THỜ CÚNG THẦN TÀI Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ – MÔ THỨC THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN ĐÔ THỊ MỚI THỜI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Thứ tư - 31/08/2022 16:49

THỜ CÚNG THẦN TÀI Ở  CHÂU THỔ BẮC BỘ – MÔ THỨC THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN ĐÔ THỊ MỚI THỜI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

TS. Nguyễn Ngọc Mai. Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
 
       Thờ Thần tài là một hiện tượng mới xuất hiện ở châu thổ Bắc bộ (CTBB) trong khoảng chục năm trở lại đây. Thần tài là tên gọi dùng để chỉ vị thần mang lại tài lộc cho con người, đặc biệt là những người làm kinh doanh[1]. Trong dân gian sử dụng cách gọi Thần tài để chỉ tên gọi vị thần mang đến sự may mắn, hy vọng; sự giàu có, sung túc về đời sống tinh thần và vật chất cho con người (đó là tài lộc, tiền của, sức khỏe, tài sản, công danh, sự nghiệp). Như vậy, tên gọi/danh xưng Thần tài mang nhiều nghĩa, cả ở khía cạnh đời sống vật chất, tinh thần và còn hàm nghĩa cầu mong tài năng, trí tuệ, địa vị xã hội sẽ đến trong tương lai.
      Về nguồn gốc của Thần tài ở Việt Nam rất đa dạng, có địa phương đồng nhất Thần tài với thổ địa, tức là một biến thể của thờ thần đất được người Nam bộ gọi bằng cái tên rất thân thiện “ông Địa” và đặt bàn thờ ở sát mặt đất (Trần Ngọc Thêm, 1997: 283). Ở CTBB bộ xưa chưa có hiện tượng thờ ông địa theo lối này mà chủ yếu là thờ thổ công (Táo quân) bàn thờ đặt trong nhà chếch về phía gian trái của nhà và đặt cao hơn bàn thờ tổ tiên) với tư cách gia thần trông coi và phù độ cho gia chủ. Việc thờ cúng thổ công cũng được thắp hương khán lễ hàng tháng (1- 15) và ngày quan trọng nhất là 23 tháng chạp. Tuy nhiên, từ khi kinh tế thị trường phát triển ở các đô thị lớn thì dòng thờ cúng thần tài lại “chảy ngược” từ phía Nam ra Bắc. Cho đến nay thì bất kể nhà nào làm kinh doanh, buôn bán ở đô thị, hay nông thôn đều có bàn thờ Thần tài (tỷ lệ này ở nông thôn ít hơn) vì vậy khi số liệu khảo sát chung của chúng tôi ở ba tỉnh (Hà Nội, Thái Bình và Bắc Ninh)  cho biết trong vai trò thổ công, vị thần đất được thờ trong gia đình với tỷ lệ 72.3%, trong khi đó trong vai trò Thần tài chỉ chiếm 17.7% [2]. Để khắc phục tình trạng này thì những thông tin định tính sau đây sẽ bổ xung thêm về hiện tượng thờ cúng này.

 
-Nhà tôi  kinh doanh điện thoại từ nhiều năm nhưng lập ban thờ thần tài được khoảng hơn 3 năm. Từ khi lập bàn thờ thần tài tôi buôn bán cũng thấy an ổn hơn. Tôi thấy cứ năng cúng, năng dọn dẹp thì thấy có tiền có lộc, còn cứ lười ( cúng khấn) là y như rằng ít tiền ngay (cửa hàng buôn bán & sửa chữa điện thoại tại Thanh Xuân/ HN)
- Thờ thần Tài ở Thị Trấn Tây Đằng trong bà con nhân dân buôn bán xuất hiện từ khoảng đầu những năm 90 của TK XX, khi đó bà con buôn bán, kinh doanh ở Thị Trấn này theo ông D cho biết mới thấy lập ban thờ nhỏ tại các gian hàng để phục vụ thêm cho công việc buôn bán của họ; còn trước đây ở Thị trấn Tây Đằng là không có (PV sâu ông D[1] ở Ba Vì,)
- Gia đình tôi mới thờ được vài năm, gia đình không buôn bán gì, thờ thần tài là do người con trai tôi vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn kinh tế trong đó có lập ban thờ thần tài, khi trở về quê cách đây chừng 3-4 năm thì đã “rước” theo ban thờ thần tài về quê và thờ tại nhà như bây giờ. Có người nói, thần tài là phải đi với người, bây giờ con tôi không làm ở thành phố Hồ Chí Minh mà trở về quê thì mang về quê thờ chứ không bỏ hay “hóa” đi. Xung quanh khu nhà tôi ở có một số nhà cũng thờ thần tài, là do họ có làm ăn buôn bán đất cát, còn người dân gốc ở xung quanh khu vực tôi sống không thấy họ thờ vị thần này (anh B[1] thờ thần tài ở Nghệ An)
Nguồn: tư liệu PV người dân ở HN, Nghệ An, 2015















*Cách thức thờ cúng Thần tài hiện nay cho thấy có ba cách đặt bàn thờ chính:
  • Vị trí đặt có thể là dưới đất (hay gặp nhất), treo trên tường, đặt trên kệ hàng,  hoặc trên kệ cao[3] đặt ở gần cửa ra vào. Vị trí này được giải thích là để thần rước tài lộc vô nhà.
  • Ban thờ Thần tài thông thường là một khám nhỏ, trong khám có đặt hai ông tượng được gọi là ông Tài và ông Lộc, phía ngoài khám có thêm pho tượng nhỏ đứng chắp tay (được gọi là người hầu hạ). Phía trước hai pho tượng là một đĩa đựng hoa quả bánh kẹo để thờ cúng và một lư hương, hai cốc nước, hai ngọn đèn (thay nến) có nơi đặt cây đèn dầu, phía ngoài cùng đặt hai lọ hoa tươi (xem ảnh). Một số nơi còn đặt thêm con cóc (thiềm thừ) ngậm đồng tiền[4].
                                       





 
*Thực hành thờ cúng thần tài thấy chủ yếu rơi vào 3 nhóm đối tượng chính:
       
Những người có làm ăn, buôn bán, kinh doanh thương mại; Những người làm chính trị gia, cán bộ nhà nước, người có địa vị xã hội (chủ yếu ở Hà Nội); Việc thờ cúng thần tài có điểm đặc biệt với thờ cúng thổ công là ngày nào gia chủ cũng phải thắp hương khấn vái kêu cầu phù hộ để được tài lộc nhiều trong ngày. Vì thế trong ban thờ thần tài luôn luôn có hoa tươi hương khói, bánh kẹo hoa quả cúng hàng ngày. Trong tâm lý người dân nếu ngày nào không thắp hương khấn lễ thì ngày đó sẽ thất thu và không may mắn. Lời khấn đại bộ phận đều cho biết là khấn nôm na nghĩ sao nói nấy, đại ý kêu xin thần tài phù hộ cho việc làm ăn buôn bán thuận lợi, được nhiều tài lộc đến nhà. Tuy nhiên, có những gia đình cầu kỳ cũng có dịp cúng gia tiên thì cũng cúng thần tài luôn cả mâm cỗ và làm sớ sao hẳn hoi.


 
Việc thờ cúng là tôi luôn làm theo những gì được mách bảo, và lương tâm  thấy là cần thiết. Ngoài những ngày Rằm, mùng 1, giỗ chạp của gia đình, ngày Tết gia đình tôi có mua lễ cúng tổ tiên và thần tài như nhau; ngoài ra hàng ngày tôi còn thay nước, thắp hương cúng thần tài mỗi ngày vào lúc sáng trước khi đi làm. Vào ngày giỗ của gia đình hay ngày 23/Chạp và 3 ngày Tết, gia đình tôi cúng tổ tiên thế
nào thì cũng cúng vị thần tài như thế. Nếu dâng cúng tổ tiên mâm cơm thì đều làm thêm 1 mâm tương tự để cúng thần tài. Việc khấn hay cầu xin thì chỉ khấn nôm, khi có việc trọng thì có sớ hẳn hoi.

                              Nguồn: Tư liệu PV sâu ông Nguyễn Văn A/ Hà Nội
  






 
       *Nhận thức của người dân tin thờ thần tài:

        Đại đa số người dân phía Bắc có thờ cúng Thần tài trong gia đình/ cửa hàng đều không rõ ràng về lai lịch, gốc gác của vị thần mà họ đang thờ phụng. Vì vậy có người cho biết đó là thần Thổ công, nhưng rất nhiều người chỉ biết là ông Tài và ông Lộc nên đại đa số trong bàn thờ chỉ tồn tại hai pho tượng. Nhưng Ông Tài và Ông Lộc đó là ai thì gần như các gia chủ đều không biết (với lý do rất đơn giản bốc bát nhang và lập ban thờ đều mượn thầy cúng làm nên không biết). Thực tế này trái ngược hoàn toàn với thờ cúng Thần tài của người Hoa ở Sài gòn: “ Các tầng lớp xã hội trong cộng đồng người Hoa, mỗi tầng lớp đều chọn cho mình một vị Thần Tài phù hợp. Vì thế thờ Thần Tài ở người Hoa không phải là cố định một vị như người Việt mà có gia đình thờ vị này nhưng có gia đình lại thờ vị khác.
      Theo phả hệ Thần Tài của người Hoa được chia ra các loại: Thần Tài Võ, Thần Tài Văn, Thiên Thần Tài, Thần Chuẩn Tài…” (
Đinh Hồng Hải, 2012:99). Nghiên cứu về thờ cúng Thần tài của người Hoa ở quận 5 Sài gòn của Võ Minh Trí cũng cho biết đại đa số các gia chủ khi thờ Thần tài cũng đều biết khá rõ nguồn gốc lai lịch của vị Thần tài. Vì biết rõ thì mới có thể chọn cho gia đình mình, giới mình vị Thần tài phù hợp như: “các thương gia rất tôn sùng Quan Công xem ông như vị thần bảo hộ tài sản, mang lại may mắn, tiền bạc và đặc biệt ông là người trung nghĩa, chính trực, văn võ song toàn, có tiết tháo của người quân tử” (Võ Minh Trí. 2018:32); một số gia đình kinh doanh khác lại chọn Phạm Lãi làm Thần tài[5]; Trong dân gian người Hoa còn thờ các thần tài khác như Lợi Thị Tiên Quan[6], Tài Bạch Tinh Quân, Phúc Lộc Thọ Tam Tinh, Ngũ Hiển Thần Tài; Tam Tinh Phúc Lộc Thọ; Ngũ Hiển Thần Tài; Đức Ông Bổn v.v…[7]

      Bản thân khái niệm Thần tài và nội hàm của việc thờ cúng Thần tài xưa cũng như nay đều phản ánh ước vọng về sự giàu có sung túc về tiền tài địa vị của người sở hữu niềm tin tôn giáo này. Trong xã hội cũ với kinh tế nông nghiệp, và sau này là thời kinh tế kế hoạch bao cấp việc thờ cúng Thần tài ở châu thổ Bắc bộ là rất hiếm hoi và hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, trong khoảng vài chục năm trở lại đây hiện tượng này trở nên vô cùng phổ biến và trở thành nhu cầu/ điều kiện thiết yếu trong kinh doanh, lập cửa hàng. Điều này khẳng định về một thực tại: kinh tế - xã hội nào, thì cũng đẻ ra tôn giáo ấy. Và sự thịnh, suy của bất cứ một loại hình tôn giáo nào không phụ thuộc nhiều vào cơ chế chính sách mà phụ thuộc vào tâm lý của chủ thể thực hành tôn giáo.
      Cũng giống như sự trỗi dậy của tầng lớp thương nhân thế kỉ XVII – XVIII ở VN và sự định hình lên khuôn của đạo thờ Mẫu với ước muốn thăng tài tiến lộc hiện tượng thờ thần tài của người Việt trong những năm gần đây thực chất cũng là một thế ứng xử với những may rủi của nền kinh tế thị trường còn đầy biến động và khó lường ở VN. Thờ thần tài không chỉ mang lại cho những người làm ăn kinh doanh một chỗ dựa và gieo một hy vọng về sự trợ giúp của một đối tượng thiêng cho họ có thể mua may bán đắt mà với việc thực hành nghi lễ đơn giản, không tốn kém như thực hành nghi lễ lên đồng hầu bóng. Với đặc tính cố hữu là làm ăn cá thể, riêng lẻ, không thích ràng buộc bởi tổ chức, các hộ kinh doanh cá thể ở VN đã nhanh chóng tìm cho mình một điểm tựa tâm linh mới là Thần tài.
 
-Theo tôi nghĩ (cảm nhận) thì vị thần mà gia đình tôi đang thờ cúng không phải là thần tài mà là một vị thổ thần. Trong nhà tôi cũng đang thờ cúng tổ tiên, nhưng vẫn thấy thiếu vắng sự thờ cúng một vị  gia thần nào đó. Chỉ khi  tôi lập ban thờ thần tài (mà anh cho là không phải thần tài như mọi người hay thờ, mà đó chính là một vị thần cai quản khu vực nhà, thổ đất mà gia đình anh đã định cư mấy chục đời ở đây), thì bản thân tôi mới thấy yên lòng, và làm việc gì cũng thấy trôi chảy hơn, tinh thần thấy thoải mái, yên tâm hơn.
-“Mặc dù công việc của tôi hiện nay chưa hẳn đã là thuận lợi, nhưng từ khi tôi thờ vị thần tài thì thấy cuộc sống và công việc  cũng có nhiều thuận lợi hơn, gặp may hơn. Tôi thờ thần tài để mong muốn được phát đạt, hanh thông, tiền nhiều, làm ăn thuận lợi…từ khi thờ cúng  như vậy cũng thấy con người mình nhẹ nhõm, cảm giác như mình có điểm tựa về mặt tâm linh, cho mình có hy vọng vào tương lai. Nhất là khi sư thầy nói các ngàilinh  thì “mìnhkhoái, thích và thấy càng được củng cố niềm tin vào tương lai hơn. Tôi cho rằng không phải mình thờ như vậy thì mình sẽđược thuận lợi, tiền bạc dồi dào hơn, không bao giờ nghĩ vậy; chỉ nghĩ là điểm tựa tâm linh, tinh thần, cho mình có hy vọng vào tương lai hơn.
- Trước đây ông chủ cửa hàng kinh doanh  có thuê một cửa hàng buôn bán trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), về sau ông ấy còn “bỏ” (thuê người hóa cái bàn thờ thần tài đã có từ trước ở cửa hàng đó đi) không thờ nữa vậy mà “Sao tiền” vẫn rơi ầm ầm vào đầu ông chủ cửa hàng đấy thôi”.
Nguồn: Tư liệu PV sâu ông Nguyễn Văn A/ Hà Nộ














 
 
 
   
Các nghiên cứu định tính về thờ cúng Thần tài lại cho biết về đặc điểm của niềm tin tôn giáo trong thờ cúng thần/ thánh của người Việt vùng CTBB là mặc dù tin, thờ nhưng chất lượng niềm tin lại rất có vấn đề. Việc thờ cúng vẫn diễn ra hằng ngày, nhưng nhận thức về vị thần mà mình thờ cúng đa số vẫn mơ hồ và mâu thuẫn. Trong khi lập ban thờ và thực hành khấn lễ khá chăm chỉ hàng ngày để cầu xin phù hộ cho mua may bán đắt nhưng cũng lại cho rằng về cơ bản thần thánh không thể nào làm cho con người trở nên giàu có, vì vậy việc thờ cúng Thần tài với nhiều người chỉ như một hình thức thờ cúng mang tính chất tượng trưng, ước lệ để giải quyết về mặt tâm lý nhiều hơn là cầu mong, trông đợi và ủy thác việc làm ăn của mình và gia đình cho thần thánh. Đây cũng chính là lý do khiến các thực hành thờ cúng Thần tài không thống nhất, thấy ai bảo sao làm vậy, làm theo tâm lý đám đông nên rất dễ chịu tác động bởi ngoại cảnh, vì vậy xảy ra trường hợp cách đặt ban thờ không giống nhau, có người đặt tại gia, có người lại đặt ở các cơ sở tôn giáo; có ban thờ đặt ba tượng, có nhà đặt hai tượng...
 
Tôi dự định sẽ mở một công ty nhỏ để kinh doanh trong lĩnh vực may mặc gia công, nên đã tâm sự với bạn nghiệp và được khuyên là muốn làm ăn kinh doanh thì phải thờ thần tài. Nhưng bạn tôi cũng cho lời khuyên là không nên thờ ở nhà, mà nên đưa ông thần tài của mình lên chùa thờ thì được ngài phù hộ cho và sẽ may mắn hơn. Lúc đó (năm 2011) đang máu làm ăn nhưng biết làm thế nào được? tôi cũng chưa bao giờ hỏi nhà chùa về việc như thế. Rồi thông qua một người quen, tôi đã hỏi được ngôi chùa có sư thầy nhận và cho phép tôi lập ban thờ thần tài và được thờ tại chùa như  mong muốn.
                                                                     Nguồn: Phạm văn T, Tư liệu PV sâu ở HN


 









 
       Vấn đề đặt ra là tại sao người dân ở CTBB lại không quay về tìm chọn trong bách thần có sẵn của công đồng các thần như thần hoàng làng hay một vị thánh thần nào khác như thánh Mẫu, thánh Trần, thánh Tản… mà lại chọn ngay vị thần đất/ thổ công của gia đình mình để rồi cấu trúc lại trao cho chức năng mới và phó thác hy vọng mới vào vị thần tài cho cuộc sống hiện sinh? Phải chăng việc thờ cúng vị thần (đệ nhất gia chi thần) của gia đình vẫn cứ là phù hợp hơn với tâm lý tiểu nông cá thể, để rồi khi đất không còn là tư liệu sản xuất duy nhất nữa, kinh tế nông nghiệp chuyển sang kinh tế thương nghiệp, dịch vụ thì thổ công - thần đất được cầu trúc lại và chuyển hóa thành thần tài của nền kinh tế thị trường. Ngay tại Hà Nội từ năm 2000 trở lại đây hầu hết những cá nhân, tập thể có tham gia thị trường bất động sản đều truyền tai nhau đến thắp hương kêu cầu tại đình/ đền Ứng Thiên phố Láng. Ngôi đền được cho là thờ Hậu thổ Phu nhân. Từ đây Thổ công – Ông Địa lại mang thêm chức năng mới nữa là có khả năng phù trợ cho việc làm ăn buôn bán của gia chủ. Như vậy không chỉ thay đổi về tên gọi mà hình thức thờ cúng vị thần linh này đã thay đổi cả nội hàm cho phù hợp với nhu cầu, tâm lý và thực tiễn xã hội của chủ thể thực hành tôn giáo.

Kết luận:
     Thờ cúng Thần tài hiện nay chỉ tập trung ở đại bộ phận các thành phần dân cư có hoạt động làm ăn buôn bán là chính, nhưng cũng chỉ tập trung ở những đối tượng tin và thực hành theo tôn giáo truyền thống còn các đối tượng tín đồ thuộc các tôn giáo lớn như Công giáo, Tin Lành, Islam giáo không thể hiện niềm tin vào vị thần này[8]. Hiện tượng thờ cúng vị thần linh ban tài, lộc, may mắn cho cuộc sống của người dân đã phần nào cho thấy tính thích ứng linh hoạt của các đối tượng thuộc TGTT, nhưng lại sở hữu đức tin đa phiếm thần và khá thực dụng trong ứng xử với thần/ thánh mà họ thờ cúng. Việc tạo lập ban thờ, mua đồ thờ cúng, dâng lễ vật, cầu, khấn… cho thấy hành động đó giống như con người thực hiện một quá trình trao đổi với các vị thần về mong muốn của chính bản thân họ. Sự trao đổi này diễn ra với sự lựa chọn hợp lý bởi tính hiệu quả hơn và chi phí ít đắt đỏ hơn. Trong thờ cúng thần tài, các gia chủ chỉ phải bỏ ra một lượng chi phí rất vừa phải so với tổng thu nhập trong cuộc sống mà họ có được, bên cạnh đó là việc thực hành thờ cúng lại không cầu kỳ, thủ tục đơn giản, chủ yếu dựa vào ý thức và sự mong muốn của các cá nhân…Chính điều này tạo ra sự phù hợp tương thích với lối sống và hình thức công việc của tiểu thương, tiểu chủ đô thị.

      Bằng nguyên tắc hai bên cùng có lợi: thần được thờ cúng hàng ngày và được dâng lễ vật, đổi lại thần có nhiệm vụ phải tạo ra cơ hội, dun rủi cơ hội tốt đến cho người cúng lễ. Sự tương giao, thỏa thuận này mặc dù không thành văn vản nhưng là một cách thức ngầm định ước giữa phàm trần và thiêng liêng. Đây cũng là thế ứng xử điển hình mang tính bản sắc của người Việt CTBB trong ứng xử với thần/thánh. Điều này cũng cho thấy dù thần đất/thổ công trong gia đình có biến tướng, thay đổi trong vai trò một vị thần linh mới thì chức năng vẫn cứ là phù trì cho gia chủ đắc tài đắc lộc trong làm ăn sinh kế. Điều này cũng cho thấy thế ứng xử thực dụng và phần nào thể hiện những xu hướng tâm linh tôn giáo mới – thờ cúng biểu tượng của may mắn, lộc tài, tiền bạc.
      Chịu ảnh hưởng lâu dài và thường xuyên văn hóa Trung Hoa, người Việt ở CTBB hiện nay cũng có khá nhiều mô thức thờ cúng Thần Tài, nhưng Thần Tài của người Việt lại nghiêng về thổ công – thần đất, gần đây xuất hiện thêm nhiều biểu tượng Thần Tài mới (theo dòng chảy từ Nam ra Bắc) nhưng sự thực về nhận thức của các gia chủ có thờ Thần tài về chính vị thần mà họ đang tin thờ cho thấy rõ nguyên lý “bề nổi” trong tiếp nhận và giao lưu văn hóa của người Việt. Nếu như trong lựa chọn của người Hoa để thờ phụng vị thần nào thì đều dựa vào nhân cách và tài năng cũng như nguồn gốc lai lịch của thần để thờ, và tính thiêng lại được phụ trợ thêm nhiều yếu tố khoa học khác[9], thì người Việt đa số chỉ quan tâm đến vị thần đó cho mình cái gì, điều này cho thấy sự khác biệt cơ bản trong bản tính và văn hóa tín ngưỡng của hai tộc người./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Võ Thanh Bằng (2008), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học quốc gia Tp.HCM
  2. Trần Anh Đào (2010), Tín ngưỡng Quan Công và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam, Nxb Từ Điển Bách Khoa
  3. Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tập 1, Nxb Tri thức.
  4. Nguyễn Ngọc Mai (2016) Niềm tin và thực hành tôn giáo (nghiên cứu trường hợp thờ thần/ thánh ở châu thổ Bắc bộ). Đề tài cấp bộ.
  5. Võ Minh Trí (2018) Thờ cúng thần tài của người Hoa ở quận 5, Tp Hồ Chí Minh, Luận văn Cao học chuyên ngành tôn giáo học. 
  6. Tư liệu khảo sát thực địa ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình năm 2015- 2016.
 

[1] Xem thêm: Đinh Hồng Hải (2015), Các vị thần, Nxb Thế giới. Phần tên gọi thần tài tr 96-98.
[2] Xem thêm: Nguyễn Ngọc Mai (2016) Niềm tin và thực hành tôn giáo (nghiên cứu trường hợp thờ thần/ thánh ở châu thổ Bắc bộ), đề tài cấp bộ, lưu tại Viện nghiên cứu Tôn giáo.
[3] Trường hợp cửa hàng kinh doanh quá nhỏ và chật chội các chủ cửa hàng cũng đặt trên cao như khu vực buôn bán thức ăn gia súc ở đầu đường Trường chinh - HN...
[4] ở các gia đình người Hoa phía Nam trên ban thờ còn đặt khá nhiều vật linh như Kim tiền, Bảo thạch, Thủy Cục…
[5] Ông Người Tam Hộ (nay là huyện Tích Xuyên –Hà Nam –nước Sở). Những năm cuối Xuân Thu, là nhà chính trị tư tưởng và thương gia nổi tiếng, được hậu thế tôn làm “thương Thánh”.
[6] Lợi Thị Tiên Quan là một trong “Ngũ Lộ Thần Tài”. Ông là đệ tử của Triệu Công Minh, tên là Diêu Thiều Tư. Tên gọi “Lợi Thị” (làm lợi cho chợ búa, thị trường).
[7] Xem thêm. Võ Minh Trí (2018) Thờ cúng thần tài của người Hoa ở quận 5 Tp HCM, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành tôn giáo học.
[8]Nghiên cứu của Đinh Hồng Hải cho biết quan sát trường hợp tại một cửa hiệu làm tóc (Hair salon x) trên phố Lương Định Của (Đống Đa, Hà Nội) mà chủ cửa hiệu là người theo Công giáo, Thay vì lập ban thờ thần tài, người này đã lập một ban thờ Chúa (treo trên tường) tại cửa hiệu của mình và cũng dâng lễ hoa tươi tại vị trí đặt ảnh chúa
[9] Trong khi an vị ban thờ thần/ Thần Tài của người Hoa yếu tố phong Thủy, âm dương ngũ hành được đặc biệt coi trọng.



 

Tác giả: Hội Thảo khoa học: Vai trò của tín ngưỡng Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại: lý luận và ứng dụng.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,050
  • Tháng hiện tại23,521
  • Tổng lượt truy cập1,157,929
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây