BIA - TẾ PHẨM THÁNH KHIẾT TRONG CÁC NGHI THỨC TÔN GIÁO AI CẬP CỔ

Thứ sáu - 10/06/2022 02:59

Thư viện Thăng Long

Thư viện Thăng Long
TS. Bùi Thị Ánh VânBộ môn: Tôn giáo họcTrường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân vănBài đã in trên Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Số 196, tr. 32 – 39.
 

      Bia là một trong những tế phẩm dành cho thần linh trong các nghi thức tôn giáo Ai Cập cổ xưa. Loại đồ uống có ga này luôn được mọi tầng lớp xã hội ở xứ sở những kim tự tháp xa xưa ưa thích. Đồng thời, trong quan niệm tôn giáo của họ, bia cũng được coi là thứ nước thánh khiết, giúp con người có thể hiệp thương với vị thần của mình. Bài viết đề cập hai nội dung cơ bản: Ý nghĩa của bia trong cuộc sống thường nhật ở Ai Cập cổ đại; Vật phẩm thiêng trong nghi thức tôn giáo Ai Cập cổ đại.

Từ khóa: Bia, Thánh khiết, Tôn giáo, Các vị thần, Ai Cập cổ.

1. Ý nghĩa của bia trong cuộc sống thường nhật ở Ai Cập cổ đại

     Thời cổ đại, bia là thức uống giải khát phổ biến ở Ai Cập. Và cũng bởi lý do này, nghề nấu bia của cư dân bản địa đương thời khá thịnh hành. Nó đã mang lại cơ hội kiếm tiền cho những người phụ nữ trong mỗi gia đình. Công việc sản xuất bia đòi hỏi sự sạch sẽ, cẩn thận và kiên trì. Có thể vì lẽ này, phụ nữ được coi là lực lượng sản xuất bia đầu tiên ở Ai Cập cổ đại. Nhà Ai Cập học Helen Strudwick cho biết: “Sản xuất bia và làm bánh mì là những hoạt động được thực hiện bởi phụ nữ. Nhiều bức tượng được tìm thấy trong các ngôi mộ cho thấy, phụ nữ nghiền hạt hoặc rây bột thành phẩm trong nhà máy” (Joshua J. Mark, 2017). Thời kỳ sau này, khi nền văn minh Ai Cập phát triển phức tạp ở trình độ cao hơn, sản xuất bia chuyển từ hoạt động thủ công tại nhà sang sản xuất quy mô lớn hơn. Lúc này vai trò sản xuất được chuyển từ nữ giới sang nam giới.
     Khám phá Ai Cập trong chuyến du lịch vào thế kỷ V trước CN, nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotos khẳng định: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nile”1. Giữa hoang vu của sa mạc, dòng sông đã đem lại sự sống cho con người. Tại đây, họ đã xây dựng nền văn minh của mình. Tuy nhiên, nước sông bị ô nhiễm nặng với rất nhiều ký sinh trùng, gây ra mầm bệnh cho con người. Việc sử dụng trực tiếp nguồn nước này cho đời sống sinh hoạt sẽ gây ra những hiểm họa đối với sinh mạng của con người. Trong bối cảnh ấy, hoạt động chế biến bia làm thức uống hàng ngày đã giúp người Ai Cập vượt qua khó khăn. Sự lên men trong quá trình làm bia sẽ giết chết mọi vi khuẩn tồn tại trong nước. Nghiên cứu về sự ra đời của bia Ai Cập trong môi trường sống đương thời ở sông Nile, Skot Thayyer đã phải thốt lên: “May mắn thay, những vị thần khá tuyệt vời khi cho người Ai Cập kiến thức về sản xuất bia” (Skot, 2016). Từ việc quan sát và phân tích, các nhà khoa học đi đến nhận định rằng, dùng bia an toàn hơn rất nhiều so với uống nước sông Nile một cách trực tiếp.  
      Thời cổ đại, rượu vang là thức uống xa xỉ, chỉ dành cho giới thượng lưu Ai Cập. Những người bình dân không có điều kiện để mua rượu, họ chỉ có thể dùng bia. Bất cứ ai - từ nô lệ đến thương gia, đều uống bia trong những bối cảnh khác nhau.  
 
      Như trình bày ở trên, do nguồn nước sông Nile ô nhiễm nên bia không những trở thành thức uống chủ yếu của người nghèo, mà còn là trung tâm trong chế độ ăn uống của giới thượng lưu Ai Cập. Phân tích các chất trong dư lượng bia còn đọng lại ở một số cổ vật tại những địa điểm khảo cổ, nhiều nhà khoa học khẳng định, bia không chỉ đảm bảo vệ sinh, giúp giải nhiệt, mà còn cung cấp dinh dưỡng cho người dân sông Nile đương thời. Trong nghiên cứu của mình, Skot Thayer chỉ ra rằng, trong bia chứa một lượng vitamin B đáng kể (Skot, 2016). Vì lẽ này, đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở xứ sở kim tự tháp đều uống bia, thậm chí cả những em bé chỉ mới 2 tuổi. Lâu dần, loại đồ uống có ga trở thành một thành phần chính được yêu thích trong chế độ ăn uống hàng ngày của người Ai Cập cổ, mang lại sức khỏe cho họ. Trong bữa ăn thông thường của người bản địa luôn có bánh mì, hành tây, cá khô và loại đồ uống không thể thiếu là bia. Dựa theo kết quả khảo cổ học và thông qua những buổi thảo luận, các nghiên cứu khẳng định rằng, lượng bia trung bình mà người sông Nile cổ uống nhiều hơn hậu duệ của họ thời hiện đại.
 
 
Tranh và chữ tượng hình Ai Cập cổ mô tả cảnh rót bia
Nguồn: Taryn Smee, 2018, The Ancient Egyptian Obsession with Beer, https://www.thevintagenews.com/2018/08/27/ancient-egypt-beer/
 
       Cùng với rượu vang, bia còn có tác dụng như một vị thuốc đối với người Ai Cập cổ. Điều này đã được John F. Nunn khẳng định trong công trình Ancient Egyptian Medicine” (“Y học Ai Cập cổ xưa”) (John, 2002). Trong thành phần quy định của các đơn thuốc thường xuyên xuất hiện bia. Người bản địa dùng loại đồ uống này vào việc điều trị bệnh dạ dày, ho và táo bón. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bia trong nguyên liệu của hơn 100 dược liệu khoảng 1.500 năm trước CN của người dân sông Nile. “Ngay cả khi bia không có trong danh sách các thành phần, bệnh nhân vẫn được gợi ý nên dùng thuốc theo toa với một cốc bia và được cho là làm vui lòng” (Joshua, 2017). Đặt bối cảnh đương thời – khi môi trường nước bị ô nhiễm, có thể hiểu vì sao người Ai Cập thường xuyên sử dụng bia trong thực phẩm hàng ngày. Vấn đề đặt ra là, tại sao đồ uống lên men này lại là thành phần của thuốc chữa bệnh? Cũng có thể sau khi dùng bia, con người cảm thấy hưng phấn hơn, lao động có hiệu suất cao hơn. Do đó với người bản địa, bia như một dược chất tốt giúp củng cố cơ thể. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả. Đáp án cho câu hỏi này còn nằm trong quan niệm tôn giáo của người dân sông Nile cổ đại. Lật lại lịch sử khoảng 3.000 năm trước CN, cư dân bản địa luôn tin rằng bia giữ linh hồn (ka) của con người. Theo quan niệm tôn giáo Ai Cập cổ, linh hồn có ba phần: ka, ba akh. Họ tin rằng, bệnh tật được gây ra bởi các linh hồn xấu xa. Do đó, bia sẽ làm cho chúng bị nhầm lẫn và không thể hành động. Trong quá trình chữa bệnh, người thày thuốc đồng thời cũng là thày pháp - phải niệm câu thần chú cầu xin Seth2 – vị thần cai quản các linh hồn. “Một câu thần chú được đưa ra để chữa một căn bệnh không tên chỉ đạo người đó kêu gọi thần Seth, người sẽ trao bia để các linh hồn này trở nên bối rối, mất phương hướng và sẽ rời khỏi cơ thể” (Joshua, 2017).
        Với nhiều công dụng như phân tích ở trên, cư dân cổ đại ở Ai Cập đã lựa chọn bia là một trong những vật chung giá trị, dành cho việc thanh toán, trao đổi giá trị hàng hóa. Hầu như hàng hóa trong trao đổi thương mại cũng như sinh hoạt hàng ngày của họ đều được quy đổi ra bia. Loại đồ uống lên men này được trả cho công chức trong guồng máy nhà nước ; trả cho công nhân, nô lệ với ý nghĩa tiền công. Bia được dùng cho việc cúng tế các vị thần ; làm phần thưởng cho nhiều quan trong triều đình. Bia đồng thời cũng là vật chung giá trị trong nhữngcuộc trao đổi hành hóa giữa các thương gia.
       Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, bảng thanh toán của người cổ đại với đơn vị “bia” được phát hiện ở nhiều nơi trên đất nước Ai Cập. Đơn vị “tiền tệ” này được gọi là “hemu” (Joshua, 2017). Những người lao động chân tay nhận bia như một phần tiền công hàng ngày của họ. Hiện nay, trong Bảo tàng Anh ở London đang lưu giữ tấm bảng bằng đất sét có niên đại từ khoảng 3.000 năm trước CN, với nội dung miêu tả hình thức thanh toán “hemu” cho người lao động Ai Cập cổ. Những thông tin trên bảng lương được người Ai Cập cổ khắc trên tấm đất sét, sau đó phơi ra nắng cho khô cứng lại. Trên một bảng lương khác được tìm thấy có ghi khẩu phần ăn dành cho một số bộ phận của hoàng gia. Theo đó, suất ăn trong ngày của hoàng hậu gồm 10 ổ bánh mì cùng hai hũ bia và một người lính cận vệ hoàng gia được phát 20 ổ bánh mì và hai hũ bia.
       Có bằng chứng cho thấy, bia đóng vai trò quyết định trong quá trình xây dựng các kim tự tháp. Tiền lương cho công nhân tại đây thường được trả bằng bia. Mỗi ngày, người lao động sống trong làng công nhân tại Giza được nhận thêm vào khẩu phần ăn của mình khoảng 4-5 lít bia. Tham gia xây dựng kim tự tháp còn có nô lệ - những người bị coi là thấp kém và bị nhiều o ép nhất trong xã hội. Ngoài 2 ổ bánh mì ít ỏi, trong khẩu phần của họ mỗi ngày không thể thiếu 2 hũ bia.   

2. Bia - Thức uống thánh khiết

       Khi tiến hành nghi thức tôn giáo, việc sử dụng các loại đồ uống lên men khiến người Ai Cập cổ cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Họ quan niệm rằng điều này sẽ giúp họ có cơ hội giao tiếp các vị thần hoặc người thân đã qua đời.
        Trong lễ hội tôn giáo của người Ai Cập cổ, bia là thành phần không thể thiếu. Tại những lễ hội cấp quốc gia, bia thường được triều đình bảo trợ, tiêu biểu như lễ hội Opet (Opet Festival); lễ hội Đẹp (Beautiful Feast); lễ hội Tekhi (Tekhi Festival) … hoặc các lễ hội tưởng niệm và biết ơn thần Bastet, Hathor, Sekhmet… Lượng bia được cung cấp trong những dịp này khá lớn, người tham dự đều được khuyến khích uống say. Đáng lưu ý nhất là lễ hội Tekhi () đón năm mới của người Ai Cập. Tekhi còn được gọi là lễ hội Say sỉn (The Festival of Drunkenness) (Ánh Vân, 2018). Đây là dịp để người dân bản địa đắm chìm trong dịp nghỉ lễ năm mới kéo dài hàng tuần. Sự kiện văn hóa này lần đầu tiên được tổ chức thời Trung Vương quốc của Ai Cập (2200 – 1570 trước CN)3. Điều đáng tiếc, Tekhi không còn được duy trì trong đời sống văn hóa hiện nay của dân sông Nile.
        Trong lễ hội đón năm mới hàng năm, người dân cổ ở sông Nile có truyền thống tập trung tại khu phức hợp đền Mut thuộc Thebes. Đây là ngôi đền do vua Hatshepsut4 xây dựng. Trong công cuộc khảo cổ học do Đại học Johns Hopkins tiến hành, phát lộ một ngôi mộ nhỏ với rất nhiều mảnh vỡ của các bình gốm đựng bia, rượu vang và chúng đều có dán tên của vua Aha I thuộc triều đại đầu tiên. Kết quả này góp thêm một luận cứ để chứng minh rằng, lễ hội Say sỉn (Tekhi) đã xuất hiện trong thời kỳ trị vì của pharaon Hatshepsut. Người dân xứ sở kim tự tháp rất hào hứng với lễ hội Tekhi được tổ chức hàng năm tại đền thờ Hathor.
 
 

 
Vị thần Horus đang được pharaon dâng bia trong một buổi lễ tế
Nguồn: Farah Zaki, 2020, Beer And Ancient Egypt: 9 Things You Probably Didn’t Know, https://curiosmos.com/beer-and-ancient-egypt-9-things-you-probably-didnt-know/
 
        Nhà sử học Herodotus có một số ghi chép về lễ hội say sỉn của người dân bản địa diễn ra vào năm 440 trước CN. Sự kiện này đã thu hút tới 700.000 người tham dự. Lượng bia rượu tiêu thụ tại đây khá lớn, thậm chí nó còn nhiều hơn tất cả thời gian còn lại trong năm. Trong ngày Tết Tekhi, mọi người được thoải mái uống bia vui đùa trong ánh sáng của những ngọn đuốc. Nhà nghiên cứu Graves-Brown khẳng định: Mặc dù uống bia/rượu thường không được khuyến khích ở Ai Cập cổ đại, nhưng đôi khi, nó dường như được cả hai giới tôn vinh (Joshua, 2017). Trên bức tranh tại một lăng mộ cổ có hiển thị một phu nhân đài các đang say sỉn quá đà do uống nhiều bia/rượu. Ở một góc khác, một người phụ nữ với biểu hiện đang khô cổ họng vì đã uống 18 chén rượu trong bữa tiệc. Trong lễ hội, khi màn đêm buông xuống, những người tham dự bị say sỉn do uống quá nhiều, sẽ vừa cầm đuốc vừa nhảy cho đến khi bất tỉnh. Đến sáng hôm sau, họ sẽ được đánh thức bởi tiếng trống dồn dập của lễ hội và cùng nhau kéo đến đền thờ làm lễ.
      Trong lễ hội Tekhi, mọi người thoải mái thưởng thức và say sưa. Bia giúp con người thoát ra khỏi tâm trạng ức chế. Họ cởi mở trong giao tiếp và từ đó, hiểu nhau hơn. Men say của bia giúp mọi người xích lại gần nhau. Thậm chí, bia đã giúp họ thoát ra khỏi bản thể của con người mình, để từ đó có thể hiệp thương với thần linh. Trong tiếng trống dồn dập, men bia đã đưa tất cả những người tham gia lễ hội vào trạng thái hưng phấn. Trong phút giây đó, dường như họ nhìn thấy bóng dáng nữ thần Hathor thấp thoáng đâu đó. Bàn luận về một số hình ảnh tình dục trong lễ hội say sỉn được tái hiện trên bức tường của ngôi đền cổ còn lại đến ngày nay, nhà Ai Cập học Carolyn Graves Brown cho rằng, có sự “liên kết với cảnh say rượu trong Chuyến du lịch qua đầm lầy - một uyển ngữ có thể cho hoạt động tình dục” (Joshua, 2017); (Skot, 2016). Trong quan niệm tôn giáo của Ai Cập cổ, tình dục không chỉ được coi là một khía cạnh tự nhiên của cuộc sống con người mà còn được liên kết với Hathor (đền Mut) - một nữ thần tình yêu (nữ thần sinh sản). Còn học giả Graffiti trong nghiên cứu của mình đã mô tả lại hình ảnh các cặp vợ chồng trong trạng thái say sỉn đã thực hiện hành vi giao phối tại đền Hathor. Tìm hiểu về tôn giáo Ai Cập cổ đại cho thấy, đây là một nghi thức tôn giáo mà họ phải thực hành để trở nên gần gũi với vị thần của mình. Men say của bia rượu đã giúp người bản địa thực hiện được cuộc hiệp thông với thần thánh.

3. Tế phẩm trong các nghi thức tôn giáo

* Phương tiện kết nối với thần linh
       Đồ uống có ga trong xã hội Ai Cập cổ như bia/rượu không chỉ là thức uống được ưa thích trong cuộc sống hàng ngày, mà còn là một trong những lễ vật tế thần hoặc dâng cúng cho người quá cố. Bia vẫn được đánh giá là một trong những tế phẩm tốt nhất trong nghi thức tôn giáo cho các vị thần ở nhiều dịp tế lễ đặc biệt.
Vì sao bia/rượu được lựa chọn là một trong những tế phẩm tôn giáo?
       Theo quan niệm tôn giáo của người Ai Cập cổ đại, sự sống của vạn vật trong vũ trụ đều do các vị thần quyết định - đó là thần Ra, thần Osiris... Trong nhiều truyền thuyết của cư dân bản địa, việc đề xuất tên vị thần sáng tạo ra bia không gống nhau. Do đó, kết quả các nghiên cứu sau này bàn luận về vị thần có liên quan đến nguồn gốc bia Ai Cập cũng không thống nhất khi cho rằng đó là thần Ra hoặc có thể là thần Osiris (Taryn, 2018). Tuy nhiên, người dân bản địa luôn được thuyết phục bởi nhiều truyền thuyết tôn giáo ở các góc độ khác nhau, nên họ không quá băn khoăn về vấn đề này. Cứ đến những dịp lễ hội tôn giáo, mỗi gia đình đều trang trọng đặt bia trong mâm cúng tế dâng lên, như một cách thể hiện lòng biết ơn đối với vị thần của họ. Tình cảm đó lại một lần nữa được khẳng định với việc người dân sông Nile uống nhiều bia đến mức say mềm để mong có cơ hội hiệp thương với các vị thần linh thiêng.
      Thông thường, trong nghi lễ tôn giáo ở đền và lễ hội gắn liền với các vị thần, bia được sử dụng làm vật phẩm cúng tế do chính những đền thờ đó sản xuất. Những loại bia của người dân ủ lên men chỉ dùng trong gia đình họ hoặc làm hàng hóa trao đổi ngoài xã hội. Tế phẩm bày trước thánh tượng trong thánh đường của khu đền phải làm các vị thần vui lòng. Do đó, “thức ăn và đồ uống sẽ được đặt trước bức tượng chứa linh hồn của vị thần và các chất dinh dưỡng được hấp thụ một cách siêu nhiên” (Joshua, 2017). Sau tất cả mọi hoạt động, người trông coi ngôi đền sẽ được thụ lộc. Tại ngôi đền Hathor, vị tu sĩ ở đây thường mở tiệc rượu bia để chiêu đãi tín đồ. Không những thế, trong quan tài cũng như các hầm mộ, có những bình bia hoặc thùng bia được chôn theo để cùng người chết thực hiện chuyến hành trình dài về thế giới bên kia.
 






Pharaoh Intef II Wahankh (2108–2059 trước CN : Thuộc thời Trung Vương quốc) dâng bia và sữa lên thần Ra và thần Hathor. Trưng bày tại : Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Newyork.Nguồn : File:Stela of King Intef II Wahankh, https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Stela_of_King_Intef_II_Wahankh_MET_13.182.3_detail.jpg
 
     
       Về mặt tôn giáo, người dân sông Nile quan niệm rằng, say bia/rượu là một trạng thái gần như tinh khiết, giúp cho con người sống thật hơn. Đối với họ, việc uống bia/rượu sẽ giúp bản thân gột rửa tâm hồn bởi đó chính là một tinh chất thánh khiết. Nhà nghiên cứu Peter Der Manuelian trong tác phẩm “Egypt: The World of the pharaohs” (Tạm dịch: “Ai Cập: Thế giới của các pharaon”) nêu ý kiến, việc người dân bản địa hào hứng tham gia lễ hội Say sỉn bởi đây chính là “thời gian diễn ra sự hiệp thông với linh hồn và thần thánh của họ (Peter, 1998). Cùng quan điểm này, học giả Carolyn Graves Brown đã lưu ý rằng, việc người Ai Cập đương thời uống bia/rượu trong lễ hội đón năm mới là “Sự say sỉn thánh khiết” (“Holy intoxication”). Trong công trình của mình, Carolyn cho biết, trạng thái say bia/rượu được người Ai Cập cổ xưa khuyến khích, coi đó là sợi dây để họ liên kết với thế giới của các vị thần và không có một trạng thái nào có thể thay thế được. Xuyên suốt diễn trình lễ hội say sỉn là các hoạt động: Tụng kinh (chanting), ăn chay (fasting), khiêu vũ (dancing), tình dục (sex), âm nhạc (music) và sự vui chơi (revelry). Theo đó, bia/ rượu là một phần của văn hóa Ai Cập cổ đại. Vì vậy, trạng thái say sỉn vì đồ uống lên men trong lễ hội không bị người dân bản địa đương thời đánh giá tiêu cực trên phương diện đạo đức (Ánh Vân, 2018).


* Đồ cúng cho người chết
      Tin vào sự tồn tại thế giới của người chết, tin vào sự bất tử của linh hồn, người dân sông Nile rất coi trọng các nghi thức tang lễ. Lễ tưởng niệm dành cho người quá cố được cử hành trang trọng và đây cũng được coi là sự tiễn đưa linh hồn trên hành trình sang thế giới bên kia. “Khi nghi thức chính thức của đám tang được kết thúc, gia đình và khách sẽ tập trung, thường là dưới lều ở bên ngoài ngôi mộ, để tổ chức một bữa tiệc dã ngoại với một lượng bia và đôi khi là rượu vang với thức ăn là những thứ mà người quá cố ưa thích khi sinh thời” (Joshua, 2017).
      Người Ai Cập cũng giống như những cư dân phương Đông khác khi quan niệm: Trần sao âm vậy. Trong cuộc sống hàng ngày, bia được coi trọng như thế nào thì khi họ sang thế giới bên kia, loại nước uống có ga này sẽ được mang theo với vai trò là một đồ dùng cần thiết. Bởi vậy, bia cũng được đặt vào trong các hầm mộ.
     Như đã trình bày ở trên, bia (bao gồm cả bình đựng bia) là một hình thức thanh toán phổ biến cho mọi giao dịch trong các hoạt động xã hội. Việc chôn các hũ bia/rượu theo người chết cũng có nghĩa là cho người chết mang theo một lượng tài sản trên hành trình mới. Trong công trình của mình, nghiên cứu Joshua J. Mark khẳng định: “Bình đựng bia trong một ngôi mộ sẽ tương đương với việc chôn cất ngân lượng cho người quá cố” (Joshua, 2017). Nhận định này là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Trong xã hội đương thời, tầng lớp quý tộc và những người giàu là lực lượng có đủ khả năng mua lễ vật chôn theo người chết. Do đó, bia đã trở thành một trong các đồ vật phổ biến nhất được đặt trong ngôi mộ của họ. Trong kim tự tháp của pharaon Tutankhamun5, các nhà khoa học đã tìm thấy một chiếc bình chứa loại bia mật ong có hương vị tương tự như bia đồng cỏ của châu Âu. Hàng chục vò gốm còn chất cặn/bã của bia được phát hiện trong lăng mộ của nhiều pharaon, như: Scorpion I 6 (thời Tiền Triều đại); Hur-Aha7; Hoặc ở mộ của các quan lại Ai Cập, như: Khonso Im-Heb8. Hình ảnh liên quan đến bia được hiển thị ở nhiều di vật cổ xưa, như: Những bức họa về lễ hội say sỉn tại đền Mut ở Luxor, hoặc nội dung nhiều chữ khắc trên cột trụ bằng sa thạch có niên đại từ năm 1470 đến năm 1460 trước CN…
      Thời cổ đại, bia là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Ai Cập, từ vua quan quý tộc đến tầng lớp bình dân, nô lệ. Không chỉ đóng vai trò lớn trong đời sống sinh hoạt, loại đồ uống lên men này còn được coi là thứ nước thánh khiết trong quan niệm tôn giáo của họ. Bia chính là sợi dây để kết nối người dân với thế giới các vị thần mà không trạng thái nào có thể thay thế. Ngày nay ít người Ai Cập dùng bia, các quan niệm tôn giáo xưa không còn tồn tại trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa tôn giáo cổ xưa vẫn luôn là niềm tự hào của người dân xứ sở những kim tự tháp về một nên văn minh lâu đời và huyền bí mà cha ông họ đã tạo dựng.

Chú thích

1 Ai Cập là tặng phẩm của sông Nile” là câu nói của nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotos (tiếng Hy Lạp: Hρόδοτος Aλικαρνασσεύς Hēródotos Halikarnāsseús). Ông sống ở thế kỷ V trước CN. Herodotos có nhiều ghi chép và tác phẩm sử học về những vùng đất ở châu Á, Âu, Phi mà ông từng du lịch qua.
2 Trong quan niệm tôn giáo Ai Cập cổ đại, Seth (Sutekh, Setekh hay Set) là một trong 9 vị thần tối cao; là vị thần của những hiện tượng thiên nhiên mà con người đương thời không giải thích được, là chúa tể của sự hỗn loạn và những cơn thịnh nộ giáng xuống nhân loại (bão cát sa mạc, động đất, nhật thực, nguyệt thực…). Tuy nhiên, Seth còn là bạn của người chết, giúp họ lên thiên đường.
3 Lịch sử Ai Cập cổ đại được chia thành 5 thời kỳ: Tảo vương quốc (khoảng 3200-3000 trước CN), Cổ vương quốc (3000-2200 trước CN), Trung vương quốc (2200-1570 trước CN), Tân vương quốc (1570-1100 trước CN) và Hậu kỳ vương quốc (thế kỷ X-I trước CN). Những con số này chỉ là tương đối, vì niên đại được đưa ra ở tác phẩm của các nhà sử học rất khác nhau.
4Hatshepsut - khoảng 1508-1458 trước CN, thuộc triều đại XVIII.
5Pharaon Tutankhamun tại vị: 1332-1323 TCN, thuộc vương triều 18 thời kỳ Tân Vương quốc (khoảng năm 1570-1544 trước CN.
 6 Scorpion I là vị vua cai trị Thượng Ai Cập trong thời Naqada III. Tại ngôi mộ của ông, hàng chục chiếc bình gốm có niên đại khoảng năm 3150 trước CN, được phát hiện bên trong có chứa chất cặn màu vàng sánh có men.
7 Hur-Aha là pharaon đầu tiên của triều đại thứ nhất giai đoạn thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập, trị vì khoảng năm 3.100 trước CN.
8 Khonso Im-Heb sống trong thời kỳ Ramesside thuộc Tân Vương quốc Ai Cập, khoảng 1.292 - 1.069 trước CN). Bên cạnh việc quản lý kho thóc, Khonso Im-Heb còn đứng đầu xưởng sản xuất bia, cung cấp đồ uống cho các nghi thức cúng tế nữ thần Mut và những vị thần của người chết.

Tài liệu tham khảo

1. Beer for the Gods (2014), https://ferrebeekeeper.wordpress.com/, 27. 01. 2014, Ngày truy cập: 15. 11. 2020.
2. Beer Was Used As Medicine And Payment In Ancient Egypt, https://www.ancientpages.com/, 11. 02. 2018, Ngày truy cập: 09. 7. 2020
3. Egypt, https://cairoscene.com/, 08. 02. 2016, Ngày truy cập: 09. 7. 2020.
4. Egyptian Brewery, https://www.ancient.eu/image, 16. 3. 2017, Ngày truy cập: 02. 11. 2020.
5. Peter Der Manuelian (1998). Egypt: The World of the Pharaohs. Bonner Straße, Cologne Germany: Könemann Verlagsgesellschaft mbH. ISBN 3-89508-913-3.62.
7. Joshua J. Mark (2017), Beer in Ancient Egypt, https://www.ancient.eu/article, 16. 3. 2017, Ngày truy cập: 09. 7. 2020.
8. John F. Nunn (2002). Ancient Egyptian Medicine, Paperback; University of Oklahoma Press, ISBN- 0806135042.
9. Taryn Smee (2018), The Ancient Egyptian Obsession with Beer, https://www.thevintagenews.com/, 27. 8. 2018, Ngày truy cập: 09. 7. 2020.
10. Skot Thayyer (2016), The history of beer in ancient Egypt, https://cairoscene.com/, 08. 02. 2016, Ngày truy cập: 09.7. 2020.
11. Tomb of Ancient Egyptian beer brewer is opened by archaeologists for the first time in 3,200 years, https://www.dailymail.co.uk/, 04. 01. 2014, Ngày truy cập: 12. 11. 2020.
12. Bùi Thị Ánh Vân (2018), “Lễ hội say sỉn đón năm mới của người Ai Cập cổ đại”, Tạp chí Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (ISSN: 1859 - 0519), Số 150 (tháng 2/2018).
13. Bùi Thị Ánh Vân (2020), Ai Cập – Lịch sử và những kiệt tác nghệ thuật, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội.


 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây