Việc tìm hiểu cội nguồn của ý thức thẩm mỹ trên quan điểm của chủ nghĩa Mác về hình thái ý thức xã hội đã chứng minh một cách đúng đắn rằng sự lớn dậy của những lực lượng bản chất của con người, trong đó phải kể đến các năng lực cảm giác, cảm xúc chủ quan của con người, đã được hình thành từ trong lao động thực tiễn. Những năng lực này đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh ra nghệ thuật, đồng thời đã tác động đến các hoạt động của con người trong suốt tiến trình lịch sử.
Ý thức thẩm mỹ là một cơ sở của sáng tạo nghệ thuật được thức tỉnh sớm nhất trong các năng lực sáng tạo nghệ thuật của con người. Nguồn gốc làm xuất hiện ý thức thẩm mỹ là hoạt động lao động của con người. Trong hoạt động có tính mục đích, con người đã tạo ra chính mình trong việc xác lập kiểu quan hệ chủ thể - đối tượng. Sự hình thành và phát triển kiểu quan hệ này là một quá trình mang bản chất người trong tính lịch sử của nó. Quan hệ chủ thể - đối tượng là cơ sở, là điều kiện hình thành chủ thể thẩm mỹ và đối tượng thẩm mỹ tương ứng với nó. Quá trình lao động sản xuất của con người đã sản sinh ra một đối tượng cho chủ thể và ngược lại, cũng sản sinh ra một chủ thể cho đối tượng. Trong hoạt động của mình, chủ thể thẩm mỹ, liên tiếp sản sinh ra đối tượng thẩm mỹ và trong quan hệ sinh thành, đã tiếp nhận được những đặc tính thẩm mỹ từ đối tượng. Đây chính là quá trình tạo lập bản chất người và do đó, nó phản ánh những năng lực và hình thành các lực lượng bản chất ở con người.
Quá trình nảy sinh ý thức thẩm mỹ cần được khảo sát trước hết ở quá trình sáng tạo công cụ của người tiền sử. Từ xa xưa, người nguyên thuỷ đã biết chế tạo công cụ phục vụ cho những nhu cầu cơ bản của mình là nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Điều này cho phép chúng ta nhìn nhận một cách biện chứng hơn về cơ sở của hai nhân tố vật chất và tinh thần trong hoạt động con người. Trong hoạt động con người, nhu cầu vật chất đi trước, nhưng ngay sau đó và đồng thời với nó, nhu cầu tinh thần được nảy nở; chúng luôn tác động qua lại lẫn nhau, làm tiền đề và ảnh hưởng tới sự phát triển của nhau trong mọi hoạt động của con người.
Trong những giai đoạn đầu của lao động thích nghi, người nguyên thủy vẫn chưa đạt tới hình thức sản xuất đặc thù của xã hội. Bởi vậy, hình thức nguyên thủy của ý thức được tìm kiếm trong chính quá trình người nguyên thủy sử dụng các vật có sẵn trong tự nhiên làm công cụ. Còn trong tính “hiện thực trực tiếp” của nó, ý thức được khảo cứu thông qua đặc trưng ngôn ngữ, lúc đầu là ngôn ngữ cử chỉ, chỉ dẫn. Động tác chỉ dẫn cho nhau, trong lao động tập thể thích nghi, bao hàm một sự đồng hóa hoàn toàn giữa các chủ thể; họ chỉ dẫn cho nhau đối tượng trong nỗ lực chung của mình[1].
Sự lặp lại bền vững trong hành vi lao động thích nghi của loài, bầy đàn nguyên thủy ở trình độ cao hơn đã dẫn đến sự hình thành một thứ ngôn ngữ chỉ dẫn trực tiếp - thao tác chỉ dẫn trực tiếp từ xa hướng thẳng tới đối tượng và trong chiều ngược lại cho chính mình. Nhờ đó, con người có khả năng cảm giác được tính bề mặt của đối tượng. Với tính chất này, người tiền sử dần dần có khả năng ghi nhớ trong đầu hình ảnh về con mồi, và xa hơn, có thể tái hiện hình ảnh ấy bằng hình thức ký ức còn phôi thai trong những điều kiện đối tượng vắng mặt, như khi bầy đàn không còn bị hối thúc bởi hành vi sinh tồn trực tiếp, mà là những hoạt động sinh hoạt có tính chất “công xưởng” trong hang động cư trú của mình.
Trong lao động thích nghi, vai trò của bộ não người nguyên thủy dần dần gia tăng. Vai trò của não bộ càng được gia tăng với sự tích tụ kinh nghiệm trong thao tác ghè đẽo để vượt qua thói quen sử dụng đá sắc có sẵn trong tự nhiên làm công cụ lao động. Thao tác ghè đẽo các cạnh sắc hay mài nhẵn tất cả các mặt của công cụ chính là quá trình gia công phần hữu ích của công cụ và là quá trình tạo lập ở con người thói quen ngắm nghía, tu chỉnh và hoàn thiện đối tượng (công cụ). Thói quen đó dẫn đến những trình độ người trong các kỹ năng điều hòa, tạo nên sự đăng đối, cân xứng. Sự lặp lại các thao tác ngắm nghía, tu chỉnh và hoàn thiện đối tượng, cùng sự trang trí cho đối tượng là những mắt khâu chuẩn bị cho sự ra đời của ý thức thẩm mỹ ở người nguyên thủy, là điều kiện cho phép họ gắn kết cái đẹp với cái có ích trong hoạt động của mình và qua đó, giúp hoạt động của họ chuyển dần sang hoạt động lao động sản xuất. Con người với tư cách vừa là kết quả, vừa là chủ thể của quá trình lao động sản xuất đã bước ra từ chính quá trình đó - quá trình dần dần xóa bỏ hình thức tự nhiên của công cụ bằng đá. Đó là hành vi sản xuất của loài người, bởi lao động sản xuất đánh dấu việc con người tách khỏi tự nhiên với tư cách là người chế tác công cụ lao động theo quy luật của cái đẹp. Tình trạng này làm cho bản thân các quá trình hoạt động của con người sớm đi vào một cấu trúc hài hoà. Và trong sự phát triển của các hình thái tiếp theo của xã hội loài người, cấu trúc hài hoà luôn là chuẩn mực đối với các hoạt động nói chung của con người.
Tuy nhiên, việc chế tác công cụ của người tiền sử không dừng lại ở giai đoạn này (giai đoạn chế tác công cụ phục vụ trực tiếp cho thao tác lao động chân tay: cái rìu, cái để nạo đá, khoan đá…). Chính trong hoạt động lâu dài đó, con người đã sản sinh cùng lúc hai đối tượng cho chủ thể: đối tượng trước mắt và đối tượng lâu dài. Đối tượng lâu dài tiềm ẩn bên trong mà bền vững, làm nên động lực thôi thúc người tiền sử. Đó là quá trình tích tụ kinh nghiệm, sự tăng trưởng của các khả năng qua rèn luyện, là mục đích riêng của con người đang tìm cách vượt lên một chặng mới của lao động thích nghi phổ biến. Nói cách khác, đó là đối tượng của hoạt động ý thức, của nhu cầu nhận thức của con người đang lớn dậy không ngừng- những tri thức. Đến đây, người tiền sử đã nâng mình lên ở trình độ của thao tác công cụ tính của hành vi ý thức, tư duy. Giai đoạn này phản ánh rõ nét hơn những cách thức mà bầy đàn nguyên thủy tìm kiếm để dẫn dắt loài người thực hiện được hành vi lao động phổ biến. Muốn vậy, loài người phải trải qua những thời kỳ vượt lên những giới hạn thích nghi động vật, cải biến vật chất các khả năng người, đáp ứng lao động thích nghi phổ biến, vươn tới những hành vi của chủ thể sáng tạo và trở thành chủ thể sáng tạo ở cả hai lĩnh vực vật chất và tinh thần để từ đó, các đối tượng cho nó và vì nó được liên tiếp sản sinh ra và trở thành hành trình có tính phổ biến ở loài người.
Trải qua nhiều thế kỷ, lao động của người tiền sử qua hai giai đoạn chế tác và đào luyện công cụ đã tạo ra sự tích tụ và giải phóng những năng lực của con người, đưa con người vượt qua chặng đường mông muội bằng chính hoạt động tự đào luyện, tự phát triển, tự giáo dục của các giác quan (C.Mác). Cấu tạo của các giác quan con người dần trở nên hoàn chỉnh hơn. Bên cạnh việc đào luyện các giác quan phục vụ cho hoạt động nhận thức giới tự nhiên, hai giai đoạn chế tác và đào luyện công cụ cũng đã đem lại cho con người một năng lực có thể biểu hiện mình, mở đường cho quá trình con người tự nhận thức mình sau này. Năng lực này đặc biệt quan trọng, bởi nó rèn luyện cho con người khả năng biết giao cảm, biết chuyển nhập mình một cách tinh tế, biết biểu hiện mình dưới những hình thức vật chất (như năng lực “vật thể hóa” trong sáng tạo nghệ thuật).
Trong giai đoạn đào luyện công cụ tính phục vụ trực tiếp cho thao tác nhận thức, tư duy, các cách thức dường như lặp lại giai đoạn chế tác công cụ (công cụ phục vụ trực tiếp thao tác lao động chân tay), mặc dù ở một trình độ cao hơn. Đó là việc dùng những công cụ trung gian (chẳng hạn, những mũi nhọn dùng để vẽ và chạm khắc) để tạo ra công cụ - một hình thức tạo công cụ rất điển hình ở loài người. Tuy nhiên, bản thân khái niệm công cụ ở đây không đồng nhất với hình thức công cụ được hoàn thiện toàn phần trên vật thể tự nhiên của giai đoạn đầu, mà nó đã mang hình thức công cụ tính của tư duy con người, từ đó dẫn đến sự thống nhất trong ngôn ngữ, giao tiếp bầy đàn và hơn nữa, việc xác lập một phương thức tư duy mới - tư duy hình tượng, tạo điều kiện cho xã hội nguyên thủy phát triển lên một trình độ cao hơn.
Nhờ có được công cụ tính - hình tượng của những con vật được mô tả bằng các hình vẽ trên vách hang động cư trú - mà toàn bộ những kinh nghiệm và nội dung cần phản ánh của con người có được một hình thức thể hiện trực tiếp của mình - ngôn ngữ hình tượng.
Trong giai đoạn kế tiếp, các hình tượng con vật được con người nắm bắt tốt hơn; sự khéo léo giúp cho con người bước vào giai đoạn tập làm chủ các thao tác thuộc kỹ năng thẩm mỹ và óc thẩm mỹ bắt đầu nảy nở từ những thao tác này. Thoạt đầu, sự mô tả của hoạt động có ý thức đem lại những hình thức của bản thân các sự vật, hiện tượng giống như sự tồn tại của chúng trong thế giới khách quan - tính chất giống thực, trực quan. Và như vậy, người nguyên thuỷ đối xử với những hình ảnh được miêu tả cũng như với hiện thực vậy. Đối với họ, những hình ảnh mô tả mang tính hiện thực thực sự, bởi bản thân hoạt động mô tả đã được nhập vào cấu trúc của quan hệ vụ lợi, thực dụng. Ý thức của họ chưa tách đối tượng hiện thực ra khỏi hình ảnh về nó. Để phân biệt chúng về mặt chủ quan thì thực tiễn và kinh nghiệm của một giai đoạn tạc vẽ, mô tả nhất định vẫn chưa đủ. Trong điều kiện quỹ thời gian và sinh lực có hạn, sự vượt qua yếu tố vụ lợi trong hoạt động miêu tả là một quá trình rèn luyện lâu dài, dẫn tới chỗ bản thân hoạt động miêu tả xuất hiện khả năng thoát ly khỏi tính chất giống thực của lối tả thực.
Việc xử lý có tính chất kỹ thuật - thẩm mỹ những khoảng cách giữa các hoạ tiết hoa văn đem lại sự hứng thú cho hoạt động trang trí, tạo nên những nội hàm ứng xử - thẩm mỹ chủ quan về tiết tấu và nhịp điệu. Còn bản thân các hoạ tiết hoa văn phản ánh khả năng xử lý các hình thức không gian dựa trên các đường, cạnh, hình, khối, chấm, điểm,… Đó chính là quá trình làm nảy sinh hoạt động mô tả gián tiếp trên cơ sở thoát ly dần những hình tượng của hoạt động mô tả dựa trên quan hệ vụ lợi. Khảo sát các hình vẽ, người ta có thể hiểu rõ mối quan hệ giữa vụ lợi và thẩm mỹ.
Yếu tố kinh nghiệm trong quá trình lao động mô tả rõ ràng là có khả năng làm trung gian đem lại những thủ pháp có tính chất siêu kinh nghiệm như sự ước lệ, cách điệu, tượng trưng và cao hơn cả là sự hư cấu. Muốn vậy, yếu tố kinh nghiệm cần phải kết hợp với việc đối tượng bên trong đang dần trở thành xu hướng chủ đạo (Đối tượng bên trong được hiểu là đối tượng của nhận thức, tri thức, tức là hành vi con người muốn trở thành một chủ thể - một tồn tại phổ quát sẽ lấy chính hoạt động sinh tồn của mình làm đối tượng cho mục đích nhận thức, ý thức. Đối tượng bên trong còn được hiểu là thế giới bên trong, mặt chủ quan của con người và ý thức của con người về chính mình ngày một rõ nét). Sự kết hợp đó sẽ làm tăng khả năng xử lý có tính chất kỹ thuật - thẩm mỹ, khiến cho ý thức con người vượt lên giới hạn công cụ tính của hình tượng để dần có khả năng tách ra khỏi những quan hệ vụ lợi trong phản ánh lĩnh vực tinh thần - tình cảm. Vì vậy, ngay khi có được khả năng của ý thức tách ra khỏi những quan hệ vụ lợi, thì con người đã có được một phương tiện hữu ích vừa đảm bảo chức năng giao tiếp xã hội, vừa đảm bảo chức năng phát triển những năng lực sáng tạo cá nhân - phương thức tư duy hình tượng thẩm mỹ (nghệ thuật). Phương thức tư duy mà con người có được dựa trên ngôn ngữ hình tượng có khả năng lưu giữ bền vững không chỉ các kinh nghiệm xã hội, mà cả yếu tố khát vọng - cơ sở của trí tưởng tượng, sức sáng tạo.
Phương thức tư duy hình tượng và phương thức tư duy hình tượng thẩm mỹ (nghệ thuật) - là những hình thức tư duy tổng hợp đầu tiên mà ý thức xã hội loài người có được, như là thứ ngôn ngữ chủ quan của thế giới khách quan đã được phản ánh và được cải biến, được đầu óc con người quán triệt theo phương thức riêng của nó. Phương thức tư duy hình tượng nghệ thuật là sự biểu hiện tập trung và phản ánh đỉnh cao của quan hệ thẩm mỹ theo “quy luật của cái đẹp”. Ở đây, phương thức tư duy hình tượng thẩm mỹ không hoàn toàn đồng nhất với phương thức tư duy hình tượng nghệ thuật, vì ở phương thức tư duy hình tượng thẩm mỹ còn có nhiều hình vẽ chưa đạt tới tư duy nghệ thuật, mặc dù nó đã hướng trực tiếp tới các giá trị thẩm mỹ hơn là còn bị lệ thuộc trong quan hệ vụ lợi - thẩm mỹ.
Như vậy, việc làm rõ cơ sở lao động của hai giai đoạn chế tác và đào luyện công cụ của người tiền sử cho thấy, giai đoạn con người đào luyện công cụ phục vụ trực tiếp cho thao tác tư duy trí tuệ cần được nhìn nhận như một giai đoạn trung gian giữa giai đoạn con người trở thành chủ thể của tiến trình chế tác - kinh nghiệm và giai đoạn con người là chủ thể sáng tạo nghệ thuật - nghệ sĩ. Đồng thời, chính trong hoạt động lao động của hình thức “công trường trung gian” này mà con người đã cải biến các khả năng của vượn người thành con người thực thụ - con người xã hội, chủ thể sáng tạo và chủ thể thẩm mỹ tạo ra chất mới trong quan hệ với giới tự nhiên (quan hệ thẩm mỹ). Thấy được hai giai đoạn đào luyện công cụ và công cụ tính chính là thấy được cơ sở của bước đi lịch sử của loài người - đi đến sinh tồn bằng trí tuệ.
Tuy nhiên, việc phát hiện ra “đối tượng bên trong” với tư cách là cơ sở làm nảy sinh ý thức thẩm mỹ cho thấy, bước đi lịch sử của loài người không chỉ đi đến sinh tồn bằng trí tuệ, mà còn sinh tồn bằng mọi cảm giác, cảm xúc của chính mình. Bởi vì, đặc điểm sức mạnh của mỗi con người chính là cái cách thức riêng của sự tồn tại sinh động của họ. C.Mác viết: “Tính độc đáo của mỗi lực lượng bản chất chính là bản chất độc đáo của nó, do đó là phương thức đối tượng hoá độc đáo của nó, là phướng thức tồn tại đối tượng hoá có tính chất hiện thực, sinh động của nó. Cho nên con người tự khẳng định mình trong thế giới đối tượng không phải chỉ trong tư duy, mà cả bằng tất cả các cảm giác”[2]. Với ý nghĩa đó, tư duy hình tượng, khởi nguồn đã là một loại tư duy kép: loại tư duy vừa phát triển năng lực khái quát hoá, trừu tượng hoá hình tượng, vừa gắn với cảm giác, cảm xúc qua các giác quan. Tư duy gắn với cảm giác, cảm xúc qua các giác quan không phải là loại “đơn trị”, mà luôn được nhân lên theo sự phong phú của quá trình đối tượng hóa bản chất người. Như C.Mác đã viết: “Sự đối tượng hóa bản chất con người là tất yếu - xét về phương diện lý luận cũng như về phương diện thực tiễn - để một mặt nhân hóa cảm giác của con người, và mặt khác tạo ra cảm giác con người tương ứng với toàn bộ sự phong phú của bản chất con người và tự nhiên”[3].
Rõ ràng, quá trình phong phú hóa các mối quan hệ vật chất xã hội, đa dạng hóa bản chất con người đã đẩy nhanh quá trình phong phú hoá tính cảm giác chủ quan của con người. C.Mác viết: “Chỉ có nhờ sự phong phú đã được phát triển về mặt vật chất, của bản chất con người, thì sự phong phú của tính cảm giác chủ quan của con người mới phát triển và một phần thậm chí lần đầu tiên được sản sinh ra: lỗ tai thính âm nhạc, con mắt cảm thấy cái đẹp của hình thức, - nói vắn tắt là những cảm giác có khả năng về những sự hưởng thụ có tính chất người và tự khẳng định mình như những lực lượng bản chất của con người”[4]. Nói đến tính cảm giác chủ quan là nói đến cảm xúc, trí tưởng tượng và trực giác sáng tạo. Chúng đóng vai trò quan trọng đối với sự sản sinh ra nghệ thuật và là cái tạo nên sự phản ánh, sự nhận thức, sự sáng tạo, sự hưởng thụ có tính người và cả tâm lý con người. Sự đối tượng hóa bản chất người trong lịch sử lao động sản xuất chính là cơ sở mở ra tâm lý con người.
Ý thức về cái đẹp hình thức và ý thức về sự hưởng thụ cái đẹp có tính chất người là những bằng chứng của ý thức thẩm mỹ. Trong Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, khi tìm cách làm sáng rõ cội nguồn của ý thức, GS. Trần Đức Thảo đã viết: “ Ý thức được trình ra cách đồng nhất là ý thức về đối tượng và ý thức về mình. Là ý thức về đối tượng, nó là hình ảnh của đối tượng được đặt như là ở bên ngoài nó. Như là ý thức về mình, nó là hình ảnh của hình ảnh ấy hoặc hình ảnh của chính nó trong chính nó”[5]. Ở giai đoạn đầu của quá trình nảy sinh “đối tượng bên trong” cũng như quá trình hình thành ý thức thẩm mỹ ở loài người, ý thức thẩm mỹ, trong tính đặc thù của nó, cũng đã tạo ra một cấu trúc trong quan hệ thẩm mỹ giữa ý thức thẩm mỹ về đối tượng và cảm xúc thẩm mỹ làm nên tính cảm giác chủ quan trong con người. Ý thức thẩm mỹ về đối tượng chính là cảm giác xác thực về hình ảnh của đối tượng được đặt như là ở bên ngoài nó, và trong chiều ngược lại, như là ý thức thẩm mỹ về mình - tính cảm giác chủ quan với cảm xúc thẩm mỹ, trí tưởng tượng, trực giác sáng tạo luôn nuôi dưỡng những sự hưởng thụ có tính chất người.
Như vậy, việc tìm hiểu cội nguồn của ý thức thẩm mỹ trên quan điểm của chủ nghĩa Mác về hình thái ý thức xã hội đã chứng minh một cách đúng đắn rằng sự lớn dậy của những lực lượng bản chất của con người, trong đó phải kể đến các năng lực cảm giác, cảm xúc chủ quan của con người, đã được hình thành từ trong lao động thực tiễn. Những năng lực này đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh ra nghệ thuật, đồng thời đã tác động đến các hoạt động của con người trong suốt tiến trình lịch sử./.
[1] Xem: Trần Đức Thảo. Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1996.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.175.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.176.
[4] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.175 -176.
[5] Trần Đức Thảo. Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. Sđd., tr. 34 -35.
Tác giả: Nguồn: Triết học, số 3 (130), tháng 3 - 2002 và philosophy.vass.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn