SỰ GIẢI THÍCH VỀ THẾ GIỚI VÀ CON NGƯỜI CỦA NGƯỜI H’MÔNG (QUA KHẢO CỨU “TANG CA” (KRUÔZ CÊ) CỦA NGƯỜI H’MÔNG Ở SA PA)

Thứ sáu - 28/05/2021 10:25
TS. Nguyễn Hữu Thụ, Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu đánh giá xu hướng tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Mông theo đạo Tin lành và một số hiện tượng tôn giáo mới vùng Tây Bắc, mã số KHCN-TB/13-18. Dẫn nguồn: Bài viết đã được in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb Tôn giáo, 2017, tr. 284 - 296.
SỰ GIẢI THÍCH VỀ THẾ GIỚI VÀ CON NGƯỜI CỦA NGƯỜI H’MÔNG  (QUA KHẢO CỨU “TANG CA” (KRUÔZ CÊ) CỦA NGƯỜI H’MÔNG Ở SA PA)


 
Tóm tắt: Tôn giáo là một hình thái đặc biệt của ý thức xã hội phản ánh đời sống hiện thực cũng như những khát vọng mà con người muốn mà không thực hiện được trong thực tiễn cuộc sống. Do vậy, việc tìm đến tôn giáo không chỉ dừng lại ở việc thoả mãn nhu cầu tâm linh của con người mà hơn thế nữa, nó còn là cách thức để con người tìm được sự lý giải về tự nhiên, về xã hội và về chính bản thân cuộc sống của mình; là cách mà con người từ thế hệ này đến thế hệ khác truyền tải những thông điệp về phương thức sản xuất, về tâm tư tình cảm…. của cộng đồng mình. Tang ca (Kruôz cê) của người H’mông là một thể loại nghi lễ rất đặc biệt được thực hiện khi có người qua đời. Trong Tang ca (Kruôz cê) không chỉ có những nội dung về tôn giáo, tín ngưỡng mà còn có cả những sự giải thích về con người và thế giới mà con người đang sống, về mối quan hệ giữa thế giới người sống và thế giới người chết.
Từ khoá: tín ngưỡng; thế giới và con người; Tang ca (Kruôz cê); người H’mông

 
1. Dẫn nhập
 
         Ngay từ khi loài người biết đặt những câu hỏi đối với thế giới xung quanh mình thì có lẽ những thắc mắc về việc chúng ta được sinh ra từ đâu, chết đi sẽ về đâu hay thế giới này được hình thành như thế nào? …. Là những câu hỏi đầu tiên và cho đến tận bây giờ, con người vẫn tiếp tục tìm kiếm những câu trả lời thuyết phục nhất!

         Có thể tìm thấy rất nhiều các câu trả lời khác nhau về vấn đề này ở những trình độ nhận thức khác nhau của loài người. Đó có thể là sự giải thích thông qua huyền thoại (bao gồm cả thần thoại); là sự giải thích thông qua tín ngưỡng, tôn giáo và sự giải thích thông qua triết học. Việc giải thích ở những loại hình này không chỉ phụ thuộc vào tính chất của mỗi loại hình, mỗi cấp độ nhận thức thế giới mà còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, vào đặc điểm địa lý, văn hoá, xã hội của mỗi cộng đồng người. Như L.Cadiere đã viết: “Người ta bất cứ ở trình độ văn minh nào đều có những ý tưởng về thế giới và về sự vật trong thế giới, những ý tưởng ấy có thể phát triển nhiều hơn, hay kém minh bạch hay lờ mờ, ý thức nhiều hay ít. Nhưng chúng có thật và người ta phô diễn ra tiếng nói. Tiếng nói là tấm gương phản chiếu tính tình của một dân tộc. Nó phản chiếu tất cả những ý niệm của con người. Chính nhờ ngôn ngữ mà người ta tập suy nghĩ, và chính nhờ ngôn ngữ mà nó diễn tả những điều nó cảm thấy và quan niệm”[1]

2. Tang ca (Kruôz cê) của người Mông

          Với người H’mông, việc đưa ra những câu trả lời cho những thắc mắc liên quan đến con người, đến thế giới mà họ đang sống không chỉ được tìm thấy trong thơ văn, truyền thuyết mà còn hiện hữu trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của họ. Trong bài báo cáo này, tác giả muốn làm rõ quan niệm về con người, và thế giới trong bài Tang ca (Kruôz cê) của người H’mông Lềnh ở Sa Pa.  
          Trong quan niệm của người H’mông, khi con người chết đi thì linh hồn sẽ rời bỏ trần gian về với thế giới của linh hồn. Tuy nhiên, linh hồn của người chết không thể tự mình bay về thế giới đó được mà phải nhờ thầy cúng hay còn gọi là thầy Dờ mủ (zươv muv) thực hiện rất nhiều những nghi lễ khác nhau. Tang ca (Kruôz cê) là một trong những nghi lễ quan trọng trong số những nghi lễ ấy. Tang ca (Kruôz cê) là tập hợp gồm từ 30 đến 36 bài ca được thầy Dờ mủ (zươv muv) sử dụng trong phần đầu buổi lễ tang nhằm dẫn lối chỉ đường cho linh hồn của người chết đi từ cõi dương về với cõi âm một cách thông suốt. Chính vì mục đích đó nên một số nhà nghiên cứu dịch Kruôz cê thành Bài ca răn đường hoặc Bài ca chỉ đường. Như Lemoine đã phân tích: cái chết (trong suy nghĩ và sự giải thích của người H’mông) chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc du hành của linh hồn, sống cuộc sống khác cuộc sống hiện tại. Mục đích của Kruôz cê H’mông đưa hồn là tìm đến ngôi làng hay đất của tổ tiên, và sau đó linh hồn lại sẽ trở về đời sống này trong một số phận mới qua sự đầu thai. Sự liên kết của đường đi linh hồn trên đường tìm về đất tổ tiên, sự tái sinh và trở thành tổ tiên trên bàn thờ gia đình là các móc nối chằng chịt và khắng khít mà chủ đề Kruôz cê chuyển tải. Đó là những điểm cơ bản của tôn giáo H’mông từ niềm tin Kruôz cê [2]
          Trong đám tang của người H’mông thường gồm nhiều nghi lễ khác nhau như: Lễ chỉ đường (Kruôz cê), lễ thổi kèn, lễ đuổi giặc, lễ viếng, lễ đưa người chết ra bãi chôn, lễ hạ huyệt, lễ cúng cơm ba ngày, lễ tiễn đưa linh hồn, lễ ma trâu [3]. Tuỳ thuộc vào khả năng kinh tế của gia đình người chết, vào uy tín, địa vị và phạm vi quan hệ của người chết, tính chất của cái chết (chết già hay chết bệnh, chết tại nhà hay chết ngoài đường, ngoài chợ…) mà những nghi lễ trên được tiến hành dài hay ngắn, lớn hay nhỏ, đầy đủ hay rút gọn hơn. Nhưng dù là giàu hay nghèo, cao sang hay thấp hèn, trẻ hay già, nam hay nữ… và dù lễ tang có thể rút gọn đến đâu đi nữa thì cũng không bao giờ được rút bỏ bài Tang ca (Kruôz cê). Bởi vì nếu không có sự chỉ đường của thầy Dờ Mủ qua bài Tang ca thì linh hồn người chết sẽ bị lạc lối, không về với tổ tiên được, và quan trọng hơn là không thể đầu thai lại làm người được nữa.
           Đối với cộng đồng người H’mông, Tang ca (với 99% nội dung là tiếng H’mông cổ) là một hiện tượng văn hoá vô cùng đặc sắc phản ánh các quan niệm về thế giới, về lịch sử - xã hội, về cộng đồng dân tộc H’mông. Chính vì vậy, ở những cộng đồng (ngành) H’mông khác nhau có thể có sự khác nhau trong tập quán, lối sống, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Nhưng với bài Tang ca (Kruôz cê) thì sự khác biệt là rất ít và được sử dụng một cách rộng rãi, không có sự phân biệt nào đối với từng ngành, từng họ. Điều này thể hiện rất rõ hiện nay, khi mà rất nhiều thể loại dân ca của người H’mông đều có sự pha trộn lẫn lời và tiếng nói của các dân tộc khác như: hát mồ côi, hát ép duyên, hát buôn bán, hát giao duyên… đều có sự pha tạp hoặc sử dụng phần nào tiếng Quan Hoả (hay tiếng Hán) hoặc tiếng Dao, tiếng Giáy… thì trong Tang ca của người H’mông, tỷ lệ pha tạp là rất rất thấp [4].
          Chính vị trí, vai trò đặc biệt của bài Tang ca trong đời sống văn hoá của người H’mông mà việc sử dụng cũng như truyền dạy được quy định và tuân thủ hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt. Tang ca không được sử dụng một cách tuỳ tiện, ngẫu hứng, cũng không được đem ra làm trò chơi, trò đùa cợt trong những trường hợp bình thường. Khi không có tang ma, thầy Dờ mủ không dám tuỳ tiện sử dụng bài Tang ca. Nếu muốn truyền dạy cho người khác thì phải ra thật xa khu vực có dân cư sinh sống của bản làng, nó có thể là các lều nương, hang đá…. Nghiêm cấm tuyệt đối việc truyền dạy Tang ca trong nhà mà cuộc sống đang diễn ra một cách bình thường, hay trong những gia đình không có người chết. Còn khi nhà có người chết và thầy Dờ mủ đang thực hiện Tang ca thì những người tham dự xung quanh không được nói tục, chửi bậy có thể làm ảnh hưởng đến quá trình đầu thai của người mới chết. Cũng trong thời gian này, tất cả người lớn trẻ em có mặt trong đám tang không được ngủ để tránh việc linh hồn của những người sống đi theo linh hồn của người chết.

3. Sự giải thích về thế giới và con người trong Tang ca của người H’mông

         Đối với người H’mông, nội dung của bài Tang ca không chỉ thuần tuý chứa đựng những yếu tố cấu thành một nghi lễ mang tính tâm linh mà hơn thế nữa nó còn chứa đựng những sự giải thích của dân tộc họ về thế giới, về con người và cuộc sống xung quanh.

* Sự giải thích về thế giới của người H’mông trong bài Tang ca
         Trong Tang ca của người H’mông có 3 thế giới được nhắc đến, gồm: trần gian – thế giới của người sống, âm phủ - thế giới của người chết, nơi mà những âm hồn vừa mới lìa khỏi cõi đời cư ngụ và trên trời – nơi tổ tiên ở và Ngọc Hoàng ngự trị. Khi con người chết đi thì linh hồn của họ sẽ trải qua những thế giới này. Vấn đề là linh hồn phải có sự hướng dẫn, chỉ bảo và sự khôn khéo nhất định để không bị kẹt lại ở âm phủ hay trên trời từ đó mới có thể về trần gian đầu thai lại làm người. Người lãnh nhiệm vụ chỉ bảo, hướng dẫn cho linh hồn người chết vượt qua những trở ngại trên con đường đầu thai trở lại làm người chính là thầy cúng (Dờ mủ). Thầy Dờ mủ sẽ lấy một cây trúc làm bút chỉ đường, một chai rượu, một cái chén để thực hiện những bước nhất định nhằm hướng dẫn linh hồn người chết từ thế giới trần gian xuống thế giới âm, rồi từ thế giới âm về với tổ tiên trên trời và cuối cùng, quay lại đầu thai ở thế giới trần gian.
          Âm phủ - thế giới của những hồn ma mới chết cư ngụ - là thế giới đầu tiên mà người chết phải trải qua. Trong lễ tang, thầy Dờ mủ phải tìm cách để đưa được linh hồn người chết vượt qua thế giới này để đi gặp tổ tiên. Linh hồn người chết mà không gặp được ma tổ tiên thì sẽ không có nơi trú ngụ và cũng sẽ không thể đầu thai lại làm người được. Nhưng để có thể bước vào thế giới âm phủ (nơi mà người mới chết nào cũng phải trải qua) thì linh hồn người chết phải ra khỏi được ngôi nhà của mình, thoát khỏi sự quyến luyến đối với những người đang sống, biết được rằng mình đã chết để yên tâm đi vào thế giới âm và quan trọng hơn, phải được sự đồng ý của các ma trong nhà để không giữ và cản đường linh hồn người chết bước vào thế giới âm.
            Trong Tang ca, từ bài 6 đến bài 8 là phần thể hiện sự luyến tiếc của các loại ma nhà (Ma Chủ bếp, Ma Buồng, Ma Coi cửa chính) đối với linh hồn của người đã chết trước khi xuống âm phủ. Khi xuống âm phủ, linh hồn người chết sẽ được nghe thầy Dơ mủ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích của người H’mông (Từ bài 9 đến bài 11). Đây là phần thể hiện rõ nhất những quan niệm của người H’mông về việc hình thành thế giới và con người. Theo những câu chuyện đó, thế giới được tạo ra bởi ông Chài, bà Chài [*]:
 
“Bà Chài cùng với ông Chài bàn bạc việc dựng trời đắp đất và vũ trụ
Bà Chài nói với ông Chài tôi là đàn bà tôi đi đắp đất
Ông là đàn ông nên đi dựng trời cao và vũ trụ bao la
Tâm đầu ý hợp nên mau thành, không bao lâu
Sau hai ba năm bà Chài đi đắp đất xong trở về
Ông Chài đi dựng xong trời trở lại
Bà Chài hỏi Ông Chài: Ông đi dựng trời về ông xem trời rộng hơn hay đất rộng hơn?
Ông Chài đáp: Tôi thấy hình như bầu trời của tôi thì hẹp hơn
Mặt đất của bà lại rộng hơn
Bà Chài nói nếu vậy
Tôi sẽ co đất lại thành khe, thành đồi, thành sông, núi, biển là khớp với nhau
Do đó hôm nay mặt đất mới gồ ghề thành khe đồi, sống núi, sâu rộng thành biển cả sông suối giống như nét gấp trên áo váy
Hỡi người chết đi trên nhung lụa ơi”[5]
 
            Tác giả Giàng Seo Gà đã nhận xét rằng nhân vật bà Chài chính là hiện thân của người phụ nữ H’mông với lòng vị tha và tình yêu thương hết mực đối với người chồng của mình. Nhờ có tình yêu mà bà Chài và ông Chài mới quyết định nặn ra bầu trời và trái đất. nhưng khi hoàn thành thì bầu trời lại hẹp, trái đất lại rộng, sẵn có lòng vị tha của người phụ nữ nên bà Chài đã không ngần ngại co trái đất nhỏ lại để khớp với bầu trời tạo ra sông suối, núi đồi thành những vùng mièn khác nhau với những địa danh sinh động cho sự sống được con người đặt tên theo hình thù núi rừng hoặc những người khai thiên lập địa [6].
             Ngoài hình tượng Ông Chài, Bà Chài được đề cập đến trong bài 9, Tang ca cũng đề cập đến nhiều nhân vật cổ tích khác có liên quan đến sự hình thành dân tộc H’mông như: Nàng Á, chàng Âu và hai người con Chể Tù và Tù Chể Bu (trong bài 10), Giàng Li Dua và Giàng Li Dử (trong bài 11). Nếu như ông Chài bà Chài được người H’mông tôn sùng và nhớ ơn vì đã tạo dựng ra trời đất thì Nàng Á, chàng Âu chỉ được nhắc đến vì sinh nở khác thường ra 2 người con trai là Chể Tù và Tù Chể Bu – những người sau này được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ trị vì trời và đất (Chể Tù đi trị vì trời, Tù Chể Bu đi trị vì đất).
            Hai nhân vật Giàng Li Dua và Giàng Li Dử (trong bài 11) cũng liên quan đến việc giải thích hiện tượng nhật thực và nguyệt thực của người H’mông. Theo đó, khi thấy “9 mặt trời mọc ra cùng một lúc, 8 mặt trăng mọc ra cùng một lúc” đã gây ra bao đau thương cho hạ giới, Giàng Li Dua và Giàng Li Dử đã làm nỏ bắn hạ 8 mặt trời và 7 mặt trăng. Nhưng chính điều này lại làm cho cô nàng mặt trời út, anh chàng mặt trăng út sợ hãi và trốn đi. Hậu quả là “Trời đem tối mịt mùng trong suốt 7 năm ròng; đất đen tối mịt mùng trong suốt 7 mùa qua” làm Ngọc Hoàng nổi giận bắt giam Giàng Li Dua và Giàng Li Dử. Cô nàng mặt trời út, anh chàng mặt trăng út chỉ mọc ra khi Ngọc Hoàng lấy cái lược bạc đưa cho con gà trống hoa đeo và gà trống hoa cất tiếng gáy ba canh gọi. Sau này, cứ vào ngày lành tháng tốt khi hai người (Giàng Li Dua và Giàng Li Dử) ra thay quần áo thì sẽ gây ra hiện tượng nhật thực (nếu vào ban ngày) và nguyệt thực (nếu vào ban đêm).
             Thế giới thứ hai mà linh hồn người chết phải trải qua được đề cập trong Tang ca là lên trời (nơi tổ tiên ở). Trong Tang ca, phần thầy Dờ Mủ hướng dẫn linh hồn người chết đi lên trời được thể hiện từ bài 12 đến bài 18. Để lên được trời, linh hồn người chết phải leo lên 9 bậc cầu thang và cũng sẽ thấy rất nhiều hoạt động và hệ sinh thái giống dưới trần gian như: gặp hai người chăn trâu (bài 13); gặp hai người chăn lợn (bài 14); gặp hai người bóc vỏ hạt đậu (bài 15); đi trong vùng nắng gắt (bài 16); vượt qua cánh đồng đầy sâu bọ (bài 17); vượt qua núi Rồng, đá Hổ (bài 18).
             Cũng giống như dưới trần gian, linh hồn người chết chỉ có thể vượt qua được những khó khăn và sự cám dỗ trên trời khi họ khéo léo, nhớ lời dặn của thầy Dờ mủ (đôi lúc phải nói dối để vượt qua những thử thách mà Ngọc Hoàng tạo ra để có thể quay được về trần gian đầu thai làm người). Chẳng hạn như không được nghe lời dụ dỗ của hai người chăn trâu, chăn lợn hay bóc vỏ đậu mà ở lại làm việc đó với họ thì sẽ không thể quay về trần gian được, phải khéo léo từ chối họ một cách chính đáng (Mình là người trần gian, ở trần gian mình đã không chăn nổi lợn mình mới phải về đến đây, người hãy mở đường thoát lối cho mình đi gặp tổ tiên). Hoặc khi đi qua cánh đồng đầy sâu thì phải bỏ dép làm bằng sợi lanh ra để đi, hay khi gặp con rồng, con hổ há mồm định nuốt mình thì phải nhanh tay ném cuộn lanh vào để nó ngậm mồm lại (sợi lanh là một trong những nguyên vật liệu gắn liền với truyền thống và văn hoá của người H’mông)…
            Sau khi vượt qua được hai thế giới đó một cách tốt đẹp, linh hồn người chết sẽ được quay về trần gian và đầu thai để được sống lại thành người bình thường.

* Quan niệm về con người và linh hồn con người

           Cũng giống như những dân tộc khác khi giải thích về cấu tạo của con người, người H’mông quan niệm con người được cấu thành bởi hai phần là thể xác và linh hồn (pờ lì). Linh hồn lại có 3 loại khác nhau là: linh hồn gốc, linh hồn nghịch thể và linh hồn chủ thể. Khi con người chết đi thì linh hồn sẽ lìa bỏ thể xác của mình để về thế giới của những linh hồn. Cụ thể, linh hồn gốc hay còn gọi là linh hồn thân thể (linh hồn cứu chủ thể của nó được sống). Khi chủ thể chết thì linh hồn này sẽ về với thế giới của tổ tiên và sống với những linh hồn gốc khác của tổ tiên; linh hồn thứ hai là linh hồn nghịch thể là linh hồn luôn tìm cách hại thể xác chủ thể chết đi, xúi linh hồn thứ ba đi đầu thai trở lại để linh hồn này được đi lại khắp nơi. Do đó, linh hồn thứ hai sẽ ngụ tại tầng giữa thế giới của trời; Linh hồn thứ ba là linh hồn luôn theo sát chủ thể, linh hồn này có trách nhiệm canh giữ cho ngôi mộ bị các con vật hay kẻ xấu phá hoại. Sau khi mộ rậm cỏ thì linh hồn này sẽ quay trở lại đầu thai vào một đứa trẻ hoặc một con vật nào đó tuỳ thuộc vào những việc tốt hay việc xấu mà người đó khi sống đã làm [7]. Chính vì vậy, trong đám ma, thầy Dờ mủ sẽ dùng bài Tang ca để dẫn 3 linh hồn đó trải qua những chặng đường khác nhau. Khi đến nghĩa địa, một linh hồn sẽ ở lại với ngôi mộ của mình, còn lại hai linh hồn sẽ lên trời gặp ma tổ tiên. Tại đây, một linh hồn sẽ ở lại, linh hồn còn lại sẽ trở về trần gian và nhập vào bàn thờ (sử ca) được đặt ở vị trí rất trang trọng trong nhà của họ.
            Cũng giống như người Việt, người H’mông cho rằng, khi con người chết đi không có nghĩa là mọi sự liên hệ của người đó với thế giới những người đang sống không còn nữa, mà ngược lại, nó luôn luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Theo đó, nếu linh hồn của người chết (cụ thể là linh hồn gốc) được cúng bái đầy đủ thì sẽ luôn phù hộ cho những người sống trong gia đình được mạnh khoẻ, may mắn trong làm ăn, còn ngược lại, khi linh hồn người chết không được cúng bái đầy đủ thì cuộc sống của người sống sẽ bị quấy nhiễu, không yên ổn để làm ăn. Vì vậy, người H’mông luôn tâm niệm rằng người sống phải có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc cho những linh hồn của người đã chết.
          Đó chính là lý do tại sao người H’mông rất coi trọng thầy cúng và việc thực hiện đầy đủ các bước trong nghi lễ của đám tang, đặc biệt là Kruôz cê. Người chết có thể có nhiều loại linh hồn khác nhau, nhưng khi làm lễ, thầy cúng (Dờ Mủ) chỉ cần gọi đúng tên của người chết và cái chết của người chết đó (không cần gọi tên của từng linh hồn) rồi chỉ lối đưa đường thì tự các linh hồn đó sẽ theo thân chủ suốt chặng đường mà thầy dẫn dắt.
            Ngoài linh hồn, con người còn có thể xác của mình. Thể xác có hai yếu tố rất quan trọng cấu thành là xương và thịt. Trong quan niệm của người H’mông, trước kia, xương và thịt của con người rất cứng và bền vững chứ không dễ bị gãy và dập nát như bây giờ. Sở dĩ có sự thay đổi đó là vì con người tham lam đã sai lầm, thiếu khôn khéo nên dẫn đến việc họ phải chết, linh hồn và thể xác của họ cũng không còn như ban đầu nữa. Trong Tang ca bài 23 có kể rằng:
 
Ngày xửa ngày xưa con người có bộ xương bằng xương thanh đá
Thân thịt là thịt thớ đất vàng
Còn ma thì có bộ xương vỏ thân cây lanh, thịt là thịt thớ sáp nhẹ
Do con người lòng không thành, bụng không tốt đem con của ma đi bán kiếm ăn
Nhân dịp này ma đã lấy bộ xương vỏ thân cây lanh và cái thân thịt thớ sáp nhẹ của mình
Đổi lấy bộ xương bằng xương thanh đá và cái thân bằng thịt thớ đất vàng của con người
Khi trời nắng lên, xương vỏ thân cây lanh bị khô giòn khô rã
Khi trời mưa xuống, cái thân thịt sáp nhẹ bị mục thối nát [8]
 
              Nghĩa là, trước đây con người không ốm đau, bệnh tật, còn bây giờ, mỗi khi thời tiết thay đổi là con người rất dễ ốm đau, bệnh tật, xương thì rất ròn, dễ gẫy, thịt thì mềm, dễ bị mục nát, thối rữa. Đó là do chính lỗi lầm của con người gây ra.
            Cũng từ sự nóng giận của con người mà sự sống của con người cũng bị thay đổi so với xưa kia. Trong Tang ca, người H’mông đã nói về việc trước đây con người không bao giờ chết. Thời chẫu chuộc trị vì, loài người từng già rồi chết đi nhưng sau 12 ngày đêm chôn xuống đất thì con ngời sẽ lột xác trẻ lại và sống như những người bình thường khác. Tuy nhiên, đến thời Chể Tù và Tù Chể Bu trị vì trời và đất, trong lúc nổi giận đã đánh chết chẫu chuộc. Từ đó con người không còn sống lại được nữa mà phải chết như cái chết mà Chể Tù và Tù Chể Bu gây ra cho Chẫu chuộc.
 
Ngày xửa ngày xưa người ở trần gian chết đi rồi lại biết sống trở lại
Người lớn chết đi rồi lại biết sống trở lại
Trẻ em chết đi rồi lại biết sống trở về
Từ đây trở về sau này, người ở trần gian
Người lớn chết đi rồi không biết sống trở lại
Trẻ em chết đi rồi không biết sống trở về nữa
Người lớn trẻ em chết đều theo kiểu chết của chẫu chuộc tôi
Đã chết là vĩnh viễn chết đi không sống lại được nữa [9].
 
          Chính vì vậy, trong lễ tang của người H’mông hiện nay, để giúp cho linh hồn người chết biết rằng mình đã thuộc về cõi âm, phải sinh sống với người ở cõi âm và không được về quấy đảo những người đang sống trên cõi trần nữa thì sau khi chết 12 ngày, gia đình sẽ mổ gà và băm thịt nhỏ tất cả mọi thứ để vào bát, đặt lên một tấm ván dưới nền nhà phía dưới bàn thờ, cùng với một quả trứng luộc, một chén rượu để làm lễ Uô xi. Chủ ma sẽ đọc lời cúng: Hôm nay là 12 ngày, tròn một tuần thì về nhà, nhưng đã là 13 (ngày lẻ) phải về với ma, nhận rõ ra mày đã là người chết. từ nay không được sinh hoạt với người dương, tự mày phải tìm lấy người âm để tự sinh hoạt với họ [10].

4. Kết luận

          Nhìn chung, Người Mông đã đem những đặc trưng về nơi cứ trú, về phương thức sống của dân tộc mình vào trong sự giải thích về con người, về thế giới xung quanh họ. Tất nhiên, sự giải thích này luôn được ẩn chứa trong những tập tục, trong nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng của họ mà nghi lễ tang ma (nghi lễ đối với người chết) là một sự thể hiện đậm đặc nhất trong sự giải thích ấy. Nội dung của Tang ca đã phản ánh cuộc sống đầy màu sắc của người Mông với các quan hệ xã hội, đạo đức, tâm lý cũng như phương thức sản xuất của người H’mông trong lịch sử cũng như ở hiện tại. Thông qua các Tang ca (mà ông thầy cúng, thầy khèn đóng vai trò là người trung gian) đã truyền tải những thông điệp của người đã chết đến những người đang sống, của quá khứ đến với hiện tại và qua hiện tại để đến với các thế hệ sau này của người H’mông.
 
 “Thầy hãy về giúp ta bảo con cháu
Ít khóc than mà nghĩ nhiều đến việc làm ăn
 
Cha các người chỉ nhắn với thầy có vậy, hỡi tang chủ!
Dậy đi, dậy khóc cha đi hỡi tang chủ!
Cha rằng:
-“Ta đi, không thể mang về được hạt giống làm nương
Cho con cháu làm ăn
Ta đi, ta không thể mang lại được hạt giống làm ruộng
Cho con cháu làm mặc
Thầy trở về bảo giúp con cháu
Giống nương ta để đáy thùng
Giống ruộng để đáy hòm
Trâu giống để gầm chuồng
Ngựa giống ta để gầm tàu
Sang tháng Trâu tháng Hổ
Từ một đến hai tháng tuyết phủ trắng phau
Giống nương giống rẫy khoanh tay xếp chân co ro ngủ
Ra tháng Thỏ trời sấm mới
Người lớn cắm ngập lưỡi cày xuống đất
Vợ con bè bạn, người lớn trẻ em
Đùm trong cạp váy giống làm rẫy làm nương
Bốc quải tứ tung đầy mặt đất
Giống lúa giống ngô hai bên mọc khắp” [11].
 “Dậy đi! Dậy khóc mẹ đi, hỡi này tang chủ!
Mẹ các người nhắn rằng: Người ta đánh bài mình đừng theo người ta đánh bài
Người ta đánh bạc, mình chớ theo người ta đánh bạc
Người làm ăn, mình phải hết lòng theo người làm ăn
Người làm mặc, mình phải hết bụng theo người kiếm mặc
Làm được ăn như người
Làm được mặc như người
Người chỉ khen chứ không cười, hỡi này tang chủ!” [12].
 
 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đăng Thục (1963), Tư tưởng Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, tr 253
2. Doãn Thanh sưu tầm, dịch (Hoàng Thao tuyển chỉnh lý; Chế Lan Viên giới thiệu) (1984), Dân ca Hmông, Nxb Văn Học, Hà Nội

3. Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr. 51
4. Lemoine, Jacques (1983), Le Kr’oua Ké (Bài chỉ đường – song ngữ H’mông - Pháp): L'initiation  du mort chez les Hmong, Pandora, Bangkok.
5. Hoàng Việt Quân (2004), Tìm hiểu dân ca dân tộc Mông, Nxb Văn hoá dân tộc Hà Nội
6. Hùng Đình Quý (2005), Những bài khèn của dân tộc Mông ở Hà Giang, Nxb KHXH, Hà Nội
7. Nguyễn Mạnh Tiến (2014), Những đỉnh núi su ca môtj lối tìm về cá tính Mông, Nxb Thế giới
8. Phan Đăng Nhật (2009), Văn hoá các dân tộc thiểu số những giá trị đặc sắc, Nxb KHXH, Hà Nội
 
 
 
[1] dẫn theo Nguyễn Đăng Thục (1963), Tư tưởng Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn: 253
 
[2] Lemoine, Jacques (1983), Le Kr’oua Ké (Bài chỉ đường – song ngữ H’mông - Pháp): L'initiation  du mort chez les Hmong, Pandora, Bangkok.
 
[3] Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội: 52
 
[4] Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội: 138

[*] Có tập tục truyền rằng đây là tên hai người đắp đất dựng trời tạo lập ra thế giới này, nhưng có tục lại nói rằng đây là sự sống và thời gian cùng tồn tại song song. Không biết có từ bao giờ người xưa đã đặt hai cái tên này như tên người để tin Pux Chais, Zơưv Chais – nghĩa là bà thời gian và ông thời giờ. Không phải người có thật (Giàng Seo Gà, Sđd, tr. 156).
 
[5] Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội: 157
 
[6] Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội: 94
  
[7] Giàng Seo Gà, Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội: 53
 
[8] Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội:  178-179
 
[9] Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội: 164
 
[10] Giàng Seo Gà (2004), Tang ca (Kruoc cê) của người H’mông Sa Pa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội: 51
 
[11] Doãn Thanh sưu tầm, dịch (Hoàng Thao tuyển chỉnh lý; Chế Lan Viên giới thiệu) (1984), Dân ca Hmông, NxbVăn Học, Hà Nội: 340-342.
 
[12] Doãn Thanh sưu tầm, dịch (Hoàng Thao tuyển chỉnh lý; Chế Lan Viên giới thiệu) (1984), Dân ca Hmông, NxbVăn Học, Hà Nội: 347.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,353
  • Tháng hiện tại26,579
  • Tổng lượt truy cập1,030,502
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây