Cảm hứng văn chương của Nguyễn Việt Hà từ Kitô giáo

Thứ bảy - 29/05/2021 06:45
ThS. Phạm Văn Hải. Dẫn nguồn: Bài viết đã được in trong cuốn sách "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr. 465 - 472.
Nhà thờ Mằng Lăng - nhà thờ Công giáo, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh. M.T
Nhà thờ Mằng Lăng - nhà thờ Công giáo, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh. M.T
 


       Tôn giáo từ lâu đã là một trong những cảm hứng quan trọng để tạo nên những tác phẩm văn học. Văn chương thế giới từng có nhiều tác phẩm nổi tiếng lấy hình tượng tôn giáo làm đối tượng phản ánh như Tây du kí (1590) của Ngô Thừa Ân, Nhà thờ Đức Bà Paris (1831), Những người khốn khổ (1862) của Victor Hugo, Nghệ nhân và Margarita (1840) của Mikhail Bulgacov, Lũ người quỷ ám (1872) của Fyodor Dostoyevsky, Tiếng chim hót trong bụi mận gai (1977) của Colleen McCullough, Đoạn đầu đài (1986) của Aitmatov, và gần đây là Thiên thần và ác quỷ (2000), Mật mã Da Vinci (2003) của Dan Brown. Văn học Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm lấy cảm hứng hay chịu ảnh hưởng từ tôn giáo, đặc biệt là trong giai đoạn văn học trung đại. Trong văn chương Việt Nam hiện đại và đương đại, có một số tác phẩm tạo được dấu ấn khi lấy cảm hứng từ tôn giáo, tín ngưỡng như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan, Nhân sứ, Bụt mệt của Hòa Vang, Đường Tăng của Trương Quốc Dũng, Thợ may của Phạm Hải Vân, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Cõi người rung chuông tận thế; Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, Đêm thánh vô cùng của Sương Nguyệt Minh, Lời nguyền hai trăm năm của Khôi Vũ, Gióng của Lê Minh Hà, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương như Tàn đen đốm đỏ, Những đứa trẻ chết già… và đặc biệt là trong những tiểu thuyết của cây bút Nguyễn Việt Hà.
       Nguyễn Việt Hà là một cây bút xuất sắc, độc đáo của văn chương đương đại. Khác với những tác giả khác, Nguyễn Việt Hà tạo được dấu ấn của mình với nhiều thể loại như tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn. Đặc biệt, những tiểu thuyết của ông đã và đang làm mưa làm gió trên văn đàn với những ý kiến khen chê trái chiều. Bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng của cây bút Hà thành này là: Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộnBa ngôi của người. Những tác phẩm này được lấy cảm hứng từ Ki tô giáo, điều này có thể nhận thấy ngay từ tên gọi của nó.
       Kitô giáo là một trong ba tôn giáo lớn nhất thế giới cùng với Phật giáo và Hồi giáo. Tầm ảnh hưởng của Kitô giáo được cho là rộng lớn, trải dài nhiều quốc gia trên thế giới, từ phương Tây hiện đại tới phương Đông vẫn còn nhiều bí ẩn, từ những đất nước hiện đại của châu Âu, Bắc Mỹ cho tới những đất nước còn kém phát triển ở châu Phi, châu Á. Hiện nay, Kitô giáo là tôn giáo có đông tín hữu nhất với con số ước tính khoảng 2,2 tỷ người vào năm 2010, chiếm 32% dân số thế giới. Theo thời gian phát triển, những biến động và cải cách thì Kitô giáo hiện giờ được chia làm nhiều nhánh như Công giáo, Tin Lành, Chính thống giáo... Kitô giáo nổi tiếng với tư tưởng nhân văn được xây dựng dựa trên cơ sở của thế giới quan thần sáng tạo vũ trụ và vạn vật, quan phòng, chi phối mọi sự. Trên cơ sở nhân sinh quan, Kitô giáo xem con người là một sản phẩm kết hợp hai thực thể linh hồn và thể xác, linh hồn luôn có tính thiêng liêng, bất tử còn thể xác thuộc về thế giới vật chất. Nội dung cơ bản của tư tưởng nhân văn Kitô giáo chính là đề cao vị trí và vai trò của con người, xem con người là tinh hoa của vũ trụ, một chỉnh thể được kết hợp bởi những yếu tố vật chất và phi vật chất, bởi cái hữu hình và cái vô hình, bởi cái hữu hạn và cái vô hạn, bởi cái khả tử và cái bất tử…; đề cao quyền tự do và bình đẳng của con người như những nguyên tắc bất khả xâm phạm, vấn đề giải phóng con người khỏi những ràng buộc của những luật lệ và hủ tục phi nhân tính. Nội dung tư tưởng đạo đức cơ bản của Kitô giáo là bàn về các phạm trù công bằng, bác ái, khiêm nhường, nhẫn nhục, khoan dung và tha thứ như những chuẩn mực luân lý Kitô giáo. Tư tưởng nhân văn và đạo đức Kitô giáo có những tính chất như tính duy lý, tính hệ thống, tính kết hợp, tính duy tâm - siêu hình và tính nhân loại phổ biến. Các tính chất đó vừa thể hiện đặc trưng của tư tưởng nhân văn và đạo đức Kitô giáo, vừa thể hiện tính ưu điểm và nhược điểm của tư tưởng ấy đối với thực tiễn cuộc sống.
        Về giáo lý, những xác tín căn cốt của Kitô tập trung vào sự nhập thể làm người, sự đền tội cho nhân loại, sự chết trên thập tự giá và sự sống lại của Chúa Giêsu. Trọng tâm của Kitô là việc đặt yếu tố Thiên Chúa sai Con Một của mình đến thế gian để cứu nhân loại, đây là một điểm khác biệt với tư tưởng con người tự giải thoát mình của những tôn giáo khác. Hệ thống biểu tượng là một phần quan trọng của Kitô giáo cũng như nhiều tôn giáo khác. Các biểu tượng tôn giáo có tác dụng mạnh mẽ và lâu dài trên các tín hữu. giáo có nhiều biểu tượng, quy về đức tin Kitô giáo.
         Tại Việt Nam, Kitô giáo xuất hiện khá sớm từ thế kỉ thứ XVI, khi những giáo sĩ phương Tây tới truyền đạo. Hiện giờ, Kitô giáo là một tôn giáo lớn tại Việt Nam bên cạnh Phật giáo, Hồi giáo và những tôn giáo, tín ngưỡng khác. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, đến nay, số lượng tín đồ Kitô giáo có khoảng 7 triệu người. Trong đó, khoảng 6 triệu người Công giáo và khoảng 1 triệu người Tin Lành phân bố gần như khắp các vùng trên lĩnh thổ Việt Nam nhưng tập trung ở một số nơi như Ninh Bình, Sài Gòn,... Kitô giáo ở Việt Nam gồm hai nhánh: Công giáo La Mã và Tin Lành. Tôn giáo này có ảnh hưởng, là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của nhiều tác phẩm văn chương, trong đó nổi bật có những tác phẩm văn chương của Nguyễn Việt Hà. Đặc biệt, trong bộ ba tiểu thuyết của nhà văn này, chúng ta đã thấy được sự ảnh hưởng, biểu hiện của Kitô giáo. Nghiên cứu ba tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng, biểu hiện đầu tiên và rất quan trọng chính là ở nhân vật. Không tham xây dựng nhiều nhân vật, Nguyễn Việt Hà đưa vào tiểu thuyết của mình số lượng nhân vật khá ít ỏi so với nhiều tiểu thuyết của các nhà văn khác. Tuy nhiên, ông vẫn thành công khi tạo dựng được những nhân vật để thể hiện đức tin của con người trong thời đại cũng như vai trò không thể phủ nhận của tôn giáo với con người. Những nhân vật chính trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà đều là những nhân vật có ít hay nhiều đức tin tôn giáo, có thể là những con chiên sùng đạo hay những con người luôn đi tìm cho mình một đức tin giữa những “sự cùng quẫn mà cuộc sống tạo nên”. Những nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn này chính là những con người đại diện cho hiện thực của cuộc sống, những con người ở cái xã hội từ bao cấp cho tới thị trường với những sự tây hóa nhanh chóng. Chưa nhiều người xây dựng lên những nhân vật dựa trên đức tin tôn giáo và cũng chưa thể có được thành công như anh. Đọc bộ ba tiểu thuyết độc giả có thể thấy rất nhiều loại nhân vật, từ những con người anh hùng nửa nghệ sĩ như Hoàng, như Bạch hay Quốc Việt (Kun) cho tới những con người của thị trường nhuộm nhoạm như Nhã, như Vũ hay như Quang Anh. Đó cũng có thể là những con người “sinh ra ở cửa chúa nhưng lại là đứa vô đạo” như nhân vật Tôi, hay những nhân vật luôn phủ mình trong Đạo nhưng lại vẫn còn sợ sệt nó ảnh hưởng đến cuộc sống như mẹ của Hoàng, mẹ của Quang Anh.
        Trong tuyến nhân vật đầu tiên chính là ba nhân vật: Bạch, Hoàng và Kun. Đây là ba tín đồ của Chúa khi luôn có đức tin, luôn tin vào Thiên Chúa và mặc định mọi chuyện đều là ý Chúa. Họ là những con người nghệ sĩ, có lẽ vì thế mà đức tin mãnh liệt hơn, không bị cuốn theo vòng xoáy của thời đại nhưng cũng vì thế mà đôi khi người ta thấy những nhân vật này sống hơi bất thực tế, xa rời mọi chuyện và đánh mất đi những cái mình có. Phải chăng, ở cái xã hội này, chỉ những con người nghệ sĩ vốn suy nghĩ xa thực tế mới có thể có cho mình cái đức tin và cái đức tin ở họ mới mãnh liệt thế? Để chấp nhận mọi việc đều là ý Chúa? Trong tuyến nhân vật thứ hai, những con người “lập lờ” trong Đạo, đi tìm một đức tin, Nguyễn Việt Hà đã thành công khi xây dựng được những nhân vật như Vũ, như Tôi, những nhân vật có diễn biến tâm lý phức tạp. Xuất thân, hoàn cảnh và cuộc sống khác nhau nhưng hai người gặp nhau khi là những người sinh ra từ gia đình đạo, lúc tin lúc không và luôn bị ám ảnh, trăn trở việc có cho mình một đức tin hay không. Cả hai đi tìm cho mình những câu trả lời cho đức tin để khẳng định xem mình có tuyệt đối thuộc về Chúa hay không nhưng câu trả lời vẫn bỏ ngỏ, cả hai chưa thể tìm cho mình và cho những người xung quanh, những người thắc đã đang và sẽ thắc mắc có hay không đức tin của họ.
        Cùng với đó, Nguyễn Việt Hà đã xây dựng được những nhân vật “hiếm” đức tin, đức tin xuất hiện khi cùng quẫn như Tâm, Quang Anh. Họ là những con người sinh ra trong gia đình có đạo, có mối quan hệ mật thiết với những người con trung thành của Chúa nhưng cũng là những con người của thời đại nên không tin vào Chúa. Có thể nói, những con người của thời đại như Tâm hay Quang Anh thì không có một đức tin nào tồn tại thực sự theo đúng nghĩa của nó. Đức tin chỉ bất chợt xuất hiện khi con người ta rơi vào sự cùng quẫn hoặc với Quang Anh, đức tin có lẽ chưa hề xuất hiện. Một tuyến nhân vật khác rất được chú ý chính là những nhân vật đại diện cho tôn giáo của mình, đức tin vào Chúa như vị linh mục từ người chú tên Đức của Vũ, vị linh mục già ở nhà thờ lớn đã làm lễ cho con của Tâm, của vị linh mục bạn thân của Bạch, vị linh mục gặp Vũ ở một nhà thờ vô danh hay cho Hoàng một số lời khuyên. Cùng với đó là một số nhân vật phụ, nhân vật thoáng qua là những người thuộc thế hệ cũ. Họ vẫn đi lễ nhà thờ, tin tuyệt đối vào Chúa, giữ những nghi lễ của chúa nhưng họ cũng nhạt nhòa như chính vị trí của mình trong tác phẩm.
         Thông qua việc lấy niềm tin là chuẩn mực, Nguyễn Việt Hà đã xây dựng nên những loại nhân vật khác nhau. Với sự hiện diện đức tin ở trong mình khác nhau, mỗi loại nhân vật lại tiêu biểu cho một loại người trong xã hội. Ở đó, ta thấy được những người có đức tin dường như chỉ còn là những người nghệ sĩ, những con người ít bị ảnh hưởng bởi những điều bình thường của xã hội. Còn những con người càng trong vòng quay xã hội lại càng đánh mất đi đức tin trong mình, dù rằng đó là thứ không thể thiểu. Bởi lẽ, tôn giáo ra đời chính là dựa vào nhu cầu tìm một đức tin cho mình của con người.
         Bên cạnh sự ảnh hưởng của tôn giáo tới việc xây dựng lên hình tượng các nhân vật, biểu hiện trong các nhân vật thì độc giả còn bắt gặp rất nhiều yếu tố Kitô giáo trong ba tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà. Đầu tiên chính là những cái tên của ba tác phẩm mang đậm màu sắc Kitô giáo đã chứng minh cho điều đó. Cả ba tiểu thuyết đều mang những cái tên mà khi người ta đọc có thể thấy được một hình ảnh, cuốn sách hay nghi lễ của Kitô giáo: Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn và Ba ngôi của Người. Nguyễn Việt Hà cũng xây dựng nên một không gian đầy màu sắc Kitô giáo, trung tâm chính là khu phố Nhà Chung, nơi được coi là địa điểm nổi tiếng nơi sinh sống của những người theo Đạo ở Hà Nội. Bên cạnh đó còn là những Bờ Hồ, Bưu điện thành phố, Tràng Tiền, hay các tuyến phố trung tâm và xa hơn là cả các tuyến đường đi ra “cao - xà - lá” ở mạn Thanh Xuân. Với không gian cụ thể, không gian sống thì những nhà thờ cũng xuất hiện khá nhiều trong ba tiểu thuyết như Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Phát Diện, Nhà thờ Đức Bà, hay một nhà thờ vô danh trong rừng mà Vũ đã tìm đến, một nhà thờ trong tâm tưởng của anh thời còn ở Kiev. Ở đây, nhà thờ không chỉ còn là nơi thiêng liêng mà đơn thuần nó hiện diện để bóc trần lên những toan tính của con người trong xã hội. Hay Hang đá Đức Mẹ chính là nơi mà người cha trong Ba ngôi của Người được tìm thấy và chắc hẳn, như nhà văn nói người mẹ bỏ rơi con là người theo đạo nên không làm tận cùng của sự ác, một chút bấu víu lại niềm tin ở những con người, tận cùng của tội ác phải chăng vẫn còn một giới hạn chưa vượt qua?
        Trong bộ ba tiểu thuyết của mình, với cảm hứng Kitô giáo và những con người thị thành thì ngôn ngữ là một trong những khía cạnh mà độc giả có thể nhìn thấy đầu tiên khi tiếp cận các tác phẩm. Trong độ dài của các tiểu thuyết, không khó để thấy các nhân vật từ chính tới phụ sử dụng hàng loạt những từ ngữ, những câu nói như: “Lạy chúa”, “Ơn chúa”, “Sáng danh chúa”, “Cầu chúa”, “Thề có chúa”, “Đức Chúa anh minh”, “Cầu chúa ban phước lành”, “tin vào chúa”… Không chỉ sử dụng những ngôn từ trong lời nói, sinh hoạt hàng ngày mà rất nhiều những từ ngữ “chuyên ngành” dùng trong tôn giáo cũng được thể hiện như: các con chiên, thánh tử vì đạo, sa ngã, sám hối,… cũng được sử dụng là những từ chính trong các tiểu thuyết. Trong những ngôn ngữ đối thoại, độc thoại cũng đậm những yếu tố của Kitô giáo. Những nhân vật khi đối thoại dùng những từ gọi Chúa, cầu Chúa,… hay cả khi độc thoại một mình thì cũng chung một ngôn ngữ của những người Kitô giáo. Và tất nhiên, khi đi tìm sự biểu hiện của tôn giáo trong một tác phẩm thì những tên gọi cũng là điều mà bất cứ ai cũng không thể bỏ qua khi đọc bộ ba tiểu thuyết. Từ những tên gọi các vị Thánh như Tê-rê-sa, Thánh Ausgutino,… tới Thiên Chúa, Đức Mẹ… hay cả những tên của các nhân vật cũng chính là những tên đặc trưng của người theo đạo. Đó là nhưng Giuse Tâm, Anna Nghi, Giuse Vũ,… Trong những tiểu thuyết của mình, Nguyễn Việt Hà còn đưa vào đó nhiều biểu tượng, nghi lễ hay các ngày hội của Kitô giáo vào những câu chuyện, nhân vật trong tiểu thuyết của mình như một cách tạo nên không gian, tạo nên màu sắc tôn giáo cho tiểu thuyết của mình. Những biểu tượng quan trọng, đầy ý nghĩa xuất hiện như cây Thánh giá, Thập tự giá, Trái tim Đức Mẹ, tượng Đức mẹ, Hang đá Đức mẹ... Một số ngày lễ cũng xuất hiện như lễ Phục Sinh, Lễ Đức mẹ hồn xác lên trời, Lễ giáng sinh... Những nghi thức của tôn giáo cũng hiện diện như nghi thức rửa tội, học Bổn... Không chỉ vậy, Nguyễn Việt Hà còn đưa một cách khéo léo vào trong bộ ba tiểu thuyết của mình những câu chuyện về lịch sử Kitô giáo ở Việt Nam, đặc biệt là qua những hồi ức về kiếp luân hồi của người cha trong Ba ngôi của Người và trong những ghi chép của linh mục Đức, người chú ruột mà Vũ luôn tìm kiếm để giải đáp những trăn trở của mình bấy lâu nay. Trong Cơ hội của Chúa, qua câu chuyện của nhân vật Hoàng trong ngày cuối cùng ở Sài Gòn cùng Nhã, Hoàng đã đọc quyển Tân ước do chính Đức Hồng y chấp bút. Rồi anh gặp gỡ với cha Mai, người có thể coi là vị linh mục có tầm tri thức bách khoa rộng đến kinh ngạc, là bộ đại từ điển về lịch sử truyền giáo vào đất Việt. Có thể thấy ba tiểu thuyết có sự hiện diện đậm đặc của những yếu tố Kitô giáo qua ngôn ngữ, không gian, nghi lễ, câu chuyện… Những ngôn ngữ mang màu sắc tôn giáo từ đối thoại, độc thoại, hay cả ngôn ngữ của tác giả tới sự xuất hiện của những không gian nhà thờ, với câu chuyện lịch sử truyền giáo cho tới những nghi lễ, những biểu tượng thì có khẳng định phần nào đây là những tiểu thuyết mang đậm yếu tố Kitô giáo.
          Có thể thấy, Kitô giáo đã có ảnh hưởng nhất định tới tác giả. Nguyễn Việt Hà là nhà văn nhưng đồng thời ông cũng là người theo đạo, sinh ra và lớn lên ở khu phố của những người theo Đạo nên có thể nói, những ảnh hưởng từ tôn giáo đã tác động đến nhà văn này từ nhỏ, theo thời gian và in đậm vào trong những tác phẩm của mình. Vẫn có sự xuất hiện thoáng qua của những hình ảnh Phật giáo, nhưng Ki tô giáo vẫn là cảm hứng chủ đạo trong những tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà. Ông đã tạo nên một bức tranh của những con người tôn giáo, con người thời đại. Nếu không phải là người am hiểu, là một người theo đạo thì liệu Nguyễn Việt Hà có thể xây dựng được những câu chuyện, nhân vật như đã làm trong những tiểu thuyết của mình? Sự thể hiện những yếu tố tôn giáo qua nhân vật, qua ngôn ngữ, biểu tượng... chính là dấu ấn thể hiện sự ảnh hưởng của tôn giáo tới chính bản thân nhà văn. Thông qua cảm hứng tôn giáo tạo nên những tác phẩm, Nguyễn Việt Hà đã thể hiện được những giá trị tư tưởng sâu sắc về vai trò của tôn giáo tới việc thể hiện điều mình muốn gửi gắm qua tác phẩm. Nhờ cảm hứng tôn giáo Nguyễn Việt Hà đã thành công trong việc xây dựng nên một xã hội thu nhỏ trong tác phẩm của mình. Ở đó, tôn giáo như một màu sắc thú vị, một đòn bẩy giúp cho những thông điệp, những giá trị được thể hiện một cách sâu sắc và chân thực nhất. Xã hội đã tác động lớn đến tôn giáo, một xã hội càng phát triển, càng lộn xộn thì chỗ đứng của tôn giáo càng bị hẹp đi nhưng ngược lại. Tôn giáo ra đời dựa trên nhu cầu cần chỗ dựa tinh thần của con người vì thế con người càng đau khổ thì tôn giáo càng có chỗ đứng cho mình. Một xã hội đem đến cho con người những nỗi đau, sự cùng quẫn thì ở đó họ chỉ có thể tìm cho mình niềm tin nơi tôn giáo. Cuộc sống thực tại là vậy, càng phát triển thì càng khiến con người thay đổi, nhiều nỗi đau hơn và khi tôn giáo tưởng như mất đi vị thế của mình thì cũng là lúc nó thể hiện được vai trò không thể thay thế.
         Chung quy lại, có thể nói qua ba tiểu thuyết của mình, Nguyễn Việt Hà đã chứng minh được vai trò của tôn giáo với chức năng xã hội, an ủi con người, giáo dục đạo đức, các chuẩn mực xã hội cũng như giáo dục con người. Và đây cũng chính là thực tại cuộc sống, dù hiện đại và phát triển tới đâu thì tôn giáo vẫn luôn có một vị trí quan trọng với đời sống con người, mang nhiều chức năng và giá trị không thể thay thế được.


Tài liệu tham khảo

1. Carol Smith - Roddy Smith (2011), Lịch sử Thiên Chúa giáo, Nxb. Thời đại.
2. Nguyễn Việt Hà (2013), Cơ hội của Chúa, Nxb. Trẻ
3. Nguyễn Việt Hà (2013), Khải huyền muộn, Nxb. Trẻ
4. Nguyễn Việt Hà (2015), Ba ngôi của Người, Nxb. Trẻ
5. Nguyễn Kiên Trường (dịch), Từ điển Tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, Nxb. Tôn giáo.


 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây