PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC XÃ HỘI

Chủ nhật - 06/06/2021 06:17

PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC XÃ HỘI

C.S Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh.Bài in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr.496 - 506.
 
 
  1. Đặt vấn đề
      Bằng con đường tâm linh – xã hội, trải qua trên 20 thế kỉ du nhập và phát triển, Phật giáo đã trở thành tôn giáo dân tộc, là người bạn đồng hành thủy chung trong diễn trình thăng trầm của lịch sử dân tộc. Là một hệ thống tôn giáo - triết học – văn hoá - lối sống, Phật giáo có nhiều nét tương đồng với văn hoá, lối sống, phong cách tư duy của người Việt. Do vậy, tư tưởng giáo lý và hoạt động Phật sự của Phật giáo Việt Nam là minh chứng rõ ràng, phong phú và sinh động về chức năng xã hội của tôn giáo. Trong kinh điển Phật giáo không có những thuật ngữ của khoa học Công tác xã hội như “An sinh xã hội”, “Phúc lợi xã hội” … nhưng những vấn đề xã hội như công bằng bình đẳng, vô ngã vị tha, cứu khổ cứu nạn, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, lợi ích và thụ hưởng lợi ích … được đề cập và luận giải kĩ càng trong hầu hết các trước tác của Phật giáo, kể cả Nam tông lẫn Bắc tông.
      Bất kể là tông phái hay pháp môn nào thì mục đích tối hậu của Phật giáo nhắm tới là GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT. Nhưng bằng cách nào và ở đâu, Phật giáo Thiền tông chỉ ra rằng: Bằng suy nghĩ, lời nói, việc làm (thân, khẩu, ý) hàng ngày ở ngay chính trong thế gian này. Trong Pháp bảo đàn kinh có nói: “Phật pháp tại thế gian, Bất ly thế gian giác, Ly thế mích Bồ-đề, Kháp như cầu thố giác” (Chân lý giác ngộ giải thoát nằm ở chính thế gian này, Không thể thoát ly thế gian mà tìm được sự giác ngộ giải thoát,  Thoát ly thế gian đi tìm chân lý, Chẳng khác gì tìm thỏ có sừng). Tư tưởng Phật pháp tại thế gian này là cơ sở lý luận cho hạnh Từ - Bi - Hỉ - Xả, Vô ngã vị tha, Tự độ độ tha - Tự giác tha … được triển thi rộng rãi qua những việc làm thiết thực và có hiệu quả trong những bối cảnh xã hội và mức sống lịch sử khác nhau.
      Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức có uy tín và hoạt động có hiệu qủa trong công tác xã hội như: từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng “Gia đình văn hoá” – “Cụm cư dân văn hoá” … Ban Từ thiện xã hội là một ban quan trọng của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do vị Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội làm trưởng ban; Công tác Từ thiện xã hội được coi là công tác quan trọng trong các dịp tổng kết công tác Phật sự của các cấp từ trung ương đến cơ sở. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 Ban Từ thiện xã hội đã huy động được gần 250 tỷ đồng cho công tác cứu trợ. Tuy nhiên, từ góc nhìn của Phật giáo trước những vấn đề xã hội và Công tác xã hội, chúng tôi cho rằng còn nhiều bất cập, kể cả về lý luận và thực tiễn. Để công tác An sinh xã hội, Phúc lợi xã hội (bộ phận quan trọng của Công tác xã hội) đạt được kết quả bền vững, để cá nhân Phật tử và các tổ chức Phật giáo tham gia Công tác xã hội một cách chủ động như một nhu cầu tự thân trên con đường GIÁC NGỘ - GIẢI THOÁT, đồng thời đem lại lợi lạc cho tha nhân cho xã hội, chúng ta cần:
- Nhận chân những vấn đề xã hội ở góc độ bất thường, tiêu cực và nguyên nhân của nó,
- Từ góc độ tư tưởng giáo lý Phật giáo, người Phật tử tự giác và chia xẻ với những người làm Công tác xã hội cũng như những người hoặc nhóm người được thụ hưởng lợi ích từ Công tác xã hội về lợi ích của mình và cộng đồng xã hội trong hoạt động Công tác xã hội,
- Và từ đó, tìm ra những phương pháp thích hợp đem lại hiệu quả thiết thực, bền vững.
 
  1. Những vấn đề xã hội  - từ góc nhìn Phật giáo
       Hơn 36 năm đất nước thống nhất, vượt qua nhiều khó khăn chúng ta đã  đạt được những thành tựu lớn trên các lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần nhưng chúng ta cũng đang đứng trước những vấn đề xã hội có tính tiêu cực bất thường,bùng nổ tràn lan ở mức độ gay gắt. Dù đã sử dụng không ít nguồn nhân lực và tài lực từ nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn xã hội hoá và viện trợ quốc tế nhưng dường như chúng ta bất lực trước những vấn nạn xã hội đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống.
       Chúng ta có cả một hệ thống quốc sách về phòng chống quốc nạn tham nhũng nhưng nó vẫn đang hiện hữu và theo xu hướng qui mô to lớn hơn, hành vi trắng trợn hơn hoặc tinh vi hơn; khoảng cách giầu – nghèo ngày càng nới rộng hơn. Bi đát hơn, ở mọi tầng lớp, mọi khu vực dân cư, thói hành xử bạo lực hung dữ vô lối đang diễn ra hàng ngày không chỉ trong tầng lớp thanh thiếu niên mà có cả trong mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính. Chỉ bằng những thông tin trên các phương tiện thông tin chính thống chúng ta thấy hàng ngày diễn ra những hiện tượng, tạm gọi là “bạo hành ngược”, như vợ đánh chồng, con tố bố, trò doạ thầy, bệnh nhân chém bác sĩ … vốn là những điều bất thường, xa lạ trong đời sống văn hoá, đạo lý - lối sống truyền thống của dân tộc.
       Hiện tượng là rõ ràng nhưng vấn đề ở chỗ, đâu là nguyên nhân của những hiện tượng bất thường đó và biện pháp giải quyết. Một cái nhìn trực quan, dường như sống trong môi trường “Nghe – nhìn toàn cầu” (AVG), khi người ta không có một đời sống nội tâm vững vàng, tâm linh tỉnh thức thì dễ rơi vào tâm lý bất lực tuyệt vọng, và trong đời sống hiện thực thì có quá nhiều cái cớ để nổi xung, để cái bản năng tham lam hung dữ bùng nổ bằng những hành vi.
      Trong Bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Trung ương ngày 16/9/2011, ông Phó Thủ tướng, Phó Trưởng Ban Thường trực  Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có nói thoáng qua một ý rất hay rằng: Muốn giải quyết tân gốc vấn đề tham nhũng cần phải làm sao cho mọi người đều “không muốn, không dám và không thể tham nhũng”. Rất đúng và chúng ta cần làm rõ vấn đề này từ góc độ tôn giáo - đạo đức – văn hoá truyền thống.
       Thực ra, từ thời cổ đại các nhà tôn giáo - triết học phương Đông đã cho rằng cội nguồn sâu xa của những vấn nạn xã hội không phải chỉ do đói về vật chất mà chủ yếu còn do sự nghèo nàn của đời sống nội tâm, khiến cho cái tâm tham lam, sân hận nổi lên, và dẫn tới có những lời nói việc làm ngu si bất thiện (Phật giáo gọi là Tam độc: Tham, Sân, Si). Học trò hỏi Khổng Tử: Thế nào là người giầu, Khổng Tử trả lời: Người giầu là người biết thế nào là đủ! (Tri túc giả, phú dã !). Lão Tử cũng nói: Người biết thế nào là đủ thì người đó luôn thấy đủ (Tri túc thường túc hĩ). Kinh điển Phật giáo không đề cập tới khái niệm “hạnh phúc” theo nghĩa là sự thoả mãn nhu cầu, mà cái cần là một đời sống “Thân tâm thường an lạc” (thể xác và tâm hồn luôn vui vẻ bình an), bởi vì, như kinh Di giáo đã nói: “Người biết thế nào là đủ/trong điều kiện của mình thì tuy sống trong đời sống vật chất khó khăn nhưng luôn an lạc mà vươn lên, người không biết thế nào là đủ thì tuy sống trong đời sống vật chất đầy đủ nhưng luôn thấy bất an đau khổ”. Chúng ta đã có cả một hệ thống pháp luật với những điều khoản có tính chế tài nghiêm khắc luôn được điều chỉnh và cả cả hệ thống chính trị - xã hội cùng tham gia công tác phòng chống tham nhũng, hi vọng khiến người ta “không thể nhũng” nhưng kết quả dường như ngược lại, cơ hồ tham nhũng  ngày càng quyết liệt hơn trong hành động và mánh khoé hơn trong tính toán. Nguyên nhân là bởi chúng ta không những không tìm ra được biện pháp hữu hiệu để người ta “không dám tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”.
       Hẳn là không ai tham nhũng vì túng đói hay ốm đau nhưng với một đời sống tâm hồn nghèo nàn bệnh tật, khi cái tâm tham nổi lên thì họ luôn luôn cảm thấy “thiếu thốn” và khi đó không có việc gì không dám làm. Họ bất chấp pháp luật và dư luận, không còn biết đến cái liêm cái sỉ, cái lương tâm và danh dự, vốn là những phẩm giá cần có của con người. Hậu quả của tệ nạn tham nhũng (mà trong phạm vi hẹp như gia đình, thôn xóm, cơ quan … là sự nhập nhèm bất minh) không chỉ là sự thất thoát tiền của mà nghiêm trọng hơn là sự mất niềm tin cậy, không còn sự tôn trọng đối với bậc trưởng thượng - của người có chức có quyền, không còn kỉ cương lễ giáo trong suy nghĩ và hành xử của con và của dân.
        Chúng tôi xin nêu ra dẫn chứng thứ hai nhằm làm rõ hơn những bất cập do nguyên nhân chủ quan và tính phức tạp của đối tượng trong Công tác xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, đối tượng trọng yếu của Công tác xã hội là nông nghiệp – nông thôn – và nông dân, trong đó nội dung cơ bản là công tác An sinh xã hội và Phúc lợi xã hội. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới nhóm xã hội là thanh niên nông thôn – nhóm xã hội đang được thụ hưởng trực tiếp từ những chính sách kinh tế - xã hội và hoạt động Công tác xã hội.
       Ở Trung Quốc, trong quá trình chuẩn bị và triển khai chính sách Tam nông (nông nghiệp – nông thôn – và nông dân) họ đã làm tốt công tác tư tưởng và thậm chí bằng những chính sách khuyến khích hoặc chế tài phục vụ cho chủ trương “Li nông bất li hương” đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Người nông dân (mà chủ yếu là thanh niên) lên thành phố kiếm việc làm với tâm thế không muốn, không dám, và khó có thể thoát li quê hương bản quán mà chủ yếu với mục đích tăng thêm thu nhập, học hỏi kinh nghiệm, tri thức, kĩ năng sống của tầng lớp trí thức và thị dân để về làm giầu ngay chính trên quê hương mình – nơi họ còn có nhiều ràng buộc quyến luyến về huyết thống và tâm linh, văn hoá. Nông thôn được đô thị hoá từng bước một cách căn bản từ kinh tế, văn hoá, xã hội cho đến con người, ít gây nên những biến động xã hội.                  
      Một bức tranh về nông thôn Việt Nam trong quá trình hiện đại hoá, đô thị hoá lại khác. Không ai phủ nhận các dịch vụ như y tế, giáo dục, thị trường; các cơ sở vật chất của cộng đồng như đường xá, nước sạch, vệ sinh, văn hoá, thông tin liên lạc …ở nông thôn đã có sự cải thiện rõ rệt. Nhưng trong cảm thức của người nông dân vẫn thấy thiếu thốn đến chán nản, không tha thiết với ruộng vườn nơi cả đời đã gắn bó; thanh niên nông thôn vẫn thấy nghèo, nghèo mà bất lực. Khu trường học khang trang, con đường làng sạch sẽ, trạm y tế mới xây … với họ nó vô hồn, là cái gì đó từ bên ngoài đưa vào, từ trên xuống, “gá lắp” có tính cơ học … Họ bị “bứt đột ngột” ra khỏi sợi dây truyền thống trong khi cái mới chưa định hình, trước mắt có quá nhiều thông tin về  những “dự án” hấp dẫn, khiến nảy sinh tâm trạng bơ vơ bất định trước tương lai. Khi ấy nảy sinh hai trạng thức cực đoan: Bất lực chán chường buông tay mặc “số phận”, hoặc nổi loạn “làm liều”. Mà Khổng Tử từng nói: “Háo dũng tật bần, loạn dã!” (Ưa việc dùng vũ lực, căm ghét sự nghèo là đầu mối của loạn!).
       Nhà văn hoá (mà hầu hết các xã thôn đều có) hiện nay không thực hiện được chức năng “văn hoá” theo nghĩa rộng của nó mà chủ yếu là nơi biểu diễn ca múa nhạc hoặc hội họp đoàn thể. Chức năng văn hoá của chùa đã bị hạn chế hoặc lãng quên đi rất nhiều, chỉ còn thuần tuý chức năng tôn giáo, thậm chí có lúc có nơi bị biến thái trở thành tụ điểm của tệ nạn mê tín dị đoan. Thời gian dỗi của thanh niên chủ yếu được dùng trong các quán internet hoặc ở nhà xem ti-vi. Nhà văn hoá không thay thế được chức năng di dưỡng và phát triển văn hoá của ngôi chùa sân đình truyền thống. Mặc dù môi trường, nội dung và phương thức giáo dục còn mang mầu sắc tôn giáo và văn hoá truyền thống nhưng trong khi mỗi cá nhân chưa đạt được sự tự giác ngăn ngừa từ trong ý thức những hành vi sai trái thì chức năng giáo dục của ngôi chùa vẫn là cần thiết đối với cộng đồng cư dân, là nguồn Vốn xã hội quan trọng (theo đúng nghĩa thuật ngữ khoa học của khoa học Công tác xã hội) cần được khai thác phát huy trong việc giải quyết những vấn đề xã hội hiện nay.
       Hiện tượng đói “đứt bữa” ở nông thôn hiện nay là hiếm có, xe đạp hay ti-vi đen trắng không còn được coi là tài sản mơ ước đối với thanh niên nông thôn, gần 100% nông thôn đã được phủ sóng truyền hình mặt đất … nhưng những tệ nạn xã hội không những không suy giảm mà có chiều hướng gia tăng cả về qui mô lẫn mức độ.  
      Thanh niên nông thôn không đói nhưng rất nghèo, bởi họ đang thiếu “món ăn tinh thần sạch” để tạo dựng và nuôi dưỡng nội tâm lành mạnh, thiếu chuẩn mực đạo đức lối sống, khả năng đề kháng kém dẫn tới nguy cơ “ngộ độc văn hóa” rất cao. Xu hướng thanh niên “li nông li hương” (bỏ ruộng bỏ quê ra thành phố) hầu như khó ngăn chặn chỉ bằng những biện pháp tuyên truyền (thậm chí bằng chính sách hay chế tài) khiến nguồn lực lao động bị thiếu hụt nghiêm trọng, nếp sống đô thị bị xáo trộn bất an. Không hiếm hiện tượng dùng tiền từ quỹ xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển của Nhà nước hay tiền cứu trợ của hoạt động Từ thiện xã hội vào việc mua hoặc nâng cấp xe máy, ti-vi, điện thoại di động để không bị “quê” với thanh niên “phố”… Điều đó đã khiến cho kết quả đem lại của những chính sách xã hội và hoạt động Công tác xã hội không đạt được mục tiêu, thậm chí còn có tác dụng ngược lại.  
       Trong điều kiện lao động cực nhọc của thanh niên nông thôn với hiệu quả rất thấp, lại được thường xuyên tiếp xúc với những phương tiện hiện đại, thường xuyên nghe nhìn thấy những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền qua những chương trình quảng cáo hấp dẫn trên ti-vi mầu hoặc những dịp lên phố làm việc phổ thông theo thời vụ… đã khiến cho cái bản năng tham dục bùng lên không thể kiểm soát. Có sự chênh lệch quá lớn giữa nhu cầu trong đời sống nội tâm với khả năng trong đời sống hiện thực đã nảy sinh tâm lí bất an, đau khổ, tuyệt vọng bởi cảm thấy quá “nghèo”. Không khuyến khích nhưng có phần nào cảm thông sót xa trước những hành vi mà chúng ta thường gọi là “ba trợn mất dạy” hay hung dữ bất thường của thanh niên nông thôn. Bởi vì, dưới con mắt họ mọi người giầu có sang trọng đều những kẻ tham nhũng hoặc bọn buôn bán bất lương đáng ghét.
       Nhà nước và các tổ chức Từ thiện xã hội không chủ trương và không thể giải quyết được căn bệnh trầm kha đó của thanh niên nông thôn bằng tiền bạc, hiện vật hay những bài giáo huấn đạo đức của cán bộ hay của nhà hảo tâm. Từ góc nhìn của Phật giáo, họ chính là những người có đời sống tâm hồn rất nghèo nàn, bệnh tật đáng thương, rất cần được cứu trợ tâm hồn. Chúng tôi cho rằng, bằng con đường và chất liệu tâm linh tôn giáo kết hợp với xây dựng một môi trường văn hoá lành mạnh hiện đại – tiên tiến -  giầu bản sắc truyền thống là biện pháp quan trọng tạo ra nguồn Vốn xã hội tại chỗ và sử dụng tối ưu nguồn tài chính và vật chất từ những chính sách của Nhà nước và hoạt động Từ thiện xã hội đưa lại là biện pháp căn bản để giải quyết tận gốc những vấn đề xã hội trong khu vực nông nghiệp – nông thôn – và nông dân, trong đó có vấn đề thanh niên nông thôn hiện nay.
 
  1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác xã hội
        Trước hết phải khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức ra đời vì sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, còn việc tổ chức hoạt động Công tác xã hội là của Nhà nước. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam đã có quá trình lịch sử đồng hành gắn bó cùng dân tộc, những vấn đề của Công tác xã hội đặt ra và đang làm cũng là những vấn đề căn bản trong giáo lí Phật giáo, những hoạt động Công tác xã hội cũng là những Phật sự thường xuyên của Phật tử Việt Nam từ ngàn đời nay. Vấn đề là ở chỗ, trong điều kiện mới, cần phải nâng tầm hoạt động Công tác xã hội của Phật giáo trên cơ sở phương pháp luận vững vàng, có sự kết hợp chặt chẽ giữa Phật pháp và Thế gian pháp để có những phương pháp thực hiện đúng đắn, có hiệu quả bền vững, tất cả vì  tiến bộ xã hội, vì Đạo pháp và Dân tộc.
       Sách vở Phật giáo vô cùng phong phú, triết lí Phật giáo cực kì vi diệu, ứng dụng thì có muôn nghìn pháp môn … nhưng tất cả vì sự an lạc cho cá nhân và nhân loại, mục tiêu cứu cánh là Giải Thoát.
       Từ trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ đã chỉ ra hai con đường, biện pháp thực hành (gọi là Đạo) để đạt tới giải thoát là: Quán chiếu pháp môn Tứ đế để cầu giải thoát cá nhân, và thông qua Lục độ để thực hành tự lợi - lợi tha (Bồ-tát đạo). Hai biện pháp này có mối quan hệ chặt chẽ, bổ xung tôn đẩy lẫn nhau, dùng thuật ngữ hiện đại gọi là có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau. Bởi vì, nếu chỉ chuyên chú giải thoát cá nhân (tự lợi) không quan tâm đến xã hội là thiếu lòng từ bi, không đúng với tôn chỉ cứu thế độ sinh (lợi tha) của Đức Phật; Mặt khác, thực hành phép tu theo Bồ-tát đạo mà chỉ tuỳ thuận theo thế gian, không quan tâm đến giải thoát cho chính mình cũng là sai chính pháp. Phật giáo Bắc tông chú trọng Bồ-tát đạo, coi phép tu Lục độ là phép Ba-la-mật (đáo bỉ ngạn = đưa đến bờ giải thoát), trong đó Bố thí Ba-la-mật đứng đầu. Người thực hành Bố thí Ba-la-mật là thực hiện quá trình giác ngộ giải thoát cho chính mình và cho người khác thông qua những việc hàng ngày ở ngay thế gian này, trong đó đã có cả Giải thoát đạo và Bồ-tát đạo, nghĩa là gồm cả lý luận Phật pháp và thực hành Phật pháp.
      Giáo lí về giải thoát của Tứ đế cao siêu thâm diệu nhưng nếu không có những việc làm cụ thể thì cũng không có ý nghĩa thiết thực. Vấn đề lí luận phức tạp này đã được dân gian tóm tắt bằng câu ngạn ngữ nôm na mà đậm chất minh triết: “Thứ nhất là tu tại gia, Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa”, hoặc gần đây xuất hiện bài thơ lục bát có tính hoạt kê về ông Sư và kẻ ăn mày khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Đang trưa ăn mày vào chùa/ Sư ra cho một lá bùa rồi đi/ Lá bùa chẳng biết làm chi/ Ăn mày đút túi lại đi ăn mày!”.
      Bố thí Ba-la-mật có ba hình thức là Pháp thí, Tài thí và Vô uý thí.
- Pháp thí Ba-la-mật là dùng giáo lí Phật giáo đem lại cho chúng sinh sự bình an nơi tâm hồn, ngăn ngừa và tiến tới diệt trừ cái tâm tham (dục vọng, tham lam), sân (bất an, giận dữ), si (mê mờ, ngu muội). Trong khi nhu cầu không được thoả mãn (mà thường là bất mãn), tâm tham bất chính nổi lên thì sân si chỉ là hệ quả tất yếu, và đó là cội nguồn của mọi bất an, khổ đau, tội lỗi. Hẳn người nghèo sẽ được an ủi hơn, bớt cái tâm chán chường sân hận khi đối diện với nghịch cảnh giầu - nghèo, may - rủi để rồi an tâm tự tin từng bước khắc phục đói nghèo; và người quyền thế giầu có cũng bớt đi cái tâm tham lam ham hố, ngã mạn …, bởi thuyết luân hồi nghiệp báo cho rằng “Dục tri tiền thế nhân, Kim sinh thụ thị giả, Dục tri lai thế quả, Kim sinh tác giả thị” (Muốn biết kiếp trước như thế nào, Thì xem cuộc sống hiện tại sẽ rõ, Muốn biết kiếp sau ra sao, Thì xem việc làm hiện tại sẽ biết – Kinh Di giáo). Đói nghèo, bệnh tật, rủi do hiện tại không phải số mệnh mà là do cái nghiệp bất thiện kiếp trước do chính mình tạo ra (nghiệp bản hữu) chi phối, muốn khắc phục cần phải nỗ lực bằng việc làm (thân), lời nói (khẩu), ý (suy nghĩ) đúng đắn để cải tạo nghiệp cũ và tạo dựng nghiệp mới (nghiệp tân huân) cho kiếp này và kiếp sau tốt hơn.
       Một thời pháp của nhà sư với các phạm nhân trong trại giam về thuyết “Nghiệp quả báo” sẽ có sức chuyển hoá nội tâm của họ không nhỏ, giúp họ tự ngộ được nguồn gốc và hậu quả của việc mình làm, tự giác an tâm cải tạo để nhanh chóng được hoà nhập sống tích cực cùng cộng đồng. Bằng con đường tâm linh tôn giáo và dư luận xã hội, chắc rằng nhiều người “không dám” và “không muốn” phạm tội khi có điều kiện (mà điều kiện thì luôn luôn có), như vậy là góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi quốc nạn tham nhũng và tệ nạn trộm cướp từ cội nguồn sâu xa của nó.
- Đứng trên phương diện xã hội, Tài thí Ba-la-mật là cung ứng tiền tài vật chất cho những người nghèo đói, bất hạnh vì bệnh tật, thiên tai … Trong kinh A-hàm đức Phật luôn khuyến khích Phật tử thực hành hạnh bố thí. Đây là quan điểm phúc lợi xã hội của Phật giáo. Phật giáo cho rằng, vì trí tuệ và phúc báo của mỗi người không giống nhau cho nên khả năng làm ăn và kết quả kinh doanh cũng khác nhau, và tất yếu có sự phân biệt giầu nghèo. Nếu đem tất cả tài sản chia đều cho mọi người là điều không thể và không hợp lí, không công bằng, và có thể mọi người đều nghèo như nhau (như thời bao cấp bằng tem phiếu chẳng hạn). Như vậy, ngoài một hệ thống kinh tế hợp lí, hướng dẫn người nghèo tự có trách nhiệm trước chính bản thân mình, phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề giầu nghèo là khuyến khích mọi người phát tâm bố thí.
       Theo quan điểm Phật giáo, bố thí đúng chính pháp đem lại lợi ích rất lớn (trồng phúc) cho người bố thí trên lộ trình giải thoát (tự lợi), đồng thời đem lại niềm vui , sự tự tin để tự lực vươn lên của người được bố thí (lợi tha). Ở đây không có gianh giới giữa “người cho” và “người nhận”, không có quan niệm “người ban ơn” và “người chịu ơn”. Người bố thí phải tự giác rằng việc bố thí là cơ may, phúc lớn cho chính mình. Tất cả phải trên tinh thần từ - bi - hỉ - xả, nếu không, việc bố thí không những không được phúc mà chỉ mang thêm tội. Bố thí Ba-la-mật góp phần xây dựng và thực hành thế giới cực lạc ngay trong đời sống nội tâm của mỗi cá nhân cũng như toàn nhân loại ngay trên trần thế này.
- Vô uý thí là đem lại sự tự tin, bản lĩnh, hăng hái trên con đường giải thoát. Phật giáo không chấp nhận thuyết định mệnh, mà cho rằng mọi biểu hiện của hiện tại đều do chính nơi mình tạo nên, do vậy phải dũng cảm (vô uý = không sợ) dám chấp nhận hoàn cảnh mà tinh tiến vươn lên, khắc phục hoàn cảnh hiện tại, tạo dựng cái nhân tốt cho quả đời sau. “Bồ-tát uý nhân, chúng sinh uý quả” (Chúng sinh lo sợ hoặc mừng vui với cái trước mắt nhìn thấy, Bồ-tát quan tâm tới cái nguyên nhân gây nên). Vô uý Ba-la-mật giúp cho người nhận bố thí có được tâm thái bình an vững tiến trước khó khăn của hoàn cảnh, không chấp nhận thái độ buông xuôi mặc cho số phận hoặc ỷ lại phụ thuộc, để từng bước giác ngộ giải thoát thông qua những việc làm thiết thực. Kinh điển Phật giáo bàn nhiều về vấn này nhưng rất tiếc chúng tôi chưa tìm được một câu ngắn gọn trong kinh điển có nghĩa tương đương như câu ngạn ngữ của phương Tây: “Hãy vừa cầu Chúa vừa làm tốt công việc hàng ngày của mình” .

 Kết luận

         Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội lớn có uy tín ở Việt Nam đã được coi là một tổ chức, là nguồn vốn xã hội, vốn cộng đồng quan trọng cùng Nhà nước và các tổ chức xã hội khác trong việc xây dựng và thực hiện hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước. Những hoạt động Từ thiện xã hội của Phật giáo đưa tới sự hỗ trợ vật chất lúc cần thiết, đồng thời cũng đem lại niềm an ủi tinh thần, sự tự tin vượt khó đối với những cá nhân và tổ chức được tiếp cận và thụ hưởng.
        Hoạt động Công tác xã hội và Phật sự thế gian của Phật giáo thống nhất với nhau ở mục tiêu, tất cả vì: “Dân giầu - nước mạnh – xã hội công bằng – dân chủ - văn minh”, hay nói như Phật giáo là “Quốc thái – Dân an”. Công tác xã hội là khoa học đa – liên ngành, trong hoạt động thực tiễn có rất nhiều con đường, biện pháp để thực hiện mục tiêu. Thiết nghĩ, nắm vững những quan điểm lí luận căn bản của Phật giáo, chủ động tiếp cận và hợp tác một cách hữu cơ, phát huy tối đa những điểm mạnh thích hợp của Phật giáo cũng là một trong những biện pháp cần thiết của Hoạt động Công tác xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Về phía Phật giáo, trong thực hiện Phật sự thế gian, mọi suy nghĩ và hành động phải luôn theo chính pháp, thực hiện Bố thí Ba-la-mật chính là con đường giác ngộ giải thoát, thành Phật ngay trên thế gian này. Nếu được như vậy, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ tạo nên kết quả thiết thực, bền vững trong Hoạt động Công tác xã hội cũng như Phật sự của Phật giáo Việt Nam.


Tài liệu tham khảo

1. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Pháp bảo đàn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn hành.
2. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung bộ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn hành.
3. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh A hàm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn hành. 
4. Lão Tử, Đạo đức kinh, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1991.
5. Đoàn Trung Còn (dịch), Luận ngữ, Trí Đức tòng thơ, Sài Gòn, 1950.

 
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay1,090
  • Tháng hiện tại23,561
  • Tổng lượt truy cập1,157,969
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây