MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍN NGƯỠNG VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ năm - 01/09/2022 21:51

MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍN NGƯỠNG VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY

TS. Nguyễn Thị Tố Uyên.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
 
      Bất cứ một sự vật, hiện tượng nào cũng có mối quan hệ qua lại, tác động, ảnh hưởng đến sự vật hiện tượng khác. Không có sự vật hiện tượng nào nằm ngoài mối liên hệ đó. Tín ngưỡng cũng vậy. Muốn đánh giá tổng thể hiện tượng tín ngưỡng thì phải đặt nó trong mối tương quan với các hiện tượng xã hội khác như. Trong phạm vi bài viết tôi xin nêu một số ý kiến về mối quan hệ giữa pháp luật với tín ngưỡng  trong việc điều chỉnh xã hội ở nước ta hiện nay.

1. Vai trò tín ngưỡng và pháp luật trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay

      Tín ngưỡng là một vấn đề thuộc lĩnh vực nhận thức, tình cảm, niềm tin. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, các tín ngưỡng đều thích ứng với lợi ích khác nhau của các giai tầng xã hội, cũng như với sự biến đổi của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Có thể thấy tín ngưỡng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người Việt xưa và nay.
     Trên khắp vùng miền của làng xã Việt Nam đều có bóng dáng của chùa, đình, đền, phủ…( là nơi cộng đồng người dân thực hành tín ngưỡng), trong mỗi gia đình của người Việt hầu như đều có bàn thờ tổ tiên. Qua đó cho thầy rằng tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.
     Vai trò của tín ngưỡng trong đời sống người Việt thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất: tín ngưỡng góp phần điều chỉnh hành vi của người dân trong đời sống hàng ngày thông qua những quan niệm về vấn đề thiêng. VD: trong tín ngưỡng thờ Mẫu thì giá trị cốt lõi chính là tâm hướng thiện, bởi vì mỗi người mẹ đều dậy con hướng thiện. Người đến thờ mẫu tâm phải sáng, trong cuộc sống phải là người thể hiện biết ăn ở, biết đối nhân xử thế thành tâm thờ phụng ông bà tổ tiên, cao hơn biết ơn người có công với dân, với nước. Đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thấm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn, một ứng xử cộng đồng gia tộc, dòng họ và mở rộng ra cộng đồng dân tộc quốc gia thông qua việc thờ Quốc tổ Hùng vương đã trở thành một cách ứng xử chuẩn mực của người Việt.
     Có thể thấy những quan niệm này đều hướng con người đến giá trị tốt đẹp, góp phần trau dồi và nuối dưỡng đạo đức làm người của người dân Việt.
Thứ hai: tín ngưỡng có vai trò liên kết cộng đồng thông qua các lễ hội tín ngưỡng, thông qua các ngày giỗ trong gia đình. Có thể thấy những ngày giỗ của gia đình chính là thời gian các thành viên của gia đình đoàn tụ, là nền tảng gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay khi mà những người con rời làng xã đi làm ăn xa thì ngày lễ Thành Hoàng làng chính là dịp các người con từ các vùng phương trời xa xôi về đoàn tụ, tưởng nhớ. Chính thông qua ngày lễ Thành Hoàng làng của người Việt mà ý thức cộng đồng của dân làng được củng cố, gắn kết.
Thứ ba: có thể thấy tín ngưỡng đã góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Với tư cách là một bộ phận cấu thành của văn hóa, một mặt tạo ra sự phong phú cho văn hóa Việt Nam, mặt khác tín ngưỡng góp phần lưu giữ, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam (cả văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và văn hóa giao tiếp). Về văn hóa vật thể, với hàng ngàn ngôi đình trải dài khắp làng quê Việt Nam đã tạo nên nét văn hóa độc đáo trong đời sống văn hóa làng xã Việt Nam. Đặc biệt có thể thấy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể…Chính các lễ hội tín ngưỡng đã góp phần tạo nên sự liên kết cộng đồng và bổ sung, bảo lưu, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống làng xã Việt Nam. Chính khía cạnh xã hội của lễ hội tín ngưỡng, đã để lại dấu ấn sâu đậm cho đời sống sinh hoạt cộng đồng, cho sự liên kết xã hội qua đó đã bảo lưu và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam trong sự hội nhập và phát triển.
      Còn pháp luật là những quy tắc ứng xử chung thể hiện ý chí của giai cấp thống trị do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước. Pháp luật có những thuộc tính cơ bản như: Tính bắt buộc chung, tính được xác định chặt chẽ về mặt hình thức, tính được đảm bảo thực hiện cưỡng chế bằng nhà nước. Pháp luật khác với thể chế tôn giáo ở chính những thuộc tính này. Do vậy nếu một cá nhân nào vi phạm pháp luật thì phải chịu chế tài của pháp luật như phạt tù, phạt tiền. Tuy nhiên giữa pháp luật và những quan niệm của tín ngưỡng gặp nhau ở một điểm chung: chúng đều là phương tiện điều chỉnh hành vi của con người với mục đích đảm bảo giá trị đạo đức xã hội.
        Một xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì càng xuất hiện nhiều quan hệ xã hội cần điều chỉnh. Pháp luật là một yếu tố điều chỉnh hữu hiệu, không thể thiếu được trong một nhà nước. Tuy nhiên chúng ta không nên tuyệt đối hóa vai trò cùa pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, mà phải biết đánh giá đúng vai trò pháp luật và biết kết hợp sử dụng pháp luật với các quy phạm xã hội khác để điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, việc xác định và đánh giá đúng đắn mối quan hệ tương hỗ giữa pháp luật với tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thức tiễn. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật không thể bỏ qua yếu tố truyền thống đó. Điều này có tầm đặc biệt quan trọng đối với nước ta – một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng.
        Ngay từ xa xưa, khi chưa có pháp luật, phương tiện điều chỉnh hữu hiệu nhất các quan hệ xã hội nhằm ổn định trật tự xã hội chính là phong tục, tập quán và các giá trị đạo đức của tín ngưỡng. Ngay cả khi pháp luật ra đời thì các phong tục, tập quán và các giá trị của tín ngưỡng vẫn tồn tại và trở thành nguồn bổ sung cho pháp luật. Ở nước ta do điều kiện lịch sử mà nhân dân ta phải sống trong một nền pháp luật hà khắc, xa lạ vì nó không phục vụ lợi ích của người dân mà chủ yếu phục vụ lợi ích của giai cấp phong kiến thống trị. Điều này thể hiện rõ nét trong nhất trong các bộ luật của thời kỳ phong kiến Việt Nam, ngay cả khi điều chỉnh quan hệ dân sự vẫn kèm theo chế tài hình sự. Chính vì sống dưới ách đô hộ và nền pháp luật hà khắc như vậy mà người dân Việt Nam đã đặt niềm tin vào đấng thiêng liêng, niềm tin này mang lại cho người dân một nghị lực và sức sống để họ vượt qua qua mọi áp lực, trong bối cảnh cuộc sống xã hội bị bế tắc, không lối thoát của ngày ấy. Thực tiễn trong các cuộc đấu tranh chống áp bức và cường quyền người Việt Nam thường sử dụng hình thức tín ngưỡng để bảo tồn sự sống và nền độc lập của dân tộc, cũng như giữ gì bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy những người có công với gia đình, làng xóm, đất nước đều được người Việt Nam tôn vinh, sùng kính và thần thánh hóa để cầu khẩn che chở, phù hộ cho bản thân và cộng đồng. Sự tôn sùng, thần thánh này đã trở thành thói quen và ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tác động đến việc điều chỉnh hành vi của người dân. Đây chính là đạo lý “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây” “ uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Đạo lý này đã trở thành cơ sở và nguyên tắc của hệ thống pháp luật Việt nam hiện nay.
      Trong đời sống thực tế, có những quan hệ xã hội mà pháp luật khó điều chỉnh, như quan hệ tình cảm trong gia đình, trong cộng đồng. Để điều chỉnh quan hệ xã hội này thì việc sử dụng các phong tục, tập quán và các giá trị đạo đức của tín ngưỡng lại tỏ ra ưu thế hơn pháp luật vì các cư dân vẫn có thói quen sống theo phong tục tập quán, giá trị đạo đức của tín ngưỡng. Pháp luật dù hoàn thiện đến đâu cũng không thể điều chỉnh hết các quan hệ xã hội đa dạng. Do vậy để bổ sung cho sự trống vắng đó của pháp luật, chúng ta không thể không sử dụng những phong tục tập quán và các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng.
       Pháp luật chỉ có hiệu lực thật sự khi người dân tiếp nhận và thi hành một cách tự giác. Yếu tố phong tục tập quán cùng với những giá trị của tín ngưỡng chính là điều kiện khách quan giúp cho pháp luật gần với đời sống của người dân.

2. Mối quan hệ tác động qua lại giữa tín ngưỡng và pháp luật

      Pháp luật và các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng có mối quan hệ qua lại và tác động lại và ảnh hưởng lẫn nhau, cùng với các loại quy phạm xã hội khác như phong tục quán, đạo đức ..., chúng góp phần tạo nên sự ổn định và trật tự của xã hội.
    Từ trước đến nay tín ngưỡng luôn tồn tại khách quan. Bản thân pháp luật không tạo ra tín ngưỡng. Tín ngưỡng thay đổi hay mất đi do nhiều yếu tố khách quan tác động, trong đó có pháp luật. Pháp luật, với sức mạnh vốn có mà các quy phạm xã hội khác không có được đã tác động  mạnh mẽ đến tín ngưỡng. Với nội dung tiến bộ pháp luật sẽ ảnh hưởng tích cực tới tín ngưỡng, cụ thể :
Thứ nhất: pháp luật hướng tín ngưỡng theo con đường đúng đắn. Khi một tín ngưỡng có các tư tưởng, quan niệm không phù hợp với xã hội hiện tại, gây cản trở, kìm hãm sự phát triển, tác động xấu đến xã hội thì pháp luật sẽ bằng biện pháp của mình điều chỉnh hay loại bỏ chúng. VD: tại Khoản 4 Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nghiêm cấm các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
+ Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
+ Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
+ Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
+ Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
+ Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
 Mới đấy ( ngày 15/02/2017)  Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi các địa phương không cấp phép tổ chức lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi.
Có thể thấy thông qua quy định này pháp luật loại bỏ những hoạt động tín ngưỡng đi ngược lại đạo đức xã hội.
 
Thứ hai: pháp luật tạo điều kiện cho tín ngưỡng phát triển. Với những đặc điểm riêng của mình pháp luật có khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của nhà nước về tín ngưỡng một cách nhanh chóng, đồng bộ hiệu quả trên quy mô lớn. Đồng thời pháp luật tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động tín ngưỡng, những hành vi xâm hại đến các hoạt động tín ngưỡng đã được pháp luật bảo hộ đều bị cấm.
* Ngược lại chúng ta có thể thấy tín ngưỡng với ưu thế nhất định trong đời sống hàng ngày lại ảnh hưởng đến pháp luật theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực, có thể nói ảnh hưởng của tín ngưỡng đến pháp luật như là một hiện trượng có tính quy luật, cụ thể :
+ Tín ngưỡng giúp xây dựng pháp luật, thể hiện ở chỗ, khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định thì nhiều giá trị của tín ngưỡng được “pháp luật hóa”, chúng trở thành những quy phạm pháp luật được nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện, VD: Trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên có điều răn phải kính trọng ông bà, cha mẹ … các điều răn này phù hợp với sự phát triển của xã hội nên cũng được nhiều nhà nước trên thế giới pháp điển hóa. Ở nước ta quan niệm này được Pháp điển hóa tại khoản 2 điều 70 Bộ luật Hôn nhân gia đình 2013 “… con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự truyền thống tốt đẹp của gia đình…”
 + Tín ngưỡng còn giúp cho pháp luật phát triển và hoàn thiện, thể hiện ở chỗ: Hầu hết các giá trị của tín ngưỡng đều luôn khuyên răn con người làm việc thiện, góp phần xây dựng tình đoàn kết nội bộ, giải quyết linh hoạt, kịp thời, có tình, có lý các mâu thuẫn trong cộng đồng, điều này hỗ trợ cho việc hoàn thiện pháp luật.
Ngoài ra tín ngưỡng với những quan niệm hầu hết là khuyên con người hướng thiện và khi người dân thực hiện theo những quan niệm này thì phần nào giúp cho xã hội ổn định, phát triển. Như vậy có thể thấy nhờ các giá trị của tín ngưỡng mà công việc quản lý, kiểm soát xã hội của pháp luật nhẹ đi phần nào.
      Bên cạnh những tác động tích cực thì tín ngưỡng còn có tác động tiêu cực  đến pháp luật, thể hiện ở chỗ: trong quá trình phát triển của mình đôi khi các quan niệm của tín ngưỡng  không phù hợp với đạo đức xã hội, xâm hại đến sức khỏe, danh dự, tính mạng của con người. Ở Việt Nam trong thời gian qua một số hoạt động tín ngưỡng đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, cụ thể như:
      Tình trạng xây dựng và mở rộng cơ sở thờ tự tín ngưỡng, xây dựng các điện tư gia trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương. Việc dựng tượng thánh, tượng chúa, tương phật… trên đất công vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Các hoạt động tín ngưỡng trái pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra ở một số vùng đồng bào thiểu số, vùng biên giới…Một số hoạt động tín ngưỡng mang tính chất mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa của người dân.
      Như vậy có thể thấy tín ngưỡng ở nước ta có ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội, chính vì vậy khi hoàn thiện chính sách, pháp luật của nhà nước thì cần phải tính đến yếu tố tác động của tín ngưỡng đối với đời sống xã hội.
     Có thể nói pháp luật và tín ngưỡng có mối quan hệ với nhau, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển và hoàn thiện. Ở một phương diện nào đó, chúng đều là những công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, có một số chức năng tương tự như nhau để duy trì, quản lý đời sống xã hội phục vụ mục đích chung của cộng đồng xã hội. Chính vì vậy việc ghi nhận và bảo vệ các tín ngưỡng tốt đẹp là một tất yếu khách quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước hiện nay./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Ban Tôn giáo chính phủ (2007), Văn bản pháp luật Việt Nam về tín ngưỡngtôn giáo, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội.
  2. Ban Tôn giáo Chính phủ (2006): Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  3. Ban Tôn giáo Chính phủ (2009): Văn bản pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  4. Ban Tôn giáo Chính phủ (2000): Đường hướng hoạt động của cá tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  5. Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán- Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6. Vũ Minh Chi  (2004), Nhân học văn hóa con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Phan Hữu Dật (1999), Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  8. Geogre Jame Frazer (2007), Cành vàng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  9. Lê Như Hoa (chủ biên) ( 2001), Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  10. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang (2000), Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  11. Văn Tân (chủ biên) (1991), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  12. X.A. Tôcarev (1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia.
  13. E.B.Tylor (2001), Văn hóa nguyên thủy, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  14. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  15. Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  16. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa-Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  17. Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (chủ biên) (2005), Folklore - một số thuật ngữ đương đại, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  18. Đặng Nghiêm Vạn (2005), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia,Hà Nội.
  19. Thomas Barfield (1997), Từ điển Nhân học (The Dictionary of Anthropology) (Bản dịch của Viện Dân tộc học), Nxb.BlackWell, London.
  20.  Đỗ Quang Hưng (2005): Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam: lý luận và thực tiễn. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  21.  Đỗ Quang Hưng ( chủ biên - 2003): Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội. NXB Tôn giáo, Hà Nội.
  22.  Nguyễn Đức Lữ (2011), Tìm hiểu về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị - Hành chính
  23. Hoàng Thị Kim Quế ( chủ biên – 2002), giáo trình lý luận chung Nhà nước và Pháp luật, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  24. Đặng Nghiêm Vạn (2007), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
  25. Nguyễn Hữu Vui, Trương Hải Cường (2003), Tôn giáo học đại cương, Nxb Chính trị Quốc gia
  26. Nguyễn Thị Tố Uyên (2003), Mối quan hệ giữ pháp luật và phong tục tập quán ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học 9 (148), tr34-37.


 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Hội Thảo khoa học: Vai trò của tín ngưỡng Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại: lý luận và ứng dụng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây