PHẬT GIÁO VIỆT NAM – PHẬT GIÁO TỔ QUỐC LUẬN

Thứ ba - 17/10/2023 09:02

PHẬT GIÁO VIỆT NAM – PHẬT GIÁO TỔ QUỐC LUẬN

PGS.TS, Trần Thị Kim Oanh - Trưởng Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.Bài tham luận tại Hội thảo “Phong trào Phật giáo 1963 và 60 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu (11/6/1963 – 11/6/2023)”, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
      
     
Phật giáo là một tôn giáo, nên khi nói đến Phật giáo là nói đến một cấu trúc tinh thần được định hình trong quá trình lịch sử lâu dài, trên cơ sở những điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội nhất định, thay đổi chậm chạp trong sự vận động và phát triển của con người mà như C.Mác đã khẳng định “Nhà nước ấy, xã hội ấy, con người ấy[1] đã sản sinh ra tôn giáo ấy”[2]. Cấu trúc tinh thần được định vị đó, nó chính là bản chất, là hệ thống những đặc điểm, hiện tượng, phẩm chất tồn tại một cách khách quan, tất yếu tạo thành một thiên hướng, một lực trội thể hiện qua hành vi, ứng xử, hành động của tín đồ, quyết định bước ngoặt đối với vận mệnh của tôn giáo, Phật giáo.
      Trong quá trình phát triển của bất cứ tôn giáo nào trên thế giới thì bản chất của nó đều được định hình qua các lớp văn hóa nơi nó truyền đến để cắm rễ, phát triển. Phật giáo Việt Nam không ngoại lệ - Phật giáo Việt Nam không có sẵn cái “chất Việt Nam”ngay từ thuở ban đầu hình thành, mà nó đã phải trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cùng dân tộc Việt Nam. Nói khác, cái làm nên “chất Phật giáo Việt Nam” không gì khác, chính là tính đặc thù của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, của tín ngưỡng bản địa Việt Nam đã được tích tụ trong Phật giáo suốt dằng dặc hàng nghìn năm cùng tiến trình lịch sử Việt Nam. Do vậy, bài viết này đi sâu vào vào 2 vấn đề cốt lõi, định hình nên “chất Phật giáo Việt Nam – Tổ quốc luận” là: Tổ quốc luận có sẵn trong con người, văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam và những minh chứng Tổ quốc luận - sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Phật giáo Việt Nam và nó cũng nằm trong chính cuộc đời Thiền sư, Tu sĩ, Phật tử Việt Nam.

          Thứ nhất: Tổ quốc luận – bản chất văn hóa, con người Việt Nam
     Cội nguồn văn hóa Việt Nam là nông nghiệp lúa nước, đời sống người Việt cổ gắn bó với cỏ cây, sông nước, rừng biển, chịu ảnh hưởng của khu vực nhiệt đới gió mùa. Truyền thống của người Việt Nam là hệ quả tổng hợp của các điều kiện tự nhiên kinh tế, xã hội lịch sử và tư tưởng tín ngưỡng tâm linh Việt, được luyện hợp qua hàng thiên niên kỷ. Xét một cách khái quát, xã hội Việt Nam truyền thống là xã hội tiểu nông, lúa nước, với hằng số văn hóa là nông nghiệp. Người nông dân là hình ảnh tiêu biểu, đích thực con người Việt Nam. Những công việc của nhà nông thì cực nhọc, vất vả đòi hỏi con người phải có đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên trì nhẫn nại, cũng như một nếp sống tằn tiệm giản dị. Trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên như đắp đê chống lụt, khơi mương chống hạn hán, lại đòi hỏi phải có sự chung lưng đấu cật, một lao động tập thể, do đó sinh hoạt làng xã là mang tính cộng đồng. Từ chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ như vậy đã tạo nên lối tư duy của người Việt gắn với nền văn minh lúa nước, họ yêu sự lành, ghét sự thù, luôn khao khát cuộc sống được bình yên.
     Tuy nhiên, Việt Nam cư trú trên một phần của bán đảo Đông Dương, ven biển Thái Bình Dương, có đường bờ biển dài, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia và biển Đông, mang hình chữ S. Phần rộng nhất trên đất liền là tầm khoảng 500 km, chỗ hẹp nhất là khoảng chừng 50 km[3]. Như vậy, Việt Nam ở vào vị trí chiến lược của vùng Đông Nam Á, nằm trên các đầu mối giáo thông thủy, bộ quan trọng từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, nên không tránh được nguy cơ ngoại xâm. Những di tích về sự phát triển vũ khí quân sự Việt Nam nằm trong các viện bảo tàng là một minh chứng. Thực tế đó cũng cho thấy ngay từ thời Phùng Nguyên đến Đông Sơn đặc biệt là cuối thời Hùng Vương đã có sự đe dọa, nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Trước những yêu cầu khách quan đó, cần có sự liên minh giữa các bộ lạc, trong đó chủ đạo là bộ lạc Văn Lang hình thành[4]. Đây cũng là giai đoạn hình thành lớp văn hóa bản địa của người Việt Nam và trong tiến trình phát triển lịch sử. Việt Nam đã giao lưu với nhiều nền văn hóa khác, nhưng sự giao lưu tiếp biến chỉ hình thành lớp phủ văn hóa, còn gốc rễ văn hóa sâu nhất của người Việt hình thành là trong giai đoạn đầu của lịch sử Việt Nam với những môi trường, điều kiện khí hậu, kinh tế, chính trị quyết định nên con người Việt Nam.
     Vừa dựng nước, người Việt Nam vừa phải đương đầu với sự khắc nghiệt của giới tự nhiên, với sự xâm lược của các thế lực bên ngoài, tạo ra cho họ ý thức đề cao giá trị cộng đồng và quyền lợi của cộng đồng, lấy cộng đồng làm bản vị và điểm xuất phát. Nói theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc thì “người Việt Nam là con người Tổ quốc luận, tức là đối với anh ta, Tổ quốc lớn hơn tất cả. Không cần tìm dẫn chứng ở xa xôi, lịch sử kháng chiến ba mươi năm qua là bằng chứng không thể chối cãi”[5]. Có lẽ vậy, mà nói về nước – nước là Tổ quốc được người Việt Nam quý trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời. Hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng, được kết tụ trong con người từ hồn thiêng sông núi, được cả đồng bào nâng niu, trân trọng và nó được tỏa ra từ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào năm 1946 của vị Lãnh tụ Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[6].
     Từ trong sâu thẳm, tâm thức người Việt Nam đã ý thức muốn bình an, hạnh phúc gia đình thì trước hết đất nước, làng xã phải bình an, còn nếu nước mất thì nhà sẽ tan. Động lực này tạo nên một cháy bỏng nung nấu thường trực trong lòng dân là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” nước tôi lâm nguy tức là tôi, gia đình tôi lâm nguy. Nên giặc mà xâm lăng thì phải cứu lấy nước, sau mới lo đến hạnh phúc gia đình, đến bản thân, chính lẽ đó mà ngay khi đất nước có nguy cơ bị giặc ngoại bang xâm lược thì không kể gái, trai, già trẻ, tín ngưỡng hay tôn giáo hay không tôn giáo đều đồng lòng nhất quyết xung phong ra trận, sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cho nên đối với người Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng, tinh thần yêu nước được đặt lên hàng đầu bảng giá trị, xuyên suốt kim cổ đến hiện đại. Qua đây, cho thấy trong sâu tâm thức của mỗi con người Việt Nam, mỗi tín đồ Phật giáo luôn sẵn sàng có tinh thần “Trung với nước, hiếu với dân”. Nhưng chữ Hiếu của người Việt Nam lại được hiểu là đại hiếu – hiếu với Tổ quốc, hiếu với dân tộc, sau mới hiếu trong gia đình – cha mẹ. Điều này khác hẳn với nước láng giềng Việt nam, đó là Trung Quốc - họ hiếu nghĩa là sùng bái gia tộc, tông tộc, chứ không có chủ nghĩa quốc tộc như Việt Nam. Chính Tôn Trung Sơn trong “Tam dân chủ nghĩa”, khẳng định: “Cái mà người Trung Quốc sùng bái nhất là chủ nghĩa gia tộc và chủ nghĩa tông tộc, không có chủ nghĩa quốc tộc… Còn đối với quốc gia, trước nay người ta chưa hề có một lần hy sinh cực lớn, do đó sức đoàn kết của người Trung Quốc chỉ có thể đặt đến tông tộc, chưa mở rộng đến quốc gia”[7]. Do vậy, thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh thì đối với người dân chỉ duy nhất là có một nước Đại Việt. Trong hai cuộc kháng chiến, mặc dù thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tìm mọi thủ đoạn chia cắt đất nước, lập ra chính phủ bù nhìn, nhưng trong tim của mỗi người dân với một lòng son sắc chỉ có một nước Việt Nam. Chính nhờ tâm thức của người dân như vậy đã tạo nên sức mạnh vô địch quật ngã mọi kẻ thù, đó là sức mạnh của văn hóa, sức mạnh đó được bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân mà không kẻ thù nào có thể chia cắt được Tổ quốc Việt Nam, không một kẻ thù nào có thể xâm chiếm được nước Việt Nam, không thể có một âm mưu nào có thể chia cắt nổi nước Việt Nam[8].
     Căn cứ vào giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam nên về cơ bản Phật giáo Việt Nam là căn cốt văn hóa Việt Nam bởi, Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên các quan hệ của một tín đồ Phật tử - con người Việt Nam, với gia đình, họ hàng, làng xóm, quê hương và nhất là với Tổ quốc. Nó xây dựng trên đạo lý, và do đó khái niệm “Phật giáo” của người Việt cũng xuất phát từ đạo lý, chứ không phải đạo lý xuất phát từ tôn giáo, như ở một số nước trên thế giới. Trước khi theo đạo Phật, người Việt đã có sẵn “cái đạo lý làm người”, cụ thể hơn là “làm người Việt Nam, bản tính  người Việt Nam”. Chính nó đã tạo ra tâm thức Phật giáo Việt Nam, xây dựng trên đạo lý biết ơn, hay nói như Hồ Chí Minh, đạo lý “Tình nghĩa”. Nó là sự hiển nhiên trong mỗi con người Việt Nam, nên Phật giáo của người Việt Nam có tính độc lập tương đối, đối với cội nguồn nơi sinh ra, dẫu dù là từ Ấn Độ, Trung Quốc, hay nơi nào chăng nữa. Vì đây là câu chuyện của người Việt Nam, nó không có ở một nền văn hóa nào khác. Nó không liên quan gì đến bản gốc của nó, cũng như bất kỳ giáo phái hay học thuyết nào, mà liên quan trực diện với văn hóa Việt Nam với những tín đồ Phật giáo là người Việt Nam. Người Việt Nam có một tâm thức Phật giáo riêng - đó là “Phật giáo thờ cúng”, thờ thần anh hùng dân tộc, thờ tổ tiên sinh thành ra mình trong cùng một bọc, thờ thần linh khí núi sông… nó tồn tại và mãi tồn tại như vậy, không giống như Phật giáo ở Ấn Độ. Mà C. Mác đã từng nói: Nhà nước ấy, xã hội ấy, đã tạo ra tôn giáo ấy. Từ thực tiễn lịch sử của con người, của văn hóa, của tín ngưỡng dân tộc Việt Nam mà Phật giáo Việt Nam ngày càng đậm nét dòng chảy yêu thương giống nòi của Tổ quốc sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước. Nói khác, chính con người Việt Nam Tổ quốc luận thì tất yếu Phật giáo Việt Nam là Tổ quốc luận.

Thứ hai: Tổ quốc luận - sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Phật giáo Việt Nam
     Ở Việt Nam, Tổ quốc luận được hình thành cùng với quá trình dựng nước và đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc của mỗi con người Việt Nam như trên tôi đã phân tích. Phật giáo đã được du nhập vào Việt Nam, trực tiếp từ Ấn Độ, qua con đường biển, sau mới lại tiếp tục hấp thụ Phật giáo từ Trung Hoa vào. Phật giáo du nhập vào Việt Nam không bằng con đường cưỡng chế như Nho giáo và một số tôn giáo khác, mà bằng con đường giao lưu tiếp nhận tự nguyện của nhân dân, do vậy Phật giáo vào Việt Nam là do chính người dân Việt Nam tiếp nhận – họ là những con người của dân tộc Việt Nam, sau mới là tín đồ Phật giáo, nên họ đã “nhào nặn” đạo Phật xoay quanh trục tín ngưỡng bản địa, xóm làng người Việt và hòa đồng, dung hợp với Nho, Lão. Phật giáo không xuất thế như trước mà nhập thế, gắn với phù chú, cầu xin tài lộc, phúc thọ hơn là tu hành thoát tục. Tất cả những yếu tố này đã làm nên diện mạo, tính cách Phật giáo Việt Nam “Đặc điểm của tôn giáo Việt Nam là sự thờ thần (tha lực, siêu nhiên), mà con người cúng và cầu để nhờ vả và sự “phù hộ độ trì”, thì Phật hay Quan âm cũng trở thành một loại thần, phật điện cũng trở thành một thứ thần điện, tính tâm linh Ấn Độ, nhường bước cho tình cảm Việt Nam (Hơn đâu hết, tôn giáo Việt Nam nặng về tính tình cảm hơn giáo lý, giới luật, đoàn thể, tôn giáo), sự suy tưởng nội tâm (thiền định) nhường bước cho sự van vái, co kéo Thần, Phật xuống gần “Cõi người ta” để “cứu khổ cứu nạn” cho Đời”[9].
     Theo nghiên cứu thì bất kể một tôn giáo nào, dù giáo triết có hay đến đâu mà không đến được với quần chúng nhân dân, hay đến với quần chúng nhân dân mà không được đón nhận thì giáo triết tôn giáo đó trở thành khô cứng, chết yểm. Phật giáo từ khi du nhập, đến nay đã hàng nghìn năm[10] nhưng vẫn như chất keo dính đeo đẳng, bám chặt vào đời sống con người Việt giống một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt Nam. Phật giáo là niềm tin và là hệ thống những đặc trương về phẩm chất của người sáng lập tồn tại một cách khách quan tất yếu, tạo thành một thiên hướng, một “lực” trội trong tinh thần, trong cách sống, trong ứng xử, hành động của con người mà ta có thể nhận thấy ở số đông thành viên của cộng đồng có tín ngưỡng Phật giáo trong thực hành nghi lễ, cũng như qua các lựa chọn có tính chất lịch sử, có ý nghĩa bước ngoặt đối với “vận mệnh” của mỗi con người. Nhìn vào tổng quan các giá trị mà xét thì bản chất Phật giáo là giàu tính nhân bản: từ bi, trí tuệ; bản nguyện là giác ngộ, giải thoát; bản hạnh là hòa bình, giáo dục và từ thiện. Từ những tính chất thiết thực ấy đã đưa Phật giáo phát huy chức năng xã hội của mình đó là: nhập thế, hòa mình vào nền văn hóa bản địa.
     Chính lẽ đó mà, Phật giáo khi vào Việt Nam, nó tạo thành sợi xoắn bền chặt trong giá trị bản sắc truyền thống của Tổ quốc Việt Nam, trải dài xuyên suốt lịch sử Việt Nam, với đặc tính cơ bản của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam mà tôi đã nói ở phần trên. Do bản chất con người Việt Nam là vậy, nên khi tiếp nhận đạo Phật và văn hóa Phật thì người Việt Nam không quá say mê với giáo lý, không quá ép mình trong khuôn khổ nghi lễ gò bó, không dùng quyền uy của đức Phật để biến Vua thành Vua - thần “Thế kỷ VI thủ lĩnh Việt  “Lý súy” là Phật tử chứ không là “Thiên tử”, Lý Nam Đế người Việt đầu tiên xưng Đế - lên ngôi xây ngay chùa Khai Quốc (chùa mở nước, sau là chùa Trấn Quốc ở Hà Nội nay) chứ không xây Văn Miếu”[11]…, mà họ tiếp nhận đạo Phật một cách tự nhiên bình dị. Đức Phật cũng là những vị thần trong tâm thức họ “Động Hương Tích vốn là hang Pụt (Bụt = Buddha = Phật) của người Mường Phú Lão – Yến Vĩ”[12]. Đạo Phật đầu tiên truyền vào được thờ cùng các vị thần trong làng, đạo Phật vào là để giúp dân xây dựng cộng đồng êm ấm, tránh được lòng tham và thói xấu, đồng thời họ lại có được niềm tin (yếu tố tâm linh), trí tuệ, chữ viết, lễ hội, trường trạm, hội hè... “Song xin chớ nên quên Đình – Đền – Chùa – Miếu… ngày trước là những trung tâm văn hóa – tôn giáo (tôn giáo cũng là văn hóa)”[13]; “Đình – Chùa là những kiến trúc công cộng to lớn, là những khối triến trúc – điêu khắc hoành tráng tạc vào không gian nông thôn yên ả, là trung tâm chính trị - văn hóa, là chỗ dựa tâm linh của cả làng. Nơi ấy luôn được coi là không gian thiêng, để tổ chức các hội lễ, đáp ứng nhu cầu văn hóa của con người Việt”[14]. Các thanh thiếu niên đến chùa không phải chỉ để sau này trở thành các Tăng sĩ, các Phật tử mà là để học cái Đạo, cái Chữ, cái Hạnh của nhà Phật. Chư Tăng không những làm việc tôn giáo mà còn là thầy dạy học hoặc thầy thuốc, hoặc là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Đồng thời là người hiểu biết trong xóm làng, chư Tăng làm cố vấn nhiều việc cho đời sống người dân nên được kính trọng, “Từ thời Đinh, Phật giáo được chính thức thừa nhận làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho vua. Rất nhiều Thiền sư tham dự chính sự tuy không tham gia chính quyền. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, những ông vua đều xuất thân võ tướng, cần đến sức học, sự hiểu biết của các vị Thiền sư – là thành phần chủ yếu của giới trí thức lúc bấy giờ… Các vua Lý so với các vua Đinh, Lê thì giỏi hơn nhiều về phương diện học thức. Họ đều có học Phật, học cả Nho, lại nuôi cả Đạo sĩ trong cung, cũng như nhiều Thiền sư, họ am tường cả Tam giáo”[15]
    Chắc cũng chính lẽ đó mà, văn hóa Phật giáo là một phần không thể thiếu của văn hóa dân tộc Việt Nam và luôn được ví như “đôi bạn tri kỷ”, sống chết có nhau và Phật giáo đã đi vào thơ ca, thấm sâu vào ký ức Tổ quốc Việt Nam “Mái chùa là hồn dân tộc” - ngôi chùa Việt Nam là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam (chùa luôn là trung tâm đoàn kết các dân tộc, cơ sở Cách mạng trung kiên, là nơi nuôi chứa bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng và đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, đặc biệt là vai trò của các vị sư sãi giàu lòng yêu nước). Cho dù có “Bão táp mưa sa của kẻ thù” muốn ngăn cách Phật giáo Việt Nam với Tổ quốc Việt Nam thì cũng không bao giờ làm được vì Phật giáo Việt Nam cũng chính là “máu thịt” Tổ quốc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam luôn cùng Tổ quốc Việt Nam khi có phong ba bão táp của kẻ thù thì quyện vào dân tộc – Tổ quốc để tạo nên sự cố kết cộng đồng vững chắc, vươn lên giành lấy độc lập, tự do.
      Có lẽ vậy mà, mỗi lần bị giặc xâm lăng, tinh thần cố kết cộng đồng lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết: giữa đất nước Việt Nam – con người Việt Nam- Phật giáo Việt Nam vùng lên quật ngã kẻ thù làm nên “Hào khí Đông A”, làm nên hệ tư tưởng “quốc giáo Việt Nam” “Lớp vua quan sư sãi thời Lý –Trần thời Lý – Trần còn có một cố gắng suy tư nhất định để điều chế ra một hệ tư tưởng Thiền Phật Giáo nhập thế Việt Nam làm trụ cột tư tưởng chính thống của xã hội, cốt lõi của văn hóa Đại Việt Lý – Trần… của mô hình quân chủ Phật giáo, đã từng tạo nên hào khí Đông A. Đến Hồ Quý Ly và nhà Hồ bài Phật, chê Tống Nho… Chính vì vậy mà bị nội công ngoại kích, nó sụp đổ rất nhanh”[16]. Phải khẳng định rằng, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần bất khuất trước những cường quyền bạo lực, luôn thể hiện sức sống mãnh liệt cùng Tổ quốc, cũng giống như dân tộc Việt Nam cho dù có bão táp vẫn không khuất phục trước kẻ thù.
      Lịch sử đã ghi nhận, không ai có thể chối cãi, từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, các vị tiền bối dù là Tăng, Ni hay tín đồ Phật tử đều đã khai thác tính nhân bản để phục vụ cho việc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khi Phật giáo đạt tới mức cực thịnh ở nước ta dưới triều đại nhà Lý, thì nhà nước Đại Việt cũng đạt tới mức cường thịnh chưa từng có trong lịch sử. Các vua nhà Lý sùng Phật, lấy đạo Phật làm quốc đạo, tôn người đạo cao đức trọng nhất trong Giáo hội làm Quốc sư, để vấn kế hưng nước, an dân. Nhờ đó mà kinh tế, văn hóa đạo đức xã hội phát triển mạnh mẽ.
     Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Phật giáo đã đứng về phía những người yêu nước. Nhiều Tăng sĩ, tín đồ phật tử trong hoạt động tôn giáo của mình đã nhen nhóm một tinh thần tự chủ, và nhiều tu sĩ Phật tử đã trực tiếp hướng dẫn người dân đứng lên làm cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của Lý Phật tử cuối thế kỷ VI, đầu thế kỳ VII, khởi nghĩa của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sau này (Pháp, Mỹ) là ví dụ. Hàng chục vạn thanh niên là tín đồ Phật tử đã tham gia chiến đấu, nhiều người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi của tu sĩ và Phật tử chống Mỹ Ngụy với các khẩu hiệu “ Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình”… Những tấm gương sáng chói, hy sinh anh dũng của tín đồ Phật tử như Quách Thị Trang, Nhất Chi Mai… . Điển hình là tấm gương của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối chính quyền Mỹ, Ngụy, đòi hòa bình, thống nhất đất nước. Trong ngọn lửa yêu nước anh dũng đó, quả tim của Hòa thượng không cháy, nhuốm thêm màu đỏ quốc kỳ, nó trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, thương dân của vị Bồ Tát đã dũng cảm cứu đạo, cứu đời. Hành động tự thiêu vì nền độc lập dân tộc của Hòa thượng Thích Quảng Đức như các nhà nghiên cứu nhận xét, nó thể hiện sự tinh túy của đạo Phật, là sự hun đúc của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo tới tầm cỡ thế giới… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Bồ tát Quảng Đức tự thiêu là để đấu tranh đòi quyền lợi cho Phật giáo, nhận định này không sai khi được quan sát trên lăng kính tôn giáo và tín ngưỡng thuần túy[17]. Nhưng theo logic dòng chảy lịch sử, con người Việt Nam thì đây là sự hiện hữu của Tổ quốc luận ra bên ngoài của Thiền sư mà thôi, vì sau Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu thì rất nhiều Tu sĩ, Phật tử khác cũng đã làm như vậy, ví như: việc tự thiêu của Đại đức Thích Nguyên Hương trước tĩnh đường Bình Thuận ngày Mồng 4/8, của Đại đức Thích Thanh Tuệ tại chùa Phước Duyên (Hương Trà, Thừa Thiên), của Ni cô Diệu Quang tại Ninh Huệ… Bên cạnh đó còn là những tấm gương chói sáng của Thiền sư Thiện Chiếu, Hòa Thượng Thích Thế Long, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu…, đã vì Đạo pháp vì Dân tộc – vì Chủ nghĩa Xã hội. Do vậy, Phật giáo Việt Nam ngay từ bước phát triển đầu tiên, đã nhập thân vào dân tộc, vào Tổ quốc. Chính vì vậy mà người Việt Nam không ngạc nhiên khi thấy trong lịch sử, vua Lý Nam Đế, khi xây dựng một nhà nước độc lập ngắn ngủi vào thế kỷ VI, đã cho xây ngôi chùa có tên là Khai Quốc, nghĩa là “mở nước”[18]. Chính lẽ đó mà trong một bài viết về nhận thức văn hóa Việt Nam, học giả Phan Ngọc đã phải nhận định về Phật giáo Việt Nam như sau:
    “Như đã nói trong bài về nhận thức văn hóa, nhiều tôn giáo có tính chất thế giới và phủ nhận vai trò của nước. Đạo Phật là một thí dụ rất rõ. Nhưng đã nhập vào Việt Nam, lập tức Phật giáo bị “khúc xạ” qua lăng kính Tổ quốc Việt nam. Suốt thời Bắc thuộc cho đến thời quân chủ, các nhà sư, các tín đồ Phật tử[19] đều là những người tận tâm vì Tổ quốc. Không phải ngẫu nhiên mà có một ông vua tự xưng là Lý Phật tử để chống lại xâm lược Trung hoa… Trong thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, các vị sư là những người ngoại giao có nhiều kinh nghiệm và nhiều công trạng. Một tư tưởng xuất thế nhiều khi lại cần cho một chính trị nhập thế để giáo dục người ta tránh những cái lợi nhỏ liên quan đến bản thân, nhằm lo cho cái lợi lớn liên quan tới cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà hiện tượng Thiền tông thành một chi nhánh Phật giáo mạnh nhất Việt Nam, và góp phần to lớn vào đặc điểm khu biệt của Phật giáo Việt nam so với các Phật giáo khác ở trên thế giới. Ngay dưới thời Mỹ - Diệm, Phật giáo cũng đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp cứu nước, lật đổ chế độ của anh em Ngô Đình Diệm”[20].
    Chính vì vậy, trong tâm thức Phật giáo Việt Nam có một giá trị vô cùng quý báu, là trách nhiệm với dân với nước, với gia đình, dòng tộc. Nó kết tinh khát vọng của một tâm thức hướng về cuộc sống xây dựng dương gian trần thế, lo khắc phục những khó khăn trong cuộc sống để tồn tại, đề cao tính nhân ái vị tha, cứu nhân độ thế bằng những hành động và việc làm thiết thực trong công tác từ thiện xã hội như: cứu chữa bệnh miễn phí, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa, người lang thang cơ nhỡ, giúp người trong cảnh hoạn nạn, cứu người trong lúc nguy nan,...chung tay xây dựng cộng đồng, xã hội[21]. Với tinh thần trách nhiệm ưu đời mẫn thế, những tín đồ Phật tử đã không tiếc thời gian, sức lực, tiền của, họ đã đóng góp vật chất lẫn tinh thần, chung sức đồng lòng cùng các tu sĩ mở nhiều lớp học tình thương, nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi... tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phổ biến kiến thức cơ bản, giáo dục kỹ năng sống phòng tránh HIV/AIDS cho cộng đồng; tư vấn, giúp đỡ, tổ chức thăm viếng, tặng quà, phát thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS. Rồi đến đại dịch Covid 19, vẫn với tinh thần hội nhập giữa đạo Phật – Ý thức dân tộc – Tổ quốc, cái linh thiêng và cái cao quý quyện vào nhau, nâng đỡ nhau tạo nên tự hào sáng giá khi các nhà Sư cùng Phật tử gửi Cà sa lại chùa để khoác áo “chiến bào – blu trắng” cùng dân tộc bảo vệ bọc trứng của Mẹ Âu Cơ.
    Với nhãn quan của các nhà nghiên cứu trong không gian Hội thảo này, sẽ có nhiều góc nhìn, chiều kích khác nhau khi nhận định về Phật giáo Việt Nam, nhưng tôi tin chắc rằng hầu hết mọi người sẽ đồng tình với tôi rằng: Tổ quốc luận trong con người Việt Nam đã gặp gỡ tư tưởng xóa bỏ giai cấp khát vọng tự do, hạnh phúc nhân loại của đạo Phật để trở thành Phật giáo Việt Nam – Phật giáo Tổ quốc luận.
         Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập. T1. NxB CTQG, HN 2005.
  2. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập. Tập 1. NxB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Phan Ngọc (2002), “Bản sắc văn hóa Việt Nam”. NxB Văn học.
  4. Phan Ngọc (2005) ‘Một nhận thức về văn hóa Việt Nam’. Nxb VHTT.
  5. Tôn Trung Sơn, “Chủ nghĩa Tam dân” (1995). Viện Thông tin Khoa học XH, HN.
  6. Nguyễn Khắc Hưng (2009) “Việt Nam văn hóa và con người”. NxB CTQG, HN.
  7. Trần Quốc Vượng (1986), Mấy ý kiến về Phật giáo và văn hóa dân tộc, Trong Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Hà Nội.
  8. Trần Quốc Vượng (2000), “Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm”. NxB Văn hóa Dân tộc, Tạp chí văn hóa nghệ thuật.
  9. PGS.TS Chu Quang Chứ (2013) “Văn hóa Việt Nam nhìn từ Mĩ thuật”. NxB Mĩ thuật.
  10. Viên Trí (2014), “Phật giáo qua lăng kính xã hội”. NxB Hồng Đức.
 
 

[1] Trần Thị Kim Oanh nhấn mạnh
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập. T1. NxB CTQG, HN 2005. Tr 570
[3] Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Căm-pu-chia ở phía Tây; phía Đông giáp Biển Đông. Trên bản đồ, dải đất liền Việt Nam mang hình chữ S, kéo dài từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc, dài 1.650 km theo hướng bắc nam, phần rộng nhất trên đất liền khoảng 500 km; nơi hẹp nhất gần 50 km.
        Đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình thấp dưới 1.000 m chiếm tới 85% lãnh thổ. Núi cao trên 2.000 m chỉ chiếm 1%. Đồi núi Việt Nam tạo thành một cánh cung lớn hướng ra Biển Đông, chạy dài 1400 km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ. Những dãy núi đồ sộ nhất đều nằm ở phía Tây và Tây Bắc với đỉnh Phan-xi-phăng cao nhất bán đảo Đông Dương (3.143m). Càng ra phía đông, các dãy núi thấp dần và thường kết thúc bằng một dải đất thấp ven biển. Từ đèo Hải Vân vào Nam, địa hình đơn giản hơn. Ở đây không có những dãy núi đá vôi dài mà có những khối đá hoa cương rộng lớn, thỉnh thoảng nhô lên thành đỉnh cao; còn lại là những cao nguyên liên tiếp hợp thành Tây Nguyên, rìa phía đông được nâng lên thành dãy Trường Sơn.
Đồng bằng chỉ chiếm ¼ diện tích trên đất liền và bị đồi núi ngăn cách thành nhiều khu vực. Ở hai đầu đất nước có hai đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu là đồng bằng Bắc Bộ (lưu vực sông Hồng, rộng 16.700 km2) và đồng bằng Nam Bộ (lưu vực sông Mê Công, rộng 40.000 km2). Nằm giữa hai châu thổ lớn đó là một chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, phân bố dọc theo duyên hải miền Trung, từ đồng bằng thuộc lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) đến Phan Thiết với tổng diện tích 15.000 km2. Việt Nam có ba mặt đông, nam và tây-nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260 km, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam. Phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía đông và đông nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc. Chỉ riêng Vịnh Bắc Bộ đã tập trung một quần thể gần 3.000 hòn đảo trong khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các đảo Cát Hải, Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ... Xa hơn là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía tây-nam và nam có các nhóm đảo Côn Sơn, Phú Quốc và Thổ Chu.
(Nguồn: Tổng Cục Thống kê).

 
[4] Nhà nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của Việt Nam đã ra đời vào khoảng thế kỷ thứ -VII, trên nền tảng phát triển kinh tế xã hội thời Đông Sơn. Đứng đầu nước Văn Lang là Hùng Vương. Hùng Vương là người đứng đầu về quân sự đồng thời cũng chủ trì các nghi lễ tôn giáo.
[5] Phan Ngọc (2002), “Bản sắc văn hóa Việt Nam”. NxB Văn học. Tr 35
[6] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập. Tập 1. NxB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Tr 480
[7] Tôn Trung Sơn, “Chủ nghĩa Tam dân” (1995). Viện Thông tin Khoa học XH, HN. Tr 36
[8] Xem Nguyễn Khắc Hưng (2009) “Việt Nam văn hóa và con người”. NxB CTQG, HN. Tr 61
[9]Trần Quốc Vượng (1986), Mấy ý kiến về Phật giáo và văn hóa dân tộc, Trong Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Hà Nội, tr. 140.
[10] Thế kỷ thứ -II CN
[11] Trần Quốc Vượng (2000), “Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm”. NxB Văn hóa Dân tộc, Tạp chí văn hóa nghệ thuật. Tr 511
[12]  Trần Quốc Vượng. Nt, Tr 594
[13] Trần Quốc Vượng. Nt. Tr 569
[14] PGS.TS Chu Quang Chứ (2013) “Văn hóa Việt Nam nhìn từ Mĩ thuật”. NxB Mĩ thuật. Tr 122
[15] Trần Quốc Vượng. Nt. Tr 749
[16] Trần Quốc Vượng. Nt. Tr 854 - 855
[17] Viên Trí (2014), “Phật giáo qua lăng kính xã hội”. NxB Hồng Đức. Tr 50
[18] Chùa Khai Quốc là tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay ở Hà Nội
[19] Tôi nhấn mạnh và làm rõ thêm vai trò của tín đồ Phật tử vì thực sự người song hành cùng các nhà sư là tín đồ Phật tử
[20] Phan Ngọc (2005) ‘Một nhận thức về văn hóa Việt Nam’. Nxb VHTT. Tr37 - 38
[21] Hiện nay, trong cả nước có gần 60 Tuệ Tĩnh đường hoạt động có hiệu quả khám chữa bệnh và phát thuốc cho hàng ngàn bệnh nhân, tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Một số Tự viện còn có phòng thuốc nam, bốc thuốc và châm cứu cho bệnh nhân đang được đồng bào các giới quan tâm. 
 

Tác giả: DRS

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay599
  • Tháng hiện tại23,070
  • Tổng lượt truy cập1,157,478
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây