ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC CỦA MỘT SỐ VỊ CAO TĂNG THUỘC SƠN MÔN PHẬT GIÁO LINH QUANG – TRÀ LŨ TRUNG, NAM ĐỊNH

Thứ bảy - 25/12/2021 11:11

ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC CỦA MỘT SỐ VỊ CAO TĂNG THUỘC SƠN MÔN PHẬT GIÁO LINH QUANG –  TRÀ LŨ TRUNG, NAM ĐỊNH

Trương Văn Hưởng - Đại đức Thích Giác Hưởng. Bài in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr. 611- 623.
 
       Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung tỉnh Nam Định[1] được Hòa thượng Thích Phổ Liên[2] sáng lập năm 1880. Đến nay Sơn môn có tuổi đời 136 năm, truyền thừa và phát triển với 11 thế hệ. So với nhiều Sơn môn Phật giáo ở Nam Định nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng đang là một Sơn môn có tuổi đời còn khá trẻ. Song kể từ khi ra đời đến nay, các thế hệ truyền thừa của Sơn môn với tinh thần từ bi, trí tuệ, lục hòa cộng trụ, rèn luyện không ngừng nên xuất hiện nhiều vị cao Tăng thạc đức có những đóng góp to lớn trong Đạo pháp và Dân tộc.
       Bài viết qua nguồn tư liệu của Sơn môn, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nguồn tư liệu lưu trữ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, bước đầu đề cập đến đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc của 3 vị cao Tăng cũng là 3 Tổ Sư của Sơn môn.

1. Hòa thượng Thích Tuệ Tạng

     Hòa thượng sinh năm 1889 tại Hải Hậu, Nam Định. Thế danh Trần Thanh Thuyên. Năm 1903 xuất gia đầu Phật với Tổ Sư chùa Phúc Lâm được ban pháp danh Tâm Thi, đạo hiệu Tuệ Tạng; năm 15 tuổi thụ giới Sa di, năm 20 tuổi thụ giới Tỳ kheo, Bồ tát giới tại giới đàn chùa Phúc Lâm, Nam Định. Hòa thượng là đời thứ ba của Sơn môn.
    Sau nhiều năm tham học với thày tại chùa Quy Hồn, chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Tế Xuyên … năm 1905, do đức hạnh khiêm cung Hòa thượng được thầy nghiệp sư cho làm giám tự chùa Quy Hồn khi còn niên thiếu. Đến khi thầy nghiệp sư viên tịch, Hòa thượng kế nghiệp tôn sư trụ trì chùa Quy Hồn cho đến ngày xả báo an tường vào năm 1959.
     Để thực hiện lời dạy của Đức Phật, Hòa thượng không ngừng hoằng dương Phật pháp, phục vụ chúng sinh, kế vãng khai lai, báo Phật ân đức, nhất là làm cho Phật pháp trường tồn, chúng sinh an lạc. Nên năm 1920 Hòa thượng cùng các Hòa thượng chùa Dương Lai, chùa Duyên Bình, chùa Quế Phương thành lập Hội Tiến Đức Cảnh Sách, nhằm quy tụ những Tăng, Ni hiếu học, có đức hạnh để giáo dục, đào tạo một thế hệ tương lai cho Phật giáo Việt Nam. Trụ sở của Hội đặt tại chùa Quế Phương, do Hòa thượng Quế Phương làm Hội trưởng, Hòa thượng làm phó Hội trưởng kiêm giáo thụ, giảng dạy môn luật học.
    Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, “năm 1934, Hòa thượng cùng Hòa thượng Trung Hậu, Hòa thượng Bằng Sở, Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Trí Hải, Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc và một số học giả trí thức tín tâm, thành lập Hội Bắc kỳ Phật giáo. Hội được chính quyền chấp thuận bằng nghị định số 4282/NĐ ngày 06/01/1934. Trụ sở Hội đặt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Hội có 32 thành viên sáng lập, do Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng[3]. Hòa thượng Tuệ Tạng là một trong những người đặt nền móng vững chắc cho công tác thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ.
     Với mục tiêu tổ chức, hệ thống và lãnh đạo Phật giáo Việt Nam có nền nếp từ Trung ương đến địa phương, từ hình thức đến nội dung hoạt động, từ phạm vi đạo đức đến sinh hoạt Phật sự của hội, năm 1936, nhân kỷ niệm năm thứ hai ngày thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ, Hội chính thức cử hành lễ suy tôn tổ Vĩnh Nghiêm là Hòa thượng Thích Thanh Hanh lên ngôi vị thiền gia pháp chủ, lãnh đạo tối cao Phật giáo đất Bắc. Năm 1945, sau khi cụ Nguyễn Năng Quốc từ nhiệm, Hòa thượng Tuệ Tạng được đại hội suy cử đảm nhiệm chức Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng tòa Giáo lý của Hội.
    Nhằm kiện toàn tổ chức Tăng già Hòa thượng Tố Liên thành lập Hội Tăng, Ni Chỉnh Lý Bắc Việt. Sau đó năm 1950 đổi thành Hội Tăng già Việt Nam. Giáo hội Tăng già Việt Nam do Thượng tọa Tố Liên làm Hội trưởng, Hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Tuệ Tạng làm Hội trưởng. Cả hai cùng song hành hoạt động, trong sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam. Đồng thời có sự phân biệt rõ rệt về việc sinh hoạt của hai giới tại gia và xuất gia. Cũng từ đây, hình thành các tổ chức Phật giáo ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Việc cùng lúc tồn tại nhiều tổ chức Phật giáo trên cả nước, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Phật giáo, góp phần truyền bá giáo lý nhà Phật ra toàn xã hội. Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều tổ chức Phật giáo dẫn đến những hệ lụy không tốt cho sự phát triển Phật giáo về lâu dài. Đứng trước thực tiễn như vậy, ba vị pháp chủ Bắc – Trung – Nam là Hòa thượng Mật Ứng, Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Đạt Thạnh đã hiệu triệu thống nhất Phật giáo Việt Nam. Đáp ứng lời hiệu triệu cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của Phật giáo trên, sáu tổ chức Phật giáo, gồm hai giới cư sĩ về Tăng già tiến hành vân tập tại chùa Từ Đàm (Huế), ngày 06/05/1951, cử hành Đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, gồm có Ban Chứng minh đạo sư và Tổng Trị sự. Trong đó Hòa thượng Tuệ Tạng là một trong sáu vị được thỉnh và suy cử trong Ban Chứng minh đạo sư.
     Với vị trí trong Ban Chứng minh đạo sư của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Tuệ Tạng trở thành một trong những vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo Việt Nam, có nhiệm vụ chăm lo đời sống tinh thần, giới luật và kỷ cương của Hội, bảo lưu dòng sinh mệnh Phật giáo Việt Nam trong cả nước. Năm 1952 trong Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam, ngày 07/09/1952, Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Tuệ Tạng lên ngôi vị Thượng thủ Giáo hội Tăng già Việt Nam, lãnh đạo tối cao của Giáo hội, làm sống dậy tinh thần Tăng, Ni của Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Năm 1955 sau khi giải phóng Thủ đô, Ngài dẫn đầu đoàn đại biểu Tăng, Ni toàn quốc vào yết kiến lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại phủ Chủ tịch. Cùng thời điểm này, nhận lời mời của Ngài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Tổ đình chùa Cồn (Quy Hồn tự).
     Có thể nói từ khi mới xuất gia cho đến khi trở thành lãnh đạo tối cao của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Tuệ Tạng luôn thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ, lục hòa cộng trụ để hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động Đạo pháp Hòa thượng đã dốc hết tâm sức của mình cho sự ra đời của tổ chức Phật giáo Việt Nam thống nhất trong cả nước, mở đường cho Phật giáo nước nhà phát triển. Đồng thời cũng là củng cố tinh thần đoàn kết một lòng của các Tăng, Ni, Phật tử dưới mái nhà chung của Giáo hội. Với tầm nhìn xa trông rộng, đồng thời thấu triệt tinh thần đức Phật dạy “Duy tuệ thị nghiệp”, Hòa thượng Tuệ Tạng trong cuộc đời hành đạo của mình đã rất chú trọng đến sự nghiệp giáo dục Tăng, Ni, để ươm mầm, bồi dưỡng phát triển tăng tài, tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp phát triển của Phật giáo Việt Nam sau này.
     Hòa thượng Tuệ Tạng cùng với các ban ngành Trung ương Hội Phật giáo Bắc kỳ và các tổ chức Phật giáo về sau từ 1945 – 1954, đã có những đóng góp chủ yếu đối với công tác giáo dục Phật giáo, không chỉ đối với Phật giáo miền Bắc mà còn cả đối với Phật giáo cả nước thể hiện ở một số điểm sau:
    Một là: Định ra chương trình Phật học áp dụng tại các trường ở miền Bắc: cấp tiểu học (4 năm), cấp trung học (3 năm), cấp đại học (3 năm), cấp bác học cao đẳng (5 năm), các học Tăng có được kiến thức toàn diện, bên cạnh những môn Phật học, chương trình đào tạo còn chú trọng đến ngoại điển và các môn thế học.
    Hai là: Kết hợp hài hòa giữa cách thức đào tạo tăng tài, truyền thống và cách thức đào tạo theo lối mới tại các trường Phật học. Sau một tời gian trực tiếp quản lý và giảng dạy tại hầu hết các trường Phật học đương thời, năm 1945, do điều kiện sức khỏe, Hòa thượng Tuệ Tạng trở về chùa Cồn, huyện Hải Hậu, Nam Định tiếp tục mở đạo tràng dạy Tăng, Ni. Mến mộ đạo hạnh và học vấn của Ngài, rất nhiều Tăng, Ni không chỉ ở miền Bắc mà ở cả miền Nam cũng ra theo học.
   Ba là: Huy động kinh phí đào tạo để duy trì hoạt động của các trường Phật học ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, tạo điều kiện cho việc giảng dạy cũng như đào tạo Tăng, Ni được liên tục.
   Bốn là: Chú trọng đào tạo Tăng, Ni trẻ, trong đó ngoài đào tạo cơ bản còn hướng tới đào tạo nâng cao, chuyên sâu. Việc đào tạo chuyên sâu không những phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo mà còn phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Các học tăng được lựa chọn không những chuyên về học kinh để thuyết pháp, chuyên học luật để giáo hóa giới luật cho Tăng già, chuyên học luận để nghiên cứu chân hoặc ngụy, mà còn chuyên về học thuyết chữa bệnh, kiến trúc, nghề canh nông, công nghệ. Với học ni, bên cạnh học Phật còn phải học những nghề chuyên về nữ công như thêu, dệt, may, nhuộm, thậm chí học cả về điều dưỡng trong bệnh viện[4].
    Về phương diện đối với xã hội: Hòa thượng Tuệ Tạng thực hiện tinh thần nhập thế tích cực, phát huy truyền thống lâu đời của Phật giáo Việt Nam. Trong quá trình nhập thế, Hòa thượng rất chú ý đến truyền bá văn hóa Phật giáo. Bởi theo Hòa thượng, Tăng, Ni phải tinh tiến tu học: vị tu phúc, vị tu tuệ, vị tài thí, vị pháp thí, người cao kẻ thấp đều thành công trong sự nghiệp tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha … để nêu cao gương chính tín, tường chân ngụy. Nếu không có mãnh lực truyền bá văn hóa, giáo lý Phật giáo thì không giải thoát được chướng ách và giải trừ tự trào mê tín, dị đoan đã và đang làm mất tinh thần giáo nghĩa của đức Phật… mà tinh thần đạo đức của dân tộc, là ở văn hóa Phật giáo.
    Bên cạnh việc truyền bá văn hóa Phật giáo, Hòa thượng Tuệ Tạng còn phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo thể hiện ở tinh thần từ bi, hỷ xả, yêu thương con người, luôn dang tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khổ đau cả về vật chất và tinh thần. Không những bản thân tích cực thực hiện công tác từ thiện, mà Hòa thượng còn kêu gọi Tăng, Ni và Phật tử cũng làm theo. “Xã hội đây là gồm cả những tầng lớp dân chúng, thập phương, thiện tín, mỗi khi cần nhờ đến những tấm lòng hoan hỷ, bàn tay từ bi vỗ về cứu giúp. Tôi thấy các Ngài hàng ngày lễ tụng đều có thiết tha phát nguyện rằng: “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, câu chuyện ấy nếu được thực hiện ra việc làm thì người đời ai là không kính phục, Tăng, Ni là đại biểu của đấng từ bi cứu thế. Việc này nếu được các Ngài đồng ý kiến, tôi xin đề nghị với mỗi Giáo hội Tăng già địa phương đều theo với hiện trạng thiên tai dân nạn ở xứ mình mà tổ chức nên cơ quan cứu tế xã hội, tất cả Tăng, Ni chủ chùa đều góp công sức vào công việc cứu tế xã hội thì mới không trái với bản nguyện xuất gia của mình, mới đủ làm đại biểu của Đấng từ bi cứu thế. Bàn cho đúng sự thực theo nghĩa tứ ân thì chư Tăng, Ni bị mang ơn xã hội lớn nhất, vì xã hội đã tạo cho đời tu hành của mình đến hết quả; lại nữa, lúc người ta an ninh thì tự phát hảo tâm, bớt của mồ hôi nước mắt để mang đến cung cấp cho mình làm chùa chiền, sắm cơm áo để ăn ở tu hành, đến lúc người ta hoạn nạn, đói rách mà không tìm phương cứu giúp, tránh sao khỏi tội phụ ân bội nghĩa. Vì lẽ đó mà Phật dạy ơn xã hội, đàn việt ngang với ân sư trưởng, phụ mẫu”[5].
    Qua những nội dung trên cho thấy rằng Hòa thượng Tuệ Tạng đã cống hiến sự nghiệp của mình cho công cuộc xiển dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Ngài trở thành bậc thạch trụ chốn tùng lâm, là một tấm gương tiêu biểu cho Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước nói chung, và Tăng, Ni, Phật tử trong Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung nói riêng học tập và noi theo. Hòa thượng trở thành niềm tự hào của Sơn môn đương thời cũng như các thế hệ về sau.

3. Hòa thượng Thích Thuận Đức

    Hòa thượng thuộc thế hệ thứ sáu trong Sơn môn, thế danh là Nguyễn Thanh Đễ, sinh ngày 03 tháng 09 năm 1918, tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Năm lên 8 tuổi, Hòa thượng đi xuất gia đầu Phật tại chùa làng (chùa Quần Lạc), hiệu Khánh Minh tự ở với Sư Cụ Thích Tâm Quán.
     Năm 15 tuổi, thụ giới Sa di. Năm 20 tuổi, thụ cụ túc giới. Từ đây Hòa thượng chính thức dự vào hàng Tăng Bảo, trở thành sứ giả của Như Lai, gánh vác Phật sự, giáo hóa quần sinh và tuyên dương chính pháp.
    Sau khi trở thành trưởng tử của Đức Như Lai, thấm nhuần giáo lý của Phật đà cũng như ảnh hưởng tư tưởng, tinh thần nhập thế của Sơn môn, Hòa thượng tham gia trực tiếp vào công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước. Với đạo lực và uy tín: “Năm 1945, Hòa thượng được bầu làm thư ký Phật giáo cứu quốc huyện Xuân Trường, năm 1947 được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc tỉnh Nam Định.
     Sinh ra và lớn lên trong trong một thời đại đầy biến động xã hội và chiến tranh do thực dân Pháp gây nên, Hòa thượng đã “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tâm bồ đề ngát tỏa giới hương thành sự thành tâm yêu nước, thương dân đã đưa Hòa thượng từ địa vị của nhà tu hành thành một nhà yêu nước chân chính. Đó là nội dung tôn giáo hòa quyện đạo đời. Trong thời gian này, Hòa thượng vẫn ở chùa Lãng Lăng và đến đầu năm 1950, Hòa thượng giữ trọng trách Bí thư Phật giáo cứu quốc tỉnh Nam Định”[6].
     Sau hiệp định Giơnevơ, Hòa thượng cùng với Phật giáo các tỉnh phía Bắc vận động thống nhất Phật giáo để thành một tổ chức Phật giáo chung, Hòa thượng là thành viên của Ban vận động. Đến đầu năm 1958, tại Đại hội thống nhất Phật giáo miền Bắc thành lập Hội Phật giáo thống nhất ở Việt Nam, Hòa thượng được bầu vào Ban Trị sự Trung ương hội, kiêm Chánh Thư ký chi hội Phật giáo tỉnh Nam Định cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước. Năm 1975, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại ba tổ chức ở ba miền Bắc – Trung – Nam. Sự tồn tại của ba tổ chức này không phản ánh được hiện thực đất nước, cũng như kìm hãm sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Đứng trước tình hình này, Hòa thượng đã cùng các vị tôn đức ở cả ba miền tích cực vận động phong trào thống nhất các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam. Tháng 11 năm 1981, tại Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội, Hòa thượng được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Hòa thượng luôn tích cực tham gia công tác lãnh đạo Giáo hội.
    Năm 1987, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Hòa thượng được bầu vào Ban thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đảm trách chức vụ này đến hết khóa III. Năm 1992 Hòa thượng được cử làm đại biểu tham gia Hội nghị Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ACDP), tại Mông Cổ. Nhân dịp này đoàn đã sang thăm hữu nghị Hội Phật giáo Liên Xô. Năm 1999 Hòa thượng cùng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang thăm hữu nghị Phật giáo Trung Quốc. “Năm 1997 tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Hòa thượng được suy cử vào Hội đồng Chứng minh Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương – Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định. Tháng 4 năm 2000, Hòa thượng được bầu giữ chức vụ Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định”[7].
    Song hành cùng công tác của Giáo hội, với đạo lực và uy tín, Hòa thượng được Giáo hội giao phó, cũng như theo tâm nguyện của Sơn môn cung thỉnh Hòa thượng trụ trì một số ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng của Phật giáo tỉnh Nam Định như; chùa Cổ Lễ, chùa Đại Bi, chùa Vọng Cung, chùa Phúc Long (Gia Hòa), chùa Trà Thượng…
     Là một vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng luôn luôn trăn trở cho sự nghiệp đào tạo tăng tài cho Giáo hội cũng như xã hội. Hòa thượng cùng với cố Hòa thượng Thích Tâm Thông, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định, xây dựng trường Trung cấp Phật học của tỉnh, Hòa thượng trực tiếp tham gia công tác quản lý cũng như giảng dạy. Ngoài ra trong các mùa an cư kết hạ, Hòa thượng động viên các Tăng, Ni trong toàn tỉnh tham gia an cư kết hạ đầy đủ nhằm “thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ”, để có điều kiện duy trì chính pháp, phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân. Trong các mùa an cư kết hạ Hòa thượng luôn giữ vai trò thiền chủ của Hạ trường chùa Cổ Lễ, Hạ trường chùa Cả thành phố Nam Định.
    “Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Hòa thượng là ủy viên Mặt trận Việt Minh huyện Xuân Trường. Từ năm 1954 đến cuối đời là ủy viên Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam Ninh, rồi Nam Hà, đến Nam Định và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiều khóa.
    Do có công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam, Hòa thượng được Nhà nước tặng thưởng, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huy hiệu Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân và nhiều huy hiệu cao quý khác”[8].
    Như vậy, Hòa thượng Thích Thuận Đức đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ở bất cứ cương vị nào, Ngài cũng là một tấm gương sáng, một niềm tự hào cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam nói chung và Tăng, Ni, Phật tử trong Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung nói riêng. Do có nhiều công lao trong sự nghiệp “phụng sự Đạo pháp – phục vụ Dân tộc” ngày 28 tháng 05 năm 2013, Tỉnh Ủy Nam Định đã ký quyết định số 649-QĐ/TU, công nhận Hòa thượng là người hoạt động Cách mạng trước ngày 01-01-1945 đã hy sinh, từ trần.

3. Hòa thượng Thích Tâm Thông

    Hòa thượng thuộc đời thứ bảy của Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung, thế danh là Nguyễn Văn Tiến, sinh ngày 27/11/1916, tại Hải Hậu, Nam Định.
    Năm Tân Mùi, 1931, lúc 15 tuổi Hòa thượng xin phép song thân xuất gia đầu Phật đến cầu pháp với Hòa thượng Thích Thanh Lịch, trụ trì chùa Lam Cầu, tỉnh Hà Nam. Năm 1934, sau ba năm tu học, Hòa thượng được thụ giới Sa di, đến năm 1939, Hòa thượng được thầy bản sư cho đăng đàn thụ giới cụ túc tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Sau khi thụ đại giới, với đức tính khiêm cung, chăm chỉ hiếu học, Hòa thượng đã đi tham học ở nhiều nơi. Năm 1942 Hòa thượng được Hội Phật giáo chấn hưng cử vào Huế tu học, năm 1945 trở về chùa Quán Sứ, bắt đầu dấn thân trên con đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.
    Năm 1946, Hòa thượng về chùa Lam Cầu làm Thư ký Hội Phật giáo Cứu quốc, tham gia công tác bình dân, học vụ và cô nhi viện ở chùa Lam Cầu, huyện Lý Nhân. Năm 1947 Hòa thượng bị thực dân Pháp bắt giam tại Nam Định. Đến năm 1948 Hòa thượng trốn thoát và về chùa Cồn, nơi Hòa thượng Tuệ Tạng trụ trì để tiếp tục tu hành. Năm 1949, giặc Pháp tăng cường càn quét tại Nam Định, Hòa thượng lại trở về chùa Quán Sứ. Trong thời gian này, Hòa thượng được Hội Phật giáo cử về chùa Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tham gia giảng dạy Phật pháp cho Tăng, Ni, Phật tử và vận động nhân dân tham gia cứu quốc. Năm 1959, sau khi thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ở miền Bắc, Ngài được cử làm Ủy viên thường trực Chi Hội Phật giáo thống nhất tỉnh Nam Định, và là Ủy viên liên lạc Mặt trận Tổ quốc thành phố Nam Định. Năm 1972, Ngài được suy tôn làm Ủy viên thường trực Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (miền Bắc). Năm 1981, tại Hội nghị thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Hòa thượng được suy cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm Đinh Mão 1987, Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ II, Hòa thượng được Đại hội suy cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã đảm đương chức vụ này đến Đại hội lần thứ IV.
    Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như chính sách đối ngoại tôn giáo của Giáo hội, Hòa thượng trực tiếp tham gia dẫn đoàn đi tham quan làm việc với nhiều nước trên thế giới, với nhiều nội dung đối thoại khác nhau. Thông qua các chuyến đi, Hòa thượng đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam ra bạn bè thế giới, giới thiệu văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa Phật giáo, thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Trong quá trình hoạt động Phật sự, Hòa thượng luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục Tăng, Ni và trực tiếp tham gia công tác quản lý và giảng dạy tại các trường Phật học: Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, giữ chức Phân Viện phó Phân Viện nghiên cứu Phật học. Cùng với những hoạt động tại Trung ương Giáo hội, Hòa thượng còn dành nhiều thời gian quan tâm đến phát triển Phật giáo Nam Định, trực tiếp làm Phó Ban rồi Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Hòa thượng thường xuyên quan tâm đến giáo dục phát triển Tăng tài, tạo nguồn nhân sự chất lượng cho Phật giáo tỉnh Nam Định nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung. Hòa thượng trực tiếp tham gia công tác quản lý và giảng dạy tại các trường Phật học cũng như các khóa an cư kết hạ hàng năm trong tỉnh.
    “Tháng 11 năm Đinh Sửu 1997, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngoài những trọng trách mà một vị sứ giả Đức Phật phải đảm nhiệm, Hòa thượng còn tham gia Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh nhiều khóa và nhiều hoạt động xã hội khác góp phần phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
    Để tuyên dương những công lao to lớn mà Hòa thượng cống hiến, Nhà nước, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao tặng Hòa thượng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân, Bằng khen hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều danh hiệu cao quý khác”[9].
    Như vậy, Hòa thượng Thích Tâm Thông đã kế tục truyền thống của Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung, gắn liền sự nghiệp phụng sự Đạo pháp cùng với phục vụ Dân tộc. Ở bất cứ nhiệm vụ nào Ngài cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Hòa thượng không chỉ làm rạng rỡ cho Phật giáo Việt Nam nói chung, Ngài còn làm tỏ rạng ngọn đèn thiền của Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung nói riêng.
    Ngoài ra còn có một số danh Tăng trong Sơn môn cũng đóng góp không nhỏ công sức của mình cho công cuộc phụng sự Đạo pháp – Dân tộc như cố Hòa thượng Thích Nguyên Thái, hậu duệ đời thứ tư, từng làm ngôi đường chủ Hạ trường chùa Quán Sứ, thời kỳ 1937 – 1940. Hòa thượng Thích Quảng Lãm thuộc đời thứ 5 của Sơn môn, Người đã gìn giữ và phát triển cơ nghiệp chốn tổ đình Lãng Lăng của Chư Tổ để lại, làm cho ngày một hưng thịnh. Đồng hàng là Hòa thượng: Thích Quảng Quyết, hiệu Thích Phúc Đức, Người kế thừa và làm rạng danh sự nghiệp hoằng dương chính pháp mà các bậc Tổ Sư để lại. Chính Ngài làm nên giá trị lịch sử cho ngôi Linh Quang được lưu truyền đến mãi muôn đời sau. Ngài cùng với nhân dân đúc 10 pho tượng đồng, trùng tu toàn bộ cảnh chùa và xây dựng nhà Tổ, nhà Tăng, nhà tạo soạn, tam quan, vọng lâu, tổng cộng 77 gian, mua đất Công giáo phía Đông, lấy đất của tổ phụ cúng vào chùa để mở rộng nội tự, xây dựng chùa Tùng Lâm, Kiến Hành, trụ trì xây dựng chùa Nguyệt Lâm, Thái Bình, chùa Thanh Châu, Thái Bình và tạc nhiều tượng hậu bằng đá để tri ân công đức đối với các mạnh thường quân. Đời thứ sáu cócố Đại lão Hòa thượng tự Thanh Lịch, cố Hòa thượng Thích Thanh Hiền, cố Hòa thượng Thích Thanh Quang[10].
     Để Sơn môn được phát triển huy hoàng như ngày nay còn có vai trò của chư Ni trong Sơn môn. “Bên cạnh đó chi, phái Ni bộ là một trong những chi đi đầu trong sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, do tổ Ni tự Quang Tuệ, người luôn kề vai sát cánh để hộ trì giúp cho các bậc trưởng thượng tôn túc hoàn thành sứ mệnh hoằng pháp độ sinh và đặc biệt, người đã dìu dắt chúng đệ tử Ni giới nối chí tông phong, gìn giữ Thanh quy của tổ nghiệp, răn dạy lớp hậu thế biết khiêm cung với con đường Bát chính đạo. Vì vậy, có không ít Ni trưởng, Ni Sư trong quá khứ và hiện tại đã và đang góp phần trí tuệ nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển chung của ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam”[11].
      Như vậy, Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Phật giáo Việt Nam, cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống huy hoàng của Sơn môn, hiện thời có Thượng tọa Thích Thanh Giác, Đại đức Thích Bản Thức, Đại đức Thích Thanh Lợi, Đại đức Thích Giác Vũ, Ni sư Thích Đàm Hiếu …. Đã không ngừng duy trì mạng mạch Phật pháp, nối chí tông phong, tỏ rạng đèn thiền, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức./.


Tài liệu tham khảo

1. Thích Đồng Bổn (2002), Danh Tăng Việt Nam, tập 2, Nxb Tôn giáo.
2. Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung (2015), Sơ lược lịch sử Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung, Lưu hành nội bộ.
3. Viện nghiên cứu tôn giáo, Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định, Tổ đình Vọng Cung (2010), Hòa thượng Tuệ Tạng – Thích Tâm Thi (1889 – 1959), vị thượng thủ đầu tiên của Giáo hội Tăng già Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa.
 
 

[1]Chùa Linh Quang hiện tọa lạc ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
[2] Hòa thượng Thích Phổ Liên là cháu Cụ Trần Đào Canh (hiệu Vô Vi), người làng Nguyệt Giám, Kiến Xương, Thái Bình, Cụ lập một gian nhà nhỏ (được gọi là tĩnh thờ Phật). Năm Canh Tý (1770) Cụ  Đào Canh trên cơ sở gian nhà nhỏ, dựng 5 gian nhà tranh làm nơi thờ Phật, gọi là chùa Trà Lũ Trung, tên hiệu là Linh Quang. Khi Cụ qua đời, người con trai là Trần Đào Phú, một người học hành đỗ đạt thời Quang Trung (1789), nhưng không ra làm quan về quê lập gia thất, dạy học giúp dân nghèo, cùng với nhân dân địa phương trùng tu, tô tượng, đúc chuông. Hòa thượng Thích Phổ Liên là con trai Cụ Trần Đào Phú, có thế danh là Trần Đào Kế. Khi đến tuổi trưởng thành được cha cho xuất gia làm đệ tử và đắc pháp với Tổ Sư Giác Viên, chùa Bảo Thiên, Sơn môn Bằng Sở.
[3] Viện nghiên cứu tôn giáo, Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Tổ đình Vọng Cung (2010), Hòa thượng Tuệ Tạng – Thích Tâm Thi (1918 – 1959), vị thượng thủ của Giáo hội Tăng già Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.247-251.
[4] Viện nghiên cứu tôn giáo, Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Tổ đình Vọng Cung (2010), Hòa thượng Tuệ Tạng – Thích Tâm Thi (1918 – 1959), vị thượng thủ của Giáo hội Tăng già Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.247-251.
[5] Viện nghiên cứu tôn giáo, Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Tổ đình Vọng Cung (2010), Hòa thượng Tuệ Tạng – Thích Tâm Thi (1918 – 1959), vị thượng thủ của Giáo hội Tăng già Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.401-402.
[6] Thích Đồng Bổn (2002), Danh Tăng Việt Nam, tập 2, Nxb Tôn giáo, tr.923-924.
[7] Thích Đồng Bổn (2002), Danh Tăng Việt Nam, tập 2, Nxb Tôn giáo, tr.925-926.
[8] Thích Đồng Bổn (2002), Danh Tăng Việt Nam, tập 2, Nxb Tôn giáo, tr.927.
 
[9] Thích Đồng Bổn (2002), Danh Tăng Việt Nam, tập 2, Nxb Tôn giáo, tr.853-854.
[10] Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung (2015), Sơ lược lịch sử Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung, Tài liệu lưu hành nội bộ, tr.10-11.
[11] Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung (2015), Sơ lược lịch sử Sơn môn Phật giáo Linh Quang – Trà Lũ Trung, Tài liệu lưu hành nội bộ, tr.14.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây