TÍN NGƯỠNG VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG

Thứ năm - 01/09/2022 09:19

Ảnh. Minh Thảo

Ảnh. Minh Thảo
PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

  1. Một số đặc trưng của tín ngưỡng- so với tôn giáo
 
      Ở Việt Nam các loại hình tôn giáo sơ khai, tôn giáo nguyên thủy, như thờ cúng tổ tiên, thờ những người có công với cộng đồng, anh hùng dân tộc, thờ thần, thánh, thờ Mẫu của người Kinh và thờ đa thần của người dân tộc thiểu số được gọi là tín ngưỡng hoặc tín ngưỡng dân gian; tôn giáo là các loại hình tôn giáo hoàn chỉnh như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo,… Điểm chung của cả tín ngưỡng và tôn giáo là đều tin tưởng và thờ cúng lực lượng siêu nhiên, đều thuộc lĩnh vực đời sống tâm linh, văn hóa của con người. Tuy nhiên, giữa tín ngưỡng và tôn giáo có sự khác nhau.  
- Về giáo lý và sự thờ phụng. Khác với tôn giáo, tín ngưỡng không có hệ thống tín điều nói về thế giới và con người như các tôn giáo. Lý thuyết của các tín ngưỡng chỉ giải thích về trời, đất một cách chung chung, mà tập trung chủ yếu vào những quan niệm về các thần, thánh và nguồn gốc các thần thánh; là những lý thuyết đề cao vai trò, uy tín của các thần, thánh đối với cuộc sống thường ngày của con người,… Và như vậy, nếu các tôn giáo thường thờ nhất thần, thì tín ngưỡng thường thờ đa thần.
       Cả tín ngưỡng và tôn giáo đều tin con người có linh hồn, nhưng quan niệm thế giới (cuộc sống) của linh hồn của tín ngưỡng và tôn giáo có sự khác nhau. Đa số các loại tín ngưỡng cho rằng “cuộc sống” của linh hồn con người sau khi chết lại ở với người sống, được người sống cúng bái, chăm sóc. Trong khi những người theo tôn giáo cho rằng linh hồn sau khi chết, hoặc là lên Thiên đường, nhập Niếc bàn, hoặc phải xuống Địa ngục, Hỏa ngục tùy theo đức tin và việc lành việc dữ, việc thiện việc ác, việc tốt việc xấu của mỗi người tạo ra khi sống. Vì quan niệm khác nhau về linh hồn nên việc thể hiện các nghi thức cúng bái linh hồn của tôn giáo và tín ngưỡng cũng khác nhau.
 - Về luật lệ, lễ nghi. Đối với khu vực tín ngưỡng, không có lề luật cụ thể và ổn định để hướng dẫn sinh hoạt riêng đối với từng loại hình tín ngưỡng như tôn giáo. Sinh hoạt tín ngưỡng chỉ gồm những nghi thức cúng bái, tế tự nhưng lại không thống nhất mà có sự khác biệt giữa các loại hình tín ngưỡng và thường theo tập quán của từng địa phương, từng tộc người, thậm chí có sự khác nhau giữa các dòng họ, gia đình. Diều đáng quan tâm là các hoạt động tín ngưỡng ở Việt Nam gắn với các lễ hội truyền thống nên ngoài yếu tố tâm linh, tín ngưỡng chứa đựng nội dung văn hóa rất phong phú. Các lễ hội tín ngưỡng có thể diễn ra trong phạm vi làng xã, nhưng cũng có lễ hội diễn ra rộng hơn, một tỉnh, nhiều tỉnh, thậm chí cả nước.
   - Về chức sắc, nhà tu hành  và tổ chức giáo hội. Các tín ngưỡng ở Việt Nam không có chức sắc hoạt động chuyên nghiệp như các tôn giáo. Các tín ngưỡng chỉ có những thầy cúng theo từng loại hình tín ngưỡng, như các ông thống, bà đồng, thày tào, thày mo, thày gu-ru (quen gọi là thày gù),… thường không được đào tạo, hoạt động bán chuyên nghiệp. Đặc biệt, các tín ngưỡng không hình thành tổ chức như các tôn giáo mà thường tồn tại theo phương thức tự quản ở các cơ sở tín ngưỡng (đình, đền, miếu, phủ,…) với cơ chế lỏng lẻo. Đây là điểm khác biệt rất quan trọng giữa tín ngưỡng với tôn giáo.
- Về người theo tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu người theo tôn giáo - tín đồ phải sinh hoạt ở một cơ sở cụ thể chịu sự quản lý của tổ chưc tôn giáo, thì những người theo tín ngưỡng không xác định được cụ thể. Người theo tín ngưỡng ngoài thể hiện tình cảm, đạo đức theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” đối với bậc sinh thành, dưỡng dục, những bậc vì dân vì nước,... còn đa số họ đến với tín ngưỡng là để cầu xin những việc cho cuộc sống hằng ngày. Đó là việc cầu xin cho cuộc sống bình yên, học hành đỗ đạt, quan trường hanh thông, công danh phát đạt, cuộc sống bằng an, làm ăn tấn tới,… Đây cũng là điểm khác biệt rất quan trọng giữa tôn giáo và tín ngưỡng.
- Về cơ sở thờ tự. Cả tín ngưỡng và tôn giáo đều có các cơ sở thờ tự. Tín ngưỡng có các cơ sở thờ tự như: đình (thờ Thành hoàng), miếu (thờ Thần), đền (thờ Thánh), phủ (thờ Mẫu), từ đường (thờ Tổ tiên dòng họ),… Các tôn giáo có các cơ sở thờ tự như: chùa của Phật giáo, nhà thờ, nhà nguyện của Công giáo và Tin lành, thánh đường của Hồi giáo, thánh thất, thánh tịnh của Cao Đài,... Khác với cơ sở tôn giáo với kiến trúc đa dạng và đồ sộ theo nét riêng của từng tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng, như đền, miếu, phủ,... thường xây dựng theo kiến trúc truyền thống.
      Phân biệt tín ngưỡng với tôn giáo thì như vậy, nhưng có điều cần thấy rằng, cả tín ngưỡng và tôn giáo đều thuộc lĩnh vực đời sống tâm linh, đều chứa đựng những nội dung văn hóa. Và trong quá trình tồn tại và phát triển, ở những mức độ khác nhau, tôn giáo và tín ngưỡng có sự tiếp biến và giao thoa - đặc biệt là trường hợp Phật giáo với tín ngưỡng. Phật giáo, nhất là Phật giáo Bắc tông với phương châm hành đạo là tùy duyên, phương tiện, chung sống với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng nơi truyền đến. Với phương châm như vậy, Phật giáo đến Việt Nam đã chung sống hòa bình với tín ngưỡng. Không những thế, Phật giáo còn hòa vào với tín ngưỡng truyền thống tạo ra sự đặc thù riêng khác của Phật giáo Việt Nam và tín ngưỡng Việt Nam.
 
2. Các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam

      Do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố địa văn hóa hóa, tâm lý, tộc người, lịch sử,... người Việt Nam không chỉ cởi mở về văn hóa, mà còn cởi mở về tín ngưỡng, tôn giáo. Ở Việt Nam, ngoài các loại hình tôn giáo chính thống như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo,... còn có các loại hình tín ngưỡng. Theo một số nhà nghiên cứu, có thể phân tín ngưỡng thành các loại: Tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình, (2) Tín ngưỡng liên quan đến cộng đồng, làng xã; (3) Tín ngưỡng liên quan đến vòng đời; (4) Tín ngưỡng liên quan đến nông nhiệp; (4) Tín ngưỡng ma thuật, bùa chú[1]. Tuy nhiên, để thuận cho việc tiếp cận, chúng tôi trình bầy thành hai khu vực: tín ngưỡng của người Kinh và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số.

 Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên
     
 Tổ tiên là khái niệm để chỉ những người cùng dòng họ, huyết thống, như kỵ, cụ, ông, bà, cha me,... Những người có công sinh thành và dưỡng dục, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của các thế hệ con cháu. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc sâu xa gắn với tổ tiên Tô tem giáo của thị tộc, sau đó là tổ tiên theo huyết thống của chế độ phụ quyền với quan niệm, tổ tiên đã khuất nhưng linh hồn vẫn tồn tại, có thể chở che, cứu giúp con cháu trong cuộc sống hiện tại. Khi Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo truyền vào Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được củng cố và bổ sung những nhân tố mới tạo ra sự hỗn dung về tín ngưỡng, văn hóa. Đạo Nho với những quy chuẩn đạo đức, nhất là trong các mối quan hệ gia đình, dòng họ, phải giữ lòng hiếu thảo với cha mẹ, hiếu đễ với anh chị em. Đạo Lão đã bổ sung thêm những quan niệm và nghi thức cúng bái, tế tự cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, trong đó có việc bài trí bàn thờ, cúng vàng mã, sóc thẻ, xin âm dương,... Đạo Phật với những quan niệm nhân quả, luân hồi, nghiệp báo đã làm quan niệm về sống chết của con người thêm phong phú và sinh động hơn, trong đó có nghi thức đưa linh hồn ông bà (người đã khuất) lên chùa.


Tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc
     
 Tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc là một trong những hính thức tín ngưỡng quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc là thờ các nhân vật lịch sử, những người có công dựng nước và giữ nước. Họ được suy tôn thành các vị thần để cả nước tôn thờ. Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc được hình thành từ rất sớm, liên tục tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Những vị thần là những nhân vật lịch sử tiêu biểu được nhân dân tôn thờ, như: các Vua Hùng - vị tổ của dân tộc Việt Nam, Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống xâm lược của giặc Hán vào thế kỷ I-SCN, Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngụ vào thế kỷ III-SCN, Ngô Quyền - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Nam Hán thắng lợi, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ vào thế kỷ X, Lý Thường Kiệt lãnh đạo nhân dân chống quõn xâm lược nhà Tống vào thế kỷ XI, Trần Hưng Đạo - người lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi vào thế kỷ XIII, Lê Lợi - người lập triều Lê Sơ và thực hiện cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi vào thế kỷ XV, Nguyễn Huệ- người thống nhất đất nước, đánh tan việc xâm lược của nhà Thanh vào thế kỷ XVIII,…

    Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc đã trở thành nét đẹp của truyền thống văn hoá, là sự biểu dương sức mạnh của cộng đồng dân tộc, là sự biết ơn với tiền nhân nhằm khẳng định sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
     Tín ngưỡng thờ thành hoàng
     Tín ngưỡng thờ thành hoàng được du nhập từ Trung Quốc sang từ giưa thế kỷ IX. Thời kỳ đầu, tín ngưỡng thờ Thành hoàng chỉ tồn tại ở các đô thị, là các vị thần để bảo vệ thành trì của vua chúa, sau đó phát triển đến các tỉnh, huyện, rồi đến các làng thôn, trở thành việc tôn thờ các vị thần bảo hộ cho cuộc sống của cộng đồng. Người dân ở các làng quê Việt Nam đều tin rằng, ở bên cạnh con người luôn có vị Thành hoàng ban phúc cho người lành, giáng họa cho kẻ dữ và là lực lượng tiếp sức cho dân trong các cuộc chống ngoại xâm, dập tắt thiên tai, dịch bệnh, sản xuất, chăn nuôi phát triển, đời sống ngày càng ấm no, thịnh vượng,…
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở Việt Nam là một hình thức tín ngưỡng độc đáo. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng đã trở thành một tín ngưỡng mang tính cộng đồng của làng xã người Việt. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng còn là bộ sưu tập văn hoá mà rất nhiều thế hệ người Việt đã góp phần tạo dựng. Nó không chỉ bảo lưu, chuyển tải những giá trị văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, mà còn thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc.

Tín ngưỡng thờ Mẫu
      
Đối với người Việt Nam, thờ Mẫu - Mẹ là một trong những loại hình tín ngưỡng tiêu biểu, được hình thành từ rất sớm. Tín ngưỡng thờ Mẫu thoát thai từ đạo thờ Thần và chịu ảnh hưởng của Đạo giáo của Trung Quốc. Tín ngưỡng thờ Mẫu vừa liên quan đến tàn dư của chế độ mẫu hệ, vừa mang dấu ấn văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Theo quan niệm của người Việt, trời là Cha, đất là Mẹ - Mẫu. Con người lớn lên từ đất, chết trở về với đất; con người có của ăn của để, có cái ăn cái mặc,… cũng nhờ vào đất. Đất nuôi sống con người. Đất là Mẹ. Thờ Mẫu còn thể hiện triết lý tôn thờ người phụ nữ, người mẹ, là khát vọng duy trì nòi giống, cầu mong cuộc sống bình yên, có phúc, có lộc. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng với những nguồn gốc khác nhau. Có Mẫu là thiên thần, có Mẫu là nhân thần; có Mẫu được coi là người có công trong quá trình dựng nước và giữ nước, có Mẫu được hình thành từ truyền thuyết, huyền thoại, có Mẫu lại là những con người thực của lịch sử; có Mẫu được tôn xưng xuất thân từ tầng lớp quyền quý, có Mẫu lại xuất thân từ tầng lớp bình dân nghèo khổ,... Tuy với những nguồn gốc khác nhau nhưng đều nằm trong hai hệ thống: Mẫu Thần và Mẫu Tứ Phủ.  

      Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam mang tính phổ biến nhưng rất đa dạng, phong phú; là sự hòa đồng, hỗn dung với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác; thần tích của các Mẫu luôn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Và, tín ngưỡng thờ Mẫu là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
     Ngoài các loại hình tín ngưỡng của người Kinh như nói trên, ở Việt Nam còn có nhiều loại hình tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên tạo ra sự đa dạng về loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam. Và, theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có khoảng hơn 90% dân số có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 24 % là tín đồ các tôn giáo, còn lại đa số là theo tín ngưỡng.

3. Về hoạt động tín ngưỡng theo qui định của pháp luật
       Với sự đa dạng về tín ngưỡng và những giá trị của tín ngưỡng, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta dã có những nhận thức và chủ trương đối với hoạt động tín ngưỡng. Nghị quyết số 25/NQ-TW (2003) “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc nà nhân dân”. Và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu của nhân dân” (Điều 3).
     Trước đây hầu như không thực hiện quản lý hoạt động tín ngưỡng, trừ những cơ sở tín ngưỡng xếp hạng di tích văn hóa, di tích lịch sử. Thực hiện những nhận thức và quan điểm chủ trương mới của Đảng và Nhà nước như nói trên, quy định pháp luật dã có những nội dung cụ thể khá về hoạt động tín ngưỡng - qua Luật Tín ngưỡng năm 2016.
- Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định các nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường (Điều 10).
- Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý. Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong thời hạn theo quy định.
- Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định, cơ sở tín ngưỡng phải đăng ký hoạt động tín ngưỡng đến Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng được thực hiện một lần, trường hợp tổ chức hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đã đăng kí thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm đăng ký bổ sung đến Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày diễn ra hoạt động tín ngưỡng. 
- Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các khoản thu từ việc tổ chức lễ hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định trách nhiệm của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong việc thông báo về các khoản thu, mục đích sử dụng các khoản thu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 - Trước đây về mặt quản lý, một số hoạt động tín ngưỡng được nhà nước giao cho ngành văn hóa chịu trách nhiệm; còn các hoạt động tôn giáo, nhà nước thành lập cơ quan chuyên trách là Ban Tôn giáo Chính phủ và hệ thống Ban Tôn giáo các cấp để hướng dẫn, điều chỉnh các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Sau Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Nhà nước đã dồn cả tín ngưỡng và tôn giáo vào chung một đầu mối quản lý hoạt động cả tôn giáo và tín ngưỡng.
       Tín ngưỡng là một phạm trù tâm linh, một phạm trù văn hóa rất độc đáo và đắc sắc của văn hóa Việt Nam. Những giá trị văn hóa, đạo đức của tín ngưỡng cần được bảo tồn và phát huy, nhất là trong điều kiện mở cửa và hội nhập vì tín ngưỡng là yếu tố quan trọng tạo ra sự khác biệt giữ văn hóa Việt Nam với văn hóa các nước trên thế giới./.


Tài liệu tham khảo
 
  1. Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2016
  2. Nguyễn Cao Thanh, Bàn thêm về tín ngưỡng, tôn giáo, Tạp chí Công tác tôn giáo số 7/2013.
  3. Nguyễn Quốc Tuấn, Triển khai lý thuyết thực thể tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 10/2014.
  4. Trích theo Trần Minh Thư, Tìm hiểu Pháp luật Việt Nam về tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Tư pháp, Hà Nội 2005.
  5. Đặng Nghiêm Vạn, Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội 1998.
  6. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Về tôn giáo, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội 1994,.
  7. Nguyễn Thanh Xuân, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2015.
 
 
[1]. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Lý luận Chính trị, Hà nội 2018, tr. 47.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Hội Thảo khoa học: Vai trò của tín ngưỡng Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại: lý luận và ứng dụng.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay1,311
  • Tháng hiện tại41,463
  • Tổng lượt truy cập661,053
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây