PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO THAM GIA CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Chủ nhật - 22/05/2022 11:37

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO THAM GIA CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Ban TTXH Phật giáo tỉnh Bình Định
 
       Công tác an sinh xã hội đã hình thành và phát triển trên thế giới từ nhiều thập kỷ qua. Tại Việt Nam, công cuộc đổi mới đất nước đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và xã hội, trong đó chính sách an sinh xã hội được nhà nước chú trọng, củng cố, hoàn thiện và phát triển, nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội.
       Một đất nước có chính sách an sinh xã hội tốt sẽ bảo đảm cho người dân có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu như: Giáo dục, Y tế, nhà ở, nước sạch, thực phẩm, thông tin,... thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và chính sách bảo trợ của Nhà nước cùng sự góp sức đắc lực của các tổ chức xã hội, trong đó Phật giáo là Tôn giáo luôn được đánh giá cao trong việc tham gia gánh vác trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, những cơ sở từ thiện của Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành, cơ sở Tự viện, Tịnh xá … đang tham gia rất tích cực trong các hoạt động nhân đạo như dạy nghề, cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người khó khăn, bệnh nhân nghèo, hỗ trợ hội người mù, người tâm thần, nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em có HIV…
        Tất cả các hoạt động thiện nguyện nầy phát xuất từ tấm lòng từ bi của người con Phật. Hai chữ từ bi của đạo Phật là ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sanh trong lục đạo, là bao dung, độ lượng, không toan tính và không phân biệt. Hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu tượng cho lòng đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ. Ngài Địa Tạng Bồ Tát với đại nguyện “ Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”. Nghĩa là Ngài sẽ không thành Phật nếu không giúp chúng sanh ra khỏi cảnh địa ngục khổ đau. Có thể nói Bi là nhân và Từ là quả của Bi. Bởi vậy, tư tưởng “đồng thể đại bi” có ý nghĩa vô cùng cao quí. Thấy người khác chết đuối như chính mình bị chết đuối, thấy người khác đói như chính mình bị đói, thấy người khác khổ như chính mình gặp khốn khó. Hỷ là cái vui của người thực hiện được pháp hành từ bi. Xả là phát tâm cho chúng sinh sự vui vẻ, loại trừ cái khổ của chúng sinh và giúp họ trong hoàn cảnh khó khăn. Làm được như thế, mọi người sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản và hoan hỷ không cần lưu giữ trong tâm thức thì đó là hạnh nguyện của Bồ Tát.
      Ngoài ra, tâm từ bi sẽ hóa giải được tất cả, cảm hóa được muôn loài và mang đến sự bình an nơi tâm hồn. Một người có tâm từ bi luôn sống và hành động trong chánh niệm, không mang đến những phiền não cho người khác. Sự có mặt của họ luôn mang đến sự bình yên, đó là hào quang an lành lan tỏa làm cho mọi người và mọi vật cảm thấy vui tươi, hạnh phúc. Đây là sự trợ giúp có giá trị rất lớn về mặt tinh thần trong đời sống của cộng đồng.
      Pháp hành từ bi, cứu khổ, ban vui là tài sản vô giá mà Đức Phật để lại cho nhân loại, do vậy mà các triều đại phong kiến ngày xưa cũng theo đó mà thực hiện để giải quyết vấn đề an sinh xã hội thời bấy giờ nhằm hỗ trợ cho người dân trong cộng đồng xã hội, thông qua những điều luật, chính sách quy định cho các làng xã phải dành riêng ruộng đất và thóc gạo để làm những công việc từ thiện. Chẳng hạn như “quả phụ điền” là ruộng lấy hoa lợi để cấp cho đàn bà góa, “trợ sưu điền” là lấy hoa lợi cấp cho những kẻ khốn khổ không có gì để nộp sưu, “cô nhi điền” là lấy hoa lợi cấp cho trẻ mồ côi, “khẩu phần điền” là loại ruộng được chia đều cho dân trong làng trồng cấy nhưng sau này lấy hoa lợi đóng góp, giúp đỡ cho những gia đình hoạn nạn, những tuần phu bị chết, bị thương trong công việc hoặc cho những người bần cùng, làm ăn thất bại, được vay không lấy lãi. Trong các phường, các ngõ ở kinh thành và các làng mạc mà có người ốm đau không nơi nương tựa, phải nằm ngoài đường hoặc ở chùa thì các quan phường xã phải đến nơi ấy làm lều cho họ, cấp cho cơm cháo, thuốc men để cứu sống, không được ngồi nhìn, mặc họ rên rỉ đau khổ. Không may họ chết thì phải trình lên quan trên để lo chôn cất, không được để phơi lộ hài cốt. Nếu làm trái, các quan phường xã phải bị xử biếm bãi. Nếu người ốm đau đến ở chùa quán không trình lên quan biết và không nuôi dưỡng thì cũng bị xử phạt. Như vậy, từ rất sớm các cơ sở Phật giáo đã tham gia tích cực vào hoạt động an sinh xã hội, cứu khổ cho con người.
 
      Ngày nay, chính sách an sinh xã hội của Việt Nam là môi trường cởi mở và dung hòa, phối hợp với các tổ chức kinh tế, các cơ sở Phật giáo để cùng tham gia gánh vác trách nhiệm an sinh xã hội, hằng năm những cơ sở Phật giáo tham gia tích cực trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo đều được Chính phủ tuyên dương và động viên nhằm phát huy tối đa tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong công cuộc hỗ trợ cộng đồng. Nói cách khác, thông qua các hoạt động tín ngưỡng tâm linh với hoạt động cứu trợ nhân đạo, Phật giáo Việt Nam đang ngày càng thể hiện rõ tính chuyên nghiệp hóa trong công tác an sinh xã hội.
 
      Để phát huy vai trò của Phật giáo tham gia công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay, trước hết ta phải nhận thấy rằng: Phật giáo đang tham gia tích cực các hoạt động cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ con người. Số tiền hàng năm Phật giáo Việt Nam chi vào các hoạt động trên lên đến ngàn tỷ. Nhưng đó chỉ được xem là những hoạt động từ thiện hay gọi là đang phát triển và chuyên nghiệp hóa như những hoạt động an sinh xã hội.

Vậy các hoạt động trong chương trình an sinh xã hội gồm những gì:
+ Hỗ trợ việc làm và thông tin thị trường lao động nhằm bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế, hỗ trợ tín dụng cho cá nhân và hộ gia đình phát triển lao động sản xuất.
+ Tạo cơ hội cho người lao động được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già.
+ Hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát như: Mất mùa, thiên tai, động đất, chiến tranh, đói nghèo.
+ Bảo trợ người khiếm thị, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, thương tật, bệnh nhân nghèo, người nhiểm chất độc màu da cam, nhiểm HIV…

       Mặt khác, công tác an sinh xã hội còn tôn trọng những giá trị của con người. Sự tôn trọng này thể hiện ở hai góc độ: tôn trọng giá trị cá nhân và tôn trọng giá trị xã hội.
+ Về giá trị cá nhân, công tác xã hội coi trọng giá trị của mỗi con người, luôn coi trọng quyền sống, quyền phát triển và sự bình đẳng giữa người với người. Công tác xã hội cũng đã khơi dậy lòng tin của con người, giúp đỡ con người bị tổn hại phục hồi lại quyền lợi và những giá trị vốn thuộc về họ. Đây đồng thời cũng là nền tảng cho công tác tăng cường năng lực khi làm việc với mỗi đối tượng yếu thế. Mỗi thân chủ dù ở trong hoàn cảnh yếu thế nào vẫn được coi là những con người, họ có quyền được nhận sự giúp đỡ, hồi phục và hòa nhập vào cộng đồng xã hội.
+ Về giá trị xã hội, chúng ta cần hiểu cách thức mà xã hội hiện đại vận hành. Đó là “xã hội có trách nhiệm và nghĩa vụ chia sẻ những nỗi đau của con người và cải thiện chất lượng sống của cá nhân và xã hội.” Công tác an sinh xã hội tôn trọng giá trị xã hội cũng tức là tuân theo cách thức vận hành của nó, là hỗ trợ thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của xã hội đối với những cá nhân yếu thế.
      Chương trình chính sách an sinh xã hội nêu trên mang tính chuyên nghiệp nhằm thúc đẩy sự thay đổi xã hội, việc giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ con người và sự tăng quyền lực và giải phóng người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Xét về mặt triết lý, công tác an sinh xã hội xuất phát từ các lý tưởng nhân văn và dân chủ. Các giá trị của nó dựa trên cơ sở tôn trọng sự bình đẳng, phẩm giá, và sự xứng đáng của mọi dân tộc. Với ý nghĩa đó, công tác an sinh xã hội hướng tới việc đáp ứng nhu cầu và phát triển tiềm năng của con người. Hai yếu tố trọng tâm của an sinh xã hội là nhân quyền và công bằng xã hội. Những giá trị và nguyên tắc cơ bản nêu trên là những yếu tố nền tảng xác định công tác an sinh xã hội chuyên nghiệp được thống nhất chung trên toàn thế giới trong bối cảnh hiện đại.
 
       Đây là cơ sở để chúng ta xem xét mối quan hệ giữa công tác an sinh xã hội của nhà nước và hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo trong bối cảnh xã hội hiện đại. Nhìn chung các hoạt động nhân đạo của Phật giáo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt đề cao giá trị con người, đồng thời thể hiện lòng từ bi và sự chia sẻ xã hội lớn lao để cùng gánh vác những khó khăn của các cá nhân, nhóm, cộng đồng yếu thế. Về cơ bản, những hoạt động từ thiện của Phật giáo đều kết hợp được nguyên lý bảo toàn giá trị con người và giá trị xã hội thông qua việc huy động nguồn lực cộng đồng để hỗ trợ những cá nhân, nhóm, cộng đồng cụ thể đang cần sự giúp đỡ. Tất cả đều có một điểm chung là hỗ trợ đối tượng yếu thế trong xã hội, cùng là một nhiệm vụ quan trọng, một công cụ đắc lực để thúc đẩy tiến bộ xã hội.
      Có thể nói rằng, vai trò của Phật giáo tham gia công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay là vô cùng tích cực, luôn sẳn sàn tham gia góp sức cùng các tổ chức liên ngành, liên lĩnh vực và luôn phát huy tính chuyên nghiệp để gánh vác trách nhiệm bảo trợ xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân./.
 

Tác giả: Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.1507-511.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây