VÀI NÉT VỀ DẤU ẤN CỦA KINH PHÁP HOA TRONG VĂN BIA LÝ – TRẦN

Thứ hai - 20/12/2021 18:19

VÀI NÉT VỀ DẤU ẤN CỦA KINH PHÁP HOA  TRONG VĂN BIA LÝ – TRẦN

TS. Mai Thị Thơm, nguyên giảng viên Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN. Bài viết đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 3 – 2015. Bài đã in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr. 351-362.
 

                                      VÀI NÉT VỀ DẤU ẤN CỦA KINH PHÁP HOA  TRONG VĂN BIA LÝ – TRẦN


        Trong hệ thống văn bia Lý – Trần [1], có một điều rất đáng quan tâm là phần mở đầu - các nhà nghiên cứu thường gọi đó là phần duyên khởi của rất nhiều văn bia, đặc biệt là văn bia thời Lý và một số văn bia thời Trần đều đề cập một cách sống động về tư tưởng Phật giáo, triết lý Phật giáo. Tư tưởng, triết lý đó còn được lặp lại ở bài minh của văn bia, ngoài ra cũng nằm rải rác trong phần chính của bài ký của văn bia. Theo chúng tôi, tư tưởng, triết lý đó đa phần xuất phát từ hai bộ kính lớn của Phật giáo Việt nói riêng, Phật giáo nói chung. Một trong hai bộ kinh đó chính là Kinh Pháp Hoa. Nói như vậy, không có nghĩa là toàn bộ tư tưởng, triết lý của kinh điển này được trình bày một cách có hệ thống và trọn vẹn trong văn bia đương thời. Nhưng chỉ qua một số thuật ngữ, một số đoạn văn nằm rải rác các phần nêu trên và được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngần ấy văn bia, những triết lý đặc trưng, những thí dụ điển hình, những nhân vật riêng có của giáo điển Pháp Hoa được hiển hiện một cách rõ ràng, không nhầm lẫn. Ngoài ra, văn bia cũng ghi nhận việc trì tụng, giảng giải, và biên soạn tác phẩm liên quan đến giáo điển Pháp Hoa của người học Phật đương thời. Đây là nguyên nhân cho sự hiện  hữu của bài viết này.

     Kinh Pháp Hoa gọi đầy đủ là Diệu pháp liên hoa kinh, tên tiếng Phạn là Sadharma Pundarika Sutra. Theo giải thích của Quang Trạch trong Từ điển Phật học Hán Việt thì “‘Diệu pháp’ là nhân quả của đạo Nhất thừa, ‘Liên hoa’ là thí dụ, biểu trưng cho nhân quả đồng thời của đạo Nhất thừa.Vì cánh sen và hạt sen cùng lúc tồn tại, không có trước sau”[2]. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tác giả quyển Sen nở trời phương ngoại, phần Kiến giải Pháp hoa kinh thì đây là bộ kinh còn giữ được nhiều nguyên bản tiếng Phạn cho đến ngày nay ở Nepal, Kashmir, Central Asia…[3]. Bản dịch bằng tiếng Hán tiêu biểu nhất hiện tìm thấy trong Đại tạng kinh Trung Quốc gồm ba bản: Chính Pháp Hoa kinh của Trúc Pháp Hộ, Diệu pháp liên hoa kinh của Cưu Ma La Thập (406) và Thiện phẩm Diệu pháp liên hoa kinh của Xà Na Khuất Đa (601). Trong đó bản dịch của Cưu Ma La Thập là lưu loát nhất và được phổ biến rộng rãi nhất, gồm 28 phẩm, bảy quyển, hơn sáu vạn chữ.
Văn bia thời Lý – Trần tuy không cho biết bản dịch nào được hiện hữu trong Phật giáo đương thời nhưng có lẽ bản dịch của Cưu Ma La Thập là bản chủ đạo. Vì cho đến ngày nay, đây là bản dịch kinh Pháp Hoa được người Việt trì tụng, giảng giải, dịch ra tiếng Việt nhiều nhất. Giáo điển Pháp Hoa được ghi nhận tương đối cụ thể, chi tiết trong 9 văn bản thời Lý và sơ lược ở 3 văn bản thời Trần [4]. Từ những ghi nhận trong văn bia, chúng tôi xin tìm hiểu về ba điểm cơ bản của giáo điển Pháp Hoa: Thứ nhất là Tư tưởng cơ bản của Pháp Hoa; Thứ hai là Thí dụ điển hình của Kinh Pháp Hoa; thứ ba là Nhân vật tiêu biểu của Kinh Pháp Hoa.

1. Tư tưởng cơ bản của Kinh Pháp Hoa

       Có hai Tư tưởng cơ bản của Kinh Pháp Hoa được ghi nhận khá phổ biến trong văn bia thời Lý – Trần. Thứ nhất là Ẩn thật hiển quyền, tức giấu kín thật pháp, chỉ bày quyền pháp; thứ hai là Quy tam vu nhất, tức đưa giáo lý Ba thừa (Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ tát) về giáo lý Một thừa (Phật thừa).
      Ẩn Thật Hiển Quyền là tư tưởng riêng có trong giáo điển Pháp Hoa. Trong hệ thống văn bia thời Lý – Trần tuy chỉ có hai văn bản đề cập đến tư tưởng này nhưng cũng đã nói lên giá trị của nó. Đó là Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc thời Lý với câu “Đức Phật tổ trí tuệ thấu suốt, không sót vật chi. Dấu thực phô quyền, tỏ rõ đạo thường lạc ngã tịnh…” (theo bản dịch Văn bia thời Lý), và Văn bia chùa Thiệu Long thời Trần với câu “Cho nên đức Đại Hùng ta định ở vô tướng không tịch, xót chúng sinh luân hồi, đản sinh  ở Vương cung, tu hành ở núi Tuyết, trồng mầm lành ở đất tâm, gieo giống khác ở ruộng tình, ẩn thật hiển quyền, tùy duyên tiếp vật” (tác giả tự dịch). Tư tưởng này vốn có trong phẩm Phương tiện thứ hai của KinhPháp Hoa “Lúc bấy giờ, Thế Tôn từ chính định an lành mà xuất, bảo Xá Lợi Phất rằng ‘Trí tuệ của Phật rất sâu xa. Trí tuệ đó khó hiểu khó vào. Tất cả Thinh Văn và Bích Chi Phật đều không thể biết… Xá lợi Phất! Từ khi thành Phật đến nay, ta dùng các nhân duyên, các thí dụ, dùng vô số phương tiện, tuyên thuyết giáo pháp, dìu dắt chúng sinh, khiến chúng sinh xa lìa vọng chấp. Vì sao? Vì Phật đầy đủ phương tiện, trí tuệ và Ba la mật… Xá Lợi Phật! Chẳng cần nói nữa. Vì sao? Vì pháp khó hiểu, ít có số một mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới hiểu được. Chỉ Phật với Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp.”[5].
          Thật pháp ở đây chính là bản thể chân thật của vạn pháp, là Trí tuệ Phật, là Tính Phật, là Niết bàn, là Bản lai diện mục của nhân sinh và vũ trụ. Kinh Pháp Hoa tạm nêu Thập như (mười sự như thực) của nó: Tướng như vậy, Tính như vậy, Thể như vậy, Lực như vậy, Tác như vậy, Nhân như vậy, Duyên như vậy, Quả như vậy, Báo như vậy, tức là nói lên phần nào sự sâu xa, mầu nhiệm, khó hiểu, khó lường của Thể - Tướng – Dụng của Thật pháp.Quyền pháp chính là giáo pháp Nhị thừa, giáo pháp Tam thừa..., nói đúng hơn là tất cả kho tàng giáo lý của Phật giáo mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã khéo léo chỉ dạy cho tất cả chúng sinh suốt bốn mươi chín năm hoằng đạo. Giáo pháp đó được coi là phương tiện đưa chúng sinh đạt đến Thật pháp.Vì không thể trực tiếp nói cái Thật trước, nên Phật đành phải nói cái Quyền trước. Đến khi nhân duyên chín muồi, Phật phải thu Quyền hiển Thật, đưa Nhị thừa, Tam thừa về Nhất thừa. Vì vậy mới có tư tưởng Quy tam vu nhất.
         Quy Tam Vu Nhất cũng là một tư tưởng điển hình của Kinh Pháp Hoa.Tam ở đây chính là Tam thừa giáo, tức giáo pháp mà người tu học theo sẽ có thể chứng đắc hoặc Bốn quả sa môn (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán) của Thinh Văn Thừa, hoặc Bích chi Phật của Duyên Giác thừa, hoặc 52 vị (Thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, Đẳng giác, Diệu giác) của Bồ tát thừa. Nhất ở đây chính là Nhất thừa giáo, cũng gọi là Phật thừa, tức giáo pháp đưa người tu học chứng đắc một quả vị duy nhất là Phật. Văn bia chùa Minh Tịnh ghi nhận “Uốn lưỡi bát biện mà che kín cõi Đại thiên, gom giáo điển Ba thừa mà cất nơi biển giác”; Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc lại khẳng định “Năm trăm năm người hiền ứng vận mà xuất hiện, Đạo thì không có hai thừa hay ba thừa”; Văn bia chuông chùa Thiên Phúc khẳng địnhGiáo pháp của Phật được thiết lập theo căn cơ, nhưng bao quát tất cả chỉ là Nhất thừa”. Chính ba đoạn văn ở ba văn bia này đã nói đủ tư tưởng Quy tam vu nhất.Tư tưởng này vốn xuất hiện trong đoạn văn sau ở phẩm Phương tiện thứ haicủa kinh Pháp Hoa: “Xá Lợi Phất! Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sinh nói pháp. Không có các thừa khác hoặc Nhị thừa hoặc Tam thừa. Xá Lợi Phất! Pháp của tất cả các Phật ở mười phương cũng như thế... Xá Lợi Phất! Thuở quá khứ, chư Phật dùng vô số phương tiện, các nhân duyên, ngôn ngữ, thí dụ mà vì chúng sinh diễn nói các pháp. Vì pháp đó đều là một Phật thừa. Nên các chúng sinh đó theo chư Phật, nghe pháp, rốt ráo đều chứng Nhất thiết chủng trí. Xá Lợi Phất! Thuở vị lai..., hiện tại nay..., trong vô lượng muôn ngàn ức cõi Phật ở mười phương, chư Phật Thế Tôn làm nhiều điều lợi ích, an vui cho chúng sinh...” (sách đã dẫn, tr 67- 68).
           Phật Thích Ca Mâu Ni khẳng định giáo pháp mà ông thuyết giảng ngần ấy thời gian, cho mọi thành phần xã hội đó chỉ là Phật thừa, không có Hai thừa, cũng không có ba thừa. Không chỉ thế, các Phật trong mười phương ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều thống nhất như thế. Điều đặt ra ở đây là có mâu thuẫn nào không giữa hai tư tưởng cơ bản này của kinh Pháp Hoa? Bởi tư tưởng Ẩn Thật Hiển Quyền cho ta biết thật tướng của các pháp cao siêu mầu nhiệm, khó trình bày, khó diễn giải. Nên Phật phương tiện nói các pháp khác, hoặc hai thừa, hoặc ba thừa. Vậy mà tư tưởng Quy Tam Vu Nhất lại khẳng định rằng tất cả các pháp đó đều là Phật thừa, không có hai thừa, cũng không có ba thừa. Hai tư tưởng này không có mâu thuẫn. Bởi nhìn từ Bản thể thì Thể - Tướng – Dụng vốn không có sự khác biệt. Trong Thể có đủ Tướng và Dụng. Do vậy, mỗi một Dụng hay Tướng đều thuộc về Thể, trọn vẹn Thể. Nhưng nếu nhìn từ góc độ Tướng và Dụng thì một Tướng, một Dụng không thể nói hết được bản Thể nhiệm mầu sâu xa đó. Cũng thế, giáo pháp Nhị thừa, hay Tam thừa tuy đều nằm trong giáo pháp Phật thừa nhưng nó chưa phải là giáo pháp Phật thừa, vì chỉ là một phần.
           Cũng chính vì nắm bắt được tính thống nhất đó nên rất nhiều văn bia thời Lý và một văn bia thời Trần đều đề cập đến việc xuất hiện của Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế gian này. Ví dụ Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên ThánhDuy có họ Đại Hùng vì một việc lớn nên xuất hiện ở thế gian:Mở rộng cửa tế độ, nêu rõ nghĩa dịu huyền. Tuy giáo pháp có phân ra đốn tiệm, là tùy cơ hiểu biết có nông sâu. Khiến chúng sinh vượt hố đoạn thường, lên được bờ tịch diệt. Dập ngọn lửa núi ngờ rừng rực, lắng sóng trào bể ái mênh mông.” (theo bản dịch của Văn bia thời Lý). Đoạn văn này cũng được triển khai từ ý của đoạn văn sau trong Phẩm Phương tiện của kinh Pháp Hoa rằng “Các Phật Thế Tôn, chỉ vì một nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời. Xá Lợi Phất! Vì sao nói rằng các Phật Thế Tôn, chỉ vì một nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời? Các Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh mở (khai) Tri kiến Phật đđặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ (thị) Tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ (ngộ) Tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng nhập (nhập) Tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời” (sách đã dẫn, tr 65- 66). Rõ ràng, mục đích xuất hiện của Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng, vô số chư Phật nói chung đều chỉ để giải quyết một việc lớn là “Khai Thị chúng Sinh Ngộ Nhập tri kiến Phật”. Có thể nói người học Phật thời Lý – Trần tin hiểu giáo pháp Phật một cách rõ ràng. Họ biết giáo pháp đó là phương tiện, là quyền môn của Phật, nhưng cũng là Thật tướng, là Phật tính sẵn có nơi mình. Và như vậy Phật là người chỉ đường, họ, những người học Phật cần tự đi để tìm đến sự an lạc, giải thoát thực sự cho chính mình. Điều này được minh chứng thêm bằng sự học đạo, chứng đạo của hầu hết các vua, quan, bách tính thời Lý – Trần được ghi nhận trong các phái Thiền đương thời như phái Thảo Đường, phái Trúc Lâm.

                  2. Thí dụ điển hình của Kinh Pháp Hoa
 
          Có ít nhất 7 văn bản thời Lý và 1 văn bản chuông thời Trần đề cập đến những Thí dụ điển hinh trong kinh Pháp HoaĐó là hệ thống Thất dụ:Hỏa trạch dụ (Hỏa trạch tam xa) ở phẩm Thí dụ thứ 3, Cùng tử dụ ở phẩm Tín giải thứ tư, Dược thảo dụ (Nhất vũ tam thảo) ở phẩm Dược thảo dụ thứ 5, Y châu dụ (y trung vong bảo) ở phẩm Thụ ký thứ 6, Hóa thành dụ (Hóa thành bảo sở) ở phẩm Hóa thành dụ thứ 7, Kế châu dụ ở phẩm An lạc hạnh thứ 14, Y tử dụ ở phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16. Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh nhắc đến Thất dụ chung chung rằng «Đến khi làm lễ khánh thành, tập hợp tứ hoằng thượng sĩ, giảng Thất dụ diệu ngôn», các văn bia còn lại ghi nhận chi tiết về tên của Bảy dụ.
          Dụ, Thí dụ là hình ảnh, câu chuyện... được sử dụng nhằm lột tả một cách đơn giản nhất, gần gũi nhất, dễ hiểu nhất phần lý thuyết, tư tưởng, triết lý. Đây là một trong những hình thức giảng giải phổ biến theo mô típ vốn có trong văn hóa Ấn nói chung, Phật giáo nói riêng. Bởi khi hoằng hóa, chỉ dạy mọi tầng lớp xã hội bằng hình thức khẩu truyền, Thí dụ sẽ giúp người nghe hiểu, nhớ và vận dụng lời dạy của người Thầy, của Phật vào việc tu tập, vào cuộc sống thường nhật dễ dàng hơn. Ngoài ra, Thí dụ cũng có tác dụng làm giảm bớt tính khô khan, khó hiểu của phần triết lý, tạo tính hấp dẫn, sống động cho buổi thuyết giảng. Thí dụ trong Kinh Pháp Hoa có lẽ là những Thí dụ sống động nhất trong giáo điển Phật giáo. Đây cũng là nguyên nhân để Pháp Hoa luôn là kinh điển được nhiều quốc gia Phật giáo tụng đọc, hành trì nhất từ xưa nay ngoài lý do dung hợp mọi thừa trong Phật giáo. Việc chỉ nhắc đến tên các Thí dụ của kinh Pháp Hoa trong văn bia có lẽ vì nội dung của những Thí dụ trong kinh Pháp Hoa tương đối dài, thời lượng của một bài văn bia không cho phép. Vả lại, nhắc mỗi tên điển tích vừa làm cho ý câu văn thêm phần súc tích, kích thích sự tra tầm học hiểu của người đọc, còn đối với người đã từng am tường thì lại thấy tài học rộng hiểu sâu của người viết hơn.
          Một điều đáng quan tâm nữa ở phần Thí dụ điển hình này là hầu hết các văn bia trên chỉ nhắc đến 4 dụ: Hỏa trạch tam xa (Ba xe nhà lửa) ở các bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, chuông chùa Diên Phúc; Nhất vũ tam thảo (Một trận mưa ba loài cây cỏ) ở các bia chùa Minh Tịnh, chùa Linh Xứng, chùa Viên Quang ; Y trung vong bảo (quên châu trong áo) ở các bia chùa Minh Tịnh, tháp Sùng Thiện Diên Linh và Hóa thành bảo sở (Thành giả lập và nơi chốn đích thực) ở bia chùa Minh Tịnh. Duy nhất có một văn bia thời Trần là Diên Thánh Báo Ân tự chung nhắc đến dụ Hóa thành bảo sở. Có lẽ bởi Cùng tử dụKế châu dụ về phương diện ý nghĩa khá giống với Y châu dụ, đều khẳng định món châu ngọc quý giá sẵn có trong mỗi người, tượng trưng cho Phật tính bản nhiên. Còn Y tử dụ lại khá giống với Hỏa trạch dụ, đều khẳng định người cha vì thương các con nên bày phương tiện để các con thoát được hiểm nạn, bình an trở về với Phật tính của mình.
           Thí dụ Hỏa trạch tam xa kể về người cha vốn là một Trưởng giả giàu có vì muốn cứu các con đang mải miết chơi đùa trong ngôi nhà lửa hừng hực nên phải mượn ba loại xe: Xe dê, xe hươu và xe trâu để ngoài cửa, dẫn dụ cho chúng vì thích đồ chơi đó mà chạy ra khỏi nhà lửa, thoát chết. Đến khi chúng ra khỏi nhà lửa, người cha chỉ cho tất cả chúng một loại Xe Trâu Trắng. Ba loại xe ban đầu dụ cho Tam thừa giáo. Xe Trâu Trắng dụ cho Nhất thừa giáo. Thí dụ Nhất vũ tam thảo là nói về một trận mưa cùng lúc tuôn xuống ở mỗi lần, nhưng cây cỏ vì những điều kiện khác nhau nên chia làm ba loại: To, trung bình và nhỏ đều được thấm nhuần. Có điều, cả ba loại đều thỏa mãn với nước mưa thấm nhuần, không thấy có sự khác biệt nào. Giáo pháp của Phật cũng vậy. Chỉ có Nhất thừa, nhưng vì chúng sinh không biết nên giả đặt tên Tam thừa: Nhị thừa (Thinh Văn, Duyên Giác), Bồ tát và Phật thừa. Tam thừa ở đây khác với Tam thừa trong Thí dụ trên nhưng về cơ bản, nghĩa vẫn không khác. Thí dụ Y trung vong bảo kể về một gã nghèo cùng dù đã được người bạn thương tình cho một viên minh châu quý, gói trong chéo áo vào lần gặp gỡ nọ, nhưng vì say rượu ngủ quên, vì sự sống bức bách, gã cứ mải miết lang bạc kiếm sống hết nơi này đến nơi khác với kiếp nghèo, mà không hề hay biết trong chéo áo sẵn viên châu quý. Đợi lúc người bạn gặp lại, chỉ rõ, gã mới nhận ra. Dụ này dùng để nói đến Phật tính sẵn có trong mỗi loài. Song, vì mê mờ, chìm đắm, chúng sinh không ý thức được, Phật phải chỉ cho. Hóa thành dụ kể về người thầy giỏi vì thương mọi người mệt mỏi, có ý thoái lui trên con đường tìm đến bảo thành nên hóa ra thành quách tạm để chúng nghỉ ngơi. Đến khi thấy chúng khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn và bắt đầu đắm chấp thành biến hóa tạm thời đó, người thầy phải nói sự thực. Để cuối cùng chúng đều hồ hởi đi tiếp đến Bảo sở - Cõi báu đích thực. Dụ này cũng nói về việc ban đầu vì thương chúng sinh nên Phật phương tiện nói giáo pháp Tam thừa, đến khi hợp thời, hợp nghi, Phật mới chỉ rõ Thật pháp.
              Về cơ bản, ý nghĩa của bốn dụ được dẫn ra ở trên đều thống nhất. Thống nhất với bản thân các thí dụ, và thống nhất với tư tưởng cơ bản Ẩn Thật Hiển Quyền và Quy Tam Vu Nhất ở trên. Vì tất cả đều khẳng định Tính Phật, Thật Pháp... vốn sẵn có nơi mỗi chúng sinh. Nhưng sâu xa, nhiệm mầu, khó hiểu, khó biết... Phật phương tiện chỉ bày, dẫn dụ, để tất cả đồng ý đi theo, thực tập, dần dần nhận thức rõ bản thân, cuối cùng là trở về với Phật tính nơi mình.

                3. Nhân vật tiêu biểu của Kinh Pháp Hoa

 
               Bốn văn bia chùa, một văn bia chuông thời Lý, 2 văn bia thời Trần cung cấp những thông tin liên quan đến Nhân vật tiêu biểu cũng như việc trì tụng, giảng giải, biên soạn tác phẩm Pháp Hoa đương thời. Nhân vật ở đây gồm:
        Phật Đa Bảo. Nhân vật được nhắc đến trong giáo điển Pháp Hoa ngoài Phật Thích Ca Mâu Ni với đầy đủ tiểu sử hiện kiếp cũng như ở tượng thờ chính của các chùa, đặc biệt là thời Lý ra, còn có Phật Đa Bảo trong phẩm Hiện bảo tháp thứ 11 trong các bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh. Nội dung phẩm kinh này kể việc khi Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Kinh Pháp Hoa, một bảo tháp từ dưới đất vọt lên, trụ giữa hư không, phía trước giảng đường núi Linh Thứu. Tiếp theo đó, trong bảo tháp vang ra tiếng khen việc diễn giải kinh này. Để giải đáp thắc mắc của thính chúng trong pháp hội, Phật Thích Ca Mâu Ni nói rõ hạnh nguyện của Phật Đa Bảo cũng như sự hiệndiện của bảo tháp. Đến khi thính chúng muốn chiêm bái toàn thân Phật Đa Bảo thì Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm các việc để mở cửa tháp. Cuối cùng Phật Đa Bảo chia nửa tòa ngồi, mời Phật Thích Ca Mâu Ni cùng lên bảo tòa để ngồi.
Tác giả Nguyễn Công Bật của Văn bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh đã tóm tắt toàn bộ nội dung phẩm kinh này trong vỏn vẹn hơn ba mươi chữ Hán: «Chính giữa đặt tượng tốt đức Đa Bảo Như Lai, nguyện lực sâu dày, giữ trọn sắc thân, nghe Kệ Sen [6] giúp hiện uy linh, chia nửa tòa ngồi cho đức Thích Ca Văn». Đoạn văn chuẩn xác trong kinh Pháp Hoa liên quan đến hai sự kiện mà văn bia này nêu ra chính là“Nếu ta được thành Phật, sau khi diệt độ, trong cõi nước mười phương có chỗ nào nói kinh Pháp Hoa thời tháp miếu của ta vì nghe kinh đó mà hiện ra trước mặt, chứng minh và khen rằng: Hay thay!...» (sách đã dẫn, tr 312). Và «Lúc đó, đức Đa Bảo ở trong tháp báu, chia nửa tòa cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nói rằng: Thích Ca Mâu Ni Phật có thể đến ngồi trên tòa này»( sách đã dẫn, tr 320) Phật Đa Bảo ở đây thuộc Hiển giáo. Đa Bảo là Phật quá khứ, biểu trưng cho Phật bản thể, nếu nói theo thuật ngữ của các nhà Pháp Hoa học thì ông thuộc thế giới Bản môn, Phật Thích Ca Mâu Ni thuộc thế giới Tích môn, tức là Phật diệu dụng. Hình ảnh Phật Đa Bảo cùng bảo pháp hiện lên khi Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh Pháp Hoa thể hiện hai ý nghĩa chính. Thứ nhất, khẳng định rằng Phật Bản môn và Phật Tích môn, tức bản thể và diệu dụng không phải một, không phải khác, không phải quá khứ, không phải hiện tại, không đến đi sinh diệt bao giờ... Điều này được biểu hiện cụ thể bằng việc Phật Thích Ca Mâu Ni phải thâu hết các hóa thân của mình ở khắp các cõi nước mười phương về tại Linh Thứu sơn rồi mới thấy được toàn thân Phật Đa Bảo trong bảo tháp. Và khi mở cửa bảo tháp, Phật Đa Bảo mời Phật Thích Ca lên ngồi cùng tòa, tức là đưa hết Tướng - Dụng, đưa hết Tích môn, đưa hết Ba thừa về Bản thể, về Bản môn, về Nhất thừa. Thứ hai, khẳng định rằng giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni giảng giải cũng là giáo pháp của Phật Đa Bảo giảng giải, không có sự khác biệt giữa Bản môn và Tích môn, nghĩa là tất cả đều là Nhất thừa, xưa nay vẫn vậy... Điều này cũng thống nhất với Tư tưởng và Thí dụ ở trên.
         

          Bồ tát Dược Vương xuất hiện trong phẩm Dược vương bồ tát bản sự thứ 23 của kinh Pháp Hoa. Trong Văn bia chuông chùa Thiên Phúc, thiền sư Huệ Hưng ghi nhận: «… Dược Vương đốt cánh tay, không phải thầy thì ai chịu được nổi khổ, …». Bồ tát Dược Vương được ghi nhận trong phẩm kinh này làm hai việc, đốt thân và đốt cánh tay để cúng dường. Việc làm đó của ông đã khiến vô số thính chúng đạt đạo. Ở đây tác giả mượn việc làm của Bồ tát Dược Vương để ví việc Thiền sư Từ Đạo Hạnh dùng các thuật chửa bệnh cho mọi người trong xã hội đương thời và cũng vì thế rất nhiều người tin Phật, học Phật.
            Bồ tát Quan Âm xuất hiện ở phẩm Phổ môn thứ 25 của kinh Pháp Hoa. Văn bia chuông chùa Thiên Phúc thời Lý ghi nhận“Quan Âm cứu nạn, không có thầy thì ai tiếp nối hạnh nguyện”. Ý này được căn cứ theo đoạn văn sau trong kinh Pháp Hoa «Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe tên Bồ tát Quan Thế Âm, một lòng xưng niệm tên ngài. Quan Thế Âm Bồ tát liền xem xét, lắng nghe tiếng kêu đó, khiến chúng đều được giải thoát…» (sách đã dẫn, tr 540). Văn bia chùa Đại Bi Diên Minh thời Trần, Sa môn Sùng Nhân ghi nhận tương đối đầy đủ về hạnh nguyện từ bi của Bồ tát Quan Thế Âm và chắc chắc đó là Bồ tát trong kinh Pháp Hoa: « Bồ tát Đại Bi, thị hiện bao nhiêu loại thân hình, dùng ngàn tay ngàn mắt, thệ nguyện không quên cứu độ chúng sinh» (nghiên cứu sinh tự dịch). Hình ảnh Ngàn tay ngàn mắt là hình ảnh đậm chất Mật tông nhưng cũng để nói lên lòng từ bi vô lượng vô biên và phương tiện quyền biến độ thoát mọi loài của Bồ tát Quan Thế Âm mà người học Phật nói riêng, mọi thành phần xã hội đều cần. Trong kinh Pháp Hoa, Bồ tát Quan Thế Âm có 33 hóa thân.Vì thế nên, trong văn bia Lý – Trần, tượng Bồ tát Quan Thế Âm được tạc trong nhiều hình dạng khác nhau, hoặc trong hình dạng thông thường với tay cầm nhành dương liễu và tay cầm bình nước cam lồ, hoặc trong hình dạng ngàn tay ngàn mắtược thờ chính trong bảo điện của các chùa Diên Phúc ở thôn Cổ Việt thời Lý, Viện Diên Phúc và chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi thời Trần bên cạnh tượng Quan Thế Âm của chùa Đại Bi Diên Minh, tượng Quan Âm trong bia tháp Viên Thông thời Trần.
              Kết hợp với việc Trì tụng kinh Pháp Hoa suốt sáu năm ròng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong văn bia chuông chùa Thiên Phúc, việc giảng giải kinh Pháp Hoa trong ngày lễ Khánh thành chùa của văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh thời Lý và việc biên soạn tác phẩm Pháp Hoa kinh khoa sớ [7] của Thiền sư Pháp Loa trong văn bia tháp Viên Thông Thanh Mai thời Trần,quả thật văn bia Lý – Trần đã góp phần không nhỏ trong việc minh chứng cho sự thịnh hành của giáo điển Pháp Hoa trong đời sống Phật giáo và xã hội đương thời, đặc biệt là thời Lý. Minh chứng này được thể hiện ở mấy điểm: Thứ nhất, minh chứng một cách sống động cho sự hiện hữu của giáo điển Pháp Hoa được ghi nhận trong tác phẩm chính sử Phật giáo thời Lý là Thiền uyển tập anhgồm các việc như việc trì tụng kinh Pháp Hoa phổ biến trong cả Thiền phái Pháp Vân và Kiến Sơ; việc dùng câu kinh Pháp Hoa trong kệ thị tịch của Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, vua Trần Thái Tông trong phần Ngữ lục vấn đáp; việc giảng giải kinh Pháp Hoa của Thiền sư Bảo Tính, Minh Tâm thuộc thế hệ thứ bảy của phái Vô Ngôn Thông, thiền sư Chân Không (1046 – 1100) của phái Pháp Vân; việc thi cử ở cấp cao nhất của Phật giáo và xã hội trong kỳ thi do nhà nước tổ chức nhưviệc trúng giáp khoa trong kỳ thi Kinh Pháp Hoa Bát nhã tại điện vua trong niên hiệu Hội Phong (1092 – 1100) của Thiền sư Thiền Nham (1093 – 1163) thuộc thế hệ thứ mười ba của dòng thiền Pháp Vân, việc đỗ khoa Bạch Liên của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? – 1117) trong lần ứng thí điện thí tăng quan... Thứ hai, minh chứng một cách cụ thể về tư tưởng, về thí dụ, về nhân vật nào trong giáo điển Pháp Hoa được phổ cập nhất trong xã hội đương thời mà tác phẩm chính sử Phật giáo trên chưa ghi nhận đầy đủ. Thứ ba, minh chứng cho sự dung hợp, hài hòa của Phật giáo nói riêng, dân tộc Việt nói chung trong ngôi nhà Phật giáo. Vì những ai nghiên cứu về kinh Pháp Hoa đều biết rằng sự xuất hiện của kinh Pháp Hoa vốn là để khắc phục sự phân biệt quá mức giữa những người theo tinh thần Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa được phổ biến trong Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật... Đối với người theo Phật giáo Đại thừa thì hàng Thinh Văn, Duyên Giác là những hạt giống thối, chỉ lo tự tu, không lo cứu đời. Đối với người theo Phật giáo Tiểu thừa thì hàng Bồ tát là những người không sống đúng giới luật, lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni... Trong khi đó Pháp Hoa đã khẳng định tất cả Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, thậm chí là những người phạm 5 tội nghịch lớn [8]... đều sẵn tính Phật, đều dự phần trong Phật thừa, không có sự khác biệt nào cả. Ở Phật giáo Việt, sự hiện hữu của một số Thiền sư cư sĩ thời cuối hai Thiền phái Pháp Vân, Kiến Sơ, hay sự hiện hữu của một nửa vua – quan nhà Lý trong hàng ngũ tổ sư kế thừa dòng mạch của Thiền phái Thảo Đường tuy đã khắc phục phần nào tính Xuất gia hóa, hoàng thân quốc thích hóa của Thiền tông nhưng với sự hiện hữu của giáo điển Pháp Hoa, nữ giới nói riêng, mọi thành phần xã hội khác đều có phần trong đó./.


Tài liệu tham khảo
  1. Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập 1, Viện Nghiên cứu Hán Nam Việt Nam kết hợp với  Viện Viễn Đông Pháp và Đại học Trung Chính Đài Loan xuất bản.
  2. Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập 1, Viện Nghiên cứu Hán Nam Việt Nam kết hợp với  Viện Viễn Đông Pháp và Đại học Trung Chính Đài Loan xuất bản.
  3. Từ điển Phật học Hán Việt, Phân viện nghiên cứu Phật học, NXB Khoa học xã hội, 2008.
  4. Kinh Pháp Hoa, Việt dịch của HT Thích Trí Tịnh, NXB Tôn Giáo, 2006.
  5.Thích Thanh Từ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Năm 1992 .
 
 
 
[1] Chủ yếu ở hai tập 1 và 2 của bộ  Văn khắc Hán Nôm Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hán Nam Việt Nam kết hợp với  Viện Viễn Đông Pháp và Đại học Trung Chính Đài Loan xuất bản.
[2] Phân viện nghiên cứu Phật học, NXB Khoa học xã hội, 2008, tr 312
[3] langmai.com.
[4] Bảng thống kê đầy đủ số lượng văn bia ghi nhận về kinh Pháp Hoa cũng như bảng thống kê cho từng nội dung các mục của bài viết được chúng tôi trình bày trong một tác phẩm khác. ở đây vì khuôn khổ bài viết không cho phép.
[5] bản Việt dịch của HT Thích Trí Tịnh, NXB Tôn Giáo, 2006, tr 53- 54. Ở đây tác giả tuy dựa vào bản dịch của HT Thích Trí Tịnh nhưng có chỉnh sửa cho dễ hiểu hơn
[6] Liên kệ, tức là tên gọi tắt của Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Vì hình thức cơ bản của kinh này được viết dưới dạng văn vần, tức tiếng Hán Việt dịch là Kệ.
[7] Đây là tác phẩm chú thích, biên soạn kinh Pháp Hoa mang tính giáo khoa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho số đông người thuộc cấp sơ học
[8] Tức những người phạm 5 tội: Giết Cha, giết Mẹ, giết A la Hán, làm thân Phật tổn thương, pháp sự hòa hợp của Tăng đoàn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây