TÌM HIỂU HOẠT ĐỘNG KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI CỦA CHÙA PHƯỚC TƯỜNG (XÃ PHONG PHÚ, HUYỆN CẦU KÈ, TỈNH TRÀ VINH)

Chủ nhật - 22/05/2022 00:17

TÌM HIỂU HOẠT ĐỘNG KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI CỦA CHÙA PHƯỚC TƯỜNG (XÃ PHONG PHÚ, HUYỆN CẦU KÈ, TỈNH TRÀ VINH)

ThS. Sơn Ngọc Khánh, giảng viên trường ĐH Trà Vinh.

1. Mở đầu
 
     Phong Phú là một xã khu vực II của huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Xã có 6 ấp, trong đó có 3 ấp đặc biệt khó khăn [1]. Toàn xã có 3.352 hộ với 16.316 nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Khmer có 2.393 hộ với 10.343 nhân khẩu (chiếm 71,2%)[2].  Mặc dù là khu vực cơ bản còn nhiều khó khăn nhưng trong hoạt động khuyến học, khuyến tài luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Ban chỉ đạo xã cùng với Hội khuyến học huyện Cầu Kè đã thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập qua việc tuyên truyền phát động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó được đông đảo tổ chức, cá nhân hưởng ứng thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo vững bước đến trường. Kết quả thực hiện đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương, đất nước. Tiêu biểu trong phong trào này là sự góp sức không nhỏ của chùa Phước Tường.
 
     Chùa Phước Tường là một ngôi chùa lâu đời được thành lập từ năm 1902. Chùa tọa lạc tại ấp 1, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Trong thời gian qua, nơi đây không những được biết đến là văn phòng Ban trị sự Phật giáo huyện Cầu Kè mà còn nổi bật với nhiều hoạt động từ thiện xã hội. Đặc biệt hơn hết là chương trình khuyến học, khuyến tài giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường. Đây cũng chính là nội dung được chúng chúng tôi quan tâm trình bày trong tham luận.
 
2. Quá trình thực hiện chương trình khuyến học và hiệu quả
 
      Trên tinh thần từ bi của đạo Phật cùng với tâm nguyện của người xuất gia luôn nghĩ đến cuộc đời chúng sanh còn nhiều đau khổ, mọi người còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Hàng năm, chùa Phước Tường cùng với chính quyền địa phương các cấp trong huyện Cầu Kè, các nhà hảo tâm xa gần đã gắn kết chặt chẽ trên tinh thần công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, bệnh nhân nghèo,… đặc biệt là hoạt động khuyến học, khuyến tài qua chương trình “Bếp cơm mái ấm học đường”.
     Chúng tôi có dịp trao đổi với Thượng tọa Thích Trí Minh, trụ trì chùa Phước Tường, Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Phó Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cầu Kè, thành viên Hội khuyến học huyện Cầu kè, thành viên Hội khuyến học tỉnh Trà Vinh. Qua trao đổi, chúng tôi được biết công tác từ thiện xã hội nói chung, công tác khuyến học, khuyến tài của chùa nói riêng đã hoạt động được nhiều năm với quy mô mở rộng dần. Công tác khuyến học, khuyến tài của chùa Phước Tường trong giai đoạn đầu cũng chỉ có vài hoạt động nhỏ. Cụ thể, chùa đã cùng với trường THPT Phong Phú phát học bổng, tập viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp khai giảng hàng năm. Khi nhận thấy còn nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không thể lo nỗi chi phí học tập đã đẫn đến tình trạng bỏ học, nhà chùa đã phát triển công tác khuyến học, khuyến tài quy mô hơn với chương trình “Bếp cơm mái ấm học đường”chính thức hoạt động từ năm 2008.
      Tìm hiểu mô hình khuyến học của nhà chùa, chúng tôi nhận thấy từ ý tưởng đến cách tổ chức thực hiện, cách quản lí, hiệu quả rất đáng ghi nhận. Cụ thể:
     Chương trình “Bếp cơm mái ấm học đường” hiện tại chỉ nhận đỡ đầu cho đối tượng học sinh cấp III ở các khối 10, 11 và 12 của trường THPT Phong Phú. Các em đều là học sinh hiếu học và có hoàn cảnh khó khăn. Sư thầy Trí Minh cho biết: “Giai đoạn cấp III là giai đoạn gia đình cần đầu tư nhiều hơn cũng là giai đoạn các em học sinh biết chi tiêu và có nhiều khoản chi hơn nên gia đình có thể đã mòn mỏi. Từ đó, học sinh dễ đi đến bỏ học. Chính vì vậy, thầy chọn học sinh cấp III để hỗ trợ tối đa”.[3] Đây cũng là một cách nghĩ hoàn toàn thực tế và kịp thời cho những đối tượng học sinh khó khăn ở giai đoạn cuối cấp.
     Bước đầu thực hiện chương trình, nhà chùa và trường phối hợp lập danh sách tất cả những em học sinh hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành xác minh rõ thực tế hoàn cảnh gia đình với số lượng không giới hạn. Thời gian đầu hoạt động, số lượng học sinh được nhà chùa đỡ đầu chỉ có 60-70 em. Hiện nay, số lượng đã tăng lên 120 em tập trung nhiều ở các xã Phong Phú, Ninh Thới, Phong Thạnh. Các em học sinh trong danh sách của chương trình “Bếp cơm mái ấm học đường” được hỗ trợ cơm trưa tại chùa, tập viết, xe đạp, học bổng,… nhằm giúp các em có đủ điều kiện học tập tốt nhất, tránh tình trạng bỏ học. Trước khi được tham gia chính thức nhận sự đỡ đầu từ “Bếp cơm mái ấm học đường”, các em học sinh được sinh hoạt kỹ những nội quy của nhà chùa cũng như công tác tư tưởng, đạo đức, lối sống. Qua đó, góp phần cho các em nhận thức đúng đắn vai trò, nhiệm vụ của mình trong học tập, tự rèn luyện bản thân, phấn đấu trở thành những học sinh học tốt, xứng đáng với niềm tin yêu của thầy cô, nhà trường và gia đình.
      Về cách quản lí và nội dung hoạt động, nhà chùa phối hợp với nhà trường xây dựng nội quy sinh hoạt. Trong số 120 học sinh cấp III được chương trình đỡ đầu, nhà chùa tổ chức bầu ra 01 em liên tổ trưởng và tổ trưởng của từng khối 10 – 11 – 12. Liên tổ trưởng và tổ trưởng được bầu ra trên tinh thần dân chủ, chọn lựa những cá nhân có thành tích học tập tốt và đạo đức tốt để tiên phong gương mẫu cho các thành viên trong nhóm.
      Vào cuối thứ bảy hàng tuần, chùa tổ chức họp mặt sinh hoạt. Các tổ trưởng lần lượt báo cáo về học tập, đạo đức, các mặt khác như tình hình dụng cụ học tập, nhu cầu khác của học sinh. Sau cùng, sư thầy sẽ là người đúc kết sinh hoạt. Sau khi sinh hoạt, học sinh nào có vi phạm nội quy sẽ có những hình thức xử lí khác nhau. Vi phạm lần thứ nhất được nhắc nhở. Vi phạm lần thứ hai là giáo dục. Vi phạm lần lần thứ ba sẽ có giấy báo gửi về nhà trường và phụ huynh không cho tham gia nhận sự đỡ đầu của nhà chùa. Nhờ sự uốn nắn và giáo dục ngay từ đầu nên gần như không có học sinh nào vi phạm nội quy của nhà chùa cũng như nội quy của nhà trường.
     Ngoài giờ học, các em được nhà chùa tạo điều kiện cho sinh hoạt tại chùa. Trong chùa có thư viện với nhiều đầu sách về Phật học. Chùa phối hợp với Thư viện tỉnh Trà Vinh và Phòng văn hóa thông tin của huyện Cầu Kè, định kỳ 3 tháng sẽ thay đổi đầu sách để cho các em tham khảo. Hệ thống quản lí việc đọc sách khá chặt chẽ. Nhà chùa cho các em mượn đọc tại chỗ và có thể mượn về nhà qua danh sách kí nhận. Điều này nhằm đảm bảo các đầu sách của thư viện chùa được hoạt động lâu dài phục vụ nhu cầu đọc sách của các em. Trong khuôn viên của chùa còn có nhà mát, bàn ghế tạo điều kiện cho các em nghỉ trưa, đọc sách, thư giãn,….
      Mỗi buổi trưa sau khi tan học, nhà chùa có nấu cơm trưa cho các em học sinh trong danh sách được đỡ đầu. Số học sinh khác cũng được nhà chùa tạo điều kiện cho việc vệ sinh cá nhân, nghỉ ngơi tại chùa vào buổi trưa. Ngoài hỗ trợ cho các em ăn cơm trưa, học bổng, xe đạp,… để có đủ điều kiện học tập, đối với gia đình phụ huynh của các em gặp khó khăn trong việc làm ăn thất bại, thiếu nợ. Nhà chùa cũng phối hợp với BGH nhà trường, chính quyền địa phương đến tận gia đình thăm viếng, tìm hiểu nguyên nhân và giúp đỡ giải quyết khó khăn cho gia đình.
      Trong những năm qua, bên cạnh việc giúp đỡ cho các em học sinh cấp III có hoàn cảnh khó khăn của trường THPT Phong phú, nhà chùa còn giúp đỡ các em học sinh gặp khó khăn của một số điểm trường khác trong huyện Cầu Kè. Nơi nào có học sinh gặp khó khăn nhà chùa có thông tin đều sẽ hỗ trợ học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập, quần áo nghi thức đội,…

- Hiệu quả từ chương trình “Bếp cơm mái ấm học đường”:
 
+ Thứ nhất, các em học sinh được nhà chùa đỡ đầu đều rất phấn đấu trong học tập, tránh tối đa tình trạng bỏ học. Không dừng lại ở đó, những em học sinh khi thi đậu vào đại học nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn cũng được nhà chùa tiếp tục giúp đỡ để các em yên tâm học tập. Trong số đó, có một số em sinh viên đang học tại trường ĐH Trà Vinh. Điều này đã góp phần cho việc đào tạo ra đội ngũ lao động tương lai có trình độ cao cho địa phương.
      Bày tỏ cảm nghĩ khi nhìn thấy hoạt động khuyến học của nhà chùa cũng như bản thân đã được nhà chùa tạo điều kiện nghỉ ngơi, sinh hoạt buổi trưa do nhà xa, em Nguyễn Thị Tố Như, ngụ tại xã Ninh Thới, học sinh lớp 11, trường THPT Phong Phú cho biết: “Em thấy hoạt động này rất là tốt, giúp được các bạn có hoàn cảnh khăn. Đối với gia đình các bạn cũng nhận được sự hỗ trợ đỡ được một phần nào”.[4]

+ Thứ hai, góp phần nền tạo nên nền tảng đạo đức căn bản cho các em học sinh tránh tình trạng tệ nạn học đường. Các học sinh được nhà chùa sinh hoạt hàng tuần, được uốn nắn nên đi vào nề nếp, có nhận thức tốt về đạo đức và có lối sống tốt đẹp. Nhiều học sinh trước đây được nhà chùa giúp đỡ nay đã ra trường và có việc làm ổn định vào những dịp lễ tết có về chùa thăm sư thầy. Sư thầy rất phấn khởi vì nhìn thấy thành quả của các em. Sư thầy Trí Minh tâm niệm: “các em có hoàn cảnh nghèo thì chỉ có phấn đấu học tập rèn luyện tốt, đến nơi đến chốn mới có thể có một tương lai tươi sáng để giúp cho bản thân và gia đình thoát nghèo và còn là một bông hoa tốt đẹp cho xã hội ở tương lai”.[5]
 
+ Thứ ba, về phía phụ huynh học sinh nhận được sự giúp đỡ của nhà chùa. Các phụ huynh rất phấn khởi, hãnh diện vì con em của họ được tạo điều kiện sinh hoạt, ăn nghỉ tại chùa. Nơi có nề nếp căn bản về đạo đức để giúp cho con em nhận thức tốt, có lối sống đẹp, tránh tình trạng tệ nạn xã hội. Qua đó, những khó khăn về kinh tế gia đình để lo cho các em đi học cũng được giải quyết phần nào.
     Qua nhiều năm thực hiện chương trình từ thiện xã hội và khuyến học, nhà chùa đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc giúp đỡ cải thiện đời sống của bà con phật tử nghèo cũng như các em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã Phong Phú và các xã khác của huyện Cầu Kè. Chúng tôi xin trích dẫn số liệu thống kê hoạt động từ thiện xã hội nói chung và hoạt động khuyến học nói riêng trong năm 2016 do chùa Phước Tường cung cấp. Cụ thể như sau:
 
 
STT CÁC DANH MỤC THỰC HIỆN DIỄN GIẢI THÀNH TIỀN
01 Phát quà cho đồng bào nghèo 1.000x300.000đ 300.000.000đ
02 Hỗ trợ heo đất cho HS, gây quỹ Khuyến học 1.300con   11.700.000đ
03 Hỗ trợ làm sân trường Mẫu giáo Phong Phú 100bao xi măng   10.000.000đ
04 Ủng hộ tang lễ gia đình nghèo       52x4.000.000đ 208.000.000đ
05 Ủng hộ bệnh nhân nghèo               72x5.000.000đ 360.000.000đ
06 Hỗ trợ bếp cơm HS nghèo trường THPT Phong Phú 120 em 110.000.000đ
07 Tặng học bổng cho HS nghèo 94sx1.000.000đ   94.000.000đ
08 Tặng tập cho HS nghèo                  12.000cx5.000đ   60.000.000đ
09 Tặng xe đạp cho HS nghèo            12cx1.500.000đ   18.000.000đ
10 Trồng cây nhân đạo 15 cây (CTĐ Phong Phú)     15cx100.000đ     1.500.000đ
11 Tặng quà Trung thu cho học sinh nghèo 500emx30.000đ   15.000.000đ
12 Chi phí xe chuyển viện bệnh nhân nghèo 42 ca   47.850.000đ
13 Hỗ trợ tiền xe hiến máu nhân đạo (xã Phong Phú)       3.000.000đ
    Tổng cộng 1.250.550.000


3. Thuận lợi và khó khăn
 
      Qua nhiều năm thực hiện chương trình “Bếp cơm mái ấm học đường”, để đạt được những kết quả như trên, chương trình khuyến học của nhà chùa có được những mặt thuận lợi sau đây:
- Thứ nhất, thời gian đầu hoạt động nguồn kinh phí chủ yếu do nhà chùa tự chủ động và còn hạn chế nên chỉ có thể giúp đỡ một phần nào khó khăn cho học sinh. Về sau, có nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân nhìn thấy mô hình khuyến học hay, thiết thực và có ý nghĩa nên đã phát tâm ủng hộ. Vì thế, hoạt động này ngày càng được mở rộng và quy mô, đã giúp giải quyết rất nhiều khó khăn của các em học sinh và gia đình.
- Thứ hai, về phía chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giấy phép,… trong các hoạt động từ thiện xã hội và khuyến học của nhà chùa. Phối hợp, hỗ trợ nhà chùa trong việc xác minh hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh để chọn đúng đối tượng cần giúp đỡ.
- Thứ ba, nhiều phật tử của chùa cũng đã tự nguyện, nhiệt tình trong việc nấu các bữa cơm trưa cho các em học sinh. Bà con phật tử sống gần khu vực chùa Phước Tường, ngày ngày đến chùa trước là làm công quả, sau là chuẩn bị các bữa cơm chay tươm tất cho các em học sinh sau giờ tan học. Họ xem các em học sinh như con cháu của mình và rất phấn khởi khi bản thân có đóng góp cùng với chương trình khuyến học của chùa để giúp đỡ các em.
       Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng trong nhiều năm thực hiện chương trình khuyến học, những khó khăn cũng luôn tồn tại:
- Thứ nhất, về vấn đề kinh phí. Chương trình hoạt động của nhà chùa trong các hoạt động từ thiện xã hội và khuyến học là liên tục. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đôi lúc không kịp thời và có hạn chế. Vì vậy, nhà chùa luôn phải trên tinh thần tự chủ động đầu tư để đảm bảo kế hoạch hoạt động đề ra.
- Thứ hai, về đối tượng học sinh khó khăn cần được giúp đỡ. Nhà chùa cùng với nhà trường phải trực tiếp đến xác minh tình trạng hoàn cảnh gia đình nên mất khá nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, nhà chùa cho rằng điều này rất cần thiết nhằm xác minh đúng đối tượng thật sự khó khăn để giúp đỡ kịp thời.
- Thứ ba, về cơ sở vật chất của nhà chùa. Hiện nay, cơ bản chùa đã xây dựng 01 bếp ăn khang trang phục vụ cơm trưa, nhà mát nghỉ trưa, 20 phòng tắm vệ sinh nam, 20 phòng tắm vệ sinh nữ phục vụ cho sinh hoạt cá nhân của các em vào buổi trưa,… Tuy nhiên, nhà chùa chưa có điều kiện cho tất cả các học sinh nhà xa lưu lại chùa trong thời gian học tập vì chùa chưa có đủ phòng ốc dành cho các em.
       Những kết quả và thuận lợi qua thời gian thực hiện chương trình “Bếp cơm mái ấm học đường” đến nay đã mang đến sự hân hoan cho nhà chùa, nhà trường, bà con phật tử, các tổ chức, cá nhân,… cùng thực hiện. Đó là động lực để mọi người có nhiều tâm huyết hơn nữa nhằm mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của chương trình khuyến học. Bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn cũng luôn song hành nhưng cũng không phải là rào cản lớn. Bởi vì, một khi tất cả đều vì mục đích chung mong sao có thể giúp đỡ được nhiều hơn các học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác trong xã hội, cùng nhau xây dựng xã hội học tập thì không có khó khăn nào không thể vượt qua.

4. Định hướng cho hoạt động chương trình khuyến học trong tương lai

     Khi chúng tôi thực hiện bài viết, ngoài niềm phấn khởi khi nhìn thấy những thành quả từ chương trình khuyến học đã đạt được cũng không khỏi trăn trở về việc duy trì lâu dài chương trình khuyến học của nhà chùa đang thực hiện cũng như mở rộng quy mô hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi có thể tin tưởng làm khuyến học khi có tâm và toàn tâm sẽ mang lại hiệu quả. Nhìn vào thành quả nhiều năm thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài, sư thầy luôn tâm nguyện: “Làm tất cả những gì đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Lấy hạnh phúc của mọi người là hạnh phúc của chính mình”.[6]
      Vì vậy trong những năm qua, Thượng tọa Thích Trí Minh và nhà chùa đã hết lòng thực hiện chương trình khuyến học cùng với việc vận động các đơn vị từ thiện xã hội, bà con phật tử nhà chùa, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài huyện Cầu Kè đóng góp tiền, hiện vật tạo điều kiện tiếp sức giúp cho hàng nghìn học sinh, sinh viên nghèo đến lớp. Không dừng lại ở đó, trong tương lai sư thầy mong muốn xây dựng kí túc xá tại chùa nhằm mục đích tạo điều kiện cho các em học sinh ở xa có thể ổn định chỗ ở, học tập. Qua đó, các em sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để tham gia sinh hoạt tại chùa. Điều này giúp vấn đề sinh hoạt tư tưởng, đạo đức được thường xuyên và sâu rộng hơn, càng góp phần tạo nên nền tảng đạo đức vững chắc cho các em học sinh.
      Không dừng ở việc giải quyết khó khăn về chỗ ở, sinh hoạt, đối với các em học sinh cuối cấp chuẩn bị thi vào đại học, nhà chùa còn định hướng làm công tác tư vấn tuyển sinh cho các em chọn những ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu thực tế của xã hội. Từ đó, là cơ sở cho các em chọn đúng ngành, làm đúng nghề, có được việc làm ổn định trong tương lai nhằm giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

5. Kết luận

     Thành quả trong hoạt động từ thiện xã hội nói chung và hoạt động khuyến học, khuyến tài nói riêng của chùa Phước Tường, sư thầy Trí Minh đã nhận được nhiều bằng khen các cấp từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, những việc làm ấy chỉ xuất phát từ tấm lòng nhân hậu của một người tu hành không nghĩ đến lợi ích của bản thân. Mặc dù bận bịu với công tác phật sự nhưng sư thầy vẫn tranh thủ thời gian để chia sẻ với các em học sinh, mong sao có thể giải quyết được phần nào khó khăn của các em và gia đình. Với chương trình “Bếp cơm mái ấm học đường” của chùa Phước Tường đã giúp cho rất nhiều em học sinh vượt qua khó khăn vững bước đến trường và gia đình các em cũng nhẹ phần lo lắng. Đồng thời qua các hoạt động cụ thể trong chương trình khuyến học cũng phần nào giúp xóa đói, giảm nghèo cho các hộ khó khăn trong xã Phong Phú nói chung và các xã khác thuộc huyện Cầu Kè nói riêng. Hy vọng ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân nối vòng tay với nhà chùa vì việc nghĩa, giúp đỡ được nhiều hơn các hoàn cảnh học sinh khó khăn khác nhằm hạn chế tối đa học sinh nghèo bỏ học, tệ nạn học đường. Chương trình khuyến học sẽ cùng nhà trường đào tạo những lao động có trí thức và đạo đức cho xã hội tương lai./.


 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Trần Hậu, Đoàn Minh Huấn (2012), Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020 một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia.
2. Dương Hoàng Lộc (2013), Hoạt động y tế của Phật giáo Bình Dương - dưới góc nhìn dịch vụ xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 (125)/2013.
http://coiphat.net/danh-tu/chua-phuoc-tuong-vp-bts-huyen-cauke_1175.html
http://baotintuc.vn/dan-toc/thuong-toa-thich-tri-minh-het-long-voi-hoc-tro-ngheo
http://www.chuaphuoctuongtravinh.com/t-thin/thong-tin-t-thin/167-hoat-dong-tu-thien-chua-phuoc-tuong-nam-2013.html
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx
http://dantri.com.vn/khuyen-hoc/cac-co-so-ton-giao-dong-gop-tich-cuc-cho-cong-tac-khuyen-hoc-1336948424.htm.


 
 
PHỤ LỤC MỘT SỐ HÌNH ẢNH
  
 
 
 
Hình 1: Bữa cơm trưa của các em
học sinh tại chùa Phước Tường
Ảnh: Chùa Phước Tường

 


 
 
 
Hình 2: Buổi sinh hoạt vào thứ 7
hàng tuần do Thượng tọa Trí Minh chủ trì
Ảnh: Chùa Phước Tường
 
 
Hình 3: Thượng tọa Thích Trí Minh
trao quà cho các em học sinh
Ảnh: Chùa Phước Tường
 
 
 
 
Hình 4: Các em học sinh tranh thủ
học bài vào giờ nghỉ trưa tại chùa
Ảnh: Tác giả
 
 
 
[1] Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020.
[2] Báo cáo Tổng kết của UBND xã Phong Phú về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
[3] Dẫn lời TT.Thích Trí Minh.
[4] Dẫn lời em Nguyễn Thị Tố Như.
[5] Dẫn lời TT.Thích Trí Minh.
[6] Dẫn lời TT. Thích Trí Minh.
 

Tác giả: . Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.163 -172

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây