NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI LỐI SỐNG CỦA TÍN HỮU TIN LÀNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ tư - 02/06/2021 19:07

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI LỐI SỐNG CỦA TÍN HỮU TIN LÀNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

[TƯ LIỆU - THĂNG LONG LIBRARY] Mã Phúc Thanh Tươi - Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Chiên Đàn, Quảng Nam. Phụ giáo Viện Thánh Kinh Thần Học Tp. Hồ Chí Minh, vào năm 2017, bài đã in trong sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, Tr. 578-594.



 
 
     
                                                                                Hội Thánh Tin Lành Chiên Đàn, Tỉnh Quảng Nam.


 
          Đạo đức Tin Lành phản ánh trình độ và cái đẹp của sự phát triển tư tưởng nhưng lối sống của người tin theo đạo phản ánh giá trị và trình độ biểu hiện đạo đức. Lối sống là tổng thể các hình thức hoạt động thực tiễn của cộng đồng Tin Lành và hành vi của tín hữu được xác định qua nhiều mặt cơ bản biểu hiện trong xã hội Việt Nam. Lối sống là hình thức hoạt động nhất định biểu hiện đời sống, một phương thức sống mang tính người, là hoạt động vật chất nhưng nó cũng gắn liền với phong cách sống bao gồm nhận thức, tình cảm, thái độ, động cơ của tín hữu. Đạo đức Tin Lành có những điểm tương đồng cơ bản với đạo đức truyền thống, nhưng xã hội con người là một hệ thống có cấu trúc hết sức phức tạp với nhiều thành tố, bộ phận tồn tại đan xen, ảnh hưởng qua lại giữa những bộ phận trong những điều kiện hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, đạo Tin Lành ngay từ khi du nhập vào Việt Nam đã cho thấy có một sự tương phản giữa giáo hội và truyền thống, giữa đức tin và lý trí, giữa Hội Thánh và trần gian, giữa thần học và triết lý, giữa văn minh Tây và Đông. Chính những yếu tố đặc biệt này đã tạo ra sự mâu thuẫn, quãng cách và có lực đề kháng tiềm ẩn mà đạo Tin Lành phải đối diện trong xã hội Việt Nam.

        Những mâu thuẫn trong lối sống tín hữu với văn hóa truyền thống

          
Sự hiện diện của đạo Tin Lành giữa xã hội Việt Nam có các mặt đối lập, vì có những đặc điểm, thuộc tính và những qui định trái ngược nhau. Theo qui luật, sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là sự tác động qua lại, là những mâu thuẫn cơ bản qui định sự tồn tại, vận động và phát triển của đạo Tin Lành. Về khái niệm "lối sống" [1], vốn là từ ghép gồm lối và sống, lối là phương thức, kiểu cách, thể thức. lề lối. Sống là hoạt động, sinh hoạt của mỗi cá nhân hoặc từ cộng đồng Tin Lành. Theo quan niệm Mác - Lênin là "cái đẹp có cơ sở từ đạo đức nên cái tốt, cái đẹp cũng tham gia xác định giá trị đạo đức của lối sống" vì thế, "lối sống thực sự là đối tượng nghiên cứu trung tâm" [2].
          

          Lịch sử đạo Tin Lành ở Việt Nam trong một trăm năm cho thấy ngoài những khó khăn thách thức đến từ những thể chế chính trị trước đây, còn có những mâu thuẫn phát xuất từ truyền thống văn hóa Việt Nam. Ngay từ đầu khi Tin Lành đến Việt Nam đã có những điểm khác biệt nên xảy ra sự va chạm với xã hội nhất là vấn đề nghi lễ tôn kính tổ tiên vốn đã có từ ngàn xưa. Đối với người Việt Nam, thờ cúng ông bà, tổ tiên và những người có công với làng nước là thiêng liêng hầu như trở thành chuẩn mực đạo đức. Việc thờ cúng phát xuất từ tấm lòng biết ơn hiếu thảo của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những người có công với làng nước, đây là nét văn hóa mang ý nghĩa nhân văn của người Việt ngày xưa. Với ảnh hưởng của Nho giáo biến đổi cao hơn mức tập tục trở thành một đạo, là hình thức tôn giáo cổ truyền của dân tộc Việt Nam [3], hơn thế nữa không cúng bái tổ tiên là bỏ ông bỏ bà, từ bỏ tổ tiên, theo luật pháp ngày xưa tội này bị chém đầu [Trích: Hủy bỏ thần chủ của tổ tôn, coi như hủy thi hài cha mẹ, chiếu luật chém] [4].
           Đạo Tin Lành hướng về cội nguồn nhân loại "chỉ thờ một mình Đức Chúa Trời là tổ tông của tổ tông" [5]. Cho nên chuẩn mực đạo đức cao nhất của người tín hữu Tin Lành là dành riêng sự thờ phụng Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa, Cha chung của con người; cùng với việc vâng giữ điều răn thứ năm của Ngài là phải hiếu kính cha mẹ ông bà. Hiếu thảo là thể hiện tấm lòng con cháu đối với ơn sinh thành, sự chăm sóc và bảo vệ đứa con yếu đuối trước những hiểm nguy rình rập từng giây phút sống giữa dòng đời. Công ơn còn được đánh giá cao trong việc hy sinh cho con, thưởng phạt sửa dạy và tâm tình an ủi con cái trong cuộc sống. Trong ý nghĩa này, hành vi hiếu thảo trước hết phải dành cho Đức Chúa Trời là Cha trên trời, là cội nguồn nhân loại; điều này vừa thiêng liêng vừa hiện thực, có trước mới có sau, chiếm một vị trí quan trọng nhất trong đời sống đạo đức tôn giáo. Việc hiếu kính cũng phải được thể hiện qua cách cư xử với ông bà cha mẹ: kính mến, vâng phục và biết ơn báo hiếu khi họ còn sống, khi qua đời an táng tử tế, xây dựng và chăm sóc mộ phần chu đáo; không phung phí tiền bạc công sức vào việc xây mồ đắp mả cốt để lấy tiếng khen. Theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, tín đồ Tin Lành không tạo lập bàn thờ và thờ phụng ông bà cha mẹ như đối với Đấng Tối Cao. Đối với những người đã qua đời vẫn nhớ đến họ, Kính mến, khắc ghi công ơn của họ đã làm trong tâm của mình, noi theo gương mẫu đạo hạnh của họ nhưng không thờ phượng theo cách cổ truyền qua các nghi lễ trong ngày giỗ chạp, ma chay, cưới xin. Trong thân phận con người, "thác là thể phách còn là tinh anh", một người khi qua đời thể xác gửi nơi mộ phần, phần linh hồn phải về nơi ở dành cho mình trong cõi siêu hình, không thể quay trở lại trần gian để hưởng lấy lễ vật cúng bái. Tổ tiên ông bà cũng không thể làm gì được cho con cháu ngoài phước họa để lại qua hành vi đạo đức của họ khi còn sống trên trần thế" [6]. Tín hữu cũng không cúng bái tổ tiên nhắm đến việc cầu lợi để làm ăn phát đạt hay van vái ông bà cha mẹ làm ơn đừng trở về quở phạt con cháu bệnh tật đau ốm. Quan điểm và phương cách thể hiện lòng hiếu kính của tín đồ Tin Lành thật có khác biệt với văn hóa người Việt, nên thường bị đánh giá như là kẻ chẳng biết tôn kính tổ tiên, bỏ ông bỏ bà.
          Có những nghi lễ mà một người phải giao bái, cúi lạy cha mẹ ông bà và những người cao tuổi đang khi còn sống cũng gây ra mâu thuẫn. "Sự thay đổi theo Tin Lành còn gây ra sự xung đột giữa các thế hệ, cụ thể là giữa thế hệ trẻ và thế hệ già. Sự xung đột này thể hiện qua nghi lễ mà người H'Mông gọi là "pe tsiab". Cụ thể theo phong tục của người H'Mông, vào ngày đầu năm mới hay vào ngày Tết cổ truyền của người H'Mông, những người trẻ phải đi thăm và cúi lạy những người già trong thôn bản. Nhưng sau khi thay đổi theo Tin Lành, những người trẻ không cúi lạy bất cứ ai ngoài Chúa" [7].
          Tại Việt Nam, các tôn giáo và tín ngưỡng trong quá trình lịch sử gắn bó cùng tồn tại lâu đời trong xã hội truyền thống. Cho nên các thành viên trong gia đình có chung sự thờ phụng chứ không chọn theo niềm tin cá nhân. "Sự thay đổi theo Tin Lành cũng gây ra sự phân chia, đối lập và căng thẳng giữa những người theo và không theo Tin Lành trong nội bộ dòng họ" [8]. Nhiều tín hữu bị mất công ăn việc làm, mất chồng mất vợ. cha mẹ đánh đập, bị đuổi khỏi nhà, áo quần bị đốt, cha mẹ từ con, mất quyền thừa kế hay quyền lợi trong họ tộc" [9]. Cũng có nhiều người cho rằng không thờ cúng theo nghi lễ truyền thống gia đình là làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc"[10], lý luận này chắc không phải chuẩn mực để đánh giá cả những người Việt không theo đạo nào hay người sống với quan điểm duy vật biện chứng vô thần. 
          Trong cuộc sống gần gũi hằng ngày của một tín hữu là thiểu số phải chịu nhiều áp lực nặng nề ở giữa những người thân tộc, họ hàng đa số vì quan niệm và lối sống đạo đức khác biệt. Mâu thuẫn xảy ra khi một người tin theo đạo Tin Lành không thắp hương thờ cúng ông bà, trong xã hội phong kiến trước đây có thê có thiếp thì sống chung thủy một vợ một chồng, dòng tộc muốn có con trai nối dõi tông đường thì cho rằng giới tính con cái không quan trọng. giữa một xã hội trọng nam khinh nữ thì chủ trương vợ chồng nam nữ bình đẳng, siêng năng đi đến nhà thờ nhưng lại không thích tham gia vào những ngày lễ hội vui chơi, tín ngưỡng truyền thống. Với quan niệm khi qua đời là "chầu Trời", là về với Chúa ở cõi vĩnh phúc, chỉ tạm chia ly người thân và sẽ cùng nhau đoàn tụ mai sau, cho nên đám tang người Tin Lành chẳng có kèn trống, ít tiếng khóc than thảm thiết, chỉ nghe tiếng mục sư hành lễ và cộng đồng hát xướng thánh ca, làm cho mọi người kinh ngạc và phê phán.
         Sự tiếp thu đạo Tin Lành gây ra tình trạng căng thẳng giữa lối sống tiến bộ và tiêu cực, có cả sự mâu thuẫn giữa nam và nữ. "Cụ thể, theo Tin Lành đàn ông phải bỏ rượu, bỏ thuốc, không được đánh chửi vợ, phải để cho vợ con nghỉ đi cầu nguyện tập trung vào Chúa Nhật v.v... nên đa số nam giới không thích thay đổi theo Tin Lành. Trong khi đó thay đổi theo Tin Lành, nữ giới được nghỉ ngơi để đi cầu nguyện vào Chúa Nhật hàng tuần, được gặp gỡ giao lưu và được thể hiện mình, cụ thể, được thể hiện nhan sắc, tính nết, cách ứng xử v.v... ở nơi công cộng hay trước cộng đồng. Vì vậy, nữ giới H'Mông thường thích tiếp thu ảnh hưởng của Tin Lành hơn nam giới" [11]
         Phương cách truyền bá đạo Tin Lành ở Việt Nam nhắm đến từng cá thể, cá thể hưởng ứng, cá thể quyết định tin đạo và cá thể gia nhập Hội Thánh. Đây là cách được cho là ôn hòa dù tiến triển chậm chạp và cũng ít gây ra xung đột với nền văn hóa bản địa nhất. Nhưng những điều khác biệt về đức tin, về quan niệm và về lối sống của đạo Tin Lành với các tập tục gia đình và xã hội cổ truyền vẫn ngay lập tức tạo áp lực nặng nề trên một người mới quyết tâm tin theo đạo.

        Những mâu thuẫn giáo lý Tin Lành với thực tiễn luân lý

         
Theo Jean Baubérot thì "đạo Tin Lành trong lịch sử đã tạo nên một nhân tố cơ bản trong tạo dựng ra tính chất hiện đại, dầu cho có nhân tố khác có quan trọng đến đâu đi nữa. Nhưng tính chất hiện đại đó một khi đã được tạo dựng nên lại tạo ra một số vấn đề" [12].
         Đối với xã hội Việt Nam, tín lý "chỉ có một Đức Chúa Trời" [13] như ngược dòng với tín ngưỡng tự nhiên và tôn giáo truyền thống. Các nhà nghiên cứu tôn giáo đã phân tích khuynh hướng dung hợp tín ngưỡng khác nhau làm nên một truyền thống có sắc màu đa thần, phiếm thần và hồn linh giáo. Dữ kiện này có thể rút ra một kết luận rằng nếu một tôn giáo dựa trên tín lý độc thần, đi ngược lại tâm thức tự nhiên của truyền thống, lại không dựa vào thế lực chính trị thống trị để ép buộc thì đạo Tin Lành chẳng những không thành công trong việc phát triển, gây ra mâu thuẫn và dân chúng khước từ.
         Với chủ trương "chỉ có một Đức Chúa Trời" có nghĩa giáo hội phổ thông bị tước bỏ uy quyền thiêng liêng, tính không mắc sai lầm (vô ngộ), quyền ân xá vốn cần thiết để duy trì thẩm quyền và sự hiệp nhất của một giáo hội toàn cầu. Có sự tương hợp giữa giáo lý "chỉ có một Đức Chúa Trời" với sự có mặt của quá nhiều giáo hội, giáo phái Tin Lành trên thế giới và ngay tại Việt Nam [14]. Ngay sau Cải Cách, đạo Tin Lành đã không thể thiết lập một giáo hội hoàn vũ có sự thống nhất về giáo lý và tổ chức như giáo hội Công giáo. Học thuyết mỗi tín đồ đều có tư cách tế lễ phổ quát, có quyền đến với Đức Chúa Trời không cần qua kênh trung gian, đã phủ nhận những yếu tố cần thiết tạo ra những lãnh tụ có uy quyền cao với thánh chức. Theo tổ chức hình thức dân chủ, lãnh đạo giáo hội Tin Lành Việt Nam do đại biểu tín đồ tín nhiệm bầu cử, một mục sư đến quản nhiệm một Hội Thánh cũng được tín đồ chọn lựa qua việc bầu phiếu, phong chức một mục sư cũng đòi hỏi sự tín nhiệm của đa số tín hữu, nói chung tất cả các cơ cấu tổ chức từ Hội Thánh địa phương đến Tổng Liên Hội đều thông qua hình thức bầu cử. Dẫn đến tình trạng ai cũng nghĩ mình có quyền, tự do phát biểu phê phán và đòi hỏi sự tôn trọng ý kiến cá nhân. Tín đồ đôi lúc bức xúc, bất mãn và bất đồng ý kiến về điều gì đó họ đều có thể bày tỏ quan điểm của mình bằng cách chống đối hay bảo vệ vị mục sư của mình cách cực đoan. Nhận thức non yếu về trách nhiệm trong quyền dân chủ và tự do ngôn luận của tín hữu tại Việt Nam, cùng với hệ thống tổ chức Hội Thánh Tin Lành Việt Nam theo lối dân chủ phương Tây vì thế khó hiệu quả, dễ mất sức mạnh đoàn kết và gây ra những bất đồng khó giải quyết. Sự kính trọng của người tín đồ dành cho người lãnh đạo, mục sư thường căn cứ vào tư cách, nếp sống đạo đức và năng lực cá nhân của vị mục sư. Sự thừa nhận thẩm quyền có được thường đến từ chức năng đạo đức hơn là thánh chức, cho nên hàng giáo phẩm Tin Lành không khoác lên mình bộ áo linh thiêng nào như các tôn giáo khác.
             Boileaux Despréaux có một câu châm biếm "mọi tín đồ Tin Lành đều là giáo hoàng với Kinh Thánh cầm tay"[15]. Các nhà phê bình Công giáo đã từng công kích mạnh mẽ việc đề cao thẩm quyền Kinh Thánh trong lịch sử, lên án đây là nguyên nhân làm tan rã xã hội. Tại Châu Âu từng có thời kỳ với Kinh Thánh cầm tay "con chiên có thể nổi loạn chống lại mục sư của mình, con chống cha, vợ chống lại chồng, đầy tớ chống lại chủ nhà, thần dân chống lại nhà Vua của mình" [16]. Tin Lành đã phá vỡ tận gốc nền móng của sự phục tùng, đề cao tính tự do cá nhân và dân chủ. Kinh Thánh chỉ có thể giải nghĩa và áp dụng thích đáng bởi những người có tri thức và thông thái tâm linh, vì nhiều khi ý nghĩa Kinh Thánh vượt quá tầm tiếp thu và giải nghĩa của các tín đồ. Điều này tạo nên sự khác biệt văn hóa của hai giáo hội, văn hóa Công giáo La Mã tạo sự ổn định với cơ sở là sự phục tùng, văn hóa Tin Lành ủng hộ tính sáng tạo năng động đa dạng về mặt xã hội, nhất là trong việc giải thích áp dụng Kinh Thánh trong luân lý đạo đức.
            Tin Lành nhấn mạnh giáo lý "chỉ có ân điển" hay còn gọi là "ân sủng", là sự ban cho của Đức Chúa Trời dành cho người tin đạo. "Theo Luther thì cơ chế mang ân sủng đến cho tín hữu là đức tin. Qua đức tin, người tín hữu hướng đến quan hệ trực tiếp với Đức Kitô, nguồn của ân sủng" [17]. Những khiếm khuyết về việc làm đạo đức khiến cho con người không thể nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nhưng tình yêu thương khó hiểu của Ngài lại cứu vớt con người mà không cần có bất kỳ điều kiện nào. Với giáo lý này, Tin Lành đã lấy mất đi cái bộ hãm tinh thần dựa trên sự sợ hãi trước tổ chức giáo hội, mọi lực lượng siêu nhiên và cũng chẳng lo sợ bị đày đi xuống địa ngục. Sự đề cao tự do cá nhân của đạo Tin Lành làm cho tín đồ sống chủ quan, dễ sa đà ăn chơi phóng túng, mê đắm khoái lạc, say sưa nhậu nhẹt và ham muốn nhục dục. Điều này phần nào lý giải rằng trong cộng đồng Tin Lành vẫn có những người mang danh là tin theo đạo đã lâu, nhưng vẫn chưa có lối sống biến đổi biểu hiện phẩm chất của một tín hữu.
           Voltaire nêu ra một ý là "nếu không có Thiên Chúa thì người ta vẫn phải tạo ra Người" [18]. Quan điểm Tin Lành không chấp nhận một nền đạo đức đặt trên cơ sở như vậy, con người không nên sáng tạo ra một Đức Chúa Trời hay một con người đạo đức để lừa dối người khác vì như vậy là vô đạo đức, sớm muộn gì người ta cũng phát giác. Cũng không thể chấp nhận hiện tượng đạo đức làm thành một chủ thể Đức Chúa Trời được vì trí tuệ con người ngăn cản một sự thờ phượng, vâng lời một hiện tượng hay một trạng thái đạo đức mà bản chất chủ thể không có trí tuệ, cảm giác và ý chí. Một Đức Chúa Trời bất lực, vô cảm và hư ảo thì mọi sự tôn sùng cổ xúy thờ phượng theo quy luật trước sau cũng sẽ tàn lụi vì không có quyền năng cứu rỗi hay đem lại hạnh phúc cho con người đang sống trong thế giới hiện đại.
           Nhìn chung, tín đồ Tin Lành trên thế giới hay tại Việt Nam số đông lại theo xu hướng Thanh giáo, đức tin kiền thành và lối sống khổ hạnh. Sống đạo đức không phải là vì "sợ", động lực chính vẫn là đức tin, là đáp ứng tình yêu, nhưng người tín đồ lại sống không cân bằng với lối sống nghiêm ngặt tự kỷ, nguyên tắc đến tủn mủn và nhỏ nhặt cằn cỗi. Tín đồ trở thành những con người nghiêm nghị, khổ hạnh, trầm mặc, ít có cảm xúc trước lạc thú trần thế, xa lánh mọi trò vui lễ hội [19]. Điều này dẫn đến tính khép kín trong mối quan hệ với xã hội, với những người khác biệt tôn giáo, xa lạ với chính những người bà con họ hàng không theo đạo. Thật nghịch lý khi sống như vậy trong xu thế khách quan toàn cầu hóa, các vùng, các miền, các quốc gia dân tộc, các cộng đồng, từ chỗ tách rời nhau, độc lập với nhau đến chỗ gắn bó, liên kết, thành một chỉnh thể thống nhất, hữu cơ như trong ngôi nhà chung toàn cầu.
           Giáo lý về Nước Trời hay Vương quốc Thiên Đàng cùng với quyền bính của Chúa Jêsus chống lại sự ác, tội lỗi và tiêu vong, giải cứu con người trong lần Ngài đến trần gian lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm. Chúa Jêsus cũng sẽ đến lần thứ hai trong tư cách là Vua trên muôn Vua, con người sẽ bất ngờ thấy Ngài xuất hiện uy quyền và vinh quang ngự đến giữa đám mây. Sự kiện Chúa tái lâm trong tương lai - thế tục gọi là ngày tận thế - được giảng dạy nhưng về thời điểm và giờ khắc thì con người không được báo trước đích xác. Từ giáo lý này mà các mục sư khuyên nhủ tín đồ phải sống đạo hạnh chuẩn bị cho ngày Chúa đến tiếp đón vào vương quốc của Ngài. Trên thế giới đã có không ít người tự xác định ngày giờ tận thế gây ra rất nhiều bi kịch cho những tín đồ nhẹ dạ cả tin. Tại Việt Nam năm 1945, năm 2000, gần đây là năm 2011 với biến cố Mường Nhé, cuối năm nay vào tháng 12 năm 2012 với lời tuyên truyền nội dung là "trái đất sẽ nổ tung, trời sẽ sập và mọi người sẽ chết hết; ai theo Vàng Chứ (Đức Chúa Trời) sẽ được Chúa đưa lên trời, được hưởng cuộc sống vui sướng, không làm cũng có ăn; ai không theo Vàng Chứ sẽ bị chết" [20]. Việc xưng Vua đón Chúa của nhiều người tự phát thành phong trào do chưa nhận thức rõ ràng về giáo lý này nên đã gây ra những biến cố mang tính chính trị, gây ra mâu thuẫn với chính quyền địa phương và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội Việt Nam.
           Các giáo sĩ đã đặt nền móng diễn tả giáo lý và hình thành tổ chức Hội Thánh Tin Lành đậm nét phương Tây xa lạ với người Việt. Vì là người ngoại quốc đến từ các quốc gia phương Tây nên các giáo sĩ ít nhiều có thái độ xem thường và tìm cách phủ nhận văn hóa dân tộc Việt Nam thay vì tìm ra cái hay cái đẹp, những cách phù hợp để giới thiệu Phúc Âm. Trong cái nhìn của các giáo sĩ ngoại quốc thì Việt Nam là một dân tộc thua kém nhiều mặt có cả những giá trị văn hóa tôn giáo tinh thần. Tất cả những điều này thể hiện qua các sách bào trình bày đề cao đạo Tin Lành, ứng đối va chạm với tín ngưỡng cổ truyền và các tôn giáo khác từng tạo nên một sự đề kháng quyết liệt của nhiều người.

         Những mâu thuẫn trách nhiệm tín hữu với người dân Việt Nam

         
Đạo đức Tin Lành trong thế kỷ XVI nhấn mạnh đến nền đạo đức cá nhân tu tập nhân đức và thực hành những việc đạo hạnh, thì nền thần học Tin Lành vào thế kỷ XX lại mở rộng nền đạo đức bằng việc kết hợp truyền giảng Phúc Âm với vấn đề phục vụ xã hội [21]. Các hội nghị quốc tế của Tin Lành trong thế kỷ XX tại Lausanne Thụy Sĩ, (1974) hay Hội Nghị về trách nhiệm xã hội tại Michigan Hoa Kỳ, (1982) với tuyên ngôn kêu gọi thực thi công lý, giải phóng mọi áp bức, không được bóc lột, tôn trọng nhân phẩm, phục vụ con người và lên tiếng tố cáo sự ác. Có sự tương tác giữa công tác truyền giảng và phục vụ xã hội. Điều này thể hiện ý chí của Đức Chúa Trời trong mục đích đời sống từng người để làm mọi việc lành [22]. Đạo đức có chức năng giúp tín đồ hành động có trách nhiệm và sống làm điều thiện với ý thức có ngày phải trả lời với Chúa những điều thiện điều ác mình đã làm [23]. Tích cực hơn có thêm chức năng là làm sao người tín đồ phải có lối sống thuyết phục và tình yêu thương thu hút đối với mọi người ở giữa xã hội. Một người sau khi theo đạo Tin Lành sẽ thay đổi lối sống cũ, tập tành theo nếp sống mới và thường hay "tuyên truyền" về đạo mà mình mới tin theo. Đặc tính "làm chứng" của một người theo đạo Tin Lành, bất kể là mục sư hay tín hữu bình thường, họ thường chia sẻ niềm vui đức tin với người khác. Nhận xét của M. Webber về truyền thống này đã có từ xưa là "sự cứu độ (cứu rỗi) của các linh hồn - và chỉ điều này mà thôi - mới là điểm mấu chốt trong cuộc sống và hoạt động của họ"[24]. Ý niệm "làm chứng" của tín hữu Tin Lành nói chung là một người khi đã biết điều gì đúng, điều gì thiện lành, điều gì làm cho cuộc sống tươi đẹp, thì mong ước được nói ra để mọi người cùng đón nhận vui hưởng. Quan niệm sống này không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo nhưng cũng cần nhân rộng trong cả lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.
            Khi đất nước ta còn trong bối cảnh phong kiến và thực dân, một nữ giáo sĩ tiên phong tại Việt Nam nhấn mạnh "trách nhiệm của những Cơ Đốc nhân chúng ta là mang Đấng Christ đến với họ, vì Ngài làm cho họ thoát khỏi nạn dốt nát, mê tín, pháp thuật và phù thủy, làm cho người ta biết đến Ngài là nghĩa vụ cao trọng biết mấy của những người truyền giáo"[25]. Người Việt Nam thông minh sâu sắc, quan sát tinh tế và có năng khiếu nghệ thuật nhưng bên cạnh cũng có tính tự phụ, tự tín, đa nghi thiện chí của người khác, đến từ hoàn cảnh đất nước thường bị xâm chiếm và đô hộ mà người Việt phải chịu đựng lâu năm [26]. Có người tỏ thái độ phản ứng trước những bài giảng thuyết, nói chuyện đàm luận với các giáo sĩ, mục sư và tín đồ và cả qua báo chí sách vở của đạo Tin Lành. Có người than phiền tín hữu Tin Lành ít tôn trọng đức tin người khác, thường hay "đả phá" niềm tin bình dân của người Việt Nam tin vào thầy phù thủy thầy địa lý, đoán tử vi, coi tướng số, cầu cơ, coi giò, thờ thần đánh giậm, cá ông, gắp phân, ăn trộm... Sự phê phán của các nhà truyền giáo và tín đồ đối với loại hình tín ngưỡng mang nhiều màu sắc mê tín dị đoan, đã làm mất thiện cảm từ người Việt Nam.
           Cộng đồng Tin Lành thể hiện bản chất và trách nhiệm đạo đức đối với những người thân nghèo khó hay cộng đồng xã hội qua việc làm từ thiện. Có những câu nói chỉ trích dèm pha thường như "theo đạo kiếm gạo mà ăn" cho thấy phản ứng phê phán một tôn giáo dùng vật chất tiền bạc để lôi kéo người ta. Diễn đàn "Suy nghĩ lại công cuộc Truyền giáo" (Rethinking Missions) do Willian E.Hocking, một giáo sư triết học Havard chủ trì; ông gợi ý tiếp tục phát triển công tác y tế, giáo dục và xã hội mà không kèm theo truyền giảng. Theo quan điểm của những người này nên tìm cách liên kết đức tin tôn giáo sẵn có của người dân bản địa với ý tưởng chung có liên hệ đến đức tin Cơ Đốc. Nhưng Hendrik Kraemer trong tác phẩm đã phê bình cho cách cổ vũ hòa lẫn này giữa Tin Lành với ngoại giáo cho thấy không thể nhận được sự tán thành chung [27].
           Saint -Simon (1760 - 1825) khai triển ý tưởng một ""Cơ Đốc giáo mới" với mục tiêu và nhiệm vụ là hướng dẫn xã hội tiến tới mục đích trọng đại là cải thiện một cách càng nhanh càng tốt số phận của giai cấp nghèo khổ nhất" [28]. Theo Schopenhauer (1788 -1860) thì "tôn giáo có giá trị của nó khi là niềm ủi an trong cảnh khốn cùng và trước cái chết. Nhưng điều đáng kể trong các tôn giáo không phải là niềm tin vào Thiên Chúa và các tín điều mà là các giá trị đạo đức"[29]. Mục đích chính của đạo Tin Lành xưa nay không nhằm nâng cao đời sống, chỉ an ủi con người hay giúp người ta sống đạo đức, nhưng "để xây dựng Hội Thánh và rao giảng Tin Lành"[30].    
         Ý chí của Đức Chúa Trời làm điều tốt lành cho mọi người, nhưng khi xã hội chưa biết đến ý định, qui luật, điều răn, những hướng dẫn của Đức Chúa Trời cho cuộc sống vĩnh phúc. Cho nên, người tín đồ và cộng đoàn Cơ Đốc ý thức nhiệm vụ sống đạo, giới thiệu và thuyết minh để chống lại nguy cơ suy thoái đạo đức xã hội; vì trong thế giới này có một qui luật tiêu vong nghịch hướng với sự sống và sự bảo tồn sự sống, cho nên cần có năng lượng đạo lý để tác động chống lại sự hỗn loạn và phá hủy.

          Những mâu thuẫn quan điểm chính trị với hiện tượng phát triển

        
Xét về phương diện lịch sử thì giữa tôn giáo và chính trị có gắn bó và tác động qua lại lẫn nhau, đây là vấn đề phức tạp và hết sức nhạy cảm đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Điều không thể phủ nhận là các nhà Cải Cách trong thế kỷ XVI sẽ không có thành quả là đạo Tin Lành nếu không có sự che chở giúp đỡ đáng kể từ thế lực của các vua chúa, hoàng tộc cùng với thiện cảm ủng hộ từ người dân tại Âu Châu. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vẫn giữ lập trường "đứng ngoài chính trị" giữ một khoảng cách nhất định giữa chính quyền và giáo hội [31]. Tuy nhiên, nếu muốn tăng thêm danh tiếng của một giáo hội tại Việt Nam, để mở rộng tầm hoạt động hay quan tâm đến những vấn đề xã hội như đường hướng Hiến chương thì đạo Tin Lành không thể không liên quan đến chính trị.
        Thực tiễn tại đất nước ta, hiện tượng phát triển của đạo Tin Lành ở vùng dân tộc thiểu số đã có tác động phức tạp đến chính trị. Mâu thuẫn dễ nhận thấy là sự phân rẽ sâu sắc tại các địa phương trong đời sống chính trị xã hội liên quan đến tộc người và tôn giáo. Tin Lành đến Việt Nam và các dân tộc thiểu số do các tổ chức truyền giáo từ phương Tây, đa số các giáo sĩ có quốc tịch Âu Châu và Hoa Kỳ. Thông qua các phương tiện truyền thông, việc giảng dạy Kinh Thánh của các giáo sĩ nước ngoài sẽ ảnh hưởng tư duy tín hữu trong đời sống xã hội. Việc nâng cao dân trí theo chiều hướng này chắc chắn không làm hài lòng chính quyền bất kỳ quốc gia nào muốn giữ chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ lợi ích dân tộc. Sự đụng chạm đến phương diện chính trị của đạo Tin Lành khiến các nhà quản lý tại các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị hay xử lý các hoạt động truyền đạo "trái phép". Những người tuyên truyền đạo trái phép thì cũng chính là những người dân địa phương, hay ở các bản làng chung quanh và cũng chẳng có chức sắc gì. Để được phép, họ cũng chẳng biết phải xin ai, cấp nào để được phép nói cho người thân về việc tin đạo, làm sao được phép sinh hoạt tôn giáo trong làng trong xã. Nhu cầu tâm linh không được đáp ứng thì phải làm liều, gặp gỡ và nhóm họp thì lại phạm luật "tụ tập trái phép". Làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương chẳng có cấp nào trả lời hay giải quyết.
          Vì những lý do trên chính quyền các cấp luôn có xu hướng đứng chung về phía với bộ phận dân chúng đề kháng ảnh hưởng Tin Lành để bảo lưu tập tục tín ngưỡng truyền thống, cố kết dòng họ và tộc người. Bỏ ông bỏ bà, bỏ cái "lý cũ" theo "lý mới", đi theo "Vàng Chứ", đi theo "Thìn Hùng", [hai chữ này trong tiếng H'Mông và tiếng Dao cùng nghĩa với Đức Chúa Trời trong tiếng Việt], không còn tham gia các lễ hội vui chơi truyền thống như đâm trâu uống rượu, lại nhiệt tình truyền bá niềm tin cho bạn bè bà con thân thích. Không thể nói khác hơn là đạo Tin Lành là tác nhân phá vỡ các quan hệ cộng đồng vốn bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số, làm mất dần vai trò của bản làng truyền thống, chia rẽ mâu thuẫn giữa những người theo đạo và không theo đạo, phương hại đến khối đoàn kết dân tộc, gây xáo trộn về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, và mất ổn định an ninh chính trị [32]. Chính quyền địa phương lập tức có biện pháp bằng "mệnh lệnh, biện pháp hành chính để giải quyết vấn đề tôn giáo, không ít biểu hiện thô bạo, khắt khe, thậm chí đi đến việc cấm đoán"[33]. Các thế lực chính trị bên ngoài đất nước có dịp tuyên truyền kích động, hiện tượng này đã xảy ra trong lịch sử Việt Nam, vì chính trị có thể dùng tôn giáo như một công cụ, lấy lý do tôn giáo bị bách hại dễ có được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân từ các quốc gia trên thế giới hơn là đấu tranh với căn tính chính trị, các biến cố tại Tây Nguyên và Tây Bắc khiến tín đồ Tin Lành trở thành nạn nhân của bạo lực và xung đột.
          Quá trình lịch sử đạo Tin Lành đã trải qua những khó khăn trong đời sống xã hội, nên một số mục sư và tín hữu Tin Lành chỉ muốn sống khép kín hơn là hòa mình vào trong xã hội Việt Nam. Đánh giá chung của các nhà nghiên cứu là sự phát triển của đạo Tin Lành là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng liên quan đến những vấn đề hết sức nhạy cảm về nhân quyền, dân tộc, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận,... Đỉnh điểm tạo nên những cuộc bạo loạn mang tính chính trị như đã xảy ra ở Tây Nguyên và Tây Bắc, các biến cố này đã gây ra ảnh hưởng khó khăn cho chính quyền trong việc quản lý, nhưng thiệt hại vẫn là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Dù vậy, qua biến cố này cũng đã làm cho các nhà quản lý rút ra kinh nghiệm và xem xét để có những bước đi cụ thể hợp pháp hóa ổn định hoạt động của đạo Tin Lành.
        Nguyên nhân đến từ sự thiếu hụt chức sắc đào tạo chính qui của Hội Thánh Tin Lành trong suốt một thời gian dài gần 30 năm, không có đủ người quản nhiệm và thi hành mục vụ tại Hội Thánh các địa phương ở Tây Nguyên. Đông đảo người dân tộc ở Tây Bắc mới nhận tin đạo tăng vượt mức kiểm soát lại không có mục sư hướng dẫn sống đạo. Tổng Liên Hội và Tổng Hội của Hội Thánh Tin lành hai miền khó có thể đi thăm viếng và tiếp cận những cộng đồng tín hữu mới gia nhập ở vùng sâu vùng xa, sinh sống dọc theo đường biên giới quốc gia. Tình trạng "phép vua thua lệ làng" của một số cán bộ địa phương tạo nên sự bức xúc bất mãn trong tín đồ và cả người dân, chính vì vậy đã hình thành những sự kiện liên quan đến chính trị.
        Đạo Tin Lành đề cao những giá trị về nhân bản, giá trị lao động, tạo ra mô hình đạo đức kinh tế năng động, để thay đổi đời sống cũng đã gây ra những cuộc di dân tự do. Nhiều tín đồ ở vùng đất Tây Bắc cằn cỗi đã tìm đến các vùng đất trù phú hơn như Đắc Lắc, Đắc Nông, Điện Biên, Thanh Hóa... vừa tránh bị cô lập đối xử vừa dễ cải tạo ở những vùng đất mới đã có đông đảo tín đồ [34]. Tin đạo đã thay đổi nhận thức và đời sống của các dân tộc ít người nhưng lại tạo ra một nghịch lý lôi kéo họ thoát ly môi trường hoang dã làm mất đi bản sắc cuộc sống tự nhiên vốn có trước đây. Giá trị nhân bản tạo điều kiện cho những dân tộc thiểu số được học hành tiến bộ hội nhập vào đời sống xã hội của đất nước, nhưng khi nhận thức của người dân tộc được nâng cao thì nảy sinh nhiều vấn đề trong tâm thế với chính quyền địa phương. Tín hữu trên cả nước đều muốn giữ đức tin tôn giáo thuần túy và là công dân một lòng yêu nước, không để bất cứ thế lực ngoại bang nào lợi dụng mình được. Vì đạo đức của Martin Luther đối với quốc gia đã được chỉ dẫn rất có ý nghĩa "Cơ Đốc nhân là công dân của vương quốc thuộc linh và cũng là công dân của nước mình đang sống. Trên thực tế, trước khi họ thuộc về nước Đức Chúa Trời, họ thuộc về quốc gia mà họ đang sống. Bởi vì họ được sinh ra trên đất trước khi trở nên Cơ Đốc nhân"[35]. Hội Thánh Tin Lành đã phải đối mặt với chiều hướng khó khăn từ trước đến nay trong quan điểm phân ly với chính trị nhưng thực tiễn lại cứ dính líu mâu thuẫn với chính trị.

        Lời kết

         
Đạo đức Tin Lành kế thừa một hệ thống đạo đức có chiều dài lịch sử nhân loại, qui định lối sống của một tín đồ trong mối liên hệ trách nhiệm với Đấng Thần Linh, đối xử nhân ái với đồng loại và bảo vệ môi trường tự nhiên. Nội dung đạo đức Tin Lành biểu hiện qua việc đề cao sứ mạng của mỗi tín đồ giữa trần thế, làm ăn với trách nhiệm có uy tín, đề cao lối sống tiết kiệm và cuộc đời của mỗi tín hữu phải sinh lợi. Những mâu thuẫn giữa đạo Tin Lành và xã hội Việt Nam tồn tại khách quan trong lịch sử phát xuất từ lễ nghi, giáo lý, lối sống và chính trị. Tuy nhiên những mâu thuẫn này là tất yếu trong quá trình vận động phát triển của đạo Tin Lành tại Việt Nam, theo phương pháp luận của duy vật biện chứng đây là mâu thuẫn không đối kháng, có thể giải quyết bằng cách phân tích tình hình cụ thể các mặt đối lập trong tinh thần thiện chí, khoan dung và chấp nhận sự khác biệt. Cả giáo hội và Nhà nước từng bước lựa chọn hình thức cụ thể và phương pháp thích hợp để giải quyết những mâu thuẫn. Việc chủ động giải quyết những mâu thuẫn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng, chính là tích cực tạo những điều kiện thuận lợi thúc đẩy đất nước phát triển ổn định.
         Đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và hiện đại hóa, nên mọi người cần có sự thay đổi nhận thức về chính mình, về xã hội và về thế giới mình đang sống. Vì như vậy, tất cả người dân không phân biệt có tôn giáo hay không tôn giáo đều có cơ hội như nhau đóng góp những giá trị tốt đẹp của chính mình xây dựng quê hương. Tín hữu Tin Lành tích cực tham gia hoạt động từ thiện, sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần duy trì đạo đức xã hội, ngăn ngừa tội phạm tệ nạn, đời sống đạo của người tín hữu Tin Lành đã có tác động tích cực đến xã hội. Giáo hội Tin Lành hai miền cũng nên nghiên cứu đưa ra những phương cách giúp cộng đồng tín hữu Tin Lành hòa nhập vào xã hội Việt Nam như nguyện vọng của tín hữu xưa nay mà vẫn không làm biến đổi Phúc Âm. Nhà nước đã hé mở ra cánh cửa chính sách thì cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để những giá trị nhân văn, chuẩn mực đạo đức Tin Lành góp phần làm phong phú hệ giá trị đạo đức dân tộc và hữu ích trong công cuộc xây dựng đất nước. Điều này cũng sẽ góp phần cho sự nghiệp giáo dục đạo đức cho tín hữu, giải quyết mâu thuẫn và làm giảm bớt khoảng cách giữa tín đồ Tin Lành và nhân dân trong cả nước.




       Hiển thị phần trích dẫn 

[1] Hoàng Thị Lan (Chủ biên) (2010), Ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, tr.44.
[2] Vũ Trọng Dung (Chủ biên) (2008), Giáo trình đạo đức học Mác - Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Tr. 35, 37.
[3] Huỳnh Công Bá (2007), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận Hóa. Tr. 432, 434.
[4] Hồng Đức Thiện Chính Thư. Số 153. 1959. Nguyễn Sĩ Giác dịch, Sài gòn. Tr. 65.
[5] Kinh Thánh (1994), The Holy Bible in Vietnamese. Bản dịch 1926. United Bible Societies, tr. 70 Math, 3:38.
   Công 17:28, Chân Giá Luận, Nhà In Tin Lành, Đà Lạt, 1942. Tr. 16. 
[6] Kinh Thánh. Sđd. tr. 88, 92. Xuất 20: 5,6; Luca 16: 22-26.
[7] Nguyễn Văn Thắng (Chủ biên) (2009), Gi ữ "Lý cũ" hay theo "Lý Mới"? Nxb Khoa học Xã hội. Tr. 149.
[8] Nguyễn Văn Thắng. Sđd. Tr. 150-151.
[9] Thánh Kinh báo số 11/1931 tr. 15; số 24/1933 tr. 60; số 27/1933 tr.19. Nhà In Saigon.
[10] Huỳnh Công Bá. Sđd. Tr. 433.
[11] Nguyễn Văn Thắng. Sđd. Tr. 149.
[12] Jean Baubérot (2006), Lịch sử Đạo Tin Lành, Nxb Thế giới. Tr.22.
[13] Jean Baubérot, Sđd. Tr. 9-22. Có 5 đặc trưng qua tiếng Latinh: Sola fide, là "chỉ có đức tin"; sola Scriptura, "Chỉ có Kinh Thánh"; sola gratia, "chỉ có ân điển"; solus Christus, "Chỉ có Đấng Christ; và soli Deo gloria; "Chỉ có Đức Chúa Trời". Tuy nhiên, các học giả thần học hay thế tục thường chỉ nhấn mạnh đến 2 hay 3 đặc trưng chính mà thôi.
[14] Frank S. Mead, Samuel S. Hill, Craig D. Alwood (2004), Hội Thánh Hiện Đại, Cẩm nang các Hệ phái, Tập 1,2 Viện Thánh Kinh Thần học Tp. Hồ Chí Minh. Tr. 29-30.
[15] Jean Baubérot, Sđd. Tr.10, 11.
[16] Jean Baubérot, Sđd. Tr.15.
[17] Carol Smith - Rody Smith (2011), Lịch sử Thiên Chúa giáo, Bản dịch Lê Thành, Nxb. Thời đại, Hà Nội. Tr. 332.
[18] Karl - Heinz Weger (1991), Phê bình Tôn giáo. Bản dịch của Chủng Viện Thánh Giuse. Nxb. Verlag Styria, Graz, Wien, Koln. Tr.310.
[19] Jean Baubérot. Sđd. Tr.18.
[20] Nguyễn Thị Thanh Nhã. 2007. Đạo Tin lành trong vùng dân tộc H'Mông ở Tây Bắc hiện nay. Luận Văn Thạc sĩ Triết học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tr. 43.
[21] Lưu Hồng Khanh (2003) Đạo đức học Cơ Đốc, Ban Tu thư Thần Học Viện Tin lành Việt Nam, Frankfurt. Tr. 20.
[22] Kinh Thánh. Sđd, tr. 270, Tít 2:14.
[23] Kinh Thánh. Sđd. tr. 221, Côr. 5:10.
[24] Max Webber (2008) Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Nxb. Tri thức. Tr. 158.
[25] G.H.Smith (1965) Victory in Vietnam. Zondervan Pub. House. Grand Rapids. Michigan, USA. Tr. 241.
[26] Đỗ Hữu Nghiêm (1968), Phương pháp Truyền giáo của Tin lành giáo tại Việt Nam. Luận văn Cao học Sử học, Đại học Saigon.Tr. 146.
[27] Earle E.Cairns (2005), Cơ Đốc giáo trải qua các thế kỷ. Nxb. Delta Press.Tr. 621-622.
[28] Karl-Heinz Weger, Sđd. Tr.72.
[29] Karl-Heinz Weger, Sđd. Tr.74.
[30] Hội Thánh Tin lành Việt Nam (MN) (2002), Hiến Chương Nxb. Tôn giáo. Hà Nội. Tr.6.
[31] Đỗ Quang Hưng (2003), Bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ giữa Nhà nước và giáo hội, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. Tr.180.
[32] Nguyễn Hồng Dương (2008), Kitô giáo ở Hà Nội, Nxb. Tôn giáo. Tr.136,137.
[33] Đỗ Quang Hưng (2008), Vấn đề Tôn giáo trong Cách Mạng Việt Nam. Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội. Tr. 278. 
[34] Nguyễn Văn Thắng. Sđd. Tr.163.
[35] Choi Sung Kyu (2010), Hiếu Thảo học, Nxb. Thời đại, Hà Nội. Tr.184.


          Tài liệu tham khảo

1. Hồng Đức Thiện Chính Thư, Số 153. 1959. Nguyễn Sĩ Giác dịch, Sài Gòn.
2. Kinh Thánh (1994), The Holy Bible in Vietnamese. Bản dịch 1926. United Bible Societies.
3. Chân Giả Luận. Nhà In Tin Lành. Đà Lạt. 1942.
4. Max Webber (2008) Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Nxb. Tri thức.
5. Hội Thánh Tin lành Việt Nam (MN) (2002), Hiến Chương. Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây