THỰC HÀNH TÔN KÍNH TỔ TIÊN Ở GIÁO PHẬN BÙI CHU - NAM ĐỊNH HIỆN NAY - MỘT VÀI NÉT ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN NGƯỜI VIỆT

Thứ hai - 29/08/2022 16:41

THỰC HÀNH TÔN KÍNH TỔ TIÊN Ở GIÁO PHẬN BÙI CHU - NAM ĐỊNH HIỆN NAY - MỘT VÀI NÉT ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN NGƯỜI VIỆT

TS. Mai Diệu Anh Học viện An Ninh Nhân Dân


Tóm tắt
       Là một quốc gia có nền văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc và sự dung hợp rõ nét, Việt Nam nằm ở khu vực có vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng tiếp nhận nhiều nền văn hóa ngoại lai. Tuy nhiên, những nền văn hóa ấy khi du nhập vào Việt Nam thường bị biến đổi cho phù hợp với văn hóa truyền thống. Công giáo ở Việt Nam cũng là một trường hợp như vậy.
     Thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, giáo phận Bùi Chu nằm gọn trong sáu huyện của tỉnh Nam Định và chịu ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên. Quá trình ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống tới thực hành tôn kính tổ tiên của giáo dân Bùi Chu thể hiện từ cội rễ là đạo hiếu, hay tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Quá trình ảnh hưởng đó thể hiện trong thực hành nghi lễ tôn kính Tổ tiên đối với người đã mất, trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, trong nghi thức gia tiên. Song cùng với thời gian, việc thực hành tôn kính tổ tiên không chỉ chịu ảnh hưởng từ những giá trị, mặt tích cực của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên mà còn chịu tác động từ những mặt tiêu cực của tín ngưỡng này. Trong bối cảnh đó cần thiết phải phát triển môi trường sinh hoạt tôn giáo tự do, lành mạnh để các tín đồ thực hiện tốt phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là.  

Nội dung

     Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính dung hợp cao. Nằm ở khu vực có vị trí địa lý thuận lợi, nước ta thường xuyên tiếp nhận nhiều nền văn hóa ngoại lai. Tuy nhiên, những nền văn hóa ấy khi du nhập vào Việt Nam thường bị biến đổi cho phù hợp với văn hóa truyền thống. Công giáo ở Việt Nam cũng là một trường hợp như vậy.
    Lịch sử Công giáo ở Việt Nam đã thừa nhận giáo phận Bùi Chu - Nam Định là điểm đến đầu tiên của các giáo sĩ phương Tây nhằm truyền bá tôn giáo này. Trong bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục đã viết “Gia Tô: Theo sách Dã lục (một loại dã sử), thì ngày 1 tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông người Tây Dương tên là Ynêkhu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy ngấm ngầm truyền giáo về tà đạo Gia Tô”[1]. Do vậy, năm 1533 được giáo sử Công giáo lấy làm thời điểm đánh dấu hoạt động truyền giáo ở Việt Nam. Cũng từ đó, Công giáo phát triển lan rộng toàn đất nước Việt Nam, mở đầu cho sự giao lưu giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây nói chung, văn hóa Công giáo nói riêng.
Với Công đồng Vatican II (1962 - 1965), lịch sử Giáo hội đã bước sang một trang mới. Sau Công đồng Vatican II, tinh thần Canh tân và Thích nghi đã được Giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp nhận và thực hiện nhằm đưa Công giáo hoà hợp với văn hoá dân tộc, khắc phục những xung đột trong đời sống đạo của người Công giáo, giữ gìn và trân trọng những giá trị văn hoá tốt đẹp của Công giáo, đảm bảo sự tự do sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ.       
 
1. Vài nét về Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định
    Thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, giáo phận Bùi Chu nằm gọn trong sáu huyện của tỉnh Nam Định, bao gồm các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và khu vực xứ Khoái Đồng, thành phố Nam Định, phía Đông Bắc giáp giáo phận Thái Bình, phía Tây Bắc là sông Đào nối sông Hồng với sông Đáy phân ranh giới với giáo phận Hà Nội, phía Tây Nam là giáo phận Phát Diệm, phía Đông Nam là biển Đông. Bùi Chu, giao thông rất thuận tiện. Giáo phận Bùi Chu nằm giữa hạ lưu của sông Hồng và sông Đáy, đây là vùng đất bồi của châu thổ sông Hồng, địa thế bằng phẳng, không đồi núi hay rừng rú. Nhờ đặc điểm địa lý trên mà các thừa sai phương Tây năm xưa đã không ngần ngại mà lựa chọn khu vực này làm nơi truyền giáo đầu tiên và đã dễ dàng đặt chân đến đây, cũng như rất thuận tiện trong việc dùng thuyền để đi rao giảng Tin Mừng. Và với đường giao thông thuận tiện, cứ vào dịp lễ trọng, người Bùi Chu đi làm ăn xa ở khắp nơi lại tề tựu đông đủ bày tỏ niềm tin tôn giáo đầy nhiệt huyết của mình.
Về đời sống tinh thần, do nằm ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khu vực mà tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ảnh hưởng đậm nét, khi Công giáo du nhập vào Bùi Chu, nó chịu tác động trước hết và rất sâu đậm của tín ngưỡng truyền thống này.

Quan niệm của Công giáo về cái chết
    Chết, sống lại (phục sinh) là một trong những màu nhiệm cơ bản nhất của niềm tin Công giáo. Màu nhiệm phục sinh thể hiện trước hết ở sự kiện Chúa Giêsu chịu đóng đinh đến chết trên cây Thập giá, được táng xác trong mồ, ngày thứ ba sống lại (phục sinh), linh hồn và xác lại được hợp cùng nhau. Sau 40 ngày Chúa Giêsu sống cùng môn đệ của mình, Người “lấy phép riêng mà lên trời”.
Theo Công giáo, con người do Chúa Trời sinh ra từ cát bụi, chết đi lại trở về với cát bụi. Cuộc sống trần thế là tạm thời, ngắn ngủi, chỉ có cuộc sống sau khi qua đời được lên Thiên đàng mới là cuộc sống vĩnh hằng. Như vậy, chết nơi trần thế là điểm khởi đầu cho một cuộc sống mới nơi Thiên đàng.
Công giáo quan niệm khi chết, hồn lìa khỏi xác, việc chôn cất người qua đời gọi là đưa xác (người Việt không Công giáo gọi việc đưa người chết ra nghĩa địa là đưa ma, ngoài đưa xác còn phải đưa hồn cùng đi, sau lễ an táng mới đưa linh hồn trở lại nhà thân chủ để thờ cúng). Người Công giáo qua đời được đưa vào nhà thờ để làm phép xác.
Theo quan niệm của Công giáo, thế giới của người qua đời gồm 3 tầng: thiên đàng, luyện ngục, địa ngục. Thiên đàng dành cho những người sạch tội hay đã đền tội đầy đủ, luyện ngục là nơi giam giữ những người lành nhưng còn mắc tội mọn hoặc đền tội chưa đủ. Địa ngục là nơi giam giữ những người phạm tội trọng.
Quan niệm về mối quan hệ giữa người sống và người chết theo Công giáo hết sức lỏng lẻo. Người đang sống muốn cứu vớt linh hồn người thân nơi luyện ngục phải luôn cầu nguyện, ăn chay, nhất là xin lễ cho linh hồn ấy. Ngược lại, người qua đời không thể giáng phúc, giáng họa cho người thân đang sống, vì thế không có nghi lễ cầu cúng và cầu xin. Ngày người thân qua đời hàng năm, hình thức chỉ là tưởng niệm, xin kinh hoặc đọc kinh (tại gia hoặc nhà thờ). Trong khi đó, người Việt truyền thống lại có niềm tin rằng người thân qua đời có thể “phù hộ độ trì” cho người đang sống, từ đó họ có nghi thức cầu cúng, có bàn thờ gia tiên, từ đường dòng họ…
Chính vì thế, trong các tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam, Giáo hội không chấp nhận tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên một cách kiên quyết. Nghiêm cấm thờ cúng Tổ tiên được một số Giáo hoàng hết sức quan tâm. Giáo hoàng Clemente XI (1700 - 1721) đã tổ chức hội nghị, đưa ra nghị quyết của Toà Điều tra với 4 nội dung:
1. Cấm dùng chữ Thiên hoặc Thượng đế để chỉ Thiên Chúa.
2. Cấm treo trong thánh đường những tấm bảng có ghi hai chữ Kính Thiên.
3. Cấm cúng tế Khổng Tử, ông bà, cha mẹ.
4. Cấm đặt bài vị trong nhà riêng.
Nghị quyết này được Giáo hoàng chấp nhận trong Tông hiến đề ngày 20/11/1704. Giáo hoàng buộc các giám mục, linh mục ở các dòng truyền giáo đều phải tuân theo, không được có bất kỳ sự khiếu nại nào.
Sự ngăn cấm của Giáo hội với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên gây nên sự trăn trở, day dứt của các tín đồ, nhất là các tân tòng. Bởi lẽ trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là một trong những yếu tố quan trọng và nền tảng, biểu hiện rõ nét đạo hiếu, lòng hiếu thảo hay tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên.
Tuy nhiên, dù giáo hội Công giáo có ngăn cấm thì việc thực hành tôn kính tổ tiên ở giáo phận Bùi Chu vẫn diễn ra. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên với giáo lý Công giáo về lòng hiếu thảo với cha mẹ có những điểm tương đồng. Điểm tương đồng đó là sự phù hợp giữa sứ điệp Công giáo và tín ngưỡng Việt Nam trong chủ trương thảo hiếu với cha mẹ. Đạo hiếu trong Công giáo được quy định rõ ràng:
Trước hết, đạo hiếu nằm trong thập giới (10 điều răn), là căn bản của giáo lý Công giáo. Thập giới của Công giáo gồm 2 phần: Kính Chúa và yêu người. Trong đó 3 giới đầu liên quan đến Thiên Chúa, 7 giới sau liên quan đến vấn đề yêu người. Giới thứ 4, “Thảo kính cha mẹ” là giới đứng đầu nhóm sau, điều đó có nghĩa: “Thảo kính cha mẹ” là giới luật quan trọng nhất trong các giới liên quan đến yêu người.
Thứ hai, trong các văn bản Kinh Thánh (cả Cựu Ước và Tân Ước) có rất nhiều câu và đoạn văn khuyến khích lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, nhất là trong sách Châm Ngôn và Huấn Ca.
Thứ ba, dân tộc Việt Nam không chỉ đặt nặng đạo hiếu đối với cha mẹ hay ông bà tổ tiên ruột thịt của mình, bên cạnh đó, họ còn có bổn phận đối với cha mẹ ở cấp độ cao hơn - cha mẹ ở trên trời, hay cha mẹ tạo dựng nên vũ trụ vạn vật. Niềm tin có Trời là Đấng tạo dựng vũ trụ rất phù hợp với niềm tin  thờ Trời (Thiên) của người Việt truyền thống. Đây cũng là điểm thuận lợi trong quá trình ảnh hưởng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tới đời sống đạo của người Công giáo Việt Nam. Giáo hội (Tòa thánh và các đoàn truyền giáo) và giáo dân có những ứng xử tích cực với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên nói riêng, các tín ngưỡng truyền thống nói chung, là bước đầu góp phần quan trọng tới đường hướng hội nhập của Công đồng Vatican II sau này.
Quá trình ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống tới thực hành tôn kính tổ tiên của giáo dân Bùi Chu thể hiện từ cội rễ là đạo hiếu, hay tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Vì người Việt cũng như các dân tộc vùng Á Đông luôn đặt nặng tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Từ nguồn cội, đạo hiếu luôn là một nền tảng căn bản cho đạo làm người của người Việt, và nằm trong bản chất văn hóa của người Việt. Vì thế, ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống Việt Nam tới thực hành tôn kính tổ tiên của người Công giáo Bùi Chu - Nam Định khởi đầu từ đạo hiếu, và lấy đạo hiếu làm nền tảng. Như đã đề cập, giữa sứ điệp Công giáo và văn hóa Việt Nam trong chủ trương thảo hiếu với cha mẹ, tổ tiên có sự phù hợp.

2. Thực hành tôn kính tổ tiên ở giáo phận Bùi Chu hiện nay và một số vấn đề đặt ra

     Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt vốn mang hai yếu tố: yếu tố niềm tin vào sự phù hộ của linh hồn đối với người sống và yếu tố văn hóa phản ánh lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ đã mất của mình. Người Công giáo Bùi Chu một mặt tin theo giáo lý Công giáo là khi chết sẽ được về với Thiên Chúa, nhưng mặt khác vẫn tồn tại niềm tin rằng sau khi chết sẽ về thế giới bên kia. Điều này chi phối đến thái độ, tình cảm đối với Tổ tiên của người Công giáo.
Vì vậy, người Công giáo dùng danh xưng “tôn kính Tổ tiên” (không phải “thờ cúng Tổ tiên”) để nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt.
Nghi lễ tôn kính Tổ tiên trong tang ma
Với quan niệm trên, nghi lễ tôn kính Tổ tiên của người Công giáo về cơ bản vẫn mang đặc trưng truyền thống của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên. Vì kính trọng tổ tiên, người Việt coi việc tang ma là trọng sự, gắn liền với việc tôn kính tổ tiên.
Về phong tục tang ma, khi tín đồ sắp qua đời, linh mục được mời đến làm lễ và xức dầu bệnh nhân. Đối với người hấp hối, thân nhân và bà con láng giềng thường tụ tập nhau đọc “Kinh cầu cho những người hấp hối mong sinh thì”.
Người qua đời được đặt nằm trên giường, xung quanh có thể rắc hoa tươi. Khi có tín đồ qua đời, người thân phải báo linh mục chính xứ và ban hành giáo xứ, họ đạo. Nhà thờ rung chuông gọi là chuông sầu, chuông tử hay chuông rình sinh thì. Đối với nam giới, ở nhiều giáo xứ, người ta kéo chuông ngân bảy tiếng rời và ba hồi nhịp ba, đối với nữ giới, chuông ngân chín tiếng rời và ba hồi nhịp ba. Khi nghe chuông sầu, tín đồ ngừng công việc đang thực hiện để hướng về phía nhà thờ đọc Kinh Lạy Cha, bày tỏ lòng thương tiếc đối với người đồng đạo.
Vào một thời điểm thích hợp, người thân làm lễ tẩm liệm, nhập quan. Người Công giáo không có quan niệm chết vào giờ lành hay giờ dữ, không chọn ngày, giờ tốt đưa tang; không thiết hồn bạch, làm nhà táng, minh tinh, không có kiệu hay xe (linh xa) đưa rước linh hồn người qua đời.
Trong lễ đưa tang, cũng giống với người Việt truyền thống, con cái người Công giáo đã chết mặc áo xô, mang khăn trắng đưa cha (mẹ). Ảnh của người chết được đặt nghiêm trang trên bàn thờ, phía trước là thánh giá. Quan tài được đặt ngay ngắn, phía đầu quan tài được khắc hình thánh giá. Những người đến viếng đặt lễ và thắp hương cho người quá cố. Khi viếng người đã mất, cả người Công giáo và không Công giáo đều đốt nén hương cho người mất, sau đó vái lạy (1 hay 3 lạy) và cắm vào bát hương. Thắp hương xong họ kiêng không thổi mà dùng tay phẩy đến khi tắt lửa. Từng đoàn đến viếng đều gửi tới bức trướng hoặc vòng hoa như trong những đám viếng truyền thống, tuy nhiên có nhiều vòng hoa kết hình thánh giá.
Trước khi đưa ra nghĩa địa mà người Công giáo gọi là Vườn Thánh, quan tài người qua đời được đưa vào trong nhà thờ làm phép xác. Khi đưa ra Vườn Thánh, đi đầu đoàn đưa là Thánh giá nến cao, có thể có bát âm được biểu diễn trực tiếp hoặc qua băng đĩa, sau đó đến ảnh người quá cố, một số vòng hoa, rồi đến quan tài được phủ hoa lên trên, theo sau là người đưa viếng. Tang chủ và người thân đều khóc bởi lòng tiếc thương người đã mất, nhưng tuyệt nhiên không có hiện tượng khóc thuê, lăn đường như đám tang người Việt truyền thống. Từng đoàn người đi đưa tiễn thường khoanh tay trước ngực, rất nghiêm trang. Nếu xứ, họ đạo nào không có nghĩa địa riêng, gia chủ phải mời linh mục đến làm phép huyệt. Ngoài ra, người Công giáo Bùi Chu không cho phép đóng cá ván, phòng trường hợp người sắp chết chỉ chết lâm sàng, có thể sống lại. Điều đó cho thấy người Công giáo cẩn thận, suy xét bằng lý trí nhiều hơn niềm tin và quan tâm đến tính khoa học nhiều hơn.
Khi thăm gia đình có người mới qua đời, mọi người đều đến trước bàn thờ người mất để thắp hương và vái lạy. Khi viếng mộ người mới chết, người thân có thể đem hoa, quả, nến, hương, đồ ăn mà người đã mất khi còn sống thích và đặt lên mộ.
Với người đã mất, thân nhân người Công giáo vẫn giữ phong tục 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu (tiểu tường), giỗ hết (đại tường). Các hình thức tưởng niệm trong những ngày này đều dựa trên phong tục truyền thống nhưng có đan xen với nghi lễ Công giáo: 3 ngày - đi thăm mộ, cầu kinh; 49 ngày - lễ và đọc kinh cầu nguyện; 100 ngày - lễ và đọc kinh cầu nguyện; giỗ đầu (tiểu tường) - đọc kinh cầu nguyện; giỗ hết (đại tường) - đọc kinh cầu nguyện. Tuy nhiên, khác với người Việt truyền thống coi trọng 49 ngày, người Công giáo Bùi Chu trọng 100 ngày bởi quan niệm đến 100 ngày xác chết mới bị phân hủy.
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ người qua đời, người thân tổ chức tưởng niệm xin lễ nhà thờ: gần ngày giỗ, người thân gặp linh mục xin lễ, trước thánh lễ, tên thánh của người quá cố được viết vào một tấm bảng để tín đồ đi dự lễ biết. Đến cuối Thánh lễ, linh mục rao lại cho mọi người thực hành đọc kinh cầu nguyện. Trong ngày giỗ, nhiều gia đình có làm cỗ, tổ chức thắp hương, lễ bái mời bà con ruột thịt, bạn bè, ngoài ra có thể mời người ngoài Công giáo tham dự.
Khi thăm mộ người qua đời, con cháu có thể thắp hương, có thể thắp nến và đọc kinh cầu nguyện cho người đó. Mộ người thân đã mất của người Công giáo thường xây đơn giản. Theo kết quả phỏng vấn sâu, khi xem hướng, phần đông người Công giáo theo quan niệm đầu đội sơn, chân đạp biển, hoặc hướng về phía nhà thờ.
Gia đình Công giáo nói chung đều đặt bàn thờ tổ tiên, dù là cố định hay tạm thời. Bàn thờ Tổ tiên có thể đặt chung hoặc tách ra với bàn thờ Chúa. Thông thường, bàn thờ Tổ tiên bày hai bên hai chân nến, một đèn dầu nhỏ, một bình hoa, một đĩa (đặt bánh, trái cây), phía trên có treo ảnh người qua đời (cha mẹ, ông bà…). Nếu để chung với bàn thờ Chúa thì tượng (ảnh) Chúa được đặt lên trên cao nhất, bên dưới là ảnh người thân đã mất và các vật thờ như đã trình bày. Như vậy, trong tâm thức người Công giáo Bùi Chu, mối liên hệ gắn kết với Tổ tiên đã mất của họ hết sức bền chặt.
Về việc khấn nguyện với tổ tiên và các đấng linh hồn, các tín đồ không chỉ cầu nguyện cho linh hồn ông bà, cha mẹ mau được về với Thiên Chúa mà còn có thể khẩn cầu với họ “cầu thay nguyện giúp cho mình trước tòa Thiên Chúa”. Người Công giáo không đặt Tổ tiên lên trên hay ngang hàng với Chúa mà xác tin rằng Tổ tiên sẽ thấu hiểu hoàn cảnh, ước nguyện của con cháu, sẵn sàng quan tâm giúp đỡ và bầu chủ cho con cháu trước mặt Thiên Chúa, giữ trọn tình nghĩa máu mủ, tình cảm gia đình không hề bị chia cắt, phai nhạt. Đây là xác tín niềm tin của người Công giáo trong tôn kính tổ tiên: Thiên Chúa là “nguồn mạch mọi tình yêu”, mọi tình yêu xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa đều là vĩnh cửu.
Người Công giáo Bùi Chu có bày mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên các dịp giỗ, lễ têt… Tuy nhiên, họ không tin người chết hưởng dùng những trái quả đó, thực chất chỉ bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà Tổ tiên đã mất, hoặc để gợi nhớ những sinh hoạt của người thân khi còn sống mà thôi.
Không chỉ cho phép các tín đồ thực hiện nghi lễ tôn kính Tổ tiên, nghi lễ Công giáo cũng chịu ảnh hưởng phần nào của tín ngưỡng quen thuộc này. Đó là việc dùng hương trong phụng vụ.
Người Việt Nam luôn giữ thói quen vào mỗi dịp lễ tết, mỗi khi đi xa về, họ đến bên bàn thờ Tổ tiên, thắp cho Tổ tiên một nén nhang thơm, bày tỏ lòng thành kính của mình. Việc đốt hương (hay xông hương) trong cử hành phụng vụ nhằm diễn tả hai điều chính yếu: lòng tôn kính và lời cầu nguyện giống như hương trầm bay trước dung nhan Thiên Chúa.
Nghi thức tôn kính Tổ tiên thực hiện trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh
Trong Tuần Thánh, ngày thứ Sáu là ngày mà người Công giáo tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết và làm lễ táng xác. Trong ngày này, ngoài Thánh lễ được tổ chức trang trọng trong nhà thờ, người Công giáo Bùi Chu còn có hình thức tưởng niệm theo nghi thức thờ cúng Tổ tiên của người Việt truyền thống. Sau khi thánh hóa tượng Chúa chịu nạn trong nhà thờ, đoàn rước bắt đầu đi từ nhà thờ ra ngoài. Đoàn rước gồm có các hội đoàn, bát âm, đội kèn đồng đi trước, sau đó là tượng Chúa Giêsu đầu đội mão gai, vai vác cây thánh giá, tay đeo xiềng xích, tiếp đến là tượng Đức Mẹ với khuôn mặt xót thương, trên tay cầm khăn tang trắng và cuối cùng là đoàn người đi theo quan tài. Tất cả đều mặc áo xô trắng đeo khăn tang, bày tỏ lòng xúc động xót thương Chúa Giêsu. Sau khi đi vòng quanh nhà thờ, đoàn rước kết thúc trong nhà thờ.
Sau khi ngắm, kể lại 15 sự thương khó của Chúa, khoảng 12 giờ đêm có các “tông đồ” mặc đồ tang, đeo khăn tang, tay mang búa, vai mang thang trèo lên tháo xác Chúa đã bị đóng đinh trên cây Thánh giá. Xác Chúa được đặt trong quan tài trên một cỗ đòn trang trí sơn son thiếp vàng rất đẹp, trên có để hàng nến đang cháy. Quan tài được đặt trên kiệu gọi là kiệu xác Chúa. Cuộc táng xác Chúa ở một vài địa phương được rước quanh làng trên con đường chính, cuối cùng Chúa sẽ được táng xác trong hang đá. Tuy nhiên, nhìn chung cuộc táng xác chỉ đưa từ trong nhà thờ ra táng trong hang đá, bởi nhà thờ Công giáo nào cũng đều có hang đá.
Nghi lễ tưởng niệm cái chết của Chúa biểu hiện tất cả tình yêu bao la của Thiên Chúa khi sai Chúa Giêsu xuống cứu nạn cho con người, từ đó góp phần làm nên thành công của Tuần Thánh. Để rồi Tuần Thánh này qua đi, các tín đồ lại mong chờ năm phụng vụ sau, một Tuần Thánh khác lại đến, lại được chứng kiến những nghi lễ tổ chức hết sức đặc sắc, không chỉ là nghi lễ Công giáo mà đan xen với tín ngưỡng dân gian làm nên sinh hoạt văn hóa độc đáo.
Nghi thức gia tiên.
Theo quan niệm Công giáo, chế độ hôn nhân của nhân loại là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, và hôn nhân là do Thiên Chúa tác hợp.
Hôn nhân được đạo Công giáo nâng lên thành Bí tích Hôn phối.
Hôn nhân của người Công giáo Bùi Chu vừa theo phong tục truyền thống của người Việt, vừa theo quy định của giáo luật. Họ thực hiện theo các bước, như lễ dạm, ăn hỏi, lễ cưới, lại mặt.
Trong hôn lễ, đáng chú ý là việc thực hiện nghi thức gia tiên. Nghi thức này chỉ được Giáo hội Công giáo xem xét, cho phép bởi Thông báo của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 14/01/1974. Điều 4 của Thông báo quy định: “Trong hôn lễ, dâu rể được làm lễ tổ, lễ gia tiên ở trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.
Nghi thức gia tiên thường gồm ba mục: cảm tạ Thiên Chúa - Kính nhớ Tổ tiên - Chúc mừng ông bà, cha mẹ còn sống.
Tạ ơn Thiên Chúa.
Xuất phát từ quan niệm Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất. Nhờ Thiên Chúa mà các tín đồ có cha có mẹ, ông bà, tổ tiên. Vì thế, cô dâu, chú rể đến trước bàn thờ Thiên Chúa, thắp hương và dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa.
Kính nhớ Tổ tiên:
Sau nghi lễ tạ ơn Thiên Chúa là nghi lễ kính nhớ tổ tiên
Sách Huấn ca (Hc 44,10-45) dạy rằng: “Hãy ca tụng bậc cha ông đã sống qua các thời đại, công đức các ngài không chìm vào dĩ vãng, gia tài của các ngài là lũ cháu đàn con”.
Nghi thức này bắt nguồn từ quan niệm của người Việt truyền thống rằng: Tổ tiên dù đã mất nhưng vẫn hiện diện trong gia đình và sống cùng con cái, cháu chắt. Vì thế, vào ngày cưới, cô dâu, chú rể được dẫn tới bàn thờ Tổ tiên (thường được đặt dưới bàn thờ Thiên Chúa hoặc một nơi khác trong nhà, trên có trưng bày di ảnh, hoa nến, mâm ngũ quả,...) làm lễ để ra mắt Tổ tiên gia tộc, bày tỏ lòng thành kính biết ơn, thể hiện đúng truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” rồi cắm hương vào lư đồng hoặc bát hương theo đúng nghi lễ truyền thống dân tộc.
Mừng ông bà, cha mẹ còn sống.
Xuất phát từ quan niệm cha mẹ là người sinh thành, yêu thương và tốn bao tâm huyết trong nuôi dạy con cái. Công ơn cưu mang, nuôi nấng, dạy dỗ, nay con cái đã bước vào tuổi trưởng thành, đến ngày lập gia thất, đồng thời cũng nhờ cha mẹ sắp đặt mà đôi trai gái có được ngày vui này. Vì thế đôi uyên ương cần phải đến trước cha mẹ mà bày tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành.
Nghi thức gia tiên được tổ chức ở cả hai bên nhà gái và nhà trai.
Một điểm khác biệt với đám cưới truyền thống người Việt là khi đưa dâu theo truyền thống thường rải tiền khi qua cầu, điều này bị cấm ngặt ở bên Công giáo. 
Có thể thấy, các bước cưới xin của người Công giáo kế thừa lễ cưới truyền thống của người Việt nhưng giản tiện hơn và theo quy định của giáo luật.
Ngoài ra, trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người theo và không theo Công giáo có sự giao thoa, biểu hiện ở thói quen thăm hỏi nhau những khi gia đình có đám hỷ, đám hiếu; giúp đỡ đùm bọc nhau trong lúc khó khăn. Đám hiếu, hỷ của người không Công giáo, một số làng/xứ họ đạo Công giáo còn đưa bộ kèn đồng vào phục vụ.
Như vậy, từ sau Công đồng Vatican II đến nay, thực hiện chủ trương nhìn nhận và coi trọng những đặc điểm tâm lý, lối sống, phong tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc, các hình thức trên không còn bị cấm đoán như trước, thậm chí một số việc còn được khuyến khích thực hiện như việc lập bàn thờ ông bà, thắp hương trước bàn thờ ông bà…
Ảnh hưởng của thờ cúng Tổ tiên đến thực hành tôn kính tổ tiên của người Công giáo Bùi Chu còn được thể hiện trong dịp tết Nguyên đán - tết cổ truyền dân tộc. Về phía Giáo hội Công giáo Việt Nam, ba ngày Tết cổ truyền, thánh lễ ở các nhà thờ Công giáo thường theo ba chủ đề, mỗi chủ đề cho một ngày tết.
Mùng 1 cầu cho Thiên Chúa Ba ngôi
Mùng 2 cầu cho Giáo hội Công giáo Việt Nam
Mùng 3 kính nhớ ông bà tổ tiên
Vào đêm 30 âm lịch, các giáo xứ ở Bùi Chu đều tổ chức lễ giao thừa, cầu thuận hòa, bình an. Một số giáo xứ tổ chức “hái hoa”. Đó là những câu được trích từ trong Phúc âm, với những nội dung ca ngợi Thiên Chúa, xác tín tín lý, lối sống theo mẫu gương Thiên Chúa v.v... Người tham dự “hái” được nội dung nào thì trong năm lấy đó làm chiêm niệm, học hỏi. Đây là một hình thức sáng tạo nơi nhà thờ Công giáo ở giáo phận Bùi Chu.
Sáng mùng một, người Công giáo Bùi Chu tổ chức đi lễ nhà thờ để chúc tuổi nhau. Mùng hai tết, các gia đình Công giáo thường đi du xuân chúc tết các linh mục, họ hàng, thăm mộ tổ tiên. Tết cũng là dịp con cháu trong gia đình họp mặt, nhận biết anh em và cúng bái tổ tiên.
Có thể nói, tôn kính Tổ tiên của người Công giáo chịu ảnh hưởng từ mặt tích cực của tín ngưỡng truyền thống, từ ẩm thủy tư nguyên (Uống nước nhớ nguồn), một cách khái quát là đạo lý ấy thể hiện sự biết ơn, trân trọng của mỗi người con Việt với những giá trị vật chất và tinh thần mà các thế hệ cha ông dày công đắp bùi bằng mồ hôi, xương máu và trí tuệ. Cụ thể ở đây, sự tri ân công lao dưỡng dục đã tác động tới người Công giáo, bởi theo Công giáo đạo lý uống nước nhớ nguồn dựa trên nền tảng từ ơn cứu độ của Thiên Chúa và sống có trách nhiệm với Thiên Chúa. Nhưng với người Việt Nam, ngoài trách nhiệm với Thiên Chúa, quan trọng không kém là trách nhiệm với những người thân yêu của mình (Tổ tiên, ông bà, cha mẹ). Do vậy mà người Công giáo đã sống theo đạo hiếu truyền thống. Tôn kính Tổ tiên ở đây có sự đan xen, dung hợp giữa đạo lý truyền thống và đời sống đạo. Nếu muốn bày tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành đồng nghĩa với việc phải lo giữ đạo. Trong tang ma, người Công giáo ngoài theo phong tục truyền thống còn theo đạo: chẳng hạn như trong giờ phút lâm chung, dù mưa gió, bão lụt... thì người thân vẫn phải bằng mọi cách mời cho được vị linh mục đến làm phép kẻ liệt cho người chết được thống hối, làm phép mình thánh, con cái quây quần đọc kinh cầu nguyện để người chết được tìm về nhà Cha; đưa ông bà, bố mẹ vừa qua đời đến nhà thờ làm phép xác, an táng trong nghĩa địa của người Công giáo (còn gọi là Vườn thánh), những nơi không có nghĩa địa riêng phải mời linh mục đến làm phép huyệt...

Một số vấn đề đặt ra
    Sau khi được Giáo hội cho phép, người Công giáo Bùi Chu đã thực hiện tốt việc tôn kính Tổ tiên. Song cùng với thời gian, việc thực hành tôn kính tổ tiên không chỉ chịu ảnh hưởng từ những giá trị, mặt tích cực của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên mà còn chịu tác động từ những mặt tiêu cực của tín ngưỡng này. Việc thực hành tôn kính Tổ tiên hiện nay đang bộc lộ một số vấn đề như: đã có hiện tượng người qua đời để ở nhà lâu ngày gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Do chú trọng đến việc đưa di hài người qua đời đến nhà thờ làm phép xác, người ta đã không ngần ngại đưa cả những người qua đời do bệnh dịch nguy hiểm lẽ ra cần phải có hình thức an táng riêng để tránh lây lan bệnh dịch. Đã và đang xuất hiện hiện tượng một số gia đình Công giáo làm cỗ bàn dịp ma chay hoành tráng và tốn kém, nặng về khoe khoang hình thức. Ở một số làng/ xứ đạo Công giáo còn thấy có những ngôi mộ được xây dựng cao to tốn kém hàng chục triệu đồng. Rõ ràng, người Công giáo Bùi Chu đang mắc phải chính sự thái quá của người không Công giáo trong thực hành tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên.

3. Triển vọng
    Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta vẫn xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm”[2]. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới và trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là một xu thế lớn. Xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, khủng bố diễn ra gay gắt. Vì vậy, đối với tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng ta xác định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo,… Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”[3].
     Trước tác động của hội nhập, của kinh tế thị trường, đời sống đạo của người Công giáo Việt Nam có những biểu hiện phức tạp. Trong bối cảnh đó, phát triển môi trường sinh hoạt tôn giáo tự do, lành mạnh để các tín đồ thực hiện tốt phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được ban hành tạo nên những tác động tích cực trong đời sống xã hội, tạo thuận lợi cho những tác động từ phía tín ngưỡng truyền thống, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ảnh hưởng tích cực tới việc thực hành tôn kính Tổ tiên của người Công giáo Bùi Chu./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2016): Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Hà Nội.
3. Vũ Hồng Khanh (2018): Thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - “vấn đề nóng” ở đối thoại Sangri - La lần thứ 17, Tạp chí Báo cáo viên số 6, tháng 6
4. Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (2016): Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.


 
 
 
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (1999): Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr301
 
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.240.
 
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr165.
 

Tác giả: Hội Thảo khoa học: Vai trò của tín ngưỡng Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại: lý luận và ứng dụng.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay2,146
  • Tháng hiện tại30,601
  • Tổng lượt truy cập1,096,069
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây