PHẬT GIÁO KIÊN GIANG VỚI CÔNG TÁC TỪ THIỆN

Thứ hai - 23/05/2022 19:19

Thư viện Thăng Long

Thư viện Thăng Long
Ban TTXH PGVN tỉnh Kiên Giang.
 
        Phật giáo Kiên Giang có ba hệ phái: Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ. Toàn tỉnh có trên 300 ngàn tín đồ, 182 cơ sở thờ tự, gần 1.500 tăng, ni. Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, những năm qua, Phật giáo Kiên Giang luôn quan tâm hướng dẫn tín đồ tích cực tham gia các phong trào yêu nước của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động. Tiêu biểu cho những phong trào đó là Tỉnh hội luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Bởi tất cả các vị tăng, ni lúc nào cũng tâm niệm rằng: “Việc từ thiện sẽ đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng cho sự phồn vinh của quê hương, đất nước, góp phần thiết thực xoa dịu niềm đau nhân thế, đưa con người đến cứu cánh an vui”, từ đó góp phần cùng nhà nước thực hiện tốt an sinh xã hội và đem lại ấm no cho cộng đồng.
 
       Phát huy tinh thần từ bi, chia sẻ nỗi đau của những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Ban Trị sự  và Ban Từ thiện xã hội tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi sự đóng góp của Phật tử từ tâm, các nhà mạnh thường quân, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia ủng hộ cho công tác từ thiện xã hội. Trong nhiều năm qua, Phật giáo Kiên Giang đã nỗ lực góp phần giải quyết những khó khăn cho đồng bào nghèo tại các vùng sâu, vùng xa, các gia đình đang trong hoàn cảnh khốn cùng, những người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ và thực hiện nhiều công việc khác như: ủng hộ xây nhà tình nghĩa cho các gia đình thuộc diện chính sách, cất nhà tình thương cho những hộ nghèo, xây cầu bê tông, giáo dục dạy nghề, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, người nhiễm chất độc da cam, khoan cây nước, tặng quà tết Trung thu, quần áo sách vở… và nhiều các hoạt động từ thiện khác rất đa dạng.
       Tính trong 3 năm (2007- 2010), Phật giáo Kiên Giang có hơn 80% các tự viện, tịnh xá, tịnh thất tham gia công tác từ thiện xã hội. Sự đóng góp của Phật giáo đã chiếm gần 50% tổng số các tôn giáo tham gia công tác từ thiện xã hội. Tổng giá trị công tác từ thiện là 79,86 tỷ đồng, chiếm gần 50% so với giá trị thực hiện chung của tất cả các tôn giáo. Những lĩnh vực Phật giáo tham gia với tỷ lệ cao như: cất nhà đại đoàn kết chiếm gần 60%; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, các hoạt động giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…chiếm 48,54%; bắc cầu, làm đường giao thông nông thôn chiếm 22,72%. Năm 2010, cất nhà đại đoàn kết hơn 240 căn, xây mới hơn 60 cây cầu bê tông, nuôi dạy trẻ mồ côi, nghèo, cơ nhỡ: 120 em, nuôi người già neo đơn: 50 cụ, ngoài ra còn quan tâm cứu trợ đồng bào nghèo, bị thiên tai, phát gạo, quà Tết, Trung thu, tập học… trị giá trên 30 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2011 tổng số tiền thực hiện từ thiện của toàn tỉnh hội là gần 22 tỷ đồng.

      Từ những kết quả nêu trên, bước đầu tỉnh hội đã rút ra một số nhận xét để làm bài học kinh nghiệm cần được phát huy trong thời gian tới:
      Một là, tính nhanh nhạy và kịp thời. Thường trực Ban Trị sự họp vào ngày 25 hàng tháng, các chủ trương kêu gọi đóng góp từ thiện nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đều được hưởng ứng kịp thời; kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm đều có xem xét đề ra nội dung vận động từ thiện nhân đạo; chức sắc trụ trì các tự viện, tịnh xá, tịnh thất đều năng động nắm bắt các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để vận động đồng bào, phật tử ủng hộ giúp đỡ.   
       Hai là, phạm vi vận động rất đa dạng, phong phú. Nhìn chung hoạt động từ thiện của Phật giáo tỉnh Kiên Giang diễn ra trên nhiều lĩnh vực  như: y tế và chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dạy nghề, bắt cầu và làm giao thông nông thôn, sửa chữa và cất nhà đại đoàn kết và các hoạt động từ thiện, nhân đạo khác như ủng hộ đồng bào bị thiên tai trong và ngoài nước, gia đình nghèo bị đau ốm, người bị nhiễm chất độc da cam, khoan cây nước, tặng quà Trung thu, tập, sách vào dịp khai giảng năm học, quần áo cho các cháu nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Có được nguồn tài chính như vừa qua, Ban Trị sự tập trung chủ yếu vận động từ các tổ chức từ thiện, chư tôn đức các nơi, quý vị hảo tâm, các doanh nghiệp, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước. Rất nhiều các nhà hảo tâm đã bớt ăn, bớt mặc để cùng với Phật giáo góp phần thực hiện an sinh xã hội; vì lòng từ bi những người con Phật đã nhường cơm, xẻ áo với mong muốn đem an lạc và hạnh phúc cho những người cùng khổ trên thế gian này.
 
           Ba là, chủ trương công tác từ thiện nhân đạo thống nhất và có tính tổ chức cao. Ban Trị sự Tỉnh hội thực hiện công tác từ thiện nhân đạo đã đi vào chiều sâu tạo ra sự thống nhất cao trong toàn tỉnh như hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh về cất nhà đại đoàn kết năm 2010, năm 2011 hỗ trợ cất nhà theo Quyết định số 167/2008/ QĐ-TTg ngày 12/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ cho đồng bào nghèo; làm cầu đường giao thông nông thôn… những cuộc vận động như vậy đều có sự trao đổi thống nhất chủ trương, biện pháp toàn tỉnh nên mang lại hiệu quả cao, nhất là quán triệt đến tất cả các trụ trì để tổ chức thực hiện. Kết quả vận động có sự chủ động phối hợp các ngành chức năng của chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; qua mỗi cuộc vận động đều có sơ kết, rút kinh nghiệm, có sự theo dõi nhắc nhở, biểu dương, tán thán công đức.
          Bốn là, tạo được hình ảnh tốt trong lòng quần chúng. Công tác từ thiện của Phật giáo có ý nghĩa xã hội sâu sắc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái và xây dựng đoàn kết cộng đồng. Những cây cầu bê tông dần được thay thế cho cầu khỉ, những mái nhà lá dần được thay thế cho mái lợp tôn… Có được mái ấm với những cây cầu nồi liền thôn ấp cần thiết như vậy đã khiến cho bà con cảm nhận được tấm lòng từ bi của các vị tăng, ni dành cho dân nghèo và thấy cuộc sống hạnh phúc nhiều hơn. Những phần quà thiết thực đó đã để lại trong lòng người dân nghèo những thiện cảm chân thành với Phật giáo. Những hình ảnh chư tăng, chư ni với chiếc áo lam, áo vàng, bên cạnh là các nhà hảo tâm, các cán bộ của chính quyền và Mặt trận Tổ quốc chân tình chia sẻ nổi khổ đau đời thường bằng tình thương yêu vô bờ bến, không phân biệt thân sơ đã để lại trong tim những người bất hạnh, khổ đau một hình ảnh đẹp khắc sâu trong lòng và chẳng dễ gì nhạt phai./.


 
 
 
 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.457- 459.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây