MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG TIẾP CẬN KHOA HỌC VỀ TÔN GIÁO CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

Thứ năm - 20/06/2024 11:05

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG TIẾP CẬN KHOA HỌC VỀ TÔN GIÁO CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

Trần Anh Đào Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.Bài đã đăng tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 9 (235), 2023, tr. 3-22.
 
Tóm tắt:

         
Bài viết thông qua việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của lĩnh vực nghiên cứu khoa học về tôn giáo (Science of Religion) giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chỉ ra bốn vấn đề nổi bật trong cách tiếp cận nghiên cứu tôn giáo giai đoạn này. Thứ nhất, ngay từ thời kỳ Tôn giáo học được hình thành với sự đóng góp quan trọng của Friedrich Max Müller (1823-1900), những hạn chế trong lý thuyết và phương pháp nghiên cứu tôn giáo của Müller đã đặt ra nhu cầu tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu tôn giáo. Thứ hai, vấn đề bản chất và nguồn gốc tôn giáo là chủ đề được quan tâm nghiên cứu từ nhiều góc độ khoa học khác nhau, trong đó nổi lên vai trò của các lý thuyết Nhân loại học và Xã hội học. Thứ ba và thứ tư, do ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng Khai sáng của Châu Âu, quan điểm và phương pháp luận về tôn giáo giai đoạn này đều thể hiện xu hướng Tiến hóa luận và Duy khoa học (Scientific) rõ rệt. Những vấn đề này cũng có thể được coi là đặc điểm về mặt phương pháp luận nghiên cứu tôn giáo giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Từ khóa: Tôn giáo học, nghiên cứu tôn giáo, tiếp cận khoa học, thế kỷ XIX-XX.



Dẫn nhập


        Tôn giáo học (Religious Studies) trở thành bộ môn khoa học độc lập kể từ đầu thập niên 1870 nhờ sự khởi xướng của học giả người Anh gốc Đức Friedrich Max Müller (1823-1900). Thời kỳ đầu của quá trình hình thành và phát triển – khoảng 30 năm cuối thế kỷ XIX, bộ môn được đặt tên là Khoa học về tôn giáo (The Science of Religion), hoạt động học thuật theo hướng một môn khoa học nhân văn có tính đơn ngành, do chủ trương của Müller chỉ dựa vào Ngôn ngữ và Thần thoại học so sánh. Do đó, phạm vi phát triển về mặt lý thuyết và phương pháp nghiên cứu tôn giáo giai đoạn Max Müller có phần bị hạn chế và bị phê phán bởi một số nhà khoa học cùng thời.
       Tuy nhiên, tiếp sau Müller, học giả người Hà Lan là Cornelis P. Tiele (1830-1902) đã có góp phần thúc đẩy bộ môn Khoa học về tôn giáo phát triển thêm một bước, theo hướng đa ngành, kết hợp vận dụng các lý thuyết và phương pháp của các ngành Xã hội học, Nhân loại học, Tâm lý học, Sử học, Hiện tượng học, v.v... Theo đó tên gọi và phong cách học thuật của bộ môn khoa học này cũng thay đổi một cách linh hoạt và mở rộng theo từng thời điểm và môi trường học thuật khác nhau, từ Khoa học về Tôn giáo (Science of Religion), Tôn giáo học so sánh (Comparative religion), Lịch sử các tôn giáo (History of religions), cho đến Nghiên cứu tôn giáo, Tôn giáo học (Religious Studies, Study of Religion) phổ biến hiện nay.
          Kể từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, mặc dù có những tên gọi khác nhau, Tôn giáo học là một bộ môn học thuật có tính liên ngành, vận dụng tri thức và phương pháp của các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn khác nhau để nghiên cứu, lý giải về tôn giáo và những vấn đề cơ bản như nguồn gốc, kết cấu, chức năng, sự phát triển và biến đổi của tôn giáo trong đời sống con người và xã hội. Những đặc điểm nói trên nói trên đã được một số học giả quốc tế và trong nước đề cập ít nhiều trong các công trình, bài viết của họ về các chủ đề lịch sử ngành Tôn giáo học, lý thuyết và phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo, điển hình có: Mircea Eliade (1979), Tôn giáo (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Kiệm), Eric J. Sharpe (1975), Comparative Religion: A History (Lịch sử Tôn giáo học so sánh), Jacques Waardenburg (1999), Classical Approaches to the Study of Religion (Các cách tiếp cận kinh điển trong Nghiên cứu tôn giáo); Đặng Nghiêm Vạn (2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam; Daniel L. Pals (2015), Nine Theories of Religion (Chín lý thuyết về tôn giáo), Peter Connolly (2018), Approaches to the Study of Religion (Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận), v.v… cùng nhiều tài liệu có liên quan khác.
          Bài viết này trên cơ sở tổng quan các vấn đề tiếp cận nghiên cứu khoa học về tôn giáo trong các bài viết, công trình nêu trên, sẽ góp phần làm rõ thêm một phần lịch sử ở giai đoạn đầu mới hình thành của bộ môn Tôn giáo học, đồng thời rút ra một số đặc điểm về mặt phương pháp luận nghiên cứu tôn giáo giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.


1. Đóng góp của Max Müller và Cornelis P.Tiele và vấn đề phương pháp nghiên cứu khoa học về tôn giáo giai đoạn cuối thế kỷ XIX
          Sự khởi đầu của Tôn giáo học với tư cách là bộ môn khoa học độc lập gắn liền với sự nghiệp, thành tựu nghiên cứu so sánh thần thoại và ngôn ngữ cổ điển của Max Müller. Các công trình kinh điển thể hiện quan điểm lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khoa học về tôn giáo của Müller gồm có: Chips from a German Workshop: Vol I, Essays on the Science of Religion (Những mảnh vụn từ nơi làm việc ở nước Đức: Phần 1, Tiểu luận Khoa học về tôn giáo (1867); Introduction to the Science of Religion (Dẫn luận Tôn giáo học) (1873), Lectures on the Origin and Growth of Religion (Nguồn gốc và sự phát triển của tôn giáo) (1878). Trong đó, việc tuyển tập bốn bài giảng Dẫn luận Tôn giáo học (tức Nhập môn Khoa học về tôn giáo) xuất bản ở Anh năm 1873 thường được giới nghiên cứu ghi nhận là dấu mốc ra đời của ngành Tôn giáo học.
        Trong Chips from a German Workshop, Müller hình thành ý tưởng về một lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo và lần đầu tiên sử dụng từ “Science of Religion” để dịch thuật ngữ Khoa học về tôn giáo trong tiếng Đức “Religionswissenchaft”, đó cũng là tên gọi chính thức của ngành khoa học về tôn giáo mà ông nhận định là “có thể là lĩnh vực khoa học cuối cùng mà con người có sứ mệnh phát triển; nhưng khi đã được xây dựng nên, nó sẽ thay đổi diện mạo của thế giới”
[1] [Friedrich Max Müller, 1868: xix-xx]. Kỳ vọng lớn lao đó cùng với quan điểm của Müller về bộ môn khoa học tôn giáo được trình bày trong tuyển tập bốn bài giảng Dẫn luận tôn giáo học (1873).
            Trong đó, các luận điểm Müller đưa ra đều được đặt trong bối cảnh học thuật và tôn giáo của Châu Âu nửa sau thế kỷ XIX, thể hiện sự thận trọng của Müller trước vấn đề nan giải đương thời đó là mối quan hệ giữa khoa học với tôn giáo nói chung và với Kitô giáo nói riêng. Trong bối cảnh Châu Âu thế kỷ XIX, Kitô giáo đứng trước những thách thức của khoa học, thuyết “Kitô là trung tâm” bị lung lay. Tôn giáo là đối tượng nghiên cứu phê bình của các nhà Triết học và Khoa học xã hội như I.Kant, F.W.Hegel, L.Feuerbach, K.Marx. Đặc biệt, ở nước Anh vào nửa cuối thế kỷ XIX, nơi Müller sinh sống và làm việc, giữa các cộng đồng khoa học thường diễn ra những tranh luận gay gắt về Thần học Mạc khải, về các lý thuyết khoa học mới xuất hiện, ông giữ thái độ ôn hoà của một người ngoại đạo chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Duy tâm (Đức), luôn đứng ngoài những tranh luận giáo điều đó [Marjorie Wheeler-Barclay, 2010: 43]. Mục đích của Müller là đấu tranh ôn hoà nhằm đưa Khoa học về tôn giáo (Science of Religion) trở thành môn khoa học quy chuẩn, độc lập với Thần học và các trường phái học thuật khác.
            Trong các bài thuyết giảng quảng bá cho Tôn giáo học tại các trường học, Müller tuyên bố lập trường trung lập, “không bè phái chủ nghĩa”, coi tất cả các tôn giáo đều bình đẳng như nhau. Trong phần mở đầu cuốn Dẫn luận Tôn giáo học (1873), Müller tin tưởng rằng, “Nền Khoa học về tôn giáo được xác lập trên cơ cở so sánh khoa học thực sự khách quan về tất cả, về mọi sự kiện, mọi tôn giáo quan trọng nhất của nhân loại, giờ đây chỉ còn là vấn đề thời gian” [Friedrich Max Müller, 1873: 34] .

        Thời kỳ đầu nỗ lực xây dựng Tôn giáo học như một bộ môn khoa học độc lập, Max Müller và các đồng sự của ông chủ yếu dựa vào mô hình lý thuyết của Khoa học ngôn ngữ (Science of language) để triển khai các chủ đề nghiên cứu và áp dụng cho Khoa học về Tôn giáo. Trong đó, phương pháp so sánh ngôn ngữ và thần thoại được Müller vận dụng để lý giải bản chất và nguồn gốc của tôn giáo.
       Trong tác phẩm đầu tay Essays on Comparative mythology (Thần thoại học so sánh, 1856), Müller đưa ra lý thuyết “Thần thoại mặt trời” gây nhiều tranh cãi. Thông qua so sánh thần thoại Ấn – Âu và các tôn giáo cổ xưa, Müller cho rằng các thần thoại bắt nguồn từ “căn bệnh ngôn ngữ” (disease of language) trong quá trình con người nhân cách hoá thần tự nhiên, từ tên vị thần (nomina) chuyển hoá thành một vị thần linh (numen). Từ đó, Müller suy luận rằng thần thoại về các vị thần được người Aryens rút ra từ nhận thức đầy cảm hứng và đẹp đẽ về cái Vô hạn (the Infinite), thay vì đóng khung trong ý niệm về thượng đế hay thần thánh của một tôn giáo thuần túy. [Daniel L. Pals, 2015: 18].

         Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lý thuyết “căn bệnh ngôn ngữ” (a disease of language) về danh xưng các vị thần bị phê phán do thiếu căn cứ thực tiễn, không thuyết phục được các nhà khoa học xã hội theo chủ nghĩa thực chứng. Đối với nhiều nhà Tôn giáo học, đóng góp lớn nhất của Müller chính là Tôn giáo học so sánh. Donald Wiebe nhận xét: trước Müller, lĩnh vực nghiên cứu khoa học về tôn giáo tuy đã phổ biến, nhưng chưa có quy củ và hết sức tản mạn, sau khi cuốn sách Dẫn luận Tôn giáo học ấn hành, giảng dạy trong các trường học và viện nghiên cứu, người ta nhận thấy lĩnh vực này được chỉnh thể hóa, tuân thủ theo một phương pháp nghiên cứu, được hệ thống hóa và được xử lí một cách khoa học [D. Wiebe, 1999: 12]. Đến giữa thế kỷ XX, cho dù gặp không ít sự phê phán nhưng phương pháp so sánh vẫn tỏ ra hữu hiệu trong trong các nghiên cứu của các nhà Tôn giáo học như Mircea Eliade và Cantwell Smith.
        Về mặt lý thuyết nghiên cứu tôn giáo, Müller không thành công khi vận dụng Ngôn ngữ học so sánh, căn cứ vào thần thoại và tôn giáo ngữ hệ Ấn Âu để tìm ra nguồn gốc tự nhiên tự nhiên của tôn giáo. Có thể do ảnh hưởng của trường phái Thần thoại Đức vốn thiên về nhận thức luận cảm tính nên lý luận tôn giáo của Müller còn thiếu cơ sở thực tiễn. Khái niệm “vô hạn” - điểm khởi đầu của tôn giáo tỏ ra không chắc chắn khiến nó trở nên khó hiểu, không được giới nghiên cứu tôn giáo vận dụng nên nhanh chóng bị lãng quên.
            Điểm hạn chế khác của Müller chính là ông không đặt tôn giáo trong mối liên hệ với bối cảnh lịch sử, xã hội cụ thể mà chỉ đi tìm bản chất của tôn giáo từ góc độ ý thức tư tưởng nên khó lý giải một cách căn bản nguồn gốc xã hội của tôn giáo và những hệ lụy xã hội phức tạp phản ảnh trong nội dung và biểu hiện tôn giáo. Vì vậy, không chỉ lý thuyết “căn bệnh ngôn ngữ” mà ngay cả cách tiếp cận so sánh ngôn ngữ mang tính đơn ngành của Müller về tôn giáo cũng nhanh chóng bị các học giả trường phái tiến hoá văn hoá, tiêu biểu như Andrew Lang (1844 - 1912) phê phán gay gắt ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX.
          Cùng với Max Müller, nhà Thần học kiêm Sử học tôn giáo người Hà Lan Cornelis P.Tiele (1830-1902) là người ủng hộ Müller, tích cực xây dựng Tôn giáo học thành một lĩnh vực khoa học theo nghĩa rộng, bao hàm cả lịch sử các tôn giáo, có thể phát triển theo hướng kết hợp tri thức đa ngành. Trong các tác phẩm kinh điển Elements of the science of religion (Các nhân tố của khoa học về tôn giáo) (1897), P.Tiele nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu thập các nguồn tư liệu tôn giáo trong lịch sử nhân loại, nhưng cần thông qua phương pháp giải thích khách quan của các ngành khoa học, bởi vì nhận thức khoa học về tôn giáo hoàn toàn khác biệt với nhận thức triết học, hoặc nhận thức từ chính hệ thống đức tin tôn giáo.
           Tiele đề xuất tiếp cận đa ngành về tôn giáo nhằm khắc phục những hạn chế của phương pháp nghiên cứu lịch sử các tôn giáo. Theo ông, để lý giải sự biến đổi của tôn giáo trong các bối cảnh lịch sử và địa lý khác nhau, cần thiết phải kết hợp các phương pháp khoa học khác: “Đối tượng nghiên cứu của Khoa học về tôn giáo không phải bản thân đấng siêu nhân (superhuman), nhưng tôn giáo bắt đầu từ niềm tin vào đấng siêu nhân, tôn giáo cần được coi như các hiện tượng đơn thuần thuộc con người và mang tính lịch sử, tâm lý, xã hội, việc này rõ ràng cần vận dụng tri thức của nhiều lĩnh vực khoa học”[Cornelis. P. Tiele, 1897: 5].

            Để phát triển Tôn giáo học như một lĩnh vực khoa học độc lập, Tiele chủ trương tách Tôn giáo học khỏi triết học, đặc biệt là triết học siêu hình. Nghiên cứu Sử học là cần thiết, nhưng Khoa học về tôn giáo cần đặt trên nền tảng rộng hơn, “Nhân học tức Khoa học về con người (the science of man), Xã hội học và Tâm lý học đều cần thiết cho việc hỗ trợ nghiên cứu nguồn gốc và bản chất của tôn giáo” [Cornelis. P. Tiele, 1897: 17].
            Vì những đóng góp nói trên, giới nghiên cứu lịch sử Tôn giáo học công nhận P.Tiele là một trong những người đặt nền móng cho Tôn giáo học đương đại. Theo đánh giá của Donald Wiebe, kể từ khi công trình Dẫn luận tôn giáo học của Müller xuất bản năm 1873, cho đến khi công trình Các nhân tố của Tôn giáo học của Tiele xuất bản năm 1897, những vấn đề cơ bản của lý luận nghiên cứu khoa học về tôn giáo mới được trình bày một cách logic và có kết cấu phù hợp với yêu cầu phát triển của một bộ môn khoa học [Donald Wiebe, 2000: 31-52 ].
             Chủ trương tiếp cận liên ngành khoa học của P. Tiele dường như là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh khoa học đương thời, khi các ngành khoa học xã hội Nhân loại học và Xã hội học thông qua trào lưu học thuật đã phát hiện ra ngày càng nhiều nguồn tư liệu sơ cấp về nhiều dạng thức tôn giáo khác nhau, mà không chỉ là các bộ kinh sách cổ điển và các thần thoại được lưu giữ trong các thư viện. Khi đối diện với các vấn đề trọng tâm như nguồn gốc, bản chất, chức năng, kết cấu, sự phát triển và ý nghĩa của tôn giáo đối với xã hội loài người là gì, giới nghiên cứu phải thay đổi các định nghĩa tôn giáo theo hướng mở rộng, đồng thời, tích cực vận dụng và hội nhập các hệ lý thuyết và phương pháp khoa học khác nhau nhằm trả lời hữu hiệu cho bất kỳ câu hỏi nào trong đó [Stephen Hunt 2005: 16][2]2.
              Nghiên cứu tôn giáo giai đoạn sau cuối thế kỷ XIX, như phần nội dung sẽ trình bày tiếp theo, về cơ bản là theo xu hướng “duy khoa học”. Dưới nhãn quan và cách tiếp cận của các khoa học xã hội đương thời, đặc biệt là Xã hội học, Tâm lý học, tôn giáo với tư cách là đối tượng nghiên cứu đã được lý giải một cách lý tính, khoa học, quy giản thành những “hiện tượng phụ” mang những yếu tố khác nhau thuộc tâm lý, xã hội. Trên thực tế, nghiên cứu khoa học về tôn giáo sau giai đoạn thất bại của lý thuyết về các thần thoại của Müller, ở giai đoạn giao thời giữa hai thiên niên kỷ, đã trở thành lãnh địa của các nhà Xã hội học, Tâm lý học và Nhân loại học.

2. Vấn đề nguồn gốc tôn giáo là mối quan tâm chung của nhiều ngành khoa học xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
              So với các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác, ngành khoa học về tôn giáo học hình thành tương đối muộn, nhưng nền tảng tri thức và sự phát triển của nó không nằm ngoài quá trình phát triển của Khoa học xã hội từ thời kỳ Khai sáng trở đi. Những thập niên cuối thế kỷ XIX là thời điểm thắng thế của chủ nghĩa khoa học trong nhận thức và giải thích thế giới khách quan, kể cả nhận thức tôn giáo khi giải thích về thế giới tự nhiên, xã hội. Nhận thức khoa học về tôn giáo cũng đã trải qua những bước tiến quan trọng trong lịch sử. Samuel Preus đã kết nối các bước tiến đó trong công trình Lý giải tôn giáo (Explaning Religion, (1987) [Samuel Preus, 1987: xv].  
          
Khoa học về tôn giáo thế kỷ XIX được xây dựng trên nền tảng quan niệm “tôn giáo như một hình thái tự nhiên (naturalistic model of religion) của David Hume (1711-1776), quan niệm tôn giáo như một “thực thể tự nhiên” (natural reality), cũng là bước tiến so với quan niệm cổ điển - coi tôn giáo như là “thực tại siêu nhiên”. Với sự ra đời của ngành Xã hội học và đóng góp của Auguste Comte (1798-1857), bước tiến lịch sử trong quan niệm về tôn giáo chính là việc nhìn nhận tôn giáo như là hiện tượng văn hóa, xã hội, theo đó, phạm vi nhận thức của con người về tôn giáo không hoàn toàn chỉ về thực thể tự nhiên, siêu nhân, mà chính là ở con người, ở xã hội.

          Công cuộc nghiên cứu khoa học về tôn giáo trở thành hiện thực khi các khoa học xã hội ở Châu Âu bắt đầu chú trọng đến nghiên cứu so sánh đối với các nền văn hóa tôn giáo khác nhau trên thế giới, đi cùng với những phát hiện của trào lưu Nhân loại học và Dân tộc học thực dân. Đặc biệt với sự ra đời và ảnh hưởng phổ quát của Thuyết Tiến hóa, những lý thuyết ban đầu về nguồn gốc, bản chất và chức năng của tôn giáo lần lượt ra đời và có ảnh hưởng lâu dài đối với nền khoa học về tôn giáo nói riêng và các khoa học xã hội khác nói chung.
           Với bối cảnh của nền học thuật đương thời, những lý thuyết và phương pháp luận ban đầu về nguồn gốc và bản chất của tôn giáo là mối quan tâm chung của hầu hết các nhà khoa học, trong đó đóng góp nhiều nhất là các tiếp cận của Nhân loại học, Tâm lý học và Xã hội học. J. Milton Yinger lý giải rằng, trọng điểm của nghiên cứu khoa học về tôn giáo thời kỳ Kinh điển là chủ đề nguồn gốc tôn giáo, chủ yếu được lý giải bởi Tâm lý học và Xã hội học.
          Các lý thuyết về “nguồn gốc” thường được xác lập trên cơ sở mối quan hệ nhân quả, nhấn mạnh nguồn gốc tâm lý và nguồn gốc xã hội của tôn giáo. Chính cách phân tích nhân quả theo lối Tiến hóa luận đơn tuyến kết hợp phép quy giản (Reductionism) làm nảy sinh các giả thuyết về sự tồn tại của trạng thái “tiền tôn giáo”, do đó chủ đề “nguồn gốc tôn giáo” trở thành chủ đề hấp dẫn là điều dễ hiểu [J. Milton Yinger, 2009: 124].

         Đi tiên phong cho việc luận thuyết khoa học về nguồn gốc của tôn giáo chính là người khởi xướng Tôn giáo học Max Müller. Quan điểm được thể hiện ngay trong chính công trình của ông xuất bản vào năm 1878: Lectures on the Origin and Growth of Religion (Các bài giảng về nguồn gốc và sự phát triển của tôn giáo). Müller tiếp cận từ góc độ Ngôn ngữ học so sánh, cho rằng tôn giáo ra đời từ quá trình nhân cách hóa tên gọi các “thần” (nomina-numina) và thần thoại là “căn bệnh của ngôn ngữ”.
          Những đóng góp của ngành Nhân học vào nhận thức khoa học về tôn giáo và nguồn gốc tôn giáo, bản chất trước tiên phải kể đến E. Tylor (1832 - 1917). Trong tác phẩm kinh điển Văn hóa nguyên thủy (Primitive culture, 1871), E. Tylor lý giải về nguồn gốc của tôn giáo bằng lập luận: bản thân con người có thể nhận biết, cảm nhận được sự tồn tại của con người linh hồn, vì vậy mọi sự vật trong thế giới đều có linh hồn.
        Tôn giáo nguyên sơ, tối cổ của nhân loại là Hồn linh giáo (Animisme/ Animism). Tylor kết hợp Thuyết Hồn linh với Thuyết Tiến hóa của Darwin để luận giải sự phát triển từ hình thức thấp đến cao của tôn giáo, bởi vậy mối quan tâm của Tôn giáo học trước hết là các tôn giáo nguyên thủy [Nguyễn Đức Sự, 2008: 3-6]. Lý thuyết của Tylor tạo động lực cho giới Nhân học Phương Tây đương thời tìm đến các nền văn hóa ngoài Châu Âu để khảo sát nghiên cứu các tôn giáo sơ khai. Nguồn tư liệu Nhân học, Dân tộc học phong phú đó đã góp phần thay đổi quan niệm và cách tiếp cận về tôn giáo. Từ ảnh hưởng của Tylor, một nhà Nhân học người Anh khác là James G. Frazer đề xuất lý thuyết Tiền hồn linh giáo (Preanimistic Religion) thông qua so sánh nguồn tư liệu Thần thoại học, Nhân học và Phong tục học của các nền văn hóa Phương Đông, trong đó có Việt Nam.
           Toàn bộ lý thuyết của ông được trình bày trong tác phẩm Cành Vàng (The Golden Bough) (1890) tạo ra ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực Khoa học xã hội. Mircea Eliade đều đánh gia cao Tylor và Frazer như những người mở đường cho nghiên cứu liên ngành khoa học về tôn giáo [Mircea Eliade, 1979: 24-52]. Những lý thuyết đó lại được kế thừa và thay thế bởi những lý thuyết cho rằng những hình thức tôn giáo đầu tiên bắt nguồn từ sự kính sợ đối với thế lực “tiền hồn linh” (theo Marett là Mana, theo Frazer là ma thuật) hay theo W. Schmidt là niềm tin vào một vị thần lớn, v.v...

          Khác với các nhà Nhân học Văn hóa, các nhà Xã hội học thường chú trọng nguồn gốc xã hội và tính xã hội của tôn giáo, K. Marx cho rằng con người sáng tạo ra tôn giáo, tôn giáo là sự phản ánh của hiện thực một cách hư ảo, nhưng lý thuyết có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Xã hội học về tôn giáo chính là của Émile Durkheim (1858-1917).
        Trong tác phẩm kinh điển Les Formes élémentaires de la vie religieuse (Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo, 1912), ông bàn về nguồn gốc và biểu hiện của tôn giáo thông qua khảo sát tôn giáo của thổ dân Australia, bắt đầu từ cặp phạm trù thiêng - tục (le sacré et le profane) trong đó sự vật thường được phân biệt thành hai thế giới khác biệt với hai tên gọi: “tục” và “thiêng”.
       Sự vật thiêng là ám chỉ những gì được tạo ra và ngăn cách với trần tục bởi những “cấm kỵ” (taboo), đưa đến sự kính sợ hay sùng kính, đây chính là nền tảng cho niềm tin tôn giáo trong lịch sử con người. Tuy nhiên, chính các nhà khoa học xã hội cùng thời với Durkheim đã hoài nghi việc chọn mẫu nghiên cứu về tôn giáo của ông quá bó hẹp trong các tôn giáo thô sơ (tôn giáo của thổ dân Australia) nên không thể bao hàm hết các đặc điểm đa dạng trong các tôn giáo khác, đặc biệt là tôn giáo Phương Tây [Trương Hải Dương, 2008: 22-29].
           Tuy nhận được nhiều ý kiến phê phán của nhiều nhà dân tộc học tôn giáo, nhất là của nhà Thần học, Dân tộc học gốc Áo Wilhelm Schmidt (1868 - 1954) - tác giả của tác phẩm kinh điển Nguồn gốc và ý niệm về Chúa, nhưng nhìn chung cho đến nay, lý luận về nguồn gốc và bản chất tôn giáo của Durkheim vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về tôn giáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

           Ở một hướng tiếp cận khác, Tâm lý học kết hợp Chức năng luận, Sigmund Freud (1856 - 1939) là học giả đã đưa ra một hệ lý thuyết nhằm luận giải về nguồn gốc tâm lý của tôn giáo, qua hai tác phẩm nổi tiếng của ông là Totem and Taboo (Vật tổ và cấm kỵ, 1913) và The Future of an Illsion (Tương lai của một ảo tưởng, 1927). Trong đó, trên cơ sở chủ nghĩa duy vật thực nghiệm (Empiricist Meterialism), ông lý giải nguồn gốc tôn giáo ở hai tầng diện: trong lịch sử tiến hóa tổng thể của loài người và trong mỗi cá nhân, đồng thời, sử dụng lý thuyết lõi của trường phái phân tích tâm lý học “ham muốn tiềm thức bị ức chế” để giải thích bản chất tâm lý của tôn giáo, chỉ rõ tôn giáo chẳng qua là kết quả tinh thần của sự thay thế, thăng hoa và khúc xạ của ham muốn tiềm thức bị đè nén” [Lai Chi-tim, 2015: 9-29].
          Ngoài ra, Freud còn thể hiện là một nhà chức năng luận khi cho rằng, một tôn giáo có ba chức năng: Giải thích nguồn gốc và sự phát triển của thế giới; Giảm bớt nỗi sợ hãi của con người trong đời sống xã hội; Đem lại những quy định, cấm đoán, hạn chế đối với con người [Vũ Mạnh Toàn, 2013: 66-70]. Việc khám phá về vùng tiềm thức và phương pháp Phân tâm học đã có tác động thúc đẩy ngành nghiên cứu biểu tượng và thần thoại, góp phần thúc đẩy mối quan tâm của Tôn giáo học đối với các tôn giáo cổ xưa và các tôn giáo Phương Đông. Những giải thích về sự hình thành tôn giáo bằng con đường tâm lý tự nhiên đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực Tôn giáo học và các khoa học xã hội khác sau này [Daniel L. Pals, 2015: 75].


3. Tính khoa học (Scientific) nổi trội trong tiếp cận lý giải tôn giáo
           Như phần trên đã nêu, Tôn giáo học kể từ khi trở thành môn khoa học độc lập - Science of Religion, đã xác định rõ lập trường khoa học đối với tôn giáo. Tuy nhiên, dường như Max Müller muốn tránh chưa bàn sâu mối quan hệ thực chất giữa khoa học và tôn giáo, mặc dù ông là người đầu tiên đề xuất khái niệm Science of Religion (Khoa học về tôn giáo). Trước Müller, nhận thức khoa học về hiện tượng tôn giáo đã được triển khai với sự ra đời của xã hội học tôn giáo, bắt đầu từ Auguste Comte, đã đem lại một sinh khí mới cho nhận thức về hiện tượng phổ biến này trong lịch sử nhân loại, ngoài hai bộ môn quen thuộc trước đó là Triết học về tôn giáo và Thần học [Nguyễn Quốc Tuấn, 2014: 3-15].
           Trong suốt thế kỷ XIX, quan điểm lý thuyết của các nhà khoa học xã hội, như: Auguste Comte, Herbert Spencer, Émile Durkheim, Max Weber, Karl Marx và Sigmund Freud, v.v... đều coi tôn giáo là đối tượng nghiên cứu khách quan và khoa học, mối quan hệ giữa khoa học xã hội và tôn giáo là dạng quan hệ “đối lập” (opposite) [Lai Chi-tim, 2015: 10]. Sự đối lập đó nhìn từ góc độ nghiên cứu lý thuyết, hoàn toàn không phải xuất phát từ cảm tính hay từ quan niệm triết học, mà thực chất là nó được xác lập bởi một bối cảnh và mô thức - paradigm (hệ thức) được xác lập kể từ khi các lý thuyết khoa học xã hội sơ kỳ mô phỏng khoa học tự nhiên để nghiên cứu và giải thích tôn giáo. Có thể khái quát sự đối lập giữa khoa học và tôn giáo ở các phương diện: Phương pháp luận và lập trường phê phán tôn giáo.

       Xét từ phương diện phương pháp và mục đích nghiên cứu tôn giáo của Khoa học xã hội giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cách tiếp cận và giải thích về tôn giáo từ các góc độ Khoa học xã hội khác đều chịu ảnh hưởng của xu hướng lý thuyết duy khoa học (Scientism) và duy thực chứng (Positivism).
        Chủ thuyết duy thực chứng được khởi xướng bởi Comte đã định hướng cho hàng loạt lý thuyết khoa học xã hội thực hiện nguyên lý hoàn nguyên, hoặc quy giản (Reductionism) - quy bản chất tôn giáo thuộc về hiện tượng “hư ảo” (false), đồng thời, cho rằng đó thực chất là sự phản ánh chân thực của xã hội, văn hóa và tâm lý. Vì vậy, bản thân tôn giáo không có được ý nghĩa chân thực độc lập của chính nó. Khoa học xã hội giải thích về tôn giáo bằng cách vận dụng hoặc phát minh các lý thuyết, sử dụng các khái niệm, ngôn ngữ của ngành khoa học nào đó (ví dụ, Ngôn ngữ học, Xã hội học, Tâm  lý học, v.v…) để giải thích về tôn giáo, kết quả nghiên cứu thuyết minh về các hiện tượng thuộc tôn giáo (bao gồm những yếu tố không thể diễn ngôn) như những yếu tố chân thực, thuộc về những thực thể và chức năng mang tính thế tục.

        Với cơ sở phương pháp luận như vậy, chúng ta thường thấy các nhà khoa học xã hội, đặc biệt là Xã hội học, Tâm lý học đề xuất các định nghĩa tôn giáo bắt đầu với cú pháp “tôn giáo chẳng qua là …”. Ví dụ, S. Freud sử dụng lý thuyết lõi của trường phái Phân tâm học, dùng yếu tố tâm lý “ham muốn tiềm thức bị đè nén” để giải thích bản chất tâm lý của tôn giáo, chỉ rõ tôn giáo chẳng qua là kết quả tinh thần của sự thay thế, thăng hoa và khúc xạ của ham muốn tiềm thức bị đè nén. Hay Durkheim giải thích rằng đối tượng được tôn thờ trong các nghi lễ tôn giáo có tính thiêng (sacredness), chẳng qua cũng là kết quả của tác dụng phản xạ có tính xã hội (sociality) đến từ sự kết nối cộng đồng.
        Có thể thấy, dưới các cách tiếp cận và bộ khái niệm công cụ chuyên ngành khoa học khác nhau, những vấn đề như nguồn gốc, biểu hiện, chức năng của tôn giáo đều tham chiếu dưới các trạng thái tâm lý, sinh lý hoặc xã hội của con người, mục đích là muốn chứng minh tính chính xác và khả dụng của lý thuyết khoa học của ngành mình trong nghiên cứu, giải thích hành vi cá nhân và hành vi xã hội. Vốn thuộc trường phái Nhân văn chủ nghĩa không đồng thuận quan điểm duy khoa học trong nghiên cứu tôn giáo, Mircea Eliade đã phê phán rằng, quan điểm và phương pháp nghiên cứu tôn giáo theo trường phái Chức năng luận như K. Marx, Sigmund Freud hay Emile Durkheim, v.v… đều khiến cho tôn giáo không còn là một đối tượng nghiên cứu có tính chủ thể độc lập của chính nó, cốt lõi của tôn giáo, tức cái thiêng “le sacré”/ (das Heilige) bị quy giản như một “hình thái ý thức” hay “hiện tượng phụ” (epiphenomenon) mang những nhân tố tâm lý, xã hội nào đó [Mircea Eliade,1969: 1-9][3].
         Trong thực tế, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, nhiều học giả Nhân văn chủ nghĩa và Hiện tượng luận đã cực lực phê phán “chủ nghĩa quy giản” (hay “chủ nghĩa hoàn nguyên”) trong nghiên cứu tôn giáo (anti-reductionists). Họ chỉ ra rằng, cách tiếp cận nghiên cứu tôn giáo của các nhà khoa học xã hội vẫn là kế thừa những sai lầm của khoa học xã hội thời kỳ Khai sáng, tức là kiểu mô phỏng lý thuyết khoa học tự nhiên để lý giải những hiện tượng, hành vi có ý nghĩa nhân văn của con người, đó là hành vi tôn giáo [Lai Chi-tim, 2015: 10-13].

            Dưới ảnh hưởng của tiến bộ khoa học, các nghiên cứu khoa học xã hội về tôn giáo chủ yếu vận dụng lập trường phê phán, “không đồng cảm” với tôn giáo, nhấn mạnh rằng niềm tin tôn giáo mê tín (superstious) là đi ngược với sự phát triển của văn minh lý trí hiện đại. Lý thuyết xã hội học cấp tiến thậm chí phê phán những cái xấu của tôn giáo khiến cho con người không thể nhận thức chính xác các vấn đề và thực trạng của bản thân và xã hội hiện thực.
           Do điều kiện lịch sử, loại quan điểm này ảnh hưởng sâu sắc trong suốt một thời kỳ dài ở giới học thuật Xô Viết nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Câu nói nối tiếng của Karl Marx: “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (opium of the people) trước kia thường được nhắc đi nhắc lại với hàm ý tiêu cực, nhấn mạnh tính “mê hoặc” làm suy giảm tiềm năng phấn đấu vốn có của con người, thực hành tôn giáo là chứng tỏ con người bất lực trước tự nhiên và xã hội.
         Do đó, tôn giáo không những giải thích sai lầm về thế giới vũ trụ tự nhiên, mà còn mang đến cho đạo đức, tính cách cá nhân và xã hội, văn hóa những ý nghĩa giá trị tiêu cực, bởi vì nó đã cản trở sự phát triển của đời sống và lịch sử ở các phương diện sức khỏe, lý trí và tiến bộ. Ngay cả các nhà xã hội học ôn hòa, như: E. Durkheim, G. Simmell, M. Werber thì cũng cho rằng, tôn giáo trong xã hội hiện đại hóa đã mất đi chức năng mang tính cộng đồng (public) vốn có trong xã hội truyền thống. Tôn giáo nếu không bị đào thải bởi văn hóa hiện đại, thì cũng chỉ lắng lại ở sự lựa chọn của cá nhân muốn tìm kiếm sự an ủi tâm linh mà thôi.
        Về mặt tổng thể, quan điểm lý thuyết của những nhà kinh điển của thế kỷ XIX từ Auguste Comte, Karl Marx, Herbert Spencer, Émile Durkheim, Max Weber, cho đến Sigmund Freud đều tin rằng với sự  phát triển của xã hội công nghiệp, tôn giáo sẽ mất dần tầm quan trọng và sẽ không còn có ý nghĩa nữa.

       Có thể nói, thế kỷ XIX là sự lên ngôi của chủ nghĩa khoa học, là một trong những đặc điểm nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu và lý luận về tôn giáo, đồng thời cũng chính là một trong thách thức và trở ngại khiến cho việc tìm kiếm, xây dựng mô thức phương pháp luận độc lập cho bộ môn Tôn giáo học tạm trở nên trầm lắng ở giai đoạn chuyển giao thế kỷ XIX và thế kỷ XX.
       Tuy nhiên, xét từ quá trình hình thành và phát triển của lĩnh vực nghiên cứu khoa học về tôn giáo trên thế giới, có thể nhận thấy mỗi một loại quan điểm lý thuyết về tôn giáo đều không xuất hiện một cách tự phát mà trên cơ sở kế thừa phê phán lẫn nhau, hình thành nên những trường phái có truyền thống khác nhau. Đó có thể hoặc là phê phán, hoặc là bênh vực, hoặc là ôn hòa, nhưng đều cung cấp những cơ sở lý luận và phương pháp luận hết sức quan trọng trong nghiên cứu khoa học về tôn giáo suốt thế kỷ XX.


4. Ảnh hưởng của thuyết Tiến hóa (Theory of Evolution) trong nghiên cứu khoa học về tôn giáo

        Sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu khoa học về tôn giáo ở Châu Âu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX gắn liền với những phát hiện của trào lưu Nhân loại học và Dân tộc học thực dân, cùng với phương pháp nghiên cứu so sánh giữa các nền văn hóa tôn giáo khác nhau trên thế giới. Đặc biệt với sự ra đời và ảnh hưởng phổ quát của thuyết Tiến hóa, những lý thuyết ban đầu về nguồn gốc, bản chất và chức năng của tôn giáo lần lượt ra đời và có ảnh hưởng lâu dài đối với lĩnh vực khoa học về tôn giáo nói riêng và các khoa học xã hội khác nói chung.
        Phần lớn các nhà nghiên cứu lý thuyết tôn giáo thế kỷ XIX đều thừa nhận rằng, các nhà nghiên cứu đương thời chủ yếu sử dụng các khái niệm phát triển lịch sử hoặc tiến hóa lịch sử để luận giải sự hình thành, phát triển của tôn giáo trong chính dòng chảy và diễn biến của lịch sử. Như Samuel Preus đã chỉ ra trong công trình Lý giải tôn giáo (Explaning Religion, 1987), sự hình thành bộ môn Tôn giáo học cuối thế kỷ XIX là kết quả của quá trình nhận thức khoa học về tôn giáo vốn được khơi nguồn từ thời kỳ Khai sáng, cụ thể là từ khi xuất hiện thuyết Tiến hóa theo quan niệm tôn giáo của David Hume (1711-1776), cho đến Auguste Comte thế kỷ XIX .
           Thời kỳ Khai sáng, với sự ra đời của công trình kinh điển Lịch sử tự nhiên của tôn giáo, Hume lập luận rằng, tôn giáo không phải do Chúa (God) tạo ra, mà là một quan niệm, một hình thái ý thức trong tiến trình lịch sử nhân loại. Ông nhấn mạnh một tiến trình phát triển tự nhiên trong quan niệm từ thần chưa hoàn thiện đến thần hoàn thiện, từ đa thần đến nhất thần, tất cả đều là tiến trình của tư duy. Do đó tôn giáo là kết quả của tiến trình phát triển từ quan niệm đa thần đến quan niệm nhất thần [Samuel Preus, 1987: xv].
           Thuyết Tiến hóa thể hiện rất rõ trong triết học biện chứng duy tâm của Hegel và triết học thực chứng của Comte về tiến trình lịch sử của tôn giáo thế giới. Theo Hegel, tôn giáo thế giới phát triển từ quan niệm tuyệt đối của tôn giáo tự nhiên từ Phương Đông đến tôn giáo theo tinh thần Phương Tây, như Do Thái giáo, tôn giáo Hy Lạp, tôn giáo La Mã, sau đó phát triển thành Kitô giáo. Comte cũng như vậy, ông chia lịch sử thế giới thành ba giai đoạn: thần học, siêu hình và khoa học thực chứng, còn thần học thì trải qua ba giai đoạn phát triển: từ bái vật giáo, đa thần giáo, đến nhất thần giáo [Nguyễn Đức Sự, 2008: 3-6].
          Cho đến khi công trình kinh điển Sự ra đời của các giống loài của Darwin (1809-1882) công bố, thuyết Tiến hóa trong lĩnh vực Sinh vật học đã làm nên một cuộc cách mạng trong khoa học nói chung và khoa học về tôn giáo nói riêng, bởi vì nhờ vào những căn cứ khoa học của nó mà vấn đề nguồn gốc, bản chất của tôn giáo vượt qua những rào cản kiên cố của hệ thống lý luận Thần học Trung cổ, được lý giải một cách khách quan, lý tính từ góc độ các khoa học khác nhau. Đánh dấu cho bước phát triển tiếp theo của lý thuyết này chính là Herbert Spencer (1820-1903) với công trình Xã hội học First Principles (1862). Spencer kết hợp nguyên lý tiến hóa sinh vật của Darwin với quan điểm về tư tưởng xã hội, cho rằng xã hội loài người, từ mọi thiết chế tổ chức, ngôn ngữ, văn hóa, khoa học nghệ thuật cho đến tôn giáo đều là kết quả của tiến hóa, đồng thời ông cũng chỉ ra nguồn gốc xuất hiện của tôn giáo không phải bắt đầu từ quan niệm thần linh, mà từ sự sùng bái của người nguyên thủy đối với thủ lĩnh đáng kính của họ.
         Những nguyên tắc theo Thuyết Tiến hóa đã tác động mạnh mẽ đến đời sống và các định chế văn hoá xã hội của loài người. Tư tưởng lý thuyết của Spencer rất nhanh chóng trở thành tinh thần khoa học và bầu không khí học thuật thời đại [Nguyễn Đức Sự, 2008: 5], có vai trò như động lực phát triển theo hướng đa ngành đến lĩnh vực phương pháp luận trong nghiên cứu lịch sử các tôn giáo (Tôn giáo học so sánh), Nhân loại học và Xã hội học của các nhà lý luận tôn giáo kinh điển, như: M. Müller, E. Tylor, J. Frazer, F. Engels, É. Durkheim, M. Werber, v.v…

            Ảnh hưởng của thuyết Tiến hóa trong lý thuyết của Max Müller nói riêng và trong nghiên cứu Tôn giáo học hết sức rõ rệt, bởi vì như trên đã nói, một trong những chủ đề lớn của nghiên cứu tôn giáo giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chính là vấn đề nguồn gốc và sự phát triển của tôn giáo trong lịch sử nhân loại.
        Ngay từ tác phẩm đầu tiên Tiểu luận về thần thoại học so sánh (Essays on comparaitive mythology) (1856) cho đến tác phẩm Nguồn gốc và sự phát triển của tôn giáo (Lectures on the Origin and Growth of Religion, 1878), Müller đều tuân thủ thuyết Tiến hóa để làm rõ diễn trình từ quan niệm thần thoại sơ khai đến sự quan niệm đối với thực tại thiêng - bước phát triển cuối cùng của sự hình thành tôn giáo. Müller kế thừa tư tưởng của Kant, cho rằng con người ngoài nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, còn có loại thứ ba là “năng lực đức tin” (the faculty of faith).
         Như vậy, tôn giáo, về mặt chủ quan là một loại năng lực đức tin, về mặt khách quan là Sự nhận thức về cái Vô hạn (The perception of the Infinite) [Friedrich Max Müller, 1873: 13-14]. Müller định nghĩa bản chất của tôn giáo là một năng lực nhận thức bẩm sinh (mental faculty), hoặc khuynh hướng tâm lý con người, nó không quan hệ gì với cảm giác và lý tính, nhưng cảm nhận được “cái vô hạn (the Infinte)”, tức là “thần” với danh xưng và hình tượng khác nhau. Loại tín ngưỡng thiên bẩm trong con người không ngừng phát triển theo tiến trình lịch sử nhân loại, tôn giáo theo đó cũng tiến triển từ tôn giáo một thần, tôn giáo đa thần và tôn giáo duy nhất thần [Friedrich Max Müller, 1878: 22].

        Tiếp theo Müller, Thuyết Tiến hóa được ứng dụng rõ rệt nhất trong tác phẩm kinh điển Văn hóa nguyên thủy (Primitive culture, 1871) của E. Tylor (1832-1917). Từ góc độ Nhân loại học, kế thừa phương pháp Tôn giáo học so sánh của Müller, Tylor chứng minh về sự tồn tại loại tôn giáo cổ xưa, phổ biến nhất của nhân loại chính là Hồn linh giáo (Animisme/ Animism). Ông kết hợp Thuyết Hồn linh với Thuyết Tiến hóa của Darwin để luận giải sự phát triển từ hình thức thấp đến cao của tôn giáo, từ đa thần giáo đến nhất thần giáo.
       Theo. M. Eliade và Daniel L. Pals, luận thuyết của E. Tylor có một phần mục đích nhằm phê phán lý thuyết Thần thoại và sự chú trọng thái quá vào văn học cổ đại Hindu của Müller [M. Eliade, 1979: 26 và Daniel L. Pals, 2008: 20]. Từ đó, ông chủ trương, việc nghiên cứu tôn giáo trước hết phải coi trọng các nền văn hóa ở những cộng đồng người chưa phát triển, chính nguồn tư liệu Nhân học, Dân tộc học phong phú thu thập được từ các tôn giáo sơ khai, đã góp phần thay đổi quan niệm và cách tiếp cận về tôn giáo. Do đó, giới khoa học xã hội đều công nhận Tylor chính là người mở đường cho nghiên cứu liên ngành khoa học về tôn giáo.

          Trên cơ sở thuyết Tiến hóa văn hoá, nhà Nhân loại học người Anh James G. Frazer vào thập niên 1890 đã đề xuất lý thuyết Tiền hồn linh giáo (Pre-animistic religion) nhằm chứng minh sự phát triển của tôn giáo không phải từ cấp độ niềm tin vào một thế lực siêu nhân (Mana) như trước đó giới khoa học vẫn quan niệm.
           Trong tác phẩm Cành Vàng (The Golden Bough (1890), Frazer thông qua so sánh nguồn tư liệu Dân tộc học, thần thoại của các nền văn hóa trên thế giới, coi ma thuật là hình thức có trước tôn giáo. Ông kế thừa mô hình của Auguste Comte về ba giai đoạn phát triển trí tuệ của con người, đưa ra sơ đồ tiến hoá ba giai đoạn của tư duy nhân loại là từ tư duy ma thuật, tiếp đến là tư duy tôn giáo và cuối cùng là tư duy khoa học. Theo đó, khoa học là tiên tiến nhất trong ba giai đoạn phát triển của lịch sử tôn giáo nhân loại [James Frazer, 2007: 1119-1120].

          Trong số các học giả theo trường phái Duy vật Lịch sử, F. Engels (1820-1895) có quan điểm về tôn giáo thể hiện rất rõ xu hướng Tiến hóa luận. Trong tác phẩm Chống Dühring (1878), Engels bàn về tôn giáo trong mối liên hệ với sự phát triển của đời sống hiện thực (tức là điều kiện lịch sử xã hội), ông thuyết minh về quá trình tiến hóa từ tôn giáo tự nhiên, đến tôn giáo đa thần rồi đến tôn giáo nhất thần, từ đó chỉ ra nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội của tôn giáo, cũng như sự phát triển của nó trong mối tương quan với biến đổi xã hội [Đặng Nghiên Vạn, 2001:61].
          Quan điểm của F. Engels về tôn giáo không chỉ là một đóng góp mới cho Tôn giáo học cuối thế kỷ XIX, mà sau này, do điều kiện lịch sử, đã ảnh hưởng hết sức lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chính sách tôn giáo, văn hóa nước ta.

        Trong xu thế của thời đại, bước sang thế kỷ XX, nhiều nhà Xã hội học theo trường phái Chức năng cũng chịu ảnh hưởng của Tiến hóa luận dưới nhiều hình thức khác nhau. Durkheim chọn đối tượng nghiên cứu là tôn giáo bản địa của thổ dân Bắc Mỹ và Châu Úc. Ông cho rằng xã hội đơn giản của người thổ dân cũng tương ứng với xã hội đơn giản, tôn giáo nguyên thủy cổ xưa nhất của nhân loại, trong đó bao gồm những hình thức cơ bản của tôn giáo.
           Durkheim giống với Spencer, coi xã hội như một hiện thực siêu hình, tổ hợp xã hội cơ bản của xã hội truyền thống chính là xây dựng trên cơ sở mọi người tuân thủ các quy phạm giá trị tập thể, vì vậy những biểu trưng quyền lực (trong tường hợp này chính là tôn giáo), sẽ duy trì và những giá trị và ý thức tập thể (conscience collective) một cách hữu hiệu nhất [Nguyễn Đức Truyến, 1994: 213].             Theo Durkheim, quá trình phát triển từ xã hội truyền thống quá độ lên xã hội hiện đại, do kết cấu của xã hội hiện đại là kết quả của sự phân công chặt chẽ và chuyên nghiệp hóa, rồi trên cơ sở đó phụ thuộc và cố kết lẫn nhau, bởi vậy, quy tắc và sự tuân thủ giá trị mang tính tập thể trước kia đều đi ngược chiều với các quan niệm giá trị theo sự phân công của xã hội hiện đại. Như vậy, giá trị tập thể truyền thống của các tôn giáo không thể tiếp tục phát huy chức năng của nó đối với chỉnh thể xã hội. Từ những điểm phân tích này, Durkheim dự đoán rằng tôn giáo truyền thống sẽ dần biến mất trong quá trình phát triển không những của xã hội hiện đại, hoặc sẽ xuất hiện hình thái mới để thích ứng với xã hội hiện đại.


Kết luận

      Sẽ còn rất nhiều hạn chế khi trình bày những đặc điểm về mặt lý luận của lĩnh vực nghiên cứu khoa học về tôn giáo cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong phạm vi hạn hẹp như trên. Tuy nhiên, thông qua việc khái quát sự hình thành bộ môn Tôn giáo học, đặc biệt là những đóng góp của M. Müller và qua việc chỉ ra một số đặc điểm lý luận Tôn giáo học giai đoạn này, có thể nhận thấy rất rõ xu hướng “duy khoa học” và “duy thực chứng” trong lý luận tôn giáo.
     Mục đích của các nhà khoa học không chỉ là đưa ra một dự đoán khác hay một tập hợp các suy đoán mà còn nhằm đưa ra các lý thuyết dựa trên bằng chứng theo xu hướng khoa học tự nhiên. Họ đều tin rằng một lý thuyết tôn giáo có thể được phát triển từ một nền tảng chung của các sự kiện khách quan thu được từ sự hỗ trợ của phương pháp thực chứng, đặc biệt là từ nguồn tư liệu phong phú về thực tiễn đời sống tôn giáo ở hầu khắp các nền văn hóa trên thế giới.
      Điều này giải thích tại sao các lý thuyết tôn giáo giai đoạn “Kinh điển” đã xác lập được tính tổng quát và ứng dụng toàn cầu, hơn nữa tiếp tục có ảnh hưởng trong nghiên cứu Tôn giáo học giai đoạn hậu hiện đại, bất chấp những ý kiến phê phán từ trào lưu “phản đối lý thuyết hóa về tôn giáo” diễn ra song song với tiến trình phát triển của bộ môn Tôn giáo học từ nửa sau thế kỷ XX trở đi. /.




TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Cornelis, P. Tiele (1897), Elements of the Science of Religion, Vol. I: Morphological, New Rork: Charles Scribner’s Sons.
  2. Donald Wiebe (2000), The Politics of Religious Studies: The Continuing Conflict with Theology in the Academy, New York: Palgrave.
  3.  Daniel L. Pals (2008), Introducing Religion: Readings from the Classic Theorists, New York: Oxford University Press.
  4. Daniel L. Pals (2015), Nine Theories of Religion, New York: Oxford University Press (First published as Seven Theories of Religion in 1996).
  5. Donald Wiebe (1999), Religion and the Scientific Impulse in the Nineteenth Century: Friedrich Max Müller and the Birth of the Science of Religion”, in: Donald Wiebe (1999), The Politics of Religious Studies, New York: St. Martin Press.
  6. Friedrich Max Müller and the Birth of the Science of Religion”, in: Donald Wiebe (1999), The Politics of Religious Studies, New York: St. Martin Press.
  7.  Nguyễn Hồng Dương (2010), Mấy vấn đề về tôn giáo học và giảng dạy tôn giáo học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.
  8. Trương Hải Dương (TQ) (2008), “Durkheim và di sản học thuật của ông”, trong: Đọc hiểu các tác phẩm kinh điển Nhân loại học , Nxb. Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, 庄孔韶(2008), 人类学经典导读,北京: 中国人民大学出版社.
  9. Trần Anh Đào (2009), “Friedrich Max Müller và đóng góp của ông trong Dẫn luận tôn giáo học”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 7&8. 9. Eric J. Sharpe (1975), Comparative Religion: A History (Lịch sử Tôn giáo học so sánh),
    New York: Charles Scribner’s Sons.
  10. Friedrich Max Müller (1868), Chips from a German Workshop, 2nd ed., 2 vols. (London: Longmans, Green, and Co.)
  11. Friedrich Max Müller (1873), Introduction to the Science of Religion (Dẫn luận Tôn giáo học): Four Lectures Delivered at the Royal Institution with Two Essays on False Analogies, and the Philosophy of Mythology, London: Longmans, Green.
  12.  Friedrich Max Müller (1878), Lectures on the Origin and Growth of Religion (Các bài giảng về nguồn gốc và sự phát triển của tôn giáo), London: Longmans, Green.
  13. James Frazer (Ngô Bình Lâm dịch, 2007), Cành Vàng - The Golden Bough, Nxb. Văn hóa thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tr.96-102.
  14.  J. M. Yinger (1971), The Scientific Study of Religion (Nghiên cứu khoa học về tôn giáo), bản dịch tiếng Trung Quốc của Kim Trạch, Lưu Bành, 宗教的科学研究. 2 tập, Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh 2009.
  15. Jacques Waardenburg (1999), Classical Approaches to the Study of Religion: Aims, Methods, and Theories of Research. Walter de Gruyter, New York, Berlin.
  16. John R. Hinnells (2005), The Routledge Companion to the Study of Religion, Pub. in the Taylor & Francis e-Library.
  17. Lai Chi-tim (Trần Anh Đào dịch, 2015), “Sự chuyển dịch mô thức nghiên cứu Khoa học xã hội về tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1: 9-29.
  18. M. Stausberg (ed.) (2009), Contemporary Theories of Religion: A Critical
  19. Companion, London - New York: Routledge.
  20.  Marjorie Wheeler-Barclay (2010), The Science of Religion in Britain 1860-1915, University of Virginia Press.
  21.  Mircea Eliade (Nguyễn Văn Kiệm dịch, 1979), “Tôn giáo”, trong : Viện Thông tin Khoa học Xã hội (1997), Tôn giáo và đời sống hiện đại (tập 1), TT Khoa học Xã hội - Chuyên đề, Hà Nội: 24-52.
  22. Mircea Eliade (1969), The Quest: History and Meaning in Religion, Chicago: University of Chicago.
  23. Robert A. Segal (2006), The Blackwell Companion to the Study of Religion, First published by Blackwell Publishing Ltd.
  24. Samuel Preus (1987), Explaining Religion: Criticism and Theory, Yale University Press: p. xv (Phần mở đầu).
  25.  Stephen Hunt (2005), Religion and Everyday Life, London: Routledge.
  26.  Nguyễn Đức Sự (2007), “Friedrich Max Müller và việc đề xuất khái niệm tôn giáo học”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11:7-9.
  27. Nguyễn Đức Sự (2008), “Tôn giáo học và tiến hóa luận”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11: 3-6.
  28. Nguyễn Đức Sự (Chủ biên, 1999), Mác, Ăngghen, Lênin bàn về tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
  29. Vũ Mạnh Toàn (2013), “Quan niệm theo lối phân tâm học của S. Freud về tôn giáo”, Triết học, số 8 (267):66-70.
  30.  Nguyễn Quốc Tuấn (2014), “Tiếp Cận hệ thống về thực thể tôn giáo: Một cách nhìn khác về tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3 (129): 3-15.
  31. Nguyễn Đức Truyến (1994), “E. Durkheim và tôn giáo”, trong: Viện Nghiên cứu Tôn giáo (1994), Những vấn đề về tôn giáo hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 208-225. 33. Đặng Nghiêm Vạn (2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
  32. Viện Nghiên cứu Tôn giáo (1994), Những vấn đề về tôn giáo hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.


CHÚ THÍCH
 

[1] Nguyên văn “The Science of Religion may be the last of the sciences which man is destined to elaborate; but when it is elaborated, it will change the aspect of the world”. Friedrich Max Müller, Chips from a German Workshop, 2nd ed., 2 vols. (London: Longmans, Green, and Co., 1868), I, pp. xix–xx.
[2] Bài viết tham khảo bản dịch tiếng Trung Quốc : Stephen Hunt (2010) :《宗教与日常生活王修晓林宏译,北京:中央编译出版社tr. 16.
[3] Quan điểm Mircea Eliade phê phán của  Chủ nghĩa quy giản (Reductionism) thường được ông nêu rõ trong trong hầu hết các tác phẩm kinh điển của mình. Về quan điểm “chống quy giản” (Anti-reductionism) của các nhà lý luận Khoa học Xã hội khác, tham khảo: Mircea Eliade (1969), The Quest: History and Meaning in
Religion, Chicago: University of Chicago.

 
 

Tác giả: DRS

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay2,304
  • Tháng hiện tại30,759
  • Tổng lượt truy cập1,096,227
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây