LUẬN VỀ TƯ DUY THÂN THỂ TRONG VĂN HÓA HAY VĂN HÓA THÂN THỂ VỚI TÍNH CẤP BÁCH CỦA HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG VĂN HÓA XÃ HỘI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Thứ hai - 03/01/2022 04:22

LUẬN VỀ TƯ DUY THÂN THỂ TRONG VĂN HÓA HAY VĂN HÓA THÂN THỂ VỚI TÍNH CẤP BÁCH CỦA HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG VĂN HÓA XÃ HỘI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Trong những ngày này, dư luận xã hội đang dậy sóng phẫn nộ trước vụ việc bé gái Nguyễn Thái Vân An mới có 8 tuổi đã bị "dì ghẻ" bạo hành tới chết; em bé 3 tuổi ở Thạch Thất bị ghim 9 cây đinh vào đầu... Bài viết này cung cấp một góc nhìn học thuật về văn hóa thân thể, dưới góc độ liên ngành, nhằm góp thêm tiếng nói chống lại nạn bạo hành thân thể, hướng đến một nhận thức chung về tính tổng thể của văn hóa. Qua đó, cho thấy rõ sự cần thiết của tri thức lý luận về lĩnh vực này đối với đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân và tiến bộ văn minh xã hội. Tác giả bài viết: Đỗ Thị Minh Thảo - Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Bài in trên tạp chí Dân tộc và thời đại (Hội dân tộc học và nhân học Việt Nam): “Mối quan hệ giữa văn hóa thân thể với văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong tính cấp bách của hiện thực đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đương đại” (2017), số 192 (tháng 1+2) Chuyên san miền Trung, tr. 12 - 21.- Bài tham luận tại Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu triết học ở Việt Nam hiện nay - Những vấn đề thực tiễn” - Khoa Triết học, tr. 68 – 86. Tháng 7/2016.
 
         
Tóm tắt   
      Từ những năm 2005 đến 2009, trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc Gia về
"Tư duy thẩm mỹ người Việt từ buổi sơ khai đến đầu thế kỷ X", QX 06-28, Cấp ĐHQG – 2005, nghiệm thu năm 2009, chúng tôi đã xây dựng một công trình dày dặn với những luận chứng cho bộ phận văn hóa thân thể đang bộc lộ đầy đủ các phương diện cấp bách của nó trong đời sống xã hội đương đại.
      Bộ phận văn hóa này đã khẳng định giá trị tất yếu, phổ quát trong các tư tưởng văn hóa loài người từ cổ đến kim, từ phương Đông đến phương Tây. Tính phổ quát của nó mặc dù khi đi vào một số ý thức hệ thì bị khuôn lại trong khuôn khổ hệ tư tưởng đó (ví dụ trong trào lưu triết học, mỹ học tư sản phương Tây hiện đại...), tuy nhiên, đã là giá trị tất yếu và phổ quát thì mọi khuôn khổ đều trở thành hữu hạn.

      Về ý nghĩa, bài viết đồng tình và khẳng định rằng quan niệm đa số hiện nay là quan niệm rộng về văn hóa. Coi văn hóa là một tổng thể phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản xuất, sáng tạo, xuất phát từ chính nhu cầu sinh hoạt của giống loài, nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống, đòi hỏi của sự sinh tồn, và tương ứng với nó là trình độ phát triển của con người. Con người theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác không chỉ là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, còn đồng thời chính là sản phẩm của mọi tiến trình văn hóa, là con người văn hóa. Con người không chỉ sáng tạo ra văn hóa, mà còn dự phần mình vào văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, và nghệ thuật. Việc phân loại sau đó mới phân ra trạng thái của di sản văn hóa: Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Còn trong tính hiện thực phổ quát, rộng lớn của đời sống tổng thể văn hóa sẽ bao gồm cả ba dạng thức: văn hóa vật chất - văn hóa tinh thần - văn hóa thân thể (thân phận con người-bản thể của con người-đời sống sinh tồn-đặc tính tồn tại người-phong cách cá nhân).
     Cần phân biệt rõ ràng phương pháp nhận thức đặc thù của mọi triết học, kể cả triết học tôn giáo, ở cấp độ cao của siêu hình học xem xét bản thể khởi nguyên tồn tại là vật chất hay ý thức, giải quyết mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, trên cơ sở này nền văn hóa duy lý sẽ được phân ra thành văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Trên thực tế, cấp độ trung giới của văn hóa là thuộc về thế giới của giá trị và biểu tượng nên thuộc về nhóm tư duy tổng thể, trong đó tất yếu có nhóm văn hóa hình thân.
Từ khóa: Văn hóa, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa thân thể, văn hóa là có tính cơ thể, giá trị và biểu tượng, biểu tượng luân lý.

 Mở đầu

       Ngày nay, các học thuyết triết học, chính trị, khoa học nặng về sự chú trọng phát triển lý tính, kỹ trị. Nhận thức của con người hướng chủ yếu tới hai mặt của đời sống văn hóa vật chất và tinh thần, do đó tồn tại góc khuất tối về văn hóa thân thể. Nhiều quan niệm triết học thời cổ đại như quan niệm của Plato (427 – 347 trước CN) coi thân thể con người chỉ là linh hồn và thể xác, đã ảnh hưởng lâu dài tới các quan niệm xã hội về con người, và về bản chất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Các nhận thức về thân thể con người là tảng băng chìm, trôi nổi vô định trong lòng đời sống tinh thần xã hội.
     Từ góc độ văn hóa văn nghệ, nghệ thuật tôn giáo, thân thể của con người là một cơ chế tổng thể của sự hài hòa tỷ lệ, trên thực tế nó đã làm nên những cơ sở cho thước đo tỷ lệ của cái đẹp. Nhờ vậy, các biểu tượng cái đẹp của văn hóa không chỉ được nhìn nhận ở góc độ tinh thần mà còn được chiêm ngưỡng ở góc độ tạo hình bởi thước đo của chính thân thể con ng­ười, và luôn đồng hành cùng với tiến bộ của xã hội.

1. Mối quan hệ giữa ba hình thái của văn hóa và đặc tính “cơ thể” của mọi nền văn hóa
1.1. Mối quan hệ giữa ba hình thái của văn hóa trong nội hàm khái niệm văn hóa
    Các triết gia, các nhà văn hóa lớn từ K. Marx, Hồ Chí Minh đến Đào Duy Anh đều định nghĩa văn hóa rất rộng, với nền tảng là đời sống sinh hoạt văn hóa của con người. Nhấn mạnh đến tính tổng thể của đời sống sinh hoạt văn hóa của con người xã hội và cá nhân, nhấn mạnh đến tính chủ thể của sáng tạo văn hóa, tức là “Con người văn hóa”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có một nền văn hóa mới (của chủ nghĩa xã hội) cần có những con người mới xã hội chủ nghĩa. Không có con người với tư cách con người văn hóa, chủ thể có văn hóa, sao có thể có được cái gọi là văn hóa vật chất và tinh thần: “Hồ Chí Minh coi văn hóa và văn minh vừa giống nhau, vừa khác nhau. Văn hóa là trình độ người của các quan hệ xã hội, còn văn minh là trình độ cơ cấu kỹ thuật của xã hội… Do đó, có nền văn hóa chưa đạt tới các trình độ văn minh và ngược lại, nhiều nền văn minh phản lại văn hóa”[1].
     “Văn hóa là các lĩnh vực của các giá trị nhân văn, là sản phẩm của trình độ phát triển của con người. Ở phương Đông và phương Tây có những tư tưởng khác nhau về bản chất của văn hóa, về quan niệm nhân văn. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh (về văn hóa), các vấn đề văn hóa của con người được trở thành mối quan tâm thường xuyên”[2].
     Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá là theo nghĩa rộng như sau: “Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[3].
     Khái niệm cơ bản về văn hóa trong cuốn Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định rõ ràng:
       “Văn hóa là một thuật ngữ đa nghĩa, thường được xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau… Văn hóa là hoạt động nhằm phát huy các năng lực bẩm sinh và bản chất của con người, là hoạt động mang tính sáng tạo vươn tới cái Chân, cái Thiện và cái Mỹ. Từ hoạt động đó nhân loại tạo ra các giá trị, các chuẩn mực. Những giá trị và chuẩn mực đó sẽ tạo nên một môi trường thứ hai, một sinh thái nhân văn, tức cái nôi nuôi dưỡng sự hình thành nhân cách con người” (tr. 89).
      Thuật ngữ văn hóa (Culture) có gốc từ chữ Latinh Cultus có nghĩa là: Canh tác, gieo trồng. Xét theo ý nghĩa ban đầu là đời sống sinh hoạt văn hóa của con người như: Trồng trọt, giáo dục, phong tục, nghệ thuật, tôn giáo… Vậy văn hóa, cũng là văn hóa nghệ thuật trước hết là phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa, hành động, lao động, sinh hoạt lễ nghi tôn giáo, đời sống nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật đời sống bao gồm cả nghệ thuật sản  xuất và nghệ thuật không sản xuất (K. Marx). Tức là đời sống và các mặt hoạt động đời sống của con người xét trên các phương diện vật chất, và tinh thần xã hội. Belinskij - nhà mỹ học dân chủ - cách mạng Nga thế kỷ XIX từng đưa ra định nghĩa: “Cái đẹp là cuộc sống”. Cuộc sống vốn là một dạng thức chỉnh thể, tổng thể muôn mặt các hoạt động sống của con người xã hội. Bàn về bản thể của con người, K. Marx và F. Engels cũng đã nêu rõ trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” rằng: “Ý thức không bao giờ lại có thể là cái gì khác hơn là bản thể có ý thức cả (das bewusste Sein), mà bản thể của con người lại là quá trình sinh hoạt thực tế của họ”[4].
      Quan niệm của GS. Đào Duy Anh về văn hóa là sinh hoạt[5] đã bao trùm toàn bộ các hoạt động sinh sống, đời sống của con người. Khái niệm này rất nên được hiểu về phía tính tổng thể của đời sống, tính động của phong tục, lễ nghi, tính sản xuất của các ngành nghề công nghiệp văn hóa. Về phía các nghiên cứu nghệ thuật, người ta thường xem xét hệ hình đời sống là cội nguồn, là cơ sở của mọi văn nghệ. Đặt hệ hình đời sống như là một hệ hình quy chiếu có tính tổng thể thực tiễn đối với bản chất sáng tạo của nghệ thuật. Đời sống bao gồm các hình thái quan hệ, chứ không phải quan hệ đẻ ra hệ hình đời sống đã từ lâu được xem là có tính quyết định luận trong nhận thức lĩnh vực văn hóa văn nghệ, tôn giáo. Nghệ thuật có hình thái cổ xưa nhất và hình thái thế tục của nó là hình thái nghệ thuật đời sống. Nghệ thuật phản ánh, mô phỏng đời sống sinh hoạt.
      Văn hóa lâu nay xuất phát điểm đều được giải thích bằng dạng tĩnh của văn hóa (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể), và đây là sản phẩm của tư duy lý tính, là sự phân loại văn hóa ở các dạng phái sinh từ văn hóa đời sống. Vì vậy, chúng được xếp vào loại hình di sản văn hóa. Cần phân biệt rõ ràng giữa phương pháp nhận thức đặc thù của triết học (cấp độ cao của siêu hình học xem xét bản thể tồn tại vật chất hay tinh thần) với cấp độ trung giới của văn hóa thuộc về thế giới của giá trị và biểu tượng nên thuộc về nhóm tư duy tổng thể trong đó tất yếu có hình thân.
      Văn hóa khởi đầu là đời sống sinh hoạt văn hóa, hành động, hành trạng, tồn tại của con người. Sự phát triển ngữ nghĩa về sau đã mở rộng nội hàm về đời sống tinh thần, nuôi dưỡng tinh thần, và bồi đắp tâm hồn cho con người.
     Thuật ngữ văn hoá trong văn hoá phương Đông có nghĩa là cải biến, biến đổi, bồi đắp theo tiêu chuẩn của giá trị đẹp. Khổng Tử (551 trước CN – 479 trước CN) đã dùng thuật ngữ "văn" để chỉ những giá trị đẹp bao gồm cả cái tốt và cái đúng trong cuộc sống, biểu hiện trong lễ, nhạc, cách cai trị, trong giao tiếp, ngôn ngữ, ứng xử. "Hoá" có nghĩa là biến đổi.
      Quan niệm về văn hoá của xã hội phương Đông truyền thống là: “Văn trị giáo hoá”. Đây là tư tưởng căn bản của đường lối trị nước thời kỳ phong kiến: dùng văn để giáo hoá. Nội dung ấy được thể hiện ở những nước như Trung Quốc, Việt Nam. Những giá trị nhân, nghĩa, hiếu đễ được đề cao. Thế ứng xử vua tôi, cha con, vợ chồng được nâng lên thành Đạo. Như vậy, khái niệm văn hóa ở cả Đông và Tây, khởi thủy đều là một dạng thức tính động của “Đời sống sinh hoạt văn hóa” (tất yếu đã bao trùm cả phạm vi Hình Thân, Nhân Hình của con người trong văn hóa và quan trọng là bộ phận làm nên thước đo, chuẩn mực của con người trong văn hóa) và “giáo hóa, biến đổi” (Lấy Phật trị tâm, lấy Đạo trị Thân, lấy Nho trị đời; hoặc lấy Phật tu Tâm, lấy Nho giáo Nhân, lấy Đạo dưỡng Thân, là như vậy). Ba hình thái của văn hóa bao gồm: Văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa thân thể, bộc lộ trước hết ngay trong các khái niệm văn hóa. Khái niệm văn hóa cần được hiểu từ gốc và các ngữ nghĩa mở rộng của nó. Không thể hiểu lộn ngược theo kiểu văn hóa là những gì do con người sáng tạo ra gồm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Vì góc độ đời sống sinh hoạt văn hóa có tính tổng thể của con người sẽ bị nằm ngoài khái niệm văn hóa.
      Khái niệm văn hóa cần được khẳng định tổng thể là: 1.Vị trí của con người trong văn hóa đời sống tức là bản thân các hoạt động đời sống sinh hoạt văn hóa của con người (bao gồm cả sinh hoạt vật chất, sinh hoạt thân thể và sinh hoạt tinh thần), được soi xét từ vị trí bản thể của con người (tồn tại người, thân thể tồn tại) là phản ánh chính quá trình sinh hoạt thực tế của họ; 2. Các hình thái văn hóa cụ thể do con người sáng tạo.
     Quan niệm coi văn hóa là một tổng thể phức hợp thành tựu cơ bản của con người, và trình độ người trong phát triển đã khẳng định được những giá trị phổ quát và sinh động của văn hóa. Với cách tiếp cận văn hoá như vậy, văn hoá được xem là một tổng thể của cái đa dạng.
    Nếu con người là thước đo của vạn vật thì văn hóa là thước đo nhân tính của thế giới. Sự gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên và xã hội bền lâu và hữu tình cũng nhờ vào sự phát triển văn hóa [6].

1.2. Hiểu thế nào về các khái niệm tư duy thân thể, văn hóa thân thể trong mối quan hệ với văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể
- Tư duy thân thể [7] thuộc nhóm tư duy biểu đạt tổng thể. Ngôn ngữ phổ biến là biểu đạt hình thân (ví dụ như nghệ thuật múa, “body art” – nghệ thuật hình thể). Có nguồn gốc ban đầu bắt nguồn từ các hành vi của ngôn ngữ hình thể, và phần nào là từ ngôn ngữ cử chỉ chỉ dẫn khi nó gắn với các biểu cảm của thân thể.
     Tư duy thân thể lấy thân thể của con người làm cơ thể (vỏ vật chất) của sự suy tư sâu trong kinh nghiệm của tri giác thẩm mỹ, của tư duy thẩm mỹ [8], trực giác về chiều sâu của bản chất chồng thể và ẩn thể của các hình thái của đời sống tinh thần, luân lý, hành vi và nhân cách của con người, hòa chung với sự nhận thức về thế giới đối tượng.
    Nếu như trong nghệ thuật múa, thân thể tạo nên chất liệu của sự chuyển động, của tạo hình hình tượng và sự xúc cảm trên nền âm nhạc thì trong thi ca, thân thể có thể tồn tại tự thân là một hình tượng nghệ thuật như trong bài thơ “Vô đề” (I) thể ngũ ngôn tứ tuyệt của Hồ Chí Minh:
 
    Thân thể ở trong lao
     Tinh thần ở ngoài lao
          Muốn nên sự nghiệp lớn
          Tinh thần càng phải cao.
           (Thân thể tại ngục trung
           Tinh thần tại ngục ngoại
           Dục thành đại sự nghiệp
           Tinh thần cánh yếu đại.)
                                                                     (Nhật kí trong tù – Ngục trung nhật kí)
      Văn hóa thân thể là hình thái văn hóa mang đặc trưng tính cơ thể và tính tổng thể. Thường được xếp vào nhóm văn hóa thẩm mỹ. Văn hóa thân thể gắn với tư duy tổng thể, ngôn ngữ biểu hiện tổng thể. Vì vậy, khái niệm văn hóa thân thể cần đặt trong phạm vi thuật ngữ đời sống sinh hoạt văn hóa thì nó mới bộc lộ rõ được hình thái của nó trong văn hóa. Còn nếu xếp nó vào hoặc là văn hóa vật chất, hoặc là văn hóa tinh thần đều sẽ làm mất đi điểm đặc thù là tính “tổng thể đời sống” của dạng văn hóa này.
       Có thể thấy các lý thuyết sáng tạo về văn nghệ đều cho rằng cội nguồn của nghệ thuật ban đầu gắn liền mô phỏng hành động, sinh hoạt đời sống của con người và ngôn ngữ. Khái niệm văn nghệ và văn hóa thân thể là không đồng nhất, tuy nhiên văn nghệ luôn bảo trợ và vì nó là nơi nuôi dưỡng cái đẹp nên là cứu cánh của thân thể con người. Trong văn nghệ, thân thể con người luôn được nhận diện từ góc độ thân phận, số phận con người. Nghệ thuật gắn với tư duy tổng thể, ngôn ngữ biểu hiện tổng thể, thuộc nhóm tri thức tổng thể, sử dụng nhóm các phương pháp “tổng thể luận”, nhằm định giá những giá trị tổng thể.
      Nếu cẩn trọng mà xem xét thì các khái niệm cổ đại về con người, và về đạo đức đều là các nhận thức kép [9] với cấu trúc cơ thể người (hay còn được gọi là đặc trưng nhận thức, phản ánh nguyên hợp). Luân lý thì hướng con trỏ tới sinh hoạt phong tục đời sống. Chỉ với các phạm trù sau cổ đại và bị I. Kant phê phán mới không còn chút bóng dáng thân thể người. Điều này có nghĩa là trong quan niệm Ý niệm đẹp của Plato vẫn có tính cảnh (hình ảnh) và tính nhân hình (hình thể của con người đã được nhân hình hóa, phóng tác vào vũ trụ quan).
      Như vậy, quan niệm nói chung của triết học và một số tôn giáo về con người là hạn hẹp khi quy chiếu con người chỉ về hai phạm vi vật chất và tinh thần. Thân thể con người cần một phép quy chiếu tổng thể: Đó là cơ thể sống động và được tổ chức tốt như trong quan niệm vũ trụ luận thời cổ đại; đó là góc quy chiếu của chủ thể sáng tạo, tư duy tại thể thân; đó là hệ thống các sức mạnh của con người về ngôn ngữ biểu hiện thân thể trong nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật kịch hình thể (dựa trên ngôn ngữ hình thể body language), nghệ thuật múa truyền thống và đương đại; đó là tâm hồn, cảm xúc, sự đồng cảm, đồng thân; đó là biểu trưng, là thước đo của con người ra thế giới khách quan, cho thế giới khách quan vay mượn hóa thân bằng thân thể người để hiện thân vào trong thế giới có thể cảm nhận được của con người, các vị thần mang hình dạng con người v.v…
      Đã có nhiều lý thuyết của một số nhà triết học, các nhà mỹ học và văn nghệ sĩ được đưa ra để nỗ lực khẳng định về bản chất nhận thức của văn nghệ là một cơ cấu phức hợp, một nhận thức kép. Khi nhận thức về cái khách quan, nghệ thuật luôn nhận thức nó thông qua thước đo cơ thể con người, từ đó để lại dấu ấn hình thân của con người, tức là hình ảnh biểu trưng về con người trong các tác phẩm nghệ thuật có sức mạnh cảm hóa cả thần linh (vì thần linh cũng mang hình dạng con người), trong mọi sản phẩm văn hóa.
     Văn hóa thân thể, như trên đã nói, tồn tại trong lịch sử của nghệ thuật tạo hình. Phổ biến hơn tồn tại trong mọi loại hình văn chương nghệ thuật, nghệ thuật hình thể; trong đặc trưng tính cơ thể biểu hiện của văn hóa, trong văn hóa ứng xử; trong hội họa với mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, trong quan niệm trung đạo của văn hóa Phật giáo Việt Nam; trong các lý thuyết bản thể của con người từ kinh Veda, quan niệm bản thể của con người của I. Kant, các khái niệm bản thể người của K. Marx và các quan niệm tồn tại người của nhiều trào lưu triết học, mỹ học, nghệ thuật học tư sản phương Tây hiện đại.
      Trong tác phẩm “Vật tổ và cấm kỵ”, S. Freud đã nhiều lần lặp đi lặp lại lập luận của mình về nguồn gốc cơ thể của con người trong văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, mà ở đó, vô thức tính dục mới có thể được biểu hiện ra. Ông cho rằng chính là trong sự ngược đãi (Misshandlung) về thân thể trước lễ đăng quang. Theo đó thì ưu thế của các phần bản năng tính dục chống lại phần có tính xã hội chính là xung lực đặc trưng cho chứng tâm thần. Các bản năng xã hội tự hình thành thông qua sự gặp gỡ của các thành tố vị kỉ và tính dục mà biến thành những đơn vị đặc biệt.
      Còn theo V.V. Xocolop, đặc trưng quan trọng nhất của hình ảnh thần thoại là sự kết hợp trong đó cái động vật học với cái hình thái nhân học. Trong đó, hai thế lực phân đôi phản ánh chủ - khách thể luôn đối lập nhau và đều đóng vai trò quyết định trong “phương pháp luận” tiền triết học, đồng thời mang nguồn gốc cơ thể. Văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo và cái đẹp với các đặc trưng tính “cơ thể biểu hiện”, “Văn hóa là có tính cơ thể” (Theo V.V. Xocolop). A. Losev thì cho rằng tiến trình tạo hình thân thể là đồng hành và hoàn toàn tương thích với tiến trình của “độc thần giáo”.
       Văn hóa được xem là văn hóa thẩm mỹ khi văn hóa đó có khả năng phóng tác sinh hoạt tâm thức, sinh hoạt thân thể con người trở thành sinh hoạt vũ trụ. Hay nói cách khác thì sinh hoạt vũ trụ đã được phản ánh đồng dạng với sinh hoạt đời sống của xã hội con người vì vậy mà được nhân cách hóa. Văn hóa được xem là văn hóa thẩm mỹ khi văn hóa đó có đặc trưng là tính cơ thể, thân thể con người trong biểu hiện. Nói như vậy có nghĩa là Con Người (trong đó có cả những đặc tính cơ thể của nó) chính là thước đo giá trị trong thế giới của văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
       Thân thể của con người, nằm trong thời gian và không gian quy chiếu của triết lý về đời sống, về kinh nghiệm thẩm mỹ, luôn luôn ở trạng thái hoạt động và phóng chiếu các chiều kích của nó thâm nhập tư tưởng, tinh thần, tâm hồn, tình cảm của con người vào thế giới đối tượng. Chính vì vậy chúng ta nhận thức được về thế giới đối tượng như một thực tại sống động có chiều sâu, không phải chỉ là một hình ảnh bề mặt. Đây là một minh chứng tuyệt vời cho thấy: “Mọi tư duy văn hóa đều có tính cơ thể của nó”.
       Mọi nghệ thuật là người anh cả đầu đàn trong lĩnh vực nhân học. Mỗi loại hình nghệ thuật đều được coi là một “khoa” nhân học. Nhìn tổng thể sẽ bao gồm tất cả các tính chất sau của “nhân học”: 1) Nhân bản; 2) Nhân văn (nét đẹp của con người) trong mối quan hệ với Thiên văn (nét đẹp của trời); 3) Nhân đạo (đạo lý); 4) Nhân thế (Thế giới, nhân tình thế thái); 5. Nhân thể; 6) Nhân hình; 7) Nhân đức (đạo đức, nét đẹp); 8) Nhân tình (tình yêu, tình cảm, đồng cảm).
       Riêng nhân thểnhân hình trong toàn bộ bước tiến của lịch sử tư tưởng nhân loại đã được chú ý đến ở các phương diện sau:
  • Thân thể [10]: Tồn tại trong quan niệm về lăng kính tri giác thân thể của Quách Hy và M. Ponty. Từ khóa trong quan niệm hội họa thủy mặc của Quách Hy: “Thân thể như từ núi sông mà ra”. Thân thể tức thân người, thân của vật và thân thể của sông núi, có tính liên hệ với tượng trời: “Đạo bao gồm các hình tượng, đạo bao gồm vạn vật” (Lão Tử).
  • Cơ thể: Văn hóa nào cũng có tính cơ thể. Tỷ lệ cơ thể người là thước đo con người trong văn hóa: “Người là thước đo của muôn loài” (Protagoras).
  • Tại thể: Con người là mô thức chủ thể tại thể (thể thân). Trong quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh với văn nghệ thì con người là một nhân vị, cô đơn tại thể.
  • Hình thể: Gồm hình thức, hình dáng, hình dạng. Có thể loại nghệ thuật hình thể (Body Art), kịch hình thể.
           Có thể nói, mảng tri thức về thân thể cũng là một dạng thể tri thức về bản thể của con người và sau này luôn được thể hiện ẩn trong tôn giáo. Và nằm chủ yếu trong tư tưởng văn hóa nghệ thuật, và nghệ thuật tôn giáo. Triết học có bàn đến thân thể, xong thường là đồng nhất với thể xác và như vậy xếp thân thể với phạm vi vật chất, vật thể. Tuy nhiên, trong các lý thuyết sáng tạo nghệ thuật, thân thể gắn liền vận động, ngôn ngữ, xúc cảm, tình cảm, và trí tuệ của con người cụ thể.
           Bàn về tác dụng của lao động đối với quá trình chuyển hóa, đào luyện thân thể con người từ đôi bàn tay sáng tạo ra văn hóa, trí óc, ngôn ngữ; bàn về tính cảm giác chủ quan và lịch sử hình thành của các giác quan của con người, K.Marx lập luận: “Chỉ có thông qua sự phong phú, đã được phát triển về mặt vật chất, của bản chất con người, thì sự phong phú về tính cảm giác chủ quan của con người mới phát triển và một phần thậm chí lần đầu tiên mới được sản sinh ra: Lỗ tai thính âm nhạc, con mắt cảm thấy cái đẹp của hình thức, nói tóm lại là những cảm giác có khả năng về sự hưởng thụ có tính chất người và sự khẳng định mình như những lực lượng bản chất của con người”[11]. Theo đó, thân thể con người là một tổng thể các giá trị trí tuệ, lý trí, ý chí, tình cảm, đức hạnh, phong cách, tâm lý như là một sản phẩm văn hóa từ quá trình lao động tương tác xã hội lâu dài.
      F. Engels cũng nhấn mạnh: “Bàn tay không những là khí quan dùng để lao động, mà còn là sản phẩm của lao động nữa. Chỉ nhờ có lao động… Bàn tay con người mới đạt được trình độ hoàn thiện rất cao đó, khiến nó có thể, như một sức mạnh thần kỳ, sáng tạo ra các bức tranh của Raffaello (Raphaen), những pho tượng của Tovanxen và các điệu nhạc của N. Paganini”[12]. Theo quan điểm lao động của chủ nghĩa duy vật về lịch sử, các giác quan và khí quan dùng để lao động của con người; tính tổng thể, tổng hòa các mối quan hệ của bản chất xã hội của con người đều là sản phẩm của lao động. Vì vậy, thước đo cơ thể/thân thể con người cũng chính là thước đo giá trị lao động của con người trong thế giới đối tượng.
- Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể
     Hai hình thái vật thể và phi vật thể là hai hình thái văn hóa tồn tại, và cũng là hai hình thái của di sản văn hóa chứ không phải của toàn bộ văn hóa nói chung. 
     
Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
     Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác…
     Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu thì văn hóa đó không chỉ là máy móc, nhà cửa, tác phẩm nghệ thuật, tri thức khoa học, mà còn là những phẩm chất của bản thân con người đã đạt tới trình độ phát triển tinh thần nhất định, có được những kỹ năng, kỹ xảo, tri thức cần thiết cho hoạt động sáng tạo của nó. Người Nhật xem tài năng nghệ nhân dân gian như “kho báu sống”. Ông Hafte Ba – người dân tộc Burkina Faso (Châu Phi) quan niệm rằng khi một cụ già ở châu Phi mất đi, điều đó cũng có nghĩa là một thư viện cổ vừa bốc cháy.
      Trong tranh luận về phong tặng danh hiệu văn hóa ở Việt Nam vào năm 2011, TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH - TT&DL), đã gọi nghệ nhân là linh hồn của di sản. Linh hồn của di sản chứ không phải là bản thân di sản. Tuy nhiên, không thể đánh đồng con người văn hóa với các hình thái di sản văn hóa, hay chỉ với linh hồn. Linh hồn cần có cơ thể, thân thể tồn tại ngay trong những hình thức và môi trường diễn xướng sống động (alive), và hành động (action) của chính nó. Đó là bản chất và ý nghĩa chân chính của văn hóa sinh hoạt (đời sống), không phải chỉ dưới các hình thức phái sinh là di sản văn hóa. Nhiều nghệ nhân khi khuất núi vẫn chưa được vinh danh danh hiệu văn hóa. Thân thể là biểu trưng của thước đo con người được nghệ sĩ gửi vào các dạng thức văn hóa di sản, tạo nên cơ thể biểu hiện mang đặc trưng con người trong các dạng thức văn hóa đó. Nhiều người ví Sử thi Tây Nguyên đã trải qua một cuộc cháy rừng, có 813 tác phẩm, với 2/3 số tài sản đã mất đi. Nếu một nghệ nhân mất đi, cần một người kế tục diễn xướng. Nếu không tài sản này cũng sẽ mất đi theo nghệ nhân, vì lý do con người văn hóa cũng đồng thời là con người sáng tạo văn hóa.

 
1.3. Điểm qua các lý thuyết và quan niệm về văn hóa nghệ thuật có nhấn mạnh đến các thước đo cơ thể con người trong văn hóa
    Mặc dù các hệ tư tưởng là khác nhau trong việc lý giải về đối tượng, song việc khai thác về cùng một đối tượng sẽ giúp cho việc nhận diện tính phổ biến của đối tượng. Vì vậy, điều này không thể là căn cứ để dung hòa các hệ tư tưởng khác nhau.
   Chúng ta biết về Vitruvius là kiến trúc sư, nhà lý luận kiến trúc La Mã, thuộc triều đại Augusta thế kỷ I trước CN. Trong tác phẩm lý luận cổ xưa nhất về “Kiến trúc toàn thư” được dịch trong cuốn “Mười cuốn sách về kiến trúc”, ông đã trình bày một quan niệm về thước đo cơ thể con người - tỷ lệ vàng trong nghệ thuật kiến trúc:
    “Chương 1. Sự cân đối ở đền thờ và ở cơ thể con người
    Thiết kế đền thờ phụ thuộc vào sự cân đối (symmetria - sự cân đối, đối xứng - ND) mà các nguyên tắc của nó phải được kiến trúc sư hết sức tôn trọng. Đó là nhờ có tỷ lệ (proportion - tỷ lệ, sự cân đối, sự cân xứng - ND), tiếng Hy Lạp là analogia. Tỷ lệ là sự phù hợp về số đo của các phần trong một tổng thể và của cái toàn thể đối với một bộ phận nào đó được lựa chọn như một tiêu chuẩn…
    Bởi vậy, vì tạo hóa đã sinh thành cơ thể con người nên các bộ phận của nó đều tỷ lệ đúng với cái khung ấy như một cái toàn thể, có vẻ như người xưa đã có những lí do tốt cho những quy tắc của họ, hình như các bộ phận khác nhau trong những tòa nhà hoàn hảo phải có sự tương quan chính xác về sự cân đối đối với cái toàn thể chung” [13].
      Nhà vẽ tranh sơn thủy và mỹ học hội họa nổi tiếng đời Tống - Quách Hi từng biên soạn các tư tưởng mỹ học của mình trong cuốn “Lâm tuyền cao sơn chí” (Hứng thú cao thượng về sông núi). Trong tác phẩm này, ông trình bày quan niệm về nghệ thuật hội họa, mức độ hóa thân của thân thể con người tham dự vào với cảnh vật mà người nghệ sĩ muốn miêu tả, điều này quyết định thần thái và hình thái của tác phẩm. Triết lí thân thể được ông quan niệm như là lý thuyết chiều sâu trong liên hệ với không gian nghệ thuật. Quan niệm thân thể tham dự vào hoạt động sáng tác nghệ thuật, coi thân thể như từ núi sông mà ra:
     “Người học vẽ hoa để một bông hoa trong động sâu, từ trên nhìn xuống bông hoa có thể được nhìn thấy hình dáng bốn bên của nó. Người học vẽ trúc, cầm một nhánh trúc, trong đêm có ánh trăng để cho ánh trăng chiếu vào nhánh trúc và phản chiếu bóng lên một bức tường trắng, khi ấy hình dáng chân thực của nhánh trúc sẽ hiện ra. Người học vẽ sống núi, lại có gì khác hơn so với các khoa vẽ trên? Do người vẽ dùng thân thể của mình để tiến nhập vào trong sống núi, sau đó tìm cảnh vẽ, nên cái hàm chứa trong sông núi sẽ có thể nhìn thấy được” (Lâm tuyền cao sơn chí. Sơn Thủy Huấn).
     Ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại, văn hóa nói chung, và văn học, triết học nói riêng, đều có những tiến bộ. Xã hội quan tâm đến hình ảnh mẫu mực của con người lý tưởng. Các khái niệm như cá nhân, phẩm hạnh, lòng dũng cảm, vũ trụ (kalos)… đều gắn với một thước đo cơ thể người cổ đại, ví dụ như:
Ví dụ 1:  “Thuật ngữ soma ở người Hy Lạp vừa có nghĩa là cá nhân vừa có nghĩa là một cơ thể sống động và được tổ chức tốt” (theo A.Ph. Losev).
Ví dụ 2: Từ phẩm hạnh, tiếng Anh là virtue. Bắt nguồn từ tiếng Latinh là virtus có nghĩa là khỏe mạnh (to be strong).
Ví dụ 3: Khái niệm lòng dũng cảm, từ “Andreia  chỉ lòng dũng cảm và sự táo bạo, bắt nguồn từ “aner” có nghĩa là giống đực cường tráng và cũng có nghĩa là phẩm hạnh.
     Như vậy, rõ ràng “văn hóa là có tính cơ thể” trong mọi sự biểu hiện ra của nó, dù là văn hóa vật thể hay văn hóa phi vật thể. Uông Chính Chương trong tác phẩm “Mỹ học kiến trúc cho rằng kiến trúc là nghệ thuật của đẹp. Ông đưa ra: Thuyết hoàn thiện của vẻ đẹp kiến trúc. Thuyết này có nguồn gốc từ thuyết Nhân thể mỹ (cái đẹp của cơ thể người) thời kỳ Hy Lạp cổ đại, sau đó ảnh hưởng mạnh mẽ trong chủ nghĩa nhân văn thời kỳ Phục Hưng, và tiếp tục ảnh hưởng tới kiến trúc thời kỳ cận đại và hiện đại. Thuyết này chủ trương so sánh kiến trúc với vẻ đẹp và tỷ lệ của cơ thể con người, coi đó là một thước đo hoàn hảo cho kiến trúc:
    “Con người là một cơ thể hoàn thiện hài hòa và đẹp gồm đầu, thân mình và tứ chi. Kiến trúc cũng phải đủ kết cấu gồm mái, tường, cột và nền nhà đẹp. Palladio một kiến trúc sư nổi tiếng khác của thời kỳ văn nghệ Phục Hưng cũng chỉ rõ: “Vẻ đẹp của kiến trúc chủ yếu ở chỗ “hoàn chỉnh”, ở sự hài hòa giữa bộ phận và tổng thể, kiến trúc vì vậy cũng giống như một cơ thể đầy đủ, hoàn chỉnh. Sail kiến trúc sư người Pháp giàu tinh thần canh tân trước khi “phá lề thói cũ và đổi mới” cũng cho rằng: “Một công trình kiến trúc chỉ đẹp khi đáp ứng được yêu cầu dưới đây: Bất luận đứng quan sát ở góc độ nào, công trình vẫn là một thể hoàn chỉnh, đầy đủ, giống như một khối điêu khắc vậy!”[14].
     Nhiều nhà triết học Mác-xít, triết học hiện sinh, học phái hiện tượng học, nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong quá khứ và hiện đại cũng đã xây dựng những lý thuyết, những quan niệm nhằm bảo vệ cho văn hóa thân thể của con người. Điển hình như Maurice Merleau Ponty (1908 - 1961), nhà triết học hiện sinh Pháp tiêu biểu thế kỷ XX, từng coi nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của tri giác luôn luôn gắn liền với thân thể. Không có tri giác bên ngoài thân thể con người. Trong tác phẩm “Hiện tượng học tri giác, ông cho rằng thân thể là phương tiện chung để chúng ta chiếm hữu thế giới. Bản chất của thân thể là một không gian biểu đạt. Tính không gian của thân thể là điều kiện để hình thành thế giới ý nghĩa của con người. Thân thể hoạt động của con người có vai trò quan trọng trong thế giới nhìn thấy được và nó là một bộ phận trong thế giới ấy.

 
2. Mối quan hệ giữa ba hình thái của văn hóa được thể hiện trong thủ pháp hóa thân để có được hình thân cụ thể trong văn hóa biểu tượng Phật giáo Việt Nam
      Đối với các hệ tư tưởng Nho - Phật - Lão thì tư tưởng cũng vẫn chỉ là tư tưởng, nhưng trong các tín ngưỡng thờ cúng, thì các hệ tư tưởng, tinh thần cần phải được hóa thân để có được hình thân mà tồn tại nơi nhãn quan. Sự hiện hình ở chính thủ pháp “hóa thân” vào hình dạng cơ thể người Việt. Không có hình thân thì mọi sự du nhập văn hóa tín ngưỡng từ bên ngoài vào đều trở thành hỗn tạp. Hình thân chủng Âu như biểu tượng chúa trời (chúa cha) trong tạo hình của Michelangelo, trên nóc vòm nhà thờ Xích-xtin thuộc mỹ thuật Phục Hưng Ý, có hình thể người Ý, bộ râu quai nón rậm, vóc người to lớn, mũi cao, mắt tròn, da trắng. Hình thân chủng Á, ở tỷ lệ của người Việt đều có các thước đo tạo hình tầm thước.
    “Hóa thân” là có khác với thủ pháp “nhân hình hóa”. Trong văn hóa phương Tây, thủ pháp “nhân hình hóa” (Anthropomorphisme - có nghĩa là hình dung thần thánh theo hình dạng con người), xuất hiện trong các quan niệm từ Ksenofanas (Xê-nô-phan) vào thời cổ đại, cho đến I. Kant thế kỷ XVIII, và rất phổ biến vào thế kỷ XX với những nghiên cứu của V.V. Xocolop và A. F. Losev.
     “Hóa thân” là sự biến thân, nhập thân với nhiều hình dạng khác với nguồn gốc hình thân ban đầu của các vị Phật, hay các vị Bồ Tát. Mọi sự hỗn dung văn hóa trong thờ tự tránh được các yếu tố hỗn tạp, tạp nham là nhờ thông qua bộ lọc của thủ pháp “hóa thân” về hình thân. Nhờ “bộ lọc” này, các nghệ sĩ điêu khắc mà chủ yếu là các nghệ nhân dân gian đã tác thành cho các biểu tượng Phật giáo một hình dạng, một sắc thái theo quan niệm tín ngưỡng về vẻ đẹp với các đường nét khuôn thước của người Việt như: Tai to, dái tai lớn, dầy hoặc được kéo dài ra. Khuôn mặt đầy đặn, có yếu tố vuông nhưng không bị quá vuông vức như khuôn mặt của các nhân vật nam trong các truyện cổ tích và truyền thuyết thông thường. Sống mũi và đầu mũi vừa phải, không nhọn, hơi bè. Mày cong, mắt ngài. Khuôn hình môi nhỏ, dày. Cổ ba ngấn (nữ). Đường nét tổng thể phúc hậu, hài hòa. Thân hình tượng Phật trong các ngôi chùa truyền thống thường có chiều cao với tỷ lệ vừa phải, không quá lớn. Hình dáng đứng ngồi, hình thân đều theo thước đo của cơ thể người Việt. Tượng được sơn son, thếp vàng theo quan niệm về tính cao quý, rực rỡ vàng son, sự thanh thoát ẩn trong vẻ huy hoàng, cao vời.
    Như vậy, “bộ lọc văn hóa” để cấu thành bản sắc văn hóa chính ở các bộ phận Hình thân Hình ngôn (tính biểu hiện, biểu cảm, cảm niệm qua hình dạng thân thể) rồi Bản (bản thể người), Ý (ý nghĩa, ý niệm, tư tưởng), Dụng (giá trị, công năng, công dụng).
    Nói cách khác thì sự hỗn dung trong văn hóa tư tưởng hay trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng là khó tránh, nhưng “bất dung thân”, hoàn toàn không xảy ra sự hỗn loạn về thể thân. Chính vì vậy mà nhiều hình tượng như hình tượng Quan Thế Âm (Avalokitesvara) là một trong bốn vị bồ tát của Phật giáo Bắc tông, nguyên thủy trong văn hóa Ấn Độ, ngài là một Phật có hình thân nam tính, khi du nhập vào các nước như Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản vẫn là hình thân nam tính, song có lúc lại biểu hiện với hình thân nữ, hoặc không rõ giới tính. Song quá trình du nhập đến Trung Quốc và Việt Nam đã “hóa thân” trong hình dạng nữ tính với danh xưng là Phật Bà với rất nhiều cách gọi tên khác nhau.
     Nhờ có bộ lọc hình thân mà văn hóa tín ngưỡng Việt Nam có tính hỗn dung mà không hỗn tạp. Văn hóa tín ngưỡng người Việt vẫn có sự thống nhất là nhờ các thước đo của cái đẹp trong diện mạo, hình dạng. Vẻ đẹp khuôn thước của hình thân người Việt là quy chuẩn trong tổng thể các biểu tượng hóa thân cũ và mới, bản địa và du nhập.
     Như vậy, khái niệm bản sắc văn hóa tộc người, rất gần gũi với khái niệm nhân thể
bản thể người. Trong quan niệm Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần, quan niệm về thân tâm cho thấy không thể vứt bỏ được hình dung nhân thể của tâm. Thường thân người chỉ được chỉ ra ở tính hữu hạn trong tạp cấu của thân xác, xác thịt của nhân hình. Như vậy, vấn đề bản sắc trong văn hóa tộc người thì gắn liền với vấn đề bản thể tồn tại của tộc người, và vì vậy có đặc tính cơ thể, thân thể của tộc người đó, gắn bó với quan niệm thân phận của một tộc người, vốn được phản ánh sâu sắc trong văn hóa nghệ thuật, tôn giáo.
    Thân thể là thành tố quan trọng của bản thể người, giải phóng con người ở mức độ cao cả và triệt để nhất chính là sự giải phóng thân thể con người khỏi các mối họa đầy đọa khổ ải. Tuy nhiên, các quan niệm văn hóa của hệ tư duy lý trị, kỹ trị chỉ có sự giải thoát con người chính trị, con người đẳng cấp... Ở những cấp độ đó, thân thể con người mới được giải phóng bộ phận.
    Trong các quan niệm văn hóa, cần xác lập vai trò và vị trí của văn hóa thân thể. Những công dụng của văn hóa thân thể trong lịch sử có thể kể đến: 1/ Thước đo cấu trúc, vẻ đẹp cơ thể con người để đo ra thế giới đối tượng; 2/ Các cơ sở hình ảnh, hình vẽ cấu tạo cơ thể người cho toàn bộ nền văn hóa, triết lý nghệ thuật; 3/ Lăng kính tri giác thân thể của lý luận sáng tạo nghệ thuật, thưởng ngoạn thẩm mỹ từ Quách Hy tới Kant tới M. Pounty; 4/ Cơ sở chủ thể tại thể của văn hóa triết luận phương Tây; 5/ Cặp phạm trù thân – tâm trong văn hóa Phật giáo Ấn Độ và quan niệm Phật tại tâm, tâm tại thể thân (Thân tâm) trong văn hóa Phật giáo Việt Nam đầy tinh thần sáng tạo, tự tại.
     Có thể thấy rõ điều này trong quan niệm Phật giáo Việt Nam: “Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít, không tách rời giữa bản thểthế giới hiện tượng. Về điểm này, Thiền sư Đạo Huệ (thế hệ thứ 9) Thiền phái Vô Ngôn Thông từng quan niệm:
                      Sắc thân dữ diệu thể
                      Bất hợp bất phân ly
                                 Nhược nhân yếu phân biệt
                         Lô trung hoa nhất chi
                    Dịch là:
                       Sắc thân và diệu thể
                             Chẳng hợp chẳng lìa xa
                         Kẻ nào toan tách biệt
                           Lò lửa, một cành hoa.
      Như vậy, ở đây bản thể (Diệu thể) và thế giới hiện tượng (sắc thân) liên hệ mật thiết khăng khít với nhau, không tách rời nhau. Chúng không hợp nhất làm một, nhưng cũng không (bất) phân ly làm hai, chúng không là một, không là hai… Nếu ai có ý đồ, toan tính muốn phân biệt thì điều đó cũng vô lý như cành hoa trong lò lửa đỏ" [15].
     Hình thái văn hóa thân thể, hay đặc trưng tính cơ thể trong văn hóa đã được quy chuẩn là thước đo và tỷ lệ vàng của con người, của biểu trưng cho con người trong văn hóa Đông - Tây, kim cổ.

3. Bàn về lợi ích của sự phát triển hài hòa mối quan hệ giữa ba hình thái của văn hóa trong tổng thể đời sống văn hóa - xã hội của con người đương đại
    Những vấn đề mà một xã hội ít chú trọng đến sự phát triển hài hòa văn hóa thân thể bên cạnh các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, có thể gặp phải đó là:
    Nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa, nghệ thuật, quy tính chất phong phú hình thái học và tính tổng thể của văn hóa nghệ thuật chỉ về hai dạng thức tồn tại là vật chất và tinh thần. Một quan niệm như vậy sẽ khiến cho văn hóa văn nghệ ít có được những đỉnh cao của các giá trị nhân văn của con người dưới góc độ đầy nhân tính của nó đó là hình thân của con người. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng than thở khiến lay động bao phận đời nữ nhi:           
 
         Thân em vừa trắng lại vừa tròn
               Bảy nổi ba chìm với nước non…”.
                                                     (Bánh trôi nước)
 
     Thi ca Hồ Xuân Hương luôn bao hàm triết lí bản thể của con người qua biểu trưng, thước đo văn hóa sinh hoạt (đời sống) là thân thể con người ẩn sau công trình của giới tự nhiên: Đèo Ba Dội, Hang Cắc Cớ, Cái quạt, Quả mít… Qua đó, phản ánh nguyên hợp kép độc đáo giữa hình thân của con người và hình nhiên (hình thể của giới tự nhiên).
    Sự phát triển của tư duy hình thân – hệ biểu trưng, thước đo và tỷ lệ của con người trong văn hóa, cơ chế hóa thân, nhân hình con người trong văn hóa nghệ thuật, là biện pháp hữu hiệu của một nền văn hóa chống lại xu hướng kỹ trị hay chứng vô cảm trong một xã hội lý tính cao độ. Nó giúp cho con người có được khả năng cảm nhận tốt, đồng cảm với thế giới và với muôn loài. Khoa học hướng sự thống trị của con người lên giới tự nhiên. Nghệ thuật lại hướng tới sự đồng cảm, sự phát triển hài hòa của con người hòa hợp với tự nhiên. Thuyết biểu hiện, thuyết cảm xúc, tình cảm trong nghệ thuật giúp con người xã hội và cá nhân chống lại sự đơn điệu, nhàm chán.
      Xã hội chú trọng phát triển văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, trong khi văn hóa thân thể thì hoặc là bị gắn chặt với các hủ tục lạc hậu, hoặc là bị coi thường, hoặc bị xuống cấp. Ví dụ ở Hà Nội vài năm về trước có mốt mặc quần trễ cạp, hở rất phản cảm khi người mặc ngồi sau xe máy, hoặc ngồi xổm chọn hàng rong… Không còn một xã hội với văn hóa ăn mặc đẹp ngày nào phụ nữ với áo mớ ba mớ bảy, nam giới áo thâm chùng, hay phụ nữ áo dài trắng, nam giới áo trắng, quần soóc… Không được định hướng, giới Showbiz tự định hướng và họ tạo nên các dòng chảy đan xen giữa thanh lịch và “loạn nhịp” trong các quan niệm về hình thân, mẫu hình, thời trang.
     Xã hội chỉ chú trọng phát triển văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần do đó có chuyện nhiều thầy cô chủ nhiệm bắt các trò học thêm triền miên toàn bộ hè, rồi học thêm trong cả năm học, không có ra chơi trong các buổi học thêm, tăng buổi hoặc kéo dài thời lượng giờ học thêm… Điều này tưởng như thầy cô có trách nhiệm với việc học của trò, song lại cho thấy thầy cô không có tư duy thân thể. Việc học và học khiến nhiều em bị quá tải, cơ thể mệt mỏi dẫn đến việc học tập sa sút, chán học.
     Xã hội chỉ chú trọng phát triển văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, buông lơi trong việc giảng dạy kỹ năng sống. Kỹ năng xử lý các tình huống của thân thể, kỹ năng xử lý các tình huống sống còn, tồn tại kém. Xã hội chỉ coi trọng phát triển văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần cũng là một nguyên nhân tất yếu dẫn đến một xã hội đề cao bằng cấp, coi trọng việc học hành (tinh thần khoa học), coi trọng đồng tiền (vật chất). Còn các tri thức, thức nhận về thân thể con người thì tụt dốc không phanh: Nạn thực phẩm bẩn coi thường mạng sống của người khác; nạn uống rượu bia tràn lan hủy hoại thân thể; sức mạnh của cảm xúc, cảm giác, tình cảm bị xem thường; nạn ô nhiễm môi trường gây tác hại hủy hoại lâu dài đến đời sống thân thể, tinh thần của con người…
     Khi một xã hội nạn bạo hành, bạo lực đối với thân thể người khác gia tăng, mọi người đều nghĩ ngay đến sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, chứ ít người suy nghĩ được sâu xa về những lỗ hổng trong lý luận nhận thức về văn hóa nghệ thuật, về triết học, đạo đức thiếu hẳn bộ phận văn hóa thân thể, triết lí bản thể con người qua thước đo và hình ảnh biểu trưng là thân thể con người.
     Ví dụ như không chú trọng việc xây dựng lý tưởng con người xã hội qua những mẫu người thời đại, với các thước đo tỷ lệ con người của chính xã hội đó, chứ không phải sự vay mượn thước đo thân thể và hệ biểu trưng văn hóa của một xã hội khác, đồng nhất thân thể sống của con người với thể xác vật chất, phủ định thân thể con người, hoặc quá chú trọng tới giáo dục các giá trị vật chất và giá trị tinh thần không thôi cũng tạo nên một sức ép căng thẳng lâu dài đối với thân thể người. Các vụ tự tử gia tăng ở các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều khi là sự quá tải, hay sức ép của đời sống vật chất và đời sống tinh thần đối với đời sống thân thể, cơ thể con người. Nạn bạo hành thân thể con người tăng cao trong xã hội Ấn Độ hiện nay có thể là kết quả của tư tưởng đẳng cấp lâu dài của Bà-la-môn giáo và tư tưởng miệt thị thân thể đánh đồng thân thể với thân xác.
     Trong lĩnh vực đời sống hiện thực của con người từ quá khứ đến hiện tại, mọi tội ác đối với thân thể nhân loại như: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở châu Âu của Adolf Hitler với cuốn sách “Mein Kampf” (Cuộc tranh đấu của tôi, viết năm 1924) hướng dẫn diệt chủng người Do Thái trong thế chiến II; chủ nghĩa Pol Pot (Pôn-pốt) tàn sát thân thể dân tộc Campuchia… Ngoài những vấn đề chính trị ra, tựu chung lại chúng đều là những biểu hiện của các cơn khủng hoảng dị dạng nghiêm trọng trong cảm thức chung[16] về lịch sử của bản thân con người, đặc biệt là đối với hình thân.
      Nếu không có những cơ sở nền tảng của văn hóa thẩm mỹ về “hình thân”, thì làm sao có thể nhận biết được biểu trưng Mình Chúa trong văn hóa Kitô giáo luôn được nhân loại biết đến với biểu tượng Chúa cứu thế (cứu chuộc thân thể nhân loại) với phép Ban Thánh Thể (Bánh Thánh – biểu trưng của Thân thể Chúa Giê-su). Ở những người từ chối tiếp cận tri thức nền tảng của văn hóa thẩm mỹ về hình thân, họ chỉ có thể quy các giá trị văn hóa nêu trên về hai phương diện vật chất và tinh thần mà thôi.
     Vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc Lục Tổ Huệ Năng (638 - 713) trong tác phẩm quan trọng của Thiền học Trung Quốc là “Pháp bảo đàn kinh (còn gọi là Lục tổ đàn kinh) đã có phần thuyết pháp quan trọng về mối quan hệ tương sinh, tác thành trong cách hiểu về Tam thânTứ trí, như sau:
        “Lục Tổ nói:
     Tam thân, một là Thanh tịnh pháp thân, tức là bản tính của người; hai là Viên mãn báo thân, tức là trí tuệ của người; ba là Thiên bách ức hóa thân, tức là bản hạnh của người. Lìa khỏi bản tính mà còn nói đến Tam thân thì tức là có thân mà không có trí. Hiểu được Tam thân đều không có tự tính, đó tức là Tứ trí Bồ - đề (Tứ trí chính giác). Hãy nghe bài kệ của ta như vầy:
                    Tự tính đủ ba thân
                     Phát minh thành tứ trí
                           Chẳng lìa duyên kiến văn
                      Siêu nhiên lên đất Phật
                       Nay vì người mà giảng
                     Hãy tin tưởng chớ mê
                        Chớ chạy rông tìm Phật
                         Suốt ngày niệm Bồ - đề!
     Trí Thông lại thưa:
- Xin thầy giảng cho nghe thế nào là Tứ trí ?
     Lục tổ nói:
     Đã hiểu nghĩa Tam thân thì sẽ hiểu Tứ trí, còn phải nói gì nữa! Nếu lìa khỏi Tam thân mà còn bàn đến Tứ trí ở đâu khác nữa thì cái đó có thể gọi là “Hữu trí vô thân”. Dù cho có trí đi nữa thì cũng trở thành vô trí!”[17].
    Cũng tương tự, trong thức nhận văn hóa, việc nhận thức ra yếu tố trí tuệ mà không nhận thức ra cái thân mang vác trí tuệ đó thì cũng như có trí mà mất thân hay có trí đi nữa cũng bị coi là không có trí tuệ vậy. Theo Huệ Năng Đại sư, “Hữu trí vô thân” ví như có trí mà không có thân, thì cũng chẳng khác gì là vô trí, ví như tách biệt khái niệm kiến trúc nhà cửa ra mà không nói đến vật liệu xây dựng nên nhà cửa vậy. Về luận điểm này xin x
em Huệ Năng Đại sưLục Tổ đàn kinh” (1992), tr. 91 - 92.

 Kết luận
     Nghiên cứu các giá trị của văn hóa nói chung là nhằm tìm kiếm những đóng góp mới, đầy đủ và toàn diện hơn nữa về nguồn gốc, bản chất và giá trị của thước đo cái đẹp của con người như là một cơ sở quan trọng của văn hóa. Những lợi ích của sự phát triển hài hòa các hình thái cấu thành văn hóa là rõ ràng. Trong truyền thống và hiện đại, mối quan hệ tương quan giữa ba hình thái vật chất - tinh thần - thân thể của tổng thể đời sống sinh hoạt văn hóa đã luôn đảm bảo cho một sự phát triển toàn diện và đầy sắc thái của bản sắc văn hóa các tộc người, các dân tộc trong tiến trình tiếp biến giao lưu văn hóa và bản thể con người trong văn hóa lối sống, ý thức sinh hoạt đời sống một cách có văn hóa. Trong một thế giới với xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, về văn hóa, nhờ có hình thân và nhờ bảo vệ sức mạnh thoại thân[18] mà các dân tộc vừa có thể hội nhập, vừa có thể giữ vững được bản thể và bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.
 
 

CHÚ THÍCH & TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. “Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam” (1995), Nxb. Văn hóa – thông tin, Hà Nội, tr. 242.
[2]. Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam (1995), Sđd, tr. 242.
[3]. Hồ Chí Minh (1995), “Toàn tập, Tập 3, Xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 431.
[4]. K. Marx, F. Engels, V.I. Lenin (1977), “Về văn học và nghệ thuật”, Sđd, tr. 43 - 44.
[5]. Vệ Thạch Đào Duy Anh (2014), “Việt Nam văn hóa sử cương”, Nxb. Thế giới, tr. 11.
[6]. “Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam” (1995), Sđd.
[7]. Theo “Từ điển Triết học, Nxb. Sự thật, 1976, “Tư duy là sản vật cao cấp của một vật chất hữu cơ đặc biệt, tức là bộ óc. Thông qua quá trình hoạt động của sự phản ánh hiện thực khách quan bằng biểu tượng, khái niệm, phán đoán… tư duy bao giờ cũng liên hệ với một hình thức nhất định của sự vận động của vật chất – sự hoạt động của óc”.
         Nếu chỉ xem xét và nhấn mạnh định nghĩa này trong phạm vi tư duy khái niệm là đã làm hẹp định nghĩa trên. Dấu ba chấm sau từ “khái niệm, phán đoán…” cần được hiểu rộng ra với các hình thức khác của sự vận động vật chất, sự hoạt động của óc như tư duy hình tượng. Nếu được như vậy, xét theo một nghĩa rộng nhất tư duy được hiểu là:
  • Quá trình liên tục của mạch logic nội tại của tâm thức cộng đồng phản ánh chính đời sống sinh hoạt hiện thực của họ.
  • Quá trình nhận thức suy luận nói chung (tư duy khoa học).
  • Mọi sự suy tư nói chung dưới các lớp vỏ ngôn ngữ: Cử chỉ, lời nói, hình tượng, biểu tượng, khái niệm.
[8]. Tư duy thẩm mỹ cần được hiểu là:
  • Tư duy thẩm mỹ phản ánh thế giới bằng hình ảnh qua ngôn ngữ hình tượng và hình tượng nghệ thuật. Nếu ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy. Vậy ngôn ngữ hình tượng là vỏ vật chất của tư duy hình tượng (tư duy gốc hình ảnh).
  • Các hình thái tư duy về quá trình sáng tạo cái đẹp của một tộc người.
  • Tư duy thẩm mỹ lấy ngôn ngữ thân thể làm phạm vi hoạt động cứu cánh đặc thù.
  • Tư duy thẩm mỹ hướng đến lý giải và biểu đạt thế giới thông qua việc luận bàn đến vấn đề  “bản thể của con người ”, tức là tồn tại thế giới dưới hình thái đặc thù đó là tồn tại của con người.
  • Tư duy thẩm mỹ là hình thái tư duy sáng tạo văn hóa mang tính tổng thể (tư duy ba thành tố).
       Tư duy nói chung cũng như tư duy thẩm mỹ nói riêng bao giờ cũng liên hệ với một hình thức nhất định của  sự vận động của vật chất sự hoạt động của óc, tuy nhiên lại hướng theo ba hình thái chất thể của thế giới:  thể vật – thể thân – thể tinh thần.
[9]. Đặc điểm của nhận thức kép là phản ánh đồng thời, vì vậy không thể đồng nhất, hoặc so sánh nó (nhận thức kép) với quan niệm cho rằng sự phản ánh của ý thức giống như là gan tiết ra mật.
[10]. Khái niệm thân thể có sức mạnh biểu trưng riêng trong văn hóa và được phân biệt với khái niệm cơ thể ở các trường hợp sau:
  • Thân thể trong “lăng kính tri giác thân thể” để chỉ một khả năng trực giác nghệ thuật trong sáng tạo nghệ thuật.
  • Cơ thể dùng để tạo ra thước đo, tỷ lệ vàng của con người trong văn hóa.
      Còn ngoài ra, thì hai khái niệm thân thể và cơ thể thường là dùng nhất thể.
[11]. K. Marx, F. Engels, V.I. Lenin (1977), “Về văn học và nghệ thuật”, Sđd, tr. 20, 25.
[12]. K. Marx, F. Engels, V.I. Lenin (1977), “Về văn học và nghệ thuật”, Sđd, tr. 20, 25.
[13]. Vitruvius (2004), Mười cuốn sách về kiến trúc”, chương 2. Những nguyên tắc cơ bản của kiến trúc, Q.1, Sđd, tr. 69 - 70.
[14]. Uông Chính Chương (2002), “Mỹ học kiến trúc”, Sđd, tr. 48.
[15]. Nguyễn Hùng Hậu (chủ biên) (2005), “Đại cương triết học Việt Nam, Sđd, tr. 123 - 124.
[16]. Cảm nhận và nhận thức chung.
[17]. Xem Huệ Năng Đại sư (1992), Lục Tổ đàn kinh, Sđd, tr. 91 - 92.
[18]. Giai thoại về cội nguồn của một tộc người có liên quan đến những lý giải về vẻ đẹp, về đặc tính cơ thể, về màu da sắc tộc, vóc dáng, tỷ lệ hài hòa và thước đo cái đẹp của tộc người đó ra thế giới đối tượng.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây