HAI NGUYÊN LÝ CƠ BẢN TRONG TRIẾT HỌC VỀ NGHỆ THUẬT CỦA G.W.F. HEGEL*

Thứ sáu - 04/06/2021 07:17
* Georg Wilhem Friedrich Hegel (1770 - 1831) - triết gia duy tâm khách quan, và là người đại diện tiêu biểu của nền triết học cổ điển Đức. Tác giả bài viết: Đỗ Thị Minh Thảo - Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Bài đã in trong cuốn sách "Tương tác mở trong mỹ học Việt Nam đương đại" (Tủ sách Mỹ học Việt Nam đương đại), tr. 533-548.
Tượng tổ thiền tông Ấn độ đời thứ 18 - Tôn giả Gayasata (Già-da-xá-đa). Ảnh. M.T
Tượng tổ thiền tông Ấn độ đời thứ 18 - Tôn giả Gayasata (Già-da-xá-đa). Ảnh. M.T
 

 
 
 
  1. Dẫn nhập   

       Theo tác giả Frank Whaling trong bài "Những cách tiếp cận thần học" thì: “Mỗi truyền thống đều có đủ 8 thành phần này, nhưng dành cho mỗi thành phần đó một tầm ảnh hưởng khác nhau: 1 .Cộng đồng: mỗi truyền thống có một cộng đồng giáo hữu. 2. Nghi thức tôn giáo có thể xem xét dưới ba nhóm: cúng lễ và cầu nguyện thường lệ, các thánh lễ và các lễ hội. 3. Đạo đức: Mọi truyền thống đều mang nặng khát vọng được khái niệm hóa đức hạnh để dẫn dắt tín đồ cư xử tốt đẹp trong cuộc sống. 4. Tham dự xã hội và chính trị. 5. Thánh Kinh và Thánh thư: Bao gồm các huyền thoại hay các sự tích linh nghiệm ở các truyền thống có văn tự hoặc truyền khẩu làm chuẩn mực sống cho con người. 6. Quan niệm tín ngưỡng hay chủ thuyết: Truyền thống Cơ Đốc giáo, với ý niệm về tính chính thống học thuyết của mình, đã nhấn mạnh vào các quan niệm tín ngưỡng và thần học hơn các truyền thống khác, nhưng phải nói rằng hết thảy mọi truyền thống đều có những quan niệm tín ngưỡng rất trọng yếu đối với bổn đạo. 7. Mỹ học (Mỹ thuật): Trong diễn trình xuyên suốt cả lịch sử, mỹ học đóng vai trò rất đáng kể ở cấp cơ sở vì nhiều người không đủ học lực để đọc văn tự. Âm nhạc, vũ đạo, điêu khắc, tượng thánh, hội họa, cửa ghép bằng tranh màu vẽ trên kính, sách phổ thông, đều là cực kì quan trọng đối với đông đảo dân chúng, bất kể người biết chữ hay không đọc được. Một số truyền thống tôn giáo, như đạo Hồi, đạo Do Thái hay đạo Tin Lành lại có phần phủ nhận tranh tượng thần thánh và thường tỏ ý nghi ngờ tác dụng của hình tượng vật chất thần linh. Đồ hình ở Taj Mahal và trên các tấm thảm của Ba Tư đã từng là những cách thức mà đạo Hồi vận dụng để thực hiện lệnh cấm biểu hiện Thánh hay chân dung con người trong mỹ thuật và điêu khắc. Các họa phẩm của Giotto thể hiện hình ảnh thánh St. Francis, các đền thờ đạo Hinđu tại Banaras, các giáo đường đồ sộ của đạo Hồi, ngôi chùa hùng vĩ của đạo Phật tại Borobodur là những ví dụ nói lên rất rõ những cảm hứng mỹ học nào bắt nguồn từ tôn giáo. 8. Tính tâm linh nhấn mạnh sự thâm nhập nội tâm của tôn giáo. Ngay cả đến những con người bình thường cũng có thể trở thành quan trọng. Họ đã xả thân cho việc thiện, cho điều lành, họ sùng tín vào một đấng Bề trên đã lựa chọn, họ đã cộng cảm với thiên nhiên hay lương tâm bản ngã coi như con đường đi tự nhiên để thể hiện tâm linh của họ”. [Peter Connolly, 2018, tr. 379 - 382]
       Như vậy, ý niệm đẹp và lý tưởng nghệ thuật là những khái niệm được ưa chuộng của Thần học Kitô giáo thời Trung cổ phương Tây. Trong khi đó, Mỹ học (triết học về nghệ thuật) là khái niệm quan trọng trước hết là của các nhà triết học duy tâm khách quan. Còn Mỹ học (mỹ thuật, nghệ thuật) lại là khái niệm quan trọng của Tôn giáo học phương Tây từ nhiều cách tiếp cận truyền thống và đương đại. Giữa chúng có những mối liên hệ chặt chẽ với nhau.



2.  Triết học về nghệ thuật là gì?
 
 
         Lần theo tư tưởng của G.W.F. Hegel, một trong số những đại diện tiêu biểu của đường hướng triết học về nghệ thuật, chúng ta có thể tìm được những gợi ý quan trọng. Hegel đã từng nhấn mạnh rằng triết học về nghệ thuật là mắt khâu tất yếu trong trật tự triết học. Cái tất yếu vốn là cái có sức mạnh tự thân không thể loại bỏ nó trong nghiên cứu mỹ học. Hegel bên cạnh đó cũng đồng thời chỉ ra sự khác nhau giữa ba cách tiếp cận, ba đặc trưng của khảo sát về bản chất cái đẹp và nghệ thuật trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ học như sau:
        1. Đặc trưng của khảo sát khoa học về cái đẹp
        2. Đặc trưng của khảo sát cái đẹp dựa trên kinh nghiệm
        3. Đặc trưng của khảo sát cái đẹp xuất phát từ ý niệm
        Điều này có nghĩa là có thể tiến hành nhiều cách khảo sát đối với bản chất của cái đẹp và nghệ thuật. Cách khảo sát của khoa học nói chung, vào thời đại của mình, Hegel hiểu đó là cách tiếp cận khoa học của Alexander Gottlieb Baumgarten (1714 – 1762) về cái đẹp cảm tính, cảm quan. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại sự khảo sát của một hình thức khác đó chính là triết học về nghệ thuật, xuất phát từ tinh thần, từ cơ sở ý niệm. Điều này rất khác biệt với tình hình nghiên cứu mỹ học hiện nay ở nước ta khi có quá nhiều người đã đồng nhất hoàn toàn các cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu của mỹ học và quy về một mối mỹ học duy nhất là triết học nghệ thuật.
        Việc xác định rõ phạm vi đối tượng, phương pháp nghiên cứu và đặc điểm nghiên cứu của bộ môn này giúp nhận diện về những vấn đề cơ bản sau:
        Thứ nhất, triết học về nghệ thuật là những khảo sát về bản chất cái đẹp của lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật lấy cơ sở từ phạm vi khảo sát tinh thần suy tư triết học và tinh thần sáng tạo nghệ thuật tự do.
       Thứ hai, trong quá trình khảo sát những phương diện có tính lịch sử và logic của mối quan hệ giữa triết học và nghệ thuật sẽ được bộc lộ đầy đủ.
       Thứ ba, triết học về nghệ thuật là một cuộc khảo sát dấn thân của những suy tư triết học vào sâu trong phạm vi sáng tạo nghệ thuật chứ không dừng lại ở sự khảo sát chung ở bên ngoài đối tượng.
       Thứ tư, tính đặc thù của công cuộc khảo sát sẽ nâng bình diện tư tưởng của con người lên những tầm cao của bản chất triết học và nghệ thuật, triết học của nghệ thuật và triết học về nghệ thuật trong tính thống nhất, sự kế thừa, sự khác biệt và sự giao thoa giữa chúng.
      Thứ năm, triết học về nghệ thuật có khả năng tạo ra những chiều sâu trong công cuộc khảo sát cái đẹp của nghệ thuật, những quy mô mở rộng của bản chất nghệ thuật vào sâu trong các lớp văn bản và tính quy luật của sự xuất hiện, biểu hiện và tiêu vong của các hình thái nghệ thuật.
      Thứ sáu, khả năng xâm kích cả chiều rộng lẫn bề sâu của lĩnh vực nghệ thuật, khả năng đo đạc các chiều kích trong sự khám phá bản chất của nghệ thuật, khả năng phát hiện logic nội tại và khái quát tính quy luật của nghệ thuật đều tồn tại trong đường hướng khảo sát của triết học về nghệ thuật.
       Không nên lẫn lộn giữa mỹ học với tư cách là triết học về nghệ thuật với toàn bộ các hướng nghiên cứu mỹ học phong phú khác. Tương tự, không nên lẫn lộn mỹ học với thẩm mỹ học, và không nên đồng nhất mỹ học với nghệ thuật học. Điều này có nghĩa là người ta không nên thay thế mỹ học với tư cách là một khoa học bằng nghệ thuật học, hay bằng chính triết học nghệ thuật. Trong Mỹ học với tư cách là một khoa học, cái tinh thần, cái linh hồn của một triết học về nghệ thuật sẽ tồn tại mãi mãi trong nó, không bao giờ bị mất đi, song về sự chiếm lĩnh không gian và trong tính tổng thể của nội dung nghiên cứu mỹ học, triết học về nghệ thuật chỉ là một bộ phận trong tính chỉnh thể, tổng thể của toàn bộ các vấn đề nghiên cứu mà mỹ học với tư cách là một khoa học hướng đến. Ngược lại, sự tồn tại của triết học về nghệ thuật cũng cho thấy góc tiếp cận của mỹ học với tư cách là một khoa học cũng chỉ là một bộ phận trong tổng thể các góc độ tiếp cận của toàn bộ lĩnh vực phong phú là mỹ học. 

3. Về hai nguyên lý cơ bản trong triết học về nghệ thuật của Hegel

        3.1. Nguyên lý về tính thống nhất giữa cái đẹp ý niệm và lý tưởng trong lĩnh vực nghệ thuật

      Trước hết cần khẳng định đây là một nguyên lý hết sức quan trọng thuộc đường hướng triết học về nghệ thuật chứ không phải là một nguyên lý nền tảng của mỹ học (khoa học). Các triết gia thuộc đường hướng triết học về nghệ thuật thường xác lập phạm vi và sự bảo vệ mối liên hệ giữa tất yếu và tự do của cái đẹp trong lĩnh vực lý tưởng nghệ thuật. Vẻ đẹp là lý tưởng nâng lên thành quy luật.
       Cái đẹp của nghệ thuật là cái đẹp có chủ ý. Đây là cái đẹp được xử lý bằng quan hệ tinh thần, và được sắp xếp có chủ ý của chủ thể nghệ sĩ. Lý tưởng của cái đẹp trong nghệ thuật là sự kết hợp cân đối giữa cái chung và cái riêng. Cái đẹp của nghệ thuật có sự phát triển biện chứng giữa nội dung và hình thức, giữa cá tính và hoàn cảnh. Lý tưởng, tinh thần là bản chất của cái đẹp nghệ thuật.
      Ý niệm với tính cách cái đẹp nghệ thuật là ý niệm có một đặc tính loại biệt, là một hiện thực đã được cá tính hóa. Nói khác đi, nó là một biểu hiện cá biệt của hiện thực có được cái đặc tính loại biệt là biểu lộ được ý niệm qua bản thân. Như vậy, chúng ta đã nêu lên yêu cầu sau đây: Ý niệm và sự biểu hiện của nó, tức là cái hiện thực cụ thể của nó phải hoàn toàn phù hợp với nhau. Nếu quan niệm như vậy, thì ý niệm với tính cách hiện thực, đã có được cái hình thức tương ứng với khái niệm của mình làm thành lý tưởng. Khi dùng cụm từ ý niệm đẹp để gọi cái đẹp, thì cần phải hiểu như sau: Bản thân cái đẹp cần phải được lý giải là một ý niệm. Cái đẹp là một ý niệm mang một hình thức nhất định tức là lý tưởng. Cái đẹp lý tưởng thông qua mối quan hệ biện chứng của ý niệm tuyệt đối và các hình thức biểu hiện cụ thể của nó (Hegel).
      Tính tất yếu của lý tưởng với tính cách cái đẹp trong nghệ thuật, hay nói cách khác thì sự hiện diện của cái đẹp trong nghệ thuật là sự biểu hiện tính tất yếu của một lý tưởng. Nghệ thuật cần phải thể hiện tính cách lý tưởng. Trong đó tính cách làm thành điểm tập trung thực sự của biểu hiện nghệ thuật có tính chất lý tưởng. Ba đặc trưng lớn của tính cách làm thành điểm tập trung thực sự của một biểu hiện nghệ thuật có tính chất lý tưởng là tính phong phú, tính rõ ràng và tính kiên định.
       Như vậy, ý niệm với tính cách hiện thực đã có được cái hình thức tương ứng với khái niệm của mình làm thành lý tưởng. Lý tưởng nghệ thuật được nhận diện với nhiều thuật ngữ phong phú như lý tưởng nghệ thuật là tinh thần, là tư tưởng, là chiêm ngưỡng nội tâm, là những sức mạnh phổ biến, là hoạt động con người, thậm chí là thần linh. Nghệ thuật sở dĩ là cái chân thực, vì nó là cái ngoại hiện có tính chất tinh thần. Cái đẹp và cái chân thực là một.
      Cái đẹp của nghệ thuật tức là ý niệm được thể hiện trong hình tượng. Nghệ thuật là sự cụ thể hóa ý niệm bằng hình tượng. Quá trình cụ thể hóa ngày càng đầy đủ bao nhiêu thì nghệ thuật càng đẹp bấy nhiêu. Sự thống nhất giữa ý niệm phổ biến và hình tượng làm cho nghệ thuật khác với khoa học và tôn giáo.


           3.1.1. Phạm trù cái đẹp trong nghệ thuật

        Phạm trù cái đẹp bắt nguồn từ hiện thực, có cơ sở khách quan trong cuộc sống nhưng đồng thời cũng là một hình thức khái quát của tư duy, thể hiện nhận thức của con người về loại đặc tính thẩm mỹ này của sự vật hiện tượng. Các đường hướng triết học nghệ thuật thường đi đến những kết luận sau về bản chất của cái đẹp:
1. Cái đẹp được định nghĩa là sự tương ứng giữa lý tưởng và thực tại, là sự phù hợp của cái riêng biệt với khái niệm chung về nó, trong lĩnh vực nghệ thuật.
2. Cái đẹp là đặc điểm cơ bản của nghệ thuật. Nghệ thuật không tồn tại nếu không có cái đẹp.
3. Cái đẹp trong nghệ thuật cao hơn cái đẹp của thiên nhiên.
       Do đó, đã có nhiều triết gia thuộc đường hướng triết học về nghệ thuật ngay lập tức loại trừ cái đẹp trong tự nhiên ra khỏi phạm vi đối tượng của triết học về nghệ thuật. Giới hạn đối tượng như thế một phần có vẻ võ đoán. Người ta vẫn quen cho rằng khoa học nào cũng có quyền tùy ý qui định ranh giới lĩnh vực của mình căn cứ vào cách mình khảo sát. Nhưng không nên quan niệm ranh giới mỹ học là lĩnh vực cái đẹp nghệ thuật theo nghĩa như vậy.
       Trong đời sống hàng ngày, người ta vẫn thường nói đến một màu đẹp, một bầu trời đẹp, một con sông đẹp, những con người đẹp. Chúng ta hãy khoan đi sâu vào những cuộc tranh luận về chỗ cấp tính chất đẹp cho những đối tượng như vậy và, do đó, nêu lên cái đẹp trong tự nhiên, bên cạnh cái đẹp của nghệ thuật là có thể chấp nhận đến mức độ nào. Ngay giờ đây chúng ta đã có thể khẳng định rằng cái đẹp trong nghệ thuật là cao hơn cái đẹp trong tự nhiên. Sở dĩ thế là vì cái đẹp trong nghệ thuật là nảy sinh và được tái hiện trên cơ sở tinh thần và bởi vì tinh thần là cao hơn tự nhiên và các hiện tượng tự nhiên, cho nên cái đẹp nghệ thuật cũng cao hơn cái đẹp của tự nhiên.
       Không những thế, nếu nói về mặt hình thức, thì bất kỳ ảo tưởng thảm hại nào nảy sinh trong đầu óc con người cũng là “cao hơn” bất kỳ sáng tạo nào của tự nhiên, bởi vì mọi hư cấu dù sao cũng vẫn còn có một cái gì có tính chất tinh thần, cũng vẫn còn có tự do. Cố nhiên, mặt trời chẳng hạn, xét về nội dung, là một nhân tố tuyệt đối tất yếu; trái lại một ảo tưởng kỳ quặc là một vật ngẫu nhiên và sẽ biến mất nhanh chóng. Nhưng một mẫu mực của tồn tại tự nhiên như là mặt trời, nếu xét theo quan điểm “một tồn tại cho mình” thì sẽ là một vật bàng quan, bản thân không tự do và không tự nhận thức được mình. Còn khi ta nhìn mặt trời ở trong mối liên hệ tất yếu của nó với các tồn tại khác tương tự, ta sẽ không xét mặt trời theo quan điểm một tồn tại cho nó và, do đó, ta sẽ không xem xét mặt trời như một cái gì đẹp.
        Sau khi nêu lên cái chân lý phổ biến cho rằng tinh thần và cái đẹp nghệ thuật gắn liền với tinh thần là cao hơn cái đẹp trong tự nhiên. Từ “cao hơn” ở đây hiểu theo nghĩa tính ưu việt của tinh thần, cũng như tính ưu việt của cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật do tinh thần tạo ra so với tự nhiên không phải là một cái gì thuần túy tương đối. Chỉ có tinh thần mới là cái chân thực với tính cách một yếu tố bao quát tất cả, và tất cả cái đẹp sở dĩ là đẹp thực sự chẳng qua vì cái đẹp tham dự vào một cái cao hơn và do cái cao hơn này sản sinh ra. Xét theo nghĩa này, thì cái đẹp trong tự nhiên chỉ phản ánh cái đẹp thuộc về tinh thần. Ở đây, trước mắt chúng ta là một loại đẹp không hoàn mỹ, không đầy đủ, và xét về mặt bản chất, bản thân cái đẹp của tự nhiên là nằm trong tinh thần.
       Triết học của cái đẹp nghệ thuật khi xem xét cái đẹp từ bản chất ý niệm đã dùng danh từ ý niệm đẹp để gọi cái đẹp với sự diễn giải bản thân cái đẹp cần phải được lí giải là một ý niệm. Hơn thế, cái đẹp chính là một ý niệm mang một hình thức nhất định đó là “lý tưởng”. Ý niệm nói chung chẳng qua là khái niệm. Nhưng khái niệm xét về mặt bản chất vẫn chưa phải là ý niệm, chỉ có khái niệm nào xuất hiện ở trong tính thực tại của nó và ở trong sự thống nhất với thực tại này thì mới là ý niệm mà thôi.
        Khái niệm về mặt bản chất đã là đồng nhất với thực tại rồi và vì vậy khái niệm tự bản thân mình sản sinh ra thực tại với tính cách cái thực tại riêng của mình và cái này là hình thức tự phát triển của ý niệm. Ở đây khái niệm không bỏ mất cái gì của mình hết, nó chỉ tự thể hiện mình mà thôi, khái niệm vẫn ở trong thể thống nhất với mình trong tính khách thể này. Sự thống nhất này của khái niệm và thực tại là đặc trưng trừu tượng của ý niệm. Ý niệm là sự thống nhất cụ thể của khái niệm và tính khách thể.

         Cái đẹp nghệ thuật không phải là một ý niệm logic, không phải là tư tưởng tuyệt đối, tự phát triển ở trong yếu tố thuần túy của tư duy. Cái đẹp nghệ thuật cũng không phải là một ý niệm tự nhiên, mà thuộc lĩnh vực tinh thần. Đồng thời, cái đẹp nghệ thuật cũng không dừng lại ở những nhận thức và những hành động của tinh thần hữu hạn. Vương quốc của sáng tác nghệ thuật là vương quốc của tinh thần tuyệt đối.
        Cái đẹp của nghệ thuật là ý niệm được quan niệm như là thể thống nhất trực tiếp của khái niệm với hiện thực của nó trong chừng mực thể thống nhất này xuất hiện trong cái hiện thực và cảm quan. Ý niệm đẹp là hiện thực cá tính hóa. Những tư tưởng của các đường hướng triết học về nghệ thuật về bản chất của cái đẹp nghệ thuật hoàn toàn đúng với nhận định của thi hào Đức vĩ đại Johann Wolfgang Von Goethe (1749 – 1832): “Thành tựu cao nhất và vĩ đại nhất của thực tiễn nghệ thuật là cái đẹp”.

         3.1.2. Phạm trù lý tưởng trong lĩnh vực nghệ thuật

      Bản thân quá trình hiện thực được hình thành, được biểu hiện ra thích hợp với khái niệm của nó đó là lý tưởng. Do đó mà học thuyết về lý tưởng nghệ thuật và về quá trình phát triển của lý tưởng nghệ thuật trở thành một trong những nội dung quan trọng của triết học nghệ thuật trước K. Marx.
       Lý tưởng là cái hoàn thiện, cái đáng mong muốn thể hiện khát vọng vươn tới chân lý của con người. Lý tưởng nghệ thuật luôn mang hình thức của cái đẹp đặc thù.
       Triết học về nghệ thuật của Hegel nhận định, nghệ thuật không phải là một hình thái đặc biệt của sự phản ánh thế giới vật chất, mà là sự phát triển tự thân của khái niệm. Nghệ thuật là một hình thái nhất định của sự tự nhận thức của tinh thần tuyệt đối. Tinh thần tuyệt đối tự biểu hiện ra dưới ba hình thái: Nghệ thuật, tôn giáo và triết học. Qua nghệ thuật, nó tự nhận thức dưới hình thái chiêm ngưỡng, cảm quan hình tượng; qua tôn giáo, nó tự nhận thức dưới hình thái cảm niệm, biểu tượng; qua triết học, nó tự nhận thức dưới hình thái khái niệm. Những hình thái này của tinh thần tuyệt đối lần lượt thay nhau chiếm ưu thế trong tiến trình phát triển của lịch sử.
       Ý niệm là nội dung, còn sự thể hiện bằng hình tượng cảm tính là hình thức của nghệ thuật. Ý niệm không phải là một cái gì trừu tượng tuyệt đối, mà là thứ ý niệm được hình thành trong hiện thực, và thống nhất trực tiếp với hiện thực làm nên lý tưởng nghệ thuật.
       Các giai đoạn phát triển của lý tưởng biểu hiện ra thành các hình thái nghệ thuật. Những hình thái này được phân hóa, xuất phát từ sự tương ứng khác nhau giữa ý niệm và cái vẻ bề ngoài của ý niệm.
      Khi ý niệm hãy còn tồn tại dưới một trạng thái trừu tượng và do đó chưa tìm thấy một bề ngoài hoàn toàn thích ứng, đã cho ra đời tình trạng của lý tưởng nghệ thuật tượng trưng chủ nghĩa. Ở đây, ý niệm và vẻ bề ngoài là không phù hợp với nhau. Nghệ thuật phương Đông cổ đại là nghệ thuật tượng trưng chủ nghĩa.
      Hình thái thứ hai là hình thái lý tưởng của nghệ thuật cổ điển chủ nghĩa. Ý niệm được diễn tả đầy đủ trong sự tương thích với hình tượng. Nghệ thuật cổ điển chủ nghĩa tương ứng với nghệ thuật Hy Lạp cổ đại.
       Ý niệm chân chính tìm thấy sự thể hiện đầy đủ của nó qua hình thái lý tưởng của nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa (nghệ thuật trung cổ và hiện đại đến thời điểm của Hegel). Ở đây, tinh thần là tự do, nó vượt lên trên vật chất, thiên nhiên. Sự phù hợp giữa ý niệm với hình tượng trong nghệ thuật cổ điển chủ nghĩa bị phá vỡ. Hình thức thuộc cảm tính không đủ sức truyền tải tinh thần đã phát triển cao.
       Phạm trù lý tưởng là cái hoàn thiện, cái đáng mong muốn thể hiện khát vọng vươn tới chân lý của con người. Lý tưởng như vậy luôn mang hình thức cái đẹp là đặc thù, mặc dù nó đã là sự khái quát có tính vượt trước.
       Lý tưởng không được xem xét như một phạm trù độc lập mà xét lý tưởng trong quan hệ với cái đẹp hoàn mỹ của nghệ thuật. Nghệ thuật lý tưởng là một nghệ thuật bậc cao, điều chủ yếu của nghệ thuật lý tưởng là sự sảng khoái trong sáng tạo cao cả, đạt tới tự do bên trong tâm hồn con người. Quan hệ với lý tưởng vẫn là cái hiện thực, có thể coi cặp phạm trù: Hiện thực - lý tưởng là cặp phạm trù tương phản. Khi chúng ta “So sánh cái hiện thực nôm na thì vẻ bên ngoài do tinh thần tạo nên là một kỳ diệu mang tính chất lý tưởng”[Hegel, 1999, tr. 277-287], bởi vì điều lý tưởng đòi hỏi, đó là bản thân hình thức bên ngoài phải tương ứng với tâm hồn.
      Nhờ có lý tưởng mới có nghệ thuật và nhờ có nghệ thuật, lý tưởng đã cấp cho sự vật một ý nghĩa của tâm hồn. Nhờ có lý tưởng này, nghệ thuật nâng cao những sự vật mà nếu không có điều đó thì sẽ chẳng có giá trị gì hết. Nhờ có lý tưởng mới tạo cho chúng ta những hứng thú tinh thần, vì lý tưởng gắn với cái mới. Tinh thần luôn luôn mới làm cho nghệ thuật phát triển theo phép biện chứng.
       Ý niệm với tính cách ý niệm đẹp cũng đồng thời là một toàn thể những sự khác nhau chủ yếu, là những cái phải được khẳng định và được thể hiện như là những sự khác nhau. Sự khác nhau này ở trong cái toàn thể biểu hiện ở những hình thức nghệ thuật riêng biệt. Những hình thức này là kết quả của sự phát triển của bản thân nội dung của khái niệm lý tưởng. Sự phát triển của các thể loại khác nhau của lý tưởng không được hiểu theo nghĩa thông thường mà cần hiểu theo nghĩa những đặc điểm khác nhau chi tiết hơn, chính xác hơn của bản thân khái niệm cái đẹp và của lý tưởng nghệ thuật. Tính phổ biến của cách trình bày lý tưởng nhờ vậy sẽ có được một cách qui định chính xác hơn, không phải nhờ đến những yếu tố vay mượn từ bên ngoài, mà trên cơ sở khái niệm của chính mình: Thành ra chính khái niệm này trong khi phát triển đã trở thành toàn bộ các hình thức nghệ thuật riêng biệt.
       Nói một cách chính xác hơn thì thông qua các hình thức nghệ thuật, ý niệm tự biểu hiện, tự khẳng định và biểu hiện mình trước thực tại thông qua các hình thức môi giới của nghệ thuật. Chỉ có ý niệm phổ biến trong chừng mực nó phát triển do hoạt động của mình thì mới là ý niệm thực sự.
        Ở từng giai đoạn nhất định mà lý tưởng trải qua trong sự phát triển, đều có một hình thức riêng tương ứng với nó căn cứ một sự qui định bên trong mà các giai đoạn khác không có được. Do đó, khi chúng ta xét sự diễn biến này ở trong sự phát triển xem như một sự diễn tiến nội bộ của bản thân ý niệm hay là một sự diễn tiến của các hình thức qua đó ý niệm được thể hiện. Điều này làm cho sự thực hiện của ý niệm với tính cách nội dung cũng đồng thời là sự thực hiện của ý niệm với tính cách hình thức. Và ngược lại cũng thế, những thiếu sót của hình thức đồng thời cũng tỏ ra là những thiếu sót của ý niệm, bởi vì chính ý niệm cấp cho sự biểu hiện bên ngoài qua đó ý niệm bộc lộ một ý nghĩa nội tại.
       Đối với mỗi nội dung, các hình thức qua đó ý niệm được biểu hiện, đó cũng chính là cái chúng ta gọi là những loại hình nghệ thuật riêng đều phù hợp với cái nó cần phải biểu hiện mà trình độ hoàn mỹ hay trình độ thiếu sót là lệ thuộc vào trình độ chân thực mà bản thân ý niệm có được. Bởi vì bản thân nội dung tự nó phải chân thực và cụ thể, trước khi có thể tìm thấy cái hình thức phù hợp với mình.
       Cái đẹp trong nghệ thuật chính là hiện thân của lý tưởng. Sự phát triển của lý tưởng ở trong những hình thức đặc thù của cái đẹp được khu biệt hóa thành những hình thức nghệ thuật riêng biệt.
      Nhờ có lý tưởng mới có nghệ thuật và nhờ có nghệ thuật, lý tưởng đã cấp cho sự vật một ý nghĩa của tâm hồn. Nếu so sánh với cái hiện thực nôm na thì vẻ bề ngoài do tinh thần tạo nên là một điều kỳ diệu mang tính chất lý tưởng.

       3.2. Nguyên lý về tính thống nhất giữa cái khách quan và cái chủ quan, giữa vật chất và hình thức nghệ thuật, giữa vật chất và tinh thần, giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm nghệ thuật

       Trong lĩnh vực nghệ thuật, nội dung luôn thống nhất với hình thức biểu hiện, mặc dù quan niệm của các đường hướng triết học về nghệ thuật là không thống nhất với nhau về phương diện nội dung của cái đẹp quyết định hay hình thức quyết định. Đây là một trong những nội dung quan trọng của một nguyên lý cơ bản thuộc đường hướng khảo sát triết học về nghệ thuật chứ không phải là một nguyên lý nền tảng thuộc đường hướng mỹ học (khoa học). Nguyên lý nền tảng của đường hướng mỹ học (khoa học) có nhiệm vụ khái quát rộng hơn bản thân lĩnh vực sáng tác nghệ thuật.
       Ngay từ thời cổ đại, các triết gia thuộc đường hướng triết học về nghệ thuật đã cho rằng một hiện tượng đẹp là hiện tượng có sự thống nhất giữa hình thức nghệ thuật và vật chất. Sự thống nhất này tạo ra một ấn tượng trong cảm quan. Cái đẹp nằm trong khả năng về sự nhất trí và sự hoàn chỉnh. Cái đẹp là một thực thể vật chất bao gồm trật tự, tỷ lệ, kích thước, tính nhất quán, sự thống nhất trong đa dạng và sự cảm nhận. Cái đẹp – kể cả động vật hay bất kỳ đồ vật gì – gồm những phần nhất định hợp thành, nó không những cần có sự sắp xếp, mà còn có một kích thước nhất định. Cái đẹp là ở trong kích thước và trật tự, do đó, một vật quá bé không thể trở thành đẹp, vì thoắt nhìn đã qua, không kịp thu nhận; một vật quá lớn, cũng không thể trở thành đẹp, vì một lúc không thể nhìn bao quát vật đó ngay được, tính nhất trí và tính hoàn chỉnh bị mất đi bởi người nhận nó. Do vậy mà cái đẹp không nằm ngoài sự vật, không nằm ngoài kích thước, tỷ lệ, trật tự, sự cân đối và khả năng cảm nhận nó trong tính hoàn chỉnh.
        Cái đẹp tinh thần chưa đủ làm nên một sự vật đẹp. Do đó, bên cạnh cái đẹp tinh thần là cái đẹp hình thức. Một hình thức đẹp luôn thích ứng với quy luật. Hình thức đẹp không phải là sự võ đoán, ngẫu nhiên, phi lý tính. Vẻ đẹp đó là lý tưởng nâng lên thành quy luật. Cái đẹp là sự vĩ đại và trật tự. Sự trật tự trong không gian, tính đều đặn và tính xác định là những hình thức của cái đẹp. Nhờ có những nguyên lý chung này mà những yếu tố cá biệt làm thành một thể thống nhất, làm thành cái đẹp chung. Vào thế kỷ XVIII, tư tưởng triết học về nghệ thuật của Hegel về mối quan hệ và về sự thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật là một tư tưởng mỹ học mang tính biện chứng. Trên quan điểm lịch sử, Hegel đã trình bày mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của cái đẹp nghệ thuật lồng vào tiến trình vận động phát triển lịch sử của tinh thần tuyệt đối. Hegel cho rằng, nội dung và hình thức nghệ thuật có quan hệ biện chứng với nhau, nội dung là sự quá độ trở thành hình thức và hình thức là sự quá độ trở thành nội dung. Nội dung của nghệ thuật không tách khỏi hình thức của nó. Sự đối lập giữa nội dung và hình thức đều tồn tại trong một thể thống nhất. Chính sự thống nhất này là biểu trưng của cái đẹp ý niệm tuyệt đối. Bản chất của nghệ thuật cũng như toàn bộ lịch sử phát triển của nó là lịch sử của chính tinh thần tuyệt đối tự nhận thức về mình, và phát triển qua ba giai đoạn: giai đoạn nội dung chưa tìm được hình thức thích hợp (nghệ thuật tượng trưng), giai đoạn nội dung tìm được hình thức thích hợp (nghệ thuật cổ điển) và giai đoạn nội dung vượt lên trên hình thức (nghệ thuật lãng mạn) (Hegel). 
        Nội dung quy định hình thức và sự thống nhất giữa nội dung và hình thức là sự thống nhất ở nội dung. Bởi vì, cũng như trong mọi việc làm của con người, nội dung vẫn là cái quyết định. Nghệ thuật phải phù hợp với khái niệm của mình. Nghệ thuật có nhiệm vụ thể hiện nội dung dưới một hình thức tồn tại cảm quan ăn khớp với nội dung. Khái niệm không cho phép mặt bên ngoài của cái đẹp tự do tuân theo những quy tắc riêng, trái lại, chính khái niệm quy định mặt bên ngoài phải biểu hiện với diện mạo nào và chính bằng cách ấy mà khái niệm thực hiện được sự nhất trí với mình, mà bản chất của cái đẹp lại chính là ở sự nhất trí ấy. Nghệ thuật tạo hình phương Đông ít tính hiện thực là do nội dung của nó yêu cầu. Sự đối tượng hóa lý tưởng, ý niệm khác nhau sẽ tạo ra các hình thức nghệ thuật khác nhau. Nội dung nghệ thuật là nhất trí với lý tưởng cao cả trong sự thống nhất với tinh thần tuyệt đối.
        Nghệ thuật trước sau vẫn là sự thống nhất giữa hình thức cảm quan với nội dung (tinh thần, ý niệm, chủ thể tự do), giữa tính vật chất (chất liệu hình thức biểu hiện) với tinh thần bên trong, giữa tính ngoại hiện, tính khách quan với mặt chủ quan.
         Ý niệm đẹp, tự quan niệm mình là tinh thần tuyệt đối, và do đó là tự do ở bản thân và vì bản thân mình. Vì vậy, tinh thần tuyệt đối không còn có khả năng tự thể hiện hoàn toàn bằng những phương tiện bên ngoài, bởi vì nó chỉ tồn tại với tính cách tinh thần mà thôi. Chính vì vậy, nó phá vỡ sự dung hợp giữa nội dung bên trong với sự thực hiện bên ngoài là điều đã được thực hiện bởi nghệ thuật cổ điển, để đi sâu vào bản thân mình.
        Do đó, nảy sinh nghệ thuật lãng mạn. Do chỗ nghệ thuật lãng mạn có tính tinh thần tự do, nên nội dung của nó yêu cầu những điều mà sự thể hiện bên ngoài và bằng thể xác không thể đem đến được. Kết quả là nghệ thuật lãng mạn tỏ ra hoàn toàn bàng quan đối với hình thức. Điều này làm nảy sinh một sự chia cách mới giữa nội dung với hình thức, mặc dầu vì những lí do đối lập với những lí do khi so sánh với nghệ thuật tượng trưng.
        Cái đẹp với tính cách ý niệm cũng theo một ý nghĩa như người ta vẫn nói đến cái chân và cái thiện với tính cách những ý niệm: Ý niệm là cái bản chất và cái phổ biến, là chất liệu tuyệt đối, không cảm quan.
          Định nghĩa một cách chính xác hơn, ý niệm tuy vậy không những là thực tế và tính phổ biến mà còn là sự thống nhất của khái niệm và tính thực tại của khái niệm. Khái niệm biểu lộ với tính cách bản chất ở trong tồn tại khách quan của mình.
         Plato là người đầu tiên tuyên bố rằng chỉ có ý niệm là chân thực và phổ biến, là cái cụ thể phổ biến. Còn theo Hegel, bản thân ý niệm của Plato vẫn chưa phải là cái cụ thể thật sự bởi vì nó tương ứng với cái chân thực nếu như ta khảo sát nó ở trong khái niệm và ở trong tính phổ biến của cái chân thực. Nhưng nếu khảo sát nó với tính cách một tồn tại phổ biến thì ý niệm của Plato vẫn chưa được thực hiện và vẫn chưa phải là cái chân thực vì bản thân ở trong sự tồn tại hiện thực của mình. Nó vẫn dừng lại ở trong trạng thái tồn tại vì mình. Khái niệm nếu không tồn tại khách quan thì vẫn chưa là khái niệm thực sự. Cũng vậy, ý niệm cũng chưa là ý niệm thực sự nếu không có sự tồn tại hiện thực của ý niệm và ở ngoài sự tồn tại này. Do đó, ý niệm phải tiến về phía tồn tại hiện thực và ý niệm có được sự tồn tại như vậy do sự tồn tại chủ quan hiện thực phù hợp với khái niệm của tính thống nhất có tính chất ý niệm và của “sự tồn tại cho nó”.
        Chỉ có cái cá biệt cụ thể mới là chân thực và hiện thực, trái lại cái phổ biến trừu tượng và cái đặc thù thì không phải như vậy. Cái tồn tại cho mình, cái tồn tại chủ thể do đó là một điểm mà chúng ta phải duy trì. Nhưng tồn tại chủ quan là ở trong thể thống nhất phủ định, là kết quả của việc lý tưởng hóa các sai biệt cũng như lý tưởng hóa tồn tại thực tế của chúng. Sự thống nhất của ý niệm và sự tồn tại hiện thực của khái niệm, do đó là sự thống nhất phủ định của ý niệm với tính cách ý niệm và của tồn tại hiện thực của ý niệm, một sự thống nhất nảy sinh từ chỗ chúng ta đã giả thiết và đã gạt bỏ sự khác biệt giữa ý niệm với sự tồn tại thực tế của nó. Chỉ có nhờ hoạt động này mà ý niệm mới tồn tại một cách khẳng định đối với bản thân và ý niệm là một sự thống nhất và một tồn tại chủ quan vô tận nhờ đó ý niệm liên quan với bản thân. Do chỗ chúng ta cần phải quan tâm ý niệm đẹp trong sự tồn tại hiện thực của nó, chủ yếu như là một tồn tại chủ quan hiện thực, nghĩa là cá biệt, như là một ý niệm chỉ là hiện thực và chỉ có sự tồn tại hiện thực ở trong cái cơ thể cụ thể. Có hai hình thức của cái cá biệt: Hình thức cái cá biệt tự nhiên trực tiếp và hình thức cái cá biệt tinh thần. Ý niệm tồn tại ở cả hai hình thức này.
        Nội dung cơ bản của cả hai hình thức do ý niệm tạo nên và trong lĩnh vực đặc biệt mà chúng ta khảo sát do ý niệm cái đẹp tạo nên là như nhau. Nhưng nếu cái đẹp tự nhiên cũng có nội dung hệt như lý tưởng thì cần phải nhận thấy rằng sự khác nhau giữa hai hình thức qua đó thể hiện ý niệm (nghĩa là sự khác nhau giữa cái cá biệt tự nhiên và cái cá biệt tinh thần) cũng vẫn là một sự khác nhau chủ yếu giữa các nội dung của hai hình thức này. Vấn đề là hình thức nào tương ứng thực sự với ý niệm. Ý niệm chỉ bộc lộ cái chính thể chân thực của nội dung của mình ở cái hình thức nào tương ứng thực sự với nó. Điều này cần khảo sát vì trong sự khác nhau về hình thức của cái cá biệt chứa đựng sự khác nhau giữa cái đẹp trong tự nhiên và lý tưởng.
       Cái cá biệt trực tiếp thuộc tự nhiên cũng như thuộc tinh thần. Do chỗ tinh thần có một tồn tại bên ngoài ở trong thân thể và ngay cả về quan điểm tinh thần, nó chỉ tồn tại ở trong cái hiện thực trực tiếp. Ý niệm đẹp tự thân nó là một trạng thái chủ thể tự do, vô hạn và nó đạt đến cái chủ thể này trong thực tế với tính cách tinh thần.
        Hệ thống các hình thức nghệ thuật được triển khai trong sự phản ánh tính thống nhất về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, vật chất và tinh thần, bản chất và hiện tượng, khách quan và chủ quan như là sự thống nhất giữa ý niệm tuyệt đối với các hình thức biểu hiện của nghệ thuật và của cái đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật./.
 
 
 
 
 
 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Xavier Barral I Altet (2003), “Lịch sử nghệ thuật, Nxb.Thế giới.
  2. Lincohn Barnett - Crane Briton - William T. Carnahan… (1951), “Lịch sử người phương Tây thông qua các tác phẩm nghệ thuật, Nxb. Time - NewYork.
  3. M.Cagan (2004), "Hình thái học của nghệ thuật". Nxb. Hội Nhà văn.
  4.   Nguyễn Hồng Dương (2012), “Công giáo thế giới tri thức cơ bản”, Nxb. Từ điển Bách khoa.
  5. Nguyễn Phi Hoanh (1970), “Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  6. Hegel (1999), “Mỹ học”, T1, Nxb. Văn học, tr. 277 - 287.
  7. Hegel (1999), “Mỹ học”, T2, Nxb. Văn học. 
  8. Robert Layton (2013), “Nhân chủng học của nghệ thuật”, Đại học Cambridge.
  9. Ocvirk - Stinson - Wigg - Bone - Cayton (2006), “Những nền tảng của mỹ thuật, Nxb. Mỹ thuật.
  10. Peter Connolly (2018) (Chủ biên), "Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận", Nxb. Tri thức, tr.379-382.
  11. Triết học cổ điển Đức - những vấn đề nhận thức luận và đạo đức học (2004), Kỷ yếu hội thảo quốc tế Đại học Quốc gia HN, Nxb. Chính trị Quốc gia.   
  12. Nguyễn Hữu Vui (2002), “Lịch sử Triết học”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.




 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay1,191
  • Tháng hiện tại59,789
  • Tổng lượt truy cập679,379
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây