VẤN ĐỀ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ sáu - 18/06/2021 08:11
TS. Vũ Đức Chính (Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu) - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bài in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr.553-558.
VẤN ĐỀ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY
 


        Trên thực tế, với bất kỳ một tôn giáo nào, truyền giáo, mở rộng đạo là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn. Sự phát triển của một tôn giáo trước tiên được đánh giá bởi phạm vi ảnh hưởng của tôn giáo đó cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Chính vì vậy, các tôn giáo rất quan tâm đến vấn đề này. Các tôn giáo lớn trên thế giới như Công giáo, Hồi giáo, Tin Lành... đã làm rất tốt công việc đó. Họ có những chiến lược truyền giáo lâu dài, bền bỉ và rất hiệu quả. Họ coi đó là sứ mệnh thiêng liêng của mình, họ chuẩn bị kỹ càng cho công cuộc truyền giáo.
        Đối với Phật giáo của chúng ta, thời còn tại thế, Đức Phật cũng đã nhấn mạnh "Phật pháp bất ly thế gian giác" nghĩa là Phật giáo không tách rời thế gian với những con người cụ thể, với những hoàn cảnh cụ thể. Cả cuộc đời Đức Phật bền bỉ, không ngừng truyền thụ phương pháp giải thoát của mình cho mọi người, giúp con người thoát khỏi bể khổ luân hồi, đạt đến sự giác ngộ của trí tuệ.
      Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981 với mục đích là "hoằng dương Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước và ở nước ngoài, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới"[1]. Hoằng dương Phật pháp được hiểu là một cách mở rộng ra để phô bày hay truyền bá những lời dạy hay giáo lý của Đức Phật. Chúng ta là những thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nhiệm vụ thực hiện mục đích đó.
      Truyền giáo có sự khác nhau giữa các thời kỳ lịch sử, từng hoàn cảnh cụ thể. Nó bị quy định bởi những đặc trưng riêng của bối cảnh lịch sử, của điều kiện cụ thể. Thời đại ngày nay với sự bùng nổ công nghệ thông tin, với xu hướng hội nhập quốc tế, với những thuận lợi về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo đang tạo ra thời cơ lớn cho công cuộc truyền giáo, GHPGVN chúng ta cần biết nắm lấy cơ hội đó. 
       Nội dung truyền giáo hiện nay đã có nhiều thay đổi so với các thời kỳ trước, cụ thể:
       Chủ thể truyền giáo: Sứ giả của Như Lai hiện nay không chỉ hạn hẹp là tu sĩ truyền giáo mà tín đồ Phật tử cũng đã tích cực tham gia thông qua sinh hoạt các đạo tràng, cùng tu sĩ Phật giáo làm từ thiện...
       Đối tượng truyền giáo: Trước đây Phật giáo Việt Nam chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc xác định rõ ràng, cụ thể đối tượng truyền giáo của mình. Đến nay, đã có những sự quan tâm nhất định từ phía giáo hội về vấn đề này. Đối tượng truyền giáo hiện nay của chúng ta bao gồm tất cả các thành phần nhân dân, không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ ở tất cả các vùng miền, đặc biệt chú ý đến vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
      Cách thức truyền giáo: Với đặc trưng của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, công cuộc hoằng dương có nhiều thuận lợi, đem lại hiệu quả nhanh chóng: Báo đài, sách đĩa, mạng internet, truyền hình,... sẽ giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với Phật giáo. Tuy nhiên, để công cuộc truyền giáo thực sự hiệu quả, chúng ta đã thực hiện những hoạt động cụ thể là làm từ thiện: Xây dựng những Tuệ Tĩnh đường chữa bệnh cho người nghèo, giúp đỡ đồng bào khó khăn,...
       Kết quả công cuộc hoằng dương Phật pháp trong thời gian qua, đặc biệt từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời (1981), đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Chúng ta đã đưa Phật giáo đến với khắp các tỉnh thành của cả nước, trong đó có cả những vùng biên giới, hải đảo xa xôi. Đã đưa Phật giáo đến với hầu hết đồng bào 54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S này. Phật giáo với lịch sử hơn hai nghìn năm qua luôn đồng hành cùng dân tộc, là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam nên có thể khẳng định thành tựu lớn nhất chúng ta đóng góp cho đất nước là góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
        Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan về những hạn chế trong công tác truyền giáo của chúng ta trong thời gian qua:
       Chúng ta chưa có chiến lược truyền giáo rõ ràng. Theo như tôi được biết, các tôn giáo khác như Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo...đều có chiến lược truyền giáo rõ ràng, coi truyền giáo là nhiệm vụ trọng tâm, có tổ chức chuyên trách về truyền giáo. Trong Thư Mục Vụ năm 2004 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có viết: "Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh. Hội Thánh phải loan báo chúa Kitô và làm cho Chúa Kitô trở nên tất cả cho mọi người". Tuy nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể cho vấn đề này, truyền giáo của chúng ta vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ là chính. Chúng ta chưa có chiến lược đào tạo một đội ngũ truyền giáo chuyên nghiệp, bài bản để có kỹ năng đi sâu vào mọi ngóc ngách của xã hội.
         Chúng ta đang thiếu chủ động về nguồn lực để truyền giáo. Bấy lâu nay, Phật giáo chủ trương không làm kinh tế vì vậy chúng ta dựa chủ yếu vào nguồn lực bên ngoài, kêu gọi sự ủng hộ của tín đồ, Phật tử, các nhà tài trợ... mà chưa tự mình tạo ra nguồn lực chủ động, bền vững của mình, chính vì thế những hoạt động truyền giáo cũng chưa chủ động.
        Các hoạt động truyền giáo cũng chưa đem lại hiệu quả cao. Ví như, các hoạt động từ thiện của chúng ta mới chỉ đem lại lợi ích tức thì, giúp đỡ người khác ở thời điểm hiện tại chứ chưa thật sự bền vững, chưa đem lại hiệu quả lâu dài. Như Hòa Thượng Thích Như Niệm đã từng nói trong kỳ Đại hội trước:"... Nói một cách công tâm, chúng ta chủ yếu làm từ thiện bằng cách mang cho họ một cái bánh, một con cá, một chén cơm mà không trao cho họ "chiếc cần câu, cái cày" để hỗ trợ cho họ phương tiện, để họ tự mình câu cá, tìm ra hạt gạo"[2]. Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa cũng khiến cho hiệu quả truyền giáo không đạt được như mong muốn.
         Chúng ta mới chỉ chủ yếu phát triển về chiều rộng mà chưa chú ý phát triển về chiều sâu. Điều đó thể hiện: Chúng ta xây dựng nhiều chùa, số người đi lễ tăng lên, tuy nhiên chưa có nhiều người tiếp cận giáo lý Phật giáo, hiểu được giáo lý Phật giáo.
         Chúng ta mới chỉ "truyền" mà chưa "giữ". Đặc biệt là khi truyền giáo đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chúng ta đã xây dựng được cơ sở trên đó nhưng sau đó lực lượng lại rút về mà chưa có sự sinh hoạt thường xuyên để mở rộng, phát triển. Hay nói cách khác chúng ta chưa cắm rễ được ở những nơi mới đến. Chính vì thế, ta mất nhiều công sức mà hiệu quả lại chưa cao.
          Để giải quyết những hạn chế trên và nâng cao hiệu quả của công tác truyền giáo, với tư cách là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi đưa ra một số gợi mở một số giải pháp như sau:
         Trước tiên chúng ta cần có chiến lược rõ ràng về truyền giáo. Chúng ta có nên chăng thành lập một Ban Truyền giáo [3] chuyên phụ trách về việc truyền giáo. Ban đó sẽ có nhiệm vụ xây dựng những kế hoạch truyền giáo cụ thể theo từng giai đoạn, đào tạo bài bản một đội ngũ nhân sự có trình độ và kỹ năng truyền giáo, ngoài kiến thức Phật pháp cần phải được đào tạo về ngôn ngữ, về văn hóa bản địa của địa bàn truyền giáo cụ thể (Bởi chỉ khi nào thấu hiểu ngôn ngữ, văn hóa thì mới có thể xâm nhập vào đời sống của họ, công tác vận động, truyền giáo mới thực sự hiệu quả), về kỹ năng thuyết trình, giao tiếp quần chúng, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước (điều này rất quan trọng vì chỉ khi thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì các hoạt động truyền giáo mới được phép tiến hành, được ủng hộ và có hiệu quả, điều 7, trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo đúng Giáo pháp, Giáo luật Phật chế và Pháp luật nước CHXHCNVN)...
           Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tạo ra nguồn lực truyền giáo. Bởi chỉ khi nào chủ động được trong vấn đề kinh tế chúng ta mới có những bước đi, chiến lược "đầu tư" rõ ràng, lâu dài và hiệu quả.
         Các hoạt động truyền giáo cần được hoạch định rõ ràng để nâng cao hiệu quả. Truyền giáo cần bám sát thực tiễn, khi đặt cơ sở tại một địa bàn nào đó, chúng ta cần phát triển mở rộng, đưa Phật giáo luồn vào sâu mọi ngõ ngách của đời sống nhân dân trên địa bàn. Các hoạt động từ thiện cần hướng đến giải quyết thực tế, gốc rễ, bền vững những vấn đề khó khăn trong đời sống người dân. Tạo điều kiện công ăn việc làm cho họ, xây dựng những trường học, bệnh viện,...
        Để truyền giáo có chiều sâu, chúng ta cần tìm cách đưa giáo lý Phật giáo đến với người dân. Tuy nhiên, trình độ dân trí của các vùng nước ta không đồng đều, đặc biệt các vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thì trình độ dân trí còn rất thấp, lại thêm sự khác biệt rất lớn về ngôn ngữ. Vì vậy, chúng ta có thể xây dựng "kinh bổn" dễ nhớ, dễ thuộc theo các ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau. Từ đó họ có thể tiếp cận kinh sách Phật giáo. Đây là công việc có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
        Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, toàn cầu hóa đang mở ra cơ hội rất lớn cho công cuộc truyền giáo. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến việc truyền bá Phật giáo Việt Nam ra ngoài lãnh thổ đất nước, đưa Phật giáo Việt Nam với những đặc trưng rất riêng của văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho Phật giáo chúng ta mà là góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam ra thế giới. 
       Vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đưa ánh sáng của Phật pháp đi khắp thế gian, tôi xin bày tỏ những suy tư của mình về vấn đề truyền giáo của GHPGVN hiện nay như trên. Hy vọng, những ý kiến đó, sẽ góp phần gợi mở những hướng đi mới trong tương lai cho GHPGVN.





     Tài liệu tham khảo


1. Học viện chính trị Quốc gia HCM (2001), Thực trạng nguyên nhân, xu hướng vận động của Phật giáo Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho công tác lãnh đạo quản lý, Hà Nội.
2. Nguyễn Duy Hinh, Lê Đức Hạnh (2011), Phật giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.
3. Cao Ngọc Lân, Vũ Cao Minh (2011), Văn hóa Phật giáo trong lòng người Việt, Nxb. Lao động, Hà Nội.
4. Nhà xuất bản Khoa học xã hội (2008), Phật giáo với văn hóa xã hội Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Đặng Nghiên Vạn (2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
          




      Hiển thị phần trích dẫn


[1] Chương 2, điều 6, Hiến chương GHPGVN. 
[2] Thích Như Niệm (2012), Cần thay đổi tư duy trong công tác và tập trung sức mạnh của tăng ni, Phật tử, Kỷ yếu Kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN, tr.400.
[3] Cần chú ý rằng GHPGVN đã có Ban Hoằng Pháp hoạt động nhằm mục đích: Hộ trì chánh pháp, lợi lạc chúng sinh hữu tình. Đồng thời hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử phát huy tư tưởng trong sáng, tích cực và đa dạng của giáo lý Đạo Phật, làm cho ý nghĩa đích thực của Đạo Phật được thể hiện trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc an vui cho con người. Chức năng của Ban Hoằng pháp là biên soạn những bài giảng cho các ngày lễ lớn; biên soạn chương trình học giáo lý cho Phật tử; đào tạo các giảng sư của Ban Hoằng pháp; mở khóa tập huấn cho giảng sư, điều phối, phân bổ giảng sư của Ban Hoằng pháp; mở khóa tập huấn cho giảng sư, điều phối, phân bổ giảng sư thuyết giảng Phật pháp trong phạm vi cả nước. Trong đó thể hiện có một phần của sự truyền giáo mà không bao hàm hết ý nghĩa, công việc thực tế của truyền giáo.

      








 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,174
  • Tháng hiện tại30,629
  • Tổng lượt truy cập1,096,097
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây