TỪ THIỆN XÃ HỘI PHẬT GIÁO CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH PHÚ THỌ

Thứ sáu - 20/05/2022 08:28

TỪ THIỆN XÃ HỘI PHẬT GIÁO CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH PHÚ THỌ

Ban TTXH PGVN tỉnh Phú Thọ



 
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm Trung ương GHPGVN, cùng Chư tôn Thiền đức Tăng Ni.
Kính thưa Quý vị Đại biểu Khách quý đại diện cho các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành đoàn thể.
Kính thưa toàn thể hội chúng.

      Đạo Phật là đạo từ bi, đạo trí tuệ. Những người con Phật là những người phải biết dùng từ tâm ban trãi mang lại hạnh phúc cho mọi người. Một khi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì chúng ta mới cảm nhận được tâm trạng của họ và đây là yếu tố để phát triển tâm Bi tức là lòng bi mẫn thương xót muốn cứu giúp chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ. theo đúng tinh thần hành Bồ-tát đạo.
 
     Để độ cho chúng sinh bớt khổ thì trước nhất phải biết độ mình. Ngày xưa chính Đức Thế Tôn đã dày công tu hành mới chứng thành đạo Chánh đẳng Chánh giác. Vì thế hành giả lấy chúng sinh làm đối tượng để tu hành vì chúng ta cũng là chúng sinh, có nghĩa là chúng ta cũng còn đau khổ và ai ai cũng mong cầu hạnh phúc.
 
     Theo luật Duyên sinh tất cả chúng sinh trong thế gian tương quan với nhau dù trực tiếp hay gián tiếp để sinh tồn. Vì thế Phật dạy rằng: “Thế gian nầy chẳng nên tranh đấu với nhau bởi vì mọi người đều là một thể nhưng xưa nay con người vốn không phân biệt được nhân ngã mà thôi. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, chẳng có vật nào độc lập mà tồn tại. Mình và vạn vật đã nương nhau để sống còn thì việc ban bố lòng thương và ân huệ cho chúng sinh khi mới nhìn thì giống như vì người nhưng thật ra đối với chính mình thì lợi ích còn lớn hơn”.
     Dựa trên nền tảng Lục Độ hay Lục Độ Ba-la-mật Phật giáo đã thể hiện một cách thiết thực qua những hoạt động từ thiện hay bố thí mang lại an vui, lợi lạc cho nhiều người, góp phần giảm thiểu những khó khăn trong đời sống, giảm thiểu niềm đau nỗi khổ. Những việc làm này vừa có giá trị đối với đời sống vật chất lẫn tinh thần.
 
     Trong Phật giáo, từ thiện có thể hiểu là hành động thiện xuất phát từ lòng từ bi. Bất cứ việc làm nào mang lại lợi ích cho tha nhân bắt nguồn từ tâm vị tha, cứu khổ ban vui đều mang ý nghĩa từ thiện.
     Nói khác hơn Từ Thiện là một pháp hành, là một trợ hạnh cho người hành giả tu nhân giải thoát, tuy nhiên trong Đại hội hôm nay, tham luận xin được viết những cảm nhận về công tác từ thiện thông qua hình ảnh xã hội hóa của Phật giáo tỉnh Phú Thọ.

1. Đặc điểm tình hình chung:

     Phú thọ là tỉnh thuộc vùng đông bắc Việt Nam, là tỉnh miền núi, trung du nên địa hình bị chia cắt, được chia thành tiểu vùng chủ yếu. Tiểu vùng gò, đồi thấp bị chia cắt nhiều, xen kẽ là đồng ruộng và dải đồng bằng ven sông Hồng, hữu Lô, tả Đáy. Địa hình của tỉnh chủ yếu là đồi núi, những vùng đất bằng phẳng rải rác trong tỉnh. Vùng núi chiếm 79% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; vùng trung du chiếm 14,35% diện tích; vùng đồng bằng chiếm 6,65% diện tích. Theo điều tra dân số ngày 01/04/2009 Phú Thọ có 1.313.926 người với mật độ dân số 373 người/km². Tỷ lệ dân số sống tại nông thôn, vùng núi khoảng 85% và tại thành thị khoảng 15%.
     Phú Thọ được coi là vùng Đất tổ cội nguồn của Dân tộc Việt Nam. Tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay. Theo huyền sử Phật giáo cổ đã được truyền vào thời kỳ Hùng vương khoảng 200-300 năm trước công nguyên. Chử Đồng Tử cũng là một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo cổ ở nước ta học đạo với ngài Phật Quang. Truyền thuyết cũng cho thấy ban đầu cũng có xung đột chính trị giữa tín ngưỡng đạo Phật và tín ngưỡng cổ Văn Lang, giữa Phật giáo cổ và giới cầm quyền của các vua Hùng.
     Từ đó có thể nói Phú thọ là cái nôi của Phật giáo cổ, con người tại đất phong châu cũng đượm thắm nền tảng giáo lý Phật đà trong tâm thức, tín ngưỡng. Tuy nhiên, qua các cuộc chiến tranh Phật giáo tại Phú Thọ gần như chỉ còn là những phế tích, sư sãi thay áo cà sa khoác áo chiến bào, hòa bình lập lại thì lại vác cuốc ra đồng cùng nhân dân theo hợp tác xã, tối về gõ mõ tụng kinh đáp ứng đời sống tâm linh của nhân dân thông qua việc tín ngưỡng.
    Khoảng 20 năm trở lại đây, cơ chế xã hội thay đổi cách nhìn nhận về Phật giáo được nâng lên từ đó cơ duyên thành lập BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ ban đầu chỉ có hơn 10 Tăng Ni, đến nay trong tỉnh đã có hơn 100 Tăng Ni hành đạo.

2. Thực trạng:

     Như trên đã nói về tình hình địa lý Phú thọ là 1 tỉnh miền núi trung du, có nhiều dân tộc sinh sống còn nhiều những hủ tục. Đa số người dân sống ở nông thôn và vùng núi, mật độ dân cư thưa thớt, đời sống thu nhập khó khăn, đến chùa chỉ với giọt dầu đèn. Nhìn chung việc từ thiện Phật giáo là việc làm thiết thực để người dân gần gủi với Tăng già hiểu thêm về giáo lý Phật Đà.
 
2.1. Thuận lợi:
 
    Là những người Thích tử Như Lai luôn ghi nhớ: “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật” từ đó công việc từ thiện của BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ gặp rất nhiều thuận duyên với sự ủng hộ của Chư Tăng, Ni trong tỉnh hằng năm 3 kỳ (Tết Nguyên Đán, Ngày Phật Đản, Lễ Vu Lan) đã gởi đến những phần quà thiết thực đến với đồng bào nghèo vùng cao trong địa bàn tỉnh. Bên cạnh các công tác từ thiện của các chùa cũng rất mạnh như chương trình nồi cháo nghĩa tình tại các bệnh viện trong tỉnh, chương trình tết trung thu cho các em thiếu nhi vùng sâu vùng xa, chương trình văn nghệ hướng về miền trung thân yêu. Đặc biệt Phú Thọ có thượng tọa Thích Minh Nghiêm là ủy Viên Hội Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Nam.

2.2. Khó khăn:

      Địa bàn tỉnh khá rộng, chư Tăng Ni ít, các chương trình từ thiện của các chùa mang tính chất đơn lẻ, tự phát chưa có tiếng nói chung với Ban từ thiện tỉnh, chưa có sự kết nối với các mạnh thường quân. Con số thống kê từ các chùa trên cả tỉnh lớn tuy nhiên chưa có một công trình nào để lại mang tính biểu trưng.

2.3 Kết quả đạt được:

     Trong suốt nhiệm kỳ qua Ban Từ Thiện GHPGVN tỉnh Phú thọ đã phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ qua từ năm 2012 – 2017 (có bản lưu tại Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Phú Thọ).
 
STT NỘI DUNG SỐ TIỀN
(ĐVT: 1000đ)
1 Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam 1.738.550
2 Cứu đói giáp hạt 190.000
3 Tăng Ni Phật giáo giúp sức bệnh nhân nghèo thông qua “Nồi cháo nghĩa tình” tại các Bệnh viện Đa khoa Huyện,  Thành Thị trong toàn tỉnh. 1.720.000
4 Bếp ăn tình thương Phường Thanh Miếu 86.000
5 Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo 72.000
6 Ủng hộ xe lăn cho người khuyết tật tỉnh 30.000
7 Khuyến học 62.000
8 Quỹ chất độc da cam huyện Lâm Thao 18.000
9 Đền ơn - đáp nghĩa – làm lễ cầu nguyện tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ 450.000
10 Khám, cấp thuốc Bệnh nhân nghèo tại Phường Thanh Miếu, xã Kinh Kệ. 150.000
Tổng Cộng 4.516.550
(Bốn tỷ năm trăm mười sáu triệu năm trăm năm mươi ngàn đồng chẳn)
 
     Trên đây là những thành quả đạt được trong năm năm qua thông qua số liệu thống kê của Ban Từ Thiện kết hợp với Hội chữ Thập đỏ. Tuy nhiên con số trên chỉ mang tính tham khảo, thực tế việc làm về từ thiện nhân đạo của Tăng Ni, Phật giáo đồ trong toàn tỉnh còn nhiều hơn nữa.

3. Những điều đáng quan tâm:

     Hiện tại những hình thức Từ thiện của Phật giáo chỉ theo tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, đa số dựa trên việc tặng quà với số lượng chỉ tiêu, chưa có đúng tinh thần nhập thế đến để mà thấy, thấy để mà thương. Chúng ta chỉ mới giúp được mọi người lúc ngặt nhưng chưa giải quyết được cái nghèo trong nội tại.
 
     Như trong bài tham luận tại Đại hội đại biểu PG TP.HCM lần thứ VIII  của HT.Thích Như Niệm - Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội TƯGH, Trưởng ban Từ thiện xã hội THPG TP.HCM Ngài đã viết: Nhìn vào con số này chắc chắn sẽ có người nói “Té ra Phật giáo quá giàu”. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng con số này không chính xác, vì lẽ PG bấy lâu nay vẫn hiện diện một hiện tượng báo cáo thành tích có sự chồng chéo nhau.
 
      Đó là một nghi vấn nhưng không phải không có cơ sở khi ngành TTXH PG cũng không thể thoát ra khỏi cơ chế chạy theo thành tích. Đưa ra con số này để thấy, chúng ta đã bỏ tiền ra hàng trăm tỷ đồng nhưng đã đầu tư vào một công trình từ thiện nào xứng đáng chưa. Hay chỉ là những con số trên giấy, rồi thì người nghèo vẫn cứ nghèo, một điểm nghèo thì cứu trợ lần này hết lần kia, đoàn này đến rồi đoàn kia đến.
     Bởi thế, tôi cho rằng cần phải thay đổi tư duy trong công tác từ thiện là vậy. Thay vì tặng cho người nghèo một cọc tiền, hay kho lương thực; với số tiền đó, chúng ta có thể mua một con trâu, một cái máy cày để giúp họ ra đồng. Làm từ thiện chuyên nghiệp bắt buộc các nhà hoạt động từ thiện phải lập dự án cho từng nhóm đối tượng, dự án sẽ có tác dụng như thế nào cho từng giai đoạn và quan trọng đối tượng chính của dự án sẽ được hưởng lợi và lợi ích gì trong thời gian cụ thể.
      Dự án cho người nghèo hẳn nhiên phải giúp họ cải thiện đời sống tinh thần, kinh tế hiện tại qua việc trợ vốn hoặc cách thức giúp họ nhận biết năng lực của chính mình, hoặc dạy họ các kỹ năng trong lao động, kinh doanh. Và quan trọng phải giúp họ ý thức rằng những giá trị tinh thần, vật chất này là do anh tự làm ra và phục vụ cho chính anh, phải biết suy nghĩ các khả năng sẵn có để lao động, ý thức vươn lên và làm giàu từ chính nơi mà mình đang sống.
 
      Có sự hỗ trợ về tinh thần, có người quan sát kiểm tra dự án sẽ phải đi vào hiện thực với sự trợ giúp kịp thời cộng với ý chí vươn lên của người nghèo thì chắc chắn họ sẽ có sự thay đổi căn cơ hơn. Để làm được việc này, người chủ dự án phải có sự yêu thương thật sự, nhiệt tình, thời gian và bắt buộc người hoạt động từ thiện xã hội phải học, bổ sung kiến thức chuyên môn và biết hành động vì sự tốt đẹp của cộng đồng. Đâu phải ai cũng có thể làm công tác TTXH, ngoài tiền của, cái tâm tương cảm với các hoàn cảnh đáng thương, khó khăn còn cần nhiều tố chất khác.
 
      Người quản lý công tác TTXH còn phải biết công tâm, minh bạch, có tầm nhìn sâu, nhìn rõ, nhìn xa để biết cách lập và thực hiện đề án xã hội để đem đến hiệu quả thiết thực nhất, biến cái không thể thành có thể. Tăng Ni, Phật tử làm công tác từ thiện xã hội không chỉ thể hiện tinh thần từ bi của Đức Phật cứu khổ ban vui còn là bổn phận của tu sĩ, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của một công dân”.
 
4. Nguyên nhân:
 
- Từ thiện của BTS chỉ có hạn lượng nhất định qua sự đóng góp của chư Tăng Ni trong tỉnh nên số lượng và kinh phí cố định, đa phần con số thống kê được lấy từ các chùa của các khu hội, chi hội huyện hội Phật giáo trong tỉnh qua từng năm để tổng kết.
- Từ thiện của các chùa đặc thù Phật giáo tại địa phương đa số là “nhất Tăng, nhất Tự” có vị còn phải kiêm nhiệm 2 hoặc 3 ngôi chùa giúp cho nhân dân Phật tử vì vậy công việc Phật sự tại chốn trụ xứ đã quá bề bộn như đáp ứng tín ngưỡng cho nhân dân qua các khóa lễ, duy trì thời khóa tụng niệm hằng ngày tổ chức khóa tu một ngày an lạc hay Bát Quan Trai hằng tháng… bên cạnh việc phát tâm của các nhà hảo tâm là tự phát nên chư tăng ni hoàn toàn bị động không thể định hướng trước.
- Từ thiện tại các địa phương đều vận động theo sự kêu gọi của các ban ngành chức năng tại địa phương đóng góp lấy thành tích gởi về cho BTT XHPG tỉnh tổng hợp.

5. Giải pháp:

      Đối với Phật giáo đồ, với bản chất hiền hoà, giàu lòng từ mẫn, sẵn lòng từ tâm cho công tác từ thiện xã hội. riêng đối với Tu sĩ được xem là bậc chân tu, có phẩm hạnh thanh cao, được nhân dân Phật tử đặt niềm tin, là những người công dân tốt, có thể nói đây là điều kiện thuận lợi cơ bản nhất để phát huy vai trò từ thiện. Mỗi cá nhân là một địa chỉ nhân đạo, là thông điệp yêu thương, là cầu tiếp nối kêu gọi tín đồ trợ duyên cho công tác từ thiện của Phật giáo tỉnh nhà.
      Kết nối các nhà hảo tâm, luôn lắng nghe tiếng gọi của những mãnh đời bất hạnh. Thành lập mạng kết nối thông tin qua các phương tiện mạng xã hội.
 
6. Một số đề xuất:
 
- Cần phải tuyên truyền giá trị đích thực của việc từ thiện đến với các tầng lớp nhân dân Phật tử.
- Làm việc một cách minh bạch rõ ràng tránh sự kêu gọi đặt để một cách thái quá tránh bị nêu phong trào từ thiện như một cái nghề phi lợi nhuận.
- Phát huy tinh thần tự giác thực hiện.
- Các chùa nên phối kết hợp cùng nhau lấy nền tảng Ban Từ Thiện Phật giáo làm nền tảng tạo nên một sức mạnh đoàn kết hòa hợp mang lại nhiều niềm vui hơn cho bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn.
- Tạo nhiều thêm nữa những chương trình hoạt động Phật giáo gây quỹ từ thiện.
- Bên cạnh việc trao quà từ thiện, cần kết hợp việc thuyết giảng. đúng theo tinh thần bố thí dựa trên 3 yếu tố tài thí, pháp thí và vô úy thí.

7. Kết luận:

       Tóm lại Đức Phật đã dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có hận thù trong giọt nước mắt cùng mặn”. Làm từ thiện không chỉ là cho đi mà còn là nhận lại. Chúng ta không nhận lại những gì chúng ta đã cho đi, mà nhận lại được cái quí giá hơn rất nhiều. Đó chính là lòng nhân ái, sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Từ thiện theo đúng nghĩa của nó có thể làm cho một cô bé, cậu bé vô lo, hồn nhiên và ít khi quan tâm đến những người xung quanh biết đam mê, biết yêu thương, chia sẻ với những số phận, những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống. Từ thiện ngoài việc giúp đỡ người nghèo thì việc đó còn giúp chúng ta phản quang tự kỷ nhìn lại bản thân trân trọng và biết ơn những gì mình đang có. Vì thế sẽ yêu cuộc sống hơn, sẽ sống có ích hơn. Ta biết đủ, biết tiết kiệm, biết san sẻ, biết ý nghĩa những gì đang có thì chúng ta là người may mắn rồi. Đừng nghĩ rằng từ thiện là một hoạt động xã hội mất thời gian mà chính từ điều đó giúp cho chúng ta hành trì làm việc thiện như một thói quen, thói quen gieo vào hành động, hành động gieo vào ý thức và chính đó tạo ra phước đức. Đó là nhân duyên lớn nhất.
 
      Khi làm việc từ thiện chúng ta phải luôn tâm niệm đạt đến Bố thí Ba-la-mật mới thật sự tối yếu. như trong tỳ ni nhật dụng thiết yếu có kệ: “Tài pháp nhị thí, đẳng vô sai biệt, đàn ba-la-mật, cụ túc viên mãn” Tạm Dịch: “Tài thí pháp thí, bình đẳng không khác, làm cho thí độ, đầy đủ trọn vẹn”
      Và cũng xin được khẳng định rằng, từ thiện không phải là để củng cố địa vị của mình trong xã hội, để nổi bật hơn người khác. Vì thế quý vị đừng do dự mà mở rộng vòng tay yêu thương của mình với những số phận bất hạnh! Như cổ đức đã dạy:
 
“Gieo lòng tốt, gặt thân thiện
Gieo yêu thương, gặt hòa thuận”.

     Với sự nhiệt tâm của người viết thông qua cách nhìn về công tác từ thiện tại BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ. Bài tham luận không sao tránh khỏi những điều thiếu sót chưa thể nêu rõ được những sự gầy dựng đóng góp của các bậc tiền nhân, chưa thể lường được tất cả công việc Từ Thiện ở phía trước rất mong được sự chỉ dạy của chư tôn đức Tăng Ni, sự góp ý của quý Thiện Tri Thức nhằm giúp cho bài tham luận hoàn thiện hơn.

Cuối lời kính nguyện Chư Tôn Đức pháp thể khinh an.
Kính chúc quý lãnh đạo, quý Đại biểu an lạc hạnh phúc.
Chúc  đại hội thành công rực rỡ.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát.
Xin trân trọng cảm ơn liệt quý vị đã lắng nghe!
 
 

Tác giả: Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.484-491

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây