1. Báo chí tôn giáo và đặc điểm của công tác báo chí tôn giáo
Báo chí là các thể loại thông tin đại chúng. Báo chí tôn giáo là hoạt động thông tin, truyền thông tôn giáo nhưng có đặc điểm là thông tin đại chúng luôn chứa đựng tính học thuật. Có sự phân biệt giữa truyền thông về tôn giáo, được tiếp cận từ bên ngoài. Còn truyền thông cho tôn giáo thường được tiếp cận từ bên trong, về phía tôn giáo. Báo chí tôn giáo trong lĩnh vực học thuật là chuyên sâu và thể hiện độ sắc sảo tư duy về tôn giáo. Báo chí tôn giáo trong lĩnh vực thông tin, truyền thông là có tính chuyên nghiệp và phải được đào tạo bài bản.
2. Báo chí tôn giáo có những đặc trưng và thể loại nào?
Giống như hoạt động báo chí nói chung, báo chí tôn giáo cũng bao gồm những đặc điểm như: tính truyền thông tin, tính thời đại, tính sự kiện, tính thể loại… Nhưng bên cạnh đó, báo chí tôn giáo còn có nhiều đặc trưng riêng. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi tập trung vào hai đặc trưng là tính quy chuẩn và tính cầu niệm của báo chí tôn giáo.
Báo chí tôn giáo chia ra các thể loại như báo viết, báo nói, báo truyền hình, báo mạng điện tử.
3. Tại sao báo chí tôn giáo lại cần đến hai đặc trưng là tính quy chuẩn và tính niệm thức?
Thứ nhất là tính quy chuẩn của các sản phẩm thông tin và truyền thông tôn giáo. Tính quy chuẩn là tính chuẩn mực, tính khuôn khổ, thể hiện đúng bản chất vấn đề của truyền thông tôn giáo. Không có tôn giáo nào được hình thành mà không có tính quy chuẩn trong các chuẩn mực lễ nghi, tổ chức và sinh hoạt tín ngưỡng. Tính quy chuẩn vì vậy là phương cách có tính bắt buộc đối với báo chí tôn giáo. Nó bao gồm toàn bộ các chuẩn mực ngôn từ, văn phạm, động thái báo chí tôn giáo liên quan tới các tôn giáo cụ thể. Không thể tạo ra các sản phẩm truyền thông tôn giáo theo lối tùy tiện, không được đào tạo về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ làm báo chí tôn giáo. Một ví dụ như đối với Theravada có một cách dùng tràn lan từ “Thượng tọa” chuyển bút thành “Tiểu tọa”. Tiểu thừa là cách dùng từ phía Đại thừa dành cho phái Thượng tọa bộ hay Trưởng lão bộ duy trì cách tu tập và giáo lý của Phật giáo nguyên thủy. Hai từ Tiểu thừa chỉ mang ý nghĩa đối cặp với giáo lý tu tập Đại thừa mà không đi kèm bất cứ tính quy chuẩn nào được đưa ra xuất phát từ phái Trưởng lão bộ.
Thứ hai là tính cầu niệm (hay tính niệm thức) của các ấn phẩm báo chí và sản phẩm truyền thông tôn giáo. Báo chí tôn giáo nhất thiết phải toát lên được tinh thần cầu niệm, thì mới có thể làm truyền thông tôn giáo. Nhờ có tinh thần “cầu tìm, truy vấn, liên kết các ý niệm hay hữu niệm” mà báo chí tôn giáo mới đi sâu được vào quá trình truyền tải các thông tin về hoạt động tâm linh của đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Vốn bản chất là các hoạt động tâm linh hướng về các ý niệm vô hình, cũng có khi là các ý niệm về nguyện cầu sự bình an, hạnh phúc, hòa bình cho thế giới hoặc nguyện cầu cho quốc thái dân an.
Ngoài các thông tin truyền thông về sự kiện và văn bản, tính cầu niệm là một mạch ý thức len lỏi trong nghệ thuật viết báo chí tôn giáo. Vậy tính cầu niệm là gì? Tính cầu niệm nói nôm na thì là cách dẫn dắt người đọc vào dòng truyền thông ý niệm siêu hình về thông tin tôn giáo. Nói cách khác thì tính cầu niệm hay tính niệm thức là một đặc tính rất đặc thù trong báo chí tôn giáo, do chỗ các thông tin truyền thông tôn giáo không chỉ dừng lại ở mức độ truyền tin sự kiện, mà còn nằm ở truyền tin bản chất sự kiện tôn giáo có giá trị truyền thông, vì vậy mà cần đến tính niệm thức. Khơi gợi ý niệm về tin truyền thông tôn giáo. Vì vậy, sản phẩm báo chí tôn giáo cần đến tính cầu niệm của bản chất thông báo của một nội dung tin tôn giáo. Ví dụ trong đoạn văn phong báo chí tôn giáo sau, tồn tại tính niệm thức đối với các ý niệm “sự đòi hỏi kép”, “nguyên tiêu Mẹ và Trinh”. Cụ thể là: “Sự đòi hỏi kép của lý tưởng phụ nữ và sự kết hợp cần thiết của hai nguyên tiêu Mẹ và Trinh. Đúng là nguyên tiêu, vì đây là Mẹ đồng trinh phổ biến, mẹ Chúa cứu thế và mẹ của loài người chúng ta”, “Cũng tại Việt Nam, Quan thế âm đã thành mẹ. Thị Kính là sáng tác riêng của người vùng đất Giao Chỉ chúng ta. Được thúc đẩy từ vô thức, tuy ra đời khá muộn, Thị Kính vẫn là kết hợp đúng tiêu chuẩn của hai nguyên tiêu: Mẹ và Trinh nữ. Không phải mẹ do thân xác, mà do tâm hồn: vì thương đứa bé nên sẵn sàng làm mẹ nó, dù vì thế mà chịu tiếng oan. Cũng chẳng phải đồng trinh do toàn vẹn thân thể, nhưng do tu hành quyết chí” [Hoành Sơn (2015), “Hội nhập văn hóa và tầng nền tâm hệ Việt Nam”, Nguyệt san Công giáo và dân tộc, số 251. Tháng 11, tr. 137].
Nghĩa của cầu niệm (hay niệm thức) cần được hiểu như trong cụm từ “cầu hiền” (cầu/tìm người hiền tài), thể hiện sự mong muốn, sự thiết thực. Cầu niệm thể hiện tính ý hướng cũng như tính học thuật của báo chí tôn giáo. Niệm thức là một hoạt động tự thân của công tác báo chí tôn giáo. Người làm báo chí tôn giáo cần phải có ý thức truy tìm dòng ý niệm truyền thông tôn giáo trong dòng chảy sự kiện, thì báo chí mới đạt được chiều sâu và bề rộng của thông tin tôn giáo.
Kết luận, việc ấn phẩm báo chí tôn giáo có được hai đặc trưng tính quy chuẩn và tính niệm thức sẽ tạo nên điểm sáng cho ấn phẩm báo chí tôn giáo.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền