KHÁI LƯỢC CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ

Thứ tư - 20/07/2022 21:57

KHÁI LƯỢC CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ

TS. Ngô Sách Thực & TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh - Ủy ban Trung Ương MTTQ Việt Nam.


      1- Triều Lý
     Thời Lý, Phật giáo được nhà nước đề cao hơn so với các tôn giáo khác. Lý Công Uẩn lên ngôi nhờ sự hậu thuẫn của các sư tăng, vì thế sau khi lên ngôi nhà vua đã cho dựng nhiều chùa, ban bố nhiều chính sách ưu đãi với Phật giáo. Sử cũ chép về Phật giáo thời Lý như sau: "Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đó đã dựng chùa ở phủ Thiên Đức... dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền"[1]. Ruộng đất của nhà chùa và kinh tế nhà chùa chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội thời Lý. Năm 1088, nhà nước còn đặt chức quan "Đề cử" để giúp các nhà sư quản lý ruộng đất[2]. Các công trình Phật giáo lớn được xây dựng ở kinh thành Thăng Long như chùa Diên Hựu, tháp Báo Thiên,...
Bên cạnh đó, các tôn giáo như Đạo giáo, Nho giáo đã được truyền vào nước ta từ thời Bắc thuộc tiếp tục có những ảnh hưởng nhất định trong đời sống nhân dân và cả trong cung đình. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long. Đến năm 1075, nhà nước mở khoa thi Minh kinh đầu tiên. Trong dân gian Nho giáo được từng bước phát triển, thông qua các kỳ thi Nho giáo mà những người dân đã có cơ hội được tham gia vào bộ máy quản lý. Đạo giáo do có xu hướng hoà vào các tín ngưỡng cổ truyền của người dân hoặc ẩn vào trong các sinh hoạt của Phật giáo nên được người dân dễ chấp nhận và ưa chuộng.
      Các tín ngưỡng cổ truyền giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân. Các tục thờ cúng nguyên thuỷ, bái vật giáo còn phổ biến, bên cạnh đó là các tục thờ cúng tổ tiên, thờ các danh nhân có công với làng xã, với đất nước. Các công trình  tiêu biểu ở kinh thành Thăng Long thời kỳ này có: đền thờ Hai Bà Trưng, đến thờ Phùng Hưng, đền Bạch Mã, đền Đồng Cổ. 

2- Triều Trần

     Nho giáo thời kỳ này được nhà nước đề cao. Theo lệ của nhà Lý, năm 1227 nhà Trần mở khoa thi Tam giáo tử. Đến năm 1232 mở khoa thi Thái học sinh, từ đó các kỳ thi được mở khoảng 7 năm một khoa, nội dung thi thường là các sách của Nho gia. Giáo dục và thi cử Nho giáo được phổ biến rộng và đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước như Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Năm 1243, nhà nước trùng tu Quốc Tử giám. Đến 1253 lập Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và á thánh, vẽ tranh 72 người hiền để thờ.
    Cùng với Nho giáo, Phật giáo cũng chiếm ưu thế trong tam giáo. Ba vị vua đầu tiên thời Trần là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông là những người có kiến thức Phật học ở trình độ cao. Đặc biệt vua Nhân Tông đã xuất gia tu hành và là một trong những người sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm nổi tiếng. Các vua Anh Tông, Minh Tông đều hết lòng bảo trợ Phật giáo. Triều đình cho in nhiều sách Phật giáo, trong dân gian cũng như trong hàng ngũ quan lại quý tộc có rất nhiều người sùng Phật, "thiên hạ năm phần thì sư tăng chiếm một"[3]. Các chùa lớn có ruộng đất riêng và áp dụng chế độ Tam bảo nô của nhà nước, đây là sự bảo đảm cho kinh tế nhà chùa và sự phát triển của Phật giáo. Năm 1295, vua Anh Tông cho người sang nhà Nguyên thỉnh Đại Tạng kinh, đến  năm 1319 thì cho khắc in. Tuy nhiên cuối đời Trần, do tình hình chính trị xã hội không ổn định nên Phật giáo không còn được sự ủng hộ của nhà nước như trước. Năm 1381, vua Trần Phế Đế lệnh bắt những tăng sĩ không có độ điệp sung vào quân đội.
     Đối với Đạo giáo, triều Trần đặt ra các chức Đạo lục, Uy nghi, Đô quan, lập ra cung Thái Thanh là chỗ sinh hoạt Đạo giáo của triều đình tại kinh đô Thăng Long. Vua Trần Thái Tông cũng đã từng làm lễ cầu tự ở cung Thái Thanh. Một số đạo sĩ người Trung Hoa do loạn lạc đã chạy sang nước ta lánh nạn và đã có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của Đạo giáo giai đoạn này như Hứa Tông Đạo. Ông đã có những ảnh hưởng đối với một số nhân vật trong hoàng tộc triều Trần như Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tuấn, Trần Ích Tắc.
     Thời Lý - Trần được coi là thời kỳ "tam giáo đồng tôn" (cả ba tôn giáo Phật, Đạo, Nho đều được coi trọng). Chỉ đến cuối thời Trần mới nẩy sinh những phê phán Phật giáo khá mạnh mẽ trong giới nho sĩ.

3- Triều Hồ và thời kỳ thuộc Minh

      Năm 1397, Quý Ly cho xây kinh đô mới ở An Tôn (Vĩnh Lộc- Thanh Hóa) rồi sau đó bắt vua dời vào ở đây, làm lễ nhường ngôi cho con mới 3 tuổi là Thiếu đế. Cũng năm này, Quý Ly cho đổi trấn Thanh Hóa làm trấn Thanh Đô. Từ năm 1400, Quý Ly truất ngôi vua Trần, tự lập làm vua, đổi sang họ Hồ, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu. Sau đó cho dời đô vào An Tôn (Tây Đô).
     Do triều Hồ tồn tại quá ngắn ngủi nhưng cũng đã để lại một số dấu ấn trong các chính sách của mình đối với các tôn giáo tín ngưỡng. Về mặt tư tưởng, Hồ Quý Ly là một nhà nho không mấy cảm tình với Phật giáo. Phật giáo đến thời Hồ tiếp tục phải chịu những phê phán khá mạnh mẽ từ phía các nhà nho. Vào năm 1396 Hồ Quý Ly đã ra lệnh sa thải bớt tăng đồ, ai chưa đến 50 tuổi đều phải hoàn tục[4].
     Địa vị của nho giáo được củng cố. Năm 1402, nhà Hồ tổ chức tế giao, một nghi lễ theo thể chế Nho giáo Trung Hoa và cũng với lễ tế giao này nhà Hồ muốn khẳng định tính chính đáng của ngôi vua (Thiên mệnh). Nhưng bên cạnh đó nhà Hồ cũng hạn chế tư tưởng Tống nho cứng nhắc, không phù hợp với xã hội Đại Việt. Trong giáo dục khoa cử, nhà nước đưa thêm nội dung toán học vào các kỳ thi, khiến cho nội dung thi thiết thực hơn trước.
    Đạo giáo thời Hồ được nhắc đến trong một số sự kiện lịch sử. Năm 1398,  Hồ Quý Ly cho xây cung Bảo Thanh ép Thuận Tông nhường ngôi cho con nhỏ để ra đó tu tiên. Năm 1399 Quý Ly sai người giết Thuận Tông tại quán Ngọc Thanh (Đông Triều).
     Trong những năm đất nước nằm dưới ách đô hộ của giặc Minh, bên cạnh bộ máy hành chính, Nhà Minh còn lập ra nhiều cơ quan thu thuế, nhiều cơ quan văn hóa, tôn giáo và các vệ sở. Các nha môn vệ sở này ngày càng tăng cường vơ vét tài nguyên của cải vừa đồng hóa về văn hóa. Về phương diện xã hội, văn hóa, chính sách của nhà Minh là nhằm thủ tiêu nền văn hóa lâu đời của dân tộc ta và đồng hóa về mặt phong tục tập quán. Trong cuộc tấn công xâm lược nước ta, được lệnh của thiên triều, quân đội Minh đã tìm mọi cách tiêu hủy những di sản văn hóa  của nước ta bằng cách đốt hết sách vở, đập bia đá.

4- Triều Lê

    Tháng 4 năm 1428 Lê Lợi chính thức lên làm hoàng đế ở Đông Kinh (Thăng Long), lấy lại tên nước là Đại Việt, mở ra triều đại nhà Lê (Lê sơ hay Hậu Lê). Lúc này cả nước được chia làm 5 đạo, dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu, xã. Đến năm 1471 nhà Lê mở rộng thêm đất nước ra vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đếm đèo Cù Mông, lập ra thừa tuyên Quảng Nam. Đến năm 1490, cả nước gồm 13 đạo thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã[5].
      Nho giáo được triều Lê chọn làm hệ tư tưởng chính thống của nhà nước. Ngay sau khi giành được chủ quyền, năm 1428 Lê Lợi đã cho dựng lại Quốc tử giám ở kinh đô, mở các trường học ở các lộ, giáo dục được mở rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Năm 1429, khoa thi Minh kinh được[6] tổ chức tại Thăng Long, đến năm 1442 thì tổ chức khoa thi hội đầu tiên tại kinh đô. Việc tu bổ Văn Miếu -  Quốc tử giám được các triều vua Lê thực hiện đều đặn. Năm Tân Mùi (1511) vua Lê Tương Dực một lần nữa cho sửa lại điện Sùng nho ở Quốc tử giám và 2 giải vũ, 6 gian nhà Minh luân, phòng bếp, phòng kho, làm mới 2 nhà bia ở bên đông và tây, mỗi gian để một tấm bia: đó là 2 tấm bia đề tên tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505) và Mậu thìn năm Đoan Khánh thứ 4 (1509), sai Đông Các Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên Đỗ Nhạc làm bài ký[7]. Dưới thời Lê, việc chú trọng khoa cử Nho giáo cùng với việc ban bố các quy định về lễ giáo của nhà nước đã khiến cho Nho giáo chiếm ưu thế hơn so với Phật giáo. Các nghi lễ triều đình theo nghi thức Nho giáo thường xuyên được tổ chức như  tế Tôn miếu, tế Giao, tế Xã Tắc, tế Danh sơn đại xuyên, tế Khổng Tử,...
      Sau chiến tranh, Phật giáo bị ảnh hưởng khá nặng nề. Các ruộng đất cũ của nhà chùa bị tản mát, lấn chiếm. Nhà nước cũng có những chính sách hạn chế sự phát triển của Phật giáo, sau khi lên ngôi Lê Thái Tổ đặt lệ thi tăng nhân, những người trên 50 tuổi và thông hiểu giáo lý mới được công nhận, những người không đạt đều bắt hoàn tục. Năm 1461, nhà nước cấm quan lại, nhân dân không được xây thêm chùa quán mới. Dưới thời Lê Sơ, Phật giáo bị hạn chế nên các chùa tháp không được xây dựng thêm mấy ở Kinh đô, chủ yếu là trùng tu một số chùa tháp cũ. Các hoạt động quá mức của Đạo giáo cũng bị ngăn cấm. Luật Hồng Đức có điều cấm ban đêm những dân ở trong kinh thành đánh trống la hò (như đồng bóng bắt ma). Năm 1471 Lê Thánh Tông đặt ti Tăng lục và Đạo lục nhằn quản lý hoạt động của sư tăng và đạo sĩ[8].
      Thờ cúng trong dân gian cũng được nhà nước tổ chức sắp xếp lại. Các viên quan dùng phép thuật Đạo giáo trấn yểm trong cung bị trừng phạt, những phong tục dân gian không cò phù hợp  với Nho giáo bị nghiêm cấm. Việc thờ cúng thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp bị hạn chế, chủ yếu chỉ cho phép thờ các anh hùng dân tộc như thờ các vị anh hùng dân tộc, các vị có công với làng xã.

5- Nhà Mạc

     Sang đến thời Mạc, Nho giáo vẫn được đề cao. Năm 1529, Mạc Đăng Dung mở khoa thi Hội, từ đó cứ 3 năm tổ chức một khoa thi. Ở các tổng, huyện đều lập các hội Tư văn, Văn miếu. Trong 66 năm tồn tại của nhà Mạc, do chiến tranh, loạn lạc nên ý thức hệ chính trị Nho giáo bị khủng hoảng, Phật giáo và Đạo giáo có cơ hội hưng thịnh trở lại. Thời Mạc tam giáo song hành, nhiều chùa tam giáo được dựng lên. Nhà Mạc sửa chữa khá nhiều chùa quán như: chùa Phổ Minh, chùa bối Khê, quán Linh Tiên, đền Đế Thích... Thời Mạc. Nhà Mạc cũng khoan cung với Công giáo, một tôn giáo lần đầu tiên từ phương Tây xâm nhập vào. Các vua Mạc không cấm đạo, đối xử tốt với các giáo sĩ truyền giáo.

6- Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh

     Năm 1592, quân Nam triều dưới sự lãnh đạo của họ Trịnh đã chiếm được Thăng Long, nhà Mạc đổ. Đất nước tồn tại hai thế lực: Vua Lê- Chúa Trịnh đằng ngoài và Chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
   Thế kỷ XVII - XVIII, mặc dù bị suy thoái, Nho giáo thời Lê Trịnh vẫn được coi là nền tảng tư tưởng chính của giai cấp thống trị. Hệ thống thờ cúng theo Nho giáo vẫn được các vua Lê duy trì hàng năm cúng tế. Năm 1663, chúa Trịnh đã mở rộng 24 điều giáo huấn của Lê Thánh Tông thành 47 điều để ban bố đến cấp xã. Thi cử Nho giáo tiếp tục được sử dụng để tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên tình hình chính trị xã hội đương thời đã khiến cho bộ máy quan lại không còn được quy củ như trước.
    Thế kỷ XVI- XVIII, Phật giáo được hưng thịnh cả trong triều đình và làng xã. Giai đoạn này rất nhiều chùa được sửa chữa và xây dựng mới. Đạo giáo và các tín ngưỡng truyền thống cũng được phát triển hơn trước. Các ngôi đình được sửa chữa và xây dựng to đẹp, các lễ hội làng được thường xuyên. Tục cúng hậu và mua hậu ở các đình, chùa, đền, miếu phát triển và phổ biến rộng ở giai đoạn này.
    Thế kỷ XVI ở Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện một tôn giáo mới từ Phương Tây đem đến, đó là đạo Thiên Chúa, với mốc truyền giáo đầu tiên là năm 1533 dưới thời vua Lê Trang Tông vào vùng đất Nam Định. Sau đó là các giáo sĩ Italia, Bồ Đào Nha, Nhật Bản... cùng với các thuyền buôn đã đến truyền đạo ngày càng nhiều. Đến giữa thế kỷ XVII, nhận thấy nguy cơ can thiệp vào tình hình chính trị trong nước của các giáo sĩ nước ngoài, các chúa Trịnh mới bắt đầu ra lệnh cấm đạo, tuy nhiên không đạt được hiệu quả vì một mặt các chúa Trịnh vẫn muốn dựa vào người phương Tây để có được vũ khí và kiến thức khoa học kỹ thuật, mặt khác số lượng giáo dân đã khá đông đảo. Theo báo cáo của các giáo sĩ vào năm 1665, ở Đàng Ngoài đã có: 35.000 giáo dân, 200 giảng đường, 75 nhà thờ hay phòng họp.[9]

6- Thời kỳ phong trào nông dân Tây Sơn khởi nghĩa

     Năm 1789, Nguyễn Huệ đại phá quân xâm lược Mãn Thanh tại kinh đô Thăng Long, lên ngôi Hoàng đế và lập nên triều Tây Sơn. Chính quyền Tây Sơn coi trọng Nho giáo. Vua Quang Trung chú ý đến việc thu nạp nhân tài, tập hợp xung quanh mình những sĩ phu Nho học có năng lực như: Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch... với sự tham mưu của các Nho thần, nhà Tây Sơn xây dựng hai cơ quan văn hoá và học thuật lớn là Sùng Chính viện và Quốc sử quán. Vua Quang Trung cũng ban bố nhiều cải cách giáo dục, ban chiếu Lập học, chấn chỉnh thi cử.
    Tuy nhà nước đề cao Nho giáo nhưng cũng khá rộng rãi với các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Đối với Phật giáo, nhà vua chấn chỉnh việc tu hành bằng cách chỉ để những nhà sư có hiểu biết thực sự về Phật pháp được tiếp tục tu tập còn những ai không đủ tư cách thì phải hoàn tục. Một số chùa được trùng tu trong giai đoạn này như chùa Kim Liên, chùa Tây Phương. Vua Quang Trung không chủ trương cấm Công giáo, cũng không ngược đãi các giáo sĩ như chính quyền thời Trịnh- Nguyễn trước đây. Nhưng sang đến thời Cảnh Thịnh đã xảy ra các cuộc đàn áp Công giáo, nguyên nhân chính là do Giám mục Bá Đa Lộc hợp tác với Nguyễn vương đánh Tây Sơn.

7- Triều Nguyễn

     Ngay sau khi lên nắm quyền, vua Gia Long đã cố gắng xây dựng một nhà nước phong kiến tập trung quyền lực và chuyên chế cao độ. Năm 1802 được lấy làm năm Gia Long nguyên niên. Từ Minh Mệnh trở đi, với những cải cách hành chính, tính chất chuyên chế được tăng cường song song với việc hạn chế quyền hành của các cấp địa phương. Nhà vua học cách tổ chức thiết chế nhà nước theo vương triều Thanh, đẩy mạnh việc xây dựng các điển lệ nhằm phát triển đất nước thịnh đạt, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống.
     Tuy chính trị, kinh tế có sự bế tắc khủng hoảng nhưng văn hoá nghệ thuật và tôn giáo thì vẫn được phát triển trên nhiều phương diện với nhiều thành tựu. Nhiều đình, chùa, lăng tẩm, các di tích danh thắng đã được xây dựng và tu bổ. Một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xây dựng và sửa chữa ở Thăng Long như: đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba, chùa Báo Ân...
     Nho giáo vẫn được nhà nước lấy làm chỗ dựa về hệ tư tưởng. Các kỳ thi Nho giáo được diễn ra khá đều đặn, thông thường là 3 năm mở một khoa thi, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. Việc thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền được tổ chức thờ cúng từ cấp trung ương cho tới các địa phương với hệ thống văn miếu, văn từ và văn chỉ.  Đối với Phật giáo, một mặt nhà nước hạn chế xây dựng chùa chiền ở các làng xã nhưng bên cạnh đó các chùa sắc tứ của nhà nước lại rất được quan tâm xây sửa, chu cấp tiền lương cho sư tăng.
     Các đền thờ cũ được tu sửa hoặc xây dựng lại và hàng năm có tổ chức lễ hội. Các thần thành hoàng và các vị thần linh khác đang được thờ cúng ở các địa phương được nhà nước tổ chức phân loại và cấp sắc phong. Đối với lăng mộ các vị vua cũ (loại trừ thái độ trả thù cực đoan đối với vương triều Tây Sơn), triều Nguyễn đã cho xác minh lại và dựng bia ghi nhớ.
     Đạo Thiên chúa tiếp tục có những ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh của người dân, số giáo dân ngày càng tăng, mâu thuẫn lương- giáo nảy sinh và ngày càng sâu sắc. Nhất là sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858, triều đình đã ra các sắc dụ cấm đạo nhằm hạn chế ảnh hưởng của người Pháp và đạo Thiên chúa, nhưng những chính sách này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tôn giáo thậm chí cả những cảnh đổ máu, gây nên những nỗi đau lịch sử không dễ xoá nhoà đối với người Công giáo cũng như cả dân tộc.

8- Thời kỳ Pháp xâm lược đến chính quyền cách mạng 1945

    Tháng 8 năm 1858, liên quân Pháp- Tây Ban Nha đánh chiếm cửa biển Đà Nẵng. Quân đội của triều Nguyễn lúng túng, bị động nên đã từng bước thất bại trước sự xâm lược của Pháp. Trong giai đoạn đầu xâm lược Việt Nam, người Pháp nhận được khá nhiều sự trợ giúp từ Công giáo, và ngược lại tôn giáo này cũng được người Pháp nâng đỡ do đó có điều kiện phát triển khá mạnh. Cuối thế kỷ XIX, phong trào chống Công giáo của các Nho sĩ và triều thần lên cao và cũng gây ra nhiều khó khăn đối với đạo Công giáo, về sau do chiếm được ưu thế về mặt chính trị và quân sự nên người Pháp đã giúp cho Công giáo có được vị thế và tự do phát triển đạo.
      Năm 1862, triều đình Huế đã ký với Pháp và Tây Ban Nha Hiệp ước Nhâm Tuất. Trong hiệp ước, cùng với sự nhượng bộ về chính trị, kinh tế, có 2 điều khoản cho phép Công giáo được tự do truyền đạo. Đặc biệt là sau tháng 3 năm 1874, triều đình Huế ký kết với thực dân Pháp hiệp ước Giáp Tuất, trong đó có điều khoản công nhận những quyền hạn và đặc quyền của Công giáo, các giám mục được tự do truyền đạo, giáo dân được tự do sinh hoạt đạo, được bình đẳng trong thi cử và làm việc.
Nhìn một cách tổng quan dưới thời thuộc Pháp, Công giáo được nâng đỡ và các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống và các tôn giáo mới xuất hiện ở Nam Bộ như: Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương… được cho phép hoạt động, nếu không có những biểu hiện chống đối chính quyền cai trị.

9- Giai đoạn từ 1945 đến 1954

      Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng 8 thành công là một bước ngoặt lịch sử của cả dân tộc. Đồng bào cả nước, trong đó có một bộ phận đông đảo nhân dân là tín đồ và chức sắc các tôn giáo cùng cả nước bước vào thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ. Chính quyền cách mạng non trẻ phải đứng trước nhiều những khó khăn, phức tạp, trong đó có những khó khăn về ổn định đời sống tôn giáo của nhân dân. Một bộ phận trong các tôn giáo bộc lộ những khác biệt với ý thức hệ Mác xít. Các thế lực thực dân, đế quốc có nhiều hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, các đảng phái đối lập cũng lôi kéo, mua chuộc các lực lượng tôn giáo. Cuối năm 1945, Việt Nam Quốc dân Đảng ra Tuyên ngôn của Quốc gia Công giáo nhằm chống lại chính phủ của Hồ Chí Minh[10].
     Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày 3-9-1945, Hồ Chủ Tịch đã tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết. Trong giai đoạn 1945- 1954, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về tôn giáo, tín ngưỡng như: Sắc lệnh số 35/SL (1945), 65/SL (1945), 22/SL (1946), 197/SL (1953), Nghị định 315/TTg (1953)... Các văn bản pháp luật này tiếp tục khẳng định chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của công dân.

10- Giai đoạn từ 1954 đến 1975

     Sau năm 1954 đất nước chia hai miền với hai chế độ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ở miền Bắc đại bộ phận đồng bào có đạo cùng toàn dân hăng hái tham gia công cuộc xây dựng đất nớc, tuy nhiên cũng có một bộ phận chức sắc và tín đồ cực đoan trong các tôn giáo và bọn phản động đội lốt tôn giáo vẫn tiến hành các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng. Điển hình như cuộc vận động chức sắc và tín đồ Công giáo và Phật giáo di cư vào Nam năm 1954, với lý do là "Chúa đã vào Nam", "Cộng sản cấn đạo". Ở miền núi phía Bắc, chúng dùng các chiêu bài như "xưng vua", "đón vua" để gây kích động, xúi giục bạo loạn ở vùng đồng bào dân tộc.
      Trong giai đoạn 1954- 1975, Đảng và chính phủ đã ra một số văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng như: Sắc lệnh 234/ SL (1955), Chỉ thị số 29- CT/TW (1955), Nghị định 519/TTg (1957), Thông tư 593/TT (1957), Chỉ thị 217-CT/TW (1960), Thông tư 180 (1966), Chỉ thị 88/CT- TTg(1973)... So với giai đoạn 1945- 1954, nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng trong giai đoạn này có những bổ sung, hoàn thiện hơn, đánh dấu bước tiến mới trong việc ban hành các văn bản pháp luật về tôn giáo cũng như những nhận thức và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống sinh hoạt của các tôn giáo, tín ngưỡng.

11- Giai đoạn từ 1975 đến 1986

      Từ tháng 4 năm 1975, đất nước được thống nhất nhưng lại phải đối diện với nhiều khó khăn do chiến tranh để lại. Đồng bào có đạo đại đa số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng cả nước tham gia tích cực vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cực đoan, phản động trong các tôn giáo tiếp tục chống phá cách mạng. Để đảm bảo quyền tự do tôn giáo của nhân dân và ngăn ngừa những phần tử phản cách mạng lợi dụng tôn giáo chống chủ nghĩa xã hội, nhất là ở các vùng mới giải phóng, Đảng và chính phủ đã ban bố các văn bản pháp luật như: Nghị quyết 297- CP (1977), Hiến pháp 1980,... Các văn bản này đã tiếp tục bổ sung và hoàn thiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các tôn giáo.
       Nhìn nhận lại tình hình các tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng và nhà nước Việt nam giai đoạn từ 1945 đến 1986, có thể thấy rằng Đảng và nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đồng thời cương quyết xử lý những cá nhân hay tập thể lợi dụng tôn giáo gây phương hại đến lợi ích tổ quốc, lợi ích nhân dân.

12- Giai đoạn từ 1986 đến nay

     Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên trong giai đoạn này chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn, đầu những năm 1990, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, xung đột tôn giáo gia tăng ở một số quốc gia. Ở trong nước, bên cạnh các tôn giáo hoạt động tuân thủ theo đúng pháp luật thì cũng có không ít trường hợp lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục sử dụng vấn đề tôn giáo như một công cụ hữu hiệu để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
      Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống trở nên nhộn nhịp, nhất là trong mùa lễ hội, song cho thấy tình trạng lãng phí thời gian, tiền của vào các nghi lễ phô trương thường xuất hiện trong các cuộc hành hương, rước lễ. Sách báo, băng hình về tôn giáo, mê tín xuất hiện nhiều, lưu hành tràn lan ở cả nông thôn lẫn thành thị. Ở một vài nơi chạy theo danh lợi, lợi dụng lòng tin của các tín đồ bày ra chuyện quyên góp dưới nhiều hình thức, lấy tiền đóng góp mua sắm cho cá nhân và gia đình, nhận tiền trái phép của các tổ chức nước ngoài. Tác động của kinh tế thị trường, đô thị hóa, cũng là một trong những lý do khiến cho các vụ khiếu kiện tôn giáo ngày càng tăng, chủ yếu là các vấn đề liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự. Khiếu kiện vẫn còn là vấn đề lớn của các tôn giáo ẩn chứa nhiều bất ổn trong thời gian tới. Nhìn chung các tôn giáo, tín ngưỡng đều sinh hoạt trong phạm vi khuôn khổ pháp luật và tuân thủ sự quản lý của Nhà nước. Song cũng còn có tình trạng một số cá nhân và tổ chức lợi dụng cơ chế đổi mới và sự quản lý có những mặt còn yếu kém của chính quyền để luồn lách, thực hiện các hành vi vượt ra khỏi khuôn khổ cho phép.
       Đứng trước những vấn đề đó, Đảng và Nhà nước ta đã có những nhận thức mới về tôn giáo và đã có nhiều văn bản pháp luật về vấn đề tôn giáo trong tình hình mới, như các văn bản: Nghị quyết số 24/NQ-TW “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”(1990), Chỉ thị 379/TTg về các hoạt động tôn giáo (1993), Thông tư 01/TT/TGCP (1995), Quyết định 39- QĐ/ TGCP (1996),... Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, công bố ngày 29 tháng 6 năm 2004, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Nội dung pháp lệnh nhằm quán triệt chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001 về công tác tôn giáo, đặc biệt là những quan điển chính sách, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết vấn đề tôn giáo ở nước ta trong thời kỳ mới. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo có những quy định cụ thể Đối với sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ như sau:: Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo. Khi tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tôn trọng quy định của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, quy định của lễ hội, quy định trong các hương ước, quy ước của cộng đồng và quy định của pháp luật; phải bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, bảo vệ môi trường.
      Gần đây nhất là Luật tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời là sự tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người chỉ có thể bị hạn chế bởi Luật K2Đ14); về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người  Đ24); Khắc phục những bất cập của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (chưa quy định về pháp nhân tc tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại VN...); và phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
      Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các giá trị dân chủ, văn minh của loài người, của chủ nghĩa xã hội; các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo được phát huy; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; Góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Thể hiện trách nhiệm quốc gia đối với việc thực hiện pháp luật quốc tế.

Những điểm mới cơ bản của luật liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống bao gồm những điểm sau:
- Mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo:
      Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào". Cụ thể quy định này, khoản 1 Điều 6 của Luật quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.
     Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý...
    Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Việc quy định này thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người.
-  Bổ sung 01 (một) chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo:
     Để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Luật đã bổ sung 01 (một) chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với 04 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Một số nội dung theo quy định của Pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nay Luật phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương:
     Theo quy định của Pháp lệnh, một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nay Luật phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương (công nhận tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo; tiếp nhận thông báo giải thể trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo).
      Việc thay đổi này sẽ giảm tải công việc cho Thủ tướng Chính phủ, tăng thẩm quyền cho cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo nhanh gọn, thuận lợi hơn khi các tổ chức, cá nhân liên quan có nhu cầu.
- Một số nội dung hoạt động chỉ cần thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
     Một số nội dung hoạt động chỉ cần thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan này biết, thực hiện trách nhiệm phối hợp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để các hoạt động tôn giáo diễn ra đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, bảo vệ môi trường,....
      Các nội dung theo quy định của Luật, người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo như thông báo lễ hội định kỳ; thông báo về khoản thu, mục đích sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo; thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử; thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; thông báo hội nghị thường niên,… Đây cũng là quy định phù hợp với xu hướng hiện nay nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo
     Để bảo đảm có đầy đủ công cụ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, đồng thời bảo đảm quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
     Luật quy định về thanh tra chuyên ngành tôn giáo; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và một số biện pháp chế tài khác như đình chỉ, giải thể.
- Phân định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo
     Luật quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo;
    Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
    Bên cạnh đó, Luật cũng có các quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Tác động chính sách của Luật đến người dân, xã hội
     Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới, tiến bộ, thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
     Các quy định của Luật cũng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Giáo dục…
    Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, khắc phục kịp thời những bất cập của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở nước ta, phục vụ đắc lực hơn nữa cho yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, đảm bảo lợi ích của đất nước.
     Như vậy làm, sau hơn 30 năm đối mới, tình hình đất nước ta đã có những chuyển biến căn bản. Tình hình sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân đã đi vào nề nếp, ổn định. Các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng đã được ban hành với tinh thần thật sự cầu thị, có nhiều đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của nhân dân, phát huy vai trò của tinh thần yêu nước, yêu đạo của đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
     Bên cạnh sự hoạt động sôi nổi hơn của các tôn giáo lớn, do cơ chế mới về hợp tác kinh tế, ngoại giao, du lịch,... đã làm xuất hiện điều kiện làm nảy sinh các hiện tượng tôn giáo mới và phát triển khá nhanh chóng. Trong đó có những hiện tượng tôn giáo thiên về khôi phục các giá trị đạo đức, nhưng cũng có cả những hiện tượng tôn giáo có những sinh hoạt phản văn hóa, đạo đức. Các “Đấng tiên tri”, các “phép lạ”, các hiện tượng tâm linh vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thần bí, hoạt động đồng bóng, bói toán, tử vi nổi lên khá nhanh chóng.
    Cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng việc thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng trước thời kỳ đổi mới có nhiều điều hạn chế, ngay cả đối với sinh hoạt của tín đồ. Do đó một số nhu cầu bình thường của tôn giáo bị dồn nén, bức xúc. Khi gặp chính sách đổi mới, cởi mở, các tôn giáo hoạt động mạnh, tạo ra sự phục hồi khá nhanh.
    Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống trở nên nhộn nhịp, nhất là trong mùa lễ hội, song cho thấy tình trạng lãng phí thời gian, tiền của vào các nghi lễ phô trương thường xuất hiện trong các cuộc hành hương, rước lễ. Sách báo, băng hình về tôn giáo, mê tín xuất hiện nhiều, lưu hành tràn lan ở cả nông thôn lẫn thành thị. Ở một vài nơi chạy theo danh lợi, lợi dụng lòng tin của các tín đồ bày ra chuyện quyên góp dưới nhiều hình thức, lấy tiền đóng góp mua sắm cho cá nhân và gia đình, nhận tiền trái phép của các tổ chức nước ngoài. Tác động của kinh tế thị trường, đô thị hóa, cũng là một trong những lý do khiến cho các vụ khiếu kiện tôn giáo ngày càng tăng, chủ yếu là các vấn đề liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự. Khiếu kiện vẫn còn là vấn đề lớn của các tôn giáo ẩn chứa nhiều bất ổn trong thời gian tới. Nhìn chung các tôn giáo, tín ngưỡng đều sinh hoạt trong phạm vi khuôn khổ pháp luật và tuân thủ sự quản lý của Nhà nước. Song cũng còn có tình trạng một số cá nhân và tổ chức lợi dụng cơ chế đổi mới và sự quản lý có những mặt còn yếu kém của chính quyền để luồn lách, thực hiện các hành vi vượt ra khỏi khuôn khổ cho phép, là những vấn đề lớn cần xem xét giải quyết trong thời gian tới đây./.



 
 
 
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, T1.
[2] Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, sđd, tr.104.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1.
[4]  Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo Dục 1997, tr.266.
[5] Lịch sử Việt Nam, tập 1, Sđd, tr.320.
[6] Lịch sử Việt Nam, tập 1, Sđd, tr.320.
 
[7] Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, Tr. 70.
[8] Lịch sử Việt Nam, tập 1, Sđd, tr.334.
[9] Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, tr. 387.
[10] xem thêm: Đỗ Quang Hưng, Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc Gia, 2005, tr.290- 294
 
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay378
  • Tháng hiện tại13,767
  • Tổng lượt truy cập1,017,690
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây