HỘI NHẬP VĂN HÓA VỀ BIỂU TƯỢNG PHẬT GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

Thứ ba - 28/12/2021 08:50

Ảnh MT. Mái cong chùa Tây Phương

Ảnh MT. Mái cong chùa Tây Phương
Đỗ Thị Minh Thảo - Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Số 12 - 2021.


  
            Tiến trình hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo đã diễn ra như thế nào ở Đồng bằng Bắc bộ? Đặc trưng của sự hội nhập này là dung hợp hay hỗn dung? Đặc trưng của sự hội nhập biểu tượng tam giáo có phải nằm ở sự hòa hợp về thế giới quan và nhân sinh quan?... Những vấn đề này, đến nay vẫn là câu hỏi lớn đối với chúng ta ở tầm khái quát. Bài viết hướng đến mục tiêu làm sáng tỏ các vấn đề nêu trên từ sáu đặc trưng chính của hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ.
Từ khóa: Biểu tượng Phật giáo, đặc trưng, Đồng bằng Bắc Bộ, hội nhập văn hóa.


Mở đầu
           Văn hóa biểu tượng Phật giáo từ lâu đã thấm sâu vào nền văn hóa bản địa của người Việt để trở thành một trong những bộ phận huyết mạch của nền văn hóa Việt Nam, biểu hiện đa dạng nhưng rất sâu sắc qua mỹ thuật. Biểu tượng mỹ thuật Phật giáo ở người Việt chính là một hình thái biểu hiện mang ý nghĩa biểu trưng cho ý niệm tôn giáo, giá trị tâm linh và sự thâm nhập nội tâm của Phật giáo vào đời sống cư dân đồng bằng Bắc bộ, vừa lý tưởng hóa vừa bản địa hóa.
           Mỹ thuật Phật giáo của người Việt là biểu trưng cho vẻ đẹp “mỹ diệu” của biểu tượng Phật giáo, luôn bao hàm các sắc thái giá trị văn hóa, nhân sinh quan, qua đó truyền tải đạo lý của cha ông ta. Nghiên cứu và làm sáng tỏ các đặc trưng chính của quá trình hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ là cần thiết và mang nhiều ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

1. Quá trình du nhập, đặc điểm tư duy nguyên hợp và đời sống tín ngưỡng, biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ
1.1. Một số thuật ngữ

           Biểu tượng tôn giáo các hệ thống phức hợp gồm hình ảnh hoặc bản thể, thực thể thượng đế, thần linh, Phật; bản thân vật, con người hoặc Phật sống; hoặc hệ ký hiệu và bán ký hiệu, dùng để biểu trưng (tượng trưng) cho ý niệm của một hệ giá trị tôn giáo, qua đó khai tâm các giá trị tâm linh tôn giáo. Hiện tượng ý thức đồng nhất, nhận thức kép là phổ biến trong biểu tượng tôn giáo, cùng một hệ thống các phương pháp sáng tạo luận trong văn hóa tôn giáo.
         Biểu tượng Phật giáo là một hình thái biểu tượng tiêu biểu với các kiến trúc chùa tháp, các tượng Phật, biểu tượng Phật sống... cùng nhiều ký hiệu biểu trưng có nội dung tư tưởng Phật giáo, ví dụ, biểu tượng bánh xe luân hồi. Ngôi chùa là một hệ thống biểu tượng và cho thấy lịch sử tiến trình biểu tượng hóa.
           Biểu tượng hóa là một cơ chế vận hành tự hệ thống hóa các biểu tượng trong tiến trình hội nhập văn hóa. Thay vì tập hợp lại thành gia phả các vị thần như nhà sử học thời cổ đại Hérodote xứ Halikamasseus đã làm, các ngôi chùa của người Việt thực hiện biểu tượng hóa hệ thống qua hệ thống hóa các biểu tượng thờ tự.


1.2. Sự du nhập và đặc điểm tư duy nguyên hợp của văn hóa biểu tượng Phật giáo ở Việt Nam

            Nền văn hóa biểu tượng Phật giáo đã hình thành từ khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên ở Ấn Độ. Ở Việt Nam, văn hóa biểu tượng Phật giáo đã có một quá trình du nhập và bén rễ lâu dài từ thế kỷ I sau Công nguyên. Tuy nhiên, bóng dáng sớm nhất của biểu tượng Phật giáo xét về truyền thuyết là khoảng thế kỷ III đến thế kỷ II trước Tây lịch. Điển hình là truyền thuyết Chử Đồng Tử đời Hùng Vương thứ ba, được nhà sư Phật Quang (Ngưỡng Quang) truyền bá trong truyện “Nhất dạ trạch” (ghi trong tác phẩm Lĩnh  Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú).
          Các khái niệm “truyền thuyết”, “huyền thoại”, “thần thoại” trong bài viết này được xem xét từ lý thuyết hệ hình tư duy nguyên hợp phản ánh phức thể giữa Mythox (tính bất quy luật, tính hoang đường, sự tưởng tượng) và Logos/logox (tính quy luật, tính trí tuệ, tính hiện thực, đáng tin cậy). Một số nhà nghiên cứu cho rằng truyền thuyết, huyền thoại, thần thoại chỉ có sự hoang đường, không đáng tin cậy, đây là cách nhìn một chiều phiến diện về bản chất đối tượng. Từ lâu đã tồn tại cách nhìn tổng thể khác của một số triết gia phương Tây trong lịch sử triết học, như K. Marx. Các triết gia này đã gọi thế giới quan thần thoại là thế giới quan tiền triết học. Đây là kiểu tư duy phản ánh nguyên hợp giữa các yếu tố có tính đối lập như: triết lý - tưởng tượng, logos - xác suất và ngẫu nhiên, hiện thực - kỳ ảo, tự do - tất yếu… được phản ánh dưới dạng thức xung đột nội tại, và triển khai bằng hình thức một câu chuyện tưởng tượng - kỳ ảo. Và vì vậy là không liên quan đến một “sự hoang đường, bịa đặt thuần túy”.

               Đặc điểm tư duy nguyên hợp của văn hóa biểu tượng Phật giáo ở Việt Nam biểu hiện: thứ nhất, đó là tính nguyên hợp trong phản ánh của hình tượng mỹ thuật Phật giáo. Trong đó hình tượng mỹ thuật đã bao hàm tính biểu tượng và tính ý niệm triết học Phật giáo. Thứ hai, tính nguyên hợp của biểu tượng Phật giáo khi kết hợp với các yếu tố tín ngưỡng bản địa, văn hóa dân gian folklore. Thứ ba, tư duy nguyên hợp của văn hóa biểu tượng Phật giáo đã phản ánh đồng thời cả thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo đồng nhất với vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Việt...

1.3. Đời sống tín ngưỡng, biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ

              Đời sống tín ngưỡng, biểu tượng vùng châu thổ Bắc bộ sớm định hình dòng hoa văn mỹ thuật trang trí với sự định cư của cư dân Việt cổ khi dịch chuyển vùng cư trú xuống trung du và đồng bằng.
            Theo sách sử, cội nguồn các tộc người Việt cổ (Bách Việt - một trăm bộ lạc Việt) sống trải trên vùng đất phía Nam Trung Hoa, vùng hạ lưu sông Trường Giang và miền Bắc Việt Nam cổ từ giữa thế kỷ I TCN cho tới thiên niên kỷ I CN. Họ được gọi bằng tên chung là các tộc người Việt. Âu Việt còn gọi là Tây Âu và Lạc Việt - tổ tiên trực tiếp của người Kinh ở Việt Nam ngày nay. Bách Việt gồm Việt phương Bắc và Việt phương Nam. Người Việt phương Bắc sớm bị Hán hóa, còn người Việt phương Nam đã lùi dần về phía Nam để xây dựng nhà nước, dần định hình nên dân tộc Việt Nam ngày nay, với xã hội cổ truyền kết cấu theo gia đình - dòng họ - làng - nước.  
            Gia đình là nhiều thế hệ quây quần, ở đó có thể là tam đại, tứ đại đồng đường. Ứng xử theo trật tự trên dưới, lấy Đạo hiếu làm chuẩn mực. Dòng họ tập hợp những người cùng huyết tộc với nhà thờ họ làm điểm quy tâm một cộng đồng nhỏ với một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Làng Việt là nôi văn hóa, tạo dựng nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Văn hóa làng xã là đơn vị văn hóa của xã hội truyền thống. Trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của làng Việt truyền thống có các loại hình tín ngưỡng thờ cúng như: thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng làng, thờ Mẫu bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Nữ thần của cư dân nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng phồn thực, thờ sức mạnh tự nhiên.
               Ngôi chùa trở thành trung tâm biểu tượng tâm linh và trung tâm giáo lý sinh hoạt luân lý phong tục của cộng đồng người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ, do đó nó không còn là không gian riêng của các hình tượng Phật thuần túy như các nước. Tính chất sinh hoạt dân gian chiếm lĩnh, do đó, biểu tượng Phật tồn tại hòa đồng trong một không gian chung.

2. Đặc trưng chính của hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ
2.1. Tính chất hòa hợp

              Hòa hợp là quy luật phát triển hài hòa với tự nhiên vạn vật, là nền tảng của cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” (Nho - Phật - Đạo) của người Trung Quốc ảnh hưởng trong văn hóa Đại Việt cũng nổi lên đặc điểm quan trọng này. Hòa hợp hay hòa điệu chính là quy luật vũ trụ đầu tiên ứng với cái đẹp bản thể trong mọi lý thuyết siêu hình học thời cổ đại.
              Ngôi chùa Việt là biểu tượng của sự hòa hợp giữa quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng bản địa của người Việt và Phật giáo ngoại lai. Hệ thống biểu tượng tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) trong văn minh nông nghiệp, trồng cây lúa nước của người Việt cho thấy sự hòa hợp này.

2.2. Tính chất dung hợp và hỗn dung


             Hỗn dung tức là sự hội nhập của biểu tượng tôn giáo ngoại lai với các biểu tượng tín ngưỡng bản địa, hình thành một tổng thể vừa dung hợp vừa mang sắc thái đa dạng, nhiều màu vẻ, hoặc sự đối lập. Dung hợp (cùng tồn tại) cần có hỗn dung (giao thoa để tồn tại), thể hiện qua luận điểm: “Thiền tông sinh ra trong khoảng thế kỷ thứ 6, thứ 7, khi Bồ Đề Đạt Ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc cùng với sự hấp thụ một phần nào đạo Lão” (Thiền tông Việt Nam, 2017, tr.32).
             Biểu hiện tích cực của hỗn dung như trên đã phân tích, tuy nhiên mặt hạn chế của hỗn dung cũng kéo theo cách bài trí, sắp xếp thờ tự. Sự phản ánh sau của học giả Trần Trọng Kim đã phản ánh rõ điều này qua cách sắp đặt bàn thờ Chư vị: “Chư vị là nói chung các vị thần thánh của phái đồng bóng, đại khái như tứ phủ... Bàn thờ Chư vị: Đáng lẽ ở nhà tăng đường chỉ thờ vị Thánh tăng và chư tổ đã tu ở chùa mà thôi, song thường thấy ở gian giữa nhà ấy có ban thờ Phật, gian bên tả có bàn thờ Chư vị và gian bên hữu có bàn thờ các Tổ… Phái Chư vị không có quan hệ gì đến đạo Phật... nên có chùa phải làm ra điện riêng bên cạnh để thờ Chư vị. Cách thờ phụng như thế thật là hỗn tạp (lẫn lộn) không đúng với các tông chỉ của đạo Phật chút nào” [Trần Trọng Kim, 2010, tr.126].
               Cấu trúc biểu tượng của tam giáo đồng nguyên còn tồn tại “các chân rết” trong hệ thống biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo. Đây chính là tình trạng hỗn dung. Tính “liên kết” của tam giáo khi hội nhập vào tín ngưỡng dân gian đã định hình các kiểu thờ cúng: Tiền Phật hậu Thánh, Tiền Phật hậu Mẫu, các yếu tố của Mật giáo (bùa chú, hóa thân, tái sinh).
              Hiểu thế nào là dung hợp để cùng tồn tại? Biểu tượng Tam giáo vẫn thiết lập được tính đỉnh lập mà vẫn dung hợp để cùng tồn tại. Dung hợp một cách biện chứng đã bao hàm trong nó những hỗn dung nội tại trong thể thống nhất. Dung hợp nhìn theo tổng quan lịch sử, hỗn dung sẽ xảy ra tại các thời điểm cụ thể. Dung hợp và hỗn dung là hai mặt của một cấu trúc kép trong giao thoa hội nhập văn hóa của Phật giáo Đại thừa. “Phật giáo Việt Nam là Phật giáo được bản địa hóa khi du nhập vào Việt Nam” (Thiền tông Việt Nam, 2017, tr.67).
                Nếu như mở đầu mỗi thời đại mới trong lịch sử loài người thường là bi kịch, và kết thúc một thời đại cũ là hài kịch, thì sự hội nhập văn hóa qua biểu tượng tôn giáo cũng thường khởi đầu là hỗn dung, sau đó bước đi vào sự ổn định thì là dung hợp. Sự xuất hiện các thành tố văn hóa mới về sau lại tạo ra bước hỗn dung kế tiếp, nếu hội nhập tốt sẽ có được bước ổn định dung hợp, bằng không sẽ bị đào thải nhanh chóng.
                 Người phương Tây từng nói, cái đẹp sở dĩ biết được nó là đẹp nhờ mặt đối lập của nó, tức là cái xấu. Đó cũng là đặc điểm quan trọng của nhận thức biện chứng. Quan niệm Á Đông, trong dung hợp đã tất yếu bao hàm yếu tố hỗn dung và ngược lại. Nếu đã có dung hợp thì tất có mặt đối lập là hỗn dung. Còn gọi là hài hòa và bất hài hòa, đối xứng và bất đối xứng. Đó mới là tính biện chứng phương Đông thể hiện trong văn hóa các nước Á Đông. Như vậy, đặc trưng dung hợp hỗn dung là đặc trưng kép của văn hóa Đại Việt.

2.3. Sự định hình phong cách của hệ thống biểu tượng Phật giáo qua mỹ thuật với loại hình cốt tử là nghệ thuật điêu khắc

              Điêu khắc là loại hình nghệ thuật “xương sống” của văn hóa Việt Nam. Điêu khắc tồn tại trong cả hai dòng mỹ thuật hoa văn tiết điệu dân gian và nghệ thuật bác học.
             Nghệ thuật điêu khắc phát triển từ nền văn hóa bản địa đó là các chạm khắc trên vách hang động, hoa văn trên trống đồng như là các văn tự mỹ thuật cho đến bước phát triển cao của thời kỳ phong kiến Việt Nam với các bức phù điêu, tượng Phật, tượng người thờ trong bí tích… Nói đến nghệ thuật tôn giáo thì điêu khắc là nghệ thuật mang nhiều nét sáng tạo của con người nhất, khi tạo ra biểu tượng với những nét chân dung và cá tính trong sáng tạo, từ đó định hình phong cách sáng tạo.

            Do lịch sử phức tạp của đất nước, nền điêu khắc cổ Việt Nam không thuần nhất, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có 4 dòng điêu khắc lớn như sau: “1. Điêu khắc thời Tiền sử từ thời đại đồ đá giữa đến thế kỷ 2 trước công nguyên... 2. Điêu khắc Phù Nam từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 6... 3. Điêu khắc Champa từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 15, và còn kéo dài đến thế kỷ 17 ở Trung Nam Bộ... 4. Điêu khắc phong kiến Việt từ thế kỷ 11 - 19 ở Bắc Bộ.” (Phan Cẩm Thượng, 1997, tr.5).  Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sáng tạo biểu tượng Phật giáo.
               Ảnh hưởng Nho - Phật - Lão thể hiện rõ trong biểu tượng nghệ thuật điêu khắc thời nhà Lý, thời kỳ bắt đầu đề xuất tam giáo, đồng thời cũng là thời kỳ hình thành phong cách điêu khắc và kiến trúc Đại Việt. Sự định hình phong cách điêu khắc, kiến trúc ngay cùng lúc với tam giáo là để có thể hệ thống hóa tư tưởng bằng hệ thống biểu tượng thờ cúng.
             Văn hóa làng Việt truyền thống, trên thực tế, là một cấu trúc tổng thể bao hàm nhiều lớp với các đặc trư­ng. Tính o bế của tư­ duy mẫu hệ thư­ờng lặn sâu vào tâm thức và làm nên phần âm tính của nền văn hóa Việt tr­ước sự giao thoa của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ.
             Toàn bộ những đặc trưng trên được phản ánh sâu sắc qua nghệ thuật điêu khắc. Đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc là lưu giữ “thước đo” hình thể, thân thể, hay nhân thể của nền văn hóa bản địa. Đây là thước đo đóng vai trò “bộ lọc thẩm mỹ” của một dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trước sự du nhập của văn hóa ngoại lai, qua đó định hình phong cách của hệ thống biểu tượng Phật giáo.

2.4. Các sắc thái Thiền - Tịnh - Mật thể hiện trong biểu tượng nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Đại thừa vùng Đồng bằng Bắc bộ

           Vào thế kỷ IV-V, Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam với ba pháp môn là Thiền tông, Tịnh Độ tông, và Mật tông. Thiền tông kết hợp Tịnh Độ tu niệm Phật A-di-đà và Bồ tát; Mật tông giỏi pháp thuật, tài thần thông biến hóa. Chùa Bắc tông mang sắc thái Tịnh Độ tông là chùa Bằng (Linh Tiên tự), số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội ngày nay. Các ngôi chùa thuộc pháp môn Mật tông rõ nét nhất là các ngôi chùa có cấu trúc “Tiền Phật, hậu Thánh” như chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Láng, chùa Trăm Gian, chùa Vạn Niên, chùa Mật Dụng và chùa Thắng Nghiêm ở Hà Nội.

               Các ngôi chùa đại thừa miền Bắc là một hệ thống phong phú, đa dạng các loại tượng Phật, Bồ Tát, tượng La Hán của các tông phái khác nhau. Sắc thái pháp môn Thiền - Tịnh - Mật cho thấy dấu hiệu của quá trình tư duy tổng hợp. Về điều này, tác giả Thuận Phước đã nêu rõ: Tổng hợp giữa các tông phái Phật giáo: Các tông phái Phật giáo Đại thừa sau khi du nhập vào Việt Nam trộn lẫn với nhau. Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi pha trộn Mật giáo. Nhiều vị thiền sư đời Lý như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không… đều giỏi pháp thuật và có tài thần thông biến hóa. Thiền tông còn kết hợp với Tịnh Độ tông như là trong việc tụng niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát. [Thuận Phước, 2011, tr.20,21].

  2.5.  Vai trò hệ thống hóa biểu tượng tâm linh tôn giáo của biểu tượng Phật giáo

              Quá trình biểu tượng hóa còn thể hiện là một quá trình tất yếu của sự du nhập tôn giáo. Biểu hiện qua kiến trúc chùa Việt với quan niệm không gian tâm linh mở. Hiện nay có xu hướng biến thành không gian cộng đồng - tâm lý nhiều hơn là không gian tâm linh tĩnh mặc xưa. Tâm linh là sự tương giao, hay thậm chí là siêu hình của con người với muôn vật, cần tìm nơi chốn thâm sâu. Kiến trúc chùa chiền đều được khai phóng sáng tạo trên tinh thần siêu thoát đó. Nhìn từ ngoài vào trong, tính thuần nhất của ngôi chùa được bảo đảm. Đặc trưng dung hợp lớn.
              Trong quá trình hội nhập văn hóa tư tưởng, Phật giáo Đại thừa miền Bắc có vai trò quan trọng là cửa ngõ hệ thống hóa biểu tượng tâm linh tôn giáo. Việc hệ thống hóa trong tư tưởng triết học tôn giáo là một phần, người Việt còn tiến hành hệ thống hóa qua các biểu tượng tôn giáo.
           Một trong những đặc trưng quan trọng của biểu tượng tôn giáo đó là khả năng dung nạp các thành tố của văn hóa biểu tượng truyền thống vào các cấu trúc biểu tượng tôn giáo của giai đoạn kế tiếp, của cùng một nền văn hóa. Ví dụ: các tín ngưỡng phồn thực, thờ vật tổ (Totem giáo), thần thoại... đều được dung nạp vào trong các biểu tượng tôn giáo trong giai đoạn phát triển kế sau. Có thể thấy ở biểu tượng Trimurti (Tam thần Ấn giáo) trong thần thoại Hindu giáo, hay  biểu tượng con rồng Việt... Thông qua dung nạp các thành tố truyền thống mà hệ thống biểu tượng tự động được hoàn thiện. Đây là cơ chế vận hành biểu tượng hóa hệ thống.


2.6. Biểu tượng tính “tam giáo đồng nguyên” trong tâm thức người Việt

              Một trong những đặc trưng nổi bật của hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ phải kể đến là đặc tính biểu tượng“tam giáo đồng nguyên” trong tâm thức người Việt và do đó hiện diện trong nhiều không gian văn hóa có liên đới tới biểu tượng Phật giáo. Hiện tượng Tam giáo đồng nguyên sẽ chỉ là một hiện tượng du nhập các hệ tư tưởng hỗn dung vào với nhau theo cách nhìn của nhiều người, nếu chúng ta không làm rõ đặc tính liên kết của nó ở trong tính biểu tượng. Do chỗ, biểu tượng đã thống nhất cả hình tượng (mỹ thuật) – biểu tượng (tôn giáo) – ý niệm/ khái niệm (triết học). Biểu tượng tôn giáo cũng thống nhất cả khía cạnh kép giữa học thuyết chính trị - đạo đức xã hội của Nho giáo với đặc tính thờ cúng hệ biểu tượng về nó. 
              Về thuật ngữ Tam giáo, từ “giáo” được hiểu trong hệ đặc trưng kép với hai góc độ chính: tôn giáo và giáo hóa. Nếu chỉ hiểu ở góc độ giáo hóa thì chưa đúng với bản sắc tổng thể trong văn hóa các nước Á Đông: “Văn hóa truyền thống Trung Quốc gọi “giáo” trong “Tam giáo”, hàm nghĩa của nó không phải là “giáo” trong “tôn giáo” mà là “giáo” trong “giáo hóa”. Hàng ngàn năm nay, “tam giáo” đã tồn tại trong thế chân vạc, hòa hợp và bổ sung lẫn nhau, về mặt ứng dụng trong xã hội và nhân sinh, đã sản sinh ra những ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng và lâu dài” (Lao Tử, Thịnh Lê, 2001).
             Như vậy, tam giáo từ ngữ nghĩa ban đầu là tôn giáo và giáo trị, giáo hóa khi hội nhập vào văn hóa bản địa đã hình thành một kết cấu liên cấu trúc tín ngưỡng - tôn giáo, luân lý - đạo đức, giáo trị - giáo hóa. Hội nhập cho thấy cả một tiến trình với tính tổng thể của tư duy mở trong văn hóa.
          Nho giáo được các quan lại Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên, Sỹ Nhiếp du nhập vào nước ta từ đầu Công nguyên. Quá trình chống Hán hóa của người Việt suốt thời kỳ Bắc thuộc đã khiến Nho giáo chưa thể bén rễ nhanh trong đời sống sinh hoạt xã hội.
            Nho giáo là một học thuyết kép, một mặt nổi lên là một học thuyết chính trị - đạo đức; mặt khác, Nho giáo cũng phản ánh một khía cạnh của đặc trưng tôn giáo qua thờ cúng biểu tượng - một đặc điểm thường thấy trong văn hóa phương Đông. Với một bộ phận được Thánh hóa, ý nghĩa “giáo hóa” của Nho giáo vào Đại Việt trở thành một bộ phận tôn giáo qua biểu tượng Văn Miếu xây năm 1070, năm Thần Vũ thứ hai, thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), là nơi thờ Khổng Tử cùng tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, và Mạnh Tử), và các vị hiền nho.
            Vào thế kỷ thứ II, Đạo giáo xuất hiện ở vùng Nam Trung Hoa. Đạo giáo chia hai phái bộ: đạo thần tiên và đạo phù thủy. Đạo thần tiên cầu trường sinh bất tử. Đạo phù thủy dùng bùa phép trừ tà, trừ bệnh. Đạo giáo tôn Lão Tử làm giáo chủ (Thái Thượng Lão Quân).

           Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ II. Theo thời gian, Đạo giáo kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần bản địa để dần dà hình thành nên tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo tác giả Ngô Đức Thịnh: “Đạo giáo Trung Hoa du nhập vào nước ta khá sớm, ít nhất cũng trong thời Bắc thuộc. Thời Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần thì Lão giáo là một trong “Tam giáo đồng nguyên”...” [Ngô Đức Thịnh, 2012, tr. 37].
          Từ thế kỷ thứ I, II sau CN, cho đến thế kỷ thứ VIII, Phật giáo đã rất phát triển ở nước ta. Nhà sư Đàm Thiên vào thế kỷ VI đã cho rằng xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Trung tâm Luy Lâu được hình thành vào nửa đầu thế kỷ thứ nhất Tây lịch.
            Phật giáo ở các nước đều thuộc hai dòng truyền bá: Dòng Bắc truyền, đi qua các nước Đông Á Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và dòng Nam truyền, đến các nước Nam Á, Đông Nam Á. Riêng đối với Việt Nam, ngay từ giai đoạn đầu, Phật giáo được tiếp nhận lần lượt từ cả hai dòng. Trước tiên từ Nam truyền khoảng đầu Công nguyên, về sau chuyển hướng từ Bắc truyền.
           Cùng với Nho giáo và Đạo giáo, các tư tưởng nhân sinh quan tốt đẹp của Đạo Phật như từ bi, cứu vớt chúng sinh, thuyết nhân duyên, luân hồi, nhân quả, nghiệp báo, tu thiện, tích phúc… đã trở thành lề lối, nếp suy nghĩ, ăn ở, ăn sâu vào tiềm thức của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước người Việt ta.
           Về biểu tượng tam giáo đồng nguyên trong tâm thức người Việt, được hình thành từ bốn đặc tính lớn như sau: 1) Tính dung hợp văn hóa; 2) Tính đồng nguyên - cùng nguồn gốc, được hiểu là cái gốc rễ chung của vạn vật và con người nằm ở sự hòa hợp đạo đức và trí tuệ, và thuộc về hệ hình Trí tuệ luận và tri thức luận; 3) Tính dung hợp có hỗn dung. 4) Phản ánh nguyên hợp hình thành tư duy tổng thể, quy về đồng nhất bản thể của ba con đường giáo hóa thì đó là vấn đề con người. Như vậy, cuối cùng thì mọi con đường giáo hóa và giải thoát, tu tiên, trường sinh khi vào Việt Nam đều được khai thác ở giá trị vì nhân sinh, vì dân tộc Việt.
              Lần trong sách sử đến nay, tựu trung lại giải thích đồng nguyên tam giáo theo hai cách: 1) Cùng nguồn gốc, và 2) Hòa hợp tam giáo. Ngoài ra, cũng tồn tại những cách giải thích khác như: 3) Tam giáo đỉnh lập; 4) Tam giáo nguyên hành; 5) Tam giáo đồng quy. Tuy nhiên, đó là những phán đoán dựa trên các hiện tượng lịch sử của chúng.
             Từ giác độ triết học, nếu sử dụng phương pháp mẫu thức tư duy (paradigm), ta nhận thấy nếu lấy mốc từ Thánh Kinh cổ xưa nhất của Ấn Độ giáo là kinh Vệ đà (Veda: có nghĩa là tri thức) vào khoảng thế kỷ VI TCN, thì cả Phật, Nho và Lão đều thuộc về cùng một hệ hình văn hóa của phương Đông thời cổ đại.
              Tam giáo là hệ tư tưởng và tôn giáo, nên có cùng nguồn gốc kép: tri thức luận và trí tuệ luận. Phật giáo với mô thức đề cao từ bi và trí tuệ qua tri thức thực hành, thực nghiệm tâm linh; Nho giáo với hệ thống tri thức khoa cử đề cao tri thức thực hành luân thường đạo lý trong xã hội; Đạo giáo gắn kết mô thức triết học và luân lý trong “Đạo đức kinh” với quan điểm hiểu biết đến gốc rễ bản thể sự vật.
            “Phật giáo là đạo thuộc loại hình trí tuệ, vì vậy kinh Phật trở thành nguồn tư liệu quý báu để dẫn dắt, hướng dẫn nhân loại sống hướng thiện và đạt đến bến bờ giải thoát. Thế nên, giáo điển của Đức Phật đã để lại cho nhân loại “Tam tạng kinh”, “12 bộ kinh” và vô số điển tịch” (Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền, 2016, tr.16).
              Đặc trưng cốt tử của văn hóa phương Đông đã tác động đến quá trình hình thành quan niệm tam giáo đồng nguyên nằm trước hết ở đặc điểm “ý thức đồng nhất” “tư duy đồng nhất”, “phản ánh nguyên hợp” của văn hóa tôn giáo, nghệ thuật phương Đông: “Đạo lý đồng thời là vật thể”; biểu tượng Trimurti (Tam thần Ấn giáo) là biểu tượng Tam vị quy nhất thể trong thần thoại Hindu giáo; hay như tính đồng nhất, hòa nhập hai dạng bản thể Brahman (nguyên lý phổ quát vũ trụ, đại Ngã) với Ātman/Atman (linh hồn, tinh thần bên trong, bản thể tự bên trong, bản ngã thực sự của cá nhân, tự sáng ý thức, tiểu Ngã) trong Kinh Vệ Đà, Hindu giáo, Ấn độ giáo... Từ điểm đặc trưng cốt tử này của văn hóa phương Đông, đã không ngừng sản sinh các học thuyết, tư tưởng triết học, tôn giáo, đạo đức - chính trị xã hội cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa bản thể và bản ngã, cùng sự ra đời của các giới luật, học thuyết đức trị, pháp trị, vô vi... về việc rèn luyện, tu tập bản ngã, thu hẹp sự sai biệt, khác biệt trong nhận thức, để hướng về cội nguồn, về quy luật tự nhiên vũ trụ... để đạt được “tính đồng nhất tuyệt đối”, được xem là lý lẽ nghệ thuật sinh tử cao nhất, cái có giá trị cao nhất của mọi con đường tỉnh thức, thức nhận.
                    Chính đặc trưng “ý thức đồng nhất”, “tính đồng nhất tuyệt đối”, “tư duy đồng nhất” trong tôn giáo, mỹ thuật của văn hóa biểu tượng tôn giáo phương Đông, tồn tại sẵn có, là tự tính trong học thuyết của cả tam giáo, mới là đặc trưng cốt tử đưa đến đặc tính phái sinh là sự hòa hợp về thế giới quan và nhân sinh quan của tam giáo đồng nguyên, thể hiện nét đặc sắc cho quá trình hội nhập biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ.


Kết luận

          Việc nghiên cứu làm sáng tỏ các đặc trưng chính của hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo diễn ra ở vùng Đồng bằng Bắc bộ đã góp phần quan trọng cho thấy bức tranh tổng quan trên nhiều phương diện từ lịch sử du nhập, sự kết lại của truyền thuyết, mở rộng trong không gian văn hóa hiện diện của các biểu tượng Phật giáo qua mỹ thuật Việt.
           Bài viết cũng góp phần làm sáng tỏ đặc điểm tư duy nguyên hợp và vai trò hệ thống hóa biểu tượng tâm linh tôn giáo của biểu tượng Phật giáo như là một quy luật biểu tượng hóa. Sự phân tích tổng thể không chỉ giúp nhận diện dấu ấn biểu tượng Phật giáo trong văn hóa Bắc bộ Việt Nam theo bề rộng và chiều sâu, mà còn được kết lại ở một điểm nhấn tạo nên nét đặc sắc về quá trình hội nhập văn hóa biểu tượng Phật giáo, đó là góp thêm một cách tiếp cận, lý giải về biểu tượng tính “tam giáo đồng nguyên” trong tâm thức người Việt. Điều này làm gia tăng thêm những nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa và giá trị của hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ./.
 

Tài liệu tham khảo
 
  1. Đại Việt sử ký toàn thư (2013), Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr.39.
  2. Trần Trọng Kim (2010), Phật lục, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.126.
  3. Thuận Phước (2011), Phong tục dân gian nghi lễ thờ Phật, Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr.20, 21.
  4. Thiền tông Việt Nam (2017), Tìm hiểu về: các tông phái thiền sử bắc truyền Phật giáo Việt Nam – Trung, Học viện Huế, tr.32, 67.
  5. Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng trong sinh hoạt văn hóa dân gian, Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr.37.
  6. Nguyễn Đăng Thục (1974), Phật giáo Việt Nam, Nxb. Mặt Đất, trang bìa.
  7. Phan Cẩm Thượng (1997), Điêu khắc cổ Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, tr.5.
  8. Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền, nhiều tác giả (2016), Giá trị văn học trong Kinh Phật, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.16.
  9. Lao Tử, Thịnh Lê (2001), Từ điển Nho - Phật - Đạo, Nxb. Văn học, Hà Nội, Lời giới thiệu bìa.
 
 
 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây