THỰC TRẠNG ĐẠO TIN LÀNH TẠI TỈNH GIA LAI HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Thứ năm - 20/06/2024 09:41

THỰC TRẠNG ĐẠO TIN LÀNH TẠI TỈNH GIA LAI HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

TS. Trịnh Thị Lan, Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Bài đã in trên tạp chí Khoa học xã hội & nhân văn, tập 6, số 1b (11/2020), tr. 79-89. Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Nhà nước "Xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và tôn giáo nhằm đảm bảo ổn định và đồng thuận xã hội". Mã số KX.01.35/16-20 do TS. Trần Thị Hồng Yến làm chủ nhệm.


      Tóm tắt

       Đạo Tin Lành xâm nhập vào Gia Lai từ những năm 30 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, thời điểm đầu Tin Lành phát triển chậm và chủ yếu truyền vào vùng người Kinh. Từ năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển mới với tốc độ nhanh. Tin Lành ở Gia Lai phát triển không chỉ thuần túy ở các vùng đã có đạo mà tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phát triển nhanh vào các vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Số lượng tín đồ Tin Lành tăng, dẫn đến sự chia tách ra thành nhiều hệ phái khác nhau.
      Hiện nay, đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai có tới 22 hệ phái và vẫn đang tiếp tục chia tách, thành lập thêm những hệ phái khác. Bên cạnh đó, ngoài những tổ chức đã được nhà nước Việt Nam công nhận, số còn lại thường xuyên tuyên truyền, lôi kéo, tranh giành tín đồ, gây mâu thuẫn giữa các hệ phái, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặt ra một số vấn đề trong công tác tôn giáo.

Từ khóa: Đạo Tin Lành; Gia Lai; Đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai.
Ngày nhận 11/9/2020; ngày chỉnh sửa 30/9/2020; ngày chấp nhận đăng 10/10/2020
DOI: https://doi.org/10.33100/tckhxhnv6.1b.TrinhThiLan
 
 
1. Mở đầu
 
*Gia Lai là một trong 5 tỉnh của Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng), có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng với 90 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 15.536,9 km2 với dân số gần 1,5 triệu người, có 34 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,7%, chủ yếu là Gia-rai và Ba-na (Nguyễn Hằng Nga 2019). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 5 tôn giáo lớn đang hoạt động (Tin Lành, Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Baha’i). Mặc dù đạo Tin Lành du nhập vào Gia Lai muộn hơn so với các tôn giáo khác nhưng là tôn giáo có tốc độ phát triển rất nhanh vào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, tạo dựng được vị thế nhất định và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào.       Trong lịch sử cũng như hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn lợi dụng tôn giáo (Tin Lành) nhằm tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Gần đây nhất, lực lượng này đã gây ra các cuộc bạo loạn chính trị tại Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004, làm mất an ninh trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng chính là lý do khiến cho thực trạng của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng luôn được các cơ quan chức năng, nhà nghiên cứu quan tâm theo dõi thường xuyên, nhằm chủ động quản lý tốt vấn đề đạo Tin Lành, đồng thời hướng vào quỹ đạo hoạt động tôn giáo thuần túy, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
       Đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến đạo Tin Lành, trong đó có đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, tiêu biểu như: Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai (2006), Đỗ Quang Hưng (2007), Nguyễn Xuân Hùng (2012), Đoàn Triệu Long (2013), Nguyễn Văn Minh (2010, 2016, 2017), Trần Thị Hồng Yến (2018, 2019, 2020), v.v.. Các công trình đã phản ánh hầu hết các lĩnh vực của đạo Tin Lành trên các phương diện: nguyên nhân truyền đạo, quá trình theo đạo, thực trạng đạo Tin Lành, tác động của đạo đến đời sống văn hóa, xã hội, v.v.. Tuy nhiên, do không đặt mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu về thực trạng của đạo Tin Lành, nhất là đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai, nên các nghiên cứu không dành một dung lượng thỏa đáng cho vấn đề này. Hơn nữa, thực trạng của đạo Tin Lành luôn biến đổi qua các năm, thậm chí trong từngtháng, nên rất cần có những thông tin cập nhật mới nhất về vấn đề này.
        Ngoài ra, những tư liệu, số liệu của bài viết sau đây dựa trên kết quả khảo sát, điền dã  thực địa của tác giả tại tỉnh Gia Lai và kết quả của Hội thảo Khoa học Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai hiện nay do Viện Dân tộc học kết hợp với Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai tổ chức tháng 12/2019 tại tỉnh Gia Lai với sự tham gia của cơ quan chuyên môn và các cơ quan chức năng (Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận tỉnh, Công An tỉnh Gia Lai, v.v.). Như vậy, vấn đề nghiên cứu được tiếp cận từ các góc độ khác nhau của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, mang tính thời sự, khách quan, tin cậy về đạo Tin Lành tại tỉnh Gia Lai hiện nay. Câu hỏi nghiên cứu bài báo đặt ra là: Thực trạng hiện nay của đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai như thế nào và vấn đề gì đặt ra cho công tác tôn giáo?


2. Vài nét về các giai đoạn phát triển của đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai
       Đạo Tin Lành xâm nhập vào địa bàn Gia Lai từ giai đoạn 1930 - 1931 do giáo sĩ thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp Mỹ (CMA) lên Pleiku truyền đạo. Thời điểm đầu, các giáo sự chưa có sự chuẩn bị về tiếng nói và kinh sách bằng tiếng dân tộc nên đạo Tin Lành phát triển rất chậm và chủ yếu truyền vào những vùng người Kinh ở thành phố, thị trấn. Trong 10 năm truyền giáo (1930-1940), tại Gia Lai có khoảng 70 - 80 tín đồ người Kinh với một Hội thánh nhỏ được thành lập tại Pleiku. Số tín đồ này chủ yếu ở các vùng khác di dân lên Pleiku sinh sống và một số ít người mới theo đạo.
       Bên cạnh đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa tại Gia Lai với những căn cứ quân sự  cũng là điều kiện để  đạo Tin Lành phát triển mạnh. Tin Lành trở thành “vũ khí” sinh hoạt tinh thần của quân Mỹ, Việt Nam Cộng hòa tại Gia Lai. Song song với việc củng cố về tổ chức Giáo hội Tin Lành của người Kinh, CMA cũng chú tâm phát triển đạo vào vùng DTTS, nhất là những làng nằm ở xung quanh các căn cứ quân sự của Mỹ (Vụ Tin Lành 2015: 32, 34). 

      Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, hoạt động của Fulro phát triển mạnh ở Tây Nguyên, đặc biệt ở tỉnh Gia Lai. Lực lượng này dựa vào đạo Tin Lành để tập hợp các tầng lớp thanh niên, kích động người DTTS vào rừng để hoạt động, chống lại nhà nước hoặc làm cơ sở liên lạc, tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men cho Fulro. Chính vì vậy, nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết vấn đề Fulro đi đôi với việc tiến hành xử lý một số chức sắc có liên quan đến hoạt động Fulro. Từ năm 1982, Việt Nam yêu cầu các địa phương thực hiện việc mục sư, truyền đạo không được hoạt động mục vụ, toàn bộ hệ thống tổ chức hành chính đạo của Tin Lành ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng được yêu cầu dừng hoạt động. Bà con tín đồ được yêu cầu về sinh hoạt đạo tại nhà riêng[1].
      Từ năm 1985 trở đi, Tin Lành bắt đầu củng cố tổ chức và hoạt động trở lại, nhất là từ năm 1990 do tác động của tình hình thế giới và lợi dụng cơ hội chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển với tốc độ nhanh trên diện rộng và trở thành một tôn giáo lớn ở tỉnh Gia Lai. Mặc dù, nhà nước chỉ cho phép tín đồ tu tại gia, không được tụ tập, nhưng trên thực tế đạo Tin Lành vẫn hoạt động dưới nhiều hình thức như: nhóm họp đọc kinh cầu nguyện, hát thánh ca tại nhà của một số người đứng đầu, tại rẫy, bờ suối, vào dịp tết cổ truyền, ma chay, cưới hỏi hay những dịp sinh hoạt văn hóa văn nghệ của dân tộc, v.v..
      Bên cạnh phương thức hoạt động nêu trên, những người đứng đầu trong Tin Lành còn tổ chức cho người dân nghe theo đài Nguồn sống, băng ghi âm về Tin Lành, xem băng, đĩa minh họa về cuộc đời của Chúa Giê-su, nội dung giáo lý, giáo luật của đạo Tin Lành, v.v..[2] Mặc dù chưa có tư cách pháp nhân, song số giáo sĩ có từ trước năm 1975 vẫn tích cực củng cố tổ chức chi hội, mở các buổi họp nhóm, giảng dạy về đạo cho tín đồ, xây dựng lực lượng cốt cán mới.


3. Thực trạng đạo Tin lành ở Gia Lai hiện nay
3.1. Sự tăng nhanh của tín đồ là người dân tộc thiểu số
      Thời kỳ đầu du nhập, đạo Tin Lành nhanh chóng “bén rễ” và phát triển mạnh ở bộ phận người Kinh. Tuy nhiên, trải qua quá trình phát triển, công tác truyền đạo đã được chuẩn bị, đến nay đạo Tin Lành ở Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Gia Lai nói riêng đã có số tín đồ chủ yếu là đồng bào DTTS. Ở tỉnh Gia Lai, tín đồ Tin Lành là người Gia-rai, Ba-na chiếm phần lớn. Sự tăng trưởng nhanh chóng của số tín đồ theo số liệu của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng như sau:
     Với sự nỗ lực của Hội thánh Tin Lành Việt Nam đến năm 1975 Tin Lành tại Gia Lai phát triển được 45 hội thánh, 10 mục sư, 21 truyền đạo, 31 nhà thờ, 131 người trong ban chấp sự và 8.456 tín đồ ở 8 huyện, thị xã trên 42 xã, phường, 104 buôn làng, địa bàn tập trung ở Pleiku, Mang Yang, Chư Sê, Ayunpa, Chư Păh (Nguyễn Văn Nô 2019).
     Năm 1986, tổng số tín đồ Tin Lành mới vào khoảng 10.000 người (trong đó người Kinh 1.800, các dân tộc thiểu số là 8.200 người) ở 9 huyện, thị xã, thành phố Pleiku. 1990 là 28.000 người. Đến cuối năm 1994 số lượng tín đồ đã phát triển lên tới 33.000 người ở 9/11 huyện, thị xã, 95/153 xã, phường, thị trấn gồm 285 thôn, làng, tập trung chủ yếu ở các huyện Ayunpa, Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh, Pleiku, Mang Yang, năm 1999 tăng lên 60.000 người (Phan Văn Mạnh 2019, Nguyễn Văn Nô 2019). Như vậy, so với mốc năm 1975, số tín đồ đạo Tin Lành ở Gia Lai đã tăng hơn 50.000 tín  đồ, 53 xã, 238 làng. Số tín đồ là người Kinh hầu như không phát triển thêm, chỉ có một số ít là người theo đạo từ nơi khác lên lập nghiệp tại Gia Lai và số tín đồ phát triển tự  nhiên cơ học (Phan Văn Mạnh 2019: 1).
     Đặc biệt, một vấn đề cần chú ý là hoạt động củng cố và phát triển đạo Tin Lành ở Gia Lai không chỉ thuần túy ở các vùng đã có đạo mà còn phát triển rất nhanh vào các vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Tin Lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh, có lúc tăng đột biến từ khoảng 28.000 người năm 1990 lên đến khoảng 60.000 người năm 1999. Năm 2005, tổng số tín đồ của cả 7 hệ phái Tin Lành là 72.459 người, trong đó, tín đồ người Kinh là: 1.177 người, tín đồ là người dân tộc thiểu số là: 69.769 người, chiếm 96.29% số lượng tín đồ trong toàn tỉnh.
      Đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổng số tín đồ đã tăng lên 116.730 người, chiếm khoảng hơn 8,5% tổng số dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số tín đồ là người dân tộc thiểu số có 113.510 người, chiếm 97,24% tổng số tín đồ theo đạo Tin Lành và chiếm 18,8% tổng dân số người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (Lê Thị Bích Thuận 2019: 3).

      Năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai có 147.399 tín đồ, 68 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 317 điểm nhóm (285 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt), 38 cơ sở  thờ tự, 107 chức sắc và 715 chức việc (Ban Chấp sự). Đến tháng 12 năm 2019, số lượng tín đồ tăng lên 147.910 người, trong đó số tín đồ người đồng bào dân tộc thiểu số là 145.497 người chiếm 98,37% tổng số tín đồ theo đạo Tin lành và chiếm 21,8% tổng dân số người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ( Lê Thị Bích Thuận 2019: 5). Sự phát triển nhanh chóng của đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ và sự chuyển biến thành phần tín đồ chủ yếu từ người Kinh sang người DTTS được thể hiện cụ thể qua bảng sau:
 

Bảng: Số liệu về tín đồ và các hệ phái Tin Lành tại tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ
Năm Số hệ phái Số tín đồ
(người)
Tín đồ là DTTS  (người) Tỷ lệ tín đồ là DTTS (%)
1994 3 33.000 Không có số liệu  
1999 5 60.000 Không có số liệu  
2005 7 72.459 69.769 96,29
2014 18 116.730 113.510 97,24
2018 21 147.399 Không có số liệu  
2019 22 147.910 145.497 98,37
 
           Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tham luận Hội thảo của Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai (Trịnh Thị Lan xử lý, 2019)
 
 
       Những số liệu và dẫn luận trên đây cho thấy đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai phát triển nhanh chóng, đặc biệt là sau Chỉ thị 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 Về một số công tác đối với đạo Tin Lành. Như vậy, sau thời gian hoạt động không chính thức, đạo Tin Lành ở Gia Lai đã bùng phát trở lại mạnh mẽ từ sau Chỉ thị 01 với số tín đồ phát triển nhanh chóng và tỷ lệ tín đồ là người dân tộc thiểu số luôn chiếm một tỉ lệ cao. Đạo Tin Lành ở Gia Lai với đặc điểm đa số tín đồ là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 98,7% tổng số tín đồ theo đạo Tin Lành). Nhưng một đặc điểm khác cần chú ý là hiện nay có khoảng 4.000 người trước đây theo Tin Lành Đề Ga, đã bỏ Tin Lành Đề Ga quay về sinh hoạt rải rác trong các hệ phái Tin Lành khác nhau, trong đó phần lớn là các hệ phái chưa được nhà nước công nhận.
      Khi xâm nhập vào địa bàn tỉnh Gia Lai, các tổ chức Tin Lành chưa được nhà nước công nhận thường tranh thủ những đối tượng bất mãn vì chức vụ, quyền lợi của các hệ phái khác để lôi kéo về tổ chức của mình hoặc tranh thủ số đối tượng trước đây theo Tin Lành Đề Ga nay còn mặc cảm, tự ti, không muốn quay về sinh hoạt tại hệ phái cũ (chủ yếu là Tin Lành Việt Nam Miền Nam) để lôi kéo họ tin theo. Chính vì vậy, hiện nay đạo Tin Lành ở Gia Lai có rất nhiều các hệ phái, tuy nhiên mỗi hệ phái có lượng tín đồ khá ít, thậm chí có nhóm chỉ có vài chục tín đồ.
      Một số đối tượng cốt cán lãnh đạo, các đối tượng là tù được tha về tuy bên ngoài không có biểu hiện nhưng bên trong vẫn nuôi hy vọng, trông chờ sự viện trợ từ bên ngoài để phục hồi Tin Lành Đề Ga. Sau khi tổ chức Tin Lành Đề Ga bị các cơ quan chức năng đấu tranh  xóa bỏ, những người nhẹ dạ cả tin trước đây theo Tin Lành Đề Ga, nay có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy, được chính quyền địa phương định hướng sang sinh hoạt tại Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và những Hội thánh khác đã được Nhà nước Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân. Tuy nhiên,  một số vẫn còn mặc cảm tự ti, chưa thực sự hòa nhập cộng đồng khi quay về sinh hoạt tại các tổ chức Tin Lành thuần túy mà tự sinh hoạt tôn giáo tại nhà. Do đó, đạo Tin Lành luôn là một trong các yếu tố để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam[3].


3.2. Sự gia tăng của các hệ phái Tin Lành
      Theo Vụ Tin Lành, năm 1967 cơ cấu tổ chức của đạo Tin Lành ở Gia Lai được phân thành hai hệ (người Kinh và người Thượng) tách biệt nhau và chịu sự chỉ đạo của hai hạt riêng biệt. Về lực lượng truyền giáo, Tin Lành chủ yếu đưa số người trẻ có năng lực là người DTTS đi đào tạo tại Nha Trang và Đăk Lăk. Đến năm 1975 Tin Lành tại Gia Lai phát triển được 45 hội thánh, 10 mục sư, 21 truyền đạo, 31 nhà thờ, 131 người trong ban chấp sự và 8.456 tín đồ ở 8 huyện, thị xã trên 42 xã, phường, 104 buôn làng, địa bàn tập trung ở Pleiku, Mang Yang, Chư Sê, Ayunpa, Chư Păh. Lúc này, Tin Lành ở Gia Lai có: Hệ người Kinh gồm các chi hội thuộc sự chỉ đạo của địa hạt Trung Trung bộ (Đà Nẵng) và hệ người Thượng gồm các chi hội phụ thuộc sự chỉ đạo của Trung Thượng hạt (Đăk Lăk) (Vụ Tin Lành 2015: 34).
      Đầu những năm 1990, tỉnh Gia Lai có 5 hệ phái Tin Lành gồm: Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Ngũ tuần Việt Nam, Hội  thánh Cơ đốc truyền giáo (còn gọi là Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam) và Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam. Đến năm 2005, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 7 hệ phái đang hoạt động[4], tập trung tại 13/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, hệ phái Tin Lành Việt Nam (miền Nam) chiếm số lượng đông nhất, đồng thời cũng tổ chức Tin Lành duy nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo (Nguyễn Văn Nô 2019).
      Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 18 hệ phái Tin Lành đang hoạt động[5], trong đó có 07 hệ phái đã được nhà nước công nhận với 57 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 302 điểm nhóm (số điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt 164), số chức sắc là 100 người, 25 cơ sở, 552 chức việc (Ban chấp sự) (Nguyễn Văn Nô 2019).
     Năm 2018, Tin Lành đã hình thành, phát triển lên 21 hệ phái trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài 18 hệ phái cũ xuất hiện thêm 3 hệ phái mới là: Nhân chứng Giêhôva, Tin Lành Liên hiệp truyền giáo và Ngũ tuần Rhana với 147.399 tín đồ. Có 68 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 317 điểm nhóm (285 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt), 38 cơ sở  thờ tự, 107 chức sắc và 715 chức việc (Ban Chấp sự) (Nguyến Văn Nô 2019). Trong đó Hội thánh Nhân chứng Giêhôva Việt Nam là một trong 3 hệ phái bị đạo Tin Lành coi là  “tà giáo” (Thiều Thị Hương 2019: 133)
      Đến tháng 12 năm 2019, đạo Tin Lành ở Gia Lai có 22 hệ phái[6] (trong đó có 8 hệ phái[7] đã được nhà nước công nhận về tổ chức) với 147.910 tín đồ, 71 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 317 điểm nhóm (trong đó có 285 điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt) và 39 cơ sở thờ tự; 116 chức sắc và 753 chức việc (Ban chấp sự) (Lê Thị Bích Thuận 2019: 2).
      Trong số 22 hệ phái Tin Lành đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay, chỉ có 02 tổ chức là Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam đã thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, còn lại các hệ phái Tin Lành khác sinh hoạt tôn giáo dưới hình thức các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung (điểm nhóm) hoặc sinh hoạt tại gia. Dựa vào số lượng tín đồ có thể chia các hệ phái thành 03 nhóm:

Nhóm thứ nhất: Tin Lành Việt Nam (miền Nam) với số lượng tín đồ đông nhất 133.424 người, chiếm 90,2% tổng số tín đồ Tin Lành toàn tỉnh và cũng là tổ chức duy nhất có Ban Đại diện ở địa phương. Ban Đại diện Tin Lành tỉnh có vai trò lớn đối với hoạt động của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), như thay mặt Hội thánh liên hệ với chính quyền địa phương, thường xuyên tổ chức các hội nghị bồi linh, thông công cho chức sắc, chức việc, tín đồ, tổ chức các lớp bồi dưỡng về tôn giáo, dạy Kinh thánh tại các chi hội, v.v.. Ngoài ra, hoạt động diễn ra tại các chi hội, điểm nhóm Tin Lành cũng khá đa dạng, phong phú như: thường xuyên tổ chức thờ phượng, hát Thánh ca ngợi khen Chúa, học tập Kinh thánh, tổ chức cầu nguyện cho các vấn đề của hội thánh. Hoạt động phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc diễn ra thường xuyên.

Nhóm thứ hai: Hội thánh Tin Lành Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam với 6.958 tín đồ, chiếm 4.7% tổng số tín đồ Tin Lành toàn tỉnh. Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam không có Ban Đại diện ở địa phương nhưng có Uỷ viên Tổng hội có trách nhiệm liên hệ các hoạt động của hội thánh với Tổng hội. Hoạt động của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam ít sôi nổi hơn so với Tin Lành Việt Nam (Miền Nam), sinh hoạt tôn giáo chủ yếu là thờ phượng chúa, cầu nguyện tại các hội thánh, điểm nhóm.

Nhóm thứ ba: gồm 20 hệ phái Tin Lành với 7.528 tín đồ, chiếm 5,1% tổng số tín đồ Tin Lành toàn tỉnh. Tín đồ thuộc mỗi hệ phái này trung bình giao động từ 100 đến khoảng 2.000 người, tuy nhiên một số hệ phái chỉ có vài chục tín đồ. Đây là nhóm hệ phái có ít tín đồ nhưng lại hoạt động trong 20 hệ phái khác nhau nên tình hình rất phức tạp. Tín đồ trong nhóm này có một bộ phận là những người trước đây theo Tin Lành Đề Ga, sau đó đã chuyển sang sinh hoạt tại địa phương nên có nguy cơ dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tái hoạt động cho tổ chức Fulro ở nước ngoài. Hơn nữa, trong nhóm hệ phái này có một số người đã tin theo Tin Lành nhưng vẫn còn rất mơ hồ về niềm tin tôn giáo (tin theo nhưng không biết hiến chương, giáo lý, giáo luật của hệ phái mình) nên dễ bị tác động, lôi kéo thay đổi từ hệ phái này sang hệ phái khác.
     Hình thức sinh hoạt tôn giáo chủ yếu của các tín đồ thuộc nhóm hệ phái này là tập trung cầu nguyện, thỏa mãn niềm tin đối với hệ phái mà mình tin theo. Một số hệ phái có quá ít tín đồ và không có nhu cầu tập trung, nhóm họp nên chỉ sinh hoạt tại gia đình (Lê Thị Bích Thuận 2019: 3).

    Sự gia tăng các hệ phái Tin Lành trên địa bàn tỉnh Gia Lai có quan hệ mật thiết với phát triển đạo Tin Lành ở Việt Nam nói chung. Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, mở rộng giao lưu quốc tế, dân chủ hóa đời sống xã hội, các tổ chức, giáo phái Tin Lành quốc tế bằng nhiều con đường đã tìm cách móc nối, tài trợ cho các cá nhân, nhóm Tin Lành trong nước hoạt động. Trong các thập niên gần đây, Tin Lành trên thế giới có hiện tượng gia tăng số lượng các cộng đồng phi giáo phái, các nhóm phái Tin Lành tự do, với quy mô nhỏ, lúc hợp, lúc tan.  Còn ở tỉnh Gia Lai hiện nay cũng có hiện tượng nhiều hệ phái Tin Lành thuộc nhóm nhỏ (nhóm thứ ba vừa nêu) phát triển rất nhanh.
       Bên cạnh đó, các chi hội của đạo Tin Lành, chủ yếu là của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) bắt đầu chia, tách ra thành nhiều chi hội nhỏ. Nguyên nhân các hội thánh (chi hội) mới tách ra từ chi hội mẹ là do số lượng tín đồ quá đông, nhiều người già, trẻ em không thể đi đến nhà thờ trung tâm để sinh hoạt đạo do đường quá xa, giao thông không thuận lợi. Trên thực tế, còn có nguyên nhân khác là một số nhóm tín đồ gần nhau có đủ tiềm lực về tài chính để mua đất đai, xây dựng nhà thờ nên tách ra thành lập chi hội riêng.
      Ngoài ra, hiện tượng nhiều điểm nhóm thuộc các chi hội tuy đã có nhà thờ nhưng chỉ tập trung vào các ngày lễ trọng, còn các ngày bình thường sinh hoạt tại nhà riêng của tín đồ do tính cố kết cộng đồng làng của đồng bào DTTS. Thực trạng trên đã làm giảm ý nghĩa của việc vận động nhiều điểm nhóm để thành lập chi hội mới của Ban Tôn giáo Gia Lai nhằm thu gọn đầu mối quản lý. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn nội bộ trong Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) dẫn đến nội bộ cộng đồng Tin Lành xuất hiện nhiều nhóm, phái mới.

     Đặc trưng của các Hội thánh tư gia là hoạt động tự do, không có quy định tổ chức chặt chẽ, không quy định ràng buộc tín đồ, các nhóm sáp nhập hay tách ra thường xuyên là do ý định chủ quan hay mâu thuẫn của các lãnh đạo nhóm. Đặc trưng về hoạt động truyền giáo của các hội thánh tư gia thường bằng hình thức cạnh tranh, tranh giành tín đồ của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và tranh giành lẫn nhau. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình hoạt động của đạo Tin Lành ở địa phương.

3.3. Sự tiềm ẩn nguy cơ khôi phục lại tổ chức của Tin Lành Đề Ga
      Lịch sử đạo Tin Lành xâm nhập và phát triển ở Gia Lai là kết quả của một quá trình truyền giáo không tách rời âm mưu, thủ đoạn lâu dài của thực dân, đế quốc. Lợi dụng tâm lý của người DTTS Gia-rai luôn muốn trở thành thủ lĩnh, các thế lực thù địch đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền kích động tư tưởng ly khai, tự trị. Cuối năm 1992, gần 400 đối tượng Fulro còn lại trên đất Campuchia ra hàng, được UNTAC (Cơ quan chuyển tiếp Liên Hiệp Quốc tại Campuchia) đưa sang Mỹ định cư, cùng với một số đối tượng đã sang trước đó, hình thành lực lượng phản động Fulro lưu vong ở nước ngoài.
    
Mục đích của các tổ chức này là tập hợp người DTTS Tây Nguyên trong và ngoài nước để đấu tranh giành quyền “tự trị”, thành lập nhà nước Đề Ga. Sau khi thành lập, số cầm đầu các nhóm này đã soạn thảo, phát tán tài liệu và trực tiếp tuyên truyền, chỉ đạo vào trong nước với nhiều phương thức, thủ đoạn để tuyên truyền móc nối, phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng Fulro ở Tây Nguyên (Phan Văn Mạnh 2019: 5).

    Năm 1998, Ksor Kơk sinh sống tại Mỹ (quê ở xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cầm đầu tổ chức “Quỹ người Thượng” lập ra cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” và tự xưng là Tổng thống. Ông cùng những người ủng hộ đã móc nối, lôi kéo một số chức sắc người DTTS của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tỉnh Gia Lai tham gia tổ chức. Sau khi ý đồ thất bại, các phần tử phản động nêu trên quyết định lập ra một tổ chức “tôn giáo riêng của người DTTS gọi là Tin Lành Đề Ga, dùng tôn giáo để lôi kéo quần chúng, tập hợp lực lượng.
       Nhưng thực chất của Tin Lành Đề Ga là một tổ chức lợi dụng hoạt động Tin Lành để tập hợp lực lượng, với mục tiêu là thành lập nhà nước Đề Ga. Từ tháng 06 năm 2000, lực lượng này đã tuyên truyền vào trong nước để lập hội thánh Tin Lành Đề Ga tại Tây Nguyên. Thực chất của Tin Lành Đề Ga là kích động hận thù giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh, dùng thủ đoạn hứa hẹn phong chức, mua chuộc bằng tiền và thậm chí còn đe dọa khống chế người vào tổ chức. Đây là âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để tập hợp lực lượng phục vụ cho âm mưu chính trị của các thế lực thù địch chống Việt Nam. Đến cuối năm 2000, ở Gia Lai, lực lượng Đề Ga lôi kéo được một lượng lớn người tham gia “Tin Lành Đê Ga” và gây ra các vụ bạo loạn trên địa bàn tỉnh, điển hình vào các năm 2001 và 2004 (Nguyễn Văn Nô 2019: 5).

       Sự kiện các tín đồ đạo Tin Lành trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị kích động, lôi kéo theo Tin Lành Đề Ga gây ra hệ quả rất lớn đối với hoạt động quản lý đạo Tin Lành trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, một bộ phận người dân bị lôi kéo tin theo, sau khi quay về rất mặc cảm, tự ti, không muốn sinh hoạt theo tổ chức cũ (Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam). Tuy nhiên, họ vẫn có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo. Đây là nguyên nhân khiến cho họ dễ bị lôi kéo tin theo các tổ chức Tin Lành khác, đặc biệt là các tổ chức Tin Lành chưa được công nhận đang tích cực đi phát triển tín đồ, mở rộng phạm vi hoạt động.
      Một số nhân vật lãnh đạo Tin Lành Đề Ga hoặc số có tư tưởng lưng chừng sau khi quay về không theo một tổ chức, hệ phái Tin Lành nào nhưng lại sinh hoạt theo giáo lý của đạo Tin Lành. Ban đầu, những tín đồ sinh hoạt tại gia, sau đó họ lôi kéo tín đồ (anh em, bà con trong dòng họ) để nhóm họp, tập trung sinh hoạt tôn giáo trái phép, đây cũng là các đối tượng dễ bị thế lực thù địch lợi dụng, móc nối, gây rối an ninh trật tự tại địa phương.
      Các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn âm mưu lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên nhằm phục hồi, phát triển Tin Lành Đề Ga bằng nhiều thủ đoạn như: gửi hàng, tiền, Kinh thánh, kích động lôi kéo tham gia các vụ gây rối trật tự công cộng, khuyến khích vượt biên, vu khống, xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, v.v.. (Nguyễn Văn Nô 2019).

     Ở thời điểm hiện tại, hệ thống tổ chức Tin Lành Đề Ga trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bị xóa bỏ, không dám hoạt động manh động, công khai như trước đây. Tuy nhiên, những đối tượng thuộc tổ chức Tin Lành Đề Ga nói trên vẫn không từ bỏ âm mưu hoạt động nhằm phục hồi tổ chức, tìm mọi cách móc nối với Fulro bên ngoài để tìm kiếm sự ủng hộ về đường lối hoạt động và tài chính. Phương thức hoạt động phục hồi Tin Lành Đề Ga thời gian qua vẫn chủ yếu lợi dụng các dịp ma chay, cưới hỏi, mừng nhà mới, thôi nôi, các dịp lễ tôn giáo, thậm chí lấy lý do mừng được tha tù về để liên lạc với nhau,  lôi kéo, tập trung đông người. Những dịp trên là cơ hội để những đối tựơng này bàn bạc công việc riêng, giảng lễ để duy trì đạo Tin Lành Đề Ga[8].

4. Một số vấn đề đặt ra trong công tác tôn giáo
     Từ thực trạng của đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai hiện nay đặt ra một số vấn đề cho công tác tôn giáo của địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung như sau:

Thứ nhất, số tín đồ đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai từ Chỉ thị 01 tăng rất nhanh và hiện nay vẫn tiếp tục phát triển. Việc tăng nhanh về tín đồ và tổ chức, dẫn đến tình trạng các tín đồ đòi lại cơ sở thờ tự cũ, đòi giải quyết đất đai để xây dựng cơ sở thờ tự của các chi hội. Mặc dù, vấn đề đất đai và tình hình tranh chấp đất đai tôn giáo của đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai đến nay chưa xảy ra những mâu thuẫn phức tạp hoặc gây bức xúc, tuy nhiên tình trạng xây dựng trái phép hoặc sửa chữa, cơi nới cơ sở thờ tự không theo thiết kế cho phép và sai phạm trong chuyển nhượng đất đai của cá nhân cho tổ chức tôn giáo vẫn thường xuyên diễn ra tại nhiều tổ chức đạo Tin Lành và cá nhân tín đồ ở các địa phương. Một số điểm nhóm xuất hiện tình trạng mượn danh tín đồ để mua đất, xây dựng cơ sở để làm nơi sinh hoạt tôn giáo diễn biến phức tạp. Vấn đề kiến nghị chính quyền trả lại các cơ sở tôn giáo cũ của đạo Tin Lành trên địa bàn có thể bị một số đối tượng cực đoan khơi gợi lại để dư luận chú ý và tạo ra những vụ việc phức tạp về an ninh quốc gia. Vấn đề này đặt ra cho chính quyền địa phương cần chú ý quản lý tốt vấn đề đất đai, nhất là ở các điểm nhóm có địa điểm sinh hoạt tại các làng bản để không dẫn đến tình trạng “biến gia vi tự”[9]. Đồng thời, địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cấp đất cho những chi hội khi đã được nhà nước chấp thuận, tránh tình trạng các tín đồ góp tiền mua đất cho hội thánh xây nhà thờ khi trở thành chi hội.

Thứ hai, hiện nay ở tỉnh Gia Lai số hệ phái Tin Lành hoạt động rất đông (22 hệ phái). Nếu so với các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên (7-10 hệ phái), thì số hệ phái Tin Lành tại đây gấp nhiều lần. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần nhận diện trong 22 hệ phái Tin Lành, số tín đồ chủ yếu tập trung trong hệ phái Tin Lành Việt Nam (miền Nam) (tới 97% số tín đồ), và Hội thánh Tin Lành Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam (4,7% tín đồ) do đó cần quản lý tốt hệ phái này. Đồng thời, các cán bộ làm công tác tôn giáo cũng cần chú ý tới 20 hệ phái Tin Lành còn lại chưa được nhà nước công nhận bởi các hệ phái này hoạt động rất phức tạp, lại có một số tín đồ thuộc thành phần của Tin Lành Đề Ga trước đây hiện nay vẫn bí mật có những hoạt động liên kết với những lực lượng chống phá nhà nước Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, tỉnh Gia Lai là một trong những địa bàn rất quan trọng của Tây Nguyên, hoạt động của đạo Tin Lành ở đây đã từng là điểm nóng. Do đó, để địa phương ổn định về chính trị, tôn giáo, tạo điều kiện phát triển về kinh tế - xã hội cần phải tạo sự thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo nói chung và đạo Tin Lành nói riêng trong khuôn khổ của pháp luật, các tín đồ được tự do tín ngưỡng tôn giáo (Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2017). Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương, nhất là đội ngũ làm công tác tôn giáo có đủ phẩm chất, năng lực về chuyên môn, đồng thời phải nắm vững phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào DTTS. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn và chức năng ở các cấp (Ban Tôn giáo, công an, Mặt trận tổ quốc, dân vận, v.v..) cần chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách tôn giáo của đảng, nhà nước để bà con tín đồ nắm rõ, tránh bị các thế lực phản động lôi kéo, dụ dỗ.

5. Kết luận
      Từ năm 1990 đến nay, đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai phục hồi và phát triển mới với tốc độ rất nhanh, nhất là sau khi thực hiện Chỉ Thị 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số công tác đối với đạo Tin Lành”. Số lượng tín đồ Tin Lành  tăng nhanh, dẫn đến sự chia, tách ra thành nhiều hệ phái khác nhau. Các hệ phái hiện nay tranh giành tín đồ, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Ngoài những tổ chức đã được công nhận số còn lại chưa được pháp luật công nhận thường xuyên tuyên truyền, lôi kéo, tranh giành tín đồ, gây mâu thuẫn giữa các hệ phái, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
     Bên cạnh đó, hoạt động phát triển đạo Tin Lành ở Gia Lai hiện nay không chỉ thuần túy ở các vùng đã có đạo trước đây, mà đã lan rộng ra tới vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Ngoài ra, mặc dù tổ chức của Tin Lành Đề ga thời điểm hiện nay đã bị đấu tranh, xóa bỏ, nhưng trên thực tế, một số phần tử cực đoan vẫn đang bí mật hoạt động để gây dựng lại cơ sở. Thực trạng trên đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước cần theo dõi sát sao trước tình hình diễn biến phức tạp của đạo Tin Lành, đồng thời, trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cần tập trung chú trọng xây dựng bộ máy làm công tác tôn giáo giỏi về chuyên môn, nhiệt tình với công việc. Đồng thời, nhà nước cần chủ động củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở địa phương, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS nói chung và đồng bào là tín đồ tôn giáo nói riêng./.


* Nghiên cứu này là kết quả của Đề tài Nhà nước: “Xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và tôn giáo nhằm đảm bảo ổn định và đồng thuận xã hội”, Mã số: KX.01.35/16-20, do Viện Dân tộc học chủ trì, TS. Trần Thị Hồng Yến làm chủ nhiệm.


Tài liệu trích dẫn

Đoàn Triệu Long. 2013. Đạo Tin Lành ở miền trung Tây Nguyên. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Đỗ Quang Hưng. 2007. Tin Lành: Vấn đề hôm nay và những năm sắp tới trên địa bàn Tây Nguyên. Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Bộ, Thư viện Viện Tôn giáo.
Lê Thị Bích Thuận. 2019. “ Hoạt động của đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai hiện nay”. Bài trình bày tại Hội thảo Khoa học: Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai từ năm 1986 đến nay, Viện Dân tộc học và Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai, Gia Lai.
Nguyễn Hằng Nga. 2019. “Vai trò đội ngũ chức sắc, chức việc của đạo Tin lành trong đời sống xã hội”. Bài trình bày tại Hội thảo Khoa học: Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai từ năm 1986 đến nay, Viện Dân tộc học và Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai, Gia Lai.
Nguyễn Văn Minh. 2010. “Một số vấn đề về đạo Tin Lành trong cộng đồng người Hmông di cư tự do vào Tây Nguyên hiện nay. Tạp chí Dân tộc học 5: 38-47.
Nguyễn Văn Minh. 2016. “Các hiện tượng tôn giáo mới ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam 3 (100).
Nguyễn Văn Minh. 2017. Những hiện tượng tôn giáo mới ở một số dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên hiện nay. Hà Nội: Nhà xuất bản Công an nhân dân.
Nguyễn Văn Nô. 2019. “Vai trò của hệ thống chính trị địa phương trong công tác tôn giáo đối với đạo Tin lành tại Gia Lai”. Bài trình bày tại Hội thảo Khoa học: Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai từ năm 1986 đến nay, Viện Dân tộc học và Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai, Gia Lai.
Nguyễn Xuân Hùng. 2012. Một số vấn đề cơ bản về đạo Tin Lành giai đoạn 2011-2020, Đề tài cấp Bộ, Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Phan Văn Mạnh. 2019. “Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai”. Bài trình bày tại Hội thảo Khoa học: Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai từ năm 1986 đến nay, Viện Dân tộc học và Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai, Gia Lai.
Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 2017. Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động.
Thiều Thị Hương. 2019. “Xu hướng biến đổi của đạo Tin Lành ở Việt Nam hiện nay” , tr. 118-140, trong sách: Nguyến Thanh Xuân, Lê Tâm Đắc. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Hà Nội: Nhà xuất bản. Lý luận chính trị.
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 2005. Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 4/2/2005 về một số công tác đối với đạo Tin Lành.
Trần Thị Hồng Yến. 2018. Biến đổi về văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân theo đạo Tin Lành ở một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (Từ 2005 đến nay), Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
Trần Thị Hồng Yến. 2019. “Một số đặc điểm của đạo Tin Lành ở vùng miền núi phía Bắc trong so sánh với Tây Nguyên và những vấn đề đặt ra về công tác tôn giáo hiện nay”. Tạp chí Dân tộc học 6: 80-90.
Trần Thị Hồng Yến. 2020. “Cơ cấu tổ chức của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) ở tỉnh Gia Lai”, Tạp chí Dân tộc học 3: 60-74.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai. 2006. Báo cáo tổng hợp: Tìm hiểu thự trạng vấn  đề tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc trong phát triển hiện nay ở Gia Lai. Đề tài nghiên cứu khoa học do Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai thực hiện, Bản đánh máy, lưu tại Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai.
Vụ Tin Lành, Ban Tôn giáo chính phủ. 2015. Báo cáo tổng hợp “Khảo sát thực trạng và quy hoạch điểm nhóm Tin Lành đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc- Kiến nghị và giải pháp”.



 
 

* Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; email: trinhlan.hd76@gmail.com
[1] Ý kiến của cán bộ Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai trong Hội thảo Khoa học “Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai hiện nay” của Viện Dân tộc học kết hợp với  Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai tổ chức tại tỉnh Gia Lai, tháng 12/2019).
[2] Ý kiến của cán bộ Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai trong Hội thảo Khoa học “Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở tỉnh Gia Lai hiện nay” của Viện Dân tộc học kết hợp với  Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai tổ chức tại tỉnh Gia Lai, tháng 12/2019).
[3] Tư liệu, số liệu của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai trong Hội thảo Khoa học của Viện Dân tộc học kết hợp với Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai, tổ chức tại Tỉnh Gia Lai vào tháng 12/2019.
[4]Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Tin Lành Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Tin Lành Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Tin Lành Menonite, Tin Lành Báp-tít, Tin Lành Phúc âm đời đời và Tin Lành Giám lý.
[5]Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam, Menonite Việt Nam (đã được công nhận), Menonite Việt Nam (chưa được công nhận), Báp-tít Việt Nam, Trưởng lão Việt Nam, Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Tin Lành Thánh Khiết, Tin Lành Giám Lý, Tin Lành Giám lý liên hiệp, Tin Lành Truyền giảng Phúc âm Việt Nam, Tin Lành Phúc âm đấng Chrisrt, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm, Tin Lành Phúc âm đời đời, Tin Lành Bắp tít Liên hiệp, Bắp tít Cộng đồng sắc tộc Việt Nam; Tin Lành Truyền giáo Việt Nam Tin yêu.
[6]Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam, Menonite Việt Nam (đã được công nhận), Menonite Việt Nam (chưa được công nhận),  Báp-tít Việt Nam, Trưởng lão Việt Nam, Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Tin Lành Thánh Khiết, Tin Lành Giám Lý, Tin Lành Giám lý liên hiệp, Tin Lành Truyền giảng Phúc âm, Tin Lành Phúc âm đấng Chrisrt, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm, Tin Lành Phúc âm đời đời, Tin Lành Bắp tít Liên hiệp, Bắp tít Cộng đồng sắc tộc Việt Nam, Tin Lành Truyền giáo, Tin Lành Truyền giáo tin yêu Việt Nam, Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo, Tin Lành Ngũ tuần Rhema, Chứng nhân Giê-hô-va.
[7]Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam, Menonite Việt Nam, Báp- tít Việt Nam, Trưởng lão Việt Nam, Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo.
[8] Tư liệu điền dã phỏng vấn sâu của tác giả tháng 12/2019 tại Gia Lai.
[9] Theo quy định tại Điều 16, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, một trong các điều kiện để điểm nhóm Tin Lành được chính quyền xã cấp Giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là phải có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo. Theo Chỉ thị 01/2005/CT-TTg, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của điểm nhóm tại các làng có thể mượn nhà của một tín đồ hoặc mượn một địa điểm thích hợp ở trong buôn làng, nhưng chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, không được xây dựng nhà thờ.






 

 

Tác giả: DRS

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,401
  • Tháng hiện tại30,856
  • Tổng lượt truy cập1,096,324
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây