NGHIÊN CỨU VỀ QUAN HỆ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (TỪ NĂM 1980 ĐẾN NAY)*

Thứ năm - 17/06/2021 04:51
PGS.TS. Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.*Bài đăng trên Tạp chí Dân tộc học, số 1&2 - 2014, và được in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr.518-534.
NGHIÊN CỨU VỀ QUAN HỆ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (TỪ NĂM 1980 ĐẾN NAY)*


 
        Trong nghiên cứu về tộc người, việc xem xét quan hệ dân tộc có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Quan hệ dân tộc là mối quan hệ giữa các tộc người trong một quốc gia và xuyên quốc gia, và mối quan hệ giữa tộc người với cộng đồng dân tộc - quốc gia (Nation - State) trên nhiều lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... Quan hệ dân tộc vừa là mối quan hệ tự nhiên, vừa mang tính tất yếu trong một quốc gia hay khu vực đa dân tộc, chịu tác động của nhiều yếu tố.
      Tầm quan trọng của quan hệ dân tộc là điều dễ nhận thấy, nhưng xử lý vấn đề này thế nào cho đúng ở mỗi quốc gia là điều không dễ dàng. Cùng với thời gian, từ trong nôi tại, mối quan hệ dân tộc cũng luôn biến đổi. Và cùng với thời gian, các thể chế chính trị cũng đổi thay chính sách dân tộc, tác động đến mối quan hệ dân tộc. Ngoài ra, quan hệ dân tộc còn bị chi phối bởi bối cảnh quốc tế, tức những nhân tố bên ngoài, với các hệ lụy khó kiểm soát.
      Với Việt Nam, quan hệ dân tộc là lĩnh vực được Đảng Cộng sản và Nhà nước rất quan tâm. Bởi vậy, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, các dân tộc thiểu số đã sát cánh cùng dân tộc đa số, có nhiều đóng góp to lớn. Khi bước vào giai đoạn xây dựng đất nước, tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các chính sách của Đảng và Nhà nước càng tập trung thực hiện đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc.
       Do chính sách ưu việt nêu trên nên quan hệ dân tộc ở nước ta kể từ khi Đổi mới đến nay thường được đánh giá về cơ bản vẫn ổn định. Xu thế chung của quan hệ này vẫn là sự gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc. Tuy nhiên, đã nảy sinh những vấn đề ở một số tộc người tại các địa phương khác nhau. Các cuộc bạo loạn ở Tây Nguyên của những nhóm người thuộc một số dân tộc tại chỗ, các cuộc biểu tình đòi đất của người Khơ-me tại vùng Tây Nam Bộ, hay gần đây là việc gây rối của những người H'Mông ở Mường Nhé tỉnh Điện Biên đòi tự do tôn giáo và thành lập vương quốc H'Mông... cho thấy quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay không hoàn toàn êm ả, mà đã dung chứa yếu tố thiếu ổn định.
       Tại sao chúng ta có chính sách dân tộc tiến bộ, song vẫn nảy sinh những vấn đề phức tạp về quan hệ dân tộc? Thời gian qua, đã có một số công trình nghiên cứu luận giải việc này. Điểm chung là nghiên cứu đó thừa nhận cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, song có phần nghiêng về nguyên nhân khách quan, mà chủ yếu là do các thế lực thù địch. Các nguyên nhân chủ quan được đề cập nhưng thường chung chung nên thiếu chiều sâu, thậm chí có phần né tránh.
       Trong bối cảnh nêu trên, việc nghiên cứu quan hệ dân tộc ở nước ta phải được tiến hành một cách khoa học và nghiêm túc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ ấy, trước hết, cần nhìn lại những thành tựu và hạn chế của nghiên cứu trong thời gian qua. Bởi vậy, bài báo này sẽ chủ yếu tập trung xem xét vấn đề nghiên cứu đã nêu từ năm 1980 đến nay; qua đó, góp phần tổng kết việc nghiên cứu về tộc người của nước ta, kể từ sau khi Tổng cục Thống kê công bố bản Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam vào năm 1979.

       1. Quan điểm và cách tiếp cận nghiên cứu

       Ở nước ta, liên quan đến việc làm rõ khái niệm "quan hệ dân tộc" [1] phải kể tới các nhà dân tộc học. Qua những kết quả nghiên cứu cho thấy, khái niệm và nội hàm của "quan hệ dân tộc" đã có sự phát triển theo thời gian. Vào khoảng từ những năm 60 của thế kỷ trước cho đến đầu những năm 2000, chưa thấy có định nghĩa rành mạch về quan hệ dân tộc, và mối quan hệ đó thường được hiểu là quan hệ giữa các nhóm trong một dân tộc hay giữa các dân tộc trong vùng, thể hiện chủ yếu qua quan hệ về ngôn ngữ và văn hóa; hoặc quan hệ dân tộc được gắn với quá trình tộc người (Nguyễn Văn Huy, 1983a; Phan Hữu Dật, 1998, tr. 624-638, 639-644;2004, tr. 704-762). Nhưng sau đó, khái niệm quan hệ dân tộc được mở rộng hơn. Theo các tác giả Phạm Quang Hoan và Nguyễn Hồng Dương (2008) và Phan Xuân Biên (2011, tr.11). quan hệ tộc người ở nước ta hiện nay chủ yếu là: 1) Mối quan hệ giữa toàn bộ các tộc người với quốc gia - Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; 2) Mối quan hệ giữa tộc người đa số và các tộc người thiểu số; 3) Mối quan hệ giữa các tộc người thiểu số với nhau ở trong và ngoài nước; và 4) Mối quan hệ nội tộc người, bao gồm: quan hệ nội tộc người trong nước và quan hệ với những người đồng tộc và thân tộc ở nước ngoài. Vương Xuân Tình và Nguyễn Văn Minh khi nghiên cứu về quan hệ dân tộc ở vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ lại tìm hiểu cả mối quan hệ giữa các tộc người với hệ thống chính trị và quan hệ tộc người - quốc gia (Vương Xuân Tình và Nguyễn Văn Minh, 2009, tr.5-57; 2010, tr.51-125).
       Qua sự phát triển của nội hàm, có thể nhận thấy, khái niệm "quan hệ dân tộc" ở nước ta ngày càng hoàn thiện, và về cơ bản đã phản ánh được thực trạng của mối quan hệ đó đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay. Trong số các ý kiến nêu trên, cần lưu ý đề xuất về nội hàm quan hệ dân tộc của các tác giả Phạm Quang Hoan và Nguyễn Hồng Dương. Tuy nhiên, nội hàm (1) có thể được thay bằng thuật ngữ "quan hệ tộc người với cộng đồng "dân tộc - quốc gia", để chuẩn xác hơn về khoa học. Nội hàm thứ (2) có phần bị trùng lặp với nội hàm thứ (3); và trong nội hàm thứ (4), quan hệ xuyên quốc gia của một tộc người không chỉ bao hàm với đồng tộc mà với cả khác tộc. Trường hợp người Chăm có quan hệ rất gắn bó với những người khác tộc ở nước ngoài cùng tôn giáo là một ví dụ. Với quan hệ dân tộc xuyên quốc gia ở Việt Nam hiện nay, nên xếp riêng để được nhìn nhận thấu đáo hơn.
       Kế thừa các ý kiến nêu trên, chúng tôi đưa ra nội hàm của quan hệ dân tộc để làm khung phân tích trong tổng quan này như sau:
        1. Quan hệ nội tộc người.
        2. Quan hệ giữa các dân tộc thiểu số.
        3. Quan hệ giữa dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh (Việt).
        4. Quan hệ dân tộc xuyên quốc gia.
        5. Quan hệ tộc người với cộng đồng dân tộc - quốc gia.
       Các quan hệ trên đây được biểu hiện ở nhiều lĩnh vực, từ nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa, hôn nhân, dòng họ, kinh tế đến chính trị...
        Về lý thuyết, mặc dù quan hệ dân tộc là lĩnh vực được các nhà dân tộc học, sử học, văn hóa học hay khoa học về chính trị rất quan tâm, song lại rất ít người đề cập đến lý thuyết và đặc biệt là áp dụng lý thuyết trong nghiên cứu. Trong số ít ỏi các nhà nghiên cứu đề cập đến lý thuyết liên quan, phải kể tới các tác giả Nguyễn Văn Huy (1983c), Bế Viết Đẳng (1988, tr.3-15). Xem xét quan hệ dân tộc gắn với quá trình tộc người , tác giả Bế Viết Đẳng đã đưa ra khái niệm về sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc ở nước ta. Thực ra, khái niệm này liên quan đến các lý thuyết về quá trình tộc người của các học giả Xô-viết, khá thịnh hành ở Liên Xô (cũ). Lý thuyết ấy còn có ảnh hưởng đến một số nghiên cứu của Nguyễn Văn Huy (1982, 1983a, 1983b), Đỗ Thúy Bình (1986, tr. 3-10; 1991, tr. 19-27). Từ quan điểm về quá trình xích lại gần nhau giữa các tộc người trong môi trường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tác giả Nguyễn Văn Huy đã đề xuất luận điểm về một cộng đồng nhân dân Việt Nam hay cộng đồng dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời nêu lên cách phân loại về trình độ phát triển của các tộc người thành những bậc là dân tộc, bộ tộc hay bộ lạc, với đỉnh cao là dân tộc xã hội chủ nghĩa (Nguyễn Văn Huy, 1983c, 1988).
         Đáng tiếc là từ những năm 90 đến nay, hầu như ít thấy việc đề xuất lý thuyết và áp dụng lý thuyết trong nghiên cứu quan hệ dân tộc ở Việt Nam. Trong công trình "Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay", Giáo sư Phan Hữu Dật và cộng sự đề cập một số vấn đề về thuật ngữ dân tộc, tộc người, quốc gia - dân tộc; về trường phái lý thuyết trong quan hệ dân tộc của các nhà dân tộc học Xô-viết, song không khác nhiều với những vấn đề đã được các tác giả Bế Viết Đẳng và Nguyễn Văn Huy từng nêu. Ngoài ra, Giáo sư Phan Hữu Dật và cộng sự cũng điểm qua một số lý thuyết của phương Tây, như thuyết xung đột, thuyết khuếch tán, thuyết trung tâm và ngoại vi, nhưng chỉ mang ý nghĩa phê phán [Phan Hữu Dật (Chủ biên), 2001, tr. 11-101]. Gần đây, có một số nghiên cứu cũng đề cập lý thuyết của các học giả nước ngoài, song lại chưa áp dụng trong nghiên cứu (Vương Xuân Tình và Nguyễn Văn Minh, 2009; 2010; Phan Xuân Biên, 2011). Bởi vậy, trong tổng quan này, chúng tôi chỉ tập trung xem xét những công trình nghiên cứu về quan hệ dân tộc theo khung phân tích đã nêu.


        2. Nghiên cứu về quan hệ dân tộc ở Việt Nam
        2.1. Quan hệ nội tộc người

       
Đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Dù nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, song tựu trung, các tác giả chủ yếu phân tích sự cố kết hoặc phân ly của tộc người.
        Vào khoảng những năm 60-80 của thế kỷ trước, có xu hướng là các nhà dân tộc học thường quan tâm khám phá bản sắc tộc người. Trong hành trình khó khăn đó, họ đã cố gắng chứng minh tính thống nhất, sự cố kết của các dân tộc. Xu hướng này còn ghi dấu ấn khi xác minh thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Từ hàng trăm nhóm địa phương của các tộc người, các nhà dân tộc học đã chứng minh sự tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác tộc người để xếp thành 54 dân tộc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc ghép các nhóm địa phương vào cùng một dân tộc không tránh khỏi bất cập, mà dân tộc Sán Chay - với việc gộp hai nhóm Cao Lan, Sán Chỉ là một ví dụ [Khổng Diễn (Chủ biên), 2003].
        Như đã trình bày, quan tâm tới cố kết của tộc người, nhiều tác giả hướng tới sự thống nhất về văn hóa. Bên cạnh đó, có những nghiên cứu quan tâm đến sự cố kết mạnh của một số dân tộc, mà người H'Mông là một ví dụ. Có khá nhiều bài viết về sự cố kết tộc người của dân tộc này qua quan hệ dòng họ và những tương đồng về văn hóa [Phạm Quang Hoan, 1995; Phan Hữu Dật (Chủ biên), 2001, tr. 223-241; Vương Duy Quang, 2005; Nguyễn Văn Thắng (Chủ biên), 2009]. Trong thời gian qua, còn có dạng cố kết mới trong cộng đồng các dân tộc, đó là cố kết của cộng đồng dân tộc - tôn giáo, song lại chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đến nay, vấn đề đó mới được lưu ý ở tộc người Chăm (Phú Văn Hẳn, 2009), còn với các dân tộc khác như H'Mông, Ê-đê, Gia-rai,... vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu.
          Nếu như trước những năm 90, xu hướng chung trong xem xét quan hệ nội tộc người là sự cố kết, thì từ những năm 90 đến nay, đã có những công trình nhận thấy sự phân ly. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, cả nước có tới 40 nhóm địa phương có nguyện vọng tách thành những dân tộc riêng [Phan Hữu Dật (Chủ biên), 2001, tr. 346]. Trên cơ sở đó, Viện Dân tộc học được giao nhiệm vụ xác định lại thành phần một số dân tộc ở Việt Nam (Khổng Diễn, 2002), song kết quả của nghiên cứu ấy vẫn chưa công bố. Tuy nhiên, rải rác đã có các nghiên cứu về vấn đề này [Khổng Diễn (Chủ biên), 2003; Đinh Thanh Dự, 2008]. Có những công trình phản ánh tình hình chuyển đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang đạo Tin Lành ở người H'Mông đã tạo nên phân ly trong nội bộ tộc người, qua mâu thuẫn, xung đột giữa những người theo đạo và người không theo trong một cộng đồng [Vương Duy Quang, 2005; Nguyễn Văn Thắng (Chủ biên), 2009]. Yếu tố tôn giáo ở dân tộc Chăm cũng tạo nên sự phân ly giữa các nhóm theo Hồi giáo, Bàlamôn và Bafni (Phan Xuân Diên, 2010, tr. 17-18).
        Về nguyên nhân dẫn đến sự cố kết, các tác giả thường nêu lên nhu cầu nội tại trong phát triển - đó là nhu cầu chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cùng tộc người, đặc biệt là cùng dòng họ hay cộng đồng làng (Phạm Quang Hoan, 1995; Vương Duy Quang, 2005, tr. 106-132). Nguyên nhân dẫn đến phân ly thường do tác động của yếu tố bên ngoài, như kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, truyền đạo trái phép [Vương Duy Quang, 2005, tr. 254-258; Nguyễn Văn Thắng (Chủ biên), 2009, tr. 147-163).


        2.2. Quan hệ giữa các dân tộc thiểu số
        
        Mối quan hệ này được nhiều tác giả đề cập, đặc biệt là quan hệ xã hội và văn hóa. Về quan hệ xã hội, Cầm Trọng (1978. tr. 240-266) từng chỉ ra sự áp bức dân tộc dưới chế độ cũ, như các tộc Kháng, La Ha, Xinh-mun ở vùng Tây Bắc phải hầu hạ, phục dịch cho quý tộc Thái. Nhưng mối quan hệ được đề cập nhiều hơn là văn hóa, như ảnh hưởng của văn hóa Thái tới các tộc người vùng Tây Bắc (Phan Hữu Dật, 2004, tr. 404-405). Trước những ảnh hưởng đó, có tộc người (Kháng, Khơ-mú) không còn giữ được nhiều yếu tố văn hóa của mình. Giáo sư Bế Viết Đẳng (1988) đã nhận định đó là đồng hóa tự nhiên. hoặc chuyển hóa về tộc người.
        Những công trình nghiên cứu gần đây tiếp tục phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người thiểu số dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa [Trần Bình, 2002; Phạm Quang Hoan (Chủ biên), 2003]. Có nghiên cứu cũng chỉ ra, dưới góc độ văn hóa vùng, ảnh hưởng của một số dân tộc có dân số đông như Tày, Nùng ở vùng Đông Bắc đã giảm, và được thay thế bằng ảnh hưởng văn hóa của người Kinh (Việt) [Vương Xuân Tình và Trần Hồng Hạnh (Đồng chủ biên), 2012, tr. 254-263]. Trần Văn Hà (Chủ biên, 2011), Phạm Quang Hoan (Chủ biên, 2012) còn quan tâm tới vấn đề tái định cư đang diễn ra ở nhiều vùng dân tộc thiểu số nước ta, làm gia tăng việc cộng cư, xen cư giữa các dân tộc, thúc đẩy giao lưu, tiếp xúc văn hóa, song cũng đặt ra vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa của các tộc người này.
        Nguyên nhân khiến quan hệ giữa các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng được các tác giả phân tích dưới tác động của cư trú xen cài (Vương Xuân Tình, 1995), hôn nhân hỗn hợp dân tộc (Đỗ Thúy Bình, 1991) và chính sách dân tộc ở nước ta (Phạm Quang Hoan và Nguyễn Hồng Dương, 2009; Phan Xuân Diên, 2011).

         2.3. Quan hệ giữa dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh (Việt)
        
       
 Quan hệ này được nhiều công trình nghiên cứu phản ánh. Trước đây, các nghiên cứu thường cho rằng, quan hệ giữa người Kinh (Việt) với các dân tộc thiểu số khá tốt đẹp trong lịch sử, không có áp bức dân tộc. Ngay cả cuộc di dân về phương Nam để khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn ra một cách hòa bình giữa người Kinh (Việt) với các tộc người tại chỗ (Nguyễn Công Bình và cộng sự, 1990, tr. 222-224). Có những tác giả cũng chỉ ra rằng, một số người Kinh (Việt) lên sinh sống ở khu vực miền núi còn hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc thiểu số (Phan Hữu Dật và Lâm Bá Nam, 2001). Tuy nhiên, các nghiên cứu về giao lưu, ảnh hưởng văn hóa của tộc người này với các dân tộc thiểu số là mối quan tâm của nhiều tác giả, và mối quan tâm đó càng gia tăng. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, có xu hướng nghiên cứu về sự xích lại gần nhau giữa dân tộc Kinh (Việt) và các dân tộc thiểu số (Nguyễn Văn Huy, 1982, tr. 7-12; 1983a, tr.32-36; Bế Viết Đẳng, 1988, tr.3-15).
          Là dân tộc chủ thể, có ưu thế trong tiếp thu, truyền bá văn hóa ngoài Việt Nam, người Kinh (Việt) đã ảnh hưởng sâu sắc đến biến đổi văn hóa của nhiều tộc người, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Rất nhiều nghiên cứu đã cảnh báo về việc xói mòn, thậm chí mất văn hóa của các tộc thiểu số do ảnh hưởng văn hóa của tộc đa số. Nghiên cứu về phát triển bền vững văn hóa tộc người vùng Đông Bắc, Vương Xuân Tình và Trần Hồng Hạnh (Đồng chủ biên, 2012, tr. 167-233) đã cho biết, do ảnh hưởng văn hóa Kinh (Việt) nên hầu hết thanh niên của làng dân tộc Sán Dìu được nghiên cứu đã không còn nói ngôn ngữ mẹ đẻ, và làng này cũng không còn một số thành tố văn hóa truyền thống như nhà ở, trang phục... 
          Kể từ năm 1986 đến nay, trong bối cảnh của kinh tế thị trường, một số người Kinh (Việt) đã lợi dụng các dân tộc thiểu số khi làm ăn, buôn bán với họ. Đó là tình trạng cho vay nặng lãi khiến người dân tộc thiểu số phải bán cả lúa non (Vương Xuân Tình và cộng sự, 2007); là việc dùng nhiều chiêu thức khác để chiếm đất của họ (Vũ Đình Lợi, Bùi Minh Đạo, Vũ Thị Hồng, 2000, tr. 103-113). Vẫn trong bối cảnh kinh tế thị trường, phân hóa giàu nghèo ngày càng diễn ra mạnh mẽ, trong đó có phân hóa giữa dân tộc đa số với thiểu số, giữa đồng bằng và miền núi. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, có quan điểm lại cho rằng trong việc thực hiện xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, người Kinh (Việt) được hưởng lợi nhiều hơn (Neil J và cộng sự, 2000; WB, 2006; AF. IDS, 2008). 
        Trước tình hình nêu trên, đặc biệt là từ khi xuất hiện các mâu thuẫn ở Tây Nam Bộ và xung đột ở Tây Nguyên, một số tác giả quan tâm hơn đến quan hệ của người Kinh (Việt) với các tộc thiểu số ở những vùng này. Nghiên cứu của các tác giả chủ yếu đề cập đến quan hệ kinh tế, sử dụng đất đai và văn hóa. Song những nghiên cứu đó thường thiên về đánh giá tác động tiêu cực từ phía dân tộc đa số, mà ít xem xét vai trò của họ trong phát triển ở vùng dân tộc thiểu số như thế nào (Trương Minh Dục, 2005; Khổng Diễn, 2005; Bùi Minh Đạo, 2009; Vương Xuân Tình và Nguyễn Văn Minh, 2010). Vừa qua, tác giả Bùi Xuân Đính (2010) đã quan tâm đến vai trò của người Kinh (Việt) trong mối quan hệ với các dân tộc thiểu số, nhưng nghiên cứu lại được thực hiện ở vùng Đông Bắc, nơi có mối quan hệ được xem là khá êm ả giữa các tộc người này trong nhiều thập kỷ qua.
          Cũng như trong quan hệ giữa các dân tộc thiểu số, những yếu tố cư trú xen cài, hôn nhân hỗn hợp dân tộc và chính sách dân tộc có ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh (Việt) (Nguyễn Văn Huy, 1982; Bế Viết Đẳng, 1988; Phan Hữu Dật, 2004, tr. 713-733). Kể từ sau Đổi mới đến nay, nhiều tác giả còn cho rằng kinh tế thị trường, toàn cầu hóa... cũng là những nguyên nhân tác động đến mối quan hệ này (Phạm Quang Hoan và Nguyễn Hồng Dương, 2008; Bùi Xuân Đính, 2010; Vương Xuân Tình và Nguyễn Văn Minh, 2009; 2010).
          Như vậy, trong nghiên cứu về quan hệ giữa dân tộc Kinh (Việt) với các tộc thiểu số, nếu như trước năm 1986 có xu hướng tìm hiểu hòa hợp, gắn kết thì từ năm 1986, nhất là từ năm 2000 đến nay, còn có thêm việc xem xét những mâu thuẫn giữa các tộc người này. Bên cạnh đó, không ít các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của những thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng bôi đen mối quan hệ ấy. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện nào về mối quan hệ của người Kinh (Việt) với các tộc thiểu số và vai trò của tộc người này trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc ở nước ta hiện nay.

          2.4. Quan hệ dân tộc xuyên quốc gia 

         Ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, có khoảng 40 dân tộc có mối quan hệ xuyên quốc gia với mức độ khác nhau, song đến nay, việc nghiên cứu mối quan hệ này còn rất ít chuyên khảo. Hầu hết những công trình được nêu trong tổng quan sau đây chỉ có một phần liên quan tới vấn đề đang xem xét, và chủ yếu là quan hệ dân tộc xuyên biên giới, tức quan hệ với đồng tộc và khác tộc ở ba nước làng giềng có chung đường biên giới là Trung Quốc, Lào và Campuchia.
         Trong các nghiên cứu, tập trung nhiều nhất vẫn là những công trình liên quan đến quan hệ xuyên biên giới Việt - Trung. Một số công trình đã chỉ ra, nhiều dân tộc sinh sống trên đất nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc tới cư trú ở Việt Nam vào những thời kỳ lịch sử khác nhau. Nguyễn Chí Huyên (Chủ biên, 2000, tr. 62-234) cho biết, có khoảng trên 20 dân tộc thuộc các nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, H'Mông - Dao, Tạng - Miến sinh sống tại các tỉnh biên giới phía Bắc có quan hệ lịch sử với đồng tộc ở bên kia đường biên. Điều này còn được các tác giả khác khẳng định trong những công trình nghiên cứu chuyên sâu về một số tộc người, như Cầm Trọng (1978), Phạm Quang Hoan và Hùng Đình Quý (Chủ biên, 1999)...
          Đặt trong bối cảnh an ninh biên giới vùng cao phía Bắc để xem xét mối quan hệ tộc người hai bên đường biên, Chu Thái Sơn (1987, tr. 285-298) cho rằng, cần phải tăng cường yếu tố văn hóa quốc gia ở vùng biên giới này thông qua nâng cao vị thế tiếng phổ thông; mở rộng giao lưu kinh tế, xã hội, văn hóa giữa vùng thấp và vùng cao; tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ. Sau 23 năm kể từ thời điểm công bố nghiên cứu trên của Chu Thái Sơn, nghiên cứu về người Lô Lô ở vùng cao biên giới Việt - Trung tại tỉnh Hà Giang của Phạm Đăng Hiến (2010, tr.5-13) đã cho biết việc sử dụng tiếng phổ thông ở đây đã được tăng cường, bên cạnh dùng song ngữ và đa ngữ. Ngoài ra, mối quan hệ dân tộc xuyên biên giới về hôn nhân cũng trở nên phổ biến. Nghiên cứu về quan hệ dân tộc xuyên biên giới với thời gian và kết quả tương tự còn được Bùi Xuân Đính (2010) thực hiện tại tỉnh Lạng Sơn. Tác giả nêu lên việc di dân theo mùa vụ sang Quảng Tây để tìm kiếm việc làm và thu nhập ở một số làng các dân tộc Tày, Nùng tại tỉnh này ngày càng phổ biến. Vương Xuân Tình (2011) đã đề cập khá toàn diện về quan hệ của người Hà Nhì ở một làng tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với đồng tộc bên kia biên giới, từ nguồn gốc, gia đình, dòng họ, hôn nhân, văn hóa đến buôn bán. Vẫn cùng tác giả đã nêu, còn có nghiên cứu liên quan đến quan hệ xuyên biên giới của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, song chủ yếu ở góc độ kinh tế (Vương Xuân Tình, 2012, tr. 66-76).
            Nghiên cứu quan hệ dân tộc xuyên biên giới Việt - Lào cũng được một số tác giả thực hiện. Trong những công trình liên quan, có các nghiên cứu về quan hệ lịch sử tộc người, hôn nhân, dòng họ, di dân của các dân tộc Thái, Lào, Khơ-mú, H'Mông, Cơ-tu, Tà-ôi, Bru - Vân Kiều ở hai bên biên giới Việt - Lào (Lý Hành Sơn, 2008; Phạm Quang Hoan, 2011; Vương Xuân Tình, 2012). Ngoài ra, còn phải kể tới nghiên cứu của Nguyễn Duy Thiệu về người Việt ở Lào trong quan hệ với người Việt ở trong nước (Nguyễn Duy Thiệu và các cộng sự, 2008).
           Nghiên cứu quan hệ dân tộc xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia cũng được một số tác giả quan tâm bởi vùng biên giới này từng tồn tại mối quan hệ tộc người phức tạp. Do những vấn đề lịch sử để lại, cộng thêm các yếu tố mới nảy sinh, quan hệ tộc người với quốc gia - dân tộc còn trở thành điểm nóng trong quan hệ dân tộc, liên quan đến quan hệ dân tộc xuyên biên giới. Trong nghiên cứu về quan hệ dân tộc xuyên biên giới ở vùng này, quan hệ của người Khơ-me với đồng tộc ở các nước láng giềng được nhiều công trình xem xét. Một số tác phẩm đã nhấn mạnh mối quan hệ mang tính tộc người trong lịch sử giữa một bộ phận người Khơ-me ở Nam Bộ với người Khơ-me ở Campuchia (Phan Huy Lê, 2011). Trần Văn Bính (2004) và Vương Xuân Tình (2012) lại cho rằng, người Khơ-me ở Nam Bộ và ở Campuchia vẫn có quan hệ mật thiết cho đến ngày nay, nhất là quan hệ với Phật giáo Nam Tông và các tổ chức người Khơ-me ở trong nước và nước ngoài.
         Dưới góc độ đánh giá thực trạng đời sống của người Khơ-me ở Tây Nam Bộ, một số nghiên cứu đã nhấn mạnh việc không có đất sản xuất, thu nhập thấp, tỷ lệ nghèo đói, mù chữ cao là một số yếu tố khiến đồng bào bị các thế lực phản động lợi dụng tuyên truyền bịa đặt lịch sử, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước, làm phức tạp thêm các mối quan hệ tộc người giữa người Khơ-me với người Kinh (Việt) - nhất là một bộ phận người Khơ-me trở về từ Campuchia đòi lại đất ông cha, tìm cách chia rẽ mối quan hệ đoàn kết dân tộc (Lê Ngọc Thắng, 2010; Vương Xuân Tình, 2012).
           Như đã đề cập, nghiên cứu về quan hệ dân tộc xuyên quốc gia ở nước ta chủ yếu mới tìm hiểu mối quan hệ qua biên giới với ba nước láng giềng. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu xem xét quan hệ với quốc gia không có chung đường biên của một số dân tộc, như Hoa và Chăm.
           Với người Hoa, bên cạnh những phân tích về nguồn gốc tộc người liên quan đến mối quan hệ quê gốc, các tác giả đã tìm hiểu việc giao dịch, làm ăn, buôn bán của người Hoa với đồng tộc ở Trung Quốc và một số nước trên thế giới (Phan An, 2005, tr.19-38; Nguyễn Thị Nhung, 2014, tr. 73-82). Có công trình còn đề cập về chính sách đối với cộng đồng người Hoa ở các nước trong khu vực (Phan Xuân Biên, 2010, tr.440-450) hay vị thế của người Hoa ở Việt Nam và Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay (Châu Thị Hải, 2006, tr. 322-385). Bên cạnh hướng nghiên cứu chủ yếu là quan hệ của người Hoa ở Việt Nam với đồng tộc xuyên biên giới, Nguyễn Văn Chính (2013) còn nghiên cứu về người Hoa di cư tới Việt Nam và một số nước khác hiện nay, dưới tác động của chính sách phát triển của Trung Quốc, của toàn cầu hóa và khu vực hóa.
           Với người Chăm, nghiên cứu liên quan trước hết là việc tìm hiểu về văn hóa Chăm, đã nhấn mạnh ảnh hưởng của Hồi giáo (Ngô Thị Chính và Tạ Long, 2007). Một số tác giả đề cập tới vấn đề lịch sử tộc người và mối quan hệ của người Chăm với đồng tộc ở các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan và Malaysia; trong đó, mối quan hệ tôn giáo được nhấn mạnh, coi đây là điểm trọng yếu khi xem xét quan hệ dân tộc xuyên quốc gia ở tộc người này (Phú Văn Hẳn, 2009; Lý Hành Sơn, 2011; Vương Xuân Tình, 2012).
           Qua xem xét các nghiên cứu về quan hệ dân tộc xuyên quốc gia ở nước ta cho thấy, có những mối quan hệ của các tộc thiểu số với đồng tộc ở nhiều quốc gia không có chung đường biên với Việt Nam, đặc biệt là quan hệ ấy ảnh hưởng đến cả an ninh quốc gia, nhưng lại chưa được nghiên cứu thấu đáo. Đó là trường hợp quan hệ của người H'Mông với đồng tộc ở Thái Lan, Australia, Pháp, Canada, Anh, Mỹ; của các tộc Khơ-me, Ê-đê, Gia-rai... với đồng tộc tại Mỹ và một số nước Tây Âu khác. Trong khi đó, các thế lực phản động của những tộc người này ở nước ngoài thời gian qua đã móc nối với bọn phản động trong nước chống phá Việt Nam, tạo nên mâu thuẫn, xung đột tộc người ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
         Người Kinh (Việt), nhất là ở miền Nam, cũng có quan hệ dân tộc xuyên quốc gia đa dạng, đặc biệt từ sau năm 1975, khi chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Từ thời điểm này, có số lượng rất lớn người Kinh (Việt) di tản hoặc vượt biên tới sinh sống ở nước ngoài, mà chủ yếu là ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Australia. Từ đó, đã nảy sinh mối quan hệ gắn bó giữa người Kinh (Việt) ở trong nước với đồng tộc ở nước ngoài, đồng thời cũng xuất hiện những chiến lược chống phá Việt Nam của bộ phận phản động lưu vong, kể từ truyền thông đến xây dựng các đảng đối lập và tổ chức khủng bố. Song đến nay, còn rất ít công trình nghiên cứu về quan hệ dân tộc xuyên quốc gia của người Kinh (Việt) dưới góc độ dân tộc học/nhân học. Một số nhà nghiên cứu tìm hiểu vấn đề này nhưng mới chỉ ở quan hệ hôn nhân xuyên quốc gia (Phan An, 2004; Trần Mạnh Cát, 2007).
        Nguyên nhân để thúc đẩy quan hệ dân tộc xuyên quốc gia được các tác giả phân tích trước hết là sự cố kết tộc người [Lý Hành Sơn, 2008; Nguyễn Văn Thắng (Chủ biên), 2009; Vương Xuân Tình, 2011]. Bên cạnh đó, chính sách đổi mới, trọng tâm là các chính sách thương mại, đầu tư... của nước ta cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ này. Cuối cùng, không thể không nhắc tới tác động của quan hệ quốc tế, của toàn cầu hóa, nhất là chính sách dân tộc của các quốc gia có chung đường biên, của quốc gia có ảnh hưởng đến mối quan hệ dân tộc xuyên quốc gia ở Việt Nam, của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam (Phú Văn Hẳn, 2009; Phan Xuân Biên, 2010; Vương Xuân Tình và Nguyễn Văn Minh, 2009, 2010; Vương Xuân Tình, 2012).

           2.5. Quan hệ tộc người với cộng đồng dân tộc - quốc gia
          
       
  Đây là vấn đề rất quan trọng, song thời gian qua mới chủ yếu được quan tâm dưới góc độ sử học. Vào những năm 70  và 80 của thế kỷ trước, đã có cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề hình thành dân tộc (Nation) Việt Nam, trong đó có một số nhà dân tộc học tham gia. Tuy nhiên, như đã trình bày, do chủ yếu được thảo luận từ góc nhìn lịch sử, nên có quan điểm chung là thời điểm ra đời của dân tộc Việt Nam thường gắn với vai trò của dân tộc Kinh (Việt). Các dân tộc thiểu số được nhắc tới nhưng còn mờ nhạt, bởi hạn chế về sử liệu. Dù vậy, những ý kiến vẫn khẳng định sự đóng góp to lớn của các tộc thiểu số trong quá trình hình thành dân tộc Việt Nam (Phan Huy Lê, 1981, tr.6-15; 1982, tr.9-20; Đặng Nghiêm Vạn, 1978, tr.9-18; 1984, tr. 28-37). Về việc ra đời và phát triển của dân tộc Việt Nam, dựa trên cả luận giải cấu trúc dân cư - dân tộc, tác giả Nguyễn Văn Huy còn đề xuất khái niệm mới, đó là cộng đồng nhân dân Việt Nam (Nguyễn Văn Huy, 1983). Song đáng tiếc, thảo luận này sau đó lắng đi cho đến tận hôm nay.
        Để luận giải về mối quan hệ của tộc người với quốc gia - dân tộc [2], Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã có phân tích về nguồn gốc, nội hàm của khái niệm và chỉ ra việc hình thành dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với quá trình tộc người ở nước ta (Đặng Nghiêm Vạn, 2003, tr. 147-174). Bên cạnh đó, còn có những nghiên cứu liên quan ở những lĩnh vực cụ thể. Như đã trình bày, Chu Thái Sơn (1987, tr. 285-298) từng lo lắng khi vị thế tiếng phổ thông ở vùng biên giới Việt - Trung những năm 80 còn yếu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia tại vùng này. Tình trạng đó cũng được Trần Văn Hà (2005, tr. 35-41) khẳng định trong một nghiên cứu khác. Cùng với ngôn ngữ, một số nghiên cứu còn tìm hiểu ý thức quốc gia - dân tộc [3], thể hiện qua mối quan tâm đến đời sống chính trị của đất nước, qua chấp hành pháp luật hay các quy định trong mối quan hệ xuyên biên giới ở người Khơ-me, người Hà Nhì, người H'Mông và người Chăm (Nguyễn Văn Thắng, 2010; Vương Xuân Tình, 2011; 2012). Nhưng nhìn chung, mẫu nghiên cứu của các công trình này còn nhỏ; vì vậy, tính đại diện chưa cao.
           Trước tình hình phức tạp về quan hệ tộc người ở một số vùng trong cả nước, có tác giả đã quan tâm đến tác động của thế lực thù địch trong việc kích động đồng bào dân tộc thiểu số đòi tự trị, ly khai. Người Khơ-me đã bị tổ chức phản động Khơ-me Krom ở Campuchia và ở nước thứ ba chi phối với nhiều danh nghĩa khác nhau, nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sự hằn thù dân tộc, chống phá chính quyền Việt Nam, đòi tự trị, tự do tôn giáo (Trần Văn Bính, 2004; Bùi Minh Đạo, 2009; Lê Ngọc Thắng, 2010, tr. 407- 424). Tổ chức FULRO, nhà nước Đề Ga còn kích động đồng bào dân tộc tại chỗ Tây Nguyên chống lại Nhà nước, đòi ly khai, tự trị (Trương Minh Dục, 2005; Vương Xuân Tình và Nguyễn Văn Minh, 2009; 2010). Tuy nhiên, đáng tiếc là những tìm hiểu dưới góc độ này còn hạn chế và hầu hết vẫn chung chung. Trong một công trình gần đây, Vương Xuân Tình đã cố gắng nghiên cứu thực nghiệm về ý thức quốc gia - dân tộc [4] của 6 cộng đồng làng thuộc các dân tộc Tày, Nùng, H'Mông, Khơ-mú, Chăm và Khơ-me tại ba vùng biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và Việt - Campuchia. Để xem xét vấn đề này, tác giả đã khảo sát khả năng của người dân trong sử dụng tiếng phổ thông, việc sử dụng và hiểu biết của họ về các biểu tượng văn hóa quốc gia (quốc kỳ, quốc ca, lãnh tụ, thủ đô...). Qua đó, tác giả cho rằng, ý thức quốc gia - dân tộc của nhiều người dân được nghiên cứu trong cộng đồng Khơ-me và Chăm ở vùng biên giới Campuchia chưa cao (Vương Xuân Tình, 2012, tr.76-86).
            Nghiên cứu quan hệ của tộc người với cộng đồng dân tộc - quốc gia ở nước ta, một số tác giả cũng cho rằng, sở dĩ mối quan hệ đó vẫn giữ được như ngày nay là bởi có chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta (Đặng Nghiêm Vạn, 2003, tr.170-174; Phan Hữu Dật, 2004, tr.734-762). Bên cạnh đó, nghiên cứu của Phạm Quang Hoan và Nguyễn Hồng Dương (2009), Vương Xuân Tình và Nguyễn Văn Minh (2009, 2010), Phan Xuân Biên (2011), Vương Xuân Tình (2012) còn chỉ ra sự tác động của các thế lực thù địch đến mối quan hệ ấy. 
        
          Kết luận

       
Tổng quan trên đây cho thấy, các tác giả đánh giá quan hệ dân tộc ở nước ta từ năm 1986 đến nay về cơ bản là tốt đẹp, tuy nhiên cũng xảy ra một số điểm nóng và những nguy cơ tiềm ẩn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự tác động của các thế lực thù địch, mối quan hệ dân tộc ngày càng phức tạp và có những biến thái mới. Sự cố kết tộc người ở một số dân tộc gia tăng, thậm chí trên phạm vi xuyên quốc gia và liên tộc người. Sự phân ly cũng xuất hiện do tiếp xúc và giao lưu, do nảy sinh cộng đồng dân tộc - tôn giáo trong nội bộ một số dân tộc. Xung đột giữa các tộc người đã xuất hiện ở một số nơi tại Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; qua đó, các thế lực thù địch càng lợi dụng để tác động tới sự xung đột giữa tộc người với cộng đồng dân tộc - quốc gia.
         Trước tình hình nêu trên, nhiều nghiên cứu cho rằng, để góp phần ổn định và phát triển đất nước, cần phải có chính sách để quản lý hiệu quả mối quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu được thực hiện có tính thuyết phục để chỉ ra mối liên quan cụ thể giữa quan hệ dân tộc và chính sách dân tộc. 
         Qua tổng quan tài liệu, có thể rút ra một số hạn chế về nghiên cứu quan hệ dân tộc ở nước ta trong thời gian qua như sau:
   1. Thiếu tính lý thuyết: Các nghiên cứu hầu như không cập nhật được lý thuyết của thế giới hiện nay để chọn lọc và áp dụng. Bởi vậy, các nghiên cứu thiên về mô tả, trình bày tư liệu và sự phân tích, đánh giá, luận giải, đề xuất thiếu sắc bén.
   2. Thiếu tính tổng thể: Chưa có nghiên cứu nào thực hiện một cách toàn diện theo khung phân tích đã trình bày. Chưa có nghiên cứu nào xem xét toàn diện 5 lĩnh vực của quan hệ dân tộc đã nêu trên đây ở một tộc người hay cộng đồng dân cư, và tác động của các yếu tố đến quan hệ dân tộc, đặc biệt là chính sách dân tộc.
   3. Thiếu tính thực nghiệm: Hầu như ít có những nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành theo quy trình từ xây dựng lý thuyết đến áp dụng nghiên cứu và đề xuất giải pháp. Nhiều công trình nghiên cứu dựa vào tài liệu thống kê, hoặc có triển khai thực địa nhưng không được tuân theo quy trình mang tính thực nghiệm.
   4. Còn những khoảng trống trong nội dung nghiên cứu: Trong quan hệ dân tộc, quan hệ tộc người xuyên quốc gia, quan hệ tộc người với cộng đồng dân tộc - quốc gia, các cộng đồng dân tộc - tôn giáo là những vấn đề chưa được đi sâu; còn ít nghiên cứu quan tâm đến mối quan hệ giữa chính sách dân tộc với quan hệ dân tộc và ngược lại; thiếu nhạy bén trong phản ứng với các luận điểm của những học giả nước ngoài có tác động không tích cực cho quan hệ dân tộc ở nước ta. 
   5. Những hạn chế về phương pháp nghiên cứu: Các kết quả nghiên cứu phản ánh sự thiếu phong phú về phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là còn ít phương pháp tham gia. Nhiều nghiên cứu vẫn theo kiểu kinh viện, "tầm chương trích cú". Bởi vậy, cách làm này đã ảnh hưởng đến chất lượng và đóng góp của nghiên cứu.




     Tài liệu tham khảo
     
 1. AF - IDS (2008), Sự phát triển kinh tế của các dân tộc thiểu số Việt Nam, DFID, Báo cáo.
 2. Phan An (2004), Hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan, Nxb. Trẻ TP. Hồ Chí Minh.
 3. Phan An (2005), Người Hoa ở Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
 4. Phan Xuân Biên (2010), "Tác động của quan hệ tộc người đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta", trong: Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (2010), Quan hệ tộc người và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Phan Xuân Biên (2011), Tác động của quan hệ tộc người đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm 2020, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Nhà nước, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.


       
    Hiển thị phần trích dẫn

[1] Trong ngôn ngữ Việt, thuật ngữ "dân tộc" có hai nghĩa, vừa là tộc người (Ethnicity), vừa mang nghĩa quốc gia, dân tộc (Nation). Để tránh lặp từ trong diễn đạt, khi nói về "dân tộc" với hàm nghĩa Ethnicity, chúng tôi sử dụng hai thuật ngữ "dân tộc" và"tộc người" với nghĩa như nhau; còn khi sử dụng thuật ngữ "dân tộc" với nghĩa Nation, chúng tôi sẽ dùng thuật ngữ "dân tộc - quốc gia" (Nation - State), như nhiều công trình khoa học trên thế giới đã sử dụng. Thực ra, hai thuật ngữ Nation và Nation - State có một số nội hàm khác nhau, song trong bối cảnh của vấn đề đang bàn, chúng tôi cho rằng sử dụng thuật ngữ Nation - State sẽ hợp lý hơn.
[2] Thuật ngữ này là của GS. Đặng Nghiêm Vạn trong tài liệu đã dẫn.
[3] Xem chú giải ở chú thích 4.
[4] Thuật ngữ này là của tác giả Vương Xuân Tình trong tài liệu đã dẫn.




 
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,072
  • Tháng hiện tại23,543
  • Tổng lượt truy cập1,157,951
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây