TIẾP CẬN CẤU TRÚC VÀ TIẾP CẬN VĂN HÓA TRONG NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC TÔN GIÁO

Thứ ba - 25/05/2021 17:39
TS. Nguyễn Đức Truyến. Dẫn nguồn: Bài viết đã được in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb Tôn giáo, 2017, tr. 245-260.
TIẾP CẬN CẤU TRÚC VÀ TIẾP CẬN VĂN HÓA TRONG NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC TÔN GIÁO


 
     1. Sự ưu tiên cách tiếp cận định lượng do tuyệt đối hóa vai trò của cấu trúc luận trong nghiên cứu xã hội học tôn giáo

     Trong các tài liệu về lý thuyết xã hội học nói chung, xã hội học tôn giáo nói riêng hiện nay, vẫn tồn tại một quan niệm khá phổ biến cho rằng có hai cách tiếp cận độc lập và đối lập một cách hệ thống với nhau là cách tiếp cận định lượng và cách tiếp cận định tính. Tuy nhiên, trên thực tế, cho mãi tới gần đây, các nghiên cứu xã hội học vẫn thiên về cách tiếp cận định lượng vì những ưu điểm rõ rệt của nó như tính đại diện của quy mô nghiên cứu, tính khách quan của các chỉ báo nghiên cứu và tính phổ quát của các kết quả nghiên cứu dựa trên các khuôn khổ lý thuyết đã được xây dựng từ trước và được kiểm định nhiều lần trong không gian và thời gian. Do khả năng đo đếm của cách tiếp cận định lượng, người ta hy vọng xác định được các xu hướng xã hội khác nhau của các nhóm, tầng lớp hay giai cấp xã hội cần quan tâm theo quan điểm quyết định luận của cấu trúc xã hội được xem là tinh thần cốt lõi của phương pháp xã hội học.
     Trong khi đó, cách tiếp cận định tính, chủ yếu gắn với các nghiên cứu dân tộc học, cho dù đã thể hiện những ưu thế không thể tranh cãi trong việc tiếp cận trực tiếp các đối tượng nghiên cứu khi cho phép chuyển đổi các cử chỉ và lời nói của các cá nhân thành các đơn vị ý nghĩa cơ bản hay các sự kiện cần phân tích để xây dựng các phạm trù bản địa trước khi đi tới các khái niệm có thể diễn giải toàn bộ thực tiễn nghiên cứu [Florence Weber, 1]. Cách tiếp cận vừa mang tính thực nghiệm vừa mang tính lý thuyết này cho phép kiểm nghiệm liên tục và tại chỗ các giả thuyết ban đầu hay điều chỉnh chúng theo mục tiêu nghiên cứu đã xác định. Từ những ưu điểm này mà cách tiếp cận định tính dân tộc học này được sử dụng trong xã hội học tôn giáo như những nghiên cứu thăm dò hay định hướng trước khi triển khai các nghiên cứu định lượng có quy mô lớn bằng bảng hỏi. Mặt khác, khi cần làm sáng tỏ các tương quan định lượng đa chiều phức tạp, các nghiên cứu định tính sẽ cho phép xác định nội dung hiện thực của chúng trên thực địa chứ không phải là những diễn giải phỏng đoán hay võ đoán từ các dữ kiện thống kê. Một ví dụ có sức thuyết phục cho trường hợp này là khi Durkheim dựa trên số liệu thống kê cuối thế kỷ XIX về tự tử ở Pháp đã cho rằng nguyên nhân của tự tử chủ yếu là do hai cơ chế tích hợp xã hội và kiểm soát xã hội, vì thế các yếu tố như tôn giáo, gia đình và một số hoàn cảnh chính trị xã hội có ảnh hưởng đến tình trạng tự tử. Khi phân tích lại các dữ kiện này và dựa trên các quan sát thực tiễn, vào năm 1930, Maurice Halbwachs đã phát hiện ra rằng tôn giáo không ảnh hưởng đến tình trạng tự tử mà chủ yếu do môi trường xã hội và sự thay đổi lối sống [2]  
     Hiểu theo cách này, chúng ta thấy hai cách tiếp cận này không đối lập hay độc lập mà còn cần thiết để bổ xung cho nhau trong thực tiễn nghiên cứu xã hội học tôn giáo. Đó là sự cần thiết kết hợp giữa hai cấp độ nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, giữa hướng tiếp cận khách quan phổ quát và hướng tiếp cận chủ quan đặc thù mà các chủ thể xã hội hay con người luôn giả định.
     Việc các nghiên cứu xã hội học nói chung, xã hội học tôn giáo nói riêng cho đến nay vẫn chủ yếu sử dụng cách tiếp cận định lượng hơn là định tính mặc dù bỏ qua những khả năng xác nhận nội dung hiện thực của các kết quả nghiên cứu định lượng, có thể được lý giải từ cách tiếp cận các sự kiện văn hóa hay hành vi có chủ định của con người bị xem là thứ yếu trong mô hình tư duy khoa học thực chứng vốn chi phối các thực tiễn nghiên cứu xã hội học từ khi nó xuất hiện đến nay.
      Trong một nghiên cứu về "Các nhiệm vụ của xã hội học văn hóa", Friedrich H. Tenbruck [3] cho rằng khi xác định đối tượng nghiên cứu của xã hội học, có một quan điểm phổ biến là "xã hội có thể được xác định bởi tổ chức bên ngoài của nó, bởi các phân chia được thể hiện ở mọi nơi trong đời sống xã hội và ngày nay chúng được xác định về đại thể là cấu trúc của nó" [4] Điều này ám chỉ rằng, chỉ những gì là hữu hình hay có sự tồn tại khách quan của đời sống xã hội mới có thể trở thành đối tượng nghiên cứu, còn ý niệm về văn hóa, gắn với các biểu tượng, ý niệm, chuẩn mực hay giá trị đều là những cái chỉ có sự tồn tại chủ quan, vô hình nên bị gạt ra khỏi sự quan tâm của xã hội học. Ý niệm về xã hội này, theo ông chủ yếu là sản phẩm của những hoàn cảnh ngẫu nhiên khác nhau hơn là dựa trên một quyết định có tính nguyên tắc hoặc trên những bằng chứng thực nghiệm. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này dẫn đến kết quả là xã hội được đồng nhất với cấu trúc của nó và xã hội học, bị quy giản vào sự phân tích cái cấu trúc này. Quan niệm này về xã hội không dành chỗ cho văn hóa như là dữ kiện độc lập; xã hội học về văn hóa, do đó, bị quy giản ở mức tối thiểu hay chỉ được xem như là đối tượng của một môn xã hội học chuyên biệt (xã hội học văn hóa) mà không phải là chính đối tượng của môn xã hội học chung.

     2. Cách tiếp cận văn hóa và mối quan hệ giữa cấu trúc xã hội và văn hóa trong nghiên cứu xã hội học tôn giáo

     Trái với một quan niệm như vậy, Tenbruck cho rằng thực tại xã hội luôn bao gồm cả cấu trúc và văn hóa và chúng luôn tạo thành một sự thống nhất không thể phân chia và chỉ bị tách rời trong phân tích. Ông cho rằng "Mọi văn hóa đều được ghi dấu trong những cấu trúc, mọi cấu trúc đều được lấp đầy bởi văn hóa [5]. Vì thế, nếu xã hội chỉ được nhận thức thông qua cấu trúc của riêng nó và chỉ được giải thích từ những cấu trúc này là không đủ tính tự trị, nó không được xác định và không thể xác định mọi thứ còn lại từ chính bản thân nó, và do đó, nói đúng ra nó không thể trở thành một chủ đề khoa học. 
      Trở lại với E.Durkheime, người phát triển quan điểm thực chứng luận của A.Compte và là người sáng lập môn xã hội học như một bộ môn khoa học độc lập, chúng ta thấy rằng ông không chỉ khách thể hóa đối tượng nghiên cứu của xã hội học theo quan điểm thực chứng luận khi coi "tính xã hội" (le social) như là tinh thần hay bản chất của các sự kiện xã hội (le fait social) vì các biểu trưng tập thể (ý thức tập thể) là tinh thần tạo nên các cấu trúc hay tổ chức xã hội, cũng như Weber coi "đạo đức Tin Lành" như "tinh thần của chủ nghĩa tư bản". Như thế, ông vừa khách thể hóa các sự kiện xã hội như những hiện tượng hữu tình có thể quan sát và đo đếm một cách khách quan với tư cách các sự vật mang tính vật chất, vừa kết nối chúng với các sự kiện tinh thần hay văn hóa (biểu trưng hay ý thức tập thể) hay các sự kiện vô hình theo quan điểm hiện tượng luận coi cái không hiện hữu là cơ sở của cái hiện hữu. Vì thế theo ông hiện thực xã hội là sự thống nhất giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể hay giữa cấu trúc xã hội và văn hóa.
      Quan niệm hiện tượng học về hiện hữu hay tồn tại cho rằng mọi hiện hữu hay tồn tại xã hội là những sự vật hữu tình chỉ là cái thể hiện của một cái khác là bản chất hay hữu thể của chúng, là văn hóa. Tuy nhiên, người ta không thể xác định theo cách tiên nghiệm và một lần cho tất cả những gì thuộc về văn hóa và cấu trúc trong các hiện tượng xã hội, vì trong hiện thực xã hội luôn có sự thay đổi vị thế giữa cái biểu hiện (hình thức hay sự kiện) và cái được biểu hiện (nội dung hay bản chất). Chẳng hạn, trong một xã hội có sự đồng nhất về cấu trúc gia đình, người ta sẽ chỉ thấy những khác biệt về quy mô của nó như gia đình hạt nhân (một thế hệ) hay đại gia đình (nhiều thế hệ), gia đình khiếm khuyết (thiếu một số thành viên) hay gia đình đầy đủ (có đủ vợ chồng, cha mẹ, con cái), khi đó, các thực trạng gia đình được xem xét chỉ mang tính cấu trúc thuần túy (cái biểu hiện). Nhưng trong một xã hội có nhiều kiểu cấu trúc gia đình khác nhau (gia đình mẫu hệ, gia đình phụ hệ) dẫn tới những kiểu tổ chức gia đình, các vai trò và quan hệ gia đình khác nhau, sự khác biệt này không chỉ mang tính cấu trúc giản đơn mà còn mang ý nghĩa văn hóa vì chúng gắn với các nguyên lý (vô hình) hay các mô hình văn hóa khác nhau (cái được biểu hiện) chi phối các tổ chức gia đình và xã hội.
      Sự phân biệt này cần phải được xem xét trên một phương thức thực nghiệm, với từng trường hợp cụ thể. Một môn xã hội học về cơ bản chỉ nghiên cứu các sự kiện cấu trúc và tìm cách diễn giải tất cả những sự kiện khác từ những sự kiện này có nguy cơ biến thành một thứ lý thuyết tách rời hiện thực. Cuộc khủng hoảng của xã hội học, đã làm tốn rất nhiều giấy mực cũng là biểu hiện của một sự thất vọng trước một sự thiếu vắng nội dung hiện thực trong các lý thuyết; Hiện tại người ta luôn khao khát thoát ra khỏi những phân tích thuần túy cấu trúc để đi tìm các bằng chứng thực nghiệm cho chính các kết quả của nghiên cứu cấu trúc. Đó là sự hệ thống hóa các hành vi xã hội của các cá nhân thuộc các nhóm xã hội khác nhau trong một cấu trúc xã hội nhất định hay vị thế cấu trúc của các nhóm tác động thế nào đến các hệ thống hành vi xã hội của họ (lý thuyết về "trường hoạt động" của P. Bourdieu).
       Trong bối cảnh này, nhiệm vụ chủ yếu của xã hội học văn hóa là đặt lên hàng đầu cái thực tế bị che khuất bởi thói quen mà người ta đã mắc phải là chỉ tập trung vào các cấu trúc; để giải phóng xã hội học khỏi quan niệm thu hẹp và hạn chế của nó về xã hội.
      Theo Tenbruck, xã hội học văn hóa trước tiên không được coi văn hóa như một lĩnh vực đặc thù và riêng biệt cùng tồn tại với xã hội là đối tượng nghiên cứu của nó. Những phân biệt giữa xã hội và văn hóa nói đúng ra là cần thiết trong một thực tại mà cả hai luôn được lồng ghép vào nhau, nhưng không thể cô lập "cái xã hội" như một lĩnh vực riêng biệt và tự trị. Nó phải chỉ ra một cách rõ ràng rằng một lý thuyết về xã hội phải đồng thời sử lý các sự kiện xã hội và các sự kiện văn hóa. Xã hội học về văn hóa không thể là một lĩnh vực chuyên biệt; nó phải được tích hợp vào môn xã hội học chung những sự kiện mà nó coi là đối tượng và những quan điểm được xem là của nó. Hơn nữa, nó cũng không thể chỉ là một môn xã hội học bộ phận, đem những lược đồ hiện có của xã hội học vào trong một lĩnh vực đặc thù, trong trường hợp này là lĩnh vực văn hóa mà những lược đồ ban đầu ấy không hề bị ảnh hưởng bởi các thao tác này. Xã hội học có thể xử lý không giới hạn các sự kiện văn hóa, nên không cần thiết phải nói về một môn xã hội học văn hóa chuyên biệt nếu nó chưa được hình thành.
       Theo ông, ngày nay cái cần phải được đặt lên hàng đầu không phải là những quyết định xã hội của văn hóa - dù người ta không bao giờ được sao lãng - mà là các quyết định và ý nghĩa văn hóa của các quá trình xã hội đã định hướng hành vi xã hội của con người ra sao. Xã hội học về văn hóa không thể chỉ xuất phát từ tính ưu việt về nguyên tắc của văn hóa, nhưng nó cũng không thể dừng lại ở ý tưởng cho rằng tự thân cái "xã hội" tạo thành hiện thực theo đúng nghĩa của nó. Ở đây, chúng ta bắt gặp ý tưởng của M. Weber về các quyết định văn hóa của các quá trình xã hội khi ông định nghĩa hành vi xã hội dựa trên các ý nghĩa xã hội (quyết định văn hóa) của hành vi. Ông loại trừ các hành vi sinh học như ăn khi đói, uống khi khát, v.v hay các hành vi không có chủ định như tai nạn giao thông khỏi phạm trù các hành vi xã hội được coi là đối tượng nghiên cứu xã hội học của ông. Đây cũng chính là lý do ông chọn hành vi xã hội được quyết định bởi ý nghĩa văn hóa hay cách tiếp cận văn hóa thay vì cấu trúc xã hội hay cách tiếp cận cấu trúc làm đối tượng của môn xã hội học tìm hiểu của ông (sociologie compréhensive), một cách tiếp cận nhằm đi tới sự hiểu biết trực tiếp dựa trên trực giác [6] về ý nghĩa của các hành vi của chủ thể hành động trong những điều kiện tồn tại cụ thể của nó trước khi giải thích nó theo lô gích phổ quát của cách tiếp cận giải thích trong các khoa học tự nhiên.
       Tuy nhiên, khác với cách tiếp cận triết học, có thể coi bản chất của các sự kiện như là đối tượng nghiên cứu, cách tiếp cận xã hội học đòi hỏi các đối tượng nghiên cứu của nó phải được cụ thể hóa trong các sự kiện xã hội cụ thể và sinh động, tức là có thể tri giác được, Tenbruck cho rằng: "Nó (văn hóa) không thể được xem như một bản chất của sự tồn tại mà như một hiện tượng sinh động" [7]. Bởi vì, ý niệm văn hóa không chỉ thể hiện như là những đặc điểm chung của các hiện tượng văn hóa mà còn thể hiện trong tính đa dạng của các hiện tượng này.
       Để văn hóa trở thành đối tượng của môn xã hội học chung chứ không chỉ của một môn xã hội học chuyên biệt (xã hội học văn hóa), văn hóa cần phải thể hiện mối liên hệ tổng thể giữa các hiện tượng văn hóa. Mối liên hệ chung đó chính là nguồn gốc của các hiện tượng văn hóa: "Trong tính đa dạng của chúng, các hiện tượng văn hóa có chung một nguồn gốc. Tất cả đều là những biểu hiện của hành động đặc thù làm cho con người trở thành một hữu thể có văn hóa, vừa không hoàn toàn bị chi phối bởi các thiên hướng tự nhiên của nó vừa không bị ràng buộc giản đơn bởi trí thông minh của nó trong sự thích nghi tối ưu với những dữ kiện bên ngoài" [8]. Dưới hình thức chung của nó, ý tưởng này được hình thành từ Herder cho tới Cassirer, Plessner và Gehlen, được áp đặt ở khắp nơi ngay cả khi nó đã chấp nhận một số màu sắc quốc gia nhất định.
       Trong triết học hiện tượng luận, đây chính là ý tưởng về nhân tính và về sự hình thành đời sống tinh thần của con người khi thể hiện sự phủ định hay thái độ độc lập của nó trước những điều kiện tồn tại mang tính động vật hay tự nhiên để khẳng định sự tồn tại mang tính người của nó. Sự hình thành ý thức về bản thân mình của con người ở đây chính là ý niệm về con người với tư cách là hữu thể văn hóa. 
      Tenbruck đi đến một định nghĩa về thuộc tính văn hóa: "Ngày nay, thuộc tính văn hóa được xem như là toàn bộ hành vi, kể cả những hành động chỉ phục tùng một mục tiêu và chỉ có tính bề ngoài, cũng như được ghi nhận trong thế giới của những ý nghĩa biểu trưng, nơi con người sống và hành động" [9]. Định nghĩa này cho chúng ta thấy văn hóa luôn gắn với hành vi, vì thuộc tính văn hóa chính là những hành vi mang "ý nghĩa biểu trưng" của con người, một định nghĩa hoàn toàn đồng nhất với định nghĩa về hành vi xã hội của M.Weber và nó chỉ cụ thể hóa cái ý nghĩa của hành vi xã hội trên bình diện biểu trưng mà thôi.
     Với tư cách là hữu thể văn hóa, con người cũng là một hữu thể có năng lực, có mong muốn và nhu cầu văn hóa. Sự hình thành trật tự đời sống nội tâm của nó, với nó là một vấn đề thường ít có áp lực nhưng không kém phần cơ bản so với sự xác lập những điều kiện tồn tại bên ngoài của nó. Trật tự của hành vi bên trong này một khi đã hình thành cũng chi phối trật tự của hành vi bên ngoài của nó, và cái hành vi bên trong này đòi hỏi một trật tự và sự khách thể hóa những ý nghĩa của nó. Vì từ khả năng tự ràng buộc phải tạo ra một hiện thực riêng biệt từ những ý tưởng và giá trị này, cho dù nó vẫn phải phục tùng những điều kiện bên ngoài, con người luôn là một bí mật với chính bản thân nó. Thực vậy, trong tất cả các xã hội, con người không chỉ là kẻ sáng tạo và là sản phẩm của những định chế và những quy tắc xã hội vốn là cơ sở của các quan hệ và cấu trúc xã hội mà còn là kẻ sáng tạo các ý nghĩa trí tuệ và đạo đức mà nhờ chúng và vì chúng, con người có thói quen làm đảo lộn và thay đổi những định chế, những quy tắc xã hội và các cấu trúc xã hội ở tất cả các "giai đoạn" phát triển xã hội và văn hóa.
      Tuy nhiên, những năng lực văn hóa của con người chỉ có thể nảy sinh trong chính đời sống xã hội của nó. Điều này đưa Tenbruck đến ý niệm thứ hai, ý niệm xã hội về văn hóa. Thực vậy văn hóa chỉ có thể được hiểu trong chừng mức con người sống chung với nhau. Xã hội là nơi năng lực văn hóa của con người được thực hiện; nơi nhu cầu văn hóa của nó được thỏa mãn, mà không có nó xã hội sẽ không thể tồn tại. Trong chừng mực con người là một hữu thể văn hóa, các liên hệ xã hội cũng luôn có thể trở thành văn hóa, tức là chúng cho phép phát triển các ý nghĩa cho hành vi cá nhân và xã hội vốn nâng đỡ nó. Tính khu biệt của chúng có thể được nhận thấy trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, phong tục, tôn giáo và pháp luật, được thể hiện trong những ý tưởng và những giá trị của một xã hội mang đặc trưng của những tri thức cổ xưa nhất mà các dân tộc có về nhau và về bản thân họ. Các khoa học liên quan đến xã hội đã tìm nhiều cách khác nhau để mô tả cái đặc trưng văn hóa của xã hội, nhưng chúng luôn không nhất trí với nhau về điểm này: mỗi xã hội đều có một văn hóa riêng của mình, được truyền tải thông qua thời gian. Khái niệm văn hóa ở đây phản ánh ở các mô hình đặc trưng của xã hội trong tính tổng thể của nó: đó là văn hóa tổng thể trong tính hiển nhiên của sự truyền bá xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác. 
       Các cách tiếp cận xã hội học về các mô hình này đành rằng không thể chỉ dựa trên việc phục hồi các nội dung tư tưởng; chúng còn được thể hiện "trong hành động", tức là trong những biểu hiện văn hóa và nghi lễ, trong những quy chiếu xã hội hay các cấu trúc xã hội của chúng, khi bàn về vấn đề của những yếu tố đa dạng kể cả mâu thuẫn của chúng và đồng thời tính đến khoảng cách không thể vượt qua ngăn cách chúng với thực tế. Mặt khác, hành vi không thể được hiểu trong tính trực tiếp xã hội của nó và không cần nhờ cậy đến các mô hình văn hóa, là những cái nâng đỡ nó.
       Tuy nhiên, từ cách tiếp cận theo chủ nghĩa duy văn hóa của Tenbruck, chúng ta không khỏi có cảm giác lúng túng trước đòi hỏi phải khu biệt hay định vị các sự kiện xã hội và sự kiện văn hóa vốn luôn pha trộn và tương tác với nhau trong hiện thực xã hội vì chính ông cũng không phủ nhận vai trò của các sự kiện cấu trúc nhưng vẫn không dành cho chúng một vị thế rõ ràng trong nghiên cứu xã hội học. Hơn nữa theo quan điểm nhận thức luận, trật tự nhận thức luôn dựa trên nguyên tắc tiếp cận từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất gần nhất đến các bản chất sâu xa nhất nên chúng ta không thể trực tiếp đi vào các sự kiện văn hóa mà không thông qua các sự kiện cấu trúc được xem là các biểu hiện của chúng. Vì thế sự phê phán những bất cập của chủ nghĩa duy cấu trúc không phải là phủ nhận nó mà là xác định một mô hình tư duy khoa học mới (nouveau pagadigme) thừa nhận và kết hợp cả hai cách tiếp cận cấu trúc và văn hóa này đồng thời vượt qua sự đối lập giữa chủ nghĩa duy cấu trúc (structuralisme) và chủ nghĩa duy văn hóa (culturalisme) trong các nghiên cứu xã hội học. Đó là sự kết hợp giữa các cách tiếp cận khách quan và chủ quan, từ bên ngoài và từ bên trong con người, giữa cấu trúc xã hội và văn hóa, giữa tính phổ quát và tính đặc thù của các sự kiện xã hội, giữa tiếp cận vật lý học xã hội và tiếp cận hiện tượng học xã hội hay nói một cách giản lược là giữa tiếp cận định lượng (thiên về mô tả và chứng minh) và tiếp cận định tính (thiên về phân tích, khám phá và diễn giải).

   3. P.Bourdieu và mô hình tư duy khoa học thống nhất giữa hai cách tiếp cận cấu trúc và văn hóa
    
Trong những nỗ lực xây dựng lý thuyết theo hướng này, chúng ta gặp các công trình nghiên cứu của P. Bourdieu, khi ông tổng kết toàn bộ quá trình xây dựng lý thuyết xã hội học của mình, từ những năm 1960 cho đến đầu những năm 1990, ông sinh năm 1930 và mất năm 2002.
    Trong mô hình tư duy lý thuyết của mình, P.Bourdieu coi hiện thực xã hội như một toàn thể bao gồm các cấu trúc vật chất tương ứng với các dạng cấu trúc xã hội và các cấu trúc tinh thần hay các lược đồ tư duy và hành động chi phối các hoạt động thực tiễn của con người. Theo cách diễn giải này, các cấu trúc hay tổ chức xã hội được xem là những biểu hiện hay kết quả của những hoạt động thực tiễn của con người nên chúng cũng là những biểu hiện của văn hóa hay kết quả của những hành vi xã hội của họ. Sự thống nhất giữa các hoạt động tinh thần và vật chất của con người được ông thể hiện như là các cấp độ khác nhau của cùng một hiện thực xã hội, ví như trong thực tiễn xã hội của con người, luôn có phần ý thức và phần hành động. Con người suy nghĩ thế nào thì họ hành động trong thực tiễn như vậy hay mỗi tổ chức xã hội đều có căn nguyên từ các mô hình văn hóa của nó. Vì thế ông đề ra nhiệm vụ cho xã hội học là không chỉ khám phá các cấu trúc xã hội luôn hiện diện trực tiếp trước sự quan sát của các nhà nghiên cứu mà còn phải làm sáng tỏ "các cấu trúc bị vùi lấp sâu nhất của các thế giới xã hội", tức là các cấu trúc tinh thần hay văn hóa:
     "Nhiệm vụ của xã hội học, theo P.Bourdieu, là làm sáng tỏ các cấu trúc bị vùi lấp ở tầng sâu nhất của các thế giới xã hội, tạo nên vũ trụ xã hội, cũng như các cơ chế nhằm tái tạo hay biến đổi nó. Cái vũ trụ này có điểm đặc thù là các cấu trúc cấu thành nó, nếu người ta có thể nói, luôn có một cuộc sống kép. Chúng tồn tại hai lần, lần thứ nhất trong "tính khách quan thuộc trật tự thứ nhất" dựa trên sự phân bổ các nguồn lực vật chất và các phương tiện chiếm hữu các của cải và giá trị khan hiếm về mặt xã hội (các loại tư bản (vốn) trong ngôn ngữ của Bourdieu) và lần thứ hai trong "tính khách quan của trật tự thứ hai", dưới hình thức các lược đồ tinh thần và hành động, vận hành như ma trận biểu trưng của các hoạt động thực tiễn, cử chỉ, tư tưởng, tình cảm và những phán xét của những tác nhân xã hội.[10]"
     P.Bourdieu không cho rằng các sự kiện xã hội đang tồn tại là những cái đã được biết đến mà luôn là đối tượng của nhận thức, vì chúng luôn tồn tại dựa trên những ý nghĩa khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vì thế sự giải thích các sự kiện xã hội chỉ dựa trên bản thân chúng hay dựa trên kinh nghiệm trực tiếp mà không dựa trên sự phân tích các ý nghĩa xã hội của chúng sẽ không cho phép giải thích lý do của sự tồn tại hay sự biến đổi của chúng trong không gian và thời gian. Tính tất yếu của sự kết hợp đồng thời của hai cách tiếp cận hay hai cấp độ lý giải này cho thấy P.Bourdieu coi cấu trúc xã hội và mô hình văn hóa của nó luôn thuộc về một hiện thực xã hội duy nhất và đồng nhất.
       "Các sự kiện xã hội cũng là những đối tượng nhận thức trong bản thân hiện thực, vì con người luôn đem lại ý nghĩa cho cái thế giới tạo nên chúng. Do đó một khoa học về xã hội tất yếu phải thực hiện một sự lý giải kép, hay nói chính xác hơn, phải làm sáng tỏ chúng bằng trò chơi sử dụng kính phân tích hai tròng để tích hợp đồng thời các giá trị khoa học luận của mỗi lần lý giải đồng thời tránh những thiếu sót của cả hai" [11].
        Khi yêu cầu các nhà nghiên cứu phải đồng thời đưa ra hai cách lý giải các sự kiện xã hội ở hai cấp độ như đã nêu, P.Bourdieu cũng làm sáng tỏ những lợi thế cũng như hạn chế của từng cách lý giải trong nghiên cứu xã hội học. Cách lý giải thứ nhất xem xét xã hội theo cách của môn vật lý học xã hội, với tư cách những cấu trúc khách quan, được nắm bắt từ bên ngoài mà những khớp nối của chúng có thể được quan sát về mặt hình thể, được đo đếm và vẽ bản đồ. Sức mạnh của quan điểm khách quan hay cấu trúc luận này nằm ở chỗ nó xóa đi cái "ảo tưởng trong suốt của thế giới xã hội". Sự đoạn tuyệt với các quan niệm tiền khái niệm cho phép làm sáng tỏ các "quan hệ xác định" mà các cá nhân tất yếu tham gia vào đó "để sản xuất ra sự tồn tại xã hội của họ" (Marx). Được trang bị bằng các công cụ của thống kê, của mô tả dân tộc học, hay của mô hình hóa hình thức, người quan sát từ bên ngoài có thể dựng lại dạng thức phân chia xã hội không thành văn có thể tổ chức những hành vi ứng tác của các tác nhân trong hoạt động thực tiễn của họ (Bourdieu, 1980b, tr. 89) và quyết định những quy tắc khách quan mà họ tuân thủ.
      Trở ngại chính của quan điểm khách quan chủ nghĩa là, thay vì đưa ra một nguyên lý chung của các quy tắc này, nó muốn đưa mô hình vào thực tiễn, vật thể hóa các cấu trúc mà nó tạo ra khi coi chúng như là những thực thể độc lập có khả năng hành động theo cách của các tác nhân lịch sử. Khi nhà phân tích chỉ giản đơn thực thi mô hình đã được tạo ra bởi chính mình, chủ nghĩa khách quan dẫn tới sự phóng chiếu trong đầu các tác nhân một cách nhìn kinh viện về thực tiễn vì ngay từ đầu, phương pháp tư duy này đã né tránh cái kinh nghiệm mà các tác nhân có về nó. Vì thế quan điểm này phá hủy một phần của hiện thực mà nó muốn nắm bắt trong chính sự vận động là nơi nó nắm bắt hiện thực đó.
      Để tránh rơi vào cái bẫy quy giản luận này, một khoa học về xã hội phải thừa nhận rằng cách nhìn và những lý giải của các tác nhân là một thành tố không thể thiếu của toàn bộ hiện thực của thế giới xã hội. Chắc chắn rằng xã hội luôn có một cấu trúc khách quan, nhưng điều cũng không kém phần hiển nhiên là nó cũng được tạo nên, theo câu nói nổi tiếng của Schopenhauer, bằng "biểu trưng và ý chí". Các cá nhân có một nhận thức thực tiễn về thế giới và họ thể hiện cái nhận thức thực tiễn này trong các hoạt động thông thường của họ. 
      Trong khi đó P. Bourdieu cho rằng quan điểm chủ quan của kiến tạo luận được diễn đạt dưới một hình thức đầy đủ nhất trong triết học hiện sinh của J.P.Sartre và ngày nay được bảo vệ bởi phương pháp luận dân tộc học với biến thể là chủ nghĩa duy văn hóa và lý thuyết lựa chọn duy lý của nó gắn với tính khách quan của trật tự thứ hai. Trái với chủ nghĩa khách quan cấu trúc luận, quan điểm chủ quan hay "kiến tạo luận" này khẳng định rằng hiện thực xã hội là một "sự thực hiện ngẫu nhiên và liên tục" của các tác nhân xã hội có năng lực luôn kiến tạo thế giới xã hội thông qua các "thực tiễn có tổ chức của cuộc sống hằng ngày của họ". (Garfinkel, 1967, tr.11).
       Qua những cách nhìn hiện tượng luận xã hội này, xã hội xuất hiện như là sản phẩm của các quyết định, các hành vi, xác nhận sự nhận thức của các cá nhân có ý thức mà với họ thế giới trở nên quen thuộc và có ý nghĩa. Sự đóng góp của cách nhìn này nằm ở chỗ nó thừa nhận sự đóng góp của tri thức thông thường và những năng lực thực tiễn của các tác nhân cho sự sản xuất liên tục của xã hội; nó đem lại vị trí danh dự cho các tác nhân, cho hệ thống những quan niệm chung và phù hợp được chứng minh về mặt xã hội, mà qua đó cá nhân đầu tư ý nghĩa vào cái "thế giới được cảm nhận" của họ. 
        Nhưng một môn hiện tượng học như vậy về đời sống xã hội, theo Bourdieu có ít nhất hai thiếu sót căn bản. Trước hết, khi xem xét các cấu trúc xã hội như là kết quả của sự tập hợp giản đơn các chiến lược và các cử chỉ phân loại cá nhân, thứ học thuyết xem thường sự tồn tại xã hội này ngăn cản người ta nhận ra lý do của sự tồn tại dai dẳng cũng như diện mạo khách quan của chúng mà các chiến lược này duy trì hay nắm giữ. Nó cũng không thể giải thích tại sao và theo nguyên tắc nào công việc sản xuất của chính hiện thực được diễn ra. Liệu có nên nhắc lại rằng trái với một số quan điểm cơ giới luận về hành vi, các tác nhân xã hội xây dựng hiện thực xã hội của họ, trên bình diện cá nhân nhưng cũng trên bình diện tập thể. Không nên quên rằng, như một số người theo tương tác luận và phương pháp dân tộc đã làm, họ không xây dựng các phạm trù mà họ đem vào cuộc chơi của sự kiến tạo này khi họ chỉ dựa vào các phạm trù bản địa do chính các tác nhân xã hội tạo ra.
     Trong mô hình tư duy khoa học của P.Bourdieu, cũng như M.Weber, ông tập trung tìm hiểu những hành vi xã hội của con người như một yếu tố trung gian để hiểu đồng thời các cấu trúc tinh thần quyết định những hành vi xã hội của các nhóm trong các cấu trúc xã hội xác định cũng như ảnh hưởng của các cấu trúc xã hội đến các cấu trúc tinh thần và các hành vi xã hội của họ ra sao. Nó cũng phải làm sáng tỏ các lược đồ nhận thức và đánh giá mà các tác nhân sử dụng trong cuộc sống hằng ngày của họ. Chính ở đây chúng ta gặp gỡ giả thuyết căn bản thứ hai mà xã hội học của Bourdieu định vị ở đó: có một sự tương đồng giữa cấu trúc xã hội và các cấu trúc tinh thần, giữa những phân chia khách quan của thế giới xã hội, nhất là giữa những kẻ thống trị và bị trị trong những lĩnh vực khác nhau, với những nguyên tắc nhìn nhận và phân chia mà các tác nhân áp dụng chúng.
      Chính ở đây Bourdieu đã trình bày lại và khái quát hóa ý tưởng ban đầu, được nêu ra bởi Durkheim năm 1903 và Mauss (1963) trong nghiên cứu kinh điển của họ về " Một số hình thức phân loại nguyên thủy", theo đó các hệ thống nhận thức có hiệu lực trong các xã hội nguyên thủy nảy sinh từ các hệ thống xã hội của họ; các phạm trù nhận thức làm giá đỡ cho các biểu trưng tập thể luôn được tổ chức theo cấu trúc xã hội của các nhóm, Bourdieu mở rộng luận đề này của Durkheim về "thuyết xã hội trung tâm" của các hệ thống tư duy trong bốn hướng: 
- Trước tiên, ông cho rằng sự tương đồng giữa các cấu trúc nhận thức và các cấu trúc xã hội trong các cộng đồng tiền tư bản cũng tồn tại trong các xã hội tiên tiến, nơi mà sự tương đồng của chúng được tạo ra chủ yếu bởi sự vận hành của hệ thống trường học.
- Hai là, những phân chia xã hội và những lược đồ tinh thần tương đồng với nhau về mặt cấu trúc bởi chúng liên kết với nhau về mặt logique, các cấu trúc tinh thần nảy sinh từ sự tích hợp của các phân chia xã hội. Sự phô diễn lặp đi lặp lại của các điều kiện xã hội đã được xác định in dấu lên các cá nhân một tổng thể những khuynh hướng lâu dài và có thể chuyển đổi vốn nảy sinh từ nhu cầu làm chủ tính thiết yếu của môi trường xã hội của họ, nó ghi vào bên trong cơ thể cái sức ỳ đã được cấu trúc hóa và những ràng buộc từ hiện thực bên ngoài. Nếu như các cấu trúc của tính khách quan thuộc trật tự chủ quan thứ hai (căn tính/habitus) là phiên bản được tích hợp của các cấu trúc của tính khách quan thuộc trật tự thứ nhất, thì sự phân tích các cấu trúc khách quan là sự nối dài logique của nó trong phân tích các khuynh hướng chủ quan và do đó làm mất đi sự đối nghịch giả tạo thường được xác lập giữa xã hội học và tâm lý học xã hội. Một khoa học tương ứng về xã hội vì thế phải bao hàm đồng thời những cái có đặc trưng của quy tắc khách quan và quá trình tích hợp của tính khách quan theo đó các nguyên tắc phân chia liên cá nhân và vô thức mà các cá nhân vận dụng trong các thực tiễn của họ được hình thành.
- Ba là, sự tương ứng giữa các cấu trúc xã hội và các cấu trúc tinh thần thực hiện các chức năng chính trị. Các hệ thống biểu trưng không chỉ là các công cụ nhận thức; chúng còn là các công cụ thống trị (những ý thức hệ theo từ vựng của Marx và các thuyết biện thần theo từ vựng của Weber). Với tư cách là những nhân tố tích hợp nhận thức, chúng thúc đẩy bằng chính logique của chúng sự tích hợp xã hội từ một trật tự võ đoán: "Việc kết hợp của các phạm trù nhận thức về thế giới xã hội vốn được điều chỉnh theo các phân chia của trật tự đã được xác lập (và, qua đó theo lợi ích của những kẻ chi phối nó) và chung cho tất cả các cấu trúc tinh thần được tổ chức phù hợp với cấu trúc này được xem là cần thiết tập thể cho sự duy trì trật tự xã hội" (Bourdieu, 1979, tr. 549, và 1971b). Các lược đồ phân loại được hình thành về mặt xã hội cho phép con người chủ động kiến tạo xã hội có xu hướng tái hiện các cấu trúc mà trong đó chúng nảy sinh như những dữ kiện tự nhiên và thiết yếu, hơn là những sản phẩm có tính ngẫu nhiên về mặt lịch sử của một tương quan lực lượng nhất định giữa các nhóm (giai cấp, sắc tộc hay giới). Nhưng nếu chúng ta đồng ý rằng các hệ thống biểu trưng là các sản phẩm xã hội tạo ra thế giới, rằng chúng không dừng lại ở sự phản ánh các quan hệ xã hội mà còn góp phần tạo nên chúng, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, trong những giới hạn nhất định, chúng ta có thể thay đổi thế giới khi thay đổi biểu trưng của nó.
- Thứ tư là đứt đoạn mà Bourdieu thực hiện với vấn đề nghiên cứu của Durkheim - rằng các hệ thống phân loại tạo nên một cuộc chơi tranh đua, cái đối lập các cá nhân và các nhóm trong những tương tác quen thuộc của đời sống hằng ngày cũng như trong các cuộc đấu tranh cá nhân và tập thể khi họ tham gia vào trong các lĩnh vực của chính trị và của sản xuất văn hóa (sự thể hiện vị thế xã hội hiện thực hay biểu trưng qua tài sản, lối sống, sự tham gia chính trị - xã hội hay chỉ là các biểu hiện thuần túy hình thức như phong cách tiêu xài, mua bán tước vị hay chạy theo thời trang, v.v).
       Bourdieu làm phong phú phân tích cấu trúc tinh thần của Durkheim từ một môn xã hội học logique và chính trị của sự hình thành và sự áp đặt của các hệ thống phân loại. Các cấu trúc xã hội và các cấu trúc nhận thức được liên kết với nhau về quy tắc và cấu trúc, và sự tương đồng giữa chúng với nhau đem lại một bảo đảm chắc chắn nhất cho sự thống trị xã hội. Các giai cấp và các tập thể xã hội đối kháng khác luôn có mặt trong một cuộc đấu tranh nhằm áp đặt định nghĩa về thế giới phù hợp nhất với những lợi ích đặc thù của họ. Xã hội học về nhận thức hay về các hình thức văn hóa do đó là một môn xã hội học về chính trị, tức là một môn xã hội học về quyền lực biểu trưng. Thực vậy toàn bộ công trình của Bourdieu có thể được diễn giải như một công trình nhân học duy vật chủ nghĩa về sự đóng góp đặc thù mà các hình thức áp đặt biểu trưng khác nhau đem lại cho sự tái sản xuất và cho sự biến đổi của các cấu trúc thống trị./.
      

Tài liệu tham khảo
[1]. Florence Weber, Le ttravail-à-côté, Etude d'ehnographie ouvrière, Paris, INRA, EHESS, 1989, tr.9. 
[2]. https://fr.wikipedia.org/wiki/Le_Suicide.
[3] [4] [5] [7] [8] [9] Friedrich H. Tenbruck, "Les tâches de la sociologie de la culture", Trivium [En ligne], 12/2012, mis en ligne le 10 décembre 2012, consulté le 22 avril 2015. URL: http://trivium.revues.org/4386 In: kölner Zeitschrift für Soziologie und Sozialpsychologie, 31, 1979, p. 399-421. p.3
[6] Trần Đức Thảo, Logique du Present vivant, Paris, 1993. Tác phẩm cuối cùng trước khi mất, đề tặng giáo sư P.Bourdieu.

[10] [11]. P. Bourdieu avec Loic J.D.Wacquant, Réponses, Pour une antropologie reflexive, Paris, Seuil, 1992, tr.16-17.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây