Bộ môn Tôn giáo họchttps://frs.ussh.vnu.edu.vn/uploads/drs/logo_tgh1.png
Thứ ba - 21/12/2021 07:55
TS. Trần Thị Hằng - Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Bài đã in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr.545 - 552.
Phật giáo là một tôn giáo thế giới, Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào khoảng giữa thiên niên kỷ 1 TCN. Theo truyền thuyết người sáng lập ra đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa. Không bao lâu sau khi ra đời, nó đã lan tỏa rộng khắp các nước khu vực châu Á, và ngày nay đang thâm nhập sang các châu lục khác. Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam rất sớm, ngay từ đầu Công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử, Phật giáo bám rễ và ăn sâu vào Việt Nam đến nay đã hai chục thế kỷ. Trong quá trình đó, Phật giáo đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa của dân tộc, vào sự hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân ta. Ngày nay tín đồ, tăng ni Phật giáo cả nước được tập hợp trong một tổ chức thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động theo đường hướng “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội” tiến bộ, đang có những đóng góp to lớn trong quá trình đổi mới đất nước. Thực tế đã cho thấy Phật giáo ở Việt Nam đang phát triển và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam. Có thể nói, tồn tại hai nghìn năm qua cùng dân tộc Phật giáo đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của văn hóa Việt Nam, của đời sống con dân đất Việt. “Hiện nay, Phật giáo cả nước có khoảng trên 10 triệu tín đồ quy y Tam Bảo (trong khoảng 40 % triệu người theo Phật giáo và 70 % dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo về văn hóa, lối sống)”[1]. Theo số liệu thống kê trong Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2012 – 2017) thì số lượng Tăng Ni, Tự Viện tương đối cụ thể như sau: - Tăng Ni: 46.699 vị, gồm: 34.062 Bắc tông; 8.574 Nam tông Khmer, 805 Nam tông kinh; 3.258 Khất sĩ - Tự Viện: 17.287 ngôi, gồm 14.745 Tự viện Bắc tông; 454 chùa Nam tông Khmer; 73 chùa Nam tông kinh; 550 Tịnh xá, 467 Tịnh thất. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kiện toàn hệ thống tổ chức, gồm 03 cấp hành chính Giáo hội, với 58 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo, 10 Ban Viện Trung ương Giáo hội hoạt động ổn định và phát triển; 97 thành viên Hội đồng Chứng minh, 147 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 48 Ủy viên dự khuyết. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã phê chuẩn và ban hành quy chế hoạt động của các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Ban Truyền thông ra đời năm 2011 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến với Phật tử và quần chúng nhân dân. Trong nhiệm kỳ VI, Ban Tăng sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã ký cho phép 4.789 ưu bà tắc, ưu bà di xuất gia tu học tại các cơ sở tự viện của Giáo hội. Giáo dục và đào tạo Tăng ni rất được quan tâm và hiện đang có được những thành tựu vui mừng: Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 04 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ. Đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Phật học tại học viện Phật giáo Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh đã chính thức khai giảng khóa 1 năm 2012, có 155 Tăng ni sinh theo học; Học viện Phật giáo Việt Nam đã có 2.210 Tăng ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học, đang đào tạo 1.732 Tăng ni sinh; các chương trình đào tạo Cao đẳng Phật học (hiện có 08 lớp), Trung cấp Phật học (có 31 trường); Sơ cấp Phật học (có 50 lớp); Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer cũng đang thu được nhiều thành tựu. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện còn có 476 Tăng ni du học ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Nhật, Đài Loan… Theo số liệu thống kê, hiện có 1.006 đơn vị gia đình Phật tử đăng ký sinh hoạt tại 31 Tỉnh, Thành, có 8.261 Huynh trưởng và 65.276 Đoàn sinh đang sinh hoạt ổn định trong lòng Giáo hội. Phật giáo Việt Nam có nhiều hoạt động sôi nổi góp phần vào xây dựng đời sống của nhân dân cả nước. Tham gia hiến máu nhân đạo, dọn vệ sinh tại các khu công cộng, khắc phục thiên tai, xây nhà tình thương, tình nghĩa, tham gia đoàn cứu trợ, ủy lạo đồng bào vùng sâu, vùng xa, các trại nuôi trẻ mồ côi, người già, người tàn tật, tham gia các đợt học tập, huấn luyện phổ biến tác hại của căn bệnh thế kỷ… Trong phạm vi cả nước có trên 1000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật, với trên 20.000 trẻ em… Số tiền cho công tác từ thiện của Giáo hội trong nhiệm kỳ qua lên đến 15 tỷ đồng. Hàng năm những lễ hội Phật giáo luôn thu hút đông đảo quần chúng tham gia, trở thành sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của quần chúng nhân dân. Các lễ hội lớn có thể kể đến như: Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội chùa Bái Đính…; Lễ hội Phật đản, Vu Lan báo hiếu, lễ Cầu siêu… Phật giáo chỉ trong 5 năm (2007 – 2012) đã xuất bản trên 200 đầu kinh sách, nhiều tạp chí như: tạp chí Văn hóa Phật giáo, tạp chí Nghiên cứu Phật học, tạp chí Khuông Việt, tạp chí Phật giáo nguyên thủy…và còn nhiều Nội san khác. Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn thường xuyên tham gia và tổ chức nhiều hội thảo khoa học về tôn giáo với tinh thần học hỏi, cầu thị. Ngay từ khi mới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xác định đường hướng hoạt động của mình là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Đây chính là phương châm hành động của Tăng ni Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại ngày nay. Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ hành động xa rời phương châm đó. Tăng ni và Phật tử cả nước đã tích cực tham gia phong trào ích nước lợi dân, làm tròn bổn phận công dân đối với đất nước. Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, đã và đang đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn cầu, cùng toàn dân xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, giàu đẹp, văn minh và tiến bộ. Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân ở nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hóa, tư tưởng, đạo đức… Giáo hội Phật giáo Việt Nam với những cố gắng, đóng góp của mình đã được Chủ tịch nước hai lần trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. So sánh với trước Đổi mới và so sánh với số liệu những nhiệm kỳ trước của Phật giáo (nhiệm kỳ III, IV, V,VI) thì ta nhận thấy những năm gần đây, hoạt động Phật giáo có phần sôi nổi hơn. Nhiều chùa chiền được tu sửa, tôn tạo, kể cả số được xếp hạng hay chưa được xếp hạng. Số người đi lễ Phật, quy y ngày càng tăng và thu hút nhiều tầng lớp xã hội. Tăng ni Phật giáo nước ta phát triển nhanh về số lượng và ngày càng được nâng cao trình độ về thế học lẫn Phật học…. Cụ thể như sau: Trước Đổi mới, năm 1981, khi mới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ có gần 12.000 ngôi chùa, hơn 26.000 vị sư tham gia sinh hoạt trong Giáo hội. Cấp địa phương mới có 28 tỉnh, thành phố có Ban Trị sự, mới có 1 Học viện Phật học Vạn Hạnh (tương đương với Học viện Phật giáo ngày nay), một số trường Sơ cấp Phật học, số giảng sư có trình độ tiến sĩ trong Phật giáo chưa đến 10 vị. Nhưng sau 30 năm đổi mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc từ tổ chức cho đến những hoạt động. Theo thống kê thì số lượng tăng ni của nước ta trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng: Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2001, cả nước có 33.606 Tăng ni, đến năm 2005 đã tăng lên đến 37.775 Tăng ni, đến năm 2012 theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đã nêu ở trên), số lượng Tăng ni đã là 46.699. Như vậy từ năm 2001 đến năm 2005 (4 năm) tăng 4.169 tăng ni, từ năm 2005 đến 2012 (7 năm) tăng 8.924 Tăng ni. Số lượng Tự viện của Phật giáo trong những năm gần đây cũng tăng lên nhanh chóng: năm 2001 cả nước có 14.043 tự viện, năm 2005 có 16.972 tự viện, năm 2012 đã tăng lên 17.287 tự viện… Từ sự so sánh đó, ta có thể khẳng định Phật giáo Việt Nam đang có sự phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của Phật giáo diễn ra theo nhiều xu hướng: Thứ nhất: Nhìn chung Phật giáo Việt Nam đang phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế và phụng sự dân tộc. Trong bối cảnh xu thế phát triển, đổi mới và hội nhập toàn cầu của đất nước, Trong tinh thần hòa bình và hữu nghị, đoàn kết với các nước Phật giáo trên thế giới, để hợp tác cùng nhau góp phần xây dựng, củng cố nền hòa bình cho nhân loại, Phật giáo Việt Nam đã phát triển theo hướng tích cực hội nhập quốc tế. Cụ thể như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham gia vào tổ chức “Giáo hội Phật giáo Thế giới” và tổ chức “Phật giáo châu Á vì hòa bình” (ABCP). Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử thành viên của mình tham gia vào Ủy ban tổ chức quốc tế (IOC) Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc. Chính phủ Việt Nam với vai trò và trách nhiệm tại Liên hợp quốc đã đồng ý tổ chức Đại lễ Vesak 2008 và cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra tổ chức. Đại lễ đã diễn ra từ ngày 14 – 16/5/2008 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình thủ đô Hà Nội và thành công rực rỡ với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu, trong đó hơn 1500 đại biểu quốc tế đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là lễ hội tôn giáo lớn có uy tín với thế giới thể hiện năng lực hội nhập, đối ngoại tôn giáo tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ ngày 28/10/2009 đến 3/1/2010, hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp tại Nhà truyền thống văn hóa Phật giáo – chùa Phổ Quang, thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của nhiều đoàn Phật giáo từ nhiều quốc gia và châu lục. Giáo hội tích cực thể hiện tư cách thành viên của tổ chức ABCP và liên kết thân hữu với Phật giáo Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Myanma, Mông Cổ, Silanca, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Singapo, Indonexia… Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm việc và đón tiếp rất nhiều phái đoàn Phật giáo đến thăm hữu nghị Việt Nam, tham dự các lễ hội, hội nghị, hội thảo quốc tế như: Hội nghị Thế giới hòa bình châu Á, hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới truyền bá Chánh pháp, hội nghị Liên tôn giáo khu vực… Hội nhập quốc tế và phụng sự dân tộc đang là xu hướng phát triển song song của Phật giáo Việt Nam. Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn giữ vững phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống văn minh, luôn ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đã và đang tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn cầu, cùng toàn dân xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh. Thứ hai: Ngay bản thân trong sự phát triển Phật giáo đã manh nha xuất hiện sự thoái hóa và tiêu cực, thể hiện ở sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận Tăng ni do ảnh hưởng của kinh tế thị trường. Cơ chế thị trường tuy có nhiều mặt tích cực, đem lại cho con người nhiều lợi ích nhưng nó cũng bộc lộ một số mặt trái (như đã phân tích ở phần trên). Và những mặt trái ấy đã và đang ảnh hưởng đến Phật giáo. Phật giáo cũng đang gặp nhiều vấn nạn từ mặt trái của kinh tế thị trường. Ảnh hưởng rõ nét đến lớp Tăng ni trẻ hiện nay, rất dễ ảnh và bị tiêm nhiễm từ những thông tin đa chiều, những sản phẩm độc hại bởi mạng internet và các sách báo. Hiện tượng một số Tăng ni có lối sống thiên về thực dụng, hưởng thụ, nhiều tiêu cực nảy sinh trong cuộc sống tu hành. Điều này dẫn đến sự xuống cấp đạo đức của một số Tăng ni không chịu rèn luyện, tu dưỡng Phật pháp. Hiện nay còn có hiện tượng một số kẻ lợi dụng thần Phật để mưu cầu lợi ích cá nhân, “Trốn việc quan đi ở chùa”, coi tu hành là một nghề làm giàu. Đối với quần chúng Phật tử hiện nay thì tình trạng mê tín vẫn luôn là nỗi trăn trở, quan tâm lớn của Giáo hội Phật giáo và các cơ quan chức năng của Nhà nước. Một bộ phận quần chúng nhân dân phật tử vẫn đặt nặng cúng bái cầu khấn hơn là tu học chính pháp, tại những cơ sở tín ngưỡng, tình trạng người đến xin bói quẻ thường xuyên diễn ra. Hiện tượng lạm dụng tín ngưỡng đã xảy ra, chùa chiền được mở rộng với quy mô trên mức bình thường và đôi khi việc xây chùa dựng tháp lại mang tính chất thương mại của cá nhân, doanh nghiệp. Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa. Thứ ba: Cần đề cao cảnh giác trước âm mưu lợi dụng Phật giáo của các thế lực thù địch. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc đang lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc để chống lại Đảng và Nhà nước ta. Các điểm nóng về tôn giáo trong thời gian gần đây như: Tây bắc, Tây nguyên, Tây nam bộ luôn đặt chúng ta trong hoàn cảnh phải cảnh giác. Hơn thế, từ năm 2000 đến 2006, một số cá nhân và tổ chức quốc tế có liên quan đến tôn giáo và nhân quyền ở Hoa Kỳ và Châu Âu thường xuyên cáo buộc Việt Nam là một trong các nước vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Trong đó đưa ra nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc Việt Nam: “Vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng”, “Các địa phương vẫn tiếp tục đàn áp nhiều người Tin Lành thiểu số”, “ Hiện có người bị giam giữ vì tôn giáo”… Về Phật giáo, các thế lực thù địch đang lợi dụng một số phần tử cực đoan trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trước đây, một số tổ chức Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại và vấn đề Phật giáo Khơme trước đây để chống phá chúng ta, các phần tử Phật giáo cực đoan trong nước xuyên tạc thực tế nhân quyền, tự do tôn giáo và công cuộc đổi mới của nhà nước Việt Nam. Thể hiện, Ngày 15/3/2003, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Nghị quyết nhân quyền Việt Nam, trong đó cáo buộc Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do tôn giáo”, “đàn áp tôn giáo”, đòi “trả tự do” cho Thích Huyền Quang, đòi Chính phủ Việt Nam thừa nhận “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhât”, gần đây nhất là vụ lợi dụng “Cứu trợ dân oan” để kích động người dân khiếu kiện, biểu tình gây rối trật tự công cộng, chốn đối chính quyền… Trước tính hình trên, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, khai thác triệt để, xây dựng khối đoàn kết Phật giáo trong nước với Phật giáo quốc tế, Phật giáo với dân tộc để đập tan mọi âm mưu lợi dụng, chống phá của các thế lực thù địch. Cần nầng cao nhận thức cho Tăng ni, Phật tử. Thứ tư: Phật giáo Việt Nam phát triển nguyên nhân là sự tổng hợp của cả yếu tố chủ quan và khách quan, vì vậy muốn nhìn nhận, đánh giá đúng về hiện tượng này chúng ta cần xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau, tôn trọng quan điểm toàn diện, tránh phiến diện. Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội vì vậy nó bị chính tồn tại xã hội quy định, khi xem xét tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, không thể tách rời nó khỏi hiện thực xã hội nơi nó tồn tại, chính là hoàn cảnh kinh tế - xã hội…, cần phải xem xét nó trong mối quan hệ với các hình thái ý thức xã hội khác như văn hóa, tư tưởng, đạo đức, chính trị…. Thứ năm: Cần phát huy những giá trị di sản văn hóa Phật giáo để góp phần phát triển và xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp. Bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể: Văn hóa phi vật thể Phật giáo: Giá trịvăn hóa, đạo đức, văn học, nghệ thuật, lễ hội… Đặc biệt là đạo đức: đạo đức Phật giáo thể hiện ở mục tiêu muốn đưa lại hạnh phúc và an lạc cho nhân sinh. Nguyên tắc đạo đức mà đức Phật dạy cho chúng sinh là phải tự lực phấn đấu, đề cao lòng từ bi, vô ngã - vị tha, làm điều thiện, ngừa điều ác. Bản chất của đạo đức thể hiện qua hành vi gương mẫu của Phật tử. Phật giáo luôn khuyến khích chúng sinh “tự độ độ tha, tự giác giác tha”, không phân biệt giữa ngã nhân (ta) và tha nhân (người khác). Tư tưởng bác ái, cứu nhân độ thế, vị tha từ Phật giáo đã có tác dụng bồi đắp, làm phong phú thêm đạo lý trong tâm hồn người Việt Nam, là lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”. Văn hóa vật thể Phật giáo như: chùa chiền, tượng, tranh, đồ thờ tự… Bởi văn hóa Phật giáo Việt Nam là một thành tố trong chỉnh thể văn hóa dân tộc. Phật giáo có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Và do đó, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng tức là góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc. Như vậy, Nghiên cứu Phật giáo nói riêng hay tôn giáo nói chung phải được xem xét một cách biện chứng trong mối quan hệ với nhiều nhân tố: chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội…, cũng cần nói thêm là phải chỉ ra được bản thân tôn giáo đó đã “sống” trong hoàn cảnh cụ thể như thế nào? Chỉ khi nào nhìn tôn giáo dưới cả hai góc độ khách quan và chủ quan như vậy mới thực sự là có cái nhìn toàn diện về tôn giáo. Phật giáo trong khoảng 2000 năm tồn tại cùng dân tộc Việt Nam, đã có nhiều đóng góp cho dân tộc trên nhiều phương diện, đã khẳng định được vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống. Với triết lý nhân văn, được thể hiện qua tư tưởng từ bi, vô ngã, vị tha rất phù hợp với tình cảm, lối sống suy nghĩ thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, trách nhiệm đối với xã hội của người Việt nên Phật giáo đã được đông đảo người Việt đón nhận và dần dần thực hiện phương thức sống theo tư tưởng giác ngộ, giải thoát trong đời sống và xã hội ngày càng sâu rộng. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, suốt một thời gian khá dài, Phật giáo luôn tỏ rõ là một tôn giáo gần gũi, có nhiều đóng góp tạo nên lịch sử hào hùng của dân tộc và góp phần không nhỏ xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiện nay chúng ta cần cố gắng phát huy những vai trò tích cực của Phật giáo không chỉ ở mặt giá trị đạo đức tinh thần mà còn có thể khai thác Phật giáo trong những chiến lược phát triển kinh tế. Như phát triển du lịch, văn hóa ở các địa điểm, cơ sợ thờ tự của Phật giáo như Chùa, Lễ hội… Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo (như các công trình kiến trúc và điêu khắc, hội họa, âm nhạc, các lễ hội…) bởi các giá trị văn hóa này như một dòng chảy lặng lẽ, âm thầm nhưng có khả năng to lớn về mặt tinh thần, là cội rễ, là một trong những điểm tựa tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó là hạn chế các mặt tiêu cực, đặc biết là mê tin dị đoan, để Phật giáo phát huy hết khả năng của mình, góp phần vào phát triển kinh tế xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Nghiên cứu về Phật giáo ở Việt Nam hiện nay có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi Phật giáo đang có ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghiên cứu Phật giáo sẽ giúp chúng ta có thể chủ động có những biện pháp hiệu quả để phát huy những ảnh hưởng tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước./.
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Hữu Thảo (2004), Từ quan niệm duy vật lịch sử của C.Mác xem xét vấn đề tôn giáo ở nước ta. Tạp chí nghiên cứu Tôn giáo số 3. 2. Thích Thanh Tứ (2006), Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, Xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3. 3. Nguyên Thanh Tuấn, Biến đổi văn hóa đô thị Việt Nam. Nxb Văn hóa thông tin, Viện văn hóa 4. Vũ Minh Tuyên (2010), Cơ duyên tồn tại và Phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia. 5. Đặng Nghiêm Vạn (2003), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia.
[1] Thích Thanh Tứ (2006), Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3, tr.88