ĐÀO TẠO TÔN GIÁO HỌC Ở VIỆT NAM: THÀNH TỰU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Thứ bảy - 25/12/2021 11:23

Ảnh minh họa. Ảnh Hung Hoang. Thư viện Thăng Long

Ảnh minh họa. Ảnh Hung Hoang. Thư viện Thăng Long
PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh - Chủ nhiệm Bộ môn Tôn giáo học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. ĐHQGHN.Nguyễn Thúy Chinh - Trợ lý đào tạo Đại học Bộ môn Tôn giáo học - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.Bài in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr. 273-282.
 
          Với tư cách là một hình thái của kiến trúc thượng tầng, xét đến cùng tôn giáo chịu sự quyết định của hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, tôn giáo cũng không thụ động. Nó đã, đang và sẽ còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế…thậm chí tới tất cả thể chế chính trị của các quốc gia. Hans Kung nhà thần học, triết học tôn giáo đã từng nói “Không có hòa bình giữa các tôn giáo, thì không có hòa bình giữa các dân tộc; không có đối thoại giữa các tôn giáo, thì không có hòa bình giữa các tôn giáo; không có nghiên cứu về các tôn giáo thì không có đối thoại giữa các tôn giáo”[1]. Nghiên cứu tôn giáo để có đối thoại giữa các tôn giáo, đối thoại giữa các tôn giáo để có hòa bình giữa các tôn giáo và hòa bình giữa các dân tộc.
          Việt Nam là quốc gia có đời sống tôn giáo phong phú và đa dạng. Ở Việt Nam có sự hiện diện của những hình thức tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào như: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, có những tôn giáo nội sinh như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo… và một hệ thống những tín ngưỡng thờ cúng bản địa độc đáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam có ý nghĩa chiến lược và là nhân tố quan trọng để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của xã hội.
            Từ thực tế đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải có được một đội ngũ cán bộ có kiến thức chuyên sâu về tôn giáo, có lập trường, tư tưởng vững vàng trong nhìn nhận các vấn đề tôn giáo vốn được xem là “nhạy cảm” và phải mềm mỏng, linh hoạt, thận trọng trong giải quyết các vấn đề tôn giáo. Từ đó, yêu cầu có ngành Tôn giáo học nhằm đào tạo cơ bản những người có chuyên môn sâu về tín ngưỡng, tôn giáo để tham gia vào những công việc liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời hiểu sâu hơn nữa về mối quan hệ giữa tôn giáo với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, thấy được những giá trị của tôn giáo và phát huy chúng thành một nguồn lực phát triển xã hội.
            Chính vì vậy, đào tạo ngành Tôn giáo học (ở cả ba cấp độ: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) là cần thiết với nhu cầu thực tiễn xã hội. Trong bài viết này, tôi trình ra 3 vấn đề chính liên quan đến việc đào tạo tôn giáo học ở Việt Nam hiện nay.
            - Nhu cầu đào tạo ngành Tôn giáo học hiện nay ở Việt Nam.
            - Tình hình đào tạo Tôn giáo học hiện nay ở Việt Nam.
            - Những vấn đề đặt ra và giải pháp.

            1. Nhu cầu đào tạo ngành Tôn giáo học hiện nay

            Ngày 12-3-2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trên cơ sở tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, đồng thời xem xét những vấn đề mới nảy sinh trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi quan trọng. Văn kiện vẫn khẳng định quan điểm: “Tín ng­ưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
          Và thực tế, Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ (thuộc Bộ Nội vụ), ước tính hiện  nay 95% dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào và hơn 40 lễ hội khác. Tính đến cuối năm 2014, có 14 tôn giáo với 38 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu học được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với khoảng 24 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước, hơn 83.000 chức sắc, hơn 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo và hơn 25.000 cơ sở thờ tự. Ngoài ra còn có hơn 70 tổ chức, hệ phái, nhóm tôn giáo khác chưa có đăng ký hoạt động, công nhận về tổ chức và hơn 60 hình thức tôn giáo mới (tiền tôn giáo).
          Chính vì thế, cần thiết đào tạo ngành tôn giáo học nhằm:
        -  Đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực đối với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, và nguồn nhân lực trình độ cao của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và tổ chức tôn giáo.
       Chủ nghĩa Mác – Lênin luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc bảo vệ phát triển, truyền bá những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng để chúng thực sự giữ vững vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội là vô cùng quan trọng. Muốn vậy phải có một đội ngũ cán bộ đông đảo, có trình độ cao, chuyên sâu, nắm chắc quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo để làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và nhất là bảo vệ và phát triển lý luận mác-xít về tôn giáo, đưa đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam vào cuộc sống.
        Tôn giáo ở Việt Nam hiện nay là vấn đề rất được quan tâm, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có những chính sách phù hợp với tình tình tôn giáo trong từng giai đoạn cụ thể. “Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là: tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo nào để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước; nghiêm trị những hoạt động lợi dụng tôn giáo làm hại đến lợi ích của Tổ quốc, của chủ nghĩa xã hội. Các cấp bộ Đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các tôn giáo, động viên đồng bào có đạo tăng cường đoàn kết với các tầng lớp nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua sản xuất, học tập, làm tốt nghĩa vụ công dân, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng cuộc sống mới”. Để làm được điều đó, rất cần một đội ngũ nhân lực trình độ cao của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và tổ chức tôn giáo, thực sự am hiểu về tôn giáo, về cách ứng xử với tôn giáo.
        Nhận thức được tầm quan trọng có ý nghĩa đặc biệt của công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, và những người làm công tác tôn giáo, những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm, đào tạo đội ngũ cán bộ này. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và làm công tác tôn giáo hiện đang rất thiếu và còn hạn chế về trình độ, thiếu những chuyên gia lý luận đầu đàn. Ngay cả đội ngũ làm công tác tư tưởng, chính trị, tuyên huấn ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, và những người chuyên trách công tác tôn giáo… cũng đang thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác chính trị, tư tưởng, lý luận và thực tiễn.

      - Đáp ứng nhu cầu đào tạo đội ngũ những người có khả năng nghiên cứu để xây dựng, tổng kết lý luận và vận dụng lý thuyết, kinh nghiệm của thế giới về Tôn giáo học  vào thực tiễn Việt Nam.

       Cho đến nay, Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu cả về lý luận và thực tiễn, còn nhiều quan niệm chưa đồng nhất về tôn giáo. Vì thế, nhiều vấn đề lý luận về tôn giáo học cần được làm sáng tỏ, nhiều hoạt động thực tiễn cần được nghiên cứu, tổng kết một cách đầy đủ và toàn diện. Trong khi đó, tuy các nước phát triển đã xây dựng hệ thống lý thuyết về Tôn giáo học, nhưng không thể áp dụng máy móc vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Vì vậy việc đào tạo ngành tôn giáo học (ở cả ba bậc) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và tạo nguồn cho việc đào tạo những người có khả năng nghiên cứu, xây dựng và vận dụng lý luận vào thực tiễn ở bậc học cao hơn.
      Trong quá trình xây dựng đề án mở ngành, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực tế, kết quả cho thấy ở các cơ quan, tổ chức, phần lớn cán bộ làm công tác tôn giáo trước đây do không được đào tạo chuyên sâu, lại thiếu hệ thống lý thuyết cơ bản, nên họ phải mất nhiều thời gian để tự “mày mò”, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn khi được phân công đảm nhiệm công tác này. Mặt khác, trước tình hình phát triển tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới, một số tôn giáo bị các thế lực phản động trong và ngoài nước lợi dụng… Chính vì vậy, rất cần một đội ngũ có kiến thức chuyên sâu về tôn giáo, có thái độ, lập trường tư tưởng đúng đắn, vững vàng trong việc nhìn nhận các vấn đề tôn giáo, vốn được xem là “nhạy cảm”. Bởi giải quyết các vấn đề tôn giáo phải hết sức thận trọng, thỏa đáng, mềm mỏng.
Trong Báo cáo Chính trị Đại hội X của Đảng, phần Tôn giáo có đề cập đến tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo, cho thấy đây là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra nhằm quản lý tốt vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

    * Nhu cầu thực tế thông qua khảo sát, điều tra

      Trong quá trình xây dựng đề án mở mã ngành Tôn giáo học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhóm biên soạn chúng tôi đã xây dựng phiếu điều tra, hỏi ý kiến các cán bộ lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu và đào tạo và các giảng viên, nghiên cứu viên, cựu sinh viên, học viên sau đại học đang công tác liên quan trực tiếp đến Tôn giáo học và chọn mẫu với số lượng 100 phiếu. Đối tượng được chọn điều tra đều là những người đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Tôn giáo học, liên quan đến công tác đào tạo, nghiên cứu, công tác tôn giáo và tuyển dụng cũng như sử dụng nhân lực Tôn giáo học. Kết quả cho thấy: 100% những người được hỏi đều cho rằng tào tạo ngành Tôn giáo học là cần thiết với nhu cầu thực tiễn xã hội. Cụ thể khi được hỏi câu hỏi: Theo ông/bà, sinh viên ngành Tôn giáo học ra trường có thể làm việc trong những lĩnh vực nào? Chúng tôi thu được kết quả cho thấy sinh viên ngành tôn giáo học ra trường có thể công tác ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó các ý kiến cho thấy có thể công tác nhiều nhất ở lĩnh vực Quản lý Nhà nước và Giáo dục/ đào tạo (cùng có kết quả 28, 6%), lĩnh vực An ninh, quốc phòng và lĩnh vực Khoa học/ công nghệ (cùng có kết quả 14,3%), 7,1% cho rằng có thể công tác ở lĩnh vực báo chí/ truyền thông, đối nội. Và trong các lĩnh vực đó thì cử nhân tôn giáo học cũng có thể đảm nhận vai trò công tác ở nhiều vị trí khác nhau: tổ chức lãnh đạo, chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên, chuyên gia, tư vấn... Những số liệu thu thập được trong quá trình điều tra thực tiễn là những minh chứng thuyết phục nhất cho thấy nhu cầu của thực tiễn xã hội về nguồn nhân lực có trình độ về Tôn giáo học và đó cũng là nhu cầu đào tạo Tôn giáo học hiện nay ở Việt Nam.

            2. Tình hình đào tạo tôn giáo học hiện nay ở Việt Nam

         Tất cả các nước có nền khoa học phát triển đã từ lâu tiến hành đào tạo chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo học trong các Viện nghiên cứu hoặc trường Đại học. Ngày nay công việc này vẫn đang được tiếp tục mở rộng cả về quy mô, lẫn lĩnh vực theo hướng tăng cường sự hợp tác quốc tế.
          Trước đây ở các nước XHCN cũ như Liên Xô và Đông Âu có đào tạo cán bộ ngành Triết học ở trình độ Đại học và sau Đại học, các chuyên ngành Triết học, trong đó có chuyên ngành “Chủ nghĩa Vô thần Khoa học”, nhưng từ khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị giải thể, thì ở các nước đó chuyên ngành này được “đổi thành” ngành Tôn giáo học.
Ở Trung Quốc, nhiều cơ sở (trường, viện) hiện nay vẫn đang đào tạo cán bộ Triết học, các chuyên ngành Thọc Mác – Lênin, trong đó có Tôn giáo học ở cả trình độ Đại học và sau Đại học như: Trường Đại học Tổng hợp Bắc Kinh; Trường Đảng Trung ương Bắc Kinh; Viện Hàn lâm KHXH Trung Quốc; Trường Đại học Trung Sơn Trung Quốc…
          Ở Mỹ, tại trường Đại học Đông Calorina cũng đào tạo ngành Tôn giáo học ở bậc Đại học, Cao học, Tiến sĩ.
          Ở Việt Nam, việc đào tạo đội ngũ cán bộ Tôn giáo học ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ mới chỉ có một vài năm trở lại đây và với số lượng không nhiều như:  Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Tín ngưỡng, Tôn giáo thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (chủ yếu đào tạo Đảng viên, bậc Tiến sĩ mới đào tạo); Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm Việt Nam (Đào tạo Tiến sĩ, bậc Thạc sĩ mới đào tạo).
         Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã bắt đầu đào tạo trình độ Đại học ngành Triết học định hướng chuyên ngành Khoa học về Tôn giáo từ những năm thành lập khoa Triết học (1976), đến năm 1980 thì đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành CNDVBC&CNDVLS trong khoa Triết học lúc bấy giờ, nhưng đã có rất nhiều luận án làm hướng về Tôn giáo học, bởi những người theo học là những người làm quản lý thuộc lĩnh vực Tôn giáo, quản lý hoạt động tôn giáo, luật học, văn hóa, nhân quyền, an ninh, du lịch... Đến năm 1999 Bộ môn Khoa học về Tôn giáo đào tạo Cử nhân ngành Triết học chuyên ngành Tôn giáo học với số lượng học viên mỗi năm khoảng trên 200 cho nhiều đối tượng khác nhau như: Sinh viên chính quy, tại chức các tỉnh, tu sĩ các tôn giáo... Đến năm 2004 mã chuyên ngành Thạc sĩ Tôn giáo học được phê duyệt thì việc đào tạo các đối tượng được mở rộng hơn: Có nhiều chức sắc lãnh đạo cao cấp trong và ngoài nước của các Tôn giáo khác nhau theo học, nhiều tỉnh thành đăng ký mở các lớp hệ vừa làm vừa học cho cán bộ làm nghiên cứu, quản lý Tôn giáo hoặc liên quan đến lĩnh vực Tôn giáo theo học, để có cơ hội học tiếp cao học chuyên ngành Tôn giáo học. Bởi vậy, mỗi năm có đến vài chục học viên cao học chuyên ngành Tôn giáo học đang theo học. Tháng 4/ 2014 ngành Tôn giáo học bậc Thạc sĩ được tyuển sinh đào tạo độc lập không trong mã ngành Triết học; tháng 4/ 2015 bộ môn tiếp tục tuyển sinh Tiến sĩ ngành Tôn giáo học và tháng 7/2016 bộ môn tuyển sinh Cử nhân ngành Tôn giáo học.   
            Như vậy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay đã đào tạo ngành Tôn giáo học ở cả ba cấp (Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ) với quy mô vài trăm sinh viên, học viên một năm, trong đó với chương trình Thạc sĩ thì đã triển khai ở cả hai hướng: định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Nội dung giảng dạy, đề cập đến các nội dung lớn: Lý luận chung về tôn giáo, Tôn giáo và tín ngưỡng bản địa, Văn hóa và tôn giáo, Quản lý và công tác xã hội tôn giáo, nghệ thuật tôn giáo, du lịch tâm linh...
            Qua sự so sánh, đối chiếu với khung chương trình giảng dạy ngoài nước về Tôn giáo học, chúng tôi nhận thấy ngoài các môn học mang tính đặc thù của Việt Nam thì nhiều môn, nhiều chuyên đề học có điểm tương đồng về nội dung. Điểm đặc biệt hơn, các chuyên đề này đều đã đề cập đến những nội dung cơ bản của Tôn giáo học và một hệ thống xuyên suốt thống nhất từ bậc Cử nhân đến Tiến sĩ. Sự tương đồng này cho thấy, ngành Tôn giáo học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã xác định đúng đối tượng nghiên cứu và giảng dạy, quan trọng hơn là đã và đang đi đúng hướng đào tạo và mở rộng được sự hội nhập quốc tế trong thời hiện nay. Và cũng chính lẽ đó mà kết quả đào tạo đạt được rất đáng ghi nhận. Hàng năm, có hàng trăm sinh viên, học viên ngành Tôn giáo học ở Việt Nam đã tốt nghiệp và không ít Nghiên cứu sinh ngành Tôn giáo học hoàn thành luận án, được công nhận học vị Tiến sĩ và tất cả đều được đảm bảo chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Lực lượng đó đã góp phần đáp ứng được phần nào nhu cầu của xã hội. Có nhiều người đã trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan trọng yếu. Mặc dù là một ngành khoa học non trẻ nhưng những kết quả trên là tín hiệu vui mừng để Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn Hà Nội có cơ sở tiếp tục phát triển mạnh ngành Tôn giáo học trong tương lai và là địa chỉ đào tạo tin cậy bậc nhất Việt Nam.

            3. Những vấn đề đặt ra và giải pháp
            * Những vấn đề đặt ra

            Những kết quả đạt được là đáng được ghi nhận và vui mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta còn cần nhìn nhận đúng thực tế, đây là một ngành mới vì vậy trong quá trình đào tạo còn gặp một số khó khăn.  Cụ thể như:
            Về học liệu: Trong một số bài nghiên cứu, tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này "hiện nay sinh viên học chủ yếu vẫn chỉ là những trang sách mang tính tư liệu tham khảo, chưa có giáo trình cụ thể thống nhất". Hay những sách dịch từ nước ngoài thì các thuật ngữ hay ngôn từ chưa chuẩn nên việc đọc và học sẽ khó. Khi viết về vấn đề này ở Viện Nghiên cứu Tôn giáo, có tác giả đã khẳng định "Viện nghiên cứu tôn giáo cũng như chuyên ngành tôn giáo học là một bộ môn khoa học còn rất trẻ, ít có các tài liệu tham khảo so với các ngành khác. Trong nhiều trường Đại học hiện nay, chúng ta mới bắt đầu xây dựng khung chương trình cho Bộ môn Tôn giáo học, do vậy, về mặt giáo trình giảng dạy của bộ môn này rất hiếm"[2]
            Đến nay, vấn đề này mặc dù có được khắc phục nhưng hiệu quả chưa cao, đặc biệt hệ thống giáo trình chuẩn đã có trong đào tạo nhưng chưa đầy đủ.
           Về đội ngũ cán bộ giảng dạy: Vì là một ngành mới nhưng nhu cầu đào tạo hiện nay lại tương đối lớn chính vì vậy đội ngũ cán bộ giảng dạy còn thiếu rất nhiều. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, chuyên môn phù hợp với chuyên ngành giảng dạy. Tình trạng đó dẫn đến hiện tượng có nhiều người "không chuyên" nhưng vẫn tham gia giảng dạy ở nhiều cơ sở đào tạo liên quan đến chuyên môn Tôn giáo học, dẫn đến chất lượng đào tạo không được đảm bảo.
            Về chương trình học: Là một ngành mới, khung chương trình giảng dạy mới được soạn thảo và đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện, vì thế không tránh khỏi những hạn chế: ví như một số môn học với nội dung còn  khiêm tốn chưa gắn với thực địa và chưa cân đối giữa các nội dung trong cùng một chương trình học...

            * Giải pháp
            Trước thực tế còn một số vấn đề tồn đọng, chúng tôi đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa:
            - Cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo (trong đó chúng tôi nhấn mạnh đến sự liên kết giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và một số cơ sở đào tạo Tôn giáo học hoặc liên quan đến Tôn giáo học). Sự liên kết, hợp tác cần diễn ra một cách toàn diện, thường xuyên về chương trình học, về giảng viên, về học liệu,...
            - Các cơ sở đào tạo trực tiếp về Tôn giáo học hoặc liên quan đến Tôn giáo học cần chú ý đầu tư hơn nữa về việc hoàn thiện chương trình đào tạo, bởi công việc này rất quan trọng, có thể coi là "xương sống" của quá trình đào tạo ngành Tôn giáo học hiện nay. Chỉ khi nào khung chương trình thống nhất và hoàn thiện thì việc đào tạo mới thực sự có hiệu quả cao.
            - Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Có thể bằng nhiều phương pháp khác nhau: tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, thông qua các cuộc hội thảo chuyên môn, trao đổi, cử cán bộ đi học ở các cơ sở đào tạo khác hoặc nước ngoài để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
            - Đầu tư, đẩy mạnh việc hợp tác soạn thảo đề cương, tập bài giảng, giáo trình...
            Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi muốn đóng góp vào việc đào tạo ngành Tôn giáo học ở Việt Nam hiện nay với mục đích xây dựng, phát triển ngành ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội, góp phần phát triển đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, tươi đẹp./.


   Tài liệu tham khảo

1. Trác Tân Bình,  “Lý giải tôn giáo”. Nxb Hà Nội, 2007. Tr.7.
2. Đỗ Thị Kim Định, Lê Đức Hiển (2010), Xây dựng và giảng dạy chuyên ngành Tôn giáo học của cơ sở đào tạo viện nghiên cứu Tôn giáo: Những kết quả và một số vấn đề đặt ra.
3 Đặng Nghiêm Vạn (2003), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia.

 
 

[1] Dẫn theo Trác Tân Bình “Lý giải tôn giáo”. Nxb Hà Nội, 2007. Tr7.
[2] Đỗ Thị Kim Định, Lê Đức Hiển (2010), Xây dựng và giảng dạy chuyên ngành Tôn giáo học của cơ sở đào tạo viện nghiên cứu Tôn giáo: Những kết quả và một số vấn đề đặt ra.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây