắp các tỉnh thành Việt Nam, hình thức đa dạng, số lượng phong phú do vậy rất khó có thể bao quát hết và chỉ ra những hình thái điển hình.
            Không chỉ riêng gì Việt Nam mà cộng đồng quốc tế, vấn đề về “các phong trào tôn giáo mới giờ đã không còn mới đối với thế giới thời hậu hiện đại nữa. Trải qua một thời gian đáng kể, các xã hội đã quen dần với sự xuất hiện của các niềm tin tôn giáo mới và sự căng thẳng đã giảm đi. Những thách thức của các phong trào tôn giáo mới đã đươc tiếp nhận bình tĩnh hơn, với tinh thần khoan dung có thể quan sát thấy được.
            Về phía nhà nước, các chính phủ đã có được sự chuẩn bị tốt hơn trong việc phản ứng với sự hiện diện cũng như những sự vụ có thể gây ra bởi các phong trào tôn giáo mới. Điều này không có nghĩa là tôn giáo mới không bị quản lý chặt chẽ hoặc đàn áp. Tuy nhiên, dù có môi trường tôn giáo ổn định thế nào đi nữa, không Nhà nước nào coi nhẹ vấn đề các phong trào tôn giáo mới”[x]
            Sự phá vỡ của kết cấu cộng đồng, nhà nước và xã hội truyền thống khiến cho các tôn giáo lớn cũng trở nên bất lực, không còn đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận cộng đồng cư dân trong nước, Quá trình phân rã này đòi hỏi phải được hàn gắn, và đó chính là cơ sở cho tính đa dạng của các hình thái tôn giáo mới. Chúng xuất hiện nhằm tạo “sự cân bằng cho những cá thể đang bị mất phương hướng và thấy mình lạc lõng trong dòng chảy văn hóa không ngừng thay mới bởi sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ số và thị hiếu tâm linh”[xi].
            “Cú sốc văn hóa” và quá trình “thế tục hóa” của tôn giáo truyền thống trước những biến đổi chóng mặt của kỷ nguyên số cũng cho thấy sự “hụt hẫng”, chậm thích nghi, thay đổi, khiến cho sự lên ngôi của các hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta trỗi dạy và ra sức sáng tạo để có thể tạo thêm nhiều “món ăn”, nhiều cơ hội lựa chọn trên “bàn ăn tâm linh”, trong “siêu thị tôn giáo” cho con người trong xã hội hiện đại.
           Thông qua những vấn đề của nhận thức luận hiện đại được thay đổi bởi quá trình tác động từ bản thể luận, thực tiễn đời sống xã hội, quá trình nhìn nhận, xem xét lại vai trò, chức năng của tôn giáo nói chung và các hiện tượng tôn giáo mới nói riêng cũng được đặt ra: “Những nét mới trong đời sống tôn giáo đương đại dẫn đến làn sóng đánh giá lại bản chất, chức năng và vị trí tôn giáo trong đời sống hiện đại”[xii] trong đó không ngoại trừ đối với trường hợp của các hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay.
            Hơn nữa “sự mỉa mai lịch sử nằm trong quan hệ giữa tôn giáo và thế tục…xu hướng trả tôn giáo về đời sống cá nhân (hay xu hướng thế tục hóa) đã được khẳng định như tiến trình không thể đảo ngược… Sự suy giảm tín ngưỡng thể hiện trong việc bỏ bê thực hành tôn giáo…”[xiii]. Các tôn giáo đang trỗi dậy như những nguồn lực cạnh tranh với tôn giáo truyền thống và thách thức nhà nước, quốc gia, dân tộc. Trong một nhóm người không nhỏ trong xã hội, các hình thái tôn giáo mới chính là những phản ứng và những chuẩn mực văn hóa mới, phù hợp với bước chuyển của nhân loại trong thời đại công nghệ hiện đại. Quan điển này đúng như dự đoán của Toffle, Bell, Eliade.. cho rằng “đó là dấu hiệu của cuộc tìm kiếm những chuẩn thức văn hóa mới, phù hợp với bước chuyển của nhân loại vào kỷ nguyên hậu công nghiệp”[xiv].

            3. Kết luận

            Tóm lại, thông qua nhận thức luận và chức năng luận cũng chỉ ra được bản chất  và sự phân loại cũng như một số đặc điểm của các hiện tượng tôn giáo, góp phần làm sáng tỏ hơn nữa cách tiếp cận của triết học tôn giáo. “Triết học tôn giáo nghiên cứu vấn đề bản chất của tôn giáo từ góc ddiooj thế giới quan và bản thể luận triết học để trình bày nghiên cứu ý nghĩa của tôn giáo, và căn cứ vào sự phát triển lịch sử, tác dụng xã hội của các tôn giáo để xác định khái niệm tôn giáo về mặt nhận thức, trình bày rõ định nghĩa tôn giáo”[xv]. Như vậy, đối với các hiện tượng tôn giáo mới, dù sự tồn tại của chúng trong những điều kiện xã hội nhất định là hợp lý hay bất hợp lý thì cũng đều dựa trên những cơ sở của lý thuyết nhận thức và chức năng luận. Thầy được điều này, cho phép chúng ta khi nghiên cứu về tôn giáo mới có cái nhìn bao dung, cởi mở hơn đối với các hiện tượng tôn giáo mới đang tồn tại với nhiều xu hướng biến đổi và diễn biến phức tạp ở Việt Nam hiện nay./.



 Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thái Việt (2006), Toàn cầu hóa: Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Lê Tâm Đắc (2015), Máy đặc điểm về các hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 04 (142).
3. Tôn giáo và đời sống hiện đại (gồm 5 tập), Tập 3, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Trương Văn Chung (2016), Tôn giáo mới nhận thức và thực tê, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
5. Hoàng Văn Chung (2014), Ứng xử của một số nước trên thế giới đối với hiện tượng tôn giáo mới, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 09 (135)
6. Trác Tân Bình (2007 - Trần Nghĩa Phương dịch), Lý giải tôn giáo, Nxb Hà Nội.
 
 
CHÚ THÍCH

[i] Trương Văn Chung (Chủ biên, 2016), Tôn giáo mới nhận thức và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.62-66.
 
[ii] Phạm Thái Việt (2006), Toàn cầu hóa: Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 255
[iii] Lê Tâm Đắc (2015), Máy đặc điểm về các hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 04 (142); 95.
 
[iv] Phạm Thái Việt (2006), Toàn cầu hóa: Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 253.
 
[v] Tôn giáo và đời sống hiện đại (gồm 5 tập), Tập 3, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội: 60-61.
 
[vi] Trương Văn Chung (2016), Tôn giáo mới nhận thức và thực tê, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: 254.
 
[vii] Trương Văn Chung (Chủ biên 2016), Tôn giáo mới nhận thức và thực tế, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: 447.
 
[viii] Trương Văn Chung (Chủ biên 2016), Tôn giáo mới nhận thức và thực tế, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: 448.
 
[ix] Trương Văn Chung (Chủ biên, 2016), Tôn giáo mới nhận thức và thực tế, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: 448
 
[x] Hoàng Văn Chung (2014), Ứng xử của một số nước trên thế giới đối với hiện tượng tôn giáo mới, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 09 (135); 55-56.
 
[xi] Phạm Thái Việt (2006), Toàn cầu hóa: Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 257
 
[xii] Phạm Thái Việt (2006), Toàn cầu hóa: Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 266.
 
[xiii] Phạm Thái Việt (2006), Toàn cầu hóa: Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 261-262.
 
[xiv] Tôn giáo và đời sống hiện đại (gồm 5 tập),  Tập 3, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội: 118
 
[xv] Trác Tân Bình (2007 - Trần Nghĩa Phương dịch), Lý giải tôn giáo, Nxb Hà Nội: 232.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây