VỊ TRÍ TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC CỦA PHÁP LOA (1284 - 1330) TRONG PHẬT GIÁO TRÚC LÂM THỜI TRẦN

Thứ ba - 14/02/2023 14:13

VỊ TRÍ TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC CỦA PHÁP LOA (1284 - 1330) TRONG PHẬT GIÁO TRÚC LÂM THỜI TRẦN

TS. Vũ Văn Chung, Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN.
 
 
  1. ĐẶT VẤN ĐỀ
 
       Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử với những đặc sắc về tư tưởng và tổ chức Giáo hội, đại diện cho một nền Phật giáo Việt Nam thống nhất mang bản sắc dân tộc dưới triều đại nhà Trần (1225 - 1400). Công lao dẫn dắt, điều hành tổ chức và hoạt động của Trúc Lâm để có được những thành tựu rực rỡ trong giai đoạn này phải kể đến Tam tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông (1258 - 1308) - Tổ đệ nhất; Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330) - Tổ đệ nhị và Thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334) - Tổ đệ tam. Vị trí của Phật giáo Trúc Lâm không chỉ in đậm dấu ấn trong các công trình chùa tháp được xây dựng, hệ thống kinh sách được ấn tống, tổ chức Giáo hội và hoạt động Phật sự sôi nổi, số lượng Tăng Ni, Phật tử đông đảo, không ngừng tăng, chất lượng được đảm bảo, hệ thống giáo luật Phật giáo và đạo hạnh của người tu hành được quản lý nghiêm ngặt, giáo dục và đào tạo Tăng tài được chú trọng mà nổi bật hơn cả, đó là những tư tưởng Thiền học của Tam tổ Trúc Lâm cho thấy sự đặc sắc của một Thiền phái mang tên Việt Nam được chính Sư tổ là người Việt Nam - Phật hoàng Trần Nhân Tông tạo ra. Truyền thừa và kế đăng, đồng thời không ngừng phát triển, tiếp nối và hoàn thiện những tư tưởng ấy chính là Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang và các vị Thiền sư hàng hậu học trong những giai đoạn về sau này trong lịch sử Phật giáo dân tộc. Nổi bật trong những vị đệ tử có nhiều sáng tạo và biến hoá, đổi mới tư tưởng Thiền học Trúc Lâm cho phù hợp với tinh thần nhập thế và phương châm hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, đó là Thiền sư Pháp Loa. Có thể thấy rằng, trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm thời Trần thì những tư tưởng Thiền học của Pháp Loa luôn chiếm một vị trí nhất định, đặc trưng và sâu sắc, thể hiện rất rõ tính quy phạm, bản chất nổi bật và đặc điểm cơ bản của Thiền tông Việt Nam nói chung, Thiền tông Trúc Lâm nói riêng trong nền Phật học dân tộc.
 
  1. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
            2.1. Tư tưởng Thiền học của Pháp Loa
 
          Thiền sư Pháp Loa tên thực là Đồng Kiên Cương, người Nam Sách, Làng Cửu La, thôn Đồng Hoà. Sinh thời, Ngài là một trong những bậc chân tu có nhiều chú giải kinh điển cũng như những sáng tác giao khoa Phật học, đồng thời cũng biên soạn nhiều nghi thức Phật giáo. Những tác phẩm tiêu biểu của Ngài: Thạch Thất mỵ ngữ niêm tụng; Tham thiền yếu chỉ (soạn 1322); Kim cương trường Đà la ni kinh khoa chú; Pháp hoa kinh khoa sớ; Lăng Già kinh khoa sớ; Bát nhã Tâm kinh khoa sớ; Pháp sự khoa văn; Độ môn trợ thành tập; Nhân vương hộ quốc nghi quỹ; Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục1 Các trước tác này hiện không còn nhiều, đã bị thất lạc, duy chỉ có một phần của Tham thiền yếu chỉ với nhan đề Thiền đạo yếu học. Những tư tưởng Thiền học của Pháp Loa được đề cập ít nhiều trong cuốn sách này cho thấy quan điểm Phật học và vấn đề kiến tính phải được chú trọng. Người học Phật phải quan tâm trước hết đến vấn đề kiến tính: Kiến ở đây là kiến cái không thể kiến. Cho nên, kiến cái kiến phi kiến tức thì chân tính hiện ra “kiến tính giả, phi bị hữu khả chi vị kiến, nãi kiến vô khả kiến xứ nhi kiến chi. Cố kiến kiến phi kiến, tắc chân tính hiện”2. Kiến tính theo nguyên tắc thiền, đề cao sự thuần tuý, đơn giản, thiền như không thiền trên nền tảng của triết lý tính không của nhà Phật. Thiền thật đơn giản, có thể chỉ là sự hoà hợp với cái không biểu lộ. Sự tồn tại của thể xác là sắc pháp mà chúng ta có thể thấy, sự tồn tại của tâm trí cũng là sắc pháp mà chúng ta có thể thấy. Nếu khi con người nhắm mắt lại, thì có thể sẽ thấy được tâm trí cùng với tất cả những hoạt động của nó đang làm, những ý nghĩ đang trôi qua và cả những ham muốn đang trỗi dậy, ký ức đang nổi lên và toàn thể hoạt động của tâm trí tồn tại ở đó, hoàn toàn có thể quan sát được. Người quan sát ở đây tất nhiên, không phải là tâm trí. Người có ý thức về những hoạt động của tâm trí hẳn sẽ không phải một phần của tâm trí. Người quan sát ở đây hoàn toàn đứng độc lập, xem nhân chứng cũng độc lập. Nhận biết được nhân chứng này chính là tìm thấy cốt tuỷ, cái trung tâm, cái tuyệt đối, cái bất biến. Đó cũng chính là kiến cái không thể kiến, kiến cái phi kiến nhằm đạt được chân tính của bản thể.
        Kiến tính chính là sự nhìn nhận thấy cái tương đối của thế giới, thế giới hiện tượng luôn biến đổi, và cái tuyệt đối nghĩa là trung tâm bất biến của thế giới luôn biến đổi. Cần phải tìm ra cái bất biến trong cái luôn biến đổi. Thực tế cho thấy, đối với nhân ngã, thể xác là luôn biến đổi không ngừng, biến đổi liên tục đó là quy luật vô thường, vô ngã hiển nhiên. Tương tự vậy, tâm trí cũng liên tục biến đổi, chuyển động và không bao giờ y nguyên, thậm chí trong hai khoảnh khắc liên tiếp nhau. Tuy nhiên, chỉ có sự thật không biến đổi, đó là chân tính, bản thể, là nhân chứng. Tìm ra được nhân chứng, đó là điều thiêng liêng nhất của người hành thiền. Sự truy tìm về tính, thể tính, tự tính của sự vật là căn bản, điều này cũng được đức Phật đúc rút ra trong những bài thuyết pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế, Thế Tôn chỉ ra con đường bát chính đạo như một sự định hướng rốt ráo và đúng đắn để con người thoát khỏi khổ đau.
        Đối với Pháp Loa, tính là cái không thể thấy, biết, bàn, suy, nghĩ được, do đó, không phải là cái thấy theo nghĩa thông thường. Chính vì vậy, kiến là cái không thể kiến được. Tính, bản tính, bản thể chính là cái phi kiến. Phải kiến được cái kiến phi kiến này thì chân tính, bản tâm mới hiện ra3. Tinh thần Thiền học của Pháp Loa là “vô nhất pháp nhi khả đắc”, Ngài tiếp xúc, độ sinh theo phương châm “phi chúng sinh nhi bất lợi”. Đặc biệt, theo Nguyễn Lang, trong bài Yếu thuyết về Đại thừa cho thấy vấn đề được đề cập là kiến tính, vấn đề có không của tâm ý, và vấn đề tham cứu thoại đầu, đưa ra những lời khuyến lệ tu tập. Ngài nhấn mạnh đến trình tự nghe đạo và thực hành đạo là Văn, Tư, Tu. Bài Phải am tường học thuật đề cập đến nhu yếu phải học trước khi hành động và những điều thiết yếu thực tiễn trong đời tu đạo: chọn bạn tốt để thân cận, học kinh pháp và tìm nơi tu học thuận lợi4. Nghĩa là nguyên lý giác ngộ đòi hỏi sự kết hợp của Thiền học và đạo học. Con người cần nhận thức được thế giới tồn tại là một thực thể, nhưng đồng thời, thế giới không vĩnh cửu. Sự giả tạm này nghĩa là nó biến đổi trong mọi khoảnh khắc, bất cứ điều gì tồn tại ở khoảnh khắc này sẽ không còn y nguyên ở khoảnh khắc tiếp theo. Tất cả, không có gì là nguyên vẹn, y nguyên, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Điều này, tựa như lời chỉ dạy của Đức Phật: “Thế giới này mà một chân lý tạm thời”. Nó chỉ đúng trong một tích tắc. Heraclitus, một triết gia Hi Lạp cũng từng nói: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Thế giới thay đổi trong chớp mắt. Thế Tôn cũng chỉ ra rằng từ “là” là sai. Đây là một phát biểu vĩ đại, bởi không nên dùng “là”, vì mọi thứ luôn trong trạng thái “trở thành”. Không hề có trạng thái “là”. Cuộc sống là một sự vận động, một quá trình mà không có gì là vĩnh cửu dù ở bất cứ đâu. Ở đây, nên hiểu vĩnh cửu cũng có nghĩa là không có sự chuyển hoá nào, không có sự biến đổi nào. Chắc chắn rằng, thế giới không có gì giống như vậy, nó đang biến đổi liên tục. Nó trông giống như “là” nhưng nó đang không ngừng biến đổi, chuyển hoá. Nhận thức của con người chính là sự tri giác tạo ra những ảo tưởng, chấp ngã cho những sai lầm về vẻ vĩnh cửu của tạo hoá. Con người cần phải chấp nhận bản chất biến đổi của thế giới, đó là chân lý. Tính giả tạm hiển hiện ở khắp mọi nơi. Kiến tính là sự bóc trần bản chất giả tạm, phù du của thế giới để có được sự thực hành đúng đắn trong quá trình thiền trì, giúp cho trí tuệ khởi phát, vượt ra khỏi đám mây mờ che phủ và vô minh dẫn lối. Yếu tố khách quan của tư tưởng thiền định đòi hỏi sự giải phóng về mặt tâm trí mới có thể đạt được kiến tính, Bởi tâm trí chỉ biết tưởng tượng, tưởng tượng cũng là năng lực duy nhất của nó. Tâm trí ràng buộc trong thân thể con người. Vượt qua tâm trí là vượt qua thế giới này. Tâm trí tựa như một giấc mơ. Theo cách đó, những ham muốn và tưởng tượng của con người là kết quả từ sự tác động của thể xác và giác quan; tất cả chúng đều là ảo ảnh, tưởng tượng. Do đó, không thể biết chân lý thông qua tâm trí.
        Pháp Loa cho rằng, vấn đề kiến tính có vai trò quan trọng, được kế thừa từ truyền thống của Tuệ Trung Thượng sĩ. Kiến tính của Ngài có sự khác biệt ở chỗ không chủ thể, không đối tượng. “Kiến là vô sinh, sinh kiến phi hữu, tức không phát sinh cái kiến ấy (tính kiến vô sinh, tắc sinh kiến phi hữu). Mà đã phi hữu tính thực (tức không có cái tính thực hay thực tính), trong khi đó cái kiến chân thực không hề thay đổi, cho nên là nói kiến tính một cách chân thực (phi hữu tính thực, nhi thực kiến, bất thiên. Cố danh chân thực kiến, tính giả)5. Ở đây, tính, chân tính được Pháp Loa hiểu là bản thể không thể nghĩ suy, bàn định được, không thể thấy theo nghĩa thông thường. Kiến tính thực chất chính là cái phi kiến. Kiến cũng là phương tiện để trở về bản thể chân tính. Còn thực tính, tính thực đều không có. Bản thân con người vì hư vọng, chấp ngã cho nên mới đặt ra tính thực hay thực tính, điều này khiến cho kiến, phi kiến xuất hiện. Kiến phi kiến chính là sự trở về với cái không ban đầu. Hay nói cách khác, đó là tư tưởng về tính không mà Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông đều đã đề cập. Cái kiến chân thực (thực kiến) là cái kiến không bao giờ thay đổi, kiến này cho phép nhìn thấy tận cùng thực tướng của hiện hữu6. Nghĩa là, cái thấy về thể tính vốn là vô sinh, do vậy, không có sự phát sinh của cái thấy ấy. Tính cách thực hữu của Tính là không, cái thấy chân thực không thay đổi cho nên thấy tính một cách chân thực.
 
        “Người học Phật phải chú trọng trước hết đến vấn đề kiến tính (thấy được bản tính mình). Thế nào gọi là thấy tính? thấy đây là thấy cái không thể thấy. Cho nên thấy được cái thấy - không - thấy tức thì chân tính hiện ra. Cái thấy về thể tính vốn là vô sinh cho nên không có sự phát sinh của cái thấy ấy. Tính cách thực hữu của Tính chính cũng là không, nhưng cái thấy chân thực lại không thay đổi, cho nên nói là thấy tính một cách chân thực”1.
        Kiến tính trong quan niệm của Pháp Loa được hiểu theo hai nghĩa về cơ bản: là sự nhận thức của thực tướng hiện hữu và nhận thức ra bản thể, bản tính nơi mình. Ở nghĩa thứ nhất cho thấy, người kiến tính chính là người giác ngộ, ở nghĩa thứ hai, kiến tính là bước đầu của quá trình đi đến giác ngộ, đúng như Pháp Loa từng viết: “Sau khi kiến tính, phải kiên trì tịnh giới” (Kiến tính tri hậu, kiên trì tịnh giới)2. Vấn đề kiến tính và Phật tính, trong Tam tổ Trúc Lâm giảng giải cũng có viết: “Biết được tính này ấy là tâm gì? Tâm gì biết được tính này? Tâm tính rỗng sáng, cái nào phải, cái nào chẳng phải? Như vậy tâm tính rỗng sáng, có cái gì là phải chẳng phải? Pháp thức là tính, Phật tức là tâm. Cho nên nói Pháp tính, Phật tâm, Phật tâm, tâm tính không hai. Tính nào chẳng phải là pháp? Tâm nào chẳng phải là Phật? Tất cả tâm là chỉ cho Phật, tất cả tính là chỉ cho pháp, Phật pháp không có rời chính mình nên nói: Tức tâm tức Phật, tức tâm tức Pháp”3.
 
        Tư tưởng Thiền học của Pháp Loa cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của tịnh giới là phải giữ tâm không xao động mới có thể đạt tới trạng thái như nhàn, nghĩa là cảnh hiện đến cũng như không, cảnh luôn vắng lặng. Nhãn thức không vì bị lôi cuốn mà hướng ra ngoài, thức không bị cảnh níu kéo mà vướng vào trong. Ra ngoài vào tự tại cho nên gọi là chế tức chế ngự, sự dừng. Dừng ở đây chỉ là trạng thái điều chế ngừng chỉ chứ không phải là dừng bất động. Đối với các thức khác như tỵ, thiệt, thân, ý cũng tương tự. Đó gọi là Đại thừa giới, là Vô thượng giới, là Vô đẳng giới.4 (Dĩ thập nhị thời chung; ngoại tức chư duyên, nội tâm vô suyễn động cảnh đáo như nhàn. Nhãn bất vi thực sở duyên xuất, thức bất bị cảnh sở duyên nhập. Xuất nhập bất giao, cố danh chế chỉ. tuy danh chế chỉ, phi chỉ chỉ cố. Cố tri, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý diệc phục như thị. Thị danh đặng thừa giới; thị danh vô thượng giới; Diệc danh vô đẳng giới)5. Sự chuyển hóa trong động tĩnh thành vòng tuần hoàn, trong tĩnh có động, động hướng tới tĩnh, tính đến quán động một cách nhịp nhàng. Ở Pháp Loa, vấn đề kiến tính và tịnh giới như ngõ hầu làm bước đệm để tiến tới tu tập thiền định. Tịnh giới được Ngài gọi là phương pháp thực tiễn nhiếp tâm giữ ý: “Thế nào là tịnh giới? Là trong 24 tiếng đồng hồ một ngày các điều kiện ngoại cảnh không dấy động, các điều kiện nội tâm không lung lay. Tâm không lung lay, thì cảnh đạt tới trạng thái thư nhàn. Nhãn căn (mắt) không phải vì đối tượng mà hướng ra bên ngoài, nhãn thức (cái thấy) không phải vì đối tượng sở duyên mà hướng vào bên trong. Ý thức được rằng ra và vào không giao tiếp liên hệ cho nên đạt được trạng thái điều chế ngưng chỉ. Tuy gọi là điều chế ngưng chỉ mà không phải là bất động. Đối với các thức khác như nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý cũng vậy. Đó gọi là Đại thừa Giới, là Vô Thượng giới, là Vô Đẳng giới. Tịnh giới này, từ một vị tiểu tăng cho đến một vị đại tăng, ai cũng có thể duy trì và an trú trong đó được. Nhờ duy trì tịnh giới mà kiên cố không dao động. Sau đó mới tập thiền định, buông xả cả thân và tâm cùng một lúc”6.
         Pháp Loa cũng đưa ra phương pháp để tu tập thiền định. Thiền định đối với Ngài chính là định được cái tâm của chính mình, là quá trình tự vấn, suy nghĩ xem thân từ đâu mà tới? Tâm từ đâu mà thành? Nếu tâm không có thì do đâu mà có thân? Thân và tâm đều là không thì pháp từ đâu mà có được? Pháp đã không phải là “hữu” thực, thì mối quan hệ hay nhân duyên của “vô” và “hữu” như thế nào? (Thả thiền vị chi yếu, tiên định kỳ tâm, thường tự tư duy: Thân tòng hà lai? Thân tâm câu vô? Pháp tổng hữu? Pháp chi thực hữu, chi yếu, tiên định kỳ tâm, thường tự tư duy: Thân tòng hà lai? Thân tâm câu vô? Pháp tổng hà hữu? Pháp chi thực hữu, vô hữu hữu cố)1. Định được cái tâm mình chính cần thiết nhất của thiền định. Nói như các Thiền phải kìm cho được cái tâm vượn, ý mã. Muốn làm được việc đó, theo Ngài phải quán tưởng những đoạn thoại đầu sau: Thân từ đâu tới? Tâm từ đâu thành? Tâm đã không thì do đâu Thân? Thân tâm đều không thì pháp từ đâu được? Pháp đã không phải thực hữu thì vô có nhân duyên với thực hữu như thế nào? Hữu không phải thực hữu thì cái hữu lấy được? (Hữu phi hữu hữu, hữu hữu hà hữu)? Cái thực hữu là không (vô) thì cũng chẳng có cái thực hữu của pháp (Hữu hữu dĩ vô, vô hữu hữu pháp)? Pháp pháp không pháp vậy thì pháp dựa vào đâu? (Pháp pháp bất pháp, pháp pháp y)? Không căn cứ, không có chỗ dựa, nên pháp không pháp là pháp (vô cứ vô y pháp phi pháp pháp)? Cái pháp đó là không thực mà cũng không phải không thực (Thử pháp phi thực, diệc phi bất thực)2.
        Về phương pháp tham cứu thoại đầu, Pháp Loa cũng có viết: “Tham thoại đầu thì chớ để gián đoạn, phải nên tham cứu liên tục, không xen kẽ một ý niệm nào khác. Giữ đừng để nghiêng ngả, không trạo cử cũng không hôn trầm, hoạt bát như ngọc lăn bàn thạch, sáng sủa như gương chiếu trên đài. Đạt đến chỗ đó thì đi cũng vậy mà đứng cũng vậy, ngồi cũng vậy, mà nằm cũng vậy, nói cũng vậy mà lặng thinh cũng vậy, không lúc nào mà không ở trong trạng thái thiền. Như vậy mới giải phẫu tam cú, tam huyễn, tam yếu, ngũ vị, tìm hiểu tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng và những điểm thiết yếu khác của các vị thiền tổ”3.
  
 
        Con người chỉ thể năng lực chứng ngộ nhập thiền khi được thực pháp chứng ngộ. Tu tập thiền định không cần bám vào công dụng thì sẽ dùng được cái không thể dùng. Đó gọi là thượng thừa thiền vậy (Đắc thực pháp chứng, năng chứng nhập thiền. Tu tập thiền định, bất trú công dụng. Dụng khả dụng, danh thượng thừa thiền)4. Để đạt được trạng thái đó, đòi hỏi người tu thiền không thấy mình tu cả, thấy cảnh vật, tâm không dính mắc. Điều này cho thấy, những thoại đầu của Pháp Loa có ý nghĩa Thiền học sâu sắc, Thiền định chính là tìm về với Phật tính và pháp thân: “Phật tính pháp thân như hình như bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng tức chẳng lý”. Phật tính pháp thân đối với thân này như hình với bóng không có rời nhau, nhưng tùy duyên khi ẩn khi hiện. Như khi chúng ta đi ra nắng, thấy bóng là hiện, không thấy là ẩn. Cũng vậy, chúng ta tu khi tâm an ổn đôi phần, thấy mình cái chân thật trùm khắp, không phải chỉ vọng tưởng suy nghĩ hơn thua phải quấy tâm, còn có cái gì cao siêu hơn nữa. Cái chân thật cao siêu đó tùy duyên có khi ẩn có khi hiện, nó không phải là mình, cũng không phải rời mình. Như Ngài Động Sơn khi qua cầu ngộ chỗ chẳng phải tức, chẳng phải ly. Tại sao chẳng phải tức? Vì hình không phải tức là bóng. Cho nên nói: “Ta không phải là y, mà y chính là ta”. Vì thân này không phải là cái bóng, mà cái bóng từ thân này mới có5
        Thiền sư Pháp Loa cho rằng, giữa Pháp và Thân với Thực tướng, Hữu và Vô cho thấy sự hiện diện của thế giới này nhưng cũng chỉ là giả tạm, không phải là thực có, cũng như có là không, nhưng không phải là thực không. Sự đả phá quan niệm phủ nhận thế giới hiện tượng trong tư tưởng Thiền học của Pháp Loa cho thấy tính bản thể sắc không. Thế giới vạn vật là có nhưng không thực có, không thực tướng. Không nhưng không thực không. Trong bản thân cái tồn tại thực, thực có, thực không này cũng là không. Pháp là thực, mà cũng là phi thực, pháp là không pháp, pháp không pháp là pháp. Thoại đầu này cho thấy sự tiếp diễn tư tưởng trong bài truyền pháp của Như Lai cho đệ tử Ma Ha Ca Diếp1. Điều này chứng minh sự uyên thâm về trình độ Thiền học của Pháp Loa. Ngài cũng chỉ bày tất cả các pháp diệu dụng đều bắt nguồn từ tâm: “Cần phải tìm xét, đâu chẳng nghe nói: ‘Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm. Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông. Tấc vuông là chỉ chữ tâm. Hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm. Diệu dụng nhiều vô số như cát dưới sông, cũng từ nguồn tâm’”2. Con người chỉ có thể đạt đến tuệ thì mọi sự vật, hiện tượng, dù tương đối hay tuyệt đối, hữu hình cũng như vô hình. Trong mọi cõi, thậm chí nhất thiết chư tam muội môn đều đầy đủ nơi mình, đều từ mình ra (Trần trần sát sát, nhất thiết chư tam muội môn giai tòng tự kỳ lưu xuất)3.
           Trúc Lâm đệ Nhị tổ đã tiến hành phân tích mối liên hệ giữa thiền định và tuệ. Tuệ mà không đạt được định thì gọi là tuệ cằn, định mà không đạt được tuệ thì cũng gọi là thiền si (cái tuệ khi bất đắc định giả, do danh cằn tuệ, định nhi bất đắc tuệ giả, diệc danh si thiền)4. Thiền định là phải dẫn đến tuệ mới là thiền định chân chính, còn ngược lại, thiền định không dẫn đến tuệ, thì chỉ là thiền si mê, u tối. Khi đã có tuệ rồi thì lại phải định ở trình độ cao hơn. Nếu từ tuệ không dẫn đến định cao hơn thì cái tuệ đạt được này trước sau gì cũng mai một, cằn cỗi5. Ngài cũng nhấn mạnh, yếu chỉ của Thiền định là thân tâm đều xả. Xả tâm là vừa dấy niệm liền buông. Còn xả thân là xả tất cả những nhu cầu mà bản thân đòi hỏi, xả những thụ hưởng không cho thân tâm đắm trước. Người tu thiền phải thấy thân tâm là tạm bợ, giả dối, vượt qua luyến ái để giữ gìn cho được sống lâu, dùng thân tâm trong những điều lợi ích cho đạo, lợi ích cho chúng sinh, đó mới được gọi là xả thân. Khi biết thân, tâm và cảnh không thật thì không còn chấp, không dính mắc, đó là thiền. Điều này đúng với câu của Điều Ngự Giác Hoàng: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Đối cảnh không tâm dính mắc là đã nhập thiền rồi, không cần hỏi thiền là gì nữa. Người tu thiền không được chấp dụng công, dụng công không có chỗ dụng gọi là Thiền Thượng thừa6.
 
     Để có thể phá chấp tâm là gốc, Thiền sư Pháp Loa phân tích các yếu tố Giới và Thiền định, Tuệ và Thiền định. Ngài muốn cho tất cả người tu thiền phải đủ ba môn Giới, Định, Tuệ. Giới, Định, Tuệ viên mãn, chúng sinh mới có thể thành công trên đường tu giác ngộ và giải thoát. Pháp Loa nói rõ chỗ cốt yếu của Đại thừa (Đại thừa yếu thuyết): “Nếu người học cần yếu phải từ cạn đến sâu. Tức là gồm ba môn tuệ học, Văn Tư Tu, ba môn này thảy đều là Bát nhã (Trí tuệ). Trước cần nghe pháp sinh tri giải, gọi là văn tuệ, kế suy ngẫm pháp đã nghe, nhận định yếu lý rõ ràng, do 
suy ngẫm nhập tâm mình, gọi là Tư Tuệ, sau đó, như chỗ đã nghe, đã suy ngẫm, căn cứ vào đó tu hành không cho sai chạy, gọi là Tu Tuệ. Hai Tuệ trước thuộc về hữu lậu, một tuệ sau thuộc về vô lậu. Trước thì cạn, sau thì sâu. Tuy cạn sâu có khác, đều gọi chung là Tuệ”1.
      Thiền học của Pháp Loa là tư tưởng thoát tục, “tuân theo tổ sư hành đạo thiền cơ mọi việc như không có gì, mặc cho đi đi lại lại, hoặc đến phương bắc, hoặc tới phương nam, cứ tham thiền hỏi đạo, tùy duyên giác ngộ cho mình và cho người khác. Đó là Phật pháp vậy”2. Pháp Loa xác định Phật pháp trên lập trường, quan điểm của Giáo hội, người đứng đầu của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trrong phạm vi Thiền học của mình, Ngài chỉ đề cập một cách vắn tắt, ngắn gọn những vấn đề thiết thực của việc tu đạo. Người muốn ngộ đạo, trước hết phải học đạo. Pháp Loa rất tích cực trong việc truyền thừa, diệu dụng và giáo hóa: “Thường ngày bàn thiền nói pháp mà không một pháp có thể được. Khi Ngài còn sống thì luôn bàn thiền nói pháp với đệ tử, với mọi người. Tuy bàn, tuy nói mà không một pháp có thể có được tức là không dính mắc một pháp nào. Nơi nơi tiếp độ chúng sinh mà không phải chúng sinh. Ngài luôn luôn đi hoằng hóa, giảng dạy các nơi để tiếp độ chúng sinh. Cuộc đời Thiền sư Pháp Loa cùng những tư tưởng của Ngài cho thấy đạo hạnh của một vị Bồ tát thượng thừa, đúng như trong Phát nguyện văn của Lục thời nghi có viết: “Nguyện học các hạnh nguyện của chư Phật Bồ tát. Nguyện với chúng sinh như Tán xác, hoặc kính mạn, hoặc thí dư, hoặc xâm đoạt, hoặc nhìn thấy, hoặc nghe tên đều độ cho hết, khiến cho tất thảy đăng lên cõi Bồ đề”3.
 
           2.2. Tư tưởng Thiền học của Thiền sư Pháp Loa trong hệ thống Trúc Lâm Yên Tử
        Thiền phái Trúc Lâm được sáng lập bởi Đại đầu đà Trúc Lâm tổ nhưng gốc rễ sâu xa bắt nguồn từ Thiền Hiện Quang - Ngài khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi thành Hoa Yên trên núi Yên Tử. Hệ thống Thiền học Trúc Lâm là sự tổng hợp, thống nhất các dòng thiền lại thành một dòng Thiền Việt Nam. Đệ nhất Trúc Lâm đã dung hợp các dòng thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Ngôn Thông, Thảo Đường để hình thành Thiền học Trúc Lâm. Thiền học Trúc Lâm trên tinh thần căn bản lấy tông chỉ: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, tức chỉ thẳng ngay tâm người, ai nhận được bản tính thì đủ cái nhân thành Phật. Phậtngay trong tự tính. tổ Trúc Lâm từng nói: “Phàm thánh vốn đồng một mối, phải quấy đâu hai đường. Cho nên biết, tội phước vốn không, cứu cánh nhân quả chẳng thật. Người người sẵn đủ, kẻ kẻ trọn thành. Phật tính pháp thân như hình như bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng tức chẳng lìa,dưới lỗ mũi,ngang lông mày, vậy dương mắt nhìn cũng không dễ thấy, đã ý truy tầm lại càng không thấy đạo (Phật tính, pháp thân như hình như ảnh, tùy ẩn, tùy hiển. Bất tức, bất ly. Ty khổng trực hạ. Đương diện môn mi mạo hoành chắp. Tại nhãn bối khỉ. Dung dị mịch yếu thả truy tầm bất kiến đạo”4. Nếu như trong quan niệm về Thiền học của tổ Trúc Lâm cho rằng thế giới hoàn toàn tính chất Phật pháp, thế giới thường, hư, thực thực, như mộng ảo huyễn. Sự xuất hiện do phân biệt kén chọn suy cho cùng do minh. Diệt được minh thì những thiên sai vật biện, những rường mối cũng biến mất5, thìPháp Loa lại cho rằng tính, chân tính bản thể, vấn đề chú trọng của người học Phật Thiền học kiến tính, Phật tức Tâm, Tâm tức Phật, Ngài đi đúng con đường duy tâm chủ quan theo nghĩa cái Tâm nhà Phật của Thiền tông nói riêng Đại thừa nói chung, tuy nhiên Ngài không giải thích hơn luận điểm Thiền học: “Nhất thiết duy tâm tạo” của nhà Phật, hay quan điểm “Nhất thiết chư pháp, giai tòng tâm sinh” của Thiền tông Trung Hoa, chỗ, Ngài cho rằng những luận điểm này chỉ đúng đối với những người đã đạt đến trí tuệ viên mãn chiếu rọi muôn phương, những người đã đạt đến giác ngộ. Khi đạt đến tuệ con người sẽ thấy mọi cái phát sinh từ tâm, mọi cái phụ thuộc vào tâm.
         Đối với Thiền học Trúc Lâm, Pháp Loa là vị đệ Nhị tổ có uy tín rất lớn trong nước thời bấy giờ Phật học cũng cực thịnh. Tư tưởng Thiền học và tinh thần Phật học của Ngài chính là tinh thần của Thiền tông của phái Trúc Lâm Yên Tử mà sư đã được vị Đệ nhất tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông trực tiếp truyền cho. Nhưng khuynh hướng Thiền học của Nhân Tông tích cực phụng sự dân tộc về mặt chính trị quốc gia xã hội để rồi tiến thẳng đến tâm lý nghệ thuật vũ trụ hóa, còn Pháp Loa tha thiết về giải thoát, thuần túy nội hướng tâm linh, đốc tín chủ tĩnh trầm tư hơn là hành động. Bởi thế mà Ngài có vẻ lạnh nhạt với cuộc đời, chỉ vội rũ sạch để đi vào cõi tĩnh, mới cho là Cực lạc. Pháp Loa sinh ra đã bẩm thụ đạo căn bền vững, rõ rệt, coi ngủ với tỉnh như một, bệnh với không bệnh giống nhau, vì “tha” cái “Ấy”, Ngài có ý chỉ vào Phật tính nơi bản thân không có bệnh hay là bệnh “bệnh dã bất can tha, bất bệnh dã bất can tha”1.
       Trọng tâm về Thiền học của Pháp Loa đó khát vọng “đoạn sạch”, “cắt đứt” liên hệ, giải thoát ảo mộng như lời thi kệ: “Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhân. Tứ thập dư niên mộng ảo gian”:

 
                                                                                       萬緣截斷一身閑
四十餘年夢幻間 ;
珍重諸人休借問 ,
那邊風月更邁寬。
 
                      Phiên âm:
     Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
  Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

           Na biên phong nguyệt tiện mại khoan2.

                      Dịch nghĩa:
 
       Muôn duyên cắt đứt, được thân nhàn
     Hơn bốn mươi năm mộng mơ màng
       Trân trọng mọi người đừng thăm hỏi,
      Bên này trăng gió cũng mênh mang.
 
         Nguyễn Đăng Thục cho rằng, Thiền sư Pháp Loa muốn vượt và đã vượt lên cái trạng thái của cái siêu thức, không còn liên hệ trong vòng kinh nghiệm của người thường ngủ say, mộng thứcnữa. Bởi thế mà Ngài khuyên: “ngủ say với giấc là một”, “thụy dữ giác nhất”. Theo kinh nghiệm thông thường, khi người ta ngủ say, người ta không còn ý thức về cái ngã của mình nữa, cái ngã thân tâm riêng tư bởi thế mà trong lúc ngủ say người ta hết cả hệ lụy, hết thèm muốn cũng như lo sợ. Đối với nhà sư đắc đạo thì lúc thức cũng không còn cái thân tâm riêng tư, cái ngã vị kỷ nữa, cho nên bảo giác với thụy là một. Đối với người thường thì khi ngủ say không có ý thức cảm nghĩ của cái thân tâm riêng hệ lụy nữa, nhưng đến khi tỉnh ngủ thì lại hiện ra lo nghĩ hệ lụy vì trong lúc ngủ vẫn mang theo cái mầm ngũ uẩn, cái mầm thân tâm riêng tư. Còn bậc đắc đạo thiền thì chỉ có một ý thức giác ngộ, không còn ý thức cảm nghĩ nữa, tức đã vượt lên cái siêu thức trên ba trạng thái kinh nghiệm ngủ, mộng thức. Do đó, cái tiếng “hống, hống khi ngủ” cũng chỉ như tiếng “gió cây”, thuộc vào loại nguyên thanh trụ. Nhưng Huyền Quang chưa hiểu, vì còn “si” nên nghi hoặc cho rằng người ta chỉ một bệnh ngu si, minh ấy đến chết chưa chữa khỏi.1 Đó tinh thần của Thiền học thuần túy trầm tư, mặc niệm, thành tín và đặc sắc của Pháp Loa trong hệ thống Thiền học Trúc Lâm đời Trần.
         Ở Thiền học Trúc Lâm, ngoài tinh thần hợp nhất các dòng Thiền còn là sự song hành thiền giáo, sáng tạo không ngừng, kế thừa và phát triển của Thiền tông Trung Hoa. Trong các bài giảng kinh của mình, Tam tổ Trúc Lâm đã giảng thấu đáo đối với những người muốn trực tiếp dấn thân vào Thiền học. Các Ngài sẵn sàng khai thị trực tiếp: “Các Ngài tu hành vẫn ngộ đạo, đạt lý thiền sâu xa, nhưng cần giảng kinh thuyết pháp thì sẵn sàng giảng kinh, thuyết pháp, cần khai thị thiền cơ thì khai thị thiền cơ. Cho đến cần dạy người làm lành lánh dữ tu thập thiện để chuyển hoá đời sống xấu ác mà vươn lên thì tùy duyên hướng dẫn, không cố chấp một chiều hay bắt chước rập khuôn. Đây là một điểm sáng tạo đúng với tinh thần thiền, không đóng khung chết một chỗ”2.
        Khai thác Thiền học đối với các Thiền Trúc Lâm gắn với các hoạt động giảng giải kinh pháp. Nếu như Điều Ngự từng giảng Truyền đăng lục và sai Quốc sư Đạo Nhất giảng Kinh Pháp hoa tại chùa Vĩnh Nghiêm. Thì Thiền Pháp Loa giảng các Kinh Niết Bàn, Lăng Già, Pháp hoa nhất Hoa nghiêm, được Ngài giảng nhiều lần. Thiền Huyền Quang cũng từng giảng Kinh Lăng nghiêm.
      Hơn nữa, Thiền học Trúc Lâm còn hướng đến tinh thần nhập thế, Tăng tục đều giác ngộ. Với chủ trương Thiền tông: lấy tâm làm tông. Ngộ đạo hay thành Phật, làm Tổ, làm Thiền sư vốn ở ngay tự tâm, chứ không phải đâu xa khác. nên ai tâm đều phần. Xuất gia hay tại gia, khéo soi lại chính mình, sáng được tâm thì đều giác ngộ như nhau. Trần Nhân Tông - Pháp Loa Huyền Quang - Tam tổ Trúc Lâm đều thấy được bản chất của Thiền tông Trúc Lâm đều xóa tan ý niệm phân cách xuất gia, tại gia, ta là tăng, kia là tục, đúng với tinh thần Thiền học và lẽ thật. Lẽ thật vốn không có hình tướng, không thuộc thân thể nam, nữ, tăng, tục, phàm, thánh. Thấy được tính là thấy Phật, thấy lẽ thật. Điều này khiến cho Thiền Trúc Lâm sáng tỏ chân bình đẳng của đạo Phật: đánh thức sự giác ngộ sẵn trong mỗi người. Trong vai trò này, Thiền Pháp Loa đã làm rất tốt, độ hàng trăm đệ tử, giữ quyền quản lý Giáo hội và cho xây dựng nhiều ngôi chùa nổi tiếng.
 
       Mặt khác, Thiền học Trúc Lâm còn hướng đến tinh thần đốn ngộ, nhập thế. “Với tinh thần đốn ngộ của Thiền tông. Thiền học Trúc Lâm đã nêu cao tông chỉ đốn ngộ ngay trong hiện tại. Người nào công phu tương xứng thì bản thân họ tức khắc thể nghiệm được chân giác ngộ của Phật. Không chỉ tổ Trúc Lâm từng khuyên nhủ: “Mọi người ăn cơm, ăn cháo, tại sao không được việc bát, việc muỗng? Tức ngay chỗ sống hằng ngày, cần đốn ngộ thẳng thắn. Ánh sáng chính giác luôn biểu hiện ngay trong chỗ cầm bát, động muỗng, rất gần gũi với mọi người dân. Nhưng riêng đối với Pháp Loa, rất thực tế ràng. Mặc dù, xuyên suốt tưởng Thiền học của mình, Ngài ít đề cập đến những vấn đề siêu hình trừu tượng một cách hệ thống như Trần Thái Tông, ít đưa ra những vấn đề Thiền học uyên thâm sâu sắc như Tuệ Trung Thượng sĩ, ít đề cập đến những vấn đề luận với Trúc Lâm đệ Nhất tổ Trần Nhân Tông. Ngài chỉ nêu ra cách tu đạo rất thiết thực. Càng về cuối đời, tưởng Thiền học của Ngài xu hướng thoát tục, đạo càng tách đời nhiều hơn so với những bậc Thầy đi trước thời Trần1. Trong bài kệ Thị tịch đã nêu trên cho thấy tâm thế giải thoát của bậc đại Thiền trước giờ niết bàn tịch tĩnh với sinh tử, hoại tan rất an yên, nhẹ nhàng. Thiền đã khám phá ra kho báu “chính pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm”, theo gương của bậc tổ quan niệm về Pháp thân phổ đồng không, dung chứa hết thảy vạn pháp, không tất cả lại đầy đủ tất cả, hiện hữu ngay trước mắt. Do đó, ngồi thiền hay giảng pháp, truyền giới hay đọc kinh Ngài cũng không hề vướng bận ngay cả phút thị tịch vẫn tự do, tự tại. tưởng Thiền học Trúc Lâm đã ngấm sâu lan tỏa trong con người Thiền tạo nên vẻ đẹp thanh thoát ngộ đạo. Cuộc đời của Ngài bài pháp sống, điển hình mẫu mực cho sự nỗ lực học tập, tu dưỡng hành đạo. Ngài đã biến những tư tưởng Thiền học thành những hành động thiết thực để lại cho đời những đạo quả biên, hạnh quả trọn vẹn trong khí phách của người trẻ tuổi - bậc trượng phu, Thiền sư, Tổ sư. Hiện diện trên cõi đời 47 năm (1284 - 1330), với 26 năm xuất gia tu học, Ngài không quản sương gió, đi khắp mọi miền đất nước để giảng kinh, thuyết pháp, xây dựng nhiều cảnh chùa lớn nhỏ lập hàng trăm tăng xá, đúc hàng ngàn pho tượng, độ hàng vạn Tăng Ni. tưởng Thiền học hành động trong con người Pháp Loa thế. Sách Tam tổ thực lục chép: “Sư đã tạo ra hơn 1.300 tượng Phật lớn nhỏ, hai bộ tượng sơn mài, hơn trăm tượng bằng đất, dựng tăng xá, độ hơn 15.000 tăng ni, in một bộ Đại tạng kinh. Những đệ tử đắc pháp hơn 3.000 người... Pháp 6 người như Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn… đều hành đạo đắc lực”2.
        Trong Thanh Mai Viên Thông bi 3 cũng có chép: 開祐元年己巳七月、開崑山及青梅山境。八月、授國父上宰女宣真公主出家戒。九月、授昭勳王女麗寶公主出家戒。十一月、於 瓊林院建壇點彌勒佛眼,引調御所分取勝資天塔舍利封於瓊林院石塔。師鑄佛像大小凡一千三百餘尊, 漆布二部, 泥塑百餘 尊, 建大剎二所, 塔五座, 立僧二百餘名,度僧尼一萬五千餘人,印大藏經一部。所得法弟子三十餘人,已列于圖。法師六人如惠燃、惠燭、海 印皆行法有驗;弘濟、玄覽、文見今奉師塔焉。
 
       Phiên âm: Khai Hựu nguyên niên Kỷ Tỵ thất nguyệt khai Côn Sơn cập Thanh Mai sơn cảnh. Bát nguyệt thụ quốc phụ thượng tể nữ Tuyên Chân công chủ xuất gia giới. Cửu nguyệt thụ Chiêu Huân vương nữ Lệ Bảo công chủ xuất gia giới. Thập nhất nguyệt, ư Quỳnh Lâm viện kiến đàn điểm Di Lặc Phật nhãn, dẫn Điều Ngự sở phân thủ Thắng Thiên tháp lị phong ư Quỳnh Lâm viện thạch tháp. Sư chú Phật tượng đại tiểu phàm nhất thiên tam bách dư tôn, tất bố nhị bộ, nê tố bách dư tôn, kiến đại sái nhị sở, tháp ngũ tòa, lập tăng nhị bách dư danh, độ tăng ni nhất vạn ngũ thiên dư nhân, ấn Đại tạng kinh nhất bộ. Sở đắc pháp đệ tử tam thập dư nhân, dĩ liệt vu đồ. Pháp sư lục nhân như Huệ Nhiên, Huệ Chúc, Hải Ấn giai hành pháp hữu nghiệm; Hoằng Tế, Huyền Lãm, Văn, Kiến kim phụng sư tháp yên.
        Dịch nghĩa: “Tháng 7 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Khai Hựu nguyên niên (1329) mở cảnh Côn Sơn cùng Thanh Mai. Tháng 8 nhận con gái của Quốc phụ Thượng tể là Tuyên Chân công chúa làm lễ xuất gia giới. Tháng 9 nhận con gái của Chiêu Huân vương là Lệ Bảo công chúa xuất gia giới. Tháng 11, dựng đàn điểm Phật nhãn cho tượng Di Lặc ở viện Quỳnh Lâm, dẫn xá lị đã phân tháp Thắng Tư Thiên phong kín trong tháp đá viện Quỳnh Lâm. Lại đúc tượng Phật lớn nhỏ gồm khoảng hơn 1.300 tượng, sơn thếp 2 bộ, đắp đất hơn trăm tượng, dựng xây 2 chùa lớn, dựng 5 tòa tháp, nhận hơn 200 vị tăng, độ cho hơn 1 vạn 5 nghìn tăng ni, in Đại tạng kinh, đệ tử đắc pháp hơn 30 người, đã liệt kê vào phần đồ hình. Bậc pháp sư có 6 người như Huệ Nhiên, Huệ Chúc, Hải Ấn đều hành pháp rất linh nghiệm; Hoằng Tế, Huyền Lãm, Văn Kiến nay đều phụng thờ tháp cho sư”.
        Thiền sư Pháp Loa không chỉ là một nhà Phật học, người hành thiền mà còn là nhà giáo dục, người có nhiều đóng góp cho việc xây dựng, kế thừa, phát triển nền tảng tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm. Cuộc đời và hành trạng của Ngài như ánh sao sáng trên bầu trời Thiền học Việt Nam nói chung và Thiền học trúc Lâm đời Trần nói riêng. Những tư tưởng vô chấp, vô trụ, Phật tâm, kiến tính thành Phật, chân như, tự tính, bản thể... được Ngài khai thác và vận dụng trong đời sống thiền hành, hoằng dương chính pháp, và ứng dụng vào thực tiễn cho thất giá trị to lớn, góp phần hướng Phật, định tâm, lý giải sâu sắc thêm những vấn đề cốt tuỷ trong nền tảng Phật học.
 
  1. KẾT LUẬN
        Tóm lại, có thể thấy rằng những tư tưởng Thiền học của Thiền sư Pháp Loa có một vị trí đặc biệt quan trong trong hệ thống Thiền học Trúc Lâm Yên Tử thời Trần (1225 - 1400). Đó là sự kế thừa và tiếp nối mạch nguồn Thiền học truyền thống Yên Tử từ thời Hiện Quang đến Sơ tổ Trần Nhân Tông và được tiếp biến trong quan niệm của hàng hậu học Trúc Lâm sau này ở thế kỷ XVII như Chân Nguyên. Với vai trò là cầu nối, đồng thời lại là người trực tiếp được Sơ tổ Trúc Lâm truyền đăng tiếp nối tư tưởng Thiền học Trúc Lâm Yên Tử, Thiền sư Pháp Loa đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình, vừa quản lý Giáo hội Trúc Lâm, vừa phát triển Thiền học, đồng thời phát triển, đào tạo Tăng tài, Phật tử xiển dương chính pháp, biến những tư tưởng Thiền học từ lý luận trở thành Thiền học hành động với nhiều thành tựu, tạo nên mốc son vàng rực rỡ, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho Phật giáo Trúc Lâm trong giai đoạn triều đại nhà Trần - đó là một nền Phật giáo dân tộc, một nền Thiền học, Thiền tông độc lập, tự chủ mang bản sắc đổi mới, sáng tạo, hòa hợp thể hiện tư duy, trí tuệ thượng thừa của các Thiền sư Việt Nam thế kỷ XIII - XIV./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2011), Phật giáo đời Trần, tập 3 NXB Tôn giáo, Hà Nội.
  2. Viện Triết học (2007), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Thích Thanh Từ (1997), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hàng, Ban Văn hoá Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  4. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, I-II-III, NXB Văn học, Hà Nội.
  5. Nguyễn Đặng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập IV, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Thích Thông Phương (2003), Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
  7. Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân (Chủ biên, 2016), Văn bia thời Trần, NXB Văn hoá Dân tộc, Nội.
  8. Thích Thanh Quyết - Trịnh Khắc Mạnh (Chủ biên, 2018), Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo tùng thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  9. Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam tổ thực lục, NXB Tp. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành.
  10. Thơ văn Lý - Trần (1997), Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

   Tài liệu trích dẫn
  1. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, NXB Văn học, Hà Nội, tr.317-318.
  2. Thơ văn Lý - Trần (1997), Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 663-665.
  3. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr. 237-238.
  4. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, NXB Văn học, Hà Nội, tr.326-327.
  5. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, NXB Văn học, Hà Nội, tr.663-665
  6. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr.238.
  7. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, NXB Văn học, Hà Nội, tr.327.
  8. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr.239.
  9. Thích Thanh Từ (1997), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, tr.414-415.
  10. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr.239.
  11. Thơ văn Lý - Trần (1997), Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 663-666.
  12. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, NXB Văn học, Hà Nội, tr.327.
  13. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr.261.
  14. Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam tổ thực lục, NXBTp. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành, tr.54.
  15. Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân (Chủ biên, 2016), Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Văn bia thời Trần, NXB Văn hoá dân tộc Hà Nội, tr170-171.
  16. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr.242.
  17. Thích Thanh Từ (1997), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, tr.414.
  18. Thơ văn Lý - Trần (1997), Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.667.
  19. Thơ văn Lý - Trần (1997), Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.667
  20. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr.243.
  21. Thích Thanh Từ (1997), Tam tổ Trúc Lâm Giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, tr.455.
  22. Thích Thanh Từ (1997), Tam tổ Trúc Lâm Giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, tr.479.
  23. Thơ văn Lý - Trần (1997), Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.650-653.
  24. Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân (Chủ biên, 2016),Thanh Mai viên thông tháp bi, Văn bia thời Trần, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr.189.
  25. Dẫn theo Thích Thông Phương (2003), Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr.31.
  26. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr.237.
  27. Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập IV, NXB Tp. Hồ Chí Minh, tr.264-265.
  28. Thơ văn Lý - Trần (1997), Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.665-666.
  29. Viện Triết học - Nguyễn Trọng Chuẩn (Chủ biên - 2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1 (Từ đầu Công nguyên đến thời Trần và thời Hồ), NXB Khoa học xã hội, tr 239-240.
  30. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, NXB Văn học, Hà Nội, tr.328
  31. Thơ văn Lý - Trần (1997), Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.666- 667.
  32. Thích Thanh Từ (1997), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, tr.413.
  33. Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân (Chủ biên, 2016), Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Văn bia thời Trần, NXB Văn hoá dân tộc Hà Nội, tr.197
  34. Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập IV, NXB Tp. Hồ Chí Minh, tr.265-266.
  35. Thích Thông Phương (2003), Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr.33.




































  36.  
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,048
  • Tháng hiện tại23,519
  • Tổng lượt truy cập1,157,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây